Rừng Răng-Tay - Chương 36 (Hết)
36
Tôi thức dậy vì tiếng gió xào xạc qua những ngọn cây. Tôi nằm ngửa, nước chờn vờn trên những ngón chân. Đất dưới lưng tôi rất khác thường. Nó ẩm ướt, mềm mại và trơn nhẵn.
Tôi cố mở to mắt nhưng ánh mặt trời khiến tôi chói lòa. Đầu tôi đau như búa bổ. Toàn thân nhức nhối và đau đớn khiến tôi phải buột ra một tiếng rên khẽ.
Một lúc lâu tôi cứ nằm như thế. Chỉ hít thở, nhớ lại giấc mơ vừa qua và gặm nhấm nỗi day dứt vì để mất Jed. Tôi muốn co mình lại, muốn giật mạnh tóc nhưng người tôi đau quá. Tôi đành để yên cho nước cù vào gan bàn chân, để cho ánh mặt trời làm ấm áp đôi má và cơ thể thì không ngớt run lên. Tiếng gió thổi qua ngọn cây êm đềm như dỗ dành, như xoa dịu. Suýt nữa tôi lại trôi vào giấc ngủ lịm, khoan khoái khi quên được cảm giác về khu rừng, về Jed, về niềm hy vọng, Vùng vô định và giấc mơ kinh khủng vừa rồi.
Nhưng rồi có tiếng ai đó sượt qua đầu tôi. Đó là tiếng đào bới, tiếng một cái thuổng đang va vào vào những rễ cây và ngập lưỡi vào đất mềm. Lưỡi thuổng được rút ra khỏi đất rồi lại cắm ngập xuống.
Thứ âm thanh quen thuộc ấy làm tôi thoáng mỉm cười. Mùa gặt. Đây là lúc chào đón mặt trời và mùa xuân. Âm thanh rõ dần rồi lặp đi lặp lại, hòa cùng tiếng gió xào qua những tán cây như một bản nhạc du dương.
Một cái bóng đổ xuống mặt và tôi mở choàng mắt đúng vào lúc nhìn thấy một người đàn ông cầm cái thuổng đứng phía trên. Anh ta đang nâng lưỡi thuổng lên quá đầu.
Theo bản năng, tôi lăn người sang phải. Lưỡi thuổng sượt qua cổ họng và cắm phập vào cát, đúng chỗ đầu cổ tôi vừa nằm đó.
Người đàn ông hơi bị mất thăng bằng vì cái lưỡi thuổng ngập rất sâu xuống cát.
Tôi cố nhổm người dậy và khi người đàn ông giật mạnh cán thuổng lại thì tôi vội giơ tay lên.
- Chờ đã, chờ đã.
Tôi hét lên và anh ta dừng ngay lại rồi nhìn tôi với một vẻ tò mò, bối rối.
- Cô... - Anh ta ngừng lại. - Cô chưa chết à?
- Suýt nữa thì tôi đã chết vì bị anh giết rồi. - Tôi vẫn giơ tay lên và lùi ra xa.
Một cái gì đó đằng sau anh ta sượt qua mắt tôi: Một sinh vật Vùng vô định có mái tóc bết dính đang loạng choạng đi lại phía sau.
- Cẩn thận đấy! - Tôi hét lên.
Người đàn ông quay lại chém ngang cổ mụ ta bằng một đường quay lành nghề. Mụ ta từ từ khuỵu xuống đất.
Anh ta lại quay sang tôi và bắt đầu nói gì đó nhưng lời lẽ hình như không khiến tôi bớt hoang mang. Đột nhiên tôi trở nên choáng váng khi nhận ra khung cảnh xung quanh. Nước trước mặt tôi trải dài dường như vô tận.
- Đại dương! - Tôi thì thầm. Và mọi hình ảnh đêm hôm qua hiện lên rõ ràng trên vỏ não tôi. - Jed!
Tôi đứng lên, lảo đảo suýt ngã rồi bắt đầu chạy dọc bờ biển. Tôi kiểm tra từng cái xác bị đánh dạt vào bờ. Hầu hết những cái xác này đều bị toác đầu. Không nghi ngờ gì nữa, đó là vết tích của cái thuổng mà người đàn ông đang réo gọi sau lưng tôi đã sử dụng.
