Hạnh Phúc Không Khó Tìm (Tập 1) - Phần II - Phần 5

Bạn có luôn luôn đúng?

“Cuộc sống hiện tại chính là những hạt giống tốt để những bông hoa hạnh phúc của ngày mai tươi nở.”

Margaret Lindsey

Có một thời, phương châm sống của gia đình chúng tôi là: “Thà chết chứ không chịu nhượng bộ”. Và bản thân tôi đã từng sống cứng nhắc theo phương châm đó, ít nhất là cho tới khi mối quan hệ đạt được tới mức độ thân tình.

Còn nếu như mối quan hệ chưa đủ thân thiết, thì tôi sẽ chẳng bao giờ chịu nhượng bộ cho đến khi chứng minh được là tôi đúng.

Nếu tôi có lỡ lời làm người khác bị tổn thương, nếu tôi có hơi nặng lời làm người khác khó chịu, thậm chí tôi tìm cách lấn át người khác, thì cũng chẳng thành vấn đề, miễn là tôi phải giành được phần thắng.

Rồi một lần nọ, có người hỏi tôi: “Bạn cứ cố gắng chứng minh mình đúng để làm gì? Giữa việc chứng minh mình đúng với việc sống hạnh phúc, cái nào quan trọng hơn?”. Câu hỏi đó khiến tôi cảm thấy hết sức bực mình. Tôi tự nhủ, mình sẽ hạnh phúc hơn khi làm cho người khác nhận thấy rằng, tôi vẫn luôn luôn đúng, còn người khác thì quá sai lầm khi nghĩ như vậy.

Nhưng dần dần, tôi nghiệm lại và nhận ra lâu nay mình ứng xử như vậy thật là sai trái! Thật chẳng khôn ngoan chút nào khi cứ cố gắng chứng minh cho người khác thấy rằng mình luôn đúng. Khi làm như vậy, bản thân mình sẽ được gì? Mình có thể đúng, nhưng kết quả là mình ngày càng cô độc, ít bạn, dễ có khả năng mất việc làm, thiếu vắng tình yêu thương, hay ít nhất nó cũng làm cho mình ít cảm thấy hạnh phúc.

Luôn muốn chứng minh mình đúng, cũng có nghĩa bạn là người hiếu thắng. Với bạn, nhất định người khác phải thua. Tuy nhiên, khi đã thắng rồi, điều đó cũng chẳng làm cho bạn khỏe mạnh hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc, chẳng làm cho gia đình bạn giàu có hơn… Và nếu xét ở ý nghĩa sâu xa hơn, việc luôn chú ý đến cái đúng sẽ làm cho chúng ta luôn có nhu cầu phải thắng người khác, phải phát hiện cái sai của người khác. Lúc nào chúng ta cũng thích tranh luận. Trong mọi vấn đề lớn nhỏ, chúng ta đều muốn tranh luận để giành phần thắng.

Thế thì, làm sao để hạn chế tật thích tranh luận, thích tỏ ra mình đúng? Tự bản thân mỗi người phải biết cam kết với chính mình rằng, mình sẽ cư xử với người khác bằng tấm lòng yêu thương, bằng sự nhẫn nại, lắng nghe và đôi khi là phải biết chấp nhận cả những cái mình cho là không đúng. Không phải mọi cái sai của người khác đều là có hại! Có những cái sai vì trình độ nhận thức còn non nớt, có những cái sai do hồn nhiên và quá vô tư, có những cái sai do cẩu thả, có những cái sai vì chưa tìm rõ nguyên nhân, có những cái sai do chứng cứ đã bị một kẻ khác ngụy tạo… Và còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa mà chúng ta không thể nào liệt kê ra hết. Do vậy, một khi chúng ta thấy rằng, ngay cả bản thân mình cũng chưa có khả năng nhận thức đúng đắn hết mọi điều, thì tại sao ta lại tìm cách moi móc, bắt bẻ những cái sai của người khác. Đành rằng, chúng ta có trách nhiệm, bằng cách nào đó, chỉnh sửa cái sai của những người xung quanh để tránh gây ra những tổn hại cho bản thân hoặc cho xã hội, nhưng lúc nào cũng tìm mọi cách “vạch lá tìm sâu” là điều không nên.

