Thần thoại Hy Lạp - Chương 05 - Phần 3

APÔLÔNG VÀ CÁC NÀNG MUYDƠ[1]

[1] Muses, trong sách báo của chúng ta có người dịch là nàng Ly Tao, chúng tôi thấy dịch như thế không đúng.

Apôlông còn là vị thần của nghệ thuật và âm nhạc, người khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ. Ngay từ khi Apôlông mới ra đời, thần Dớt đã trao cho đứa con của mình một cây đàn lia với ý muốn sau này nó sẽ là một ca sĩ danh tiếng, làm vui cho thế giới các vị thần Ôlympia. Nhưng có người lại kể, chính cây đàn lia là do thần Hermex sáng tạo ra và đổi cho Apôlông.

Dù sao thì Apôlông vẫn là một vị thần duyên dáng nhất, tài hoa nhất trong số những người con của Dớt được sống ở thế giới Ôlympia. Apôlông thường đàn ca với những tiên nữ Muydơ, những người con gái vô cùng đẹp đẽ, duyên dáng với tài hoa của Dớt, khi thì ở đỉnh núi Parnax xanh rờn, khi thì bên dòng suối Hipôcren thiêng liêng với tiếng nước chảy róc rách và tiếng chim ca hót véo von như muốn hòa cùng với tiếng đàn lia du dương, êm ái của Apôlông.

Những nàng Muydơ là con gái của thần Dớt và nữ thần Mnêmôdin tức nữ thần Trí nhớ hoặc Ký ức. Chuyện xưa kể lại thần Dớt đã đắm say ân ái với nữ thần Mnêmôdin suốt chín đêm liền. Sau đó nữ thần sinh ra chín quả trứng rồi mới nở ra thành chín người con gái mà thần Dớt gọi bằng một tên chung là Muydơ, ngày nay chúng ta thường gọi là Thi Thần hoặc nữ thần Thơ ca. Những nàng Muydơ được Dớt trao cho nhiệm vụ cùng với Apôlông chăm lo đời sống tinh thần của thế giới Ôlympia và thế giới loài người. Vì thế, dưới sự chỉ huy và điều khiển của Apôlông, các nàng Muydơ thường ca múa trong những bữa tiệc của các vị thần. Khi ấy Apôlông với khuôn mặt xinh đẹp, tươi như hoa nở tay cầm đàn lia hoặc đàn kitar (cythare) dẫn đầu đội đồng ca bước ra. Các nàng Muydơ theo sau trong y phục lộng lẫy đầu đội vòng hoa nguyệt quế, vừa đi vừa múa theo điệu nhạc. Sau đó các nàng quây lại thành vòng tròn và ca múa hết điệu này sang điệu khác, khi thì uyển chuyển nhẹ nhàng, khi thì rộn rã, dồn dập. Thật là muôn hình muôn vẻ. Những lúc ấy không khí của cung điện Ôlympia trầm lắng, êm ả hẳn đi. Thần Dớt dường như trẻ thơ lại, mắt lim dim, nom hiền từ và đáng yêu chứ không có vẻ gì là một đấng phụ vương oai nghiêm và hách dịch, luôn dồn mây mù, giáng sấm sét. Còn thần Chiến tranh Arex, đứa con hung hăng ngỗ ngược nhất của Dớt, thì quên bẵng đi tiếng binh khí loảng xoảng, bạo tàn, những cuộc giao tranh đẫm máu. Tiếng đàn ca dường như làm mềm trái tim đồng cứng rắn của vị thần Chiến tranh. Còn các vị thần khác cũng đều bị Apôlông và các nàng Muydơ chinh phục. Họ quên đi những cuộc tranh cãi ồn ào, gay gắt vừa mới đây về biết bao công việc phiền toái của thế giới thần linh và thế giới loài người. Cả đến con đại bàng mỏ quắm hung dữ của Dớt, đã từng mổ bụng, ăn gan Prômêtê, lúc này cũng hạ đại cánh rộng và dài xuống, rụt cổ vào nhắm nghiền mắt lại như muốn thưởng thức những âm thanh huyền diệu. Còn con công của nữ thần Hêra thì xòe đuôi múa, những con mắt đen của người khổng lồ Arguyx do nữ thần đính vào, lúc này long lanh, hớn hở như muốn bày tỏ niềm vui với nữ thần.