- Cô đang tìm gì thế? - Anh ta hét lên.
- Anh trai tôi. - Tôi cũng hét lại. - Anh ấy đi cùng tôi và bây giờ...
Có đến hàng vài trăm cái xác của các sinh vật Vùng vô định rải rác trên bãi biển và tôi đang định lật một cái xác lên để xem mặt thì người đàn ông đã đuổi kịp và ngăn tôi lại.
- Thôi nào. Xem cô đang làm gì kìa. Một số Mudo trong đám này vẫn chưa hết nguy hiểm đâu.
Anh ta đẩy tôi sang bên và lấy cây thuổng lật cái xác lại. Tôi đưa tay lên ôm mặt nhưng vẫn nhìn hé qua những kẽ ngón tay. Nhưng đó không phải là Jed. Chúng tôi làm thế với tất cả những cái xác dạt vào bãi biển. Lòng dạ tôi nhộn nhạo và tôi cầu trời rằng mình không phải là người đã gây ra cái chết của anh trai. Người đàn ông kiên nhẫn dẫn tôi đi qua hết cái xác nọ đến cái xác kia, lật chúng lên cho tôi xem mặt rồi sau đó nhanh chóng cắt đầu chúng, thản nhiên như khi đào đất.
Chúng tôi đã xem xét toàn bộ những cái xác nhưng không tìm thấy Jed.
- Ở đây có nhiều bờ biển lắm. - Cuối cùng người đàn ông cũng lên tiếng. - Biết đâu anh ta đã bị dạt vào một khúc khác. Rời khỏi vịnh này rất nguy hiểm nhưng tôi có thể đưa cô đi nếu cô muốn. Hoặc có thể anh ta vẫn đang ở đâu đó quanh đây. Làm sao mà biết được. Thường thì sau những cơn bão như đêm qua, sẽ còn rất nhiều thứ bị đánh dạt vào bờ rải rác trong vài ngày nữa.
Tôi bước ra sát mép nước khiến người đàn ông phải đi theo.
- Tại sao anh lại gọi chúng là Mudo?
Người đàn ông có vẻ bất ngờ vì câu hỏi của tôi. Thậm chí còn hơi đỏ mặt nữa.
- Tôi nghĩ là tôi thích gọi thế. - Anh ta nhún vai. - Tụi cướp biển hoành hành dọc eo biển này vẫn gọi chúng như thế. Nó chẳng có nghĩa gì cả. Thấy vui thì gọi thôi.
- Tôi đang ở đâu đây? - Mắt tôi dán vào đường chân trời, ở chỗ trời và nước gặp nhau.
- Bãi biển này thực ra cũng không có tên. Ít ra là từ Thời tái sinh.
Tôi vùi chặt ngón chân vào trong cát mịn. Một con sóng nữa đánh vào mắt cá, khiến bàn chân tôi lại lún xuống sâu hơn một chút. Những con sóng vỗ ngang bắp chân làm cho muối mặn ngấm vào vết thương.
- Tôi chưa nhìn thấy đại dương bao giờ! - Tôi nói.
Tôi tự hỏi rằng Jed sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy những dòng nước bất tận này. Liệu Travis có tự hào vì cuối cùng tôi cũng làm được điều đó hay không, tự hào vì tôi vẫn còn sống sót. Tôi khuỵu gối xuống khiến người đàn ông giật bắn mình.
Anh ta cũng quay sang ngồi cạnh tôi và chúng tôi cùng nhìn ánh mặt trời lấp lánh trên mặt nước.
- Thường thì không nhiều rác rưởi thế này đâu. - Anh ta nói. - Những cơn bão như đêm qua đã làm cành cây rớt xuống dòng sông, đánh lộn nhào mọi thứ lên và khiến cho nước đục ngầu. Nhưng tôi chưa nhìn thấy Mudo nhiều đến thế bao giờ.
Tôi thích giọng nói của anh ta. Thích chiều sâu và âm sắc của nó. Giọng nói ấy khiến tôi nhớ đến Travis và cách nói của anh.
