Chúa Có Đó Không? Là Con, Margaret - Chương 20 - 21

20

Lá thư tới trước kỳ nghỉ xuân đúng một tuần. Chỉ có điều không phải là thư của bà nội và nó không nói về chuyến đi tới Florida. Đó là thư của ông bà ngoại Mary và Paul Hutchins của tôi. Chuyện này đúng là hết sức kỳ lạ vì từ khi ông bà từ mẹ tôi do mẹ kết hôn với người mà ông bà không ưng ý, ông bà không bao giờ viết thư cho mẹ. Bố tôi, vốn không nghĩ tốt về họ, liền nổi khùng.

“Sao họ lại có địa chỉ nhà mình? Trả lời câu hỏi dễ ợt này của anh đi! Sao họ lại có địa chỉ nhà mình?”

Mẹ chỉ khẽ khàng đáp. “Em đã gửi cho bố mẹ một tấm thiệp Giáng sinh. Vậy đó.”

Bố hét lên. “Anh không thể tin em, Barbara! Sau mười bốn năm, em lại gửi cho họ một tấm thiệp Giáng sinh sao?”

“Em đã mủi lòng. Thế nên em đã gửi một tấm thiệp. Em không viết gì cả. Chỉ có tên chúng mình thôi.”

Bố tôi dứ dứ lá thư trước mặt mẹ. “Vậy là bây giờ, sau mười bốn năm - mười bốn năm, Barbara! Giờ họ lại đổi ý à?”

“Bố mẹ muốn gặp gia đình mình. Thế thôi.”

“Họ muốn gặp em, không phải anh! Họ muốn gặp Margaret! Để chắc chắn là con bé không mọc sừng đó!”

“Herb! Thôi đi! Anh lố bịch rồi đấy...”

Anh lố bịch! Buồn cười thật đấy, Barbara. Thật là buồn cười đấy.”

“Bố mẹ biết con nghĩ gì không?” tôi hỏi bố mẹ mình. “Con nghĩ cả hai người đang tỏ ra lố bịch thì có!” Tôi chạy ra khỏi bếp, lao lên gác về phòng mình. Tôi đóng sầm cửa lại. Tôi ghét phải thấy bố mẹ cãi nhau trước mặt tôi. Tại sao họ không biết là tôi ghét chuyện này đến nhường nào! Sao họ không hiểu là những lời họ thốt ra nghe khủng khiếp ra sao? Tôi vẫn nghe thấy tiếng họ đang quát tháo không dứt. Tôi vừa lấy tay bịt tai vừa đi về phía bên kia phòng đến chỗ máy nghe nhạc. Rồi tôi dùng một tay để bật đĩa Mice Men to hết cỡ. Như thế - như thế khá hơn nhiều.

Vài phút sau, cánh cửa phòng tôi bật mở. Bố tôi đi thẳng tới chỗ máy nghe nhạc rồi gạt nút tắt. Mẹ cầm lá thư trong tay. Mắt mẹ đỏ hoe. Tôi không nói gì cả.

Bố đi đi lại lại. “Margaret,” cuối cùng bố nói. “Việc này liên quan đến con. Bố nghĩ trước khi chúng ta làm gì hay nói gì đó thì con nên đọc lá thư của ông bà ngoại đã. Barbara...” Bố chìa tay ra.

Mẹ đưa lá thư cho bố rồi bố đưa lại cho tôi. Chữ viết trong thư nghiêng nghiêng và đẹp như chữ in, giống như chữ bạn mới tập viết hồi lớp Ba vậy. Tôi ngồi thụp xuống giường.

Gửi Barbara,

Bố mẹ đã nghĩ nhiều về con. Bố mẹ già thật rồi.

Mẹ nghĩ chắc con khó lòng tin được. Nhưng đúng là như vậy.

Bỗng nhiên, bố mẹ muốn gặp đứa con gái duy nhất của mình hơn hết thảy. Bố mẹ cứ băn khoăn rằng có phải mười bốn năm trước mình đã phạm phải sai lầm không.