Giúp người khác nhận ra và sửa chữa lỗi lầm là điều không dễ dàng chút nào. Chúng ta phải luôn tự hỏi điều gì là quan trọng trước khi tìm cách góp ý phù hợp. Cần biết nhẫn nại lắng nghe mới có thể tìm thấy câu trả lời khiến người khác thỏa mãn mà bản thân mình cũng hài lòng. Trong mọi mối quan hệ của con người, để tạo ra một môi trường sống tốt đẹp, lành mạnh và êm ấm luôn là điều rất khó, còn gây ra xung đột, mâu thuẫn, ghen ghét lẫn nhau thì thật là dễ!

Có hai người bạn cùng tham gia vào một kế hoạch kinh doanh. Thế nhưng, mỗi người lại có một ý tưởng khác nhau và người nào cũng nhất định cho rằng ý tưởng của mình là đúng còn người kia là sai. Tôi đành phải hỏi cả hai người về điều mà họ quan tâm nhất khi cùng tham gia kinh doanh với nhau là gì. Từng người bắt đầu nói với tôi về những dự định, những điều họ ấp ủ cho kế hoạch kinh doanh sắp tới, những hoạt động cụ thể mà họ sẽ tiến hành ngay khi bắt đầu công việc. Sau khi lắng nghe cả hai người, tôi bảo với họ rằng: “Ý tưởng của hai bạn đều rất tốt, khả năng thành công là khá cao. Thế nhưng, nếu bạn nào cũng chỉ tìm cách bảo vệ chủ kiến riêng của mình thì chắc chắn kế hoạch của cả hai sẽ thất bại. Các bạn phải xác định điều gì là quan trọng để cả hai sẽ cùng hợp sức làm nên thành công. Vì một lẽ, điều chúng ta quan tâm ở đây là hiệu quả kinh doanh chứ không phải là ý tưởng của ai đúng hơn”. Nếu người nào cũng khăng khăng cho rằng ý tưởng của mình là tốt hơn ý tưởng của người khác, thì cả hai sẽ chẳng bao giờ có thể góp sức cùng nhau để làm nên điều gì cả.

Một khi chúng ta biết nhìn nhận mọi vấn đề tương tự trong cuộc sống với một cái nhìn như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn lên rất nhiều. Chúng ta ít khi phải bực bội vì sự sai sót của người khác, chúng ta cũng không làm cho những người xung quanh lánh xa mình chỉ vì họ… ngại nghe những lời bắt bẻ, chỉ trích của chúng ta.

Những điều tốt đẹp ta cư xử với người khác trong ngày hôm nay, sẽ là hạt giống để hoa hạnh phúc nở rộ ở ngày mai. Đừng bao giờ quên điều đó. Đừng bao giờ tự mình gieo những hạt giống xấu, kém phẩm chất để rồi ngày mai sẽ phải gặt hái những hậu quả không mong đợi từ những điều mình đã làm.

Nếu phải chung sống với bệnh tật...

Khi tôi kể với bạn tôi, Kathy, về những ý tưởng chính của cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay, cô ấy đã hỏi tôi rằng: “Thế thì những người đang chữa trị bệnh tật, họ có cảm thấy hạnh phúc không?” Tôi không phải là người làm việc trong lĩnh vực y khoa, nên không thể bàn luận nhiều về vấn đề này.

Tôi chỉ muốn nói rằng, việc cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố trong cơ thể là một trong những điều kiện để chúng ta sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Những người lạm dụng các chất kích thích thì không những không thể tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống mà sau này họ còn phải trả một giá đắt cho sự sai lầm ấy. Còn với những người bệnh, dĩ nhiên họ phải cần đến những sự trợ giúp về mặt y khoa với sự hướng dẫn về chuyên môn của bác sĩ. Nhưng hầu như các nhà khoa học đều cho rằng, việc chữa trị sẽ đem lại hiệu quả cao nhất khi kết hợp giữa việc điều trị bằng thuốc với việc thay đổi thái độ - hành vi một cách tích cực ở người bệnh.

