Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 45 - 46

Chương 45. Sức chịu đựng có hạn

Tiểu Phong, nam, 13 tuổi, học sinh cấp hai

Tôi là học sinh lớp bảy, ngay từ nhỏ đã được ông bà nội rất yêu thương. Mặc dù vậy, ông bà không bao giờ nuông chiều tôi quá mức. Lúc lên sáu tuổi, tôi đã biết giúp mẹ làm một số việc vặt ở trong nhà. Ở trường, tôi cũng chăm ngoan và hòa đồng nên được thầy cô và các bạn rất yêu quý.

Năm ngoái, dì tôi ở Thanh Đảo đã gửi con gái về nhà tôi ở vì chú dì phải ra nước ngoài du học. Thế là những ngày tháng tươi đẹp của tôi không còn nữa.

Cô em họ tôi tên là Thiên Thiên, năm nay bảy tuổi, học lớp hai. Lúc mới đến nhà tôi, Thiên Thiên rất ngoan ngoãn, cả nhà ai cũng yêu quý cô bé, đặc biệt là tôi. Tôi đem tất cả đồ chơi và đồ ăn ngon của mình cho em. Thiên Thiên thích thứ gì, tôi liền cho em ấy thứ đó. Thiên Thiên đang học ở một trường tiểu học cách nhà tôi không xa lắm. Hằng ngày, nếu không phải ông nội thì sẽ là tôi đi đón cô bé. Bởi vì tôi đi học sớm, tan học lại muộn nên thường chỉ có thứ Bảy với Chủ nhật là tôi đi đón Thiên Thiên (cô bé học cả vẽ và múa). Khi đèo Thiên Thiên bằng xe đạp, trong lòng tôi cảm thấy rất tự hào. Trên đường, nếu có gặp bạn bè, tôi lập tức chào họ thật to...

Thế nhưng, Thiên Thiên ngày càng bộc lộ tính xấu của mình, đặc biệt là với tôi. Cô bé rất bướng bỉnh và ương ngạnh. Có một lần, tôi mượn của bạn cùng lớp cuốn Tuyết Gia về nhà đọc, Thiên Thiên nhìn thấy liền đòi cho bằng được. Tôi biết Thiên Thiên thường vừa đọc vừa vẽ vào sách (tất cả sách của tôi đều bị cô bé vẽ linh tinh lên rồi), thế nên nhất quyết không cho cô bé mượn. Thế là cô bé bèn ngồi phịch xuống sàn nhà, khóc ầm ĩ để ăn vạ. Ông bà nội và cả bố mẹ tôi đều ra sức bênh vực Thiên Thiên, không những bắt tôi phải cho cô bé mượn sách mà còn mắng tôi một trận nữa. Tôi biện hộ cho mình vài câu liền bị mẹ nói: “Thiên Thiên là khách, không chừng vài hôm nữa sẽ sang Mỹ, đến lúc đó muốn gặp em cũng không được; hơn nữa em nó còn nhỏ, con là anh nên biết nhường nhịn em mới phải”. Kết quả là cuốn truyện đó bị Thiên Thiên tô vẽ linh tinh, thậm chí cô bé còn xé hai trang, kẹp vào sách ngữ văn và nhất định không chịu trả lại tôi. Tôi tức đến phát điên lên mà không biết làm thế nào, cuối cùng đành phải mua một cuốn truyện mới để đền cho bạn.

Kể từ đó, tôi rèn luyện cho mình tính “nhẫn nại”. Đến giờ ăn cơm, mẹ nấu toàn món ăn ngon, nhưng Thiên Thiên nhất định không chịu ăn, đòi ăn thịt ngan quay. Thế là bố lại bắt tôi đạp xe đi mua ngan quay về cho cô bé. Mặc dù không muốn đi nhưng tôi cũng không nói gì, đành chịu đựng cơn đói cồn cào trong bụng và phóng xe đi mua ngan quay cho Thiên Thiên. Máy tính của tôi bây giờ cũng bị Thiên Thiên chiếm mất rồi. Cô bé không biết làm gì khác ngoài chơi điện tử. Thiên Thiên không chịu chơi một mình, nhất định đòi tôi phải ngồi bên cạnh xem và hướng dẫn cô bé. Một hôm, do ngày hôm sau tôi có bài kiểm tra tiếng Anh nên bố tôi đề nghị hôm đó bố sẽ ngồi chơi điện tử với Thiên Thiên. Thiên Thiên không nghe, khóc ầm lên; thế là bố tôi đành phải để tôi ngồi chơi với cô bé. Lúc đó, tôi như kiến bò trên chảo nóng, vô cùng sốt ruột. Chờ mãi Thiên Thiên mới lên giường đi ngủ, rồi tôi mới được ngồi vào bàn ôn bài. Hôm đó, tôi phải ôn bài đến tận mười hai giờ đêm, ngủ cũng không ngon giấc. Thế nên đến khi làm bài kiểm tra, tôi cứ như người trên mây.