Chẳng phải chỉ có con vật đó mới bị tiếng nhạc lôi cuốn vào điệu múa. Khi thần Apôlông tài hoa chuyển sang một điệu nhạc tưng bừng, rộn rã hơn thì các vị thần đều lần lượt bị lôi cuốn vào vũ khúc. Nữ thần Artêmix, em gái của Apôlông, vui vẻ dẫn đầu, đưa tay ra mời các chư vị thần linh. Nữ thần Aphrôđitơ bước vào cuộc vui với sắc đẹp rực rỡ, chói lọi lôi cuốn mọi người. Thần Hermex, Hađex, thần Pôdêiđông... Đấng phụ vương Dớt trên ngai vàng cười hể hả trước cảnh tượng vui tươi đầm ấm của thế giới thiên đình.

Thần Apôlông gắn bó với các nàng Muydơ như thế trong nghệ thuật ca múa cho nên người ta còn gọi thần bằng một tên khác: Apôlông Muydadet (Apollon Musa-gête) nghĩa là Apôlông người chỉ huy các nàng Muydơ.

Các nàng Muydơ lúc đầu được Dớt giao nhiệm vụ như thế, nghĩa là chỉ có mỗi công việc ca múa. Nhưng sau dần công việc trên thiên đình và dưới trần thế ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn, cho nên thần Dớt phải phân công cho mỗi nàng Muydơ cai quản một lĩnh vực khoa học và nghệ thuật của loài người. Nàng Canliôp (Callope): sử thi. Nàng Ơterpơ (Euterpe): thơ trữ tình. Nàng Êratô (Erato): thơ tình dục. Nàng Terpxikhor (Terpsichore): nghệ thuật ca múa. Nàng Pônhimni (Polhámnie) lúc đầu cai quản thơ tán mỹ (hymne) sau cai quản kịch câm (pantomime). Nàng Menpômen (Melpomene); bi kịch. Nàng Tali (Thalie): hài kịch. Nàng Cliô (Clio): sử học. Nàng Urani (Uranie): thiên văn học. Vì lẽ đó cho nên những nhà thơ cổ đại coi nghệ thuật của mình là do các nàng Muydơ ban cho và trước khi biểu diễn trước công chúng thường có lời cầu khấn nữ thần Muydơ hoặc cảm tạ nữ thần Muydơ. Cũng vì lẽ đấng phụ vương Dớt chí sáng suốt, chí hiền minh tuy đã "phân công, phân nhiệm" rành rõ cho chín người con gái của mình nhưng cũng không ngờ đâu được rằng loài người chúng ta lại "đẻ" ra cái nghệ thuật điện ảnh, cho nên để tỏ lòng "tôn kính" đối với thần Dớt, chúng ta gọi nghệ thuật này là nghệ thuật của nàng Muydơ thứ mười[2], do nàng Muydơ thứ mười cai quản, mặc dầu thần Dớt đã thôi đẻ từ lâu rồi.

[2] Có khi người ta gọi nghệ thuật điện ảnh là nghệ thuật của nàng Muydơ thứ bảy theo sự sắp xếp: thơ, ca, vũ, nhạc, bi kịch, hài kịch, điện ảnh.

Trong văn học các nước châu âu, Muydơ trở thành danh từ chung chỉ "thi hứng", "cảm hứng nghệ thuật", "tài năng thơ ca, nghệ thuật". Những người La Mã du nhập các Muydơ vào hệ thống thần thoại của mình và đổi tên là Camen (Camens). Cũng có trường hợp người ta gọi các Muydơ là những tiên nữ Hêlicông, những nữ hoàng của ngọn núi Hêlicông, một ngọn núi ở miền Trung Hy Lạp nơi các Muydơ thường trú ngụ.

