Vụ Án Trường Oxford - Chương 18 - 19

Chương 18

Đến giờ tôi vẫn còn giữ một bản của tờ Thời báo Oxford thứ Hai hôm ấy, với bao nhiêu sự dàn dựng cẩn trọng để tác động đến duy nhất một độc giả ma. Trong khi nhìn lại tấm hình đã hơi mờ của người nhạc công đã chết và những ký hiệu, rồi đọc lại những câu hỏi chuẩn bị sẵn cho thanh tra Petersen, tôi lại cảm thấy như thể đang bị những ngón tay giá lạnh sờ vào người, cái rùng mình trong giọng nói của Seldom khi ông đáp rằng có lẽ cho đến thứ Năm là một khoảng thời gian quá dài. Trên hết mọi thứ, tôi hiểu ra sự kinh hoàng ông đã cảm thấy trước cái cách mà những ức thuyết trong thế giới thật tự tạo ra một cuộc đời của chúng, khi chúng vẫn còn đang bám trên mặt giấy trước mắt tôi. Nhưng trong buổi sáng huy hoàng đặc biệt ấy, tôi không có một tiên kiến nào cả, và đọc về vụ án một cách hăm hở, không phải không có một chút tự hào và, không nghi ngờ gì cả, một ít kiêu hãnh ngớ ngẩn, vì mình đã biết hết gần hết chuyện này trước rồi.

Lorna gọi tôi rất sớm. Nghe tiếng nàng gần như đang bị kích thích - nàng cũng vừa thấy bài báo và muốn chúng tôi đi ăn trưa để tôi kể cho nàng tuyệt đối hết mọi chuyện. Nàng không thể tự tha thứ cho mình, hay cho tôi, vì đã để nàng ở nhà chiều hôm trước trong khi tôi ở ngay đó, tại buổi hòa nhạc. Nàng vì thế mà đâm ghét tôi rồi, nhưng nàng sẽ bỏ được mối ác cảm vào giờ ăn trưa, và gặp tôi tại quán cà phê Pháp trên phố Little Clarendon, cho nên nếu tôi nghĩ cả đến chuyện đi ăn trưa với Emily cũng đừng hòng. Chúng tôi gặp nhau ở Café de Paris, cười và trò chuyện về những vụ giết người, và ăn bánh crêpe với dăm bông theo cái lối hơi bất cẩn, không lo sợ điều gì của những cặp tình nhân trẻ hạnh phúc. Tôi thuật lại cho Lorna nghe lời thanh tra Petersen: người nhạc công đã qua một cuộc giải phẫu phổi rất nghiêm trọng, và bác sĩ của ông ta ngạc nhiên là ông ta đã không chết sớm hơn.

“Trường hợp bà Eagleton và Ernest Clarck cũng thế,” tôi nói, rồi chờ phản ứng của nàng đối với cái giả thuyết vụn của tôi. Nàng suy nghĩ một lúc.

“Bà Eagleton thì không hẳn. Em gặp bà cụ ở bệnh viện mấy hôm trước khi chết, và cụ ấy rất vui mừng vì các xét nghiệm cho thấy bệnh ung thư của cụ đang có biểu hiện suy giảm. Bác sĩ đã nói cụ ấy còn sống thêm được khá nhiều năm nữa.”

“À,” tôi nói, như thể đấy chỉ là một phản đối vặt vãnh, “đấy nhất định là một cuộc trò chuyện riêng tư giữa bà cụ và bác sĩ, không có cách nào hung thủ lại biết được.”

“Vậy là hắn chọn toàn những người sống lâu hơn đã dự đoán? Ý anh nói thế à?”

Mặt nàng u ám mất một lúc, và nàng chỉ tay về cái ti vi sau quầy đối diện phía nàng. Tôi quay lại và nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của một cô bé tóc quăn trên màn hình, và ở dưới, là một số điện thoại cùng với lời kêu gọi toàn nước Anh hãy gọi tới đây.

“Chính là cô bé anh đã gặp ở bệnh viện đấy à?” Tôi hỏi Lorna. Nàng gật đầu.