- Tôi sống ở ngọn hải đăng trên kia. - Anh chỉ tay lên quả đồi quá bờ cát, ở trên đỉnh có một cái tháp cao sơn sọc đen chéo. - Công việc của tôi sau những cơn bão là phải xuống chém hết những kẻ bị dạt vào bờ để chúng không thể vào thị trấn được.
Tôi nhìn ra xung quanh, những cái xác đang ngổn ngang trên bờ cát.
- Xác chết nhiều quá. - Tôi nói.
Anh nhún vai.
- Thủy triều sẽ lên và cuốn chúng thôi mà. - Anh nói. - Trong vòng sáu tiếng nữa, cô sẽ chẳng còn nhìn thấy gì ngoài cát và sóng. Bãi biển sẽ còn lại những gì như trước đây từng thế. Vẫn là một bãi biển.
- Nhưng rồi sẽ lại có thêm những cái xác nữa. Bọn chúng luôn xuất hiện nhiều hơn.
- Cuộc sống là như thế. Rồi một ngày nào đó khi cô thức giấc, bãi biển này lại sạch sẽ và cô sẽ quên hết những gì đang xảy ra xung quanh đây. Rồi lại có ngày cô thức giấc và nhìn thấy cảnh hệt thế này. Điều đó cũng tự nhiên như những con sóng thủy triều vậy. - Anh hơi đổi chân. - Điều đó không có nghĩa là nơi này không còn giá trị nữa.
Tôi đưa người ra sát mặt nước và nhúng những ngón tay xuống nước biển.
- Có an toàn không? - Tôi hỏi. - Ngoài kia ấy?
Anh lại nhún vai.
- Đủ độ an toàn. Một con sóng sắp quay vào, nhưng nó không mang theo Mudo nào từ đại dương nữa đâu.
Tôi nhúng người vào nước. Những con sóng xô đẩy và tôi phải chống lại chúng để có thể đi xa hơn, cho tới khi chân tôi không còn chạm đất.
Người đàn ông vẫn đứng trên bờ nhìn theo, mũi thuổng chôn sâu vào đám cát trước mặt, còn đôi bàn tay anh vịn lấy cán thuổng. Chờ đợi tôi quay trở lại.
Tôi đá chân, nằm ngửa trên mặt nước và để cho sóng dập dềnh trên cơ thể. Tôi đưa ngón tay lên miệng nếm thử vị muối.
Tôi cứ để nước xô đẩy như thế một hồi lâu. Nước nâng tôi lên rồi đỡ tôi lại. Tôi ngắm bầu trời, ngắm những đám mây, mặt trời và những con chim đang bay lượn phía trên. Tôi chờ đợi cảm giác an lành và hạnh phúc ùa đến nhưng cuối cùng chỉ nhìn thấy Travis, Harry, Cass và Jacob. Tôi đã mất tất cả mọi thứ trừ cái đại dương này. Tôi nghĩ về Jed, cảm thấy day dứt khi nhớ lại anh đã đi theo tôi, đã liều chết để cứu tôi. Nhưng một phần nào đó, tôi cũng cho rằng anh sẽ cảm thấy tự hào khi biết tôi đã làm được điều đó, và tôi vẫn sống sót. Anh tự hào vì biết rõ việc anh đang làm khi lao vào rừng theo tôi.
Tôi cảm thấy niềm hy vọng của anh cũng song hành cùng tôi từ khi ấy.
Tôi nghển đầu lên khỏi mặt nước và nhận ra rằng mình đã bị cuốn ra xa khỏi bờ rồi. Tôi nương theo dòng chảy để những con sóng đẩy lại vào bãi cát. Tôi bước lại phía người đàn ông. Chân tôi nặng như chì khi lên khỏi mặt nước. Anh mỉm cười khi thấy tôi tiến lại gần và tôi cũng mỉm cười đáp lại.
- Cô có phiền không nếu tôi muốn hỏi cô từ đâu đến? - Anh nói khi chúng tôi cùng nhìn ngắm những ngọn sóng xô vào bờ cát.
- Từ trong rừng rậm. Rừng Răng-Tay.
Anh liếc nhìn tôi.
