Mãi Đừng Xa Tôi - Phần I - Chương 07 - Phần 1

Chương Bảy

Giờ tôi muốn chuyển sang những năm cuối cùng của chúng tôi ở Hailsham. Tôi đang nói về thời kỳ từ khi chúng tôi lên mười ba cho đến khi chúng tôi rời trường năm mười sáu tuổi. Trong ký ức tôi, cuộc sống ở Hailsham chia làm hai phần riêng biệt: giai đoạn cuối này là một, tất cả những gì xảy ra trước đó là hai. Những năm đầu – những năm mà tôi đã kể cho bạn nghe –, chúng có xu hướng nhập vào nhau thành một thời kỳ hoàng kim, và khi nghĩ về toàn bộ những năm tháng đó, kể cả những chuyện chẳng lấy gì làm to tát, tôi không khỏi có cảm giác ấm áp thỏa lòng. Song những năm cuối thì khác. Những năm cuối không hẳn là không hạnh phúc – tôi có nhiều kỷ niệm mà tôi trân quý về những năm đó – tuy nhiên những năm ấy nghiêm túc hơn, và theo cách nào đó cũng ảm đạm hơn. Có lẽ tôi đã phóng đại trong tâm trí mình, nhưng tôi có ấn tượng như mọi việc thay đổi thật nhanh hồi đó, như ngày chuyển thành đêm vậy.

Cuộc nói chuyện với Tommy bên bờ ao: giờ đây tôi nghĩ về nó như một dấu mốc phân giữa hai thời kỳ. Chẳng phải là có chuyện gì hệ trọng xảy ra ngay sau đó; nhưng ít nhất với tôi cuộc nói chuyện ấy là một bước ngoặt. Nhất định là từ đó trở đi tôi bắt đầu nhìn sự vật một cách khác. Những gì trước kia thường khiến tôi chùn lại vì vụng về lúng túng thì giờ tôi ngày càng hay đặt câu hỏi về chúng hơn, nếu không phải hỏi to giữa chỗ đông người thì ít nhất cũng tự hỏi mình.

Đặc biệt, cuộc trò chuyện đó khiến tôi nhìn cô Lucy dưới một ánh sáng mới. Tôi cẩn thận quan sát cô bất cứ khi nào có thể, không chỉ vì tò mò, bởi nay tôi xem cô như một nguồn có thể cung cấp những manh mối quan trọng nhất. Chính vì vậy mà trong khoảng một, hai năm sau đó, tôi bắt đầu nhận ra được những điều nho nhỏ không bình thường mà cô nói hoặc làm, những điều mà các bạn tôi thảy đều bỏ qua không nhận thấy.

Chẳng hạn, có một lần, chắc khoảng vài tuần sau cuộc trò chuyện bên bờ ao, khi cô Lucy đang dạy chúng tôi môn tiếng Anh. Chúng tôi đang đọc một bài thơ, nhưng vì sao đó lại nói lan man sang chuyện những người lính bị giam trong trại tù binh hồi Thế chiến thứ hai. Một đứa trong đám con trai hỏi liệu hàng rào quanh trại có bị cắm điện không, rồi một người khác nói rằng sống ở một nơi như thế, nơi ta có thể tự sát bất cứ lúc nào mình thích chỉ bằng cách chạm vào hàng rào, thì chắc hẳn kỳ lạ lắm. Lẽ ra nói vậy hẳn hàm ý một điều nghiêm túc, nhưng tất cả bọn chúng tôi đều nghĩ về nó như một chuyện để vui cười. Cả bọn chúng tôi phá lên cười và nhao nhao nói cùng một lúc, thế rồi Laura – lúc nào cũng vậy – đứng lên ghế diễn vai một người chạm tay vào hàng rào và chết vì điện giật. Trong chốc lát mọi sự trở nên náo loạn, ai nấy đều la hét và bắt chước chạm tay vào hàng rào điện.

Suốt thời gian đó tôi liên tục quan sát cô Lucy và nhận thấy, chỉ trong một giây, một vẻ ma quái hiện lên trên mặt cô trong khi cô quan sát lớp học trước mặt mình. Thế rồi – tôi vẫn quan sát chăm chú –, cô tự kiềm chế, mỉm cười và nói: “Cũng chẳng khác gì hàng rào ở Hailsham không cắm điện. Đôi khi các em vẫn gặp những tai nạn khủng khiếp.”