Các nhà tâm lý học ở Đại học Pittsburgh đã đưa ra một kết quả nghiên cứu cho thấy, những người có suy nghĩ lạc quan, tích cực thì tỷ lệ mắc các loại bệnh tật sẽ thấp hơn so với những người có suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Kết quả này phần nào cho chúng ta thấy tầm quan trọng của thái độ sống đối với hạnh phúc trong cuộc sống. Khi bạn thay đổi suy nghĩ, tâm trạng của bạn cũng sẽ thay đổi theo. Một loạt phương pháp tiếp cận trị liệu tâm lý ở phương Tây đều dựa trên nguyên tắc này để vạch ra cho người bệnh một kế hoạch rèn luyện bản thân, đặc biệt là điều chỉnh về mặt nhận thức - hành vi của bản thân. Đó chính là căn cứ khoa học xác đáng để tôi tự tin bắt tay viết cuốn sách này. Cuốn sách này chia làm nhiều chương, mục nhưng đều hướng đến một mục đích chung: giúp bạn thấy được tầm quan trọng của suy nghĩ, nhận thức, thay đổi suy nghĩ tiêu cực và hướng tới suy nghĩ tích cực ở mức nhiều nhất có thể. Chỉ cần “thay thái độ”, bạn đã có thể “đổi được cảm nhận và đổi được cuộc đời”!

Hãy biến nỗi lo thành động lực vươn lên trong cuộc sống!

“Có đối diện với những thử thách khó khăn, bạn mới thấy cuộc đời mình là một công trình lớn lao, một sự trưởng thành, và bản thân bạn hoàn toàn có khả năng đương đầu với số phận nghiệt ngã.”

Osho

Lúc Don và tôi mới cưới nhau, mọi chuyện thật êm đềm nhưng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân chỉ toàn là những bất đồng, những thảm kịch. Thế là tôi dồn hết khả năng, sức lực để tìm cách vun đắp cho cuộc hôn nhân của mình.

Nhưng tận đáy lòng mình, tôi vẫn cứ cảm thấy lo, biết đâu một ngày nào đó, cuộc hôn nhân của chúng tôi không còn được êm đẹp? Tôi đem mối lo ấy đến hỏi bạn tôi, Daphne. Cô ấy vui vẻ đáp: “Cậu cứ tận hưởng những gì đang tốt đẹp đi. Còn nếu cậu muốn có một thứ gì đó để giết thời gian, thì cứ việc lo lắng!”.

Tôi chưa bao giờ học về sự lo lắng cả! Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn được học cách sống thế nào cho hạnh phúc. Ấy vậy mà tôi cũng như các bạn, đối với bất cứ chuyện gì, thái độ trước tiên của chúng ta cũng là lo lắng.

Thế thì tại sao chúng ta không biến những nỗi lo lắng ấy trở thành động cơ thúc đẩy chính mình?

Thực tế là cuộc sống luôn có những vấn đề khiến chúng ta phải cố gắng. Cứ thế, chúng ta luôn sống trong trạng thái không hài lòng về mọi chuyện. Chúng ta thường hướng sự chú ý của mình vào cái sai nhiều hơn là cái đúng, quan tâm đến những gì chưa hoàn hảo hơn là những điều vẹn toàn và không tự tin. Thay vì biết ơn về những may mắn, thành công hay những thế mạnh của mình, chúng ta lại chỉ toàn để ý đến những nhược điểm, những sai lầm của bản thân.

Vậy thì từ nay trở đi, chúng ta hãy làm một cuộc cách mạng về bản thân, bằng cách biến cảm giác không hài lòng đó thành động lực vươn lên trong cuộc sống. Từ nay, đừng mất quá nhiều thời gian để nghĩ về những điều không vui nữa!