Tôi cảm thấy rất kì lạ là tại sao một đứa trẻ như Thiên Thiên lại có thể chơi rất hòa đồng với bạn bè cùng lớp. Thỉnh thoảng Thiên Thiên dẫn bạn học về nhà chơi, làm cho tôi chóng hết cả mặt, lúc thì chúng cầm cái nọ, lúc lại lấy cái kia cho cô bé. Cô bé tỏ ra rất thân thiện với bạn bè. Nghe mẹ nói, lúc Thiên Thiên mới chuyển đến, cô bé không chơi được với ai trong lớp, còn hay cãi nhau, thậm chí đánh nhau với bạn. Cô giáo thường xuyên gọi điện cho gia đình tôi, nói rằng Thiên Thiên ở lớp rất bướng bỉnh. Bà nội tôi nói, con gái bướng bỉnh một chút cũng tốt, không sợ bị người khác bắt nạt. Về sau, cô giáo của Thiên Thiên gọi điện đến nói Thiên Thiên đã sửa đổi tính nết, chịu hòa đồng với các bạn trong lớp. Tôi không thể hiểu nổi tại sao cô bé lại không sửa đổi được tật xấu của mình ở nhà cơ chứ?

Bây giờ tôi ngày đêm mong ngóng dì mau chóng quay về đón Thiên Thiên sang Mỹ, cho cô bé sang Mỹ tha hồ mà làm vương làm tướng! Mỹ là bá chủ thế giới, cho con gái Trung Quốc sang đấy làm vương làm tướng, sẽ thể hiện oai phong của người Trung Quốc chúng ta. Nhưng dì lại gọi điện về báo tình hình không mấy khả quan, dì không xin được thẻ định cư cho Thiên Thiên. Điều đó có nghĩa là Thiên Thiên sẽ còn ở lại nhà tôi dài dài.

Từ nhỏ đã ở với ông bà nội nên tôi có tình cảm rất sâu sắc với ông bà. Thế nhưng Thiên Thiên thì khác. Với tính cách tùy tiện của mình, Thiên Thiên thường bắt tội ông bà đến mệt lử người. Một hôm, ông nội đạp xe đi đón Thiên Thiên. Giữa đường gặp mưa, ông nội bèn dẫn Thiên Thiên vào vỉa hè tránh mưa, nhưng cô bé dứt khoát không nghe, đòi ông nội phải đèo mình đi trong mưa. Thiên Thiên có tật xấu là trong nhà có ai bảo em ấy làm gì là y như rằng em ấy đòi làm ngược lại. Kết quả là hôm đó về nhà, người ông nội ướt sũng, cả nhà ai nấy đều kinh ngạc và lo lắng. Ông nội bị mắc bệnh ho khá nặng, không may tái phát sẽ rất nguy hiểm. Tôi vội vàng lấy khăn bông khô cho ông lau người, rồi chạy vào nhà vệ sinh vặn nước tắm cho ông. Hôm đó, tôi lo lắng đến phát khóc, tôi nói với ông: “Ông không chịu giữ gìn sức khỏe, nhỡ ốm ra đấy thì sao?”. Tôi thương ông nội nên mới nói như vậy. Ông chỉ xoa xoa đầu tôi, cười bảo: “Cháu ngoan, ông không sao đâu!”. Tôi vẫn khóc, bụng thầm nhủ: “Thiên Thiên, mày mau đi đi, nếu không ông bà tao sẽ bị mày hại chết mất!”.