- Tôi luôn tự hỏi rằng không biết trong đó có người ở không? - Anh nói. - Mặc dù tôi chưa bao giờ nghe thấy người ta gọi khu rừng này bằng cái tên ấy. Nhưng dù sao thì cũng thích hợp đấy, tôi nghĩ thế.
- Ý anh là gì? - Tôi hỏi.
- Ý tôi là tôi lớn lên ở đây. Ở ngay bìa rừng này. Và tất cả mọi người đều nói rằng qua khỏi cái dòng sông ấy, qua khỏi dãy hàng rào ấy sẽ chẳng có gì ngoài lũ Mudo cả. Đó là lý do tại sao từ hồi ông nội tôi còn nhỏ, người ta đã phá sạch những con đường mòn được rào kín dẫn từ rừng rậm vào thị trấn. Tất cả trẻ con đều nghĩ rằng những con đường mòn ấy sẽ dẫn đến một nơi nào đó rất đặc biệt và rùng rợn. Cây cầu thì vẫn còn đấy. Phía trên dòng thác kia. Cuối cây cầu có một cánh cổng và chỉ có thế thôi, không có gì ở phía bên kia cả.
Tôi nghĩ về cánh cổng mà hôm qua chúng tôi đã đứng đó tranh cãi. Cơn mưa đã làm cho chúng tôi không nghe thấy tiếng thác chảy mãi cho đến khi đứng ngay trên đó. Đêm hôm qua trời quá tối và không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì quá vài bước chân. Chúng tôi chỉ chú ý đến lũ sinh vật để tìm cách trốn thoát. Tôi rùng mình khi nghĩ rằng thực ra chúng tôi đã ở rất gần nhau. Rằng ở đó cũng từng có một con đường mòn nữa nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng bị rơi vào bóng đêm mịt mùng mưa gió.
- Người dân ở đây không thích nhắc đến những điều đó. - Anh khum tay che nắng để nhìn ra ngoài biển, bao quát và kiểm tra hết mọi thứ xung quanh.
- Có lẽ họ làm thế là đúng. - Tôi bảo anh.
Tôi nghĩ đến Cass, Harry, Jacob và tính xem làm thế nào để cứu họ thoát khỏi rừng Răng-Tay. Tôi nghĩ đến con Argos và những giấc mơ của nó về một quãng thời gian hạnh phúc hơn. Chân nó co giật và tai đập đập trong một giấc mơ buổi sáng, một tai vểnh ngược lên. Tôi nghĩ tới Jed và nụ cười của anh đêm hôm trước. Ánh sáng lấp lánh trong đôi mắt khi anh nói về cuộc sống sắp tới và một tương lai ở phía trước.
Và rồi tôi nhớ lại khoảnh khắc Travis kéo tôi vào lòng và nói về niềm hy vọng. Trong hồi ức của tôi, giọng anh rất nhẹ, chỉ đi quá một tầm với là âm thanh đã kịp nhòe đi. Tôi không biết liệu những hồi ức này có phải là một thứ tài sản để cất giữ hay không. Là tài sản hay là gánh nặng. Và rồi tôi sẽ sử dụng chúng như thế nào đây.
Đại dương vẫn phủ sóng lên những xác sinh vật nằm rải rác, kéo chúng lại vào nước, đòi chúng quay trở lại. Tôi đứng đó một hồi lâu, mãi cho tới khi bãi biển trống rỗng chẳng còn cái xác nào và rồi người đàn ông cầm tay tôi dìu lên ngọn hải đăng phía trên cao đỉnh đồi.
LỜI CẢM ƠN
Nhiều người nói rằng viết là một công việc cô đơn. Tôi thì thấy mình may mắn một cách kỳ lạ khi tìm thấy sự ủng hộ tuyệt vời và cả những người bạn trong suốt quá trình sáng tác. Tôi dành sự biết ơn cho tất cả những người đã khuyến khích tôi, cho tôi những lời khuyên và lắng nghe tất cả những điều phức tạp.