Bố mẹ đã bàn bạc chuyên này với vị mục sư và cũng là bạn thân của con, Reverend Baylor.

Con còn nhớ ông ấy phải không. Chúa ơi, khi con bé tí, ông ấy đã làm lễ rửa tội cho con đấy.

Ông ấy nói làm lại không bao giờ là quá muộn. Vì vậy bố mẹ sẽ bay về phía Đông một tuần và hy vọng con sẽ để bố mẹ ghé thăm làm quen với cháu gái của chúng ta, Margaret Ann. Bố mẹ gửi kèm cả chi tiết về chuyến bay trong thư nhé.

Mẹ của con,

Mary Hutchins

Thật là một bức thư buồn nôn! Chả trách bố tôi phát điên lên. Trong thư thậm chí không hề nhắc đến bố.

Tôi đưa thư lại cho bố, nhưng không nói gì bởi tôi không biết phải nói gì nữa.

“Họ sẽ tới vào ngày mùng 5 tháng Tư,” bố nói.

“Ôi, vậy đằng nào thì con cũng không gặp ông ấy,” tôi nói, mắt sáng lên. “Con sẽ đi Florida vào ngày mùng 4.”

Mẹ nhìn bố.

“Phải không ạ? Con đi Florida vào ngày mùng 4 còn gì!” tôi nói.

Hai người vẫn chẳng nói gì và một phút sau thì tôi đã biết mọi chuyện - tôi đã biết mình sẽ không đi Florida nữa! Và lúc đó tôi có nhiều điều để nói. Nhiều điều!

“Con không muốn gặp ông bà ngoại,” tôi gào lên. “Như thế là không công bằng! Con muốn đi Florida ở với bà nội. Bố - đi mà!”

“Con đừng nhìn bố,” bố lặng lẽ nói. “Đó không phải lỗi của bố. Bố không gửi thiệp Giáng sinh cho họ.”

“Mẹ!” tôi khóc lóc. “Mẹ không thể làm vậy với con. Không thể! Thế là không công bằng - không công bằng!” Tôi ghét mẹ. Tôi thực lòng ghét mẹ. Mẹ thật là ngốc. Mẹ phải gửi cho họ một tấm thiệp ngớ ngẩn để làm gì cơ chứ!

“Thôi nào, Margaret. Đây đâu phải ngày tận thế đâu con,” mẹ vừa nói vừa vòng tay ôm lấy tôi. “Con sẽ đi Florida vào dịp khác.”

Tôi lách người ra khỏi vòng tay mẹ khi bố nói, “Ai đó phải gọi điện cho bà để báo về thay đổi trong kế hoạch đi.”

“Em sẽ nối máy để Margaret nói với bà luôn bây giờ,” mẹ nói.

“Ôi không!” tôi kêu lên. “Mẹ đi mà nói với bà ấy. Đây không phải ý của con!”

“Được rồi,” mẹ lặng lẽ đáp. “Được rồi, mẹ sẽ nói vậy.”

Tôi theo bố mẹ lên phòng họ. Mẹ tôi nhấc ống nghe yêu cầu được nối máy trực tiếp với bà nội tại khách sạn bà đang ở. Sau vài phút mẹ nói, “Chào mẹ, con Barbara đây ạ... Không có chuyện gì ạ... Mọi thứ đều ổn... Vâng, đúng thế ma... Tất nhiên là con chắc... Chỉ là Margaret sẽ không thể tới thăm được nữa... Tất nhiên cháu đang ở đây... cháu đang ở ngay cạnh con... Vâng, mẹ nói chuyện với cháu nhé...”

Mẹ đưa ống nghe về phía tôi, nhưng tôi lắc đầu không chịu cầm máy. Thế là mẹ bịt ống nghe lại thì thầm, “Bà nội nghĩ là con bị ốm. Con phải nói với bà là con không sao hết.”

Tôi cầm ống nghe. “Bà ơi,” tôi nói, “Cháu Margaret đây ạ...”