Ở đây, tôi muốn nói rằng, hãy biết nhìn cuộc đời ở những khía cạnh tốt đẹp mà chúng ta có thể trải nghiệm để sống thật hạnh phúc, chứ không nên lúc nào cũng chỉ thấy toàn một màu xám xịt của khó khăn, phiền muộn. Đây là nội dung lá thư một người bạn đã gửi cho tôi: “Chị biết không, tôi yêu cuộc sống hiện tại của mình đến mức tôi chỉ lo mình không có đủ thời gian để dành cho công việc, chăm sóc cho chồng và hai đứa con bé bỏng của tôi. Sự thật là thế đó! Tôi luôn cố gắng tận hưởng những niềm vui mà một người làm mẹ có thể có được”.

Khi chúng ta tự tìm cho mình động lực để sống hạnh phúc, không có nghĩa là chúng ta cố tình xem nhẹ những khó khăn của chính mình. Cuộc sống là tổng hòa của những mặt tốt - xấu, tích cực - tiêu cực,… Chúng ta phải biết trân trọng và cảm nhận nó. Sẽ không ích gì khi chúng ta làm cho cuộc sống của mình tệ hơn bằng cách chối từ sự hiện diện của những mặt tốt hoặc xem cuộc sống của mình là một thảm kịch. Mối quan hệ giữa tôi với chồng tôi là một mối quan hệ hoàn hảo ư? Dĩ nhiên là không. Tôi có thể kê ra một danh sách dài những lỗi lầm mà mỗi chúng tôi đã làm tổn thương lẫn nhau. Thật là khó khăn, nhưng sau cùng tôi đã hiểu được rằng: một mối quan hệ tốt đẹp không cứ phải là cố gắng làm cho mọi thứ được ổn thỏa, vừa vặn đâu vào đấy mà phải biết chấp nhận và sống với cả những điều chưa được trọn vẹn như ý muốn của mình. Sống hết lòng với những gì mình đang có bao giờ cũng khiến bạn cảm thấy mãn nguyện hơn so với việc cứ mãi ray rứt vì những gì mình chưa có.

Khi chúng ta tự tìm cách thúc đẩy mình hướng đến một cuộc đời hạnh phúc, cuộc sống sẽ trở nên giản dị hơn. Mọi thứ dễ dàng và trôi chảy hơn. Chúng ta không còn phải tối mày tối mặt lo giải quyết trăm ngàn thứ trong đời thường. Thay vào đó, chúng ta dành thời gian để cảm nhận, thưởng thức những gì mà cuộc sống mang lại cho chúng ta. Gần đây, tôi có nói chuyện với một cô gái trẻ vừa mới kết hôn. Cô ấy đang gặp một số vấn đề trong cuộc sống gia đình. Gia đình bên chồng dường như không mấy quan tâm đến cô, và đôi lúc, cô cảm thấy buồn vì những lời nói vô tâm của họ. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy đang cố gắng tìm cách lấy lòng tất cả mọi người bên nhà chồng; và nếu như thế, cô ấy sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức mà chưa chắc đã cảm thấy hạnh phúc.

Nhưng trái với suy đoán của tôi, cô ấy đáp: “Nếu cháu muốn sống hạnh phúc, điều tốt nhất là cháu tự nguyện trở thành một thành viên tích cực trong gia đình chồng, thay vì cứ cố tìm cách làm thay đổi cái nhìn của mọi người về mình”. Cô gái trẻ ấy đã có cách ứng xử rất đúng trong trường hợp này. Khi hòa nhập tích cực vào cuộc sống của gia đình chồng, chắc chắn cô sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía họ.

Như vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy tự hỏi mình xem điều gì làm bạn không hài lòng trong cuộc sống? Sau đó, bạn hãy biến nó thành động lực thúc đẩy bạn sống hạnh phúc hơn. Bên cạnh, bạn cũng cần tìm cách cảm nhận những khía cạnh phong phú của cuộc đời hơn là lúc nào cũng cố sắp đặt mọi thứ theo ý riêng của mình. Thực hiện được cả hai điều ấy cùng một lúc là rất khó. Tuy nhiên, khi đã rèn luyện cho mình một cách sống như vậy, bạn sẽ không còn lo sợ bị rơi vào trạng thái nản lòng nhụt chí trước khó khăn.