Tôi cũng gửi lời cảm ơn đặc biệt tới người đã giới thiệu tôi, Jim McCarthy. Anh là người cẩn thận và vui nhộn. Chính anh đã mang lại cho tôi cơ hội để Rừng Răng-Tay có thể thoát ra khỏi đống giấy vô dụng. Tôi cũng đầy lòng biết ơn với người biên tập thiên tài, Krista Marino. Sự nhiệt tình hết lòng của chị thật đáng kinh ngạc. Tôi rất cảm ơn đội ngũ của nhà xuất bản Delacorte Press, họ đã làm việc không biết mệt mỏi để chắc chắn rằng bản thảo sẽ chính xác đến từng chi tiết, cảm ơn Vikki Sheatsley và Jonathan Barkat vì trí tưởng tượng của họ, cảm ơn Beverly Horowitz, Orly Henry và Colleen Fellingham vì họ đã dành hết thời gian cho Mary.
Diana Peterfreund và Erica Ridley đã đưa ra những lời phê bình tuyệt vời và sự nhiệt tình của họ đã khuyến khích tôi sáng tác. Gia đình Davis đã hiểu khi nào thì đầu óc tôi rối bời và Jason Davis đã giúp tôi một lượng kiến thức chuyên môn chính xác về sinh học và ký sinh trùng để giúp tôi kiểm soát được không gian nghệ thuật trong cuốn sách.
Tôi cũng vô cùng tự hào và vinh dự khi nhận được sự ủng hộ của gia đình. Hơn cả lòng biết ơn, tôi xin gửi lời này đến mẹ Bobby Kidd của tôi, người luôn tin rằng một ngày nào đó sẽ có thể mua được một cuốn sách của tôi trong hiệu sách. Và cha tôi, ông Tony Ryan, ông đã luôn dành cho tôi những cuộc nói chuyện rất lâu về cách hình thành thế giới, các em gái của tôi, Jenny Sell và Chris Warnick. Họ chính là những fan hâm mộ lớn nhất cho dù tôi đã chọn con đường mòn nào đi chăng nữa. Cảm ơn mọi người. Tôi yêu tất cả mọi người.
Cuối cùng, tôi dành lời cảm ơn này đến John Parke Davis. Anh đã mời tôi đi xem bộ phim Zombie (thây ma sống) đầu tiên, đã nắm chặt tay tôi và báo trước những cảnh kinh hãi để tôi có thể xem cho hết bộ phim và rồi chúng tôi đã tranh luận nhiều giờ không dứt về việc làm thế nào duy trì được sự khải huyền trong một thế giới toàn những thây ma sống. Và trên hết, anh đã khuyến khích tôi viết những gì mà tôi yêu thích, cho dù là viết về những thây ma sống đi chăng nữa. Không có anh, cuốn sách này sẽ không tồn tại.
NHÀ VĂN CARRIE RYAN
SỰ LÃNG MẠN CÓ THỂ TỒN TẠI Ở BẤT CỨ ĐÂU
Carrie Ryan là một nữ tác giả đặc biệt khi sáng tạo ra một thế giới vô cùng khác thường trong “Rừng Răng-Tay”. Cách mà chị kết hợp giữa chất lãng mạn và kinh dị trong câu chuyện của mình cũng vô cùng thú vị. Là tác phẩm được bình chọn vào danh sách của “New York Times Bestseller”, được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng khác nhau ở 10 nước trên thế giới như Australia, New Zealand, Anh quốc, Đức, Tây Ban Nha và châu Mỹ La tinh, Pháp, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, tiểu thuyết “Rừng Răng-Tay” đã thu hút được những thành công kinh ngạc cho dù tác giả của nó là một tên tuổi hoàn toàn mới. Liền theo đó, Carrie Ryan đã viết ngay phần hai của cuốn sách (phát hành vào tháng ba năm 2010 vừa rồi) và dự tính phần ba của serie kinh dị này sẽ ra mắt vào mùa xuân năm 2011. Nhà văn Di Li, người đã chuyển ngữ cuốn tiểu thuyết sang tiếng Việt, có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Carrie Ryan.
Di Li: Tại sao có một ngày chị lại cầm bút viết, Carrie?