“Nó bây giờ đã nằm trên cùng của danh sách cần cấy ghép khẩn cấp trên toàn quốc. Nhiều lắm nó chỉ còn bốn mươi tám tiếng đồng hồ để sống nữa thôi.”

“Còn người cha ra sao rồi?” Tôi hỏi. Tôi còn nhớ như in ánh mắt điên cuồng của ông ta.

“Mấy hôm nay em không gặp ông ta. Em nghĩ ông ta đã phải trở lại làm việc.”

Nàng chìa tay ra, lồng các ngón vào ngón tay tôi như để xua đi đám mây đen bất chợt trong lòng, và gọi thêm một cốc cà phê. Tôi vẽ một đồ hình trên khăn ăn để chỉ cho nàng vị trí của người nhạc công gõ, rồi hỏi nàng có biết cách nào tạo ra một sự tắc nghẽn hô hấp không.

Lorna nghĩ ngợi một lúc, tay khuấy ly cà phê.

“Em chỉ nghĩ được một cách không để lại dấu vết: một người có đủ sức mạnh có thể đã trèo lên từ phía sau và lấy tay bịt mồm với mũi ông nhạc công lại. Cái đó gọi là cái chết của Burke, theo tên của William Burke. Chắc anh đã thấy tượng sáp của hắn ở chỗ bà Tussaud. Hắn có một nhà trọ ở Edinburgh vào những năm 1820. Hắn đã giết mười sáu người rồi bán thi thể cho người tập giải phẫu. Làm nghẹt thở người có dung tích phổi quá suy giảm không cần nhiều hơn vài giây đâu. Em cho rằng hung thủ đã giết người nhạc công như thế, trong khi đèn pha đang xoay lại về hướng ông ta. Hắn buông tay ra tức khắc, nhưng hô hấp của ông già đã kịp tắc nghẽn lại, và cả tim không chừng. Cảnh mà các anh đã thấy - ông ta đưa tay đỡ lên cổ, như đang bị một con ma túm lấy - chính là phản ứng điển hình của một người không thở được.”

“Còn chuyện này nữa,” tôi nói. “Em có nói chuyện thêm với anh bạn giám định pháp y của em về vụ khám nghiệm ông Clarck chưa? Thanh tra Petersen tin là ông ta có một cách giải thích khác đấy.”

“Chưa,” Lorna nói, “nhưng anh ta có mời em đi ăn tối mấy lần. Anh có nghĩ em nên nhận lời rồi tìm hiểu không?”

“Không, không đâu,” tôi đáp, bật cười. “Anh có thể sống với cái bí ẩn này được.”

Lorna liếc nhìn đồng hồ.

“Em phải quay lại bệnh viện rồi, mà anh vẫn chưa nói gì về cái liên chuỗi ấy cả. Hy vọng là không khó hiểu lắm, em quên hết môn toán rồi.”

“Không, cái đáng ngạc nhiên chính là chỗ lời giải đáp giản dị như thế nào. Cái liên chuỗi ấy chỉ là 1, 2, 3, 4... trong cách ký hiệu của những người theo Pythagoras.”

“Hội huynh đệ theo Pythagoras ấy à?” Lorna hỏi, như thể điều này khuấy lên cái gì đó từ trong ký ức.

Tôi gật đầu.

“Em có học vắn tắt về họ trong một phần khóa học Lịch sử Y khoa. Họ tin ở sự đầu thai của linh hồn, đúng không? Em chỉ nhớ là họ có một lý thuyết rất tàn nhẫn về những người thiểu năng trí tuệ, mà về sau người Sparta và các thầy thuốc của Croton đem ra ứng dụng. Họ đề cao trí thông minh rất mực, và tin là người thiểu năng trí tuệ là hậu thế của những kẻ kiếp trước đã phạm tội lỗi khủng khiếp. Họ đợi tới lúc nhũng người này lên mười bốn tuổi, lứa tuổi quyết định đối với hội chứng Down, rồi dùng người nào sống sót làm vật thí nghiệm y khoa. Họ cũng là những người đầu tiên thử nghiệm Cấy ghép các bộ phận. Bản thân Pythagoras cũng có một bên đùi làm bằng vàng. Họ ăn chay, nhưng không được phép ăn đậu.” Nàng mỉm cười. “Bây giờ, em thực sự phải đi rồi.”