Đừng tự khép chặt cánh cửa đời mình!

“Khi một cánh cửa hạnh phúc bị đóng lại, một cánh cửa khác sẽ được mở ra. Nhưng nếu bạn tự đóng chặt các cánh cửa của mình thì bạn sẽ chẳng còn nhìn thấy cánh cửa hạnh phúc nào nữa cả!”

Helen Keller

Tôi có quen một phóng viên khá thành đạt trong nghề báo. Thế nhưng, anh ta lại mơ ước trở thành nhà văn và đã bỏ ra mười năm trời để viết tiểu thuyết - mà rốt cuộc chẳng có cuốn nào được hoàn thành.

Khi nhìn lại đời mình với hơn bốn mươi năm theo đuổi nghề cầm bút viết đủ thể loại khác nhau, anh ta đau khổ tự nhận mình là một kẻ thất bại.

Với một số người, nỗi thất vọng vì những điều không đạt được trong cuộc sống luôn chất chồng như bức tường gạch, giam hãm cuộc đời họ trong cảm giác mệt mỏi, chán chường. Họ không biết hay đã quên rằng, một trong những bí quyết của hạnh phúc là hãy biết nhận ra những gì mình đã làm được, đã đạt được. Đừng mất thời gian ngồi kể lể những điều mình không đạt được trong đời mà hãy nghĩ đến những việc mình đã làm được. Khi một cánh cửa đóng lại, ắt sẽ còn một cánh cửa khác mở ra chờ đón bạn.

Ở đây, không phải chúng tôi muốn bàn đến chuyện số mệnh hay vận may. Chúng tôi chỉ muốn bạn “đừng bao giờ tự khép chặt cánh cửa đời mình!”. Mỗi khi gặp trở ngại hay thất bại, bạn có nỗ lực tìm kiếm những hướng đi mới, những cách tiếp cận, giải quyết mới đối với vấn đề hóc búa bạn đang gặp không? Bạn có dám đón nhận những đổi thay trong cuộc sống của mình không? Nếu bạn có chung câu trả lời “có” thì chúng tôi tin rằng bạn sẽ sớm đạt được hạnh phúc trong cuộc đời.

Nhiều người cứ nghĩ đơn giản rằng cuộc đời như một con đường thẳng tắp. Nhưng, thực tế cuộc sống lại đầy biến động, chông gai. Chúng ta giống như trái bóng bị quăng ra sân cỏ cuộc đời, tùy lúc phải thích nghi với những cú chuyền uyển chuyển mềm mại hoặc những cú đá mạnh bạo, quyết liệt. Nhạc sỹ Julio Iglesias từng ước mơ trở thành một vận động viên điền kinh. Ông chỉ bắt đầu tập chơi đàn ghi ta sau một lần bị chấn thương ở hai chân do té ngã trong khi đang chơi bóng. Tai nạn ấy đã khiến ông vĩnh viễn mất đi đôi chân. Trong nỗi bất hạnh tột cùng, khả năng âm nhạc của ông đã bừng sáng, và lịch sử đã ghi tên ông như một thiên tài âm nhạc. Hay trường hợp của họa sĩ James Whistler, người đã thành công với nhiều bức vẽ được công chúng biết đến. Người họa sĩ này chỉ phát hiện ra năng khiếu hội họa của mình sau khi bị đuổi học vì lý do thi trượt. Thế đấy! Trong cuộc sống, có những sự việc xảy ra mà chúng ta cho là thất bại, nhưng thật ra, đó là cơ hội để chúng ta chọn lựa một bước đi kế tiếp cho cuộc đời mình.