Carrie Ryan: Lúc nào tôi cũng thích đọc sách. Tôi thích lặn vào những thế giới khác và sống cuộc đời của những người khác. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã mơ ước được trở thành nhà văn nhưng điều đó chỉ trở thành hiện thực khi tôi đã tốt nghiệp trường luật và nhận ra rằng tôi cần phải sống vì lý tưởng của mình. Giờ thì tôi cực kỳ ngạc nhiên và phấn khích vì đã biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực.
Di Li: Nghe có vẻ rất giống nhân vật Mary ở trong truyện. Và câu chuyện này được chị hoàn thành trong bao lâu?
Carrie Ryan: Tôi mất sáu tháng để viết cuốn “Rừng Răng-Tay” và bốn tháng để đọc sửa trước khi gửi nó cho người đại diện. Sau khi người đại diện của tôi đã bán thành công cuốn sách cho nhà xuất bản, tôi lại mất thêm vài tháng nữa để biên tập lại. Đại khái là tôi bắt đầu từ tháng 11/2006 với “Rừng Răng-Tay” và nó được in lần đầu tiên tại Mỹ vào tháng 3/2009.
Di Li: Ai là độc giả đầu tiên của cuốn sách vậy?
Carrie Ryan: Chồng tôi luôn là người đọc đầu tiên. Thực ra tôi viết cuốn này cũng là vì anh. Tôi luôn luôn tránh xem những bộ phim kinh dị và khi chúng tôi hẹn hò nhau lần đầu tiên thì chồng tôi có đề nghị tôi xem bộ phim “Bình minh của người chết”. Đó là bộ phim về zombie (thây ma sống) đầu tiên mà tôi xem và lúc đó tôi cực kỳ sợ hãi nhưng cũng không kém phần thích thú. Tôi muốn biết chúng đã tồn tại như thế nào và đó là chủ đề mà sau đó chúng tôi luôn thích đề cập đến. Trong lúc tôi đang tìm kiếm ý tưởng cho một cuốn sách mới thì anh khuyên tôi nên viết những gì mà mình yêu thích nhất. Lúc đó tôi đã nói đùa rằng đó là sẽ là thời khải huyền của zombie. Một tối nọ, trên đường từ sở làm về nhà, dòng đầu tiên của cuốn sách đã lóe lên trong đầu và tôi nghe theo lời khuyên của anh để viết về zombie. Tối nào tôi cũng đọc to lên cho anh ấy nghe những gì tôi đã viết được trong ngày. Đó là cuốn sách mà tôi luôn muốn chia sẻ với anh và anh cũng hồ hởi động viên tôi.
Di Li: Và cuốn sách dành tặng người bạn đời của chị lại là một câu chuyện kinh dị chứ không phải lãng mạn thuần túy?
Carrie Ryan: Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ viết truyện kinh dị, nhưng tôi cho rằng nó mang đến rất nhiều cảm xúc. Tôi cũng thích đọc sách của các tác giả như Christopher Pike và RL Stine. Họ đã sáng tạo nên những câu chuyện kinh dị đáng kinh ngạc.
Di Li: Như vậy thần tượng văn chương của chị sẽ là…?
Carrie Ryan: Tôi chẳng thể chọn được cho mình một thần tượng đâu. Tôi yêu quý quá nhiều tác giả và không bao giờ có thể quyết định được ai là người mà tôi yêu thích nhất. Tôi thích cách hành văn của Nabokov và không gian nghệ thuật mà Scott Westerfeld và Holly Black đã sáng tạo nên.
Di Li: Cá nhân tôi thực sự kinh ngạc về thế giới của Mary, nhưng chị nghĩ sao nếu có độc giả nói rằng câu chuyện của chị có chút gì đó tương đồng với bộ phim kinh dị “Ngôi làng” của M. Night Shyamalan?
Carrie Ryan: Tôi đã thực hiện một sự so sánh kỹ lưỡng giữa tác phẩm của tôi và bộ phim “Ngôi làng”, nhưng tôi cho rằng đấy là hai câu chuyện khác nhau. Những con quái vật trong câu chuyện của tôi và nỗi sợ hãi mà chúng gây ra là có thật. Trong khi ngôi làng ở bộ phim kia là do những người có ý thức tạo dựng nên. Ngôi làng trong cuốn sách của tôi bắt nguồn từ những hồi ức của thế hệ trước truyền cho thế hệ sau.