Chúng tôi tạm biệt bên ngoài quán cà phê. Tôi phải trở lại Viện để viết báo cáo đầu cho quỹ học bổng, và tôi phải bỏ hai tiếng liền để xem lại hết các bài nghiên cứu đồng thời sao chép lại các dẫn chứng. Đến bốn giờ kém mười lăm phút, tôi xuống nhà dưới như mọi ngày, đến phòng công cộng, nơi các nhà toán học tụ tập uống cà phê. Căn phòng đầy người hơn mọi hôm, như thể không có ai ở lại trong văn phòng mình hôm ấy, và tôi lập tức nghe những tiếng thì thầm đầy kích động. Gặp mặt tất cả bọn họ một chỗ - nhút nhát, xuềnh xoàng, lịch sự - tôi lại nhớ đến lời Seldom. Phải, họ đấy, hai thiên kỷ rưỡi sau đang sắp hàng mua cà phê một cách trật tự, đồng xu cầm trong tay, những đồ đệ miệt mài của Pythagoras. Trên bàn có một tờ báo đang mở ra, và tôi ngỡ là họ đang bàn tán về liên chuỗi ký hiệu. Nhưng hóa ra tôi lầm.

Emily nhập bọn với tôi trong hàng, và nói, mắt sáng lên như đang tiết lộ một bí mật chỉ có ít người được nghe: “Rõ thật rồi, anh ta đã làm được,” bà nói như thể chính mình cũng chưa tin được vào điều ấy. Khi nhìn thấy khuôn mặt ngơ ngác của tôi, bà thêm vào: “Andrew Wiles ấy! Em chưa nghe gì à? Anh ta đã xin thêm hai tiếng đồng hồ để thuyết giảng tại hội thảo Lý thuyết Số tại Cambridge ngày mai. Anh ta sẽ chứng minh ức thuyết Shimura-Taniyama. Nếu đi được tới cùng, anh ta coi như đã chứng minh định lý Fermat. Một nhóm toán học gia đang định đi Cambridge để dự vào ngày mai. Đây có thể là ngày quan trọng nhất trong lịch sử toán học.”

Podorov đi vào, trông vẫn ủ rũ như thường nhật. Nhìn thấy dãy người dài đang sắp hàng, anh ta quyết định ngồi xuống và đọc tờ báo. Tôi lại chỗ anh ta, tay giữ thăng bằng một cốc cà phê bốc khói và chiếc bánh bông lan. Anh ta ngước lên từ tờ báo và liếc nhìn xung quanh một cách khinh thị.

“Thế anh đã ghi danh cho chuyến đi ngày mai chưa? Tôi có thể cho anh mượn máy chụp hình,” anh ta nói. “Cả lũ bọn họ đều sẽ muốn chụp một bức đứng bên bảng đen của Wiles, cùng với bài chứng minh.”

“Tôi không chắc mình sẽ đi nữa,” tôi nói.

“Sao thế? Có xe bus miễn phí, và Cambridge cũng là một chỗ rất đẹp kiểu Anh quốc. Anh đã tới chưa?”

Anh ta đang thờ ơ lật từng trang báo, bỗng sáng mắt lên khi trông thấy bài báo dài về những vụ án mạng và chuỗi ký hiệu. Anh ta đọc hai ba dòng đầu và giật mình ngờ vực, ngước nhìn tôi.

“Hôm qua anh đã biết hết chuyện này rồi à? Những vụ giết người này xảy ra từ bao lâu rồi?”

Tôi nói rằng vụ án mạng đầu tiên xảy ra cả tháng trước, nhưng đến giờ cảnh sát mới quyết định tiết lộ các ký hiệu.

“Còn Seldom lại làm gì ở đây?”

“Những tin nhắn sau mỗi vụ giết người đều gửi cho ông ta. Lời nhắn thứ hai, với ký hiệu con cá, xuất hiện ở ngay chỗ mình, dán vào cánh cửa chính.”