Có lúc nhìn thấy mọi người trong nhà đối xử với tôi và Thiên Thiên với thái độ khác nhau, tôi lại nghi ngờ không biết có phải mọi người đang “trọng nữ khinh nam” hay không? Mọi người nói con trai thường được yêu chiều hơn con gái, vậy mà ở nhà tôi lại hoàn toàn ngược lại. Nếu như lúc Thiên Thiên mới đến, tôi thích cô bé bao nhiêu, coi cô bé như công chúa trong nhà thì bây giờ, trong mắt tôi, Thiên Thiên chẳng khác gì một con quỷ nhỏ. Hằng ngày tan học về nhà, tôi không muốn nhìn thấy Thiên Thiên nữa; cứ nghe thấy tiếng cười nói và khóc ăn vạ của Thiên Thiên là đầu óc tôi lại vô cùng căng thẳng. Ôi, cứ như thế này thì tôi biết phải làm sao đây?

Có thể Thiên Thiên vốn không phải là một cô bé bướng bỉnh, ương ngạnh và vô lí như thế; chỉ khi phát hiện ra rằng bướng bỉnh không hề có lợi cho bản thân, cô bé mới có thể tự thay đổi. Đáng tiếc, mọi người trong gia đình Tiểu Phong lại quá nuông chiều Thiên Thiên, khiến cho Thiên Thiên có những suy nghĩ sai lầm. Tôi cảm thấy gia đình Tiểu Phong như chẳng có chút quy tắc, nề nếp gì, chẳng ai biết tức giận bao giờ, cứ như một cục bột mì có thể cho cô bé tự do nhào nặn. Đồng thời, sự chịu đựng của Tiểu Phong lại trở thành hành vi xúi giục cho cô bé.

Tiểu Phong phải đối mặt với cô bé hằng ngày, vì thế Tiểu Phong nên biết cách xử lí tốt mối quan hệ của mình với cô em họ. Điều này có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến chất lượng cuộc sống của Tiểu Phong. Vì thế, trước tiên Tiểu Phong nên thay đổi thái độ chịu đựng của mình đối với Thiên Thiên, đồng thời học cách thuyết phục người lớn trong gia đình thay đổi thái độ đối xử với cô bé. Điều này sẽ có lợi cho sự trưởng thành của cô bé. Nếu như cậu bé Tiểu Phong mười ba tuổi có thể giải quyết được một vấn đề khó như vậy trong cuộc sống, tôi tin chắc rằng Tiểu Phong sẽ có những tiến bộ lớn trong khả năng giao tiếp xã hội sau này.

Chương 46. Người cha mê tiệc tùng

Giang Lan, nữ, 14 tuổi, học sinh cấp hai

Tôi từng có một gia đình hạnh phúc. Mẹ tôi là giáo viên mầm non, còn bố tôi là một cán bộ trong văn phòng tỉnh ủy. Khi tôi còn rất nhỏ, tôi thường nghe mọi người khen bố mẹ tôi là cặp “trai tài gái sắc”. Lúc đó, bố tôi chưa được điều đến công tác ở tỉnh ủy, vẫn chỉ là thư kí của một xưởng sản xuất phân bón. Cứ mỗi kì nghỉ lễ tết, bố mẹ tôi lại dẫn tôi đi chơi khắp nơi. Lúc đó, bố thường chụp rất nhiều ảnh cho hai mẹ con tôi, trông tôi trong những tấm ảnh đó thật dễ thương biết bao, còn nụ cười của mẹ sao mà đẹp và mãn nguyện đến thế!

Thế nhưng, kể từ khi tôi lên lớp năm, sau khi bố tôi được điều về công tác ở tỉnh ủy, gia đình tôi đã dần dần thay đổi. Thường ngày chỉ có hai mẹ con ăn cơm với nhau, chẳng bao giờ thấy bóng dáng của bố bên bàn ăn cả. Mẹ nói đơn vị bố tổ chức tiệc chiêu đãi khách, có lúc mẹ nói bố bị người ta mời đi ăn cơm rồi. Tôi rất tức giận, không biết bố quen biết những người khách như thế nào, tại sao họ lại cứ thích tiệc tùng ở bên ngoài như vậy, lại còn tìm mọi cách lôi kéo bố tôi đi nữa chứ! Chẳng lẽ họ không có gia đình, không có con cái hay sao? Tối khuya, lúc tôi chuẩn bị đi ngủ mà vẫn chưa thấy bố về. Mặc dù rất nhớ bố, nhưng tôi cũng chỉ có thể vội vàng chào bố vào buổi sáng sớm trước khi bố đi làm chứ chẳng kịp nói thêm lời nào.