Cô nói vậy một cách nhẹ nhàng, và bởi xung quanh mọi người đang la hét, giọng cô ít nhiều bị chìm đi. Nhưng tôi nghe lời cô rất rõ. “Đôi khi các em vẫn gặp những tai nạn khủng khiếp.” Tai nạn gì? Ở đâu? Nhưng không ai nắm được ý cô, và chúng tôi trở lại bàn luận về bài thơ.

Còn có những sự kiện nho nhỏ khác như vậy nữa, và chẳng bao lâu tôi đi tới chỗ xem cô Lucy không hẳn giống các giám thị khác. Thậm chí, cũng có thể ngay từ khi đó tôi đã bắt đầu hiểu được bản chất những nỗi lo âu và thất vọng của cô. Nhưng có lẽ nói chuyện đó thì quá xa; có thể rằng hồi đó tôi đã nhận ra tất cả những điều này mà chẳng biết phải làm gì. Và nếu tất cả các sự kiện đó giờ đây có vẻ đầy ý nghĩa và hợp lại thành một, thì có lẽ vì tôi đang nhìn chúng dưới ánh sáng của những gì xảy ra sau đó – đặc biệt là chuyện xảy ra vào cái hôm chúng tôi tránh trận mưa rào trong căn đình tạ.

*

* *

Hồi ấy chúng tôi mười lăm tuổi, đã là năm cuối ở Hailsham. Chúng tôi trong căn đình tạ đang sẵn sàng chơi một trận bóng rounders. Bọn con trai đang trong giai đoạn “mê” rounders để hòng tán tỉnh chúng tôi, nên chiều hôm đó chúng tôi có tới hơn ba chục đứa. Cơn mưa rào đã phủ đầu từ lúc chúng tôi đang thay đồ, thế là chúng tôi tụ tập cả ở hàng hiên – được mái đình tạ che mưa – trong khi chờ mưa tạnh. Nhưng trời cứ mưa mãi, và khi người cuối cùng trong bọn chúng tôi đã xuất hiện thì chỗ hiên đâm ra khá đông, ai nấy đều bồn chồn đi tới đi lui. Tôi nhớ Laura đang bày cho tôi xem một cách hỉ mũi đặc biệt đáng tởm khi ta thực sự muốn cho một đứa con trai nào đó ra rìa.

Cô Lucy là giám thị duy nhất có mặt. Cô tựa người vào lan can phía trước, đăm đăm nhìn mưa như thể cô đang cố nhìn thấu qua sân chơi. Tôi vẫn đang quan sát cô chăm chú như mọi khi trong những ngày đó, và thậm chí, dù đang cười đùa với Laura tôi vẫn liếc trộm về phía lưng cô Lucy. Tôi nhớ lúc đó mình tự hỏi liệu tự thế cô có cái gì đó hơi lạ không, đầu cô cúi xuống hơi quá, khiến trông cô như một con thú đang thu mình chực vồ mồi. Và cô cứ nhoài người ra khỏi lan can kiểu đó thì những giọt mưa từ máng xối nhô ra rỏ xuống gần như sát rạt bên người cô, nhưng hình như cô chẳng buồn để ý. Tôi nhớ lúc đó mình đã thực sự phải tự thuyết phục rằng chuyện đó chẳng có gì bất thường, rằng chỉ là cô đang nóng lòng mong mưa tạnh thôi, và trở lại chú ý vào những gì Laura đang nói. Thế rồi mấy phút sau, khi tôi đã quên bẵng mọi chuyện về cô Lucy và đang cười to để gạt ra khỏi đầu một điều gì đó, tôi chợt nhận ra rằng xung quanh tôi đã trở nên lặng như tờ, và cô Lucy đang nói.

Cô vẫn đứng nguyên ở chỗ ban nãy, nhưng lúc này cô quay mặt về phía chúng tôi, nên lưng cô tựa vào lan can, và bầu trời mưa nằm ở phía sau cô.

“Không, không, cô xin lỗi, cô sắp phải quấy rầy các em,” cô lên tiếng, và tôi thấy cô nói với hai đứa con trai đang ngồi trên ghế băng ngay trước mặt cô. Giọng cô không hẳn kỳ lạ, nhưng cô nói rất to, bằng cái giọng cô vẫn dùng để thông báo điều gì đó với cả bọn chúng tôi, và chính vì vậy mà tất cả đều im lặng. “Không, Peter à, cô không định ngắt ngang các em đâu. Cô không thể tiếp tục nghe các em mà vẫn im lặng nữa.”

Đoạn cô ngước lên nhìn tất cả chúng tôi và hít một hơi sâu. “Thôi được, các em có thể nghe, điều này là cho các em. Đã đến lúc phải có người nó ra điều này.”