“À, phải, tôi nhớ có vụ lộn xộn nhỏ gì đó vào hôm ấy. Tôi có thấy cảnh sát, nhưng lại nghĩ là có ai đã đập vỡ một cánh cửa sổ.”

Anh ta quay lại với tờ báo và đọc nốt bài báo.

“Nhưng không thấy tên Seldom chỗ nào cả.”

“Cảnh sát không muốn tiết lộ là ba lời nhắn đều nhắm vào ông ta.”

Anh ta nhìn tôi lại lần nữa nhưng thái độ đã thay đổi hẳn: giờ đây anh ta đang có vẻ hứng chí.

“Thế là có ai đang chơi mèo vờn chuột với ngài Seldom vĩ đại đấy. Có lẽ trên trời vốn có công lý thật. Do một vị thần toán học phân phát, dĩ nhiên.” Anh ta nói một cách bí hiểm. “Anh thử hình dung vụ giết người thứ tư sẽ như thế nào? Một cái chết đúng theo ý nghĩa thiêng liêng của hình tứ linh?” Anh ta nhìn quanh như tìm kiếm một cảm hứng. “Tôi nhớ không lầm thì Seldom thích chơi bowling, ít nhất là trong một lần tôi còn nhớ. Hồi ấy trò này ở bên Nga không được biết đến nhiều lắm. Trong bài giảng, ông ta đã so sánh mười điểm của tứ linh như cách xếp đặt các con ky khi vào cuộc chơi. Và có một kiểu ghi điểm khi mà ta chỉ ném banh một lần mà làm đổ được hết mười con ky.”

“Cú strike,” tôi nói.

“Phải, chính xác. Có phải một từ tuyệt diệu không?” Và anh ta lặp lại bằng cái giọng Nga rất nặng của mình, mỉm cười một cách kỳ lạ như thể đang hình dung một trái banh vô phương ngăn chặn, và những cái đầu rơi. “Strike!”

Chương 19

Đến năm giờ chiều thì tôi đã hoàn thành bản nháp của báo cáo. Trước khi rời khỏi văn phòng, tôi mở email ra xem lại. Có một lời nhắn ngắn của Seldom bảo tôi đến gặp ông ở Merton sau buổi thuyết giảng, nếu rảnh. Tôi phải đến đó thật vội để kịp giờ. Tôi trèo lên cầu thang nhỏ dẫn đến phòng học, và nhòm qua kính cửa sổ, thấy ông đang thảo luận về một vấn đề trên bảng đen với hai sinh viên ở lại sau giờ.

Các sinh viên ra khỏi, và ông ra hiệu cho tôi vào phòng. Trong khi đang dẹp những giấy tờ của mình, ông chỉ vào một hình tròn trên bảng và nói:

“Chúng tôi đang bàn về ẩn dụ hình học của Nicholas xứ Cusa - chân lý giống như chu vi của nó và những ý định của con người tiếp cận nó như một loạt những đa giác nội tiếp, càng ngày càng thêm số cạnh, đến cuối cùng cũng gần được với hình tròn. Đây quả là một ẩn dụ lạc quan, vì những bước kế tiếp nhau như vậy cho phép người ta cảm thấy được hình thể sau cùng. Tuy nhiên, cũng có một khả năng khác, mà sinh viên của tôi vẫn chưa biết đến, và làm nản lòng hơn nhiều.” Bên cạnh vòng tròn, ông vẽ nhanh một hình thể với vô số đỉnh và khe. “Tạm giả sử là chân lý có hình dáng như, nói chẳng hạn, một hòn đảo giống nước Anh, với bờ biển vô cùng không đều đặn, có vô số chỗ lồi và chỗ lõm. Lần này, nếu anh có phỏng chừng hình thể ấy bằng những đa giác, anh sẽ đụng phải nghịch lý Mandelbrot. Đường viền luôn luôn lẩn tránh, đứt gãy ra với mỗi lần, thành thử như vậy còn nhiều chỗ lồi lõm hơn nữa, và cố gắng của con người nhằm xác định nó đơn giản là sẽ không bao giờ đến được hình thể cuối cùng. Cũng thế, chân lý có thể không chịu thua một loạt những phỏng chừng. Cái này nhắc anh nhớ đến điều gì nào?”

