Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 33 - 34

Chương 33. Đừng kéo căng dây đàn

Tiểu Đình, nữ, 17 tuổi, học sinh cấp ba

Tôi là một đứa trẻ được bố mẹ nuông chiều. Ngay từ nhỏ tôi đã rất thích nhảy nhót, cứ Chủ nhật hằng tuần mẹ lại dẫn tôi tới Cung thiếu nhi để học nhảy. Tháng đầu tiên đi học, tôi cảm thấy rất vui vẻ, nhưng về sau, học nhảy mãi tôi sinh ra chán, không chịu đi nữa, thế là mẹ đành phải chiều theo ý tôi. Về sau, thấy bạn bè biết chơi đàn điện tử, tôi rất ngưỡng mộ, liền đòi bố mua cho một cái. Thế là bố tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại vác về cho tôi một cây đàn điện tử Casio. Tôi mừng quá, nhảy cẫng lên, vỗ tay hoan hô ầm ĩ, bố tôi nhìn tôi mà không nhịn được cười. Tuy nhiên, thời gian tôi học đàn thậm chí còn ngắn hơn cả thời gian tôi học nhảy. Còn nhớ hồi học mẫu giáo, tôi có học qua tiếng Anh, vẽ, ngâm thơ... Nhưng rồi tất cả đều bị bỏ dở giữa chừng do thói cả thèm chóng chán của tôi. Vậy mà bố mẹ chưa bao giờ mắng mỏ tôi về điều này, lại càng không bao giờ đánh tôi. Đấy, hồi nhỏ tôi được bố mẹ cưng chiều như thế đấy!

Do được bố mẹ nuông chiều quá nên tôi trở thành một cô bé hồn nhiên. Tôi thích chơi đùa cùng các bạn nam, thích đánh trận, trượt pa tanh, bắn súng cao su... Tôi còn hay chọc ghẹo, lên lớp, làm nũng bọn họ nữa. Nhưng không hiểu sao, các bạn ấy luôn nhường nhịn tôi. Đó là những tháng ngày thật vui vẻ!

Nhưng bốn năm trước, khi tôi mười ba tuổi, bố mẹ tôi đã ly hôn. Bố mẹ tôi trở nên bất hòa từ khi nào vậy nhỉ? Tôi không hề biết gì. Trước mặt tôi, bố mẹ chưa từng cãi nhau, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng sẽ có ngày cái gia đình hạnh phúc này lại tan vỡ như hôm nay. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tôi chọn ở với mẹ, bà ngoại nói con gái nên ở với mẹ. Tôi thấy bà nói đúng, hơn nữa, ngay từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã luôn ở bên cạnh và rất ít khi rời xa tôi. Tôi không thể nào tưởng tượng được nếu mẹ rời xa mình thì sẽ thế nào. Căn phòng chúng tôi đang ở là nhà được đơn vị của bố phân cho. Bố nói bố sẽ dọn đi, nhường lại căn phòng cho hai mẹ con tôi. Thế nhưng, vì lòng tự trọng quá cao mẹ đã từ chối. Mẹ thu dọn đồ đạc của hai mẹ con tôi rồi dẫn tôi về nhà bà ngoại ở. Lúc tôi chuẩn bị đi, bố ôm lấy tôi mà khóc. Trong tôi, cái góc nhỏ yên tĩnh và xinh đẹp ngày nào giờ bỗng chốc mọc đầy cỏ dại. Trong phút chốc, tôi thấy mình đã lớn.

Nhà bà ngoại cách trường rất xa, hằng ngày tôi phải mất hai tiếng đồng hồ để đi học và về nhà. Tôi không biết mình đã lấy động lực từ đâu mà có thể chịu được khổ cực, không còn khóc lóc làm nũng mỗi khi có chuyện gì không vừa ý như trước nữa. Tôi cảm thấy như thế này cũng tạm ổn, bởi dù phải rời xa căn nhà ngày xưa nhưng giờ vẫn có một căn phòng đủ rộng để cho hai mẹ con tôi ở. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm bố, phát hiện ra giờ bố đã có người phụ nữ khác, tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi hiểu rằng, giờ đây bố không còn hoàn toàn thuộc về tôi nữa. Mẹ tôi vẫn ở một mình, tôi cảm thấy buồn thay cho mẹ, bởi vì người phụ nữ mới của bố trẻ đẹp hơn mẹ. Từ đó, tôi rất ít khi đến nhà bố, thế nên bố phải đến trường thăm tôi, cho tôi tiền sinh hoạt. Các bạn cùng lớp tôi nhìn thấy, họ bàn tán linh tinh làm tôi rất khó chịu.