Di Li: Thế giới của Mary lãng mạn nhưng cũng bí ẩn và đầy chất kinh dị. Chị có chút gì đó giống cô gái đặc biệt ấy không, Carrie?
Carrie Ryan: Tôi nghĩ là chúng ta luôn phải đối mặt với những sự lựa chọn như Mary và tất cả chúng ta đều phải quyết định xem chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh những gì để theo đuổi giấc mơ của mình, hay liệu những hy sinh ấy có xứng đáng không. Mary không bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi chọn một cuộc sống an toàn trong ngôi làng của mình, nhưng đồng thời cũng có vô số những người khác thấy thỏa mãn với cách sống ấy. Mỗi người có một cách lựa chọn khác nhau và tôi cho rằng phải lựa chọn luôn là điều khó khăn nhất.
Di Li: Mọi chân lý đều phải trả giá. Tôi thích ý tưởng này khi mà Mary đã mất tất cả trừ đại dương mà cô ấy tìm kiếm. Nếu chị là Mary, chị có sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự lựa chọn của mình như cô ấy?
Carrie Ryan: Một câu hỏi vô cùng khó. Tôi cũng không biết nữa. Tôi nghĩ rằng người ta không thể biết được điều gì cho đến chừng nào chúng ta phải đối mặt với nó.
Di Li: Khi quyết định để cho Travis phải “tái sinh”, chị có chút gì đó nuối tiếc cho tình yêu tuyệt đẹp của họ?
Carrie Ryan: Tôi vô cùng tiếc nuối. Tôi cũng rất buồn khi nhận ra rằng trường đoạn đó quan trọng biết bao đối với câu chuyện, nhưng tôi biết sớm muộn gì điều đó cũng phải xảy ra.
Di Li: Bất kỳ cô gái nào trên thế giới này đều có thể là Mary. Thế giới của những thây ma sống chỉ là một biểu tượng về một cuộc sống đầy những giới hạn, quy tắc, định kiến, khao khát và ám ảnh. Chị có ý muốn nhắc đến một thế giới biểu tượng có thật nào đó như vậy đang tồn tại trên nước Mỹ hay không?
Carrie Ryan: Tôi cho rằng ngay trong thời đại bây giờ cũng có quá nhiều điều tương tự như vậy. Trong quá khứ, những kẻ có quyền lực đã thao túng những người không chút quyền hạn nào trong tay chỉ bằng cách bưng bít thông tin và tri thức. Vấn đề chính là nếu không có đầy đủ thông tin, người ta sẽ không thể quyết định được bất kỳ điều gì cho cuộc sống của mình cũng như thế giới xung quanh mình. Đó chính là điều mà Mary đã phải vật lộn và đấu tranh trong khi những kẻ có quyền lực là các bà xơ thì không đơn thuần giấu diếm sự thật vì ác tâm mà còn vì tình thương và nỗ lực bảo vệ sự sinh tồn của dân làng.
Di Li: Khi bắt đầu dịch cuốn sách, tôi cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải chuyển ngữ từ “Unconsecrated” (những kẻ không được thờ cúng) mà tôi tạm dịch là “Những sinh vật của Vùng vô định”. Chị có thể giải thích rõ hơn ý tưởng của mình khi sáng tạo nên khái niệm này?
Carrie Ryan: Thực ra, “Những kẻ không được thờ cúng” chính là những zombie, nhưng tôi muốn tạo ra một từ mà dân làng hay sử dụng để phản ánh thế giới quan của họ. Ngôi làng và cách sống của họ được định vị bởi tôn giáo và điều đó đã ảnh hưởng mọi mặt lên đời sống của họ, bao gồm cả những từ ngữ mà họ sử dụng để miêu tả thế giới xung quanh. Tôi đã quyết định chọn từ “Unconsecrated” (chính chồng tôi là người đã gợi ý từ này) bởi vì tôi biết rằng những người làng sẽ coi zombie là một thứ ghê sợ, một thứ không đáng được tôn trọng và thờ cúng như những người đã chết khác. Tôi muốn rằng từ “Unconsecrated” được dùng để miêu tả cái nơi mà ở đó những người chết không còn được sự quan tâm của nhà thờ nữa.