“Định lý Gödel? Các đa giác coi như những hệ thống càng lúc càng nhiều tiên đề, nhưng một phần của chân lý luôn nằm ngoài tầm với.

“Có lẽ đúng, hiểu theo một nghĩa. Nhưng nó còn giống với vụ án này, và kết luận của Wittgenstein cùng Frankie: những đề mục được cho biết của một liên chuỗi, không cần biết bao nhiêu đề mục, luôn luôn bất cập. Làm sao chúng ta tiên nghiệm được rằng trong hai cái hình thể ấy, chúng ta đang gặp phải cái nào? Anh biết không,” ông đột ngột nói, “cha tôi có một thư viện lớn, với một tủ sách ở chính giữa nơi ông giữ những sách tôi không được phép đọc, có cửa khóa lại. Khi ông mở tủ ra, tôi chỉ thấy được một bức hình khắc gỗ ông nhét vào trong ấy, hình một người một tay chạm đất, còn tay kia giơ lên trời. Dưới hình là một phụ đề bằng thứ tiếng gì tôi không biết, mà về sau phát hiện ra là tiếng Đức. Sau đó tôi còn khám phá ra một cuốn sách mà tôi coi là kỳ diệu: một tự điển song ngữ cha tôi dùng để dạy học. Tôi đã giải mã câu ấy, từng chữ một. Đó là một câu vừa giản dị, lại vừa bí ẩn: “Con người không là gì hơn ngoài chuỗi hành động của chính mình”. Tôi đã có một niềm tin tuyệt đối của đứa trẻ vào câu nói ấy, và tôi bắt đầu nhìn con người con người như những hình tượng tạm thời, chưa hoàn chỉnh; những hình tượng vẫn còn trong bóng tối, luôn luôn lẩn tránh không cho người ta hiểu được. Nếu con người không là gì hơn ngoài chuỗi hành động của hắn, tôi hiểu ra, thì hắn không thể được định nghĩa trước thời điểm hắn chết đi: một hành động đơn lẻ, hành động cuối cùng, có thể xóa sạch sự tồn tại trước kia của hắn, phủ nhận toàn bộ cuộc đời hắn. Và, trên tất cả, chính là chuỗi hành động của chính tôi làm tôi sợ hãi nhất. Con người không là gì khác hơn cái mà tôi sợ hãi nhất.”

Ông chìa bàn tay cho tôi xem, nó phủ đầy bụi phấn. Chắc là ông đã vô ý sờ lên mặt mình, vì có cả một vệt trắng nhìn khá buồn cười trên trán ông.

“Tôi quay trở lại ngay thôi - tôi phải đi rửa tay,” ông nói. “Nếu đi xuống tầng dưới, anh sẽ thấy phòng ăn. Anh có thể lấy giùm tôi một cốc cà phê lớn không? Không bỏ đường.”

Tôi gọi hai ly cà phê. Seldom xuất hiện vừa đúng lúc để mang cốc của ông đến một chiếc bàn đặt hơi tách rời khỏi những chiếc còn lại, có thể nhìn ra vườn. Từ cánh cửa mở của phòng ăn, chúng tôi thấy được dòng chảy lũ lượt các du khách đi vào trường và hướng về phía sân trong.

“Tôi đã nói chuyện với thanh tra Petersen sáng nay,” Seldom nói. “Ông ta kể với tôi về một sự nan giải liên quan đến chuyện đếm người chiều hôm qua. Một đằng thì họ biết con số chính xác những người đã vào trong vườn lâu đài từ những cuống vé thu lại khi họ vào cửa, và một đằng họ biết con số ghế đã có người ngồi. Người phụ trách chỗ ngồi có tính rất kỹ càng, và đảm bảo với họ là ông ta chỉ bỏ vào đúng số ghế thực sự cần thiết. Và chuyện lạ lùng đây: khi đếm xong, họ mới thấy hóa ra có nhiều người hơn ghế. Ba người đã không dùng ghế ngồi của họ.”