Một hôm, bố lại đến trường tìm gặp tôi và cho tôi rất nhiều tiền. Bố nói bố phải đi xa một thời gian, bố với dì đi hưởng tuần trăng mật. Mặc dù biết chuyện này sớm muộn gì cũng xảy ra nhưng tôi vẫn thấy buồn. Trở lại phòng học, tôi không sao tập trung nghe cô giáo giảng được. Nghĩ đến chuyện kết hôn của bố, tôi không thể chịu đựng được, liền nằm úp mặt xuống bàn mà khóc...

Về nhà, một tin xấu nữa lại ập đến, mẹ tôi bị mất việc. Mẹ tôi phụ trách việc đào tạo công nhân viên trong một xí nghiệp nhỏ. Hiện nay, xí nghiệp đó bị phá sản, mẹ cùng rất nhiều công nhân viên khác bị mất việc làm. Mẹ tôi là một phụ nữ rất kiên cường. Vốn là một nhân viên thao tác máy, mẹ tự học và thi đỗ làm giáo viên. Mất việc quả là một cú sốc lớn đối với mẹ. Tôi cảm thấy rất lo lắng, mẹ mất việc rồi, tôi sẽ phải làm sao? Hai mẹ con tôi đều sống dựa vào đồng lương hằng tháng của mẹ.

Về sau, mẹ tìm được ba chỗ dạy ở ngoài, mỗi tuần khoảng ba mươi tiết. Hằng ngày mẹ phải chạy đôn chạy đáo ở bên ngoài, trưa còn không có thời gian về nhà, tối đến lại soạn giáo án tới tận khuya, thậm chí tôi còn không biết được hằng đêm mẹ có được ngủ chút nào không nữa. Mẹ gửi gắm ở tôi rất nhiều hy vọng. Chuyên ngành của mẹ là tiếng Anh, thế nên mẹ muốn sau này tôi thi vào trường đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Mẹ nói đó là trường đại học bậc nhất trong nước, học ở đó sau này có nhiều cơ hội ra nước ngoài hơn. Để tôi có thể học tiếng Anh tốt hơn, mẹ cho tôi lên lớp đại học để học cùng các anh các chị sinh viên. Bây giờ, tôi chỉ còn một con đường duy nhất đó là thi đại học. Tôi hiểu điều này, thế nên mặc dù học hành rất mệt mỏi, chán nản, nhưng tôi luôn cố gắng chịu đựng. Mặc dù vậy, tôi mới là học sinh cấp ba, cũng có lúc cảm thấy không thể chịu đựng hơn được nữa. Nhìn dáng vẻ vất vả của mẹ, tôi không biết phải làm sao? Nhưng tôi luôn cho rằng, bản thân mình là một người hạnh phúc, vì tôi có một người mẹ thật tuyệt vời!

Mặc dù ly hôn là chuyện của bố mẹ, nhưng người cảm thấy sợ hãi nhất lại chính là con cái. Bởi vì chúng vẫn còn quá nhỏ, vẫn cần sự chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Cho dù thiếu sự chăm sóc của ai thì cũng khiến cho chúng cảm thấy bị mất đi cảm giác an toàn. Vì thế, khi Tiểu Đình nói hai mẹ con cô bé chuyển đến nhà bà ngoại ở, cảm thấy cũng tạm ổn, lại khiến cho người nghe cảm thấy rất xót xa. Hơn nữa, thật cảm động khi thấy Tiểu Đình còn nhỏ tuổi mà đã phải gồng mình gánh chịu sức ép từ bên ngoài. Cô bé ngây thơ có cuộc sống vô lo vô nghĩ trước đây giờ đã trở thành một người lớn thực thụ, một cô bé kiên cường, hiểu chuyện và biết kiềm chế bản thân.

Bố mẹ đã ly hôn, đương nhiên bố Tiểu Đình có quyền tìm cho mình một cuộc hôn nhân khác. Tôi có thể hiểu được sự đau khổ trong lòng Tiểu Đình, thế nhưng, Tiểu Đình cũng nên nhận thức được rằng, bố, cho dù là quá khứ hay hiện tại, thậm chí là tương lai, mãi mãi vẫn là bố của cô bé. Đây là một hiện thực không thể trốn tránh, bởi dòng máu đang chảy trong người Tiểu Đình chính là máu thịt của bố.

Rõ ràng Tiểu Đình đã biến những đau buồn trong cuộc sống thành động lực để học tập. Đây đáng lẽ phải là một điều đáng mừng, nhưng vì điều này tôi lại cảm thấy lo lắng. Tục ngữ có câu: “Dục tốc bất đạt”, tôi tin rằng Tiểu Đình cũng hiểu được hàm ý của câu tục ngữ này. Có khi nào hai mẹ con Tiểu Đình đang phạm phải sai lầm không? Có đôi lúc, do ước mơ, nguyện vọng quá mãnh liệt, con người luôn có cảm giác cực kì sốt ruột, làm việc không đạt được kết quả như mong muốn. Cũng giống như một vận động viên trên đường đua, nếu sợi dây đàn trong lòng bị kéo quá căng sẽ dễ bị đứt.