Chúng tôi đợi trong khi cô vẫn đăm đăm nhìn chúng tôi. Về sau, ai đó bảo họ cứ nghĩ cô sắp sửa giáo huấn chúng tôi điều gì đó ra trò; những người khác thì cho rằng cô sắp công bố một quy tắc mới về việc chơi bóng rounders. Nhưng tôi biết từ trước khi cô nói tiếng tiếp theo rằng đó sẽ là một cái gì hơn thế.

“Các em à, các em phải thứ lỗi cho cô đã nghe chuyện riêng của các em. Nhưng các em ngồi ngay sau lưng cô nên cô không thể không nghe được. Peter, tại sao em không nói với những người khác điều em đang nói với Gordon hiện giờ?”

Peter J. trông có vẻ bối rối và tôi có thể thấy cậu ta đang chuẩn bị sẵn sàng cái bộ mặt ngây thơ vô tội bị tổn thương. Nhưng rồi cô Lucy lại nói, lần này nhẹ nhàng hơn nhiều:

“Peter, cứ nói đi. Hãy nói với những người khác điều em vừa mới nói.”

Peter nhún vai. “Chúng em chỉ đang nói chuyện nếu trở thành diễn viên thì sẽ thế nào thôi. Sống đời diễn viên thì sẽ ra sao?”

“Phải,” cô Lucy nói, “và em đang bảo Gordon rằng em sẽ phải sang mỹ tìm cơ hội tốt nhất.”

Peter J. lại nhún vai và khẽ lẩm nhẩm: “Vâng, thưa cô Lucy.”

Nhưng cô Lucy giờ đang nhìn lên tất cả chúng tôi. “Cô biết các em không có ý gì có hại. Song những chuyện thế này được nói quá nhiều. Lúc nào cô cũng nghe thấy, người ta cho phép các em cứ nói, nhưng thế là không đúng.” Tôi thấy có nhiều hạt mưa từ máng xối rỏ xuống vai cô hơn, song hình như cô không nhận thấy. “Nếu không ai khác nói với các em, cô sẽ nói. Cô nghĩ rằng, vấn đề ở chỗ người ta có nói các em, song cũng bằng như chẳng nói gì. Người ta có nói với các em, nhưng chẳng ai trong các em thực sự hiểu, và cô dám nói rằng một vài người còn rất vui vẻ mặc cho chuyện cứ diễn ra như thế. Nhưng cô thì không. Nếu các em muốn sống cho ra sống, các em cần phải biết, biết đến nơi đến chốn. Không ai trong các em sẽ sang Mỹ cả, không ai trong các em sẽ thành ngôi sao màn bạc cả. Và không ai trong các em sẽ làm việc trong siêu thị như một số em dự định hôm nọ. Cuộc đời các em đã được định sẵn cho các em rồi. Các em sẽ thành người lớn, thế rồi trước khi các em già đi, thậm chí trước khi các em đến tuổi trung niên, các em sẽ bắt đầu hiến những cơ quan nội tạng trọng yếu của các em. Mỗi người trong các em được tạo ra để làm việc đó. Các em không giống những diễn viên mà các em xem trong băng video, thậm chí các em cũng không giống như cô. Các em được mang đến thế giới này với một mục đích, và tương lai của các em, tất cả các em, đã được định đoạt. Cho nên các em đừng nói những chuyện kiểu đó nữa. Chẳng bao lâu nữa các em sẽ rời khỏi Hailsham, và cái ngày các em chuẩn bị hiến tạng lần đầu, ngày đó không còn xa lắm nữa. Các em cần phải nhớ điều đó. Nếu các em muốn sống cho ra sống, các em phải biết mình là ai và cái gì đang ở phía trước các em, mỗi đứa các em.”

Rồi cô im lặng, nhưng tôi có ấn tượng rằng cô vẫn tiếp tục nói trong đầu mình, bởi trong một lát cái nhìn của cô vẫn dán vào chúng tôi, chuyển từ khuôn mặt này đến khuôn mặt nọ như thể cô vẫn đang nói với chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều có phần nhẹ nhõm khi cô lại quay lưng nhìn ra ngoài sân chơi.

“Giờ thì không còn tệ thế nữa,” cô nói, mặc dù mưa vẫn đều đều như cũ. “Ta ra ngoài kia đi. Có thể mặt trời cũng sẽ ló ra thôi.”