Sau khi được thăng chức phó chủ tịch huyện, công việc của bố càng bận rộn hơn trước. “Khách” đến nhà tôi cũng ngày càng nhiều hơn. Những người đó đều đến tìm bố để bàn bạc công chuyện, còn có rất nhiều người mang quà cáp đến nữa, nào là nước giải khát, bánh kẹo, đặc sản... Cho dù bố không có nhà, họ cũng mặc kệ, cứ bỏ quà cáp lại rồi đi. Mẹ tôi một mực từ chối không nhận quà của họ mà không được. Thực ra, tôi và mẹ đều rất ghét những người khách kì lạ đến vào buổi tối, họ gây rất nhiều phiền hà cho cuộc sống bình yên của gia đình tôi. Đáng sợ hơn là những vị khách không chịu vào nhà. Họ thường gọi vào máy cá nhân của bố tôi lúc gia đình tôi đang ăn cơm, nói mời bố đi ăn. Kết quả là bố tôi ngay lập tức rời khỏi bàn ăn và vội vã ra khỏi nhà. Tôi thực sự rất căm ghét những con người xa lạ đó.

Mẹ tôi rất hiền lành nhưng đến bây giờ cũng bắt đầu có ý kiến với bố. Mẹ trách bố không có trách nhiệm với gia đình, hằng ngày hết giờ làm không chịu về nhà, còn mải mê đi tiệc tùng nọ kia. Bố nói đàn ông phải xông pha ở bên ngoài, nếu không làm như vậy thì không phải là một người đàn ông đích thực. Bố còn nói rất hùng hồn rằng bố làm việc ở bên ngoài rất vất vả, còn trách mẹ không chịu hiểu bố, bố cũng là vì cái nhà này, vì tôi và mẹ nên mới làm như vậy. Mẹ tôi hoàn toàn không tin lời bố nói. Hai người cãi nhau rất to, còn đòi ly hôn nữa.

Khi tôi còn nhỏ, bố rất yêu thương và quan tâm đến tôi. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy trong mắt bố hai mẹ con tôi đã không còn quan trọng nữa rồi. Bố rất ít khi hỏi han chuyện học tập của tôi. Bây giờ tâm lí và sức khỏe của mẹ tôi đều không tốt, mẹ thường xuyên đau đầu; thế nhưng bố cũng không chịu ở nhà chăm sóc mẹ, chỉ biết bảo tôi hãy chăm sóc mẹ còn mình thì vẫn ra ngoài như thường lệ, đến tận nửa đêm canh ba mới về nhà. Mẹ tôi tức giận đến nỗi gọi điện cho hết cô bạn này đến cô bạn kia để trút những nỗi ấm ức trong lòng, vừa kể vừa khóc. Những chuyện này tôi đều biết và để trong lòng. Tôi thấy mẹ tôi nói không sai, bố tôi quả thực không phải là một người đàn ông có trách nhiệm.

Dần dần, ấn tượng của tôi về bố ngày một xấu đi. Bố tôi đã thay đổi rồi. Càng ngày bố càng trở nên cục cằn, hay nói tục, thậm chí còn tỏ ra rất đắc chí trước mặt hai mẹ con tôi, cứ như đang cố ý chọc tức mẹ tôi vậy. Có lần bố tôi còn dám nói với mẹ rằng: “Gái bao cũng như các dịch vụ thư giãn, mát xa, bowling đều là biểu hiện của thời đại mới, cuộc sống mới!”. Những lời nói này khiến ngay cả tôi cũng cảm thấy không thể chịu nổi. Tôi thật không ngờ một con người có thể thay đổi nhiều đến như vậy! Người bố đứng đắn của tôi ngày xưa đã biến đâu mất rồi?