Tôi nghe tiếng bà thở phào ở đầu dây bên kia.

“Không có chuyện gì đâu, bà... Không, cháu không bị ốm... Không ai bị ốm cả. Tất nhiên cháu chắc chứ... Nhưng cháu muốn đến ở với bà lắm. Chỉ có điều cháu không được đi nữa.” Tôi thấy nước mắt mình trào ra. Cổ họng tôi nghẹn lại. Mẹ tôi ra hiệu bảo tôi nói nốt cho bà nghe. “Cháu không tới Florida được vì vào đúng tuần đó nhà cháu có khách.” Giờ đây tôi bắt đầu cao giọng bức xúc.

Bà hỏi tôi, khách nào?

“Là ông bà ngoại cháu,” tôi đáp. “Tức là bố mẹ của mẹ cháu ấy ạ… Đúng ra là có ai mời ông bà đâu... nhưng mẹ cháu đã gửi cho ông bà một tấm thiệp Giáng sinh cùng địa chỉ mới của nhà cháu và thế là bây giờ có một bức thư gửi tới nói là họ sẽ tới và họ muốn gặp cháu... Cháu biết bà cũng muốn gặp cháu lắm. Và cháu cũng muốn gặp bà nhưng mẹ cháu không cho...”

Rồi tôi bắt đầu khóc òa lên, thế là mẹ tôi cầm lấy ống nghe.

“Chúng con rất tiếc. Chuyện là như vậy. Margaret đã hiểu rồi. Con hy vọng mẹ cũng hiểu cho con. Cảm ơn mẹ. Con biết là mẹ sẽ hiểu mà... Vâng, anh Herb vẫn ổn. Con sẽ chuyển máy cho anh ấy. Mẹ chờ con một lát.” Tôi chạy lên gác trong khi bố nói, “Con chào mẹ.”

Chúa có đó không? Là con, Margaret. Con đau khổ quá! Mọi thứ đều lộn tùng phèo cả lên. Tất cả mọi thứ! Con nghĩ chắc đây là sự trừng phạt vì con đã cư xử không tốt. Con nghĩ chắc Người cho rằng như thế là công bằng khi bắt con phải chịu đựng chuyện này vì những gì con đã làm với Laura. Có đúng không ạ? Nhưng con đã luôn luôn cố gắng làm điều Người muốn con làm. Thực sự đấy ạ. Xin Người đừng để họ tới. Xin Người hãy làm gì đó để con lại được đi Florida bằng bất cứ giá nào. Xin Người…

21

Tuần đó, mẹ tôi lao vào dọn dẹp nhà cửa, còn tôi lại chờ đợi điều gì đó xảy ra. Tôi nghĩ sẽ có một bức điện nói rằng cuối cùng thì ông bà không thể tới được. Tôi chắc mẩm Chúa chỉ muốn trừng phạt tôi vài ngày thôi. Không phải là cả kỳ nghỉ xuân.

“Vui vẻ lên con, Margaret,” mẹ tôi nói lúc cả nhà đang ăn tối. “Mọi chuyện không đến nỗi tệ như vẻ bề ngoài đâu.”

“Sao mẹ có thể vui vẻ khi ông bà đến ạ?” tôi hỏi. “Sau tất cả mọi chuyện mẹ đã kể cho con nghe về họ? - Sao thế ạ?”

“Mẹ muốn chứng tỏ cho ông bà thấy mẹ đã xoay xở tốt như thế nào trong mười bốn năm không có sự hỗ trợ từ họ. Và mẹ muốn cho ông bà thấy gia đình tuyệt vời của chúng ta.”

Bố tôi bảo, “Em không thể mong Margaret quá đỗi vui mừng khi kế hoạch của con đã bị thay đổi vào phút cuối.”

“Anh,” mẹ tôi nói. “Em vẫn chưa thể tha thứ cho bố mẹ. Anh biết điều đó mà. Em sẽ không bao giờ tha thứ. Nhưng bố mẹ sẽ tới. Em không thể nói không. Hãy cố gắng hiểu em... cả hai bố con... nhé.”