Về các nàng Muydơ, chúng ta có thể phân định ra có hai lớp huyền thoại phức hợp với nhau. Việc Dớt đẻ một lúc tới chín người con gái hẳn rằng thuộc về lớp huyền thoại kỳ thị tộc mẫu quyền. Nhưng việc những nàng Muydơ được Dớt phân công cho cai quản các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật như anh hùng ca, bi kịch, sử học, văn hùng biện... chắc chắn không thể nào thuộc về thời kỳ thị tộc mẫu quyền.

Rõ ràng những thành tựu văn hóa, khoa học, nghệ thuật chỉ có thể là sản phẩm của chế độ chiếm hữu nô lệ cổ đại và lớp huyền thoại này thuộc về thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ được lắp ghép vào sau này, nếu dùng thuật ngữ như nhà bác học Xô viết AF. Losev đã chỉ ra, thì đây là một hình thức phức hợp thêm thắt (complexed' interpolation).

APÔLÔNG LỘT DA TÊN MARXIAX

Trong những hành động trừng phạt kẻ bạo ngược kiêu căng thì có lẽ hành động Apôlông trừng phạt tên Xilen Marxiax (Silène Marsvas) là khủng khiếp nhất, tàn bạo nhất. Marxiax là một Xilen, nghĩa là có hai sừng dê và lạ hơn nữa, lại có đuôi như đuôi dê hoặc đuôi ngựa. Chân của Xilen cũng là chân dê. Những Xilen là những vị thần tùy tùng của thần Rượu Nho Điônidôx, có khi được gọi bằng một tên khác là Xatia. Marxiax là một trong những Xilen của Điônidôx.

Chuyện xảy ra phải kể nguồn gốc từ nữ thần Atêna. Nàng là nữ thần Trí tuệ và Nghệ thuật, nghĩa là của sự sáng tạo. Chính nàng là người sáng tạo ra cây sáo có tiếng réo rắt, véo von nghe như tiếng chim sơn ca, bạch yến, hoàng yến. Nhưng sau khi sáng tạo xong cây sáo và thổi thử ít bài nàng liền vứt ngay nó đi và nguyền rủa: "... Kẻ nào nhặt chiếc sáo này sẽ bị trừng phạt tàn nhẫn...". Tại sao mà Atêna lại có hành động khó hiểu đến như thế? Nguyên do là nữ thần nhận thấy khi mình thổi sáo thì khuôn mặt mất tự nhiên đi. Để có được những âm thanh kỳ diệu, nữ thần phải chúm môi, phồng má... nghĩa là nữ thần mất hẳn đi vẻ đẹp tuyệt diệu của nữ thần. Và như thế thì thật là tai họa.

Nữ thần Atêna vứt cây sáo đi nguyên do là như thế. Nhưng Marxiax lại nhặt được cây sáo. Lão già này chẳng biết đến lời nguyền của Atêna. Lão đưa sáo lên miệng và mầy mò tập thổi. Lão chẳng quan tâm đến việc khuôn mặt mình mất tự nhiên đi, xấu đi khi thổi sáo vì lão vốn chẳng đẹp đẽ gì. Cuối cùng Marxiax thổi được sáo và thổi sáo rất hay, ngày càng hay, hay đến nỗi khi tiếng sáo Marxiax cất lên là chim chóc đang kiếm ăn dừng lại lắng nghe, hươu nai đang gặm cỏ trong rừng ngừng ăn, nghênh nghênh chiếc cổ cao lên, dỏng tai tìm nghe tiếng nhạc. Có con suối nghe tiếng sáo Marxiax lại ngỡ tiếng nói thủ thỉ của bạn mình. Còn rừng cây nghe tiếng sáo của Marxiax như uống lấy mọi âm thanh. Người ta bảo chúng muốn học thuộc những làn điệu Marxiax để khi gió nổi lên là cùng hòa tấu. Marxiax đưa cây sáo về đất Phrigi, quê mình, để truyền dạy lại cho mọi người biết sử dụng một nhạc cụ đơn giản mà lại khá hay đến như thế.