Bụng của bố ngày một to ra. Bố cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, còn mẹ thì nói bố đang ngày một sa đọa. Tôi cũng đồng ý với cách nghĩ của mẹ. Bố ngày nào cũng uống đến say khướt mới về nhà, rồi nôn ọe khắp nơi, khiến tôi cảm thấy vừa đáng thương vừa sợ hãi. Kể từ lúc tôi cảm nhận được sự thay đổi của bố, tình cảm của tôi dành cho bố cũng phai nhạt dần. Rất hiếm khi tôi thấy mặt bố ở nhà, vậy mà tôi cũng chẳng có chuyện gì để mà nói với bố. Bố nói rằng mẹ tôi đã tìm cách chia rẽ hai bố con. Thực ra, sao bố không nghĩ, tôi đã mười bốn tuổi đầu rồi, nếu người khác muốn tìm cách chia rẽ liệu có được không? Bố không biết rằng, trong khi bố cho rằng bản thân mình rất oai phong, rất vẻ vang thì bố lại bị vợ và con gái coi thường.

Hai năm trời, tôi nghe bố mẹ cãi nhau đến chán cả tai, cũng chẳng ít lần nhìn thấy bố mẹ đánh nhau. Mẹ tôi già đi trông thấy, tính tình cũng trở nên nóng nảy hơn. Mẹ thường xuyên nổi nóng, bố về nhà, mẹ cũng nổi cáu, không về mẹ cũng bực mình, tôi làm sai chuyện gì dù là nhỏ nhặt, mẹ cũng mắng tôi xối xả. Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và chán ghét cái gia đình này, nhưng dù gì thì tôi vẫn luôn đứng về phía mẹ. Tôi biết, nếu như bố không vô trách nhiệm như vậy (bố tôi luôn phủ nhận điều này) thì mẹ tôi cũng sẽ không trở nên như vậy.

Do bố là người có quyền thế nên các thầy cô giáo trong trường đều rất thiên vị tôi. Đây không phải là điều mà tôi mong muốn. Tôi chỉ hy vọng gia đình tôi sẽ trở lại như xưa, bố mẹ tôi có thể yêu thương nhau như trước kia. Thậm chí tôi còn nghĩ xa hơn: sau này lớn lên nhất định không chọn chồng là người xuất thân từ nông thôn. Mẹ tôi thường xuyên mắng bố là “nông dân”, là “trí thức tiểu nông”. Thậm chí tôi còn nghĩ, sau này mình nhất định sẽ không kết hôn, nếu không cũng sẽ lấy chồng nước ngoài. Tôi không còn tin tưởng vào con trai Trung Quốc.

Tôi thấy, gia đình của Giang Lan đang đứng trước khó khăn. Thực ra, khó khăn này cũng chính là một hiện tượng xã hội phổ biến hiện nay. Đó là những hiện tượng đáng lên án, bởi vì đó là những hủ bại trong giới chốn quan trường có liên quan mật thiết đến sự suy đồi về mặt đạo đức của con người. Đáng tiếc là rất nhiều người không cho rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng, ví dụ như bố Giang Lan, thậm chí bố cô bé còn không nhận ra bản thân mình đang đi vào con đường nguy hiểm.

Tôi nghĩ, bố mẹ Giang Lan bây giờ không thể hòa thuận cũng không thể hiểu nhau được nữa. Vậy nên chỉ có Giang Lan mới có thể làm chiếc cầu nối cho bố mẹ mình mà thôi. Cho dù là xét từ góc độ gia đình hay sự nghiệp, đều cần có một người rung hồi chuông giúp ông tỉnh ngộ. Đôi khi, sự nhắc nhở từ phía con gái lại chính là liều thuốc tốt dành cho bố. Giang Lan thử tìm cơ hội để ngồi lại tâm sự với bố về những suy nghĩ của mình hiện nay.

Một gia đình hạnh phúc không thể thiếu vắng bóng dáng của người cha. Họ nên là trụ cột vững chắc của gia đình, là tấm gương đạo đức trong lòng con cái. Một đứa con muốn phát triển lành mạnh không thể thiếu bóng dáng của một người bố tốt. Nhất là đối với con gái, bố là người khác phái đầu tiên thấu hiểu suy nghĩ và tình cảm của con, thậm chí có ảnh hưởng đến tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của con gái sau này.