Tôi nghĩ đó là tất cả những gì cô nói. Khi tôi bàn chuyện đó với Ruth cách đây vài năm tại trung tâm ở Dover, cô bảo rằng cô Lucy đã nói với chúng tôi nhiều hơn thế nhiều; cô đã giải thích về chuyện trước khi hiến tạng, tất cả chúng ta sẽ làm người chăm sóc một thời gian, về quy trình hiến tạng thông thường, về các trung tâm hồi sức, vân vân, nhưng tôi thì khá tin rằng cô Lucy không nói vậy. Ừ thì khi bắt đầu lên tiếng hẳn cô cũng đã định nói hết những điều đó. Nhưng tôi đoán rằng khi đã bắt đầu nói, khi đã thấy những khuôn mặt hoang mang, khó chịu trước mặt mình, cô nhận ra rằng sẽ không thể nói cho rốt những gì định nói.

Khó mà rõ được cơn bộc phát của cô Lucy ở căn đình tạ đã gây ra tác động nào. Lời bàn tán lan ra rất nhanh, nhưng chủ yếu người ta tập trung bàn về bản thân cô Lucy hơn là về những gì cô cố nói với chúng tôi. Một số học sinh cho rằng cô đã mất trí khôn trong khoảnh khắc; người khác thì cho rằng cô nói với chúng tôi điều đó là do cô Emily và các giám thị khác yêu cầu cô nói; lại có những người tuy có mặt ở đó nhưng vẫn nghĩ rằng cô Lucy nói vậy chỉ để trách chúng tôi đã quá om sòm trên hàng hiên mà thôi. Nhưng như tôi đã nói, thật lạ là chẳng mấy ai bàn tán về những gì cô đã nói. Dẫu có nói đi nữa, mọi người vẫn hay nói kiểu như: “Thì đã sao? Chuyện đó chúng mình biết cả rồi mà.”

Nhưng đó chính là điều cô Lucy đã chỉ ra. Người ta có nói với chúng tôi, song cũng bằng như chẳng nói. Vài năm trước, khi Tommy và tôi cứ bàn đi bàn lại mãi về chuyện đó và tôi nhắc đến cái ý “nói mà cũng như không” của cô Lucy, cậu ấy liền nảy ra một giả thuyết.

Tommy cho rằng cũng có thể, trong suốt những năm của chúng tôi ở Hailsham, các giám thị đã tính trước rất cẩn thận và có chủ định về tất cả những gì họ nói với chúng tôi, sao cho chúng tôi lúc nào cũng còn quá trẻ nên không thể hiểu đến tận cùng những điều họ cho chúng tôi biết. Nhưng dĩ nhiên chúng tôi vẫn hiểu ở mức độ nào đó, cho nên chẳng bao lâu điều đó đã nằm trong đầu chúng tôi dù chúng tôi chưa hề xem xét nó cho ra lẽ.

Cái giả thuyết đó tôi thấy có vẻ hơi ghê gớm quá – tôi không cho rằng các giám thị của chúng tôi lại lắm mưu mô như vậy –, nhưng có lẽ có điều gì đó trong toàn bộ chuyện này. Chắc chắn tôi cảm thấy mình vẫn luôn biết về chuyện hiến tạng một cách mù mờ, ngay từ khi mới lên sáu, lên bảy. Và thật lạ, khi chúng tôi đã lớn hơn và các giám thị nói với chúng tôi những điều như thế, chúng tôi chẳng hề quá ngạc nhiên. Như thể chúng tôi đã nghe nói về mọi chuyện đó tự hồi nào.

Một điều tôi chợt nhớ ra lúc này, ấy là khi các giám thị lần đầu tiên bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học nghiêm chỉnh về tình dục, họ thường nói song song với chuyện hiến tạng. Ở tuổi đó – một lần nữa, tôi nói đây là vào khoảng mười ba tuổi –, tất cả chúng tôi đều khá bận tâm và háo hức về chuyện tình dục, cho nên lẽ tự nhiên là chúng tôi đã đẩy cái chuyện hiến tạng nọ kia xuống hàng thứ yếu. Nói cách khác, có lẽ các giám thị đang cố gắng bí mật đưa vào đầu chúng tôi nhiều sự thực cơ bản về tương lai của chúng tôi.

Nay thì, nói cho thẳng thắn, nói về hai chủ đề đó cùng lúc hẳn là việc tự nhiên. Chẳng hạn khi họ đang nói chuyện chúng tôi cần phải hết sức cẩn thận tránh bị bệnh khi quan hệ tình dục, thì sẽ rất lạ nếu không nhân thể nhắc rằng điều đó đối với chúng tôi còn quan trọng hơn rất nhiều so với những người thường ngoài kia. Và đã nói thế thì dĩ nhiên sẽ chuyển sang chủ đề hiến tạng.