Tiểu Đình đã mười bảy tuổi rồi, đó là lứa tuổi tràn đầy sức sống. Nếu trong cuộc sống có bất cứ khó khăn gì, tôi tin rằng hai mẹ con bạn vẫn có đủ sức mạnh để vượt qua. Hơn nữa, cùng với sự trưởng thành của Tiểu Đình, cuộc sống của hai mẹ con sẽ dần tốt đẹp hơn!

Chương 34. Đứa con gái bỏ nhà ra đi

Đào Đào, nữ, 18 tuổi, nhân viên

Dạo này tôi cảm thấy rất buồn phiền. Ở tuổi mười tám, con người ta thường đa sầu đa cảm. Ở nhà, bố mẹ ít khi quan tâm đến tôi. Từ nhỏ đến giờ, tôi luôn cảm thấy mình thật tội nghiệp! Tôi được vào làm ở công ty hiện nay là nhờ chạy cửa sau. Người giúp đỡ tôi chạy chọt là chị họ tôi. Chị ấy là trưởng phòng kĩ thuật. Tôi mà làm sai việc gì là chị thẳng tay trừng phạt, không nể tình riêng.

Một lần, tôi bị chị ấy mắng cho một trận trước mặt quản đốc phân xưởng. Lúc đó, tôi ức đến phát khóc. Trước khi đi, chị còn lạnh lùng nói một câu: “Lần sau cô mà còn phạm lỗi như vậy nữa tôi sẽ cho cô nghỉ việc!”. Tôi khóc thật to, nói với đồng nghiệp là tôi đi nhảy sông tự vẫn rồi chạy một mạch về nhà. Về đến nhà, sau khi ăn một chút đồ ăn vặt, bật ti vi lên xem, tôi cảm thấy tâm trạng của mình cũng khá hơn đôi chút, vì thế buổi chiều tôi lại đi làm. Lúc lên tầng, tôi lại gặp chị. Chị nói: “Đi nhảy sông chưa?”, tôi đáp: “Nước sông nông quá, bơi hết một vòng rồi về!”. Chị tôi cười, tôi cũng đành phải cười theo. Thế rồi chị tôi lại mắng cho tôi một trận về cái tính trẻ con.

Tôi có một người bạn, ở cách nhà tôi khá xa, muốn đến thăm tôi, cậu ta phải ngồi tàu hỏa hàng giờ. Có lần, tôi nhờ cậu ta mua hộ một cuốn tạp chí thời trang, cậu ta nhận lời, nói chiều hôm đó sẽ mang cho tôi, còn nói trước khi đến sẽ gọi điện trước để tôi ra ga đón. Tôi rất vui, bạn bè có thể chơi với nhau thân thiết đến vậy đâu phải chuyện dễ dàng. Thế nhưng lúc cậu ấy gọi điện đến, mẹ tôi nhấc máy, nói dối là tôi sang nhà dì chơi rồi. Sau khi biết chuyện, tôi vô cùng tức giận. Chúng tôi chỉ là bạn bè bình thường, sao mẹ tôi lại làm như vậy cơ chứ?

Một lần, tôi cùng bạn ra ngoài chơi, đến tối muộn mới về nhà. Mẹ tôi khóa trái cửa lại, tôi không sao mở được, phải đứng đợi ở bên ngoài đến mười lăm phút. Vì quá tức giận nên tôi không thèm vào nhà nữa mà chạy đến nhà một người bạn. Nhà người bạn đó rất gần nhà tôi, từ trên ban công nhà bạn ấy có thể nhìn thấy cửa ra vào nhà tôi. Tôi thấy nửa đêm mẹ tôi ra ngoài tìm tôi hai lần liền, trong nhà, đèn đóm bật sáng trưng. Tôi muốn về nhà, nhưng người bạn đó khuyên tôi đừng về, nếu không nhất định mẹ tôi sẽ mắng cho. Tôi không sao ngủ được, cứ trằn trọc cho đến tận sáu giờ sáng mới về nhà. Nhìn thấy tôi, mẹ liền nói: “Từ giờ con thích đi đâu thì đi, đi với ai mẹ cũng mặc kệ!”. Tôi vô cùng tức giận, không thèm ăn sáng mà đi làm luôn.