Seldom nhìn tôi như chờ đợi một lời giải thích ngay lập tức. Tôi loay hoay một lúc, hơi ngượng ngùng.

“Tôi tưởng ở nước Anh người ta không bao giờ lẻn vào trong các buổi hòa nhạc mà không trả tiền chứ[11].”

[11] Nhận xét của người dịch: Nếu số vé nhiều hơn số ghế, làm sao lại có thể đoán là có người lẻn vào không mua vé? Ở chỗ này nhân vật lập luận hoàn toàn ngược logic, một điều lạ đối với một nhà toán học.

Seldom cười to thoải mái.

“Ít nhất thì không vào các buổi hòa nhạc từ thiện. Ôi, đừng nghĩ ngợi làm gì; chuyện thật ra rất ngớ ngẩn. Petersen đùa với tôi đấy mà. Tâm tính ông ta hôm nay sáng sủa được một lần. Ba người dư ra kia là người tàn tật, ngồi xe lăn. Petersen rất hài lòng với kết quả đếm. Trong danh sách những người phụ tá ông ta đã kê ra, không có ai thiếu mặt cũng không ai thừa ra cả. Lần đầu tiên ông ta nghĩ rằng mình đã thu hẹp cuộc tìm kiếm lại được: thay vì năm trăm ngàn người ở Oxfordshire này, bây giờ ông ta chỉ cần quan tâm đến 800 người đã đi nghe hòa nhạc thôi. Ông ta tin rằng mình có thể còn thu hẹp thêm nữa một cách nhanh chóng.”

“Ba người trên xe lăn,” tôi nói.

Seldom mỉm cười.

“Đúng, trên lý thuyết thì ba người ngồi xe lăn cũng như một nhóm trẻ em bị hội chứng Down từ một trường đặc biệt, và một số quý bà cao tuổi - những người có khả năng nhất - đều đã có nguy cơ là nạn nhân.”

“Ông nghĩ yếu tố quyết định trong chọn lựa nạn nhân của hắn là tuổi tác sao?”

“Tôi biết anh có một lý thuyết khác: hắn lựa chọn những người đang sống thời gian vay mượn, sống lâu hơn dự đoán. Phải, trong trường hợp ấy thì tuổi tác cũng không phải một yếu tố loại trừ.”

“Petersen có nói gì với ông về cái chết hôm qua không? Ông ta có kết quả khám nghiệm chưa?”

“Có. Ông ta muốn loại trừ khả năng người này đã ăn phải cái gì trước buổi hòa nhạc tạo ra nghẽn hô hấp. Và hẳn nhiên, họ không tìm thấy gì cả. Cũng không có gì chứng tỏ bạo lực, không dấu vết trên cổ. Petersen nghĩ ông ta đã bị một kẻ quen thuộc với bản nhạc tấn công; hắn chọn khúc dài nhất không có tiếng gõ. Điều đó nghĩa là hắn có thể chắc chắn người nhạc công ở hẳn ngoài tầm đèn pha chiếu. Petersen cũng đã loại trừ việc đó có thể là một thành viên của dàn nhạc. Câu trả lời duy nhất, từ dữ kiện là vị trí người nhạc công ở tận cùng sân khấu, và không có dấu vết trên cổ ông ta, là có người trèo lên phía sau và…”

“Bịt miệng và mũi ông ta lại.”

Seldom nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên.

“Đó là ý nghĩ của Lorna.”

Ông gật đầu.

“Phải, tôi đáng ra phải đoán được: Lorna biết tất cả mọi thứ về tội ác. Người xét nghiệm cho rằng riêng việc chấn động vì bị tấn công là đủ kích thích sự tắc nghẽn hô hấp, trước cả khi người nhạc công cố chống cự. Ai đó đã trèo lên phía sau và tấn công ông ta trong bóng tối - nghe có vẻ như đó là lời giải thích hợp lý duy nhất. Nhưng chuyện chúng ta đã chứng kiến không phải như vậy.”

“Chắc chắn ông không nghiêng về giả thuyết bóng ma chứ?” Tôi hỏi.

Trước sự bất ngờ của tôi, Seldom lại có vẻ xem xét câu hỏi của tôi rất nghiêm chỉnh. Ông gật đầu chầm chậm.