Di Li: Cuốn tiểu thuyết không được viết theo cách thông thường của thể loại kinh dị. Nó vô cùng lãng mạn và đầy chất thơ. Có khó lắm không khi chị kết hợp hai điều tưởng chừng như rất trái ngược này?
Carrie Ryan: Mới đầu tôi thực sự không định biến cuốn sách của tôi thành một tiểu thuyết kinh dị. Tôi chỉ nghĩ về nó như một sự tồn tại trong một thế giới đầy rẫy những khó khăn thôi. Tôi thích cái ý tưởng rằng sự lãng mạn có thể tồn tại ở bất cứ đâu, thậm chí trong cả những tình cảnh khó khăn nhất.
Di Li: “Rừng Răng-Tay” là một trong số không nhiều tác phẩm mà tôi khó có thể bỏ xuống dở chừng. Khi bắt tay vào viết, chị có hình dung đến sự thành công sau này của cuốn sách?
Carrie Ryan: Khi viết “Rừng Răng-Tay”, tôi thực sự nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ được ai xuất bản hết. Tôi còn nghĩ rằng người ta sẽ cười nhạo những thây ma sống của tôi. Nhưng giờ thì tôi vô cùng phấn khởi khi mọi người ủng hộ nhiệt tình cho cuốn sách. Như vậy là giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi cũng vẫn chưa hết ngạc nhiên rằng nó được xuất bản ở nhiều nước đến thế và tôi rất thích được ngắm nhìn những bìa sách khác nhau ở mỗi quốc gia.
Di Li: Còn về cuốn sách thứ hai “Xác chết trôi dạt”, nó có thành công như cuốn đầu tiên không?
Carrie Ryan: Tôi thực sự vui mừng về phản hồi tích cực của độc giả đối với cuốn “Xác chết trôi dạt”. Tôi rất thích đọc những lời bình luận của độc giả khi họ nói rằng thậm chí họ thích cuốn này hơn cuốn trước. Và tôi biết một điều là doanh thu của một cuốn sách sẽ nói lên độ hấp dẫn của nó.
Di Li: Và dự định về cuốn sách thứ ba? Cả ba cuốn này có liên quan gì đến nhau không?
Carrie Ryan: Tôi luôn nhắc đến cuốn sách thứ hai như là phần tiếp theo của cuốn trước bởi vì cuốn này xuất hiện thêm một nhân vật mới, là một câu chuyện độc lập nhưng vẫn tiếp nối theo “Rừng Răng-Tay” và giải đáp nhiều câu hỏi được nảy sinh. Cuốn thứ ba, “Vùng hõm tối”, có quan hệ mật thiết nhiều hơn đến cuốn thứ hai và gần như là phát triển trực tiếp từ phần kết của “Xác chết trôi dạt”.
Di Li: Chị có thể chia sẻ chút gì đó về cuộc sống của mình?
Carrie Ryan: Tôi từng là một luật sư nhưng luôn mơ ước sẽ trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Ngay trước khi cuốn “Rừng Răng-Tay” được xuất bản, tôi đã quyết định từ bỏ công việc luật sư và giờ thì tôi dành trọn vẹn thời gian ở nhà viết lách. Một ngày thường nhật của tôi là ngồi viết giữa hai con mèo đang ngủ và một con chó đang ngáy. Tôi yêu thích điều đó.
Di Li: Chị có biết gì về Việt Nam không?
Carrie Ryan: Tôi luôn nghe nói rằng Việt Nam rất tuyệt. Tôi và chồng đang nghiên cứu để chọn Việt Nam làm điểm đến cho tuần trăng mật của chúng tôi.
Di Li: Giờ thì chị hãy nói một điều gì đó với những độc giả Việt Nam đang cầm trên tay cuốn sách này?
Carrie Ryan: Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi mình lại có quá nhiều độc giả thú vị đến thế, đặc biệt là những độc giả đến từ khắp nơi trên thế giới. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Mai – Minh Nguyệt – Tiểu Bảo Bình
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)