Trước đây, mẹ chưa bao giờ đề nghị tôi như vậy. Thường thì tôi muốn mẹ cố gắng hiểu cho tôi.

Bố hôn lên má mẹ trong lúc mẹ dọn dẹp bát đĩa. Bố hứa sẽ cố gắng hết sức. Và tôi cũng hứa. Mẹ hôn lại hai bố con tôi và nói rằng mẹ có gia đình tuyệt vời nhất trên đời.

Ngày mùng 5 tháng Tư, hai mẹ con lái xe tới sân bay Newak để đón ông bà. Bố tôi không đi vì nghĩ là nên ở nhà đón ông bà thì hơn.

Suốt đoạn đường ra sân bay, mẹ hướng dẫn tôi. “Margaret, mẹ không biện minh cho ông bà ngoại. Nhưng mẹ muốn con biết rằng họ cũng có niềm tin. Và mười bốn năm trước... ông bà đã làm việc mình cho là đúng. Mặc dù chúng ta biết việc đó thật tàn nhẫn. Tín ngưỡng quan trọng với ông bà đến mức ấy đấy. Con có hiểu ý mẹ nói không?”

“Phần nào đó ạ,” tôi nói.

Khi sân bay thông báo chuyến bay số 894 từ Toledo sắp hạ cánh, tôi đi theo mẹ tới cổng. Tôi nhận ra ông bà ngay. Tôi nhận ra từ cách họ vừa bước xuống bậc thang máy bay vừa nắm tay nhau. Và khi họ tới gần, tôi nhận ra rõ hơn nhờ đôi giày của bà ngoại - nó màu đen, có đăng ten và gót bằng - kiểu giày phụ nữ cổ. Ông ngoại có đám tóc trắng phơ quanh rìa còn đỉnh đầu không có tí tóc nào. Ông đã thấp hơn lại béo hơn bà.

Ông bà nhìn xung quanh một lát thì mẹ tôi gọi, “Chúng con ở đây, đằng này!”

Họ đi về phía chúng tôi, khi nhận ra mẹ họ vui vẻ hẳn lên. Mẹ ôm từng người một thật nhanh. Tôi chỉ đứng đó cảm thấy ngớ ngẩn cho đến khi bà ngoại nói. “Còn đây chắc hẳn là Margaret Ann.” Khi bà nói, tôi để ý có một cây thánh giá trên cổ bà. Nó là cái vòng cổ to nhất mà tôi từng nhìn thấy. Và sáng lấp lánh nữa chứ!

Tôi không muốn họ chạm vào mình. Và có lẽ họ cũng nhận thấy điều đó, bởi vì khi bà ngoại cúi người xuống định hôn tôi thì tôi vẫn đứng trơ trơ. Tôi không định làm thế. Phản ứng xảy ra thật tự nhiên.

Tôi nghĩ mẹ hiểu cảm giác của tôi bởi vì mẹ bảo ông bà nên ra xem hành lý thế nào.

Khi chúng tôi về đến nhà, bố tôi đón mọi người ở cửa trước và đỡ va li cho ông bà. Có hai cái cả thảy, đều màu nâu và đều mới tinh tươm.

“Chào Herb,” bà ngoại nói.

“Chào bà Hutchins,” bố đáp lại.

Tôi nghĩ bố thật buồn cười vì gọi bà là “Bà”.

Ông ngoại bắt tay bố. “Trông anh khỏe đấy Herb,” ông nói.

Bố tôi mím môi lại nhưng cuối cùng cũng gắng đáp. “Cảm ơn ông.”

Tôi nghĩ, việc này với bố khó khăn hơn là với tôi!

Hai mẹ con tôi dẫn ông bà ngoại lên phòng. Rồi mẹ đi xuống chuẩn bị bữa tối. Tôi nói. “Nếu ông bà cần gì cứ gọi cháu ạ.”