“Phải,” ông nói, “giữa hai sự lựa chọn, giờ phút này tôi thích giả thuyết bóng ma hơn.”

Ông uống một ít cà phê và lại nhìn tôi.

“Không nên để cho sự nhiệt thành muốn tìm lời giải thích của anh can dự vào hồi ức của anh về các sự kiện. Thật ra, tôi mời anh gặp hôm nay vì tôi muốn anh xem thử cái này.”

Ông mở ca táp lôi ra một phong bì.

“Petersen cho tôi xem những tấm hình này lúc tôi đến văn phòng ông ta hôm nay. Tôi có xin giữ chúng đến mai, để anh có thể xem xét kỹ càng. Tôi đặc biệt muốn anh nhìn thấy chúng: đó là hình hiện trường nhà bà Eagleton - vụ án mạng đầu tiên, bắt đầu cho mọi thứ. Viên thanh tra đã trở lại câu hỏi ban đầu: vòng tròn trên lời nhắn thứ nhất liên quan gì đến bà Eagleton? Như anh đã biết, tôi cho là anh còn thấy một cái gì khác nữa ở đó, cái mà anh chưa nhận ra là quan trọng, nhưng nó vẫn còn lưu lại trong ký ức của anh. Tôi nghĩ là những tấm hình này có thể giúp anh nhớ lại. Toàn bộ đều tái hiện trong này đây,” ông đưa chiếc phong bì ra,” căn phòng khách, chiếc đồng hồ cúc cu, tràng kỷ, bảng ghép chữ Scrabble. Chúng ta đã biết là trong vụ án đầu tiên, hắn đã phạm một sai lầm. Cái đó tất phải nói với ta thêm một điều gì…” Seldom bị phân tâm một thoáng chốc. Ông nhìn quanh những chiếc bàn khác và hành lang. Bỗng nhiên mặt ông đanh lại như đã bị cái gì đó đánh động.

“Có người vừa bỏ cái gì vào hộp thư của tôi,” ông nói. “Quái lạ là ở chỗ người phát thư đã đi khỏi hồi sáng rồi. Hy vọng Thượng sĩ thám tử Sacks vẫn còn loanh quanh đâu đây. Đợi một phút, tôi phải ra xem thử.”

Tôi xoay mình trên ghế và nhìn thấy từ chỗ Seldom đang ngồi, ông chỉ có thể nhìn thấy hàng dọc cuối cùng của những hộp thư gỗ trên tường. Vậy ra đây là chỗ ông nhận được lời nhắn đầu tiên. Tôi bị ấn tượng ngay về việc thư từ của các thành viên trường này được bày ra công khai như vậy ngoài hành lang. Hộp thư của Viện Toán học cũng không được bảo vệ y như vậy. Khi Seldom quay lại, ông đang xem xét một thứ bên trong cái phong bì, với nụ cười rộng mở trên gương mặt như thể ông vừa nhận được tin vui bất ngờ.

“Anh còn nhớ nhà ảo thuật tôi đã từng nhắc, René Lavand? Ông ta đến Oxford hôm nay và ngày mai. Tôi có vé buổi diễn chiều nay ở đây. Phải đi vào hôm nay vì ngày mai tôi sẽ đi Cambridge. Anh có đi chung chuyến với các nhà toán học không?”

“Không, tôi nghĩ không được. Ngày mai là ngày nghỉ của Lorna.”

Seldom khẽ nhướng mày.

“Lời giải đáp cho bài toán quan trọng nhất trong lịch sử toán học đấu với một cô gái đẹp. Cô gái vẫn thắng, tôi chắc thế.”

“Nhưng tôi vẫn rất mong muốn được xem biểu diễn ảo thuật tối nay.”

“Dĩ nhiên, dĩ nhiên,” Seldom đáp, sôi nổi một cách lạ thường. “Anh nhất định phải xem chứ. Bắt đầu lúc chín giờ. Còn bây giờ,” ông nói như đang giao cho tôi một bài tập ở nhà, “về nhà và xem xét kỹ mấy bức hình đi.”