Một tấm gương đầy sức thuyết phục về nghị lực vượt lên số phận của con người là bà Helen Keller. Bà có thể mất cả đời để than khóc cho thực tế nghiệt ngã của bản thân: bà bị mù, lại còn bị câm điếc. Nhưng Helen Keller đã không hề than khóc. Thay vào đó, bà cố gắng theo học tại trường Đại học Radcliffe. Sau đó, bà trở thành nhà văn và là một diễn thuyết gia nổi tiếng. Bà đã dành cả cuộc đời mình để tham gia tích cực vào các hoạt động gây quỹ từ thiện giúp đỡ những người khiếm thị trên toàn thế giới. Khi công chúng khắp nơi đã quá quen thuộc với những bài diễn thuyết của mình, bà đã sáng tạo ra những vở kịch để kể lại cuộc đời và công việc của mình, nhờ đó mà hoạt động từ thiện của Helen Keller thu hút được sự ủng hộ, quan tâm của mọi người trên thế giới. Một ngày nọ, nhà của bà bỗng dưng bị bốc cháy, bản thảo cuốn tự truyện mà bà đã dành nhiều tâm huyết, công sức viết trong nhiều năm cũng bị cháy thành tro. Thế nhưng, bà đã kiên trì viết lại.

Hành trình đi đến hạnh phúc có thể được định nghĩa như là sự tự nguyện của bản thân mỗi người trong việc kiếm tìm và mở ra những cánh cửa cuộc đời. Bản thân mỗi chúng ta không nên tự đóng cánh cửa của mình để rồi không còn tìm thấy cánh cửa nào khác nữa! Câu chuyện về người phóng viên mà tôi đã kể trên chính là một trường hợp đáng tiếc cho việc “tự đóng cửa” cuộc đời mình. Có thể anh ta không có khả năng trong lĩnh vực viết tiểu thuyết, nhưng điều đó không có nghĩa là cánh cửa cuộc đời anh đã đóng lại. Thế mà, do thất vọng vì không thể trở thành nhà văn, anh đã bỏ luôn nghề báo. Nếu sáng suốt, anh sẽ nhận ra rằng, dù cánh cửa viết văn bị khép lại, nhưng cánh cửa viết báo vẫn rộng mở cho cuộc đời anh. Do đó, không có lý do gì để anh chán nản, bỏ cuộc và đóng băng cuộc đời mình lại cả.

Tóm lại, điều tôi muốn nói là: Mỗi người chúng ta đừng bao giờ tự đóng cánh cửa cuộc đời mình. Ngay cả khi cánh cửa cuộc đời bạn bị khép lại vì một lý do nào đó, thì chắc chắn vẫn còn một cánh cửa khác, miễn là bạn kiên trì tìm kiếm và mở nó ra. Hạnh phúc trong cuộc đời chính là phá bỏ đi cánh cửa đang đóng chặt, và đừng đắn đo, chờ đợi nữa, ta hãy tìm kiếm cho mình một cánh cửa khác, ngay lúc này!

Không có gì là tuyệt vọng!

“Kẻ bi quan là ai? Đó là kẻ được lựa chọn giữa hai điều rủi ro, nhưng hắn ta lại cứ muốn chọn luôn cả hai.”

Oscar Wilde

Công ty của Don, chồng tôi, đang tiến hành sắp xếp lại nhân sự. Điều này có nghĩa là Don sắp phải gánh vác thêm nhiều công việc hơn so với trước đây. Tôi để ý xem anh có tỏ ra bực dọc, chán nản hay không. “Tháng tới đây công việc của anh ở công ty chắc sẽ nặng nề lắm!” - Tôi nói. - “Anh có thấy lo lắng hay bị áp lực gì không?”

“Ồ, mọi việc rồi sẽ ổn thôi mà!” - Anh đáp. - “Anh không chắc thời gian tới mình sẽ làm việc như thế nào. Nhưng tại sao mình lại tự dập tắt niềm hy vọng tốt đẹp của mình cơ chứ?”

Không chỉ mình Don có thái độ lạc quan như thế. Tôi biết nhiều người cũng vẫn giữ được cho mình niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, ngay cả khi hoàn cảnh sống đã có nhiều biến đổi, không còn được như ý muốn.

Từ ngày còn trẻ, tôi cố gắng tránh tối đa những thất vọng trong cuộc sống. Tôi cho rằng, chẳng có lý do gì để từ bỏ những niềm hy vọng của mình cả. Nếu không có một thái độ sống tích cực, lạc quan như vậy, có lẽ tôi đã tiêu phí biết bao tháng năm tươi đẹp của tuổi trẻ cho những ngày sống buồn khổ, mơ hồ về tương lai. Và quan trọng hơn, có thể tôi đã đánh mất biết bao cơ hội may mắn để sống với niềm vui, niềm hy vọng vào cuộc sống muôn màu tươi đẹp.