“Cảm ơn cháu, Margaret Ann,” bà nói. Bà có kiểu nghiến răng thật buồn cười.

“Bà không phải gọi cháu là Margaret Ann đâu,” tôi nói. “Chẳng ai gọi cháu như thế cả. Chỉ Margaret là được rồi ạ.”

Mẹ tôi đã chuẩn bị một bữa tối long trọng hết sức. Giống như lúc mẹ đãi khách và bắt tôi đi ngủ sớm ấy. Có một lọ hoa đặt trên bàn và mẹ thuê một cô về rửa bát hộ.

Mẹ thay một bộ váy mới, tóc mẹ trông cũng thật đẹp. Trông mẹ không giống ông bà ngoại chút nào. Bà ngoại cũng thay váy khác, nhưng vẫn đeo cây thánh giá trên cổ.

Cả bữa tối, chúng tôi gắng gượng hết sức để trò chuyện cho thân mật. Bà ngoại và mẹ nói chuyện về bạn bè cũ ở Ohio, bây giờ mỗi người đang làm việc gì. Ông ngoại thì hầu như chỉ nói, “Cho tôi miếng bơ... cho tôi lọ muối.”

Tất nhiên tôi tỏ ra ngoan ngoãn hết sức. Khi đang ăn món bò nướng, ông ngoại làm đổ cốc nước của mình, thế là bà ngoại nhìn ông đầy trách móc, nhưng mẹ tôi nói nước không làm hỏng cái gì cả. Cô gái trong bếp bèn lau dọn đi.

Khi cả nhà đang ăn món tráng miệng, mẹ giải thích cho ông bà ngoại rằng mẹ vừa mới đặt người ta đóng đồ đạc cho phòng khách và lấy làm tiếc vì hai người không ở lâu một chút để mà chiêm ngưỡng. Tôi biết là mẹ chưa đặt gì cả, nhưng không nói ra làm gì.

Sau bữa tối, chúng tôi ngồi quây quần trong phòng làm việc và ông ngoại hỏi bố tôi những câu đại loại như:

ÔNG: Anh vẫn làm trong ngành bảo hiểm à?

BỐ: Vâng.

ÔNG: Anh có đầu tư vào thị chứng chứng khoán không?

BỐ: Thỉnh thoảng ạ.

ÔNG: Căn nhà này cũng đẹp phết đấy.

BỐ: Cảm ơn bố. Chúng con cũng nghĩ vậy.

Trong khi bà ngoại nói chuyện với mẹ tôi về:

BÀ: Hôm Lễ Tạ ơn, bố mẹ ở California đấy.

MẸ: Thế ạ?

BÀ: Ừ, anh trai con có người vợ đảm đang lắm.

MẸ: Mừng cho anh ấy.

BÀ: Giá mà chúng nó có một đứa con. Con biết không, chúng nó đang nghĩ tới việc xin con nuôi đấy.

MẸ: Hy vọng là thế. Ai cũng cần có một đứa con để yêu thương mà.

BÀ: Ừ, mẹ biết... Mẹ luôn muốn có hàng chục đứa cháu, nhưng Margaret là tất cả những gì mẹ có.

Sau đó mẹ tôi xin phép ra ngoài trả tiền cho cô gái trong bếp, cô ấy ra hiệu là taxi đang chờ ở cửa trước. Thế là bà ngoại quay sang tôi.

“Cháu có thích đi học không?” bà hỏi.

“Nhìn chung là thích ạ,” tôi trả lời.

“Cháu được nhiều điểm tốt không?”

“Cũng nhiều ạ,” tôi trả lời.

“Ở trường Chúa nhật, cháu học thế nào?”

Lúc đó mẹ tôi quay trở lại ngồi xuống cạnh tôi.

“Cháu không đi học trường Chúa nhật,” tôi trả lời.

“Cháu không đi à?”

“Vâng.”