Thế rồi chuyện chúng tôi không thể có con. Chính cô Emily thường day cho chúng tôi rất nhiều bài về tình dục, và tôi nhớ có một lần, cô trưng ra một bộ xương to bằng người thật mang từ lớp sinh học đến để cho chúng tôi thấy chuyện đó được tiến hành như thế nào. Chúng tôi sững sờ quan sát trong khi cô vặn vẹo bộ xương đủ kiểu, lấy thước chỉ chỉ trỏ trỏ mà không chút e dè ngượng ngập. Cô cho biết từng li từng tí chúng tôi làm chuyện đó ra sao, cái gì diễn ra ở đâu, với đủ các loại biến thể, như thể đây vẫn là giờ địa lý. Thế rồi đột nhiên, trong khi bộ xương được xếp thành một đống tục tĩu trên bàn cô giáo, cô quay đi và bảo chúng tôi rằng chúng tôi phải cẩn thận chuyện quan hệ tình dục với ai. Không chỉ vì bệnh tật, mà còn bởi “tình dục có ảnh hưởng đến cảm xúc theo những cách mà các em không bao giờ ngờ tới”, cô bảo vậy. Chúng tôi phải cực kỳ cẩn thận về chuyện quan hệ tình dục với thế giới bên ngoài, nhất là với những ai không phải học sinh, bởi ở ngoài kia tình dục có thể bao hàm đủ mọi thứ. Ở ngoài kia người ta thậm chí còn đánh nhau, giết nhau vì chuyện ai quan hệ tình dục với ai. Và lý do khiến tình dục có ý nghĩa nhiều đến vậy, nhiều hơn gấp bội so với khiêu vũ hay bóng bàn chẳng hạn, là bởi thiên hạ ngoài đó khác với học sinh chúng tôi: họ có thể có con nhờ quan hệ tình dục. Chính vì vậy mà nó quan trọng đến thế với họ, cái chuyện ai quan hệ với ai này. Và cho dù bất cứ ai trong chúng tôi đều hoàn toàn không thể có con, nhưng ra ngoài đó thì chúng tôi phải hành xử giống như họ. Chúng tôi phải tôn trọng những quy tắc và xem tình dục như một cái gì thật đặc biệt.

Bài giảng của cô Emily hôm đó tiêu biểu cho những gì tôi đang nói. Chúng tôi đang tập trung vào tình dục, thế rồi cái chuyện kia lại xen vào. Tôi cho rằng đó là một phần của việc “có biết cũng bằng như không biết.”

Tôi cho rằng rốt cuộc chắc hẳn chúng tôi đã hấp thụ được khá nhiều thông tin, bởi tôi nhớ, vào tuổi đó đã có một sự thay đổi đáng kể trong cách chúng tôi tiếp cận toàn bộ cái địa hạt vây quanh chủ đề hiến tạng. Cho tới khi ấy, như tôi đã nói, chúng tôi đã làm mọi thứ để tránh né chủ đề này; chúng tôi luôn chùn lại ngay khi có dấu hiệu đầu tiên rằng chúng tôi đang bước vào lãnh địa đó, và có những hình phạt nghiêm khắc cho bất cứ kẻ nào ngu ngốc bất cẩn bước vào – như với Marge lần đo chẳng hạn. Nhưng tù khi chúng tôi mười ba tuổi, như tôi đã nói, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. CHúng tôi vẫn không bàn chuyện hiến tạng và tất cả những gì kèm theo nó; cái lĩnh vực đó vẫn còn khiến chúng tôi cảm thấy khó xử. Nhưng nó đã trở thành một chuyện mà chúng tôi lấy ra để đùa, giống như đùa về chuyện tình dục vậy. Giờ đây nhìn lại, tôi sẽ nói rằng cái luật không bàn công khai về chuyện hiến tạng vẫn còn đó, mạnh mẽ như tự bao giờ. Nhưng giờ đây, thỉnh thoảng chúng tôi không những có thể mà hầu như còn được yêu cầu đùa cợt bóng gió về những gì đang ở phía trước chúng tôi.

Một ví dụ điển hình là những gì đã xảy ra khi Tommy bị vết thương dài, sâu nơi cùi chỏ. Chuyện đó chắc đã xảy ra ngay trước khi tôi trò chuyện với cậu ấy bên bờ ao; có lẽ là khi Tommy vẫn còn chưa thoát hẳn giai đoạn bị chúng bạn chòng ghẹo và chế giễu.

*

* *