Hết giờ làm, tôi cũng không muốn về nhà nữa, thế nên tối hôm đó tôi đã qua nhà dì hai. Dì hai nói: “Mẹ cháu không cần cháu thì qua đây dì nuôi. Nếu mẹ cháu không đến đón thì cháu cứ ở lại nhà dì!”. Nghe dì hai nói vậy tôi vui lắm, cảm thấy chỉ có dì hai là hiểu mình. Chồng dì hai cũng ủng hộ tôi, nói tôi muốn ở lại bao lâu cũng được. Anh họ tôi cười nói: “Phải nộp tiền sinh hoạt, mỗi tháng năm trăm đồng!”. Tôi biết anh chỉ nói đùa thôi.

Tôi thật ngốc, không biết một người con trai đã hai mươi lăm tuổi đáng sợ đến mức nào, đến cả lúc đi ngủ tôi cũng không biết đường mà khóa cửa phòng lại. Tối đó, anh tôi nhẹ nhàng trèo lên giường của tôi. Tôi vô cùng tức giận, đuổi anh ta ra ngoài. Nhưng anh ta rất khỏe, tôi không thể chống cự lại được, chỉ biết khóc thật to mà thôi. Anh họ tôi vì sợ tôi kêu gào sẽ đánh thức mọi người trong nhà nên đành phải xuống khỏi giường tôi. Tôi mặc vội quần áo và chạy ra khỏi phòng ngủ, anh họ đuổi theo tôi. Anh ta kéo tôi lại, nói xin lỗi tôi và mong tôi tha thứ. Tôi nói tôi hận anh ta, hận anh ta đến chết. Anh ta liền tát tôi một cái rất đau, còn quỳ xuống cầu xin tôi. Tôi khóc lóc thảm thiết, khóc đến mức giọng khàn đặc cả đi. Anh họ tôi thấy vậy liền chạy đi khắp nơi tìm mua thuốc cho tôi. Không còn cách nào khác, tôi đành phải tha thứ cho anh ta. Anh họ còn nói tuần sau sẽ dẫn tôi đi chơi, đương nhiên còn có hai người bạn khác của anh ta nữa. Nhưng cho dù anh ta có nói gì đi nữa thì làm sao tôi có thể trở lại bình thường được chứ?

Trong tôi, lòng căm hận sôi sục, không hiểu là căm hận anh họ, căm hận mẹ hay căm hận chính bản thân mình nữa. Có lẽ tôi hận tất cả. Tôi hận mình quá tin tưởng vào anh họ, quá ngây thơ và ấu trĩ; cũng may là chưa có chuyện gì xảy ra, nếu không tôi chỉ còn nước tự sát mà thôi. Sau đó, tôi không bao giờ dám ở lại nhà dì nữa. Tôi hận mẹ, nếu mẹ có thể hiểu tôi thì tôi đâu có chạy đến nhà dì để sự việc đến nông nỗi này cơ chứ?

Mẹ nuôi con gái mười tám năm trời, không biết đã phải chịu bao nhiêu khổ cực, biết bao lần lo lắng cho con. Đến khi con gái đến giai đoạn dậy thì, các bà mẹ thường trở nên rất nhạy cảm, nhưng xét cho cùng thì sự nhạy cảm đó đều xuất phát từ nỗi lo sợ con gái mình sẽ bị tổn thường. Nỗi khổ tâm này của mẹ, phần lớn những cô con gái đều không hiểu được, thậm chí còn trách mẹ mình không hiểu mình, hạn chế tự do của mình... Phải đến khi con gái lấy chồng và làm mẹ rồi thì mới có thể hiểu hết nỗi lòng của người làm mẹ. Điều đó cũng giống như một vòng luân hồi trong cuộc đời mỗi con người vậy.

Mặc dù thỉnh thoảng mẹ có ca cẩm vài câu, nhưng mẹ đã có nhiều kinh nghiệm về những vấn đề xã hội, những điều mẹ nói đều có lí của nó. Tuy nhiên, thật đáng tiếc vì đến tận lúc này mà Đào Đào vẫn không hiểu rằng chính bản thân mình mới là nguyên nhân chủ yếu của sự việc, chính tính cách tùy tiện và sự ấu trĩ của bạn là nguyên nhân dẫn đến hậu quả của ngày hôm nay. Những người tức giận bố mẹ mà bỏ nhà ra đi, nói thẳng ra là quá tàn nhẫn. Họ thừa biết rằng mình bỏ đi như vậy sẽ khiến cho bố mẹ lo lắng không yên nhưng vẫn nhẫn tâm đứng nhìn, mục đích là để hả giận. Sự lạnh lùng và ích kỉ này đã khiến cho chúng ta phải sửng sốt. Tôi nghĩ, nếu là một người tự lập từ sớm thì mười tám tuổi đã là lúc người ta có thể biết cách tự bảo vệ mình, cũng đã biết thương bố mẹ rồi. Điều kiện của Đào Đào tương đối tốt, chuyện gì cũng có người sắp đặt sẵn. Nhưng điều này có thực sự tốt cho bạn?