“Bố nó ơi...” (đó là cách bà ngoại gọi ông ngoại. Ông gọi bà là “mẹ nó”.)

“Gì thế mẹ nó?” ông ngoại hỏi.

“Margaret không đi học trường Chúa nhật này.” Bà lắc đầu còn tay mân mê chiếc thánh giá.

“Mẹ,” mẹ tôi nói, cố mỉm cười. “Mẹ biết là chúng con không theo đạo mà.”

Tới lúc rồi đây. Tôi nghĩ. Tôi muốn rời khỏi phòng nhưng lại thấy như bị dính chặt vào ghế.

“Chúng ta cứ hy vọng rằng giờ con đã thay đổi quan điểm về tôn giáo rồi cơ đấy,” ông nói.

“Đặc biệt là vì Margaret,” bà ngoại nói thêm. “Ai cũng cần phải theo đạo.”

“Chúng ta không nên nói chuyện triết lý ở đây,” bố nói, tỏ vẻ khó chịu. Từ phía bên kia phòng bố nhìn mẹ với ánh mắt cảnh báo.

Ông ngoại cười ầm lên. “Ta không định giả làm một triết gia đâu Herb.”

“Bố,” mẹ phân bua, “khi nào Margaret lớn lên, chúng con sẽ để cháu tự chọn theo đạo nào.”

“Nếu nó muốn!” bố tôi hung hăng nói.

“Vô lý!” bà ngoại bảo. “Làm gì có ai chọn theo đạo nào.”

“Người ta sinh ra đã có đạo rồi!” ông ngoại nhanh chóng bổ sung.

Cuối cùng bà ngoại cũng mỉm cười rồi hơi bật cười. “Vậy Margaret chính là một tín đồ Cơ Đốc rồi!” bà thông báo, như thể tất cả mọi người lẽ ra đã phải biết điều đó.

“Con xin mẹ...” mẹ nói. “Như vậy Margaret cũng hoàn toàn có thể là một tín đồ Do Thái. Mẹ không thấy sao - nếu cứ tiếp tục thế này, mẹ sẽ làm hỏng mọi thứ đấy.”

“Mẹ không có ý làm con thất vọng, con yêu,” bà ngoại nói với mẹ. “Nhưng con cái bao giờ cũng theo đạo của mẹ nó. Và Barbara à, con sinh ra đã là tín đồ Cơ Đốc. Con đã được rửa tội. Đơn giản thế thôi.”

“Margaret không theo đạo nào cả!” bố tôi hét lên. “Và tôi rất cảm ơn nếu mọi người dừng tranh luận tại đây.”

Tôi không muốn nghe gì nữa. Sao họ lại nói chuyện như vậy trước mặt tôi! Họ không biết tôi cũng là một con người, có cảm xúc của riêng mình hay sao chứ!

“Margaret,” bà vừa nói vừa vuốt tay áo của tôi. “Vẫn chưa muộn đâu cháu yêu của ta. Cháu vẫn là con của Chúa. Có lẽ trong khi bà ở đây bà sẽ dẫn cháu tới nhà thờ để nói chuyện với mục sư. Có lẽ ông ấy có thể tháo gỡ mọi chuyện.”

“Thôi đi!” Tôi nói lớn đoạn đứng bật dậy. “Tất cả mọi người hãy thôi đi. Con không thể chịu thêm một phút nào khi phải nghe mọi người nói những điều này. Ai cần theo đạo chứ? Ai? Không phải con... Con không cần. Con thậm chí không cần Chúa.” Tôi chạy ào lên phòng mình.

Tôi nghe mẹ nói, “Sao mẹ phải khơi chuyện này ra chứ? Giờ thì mẹ làm hỏng tất cả rồi đấy.”

Tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với Chúa nữa. Suy cho cùng thì Người muốn gì ở tôi chứ? Tôi phát chán Người và tôn giáo của Người rồi! Và tôi sẽ không bao giờ đặt chân tới các đoàn thể hay là trung tâm Cộng đồng Do Thái gì hết - không bao giờ.