Dù cuộc sống có như thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải sống với niềm hy vọng. Tại sao không? Bởi vì đó chính là ta đang nắm trong tay cuộc sống của ta, đang tận hưởng cuộc sống của ta. Cuộc sống chứa đựng nhiều thách thức và khó khăn, thế thì tại sao ta lại còn tự mình đánh mất quyền được hy vọng? Trường hợp của Don là một ví dụ. Anh phải gánh vác công việc nhiều hơn, vất vả hơn, nhiều thử thách hơn, nhưng anh không hề đánh mất niềm hy vọng. Chẳng có lý do gì để than phiền về công việc cả. Thay vào đó, Don rất phấn khởi đón nhận những công việc mới trong hoàn cảnh mới. Và biết đâu, anh sẽ tìm thấy những điều thực sự mới mẻ, những thành công mỹ mãn hơn so với vị trí trước đây? Điểm khác biệt của Don so với người khác là ở chỗ, trong khi người khác cảm thấy lo lắng về những điều sắp sửa xảy ra thì Don lại tích cực mong đợi chúng. Chính vì vậy, Don có thể cảm thấy thoải mái ngay trong hiện tại. Và rồi ngày mai, khi thật sự bắt tay vào công việc, thái độ lạc quan, tích cực ấy sẽ đem lại kết quả khả quan hơn rất nhiều. Hạnh phúc mà bạn cảm nhận trong ngày hôm nay không chỉ khiến bạn mãn nguyện trong hiện tại, mà còn có ảnh hưởng đến kết quả công việc của ngày mai.

Nếu bạn không biết cách trải nghiệm hạnh phúc của cuộc sống, thì bạn cũng khó có thể thấu hiểu những bất hạnh. Dĩ nhiên, bạn có thể tìm cách tránh né sao cho những bất hạnh đừng xảy đến với mình. Cứ tạm cho là bạn có thể tránh né được mọi bất hạnh trong cuộc sống đi, thì bạn cũng đã tự mình đánh mất nhiều cơ hội để cảm nhận trọn vẹn cuộc sống rồi! Bởi lẽ, cuộc sống chứa đựng cả những hạnh phúc và bất hạnh. Nếu bạn chỉ biết cảm nhận hạnh phúc không thôi thì làm sao gọi là “tận hưởng trọn vẹn cuộc sống” được!

Thông thường, điều mà ta đặt nhiều hy vọng nhất cũng chính là điều khiến ta phải lo lắng nhất. Còn nhớ, lúc tôi mới thành lập công ty kinh doanh sách, tôi có tổ chức bán đấu giá bản quyền một cuốn sách của mình. Giá của nó càng lúc càng được nâng lên. Ngày đấu giá đầu tiên kết thúc, nhưng chúng tôi không thể ngã giá được, đành phải hẹn đến ngày hôm sau. Nào ngờ, sang ngày hôm sau, giá cuốn sách càng lúc càng lên cao. Nhưng thay vì vui mừng, tôi lại cảm thấy lo lắng: chắc có chuyện gì không ổn đây? Thế là, suốt đêm hôm ấy, tôi cứ nằm trằn trọc không sao chợp mắt được. Nhưng thật ra, mọi thứ đều tốt đẹp. Chẳng có gì là “không ổn” cả! Bạn thấy không, chỉ vì cứ mải lo lắng những chuyện không đâu mà tôi đã bỏ mất một đêm mà lẽ ra tôi đã được sống thật hạnh phúc.

Cho nên, một khi đã tìm thấy lý do để hy vọng thì bạn cứ an tâm với niềm hy vọng của mình. Đừng lo lắng gì nữa cả! Hãy cảm nhận hạnh phúc của mình ngay lúc này và tin chắc rằng điều tốt đẹp sẽ đến.