Danh tiếng của Marxiax lừng lẫy đến nỗi lão sinh ra kiêu căng. Lão tự hào về tài năng của lão song lại mất tỉnh táo đến nỗi cho rằng, không một thứ đàn nào có thể hay bằng cây sáo, không một ai có thể biểu diễn một nhạc cụ nào hay bằng lão thổi cây sáo. Lão nảy ra ý định ngông cuồng thách thức vị thần bảo trợ cho Nghệ thuật và Âm nhạc là Apôlông thi tài. Vị thần này chấp nhận ngay cuộc thi đấu. Các nàng Muydơ và nhà vua Miđax trị vì trên đất Phrigi, được mời làm ban giám khảo. Kẻ thất bại, thua cuộc trong cuộc thi này phải nộp mình cho người chiến thắng toàn quyền sử dụng.

Cuộc đo tài diễn ra. Thần Apôlông với cây đàn kitar biểu diễn trước. Khó mà có thể diễn tả được hết phong thái biểu diễn tài hoa chinh phục lòng người của Apôlông. Khoác một tấm áo choàng may cực kỳ đẹp đẽ, Apôlông cầm cây đàn bước ra đĩnh đạc mà vẫn không mất đi vẻ duyên dáng, tươi tắn. Những tiếng đàn của thần bật lên thánh thót như rót vào lòng mọi người. Ngón tay của thần mềm mại, uyển chuyển lướt đi trên những dây đàn tưởng chừng như những bước chân của các nàng Muydơ đang xoay, đang lướt đi trên thềm vàng, thềm bạc của cung điện Ôlympia. Còn lão Marxiax, con người thô thiển của rừng rú, quê mùa với cây sáo, dù có trổ hết tài năng cũng không thể nào điêu luyện bằng một vị thần đã từng chỉ huy, dạy bảo cho các nàng Muydơ xinh đẹp, đầy tài năng, con của đấng phụ vương Dớt. Ban giám khảo bỏ phiếu kín để quyết định người thắng cuộc. Các nàng Muydơ bỏ cho Apôlông, còn vua Miđax bỏ cho Marxiax.

Như vậy là Apôlông thắng. Vòng lá nguyệt quế trên vầng trán cao của vị thần dường như lại thắm hơn. Marxiax quỳ xuống nộp mình trước mặt vị thần Apôlông. Mặc dù đã giành được thắng lợi vẻ vang song Apôlông vẫn không nguôi được nỗi tức giận với Marxiax đã ngạo mạn, kiêu căng dám thách thức một vị thần Ôlympia thi tài. Thần treo Marxiax lên một cây thông rồi lột da lão! Thật khủng khiếp! Tấm da của Marxiax treo trên cây ở gần vùng Kêlen đất Phrigi như để làm gương cho những kẻ dám to gan lớn mật thách thức cả với thần thánh, muốn hơn cả thần thánh.

Tấm da Marxiax thật kỳ lạ. Người ta kể mỗi khi có tiếng sáo từ đất Phrigi nổi lên, bay đến thì tấm da Marxiax lại chuyển động xốn xang như rung động vì tiếng sáo. Nhưng hễ khi nghe thấy tiếng đàn kitar không biết từ đâu bay đến thì tấm da lại thẳng đưỡn ra, không mảy may chuyển động. Sau này hình như Apôlông có hối hận vì hành động trừng phạt quá tàn nhẫn của mình. Vì thế có chuyện kể, Apôlông đã biến Marxiax thành một con sông và trao chiếc sáo của Marxiax cho thần Rượu Nho Điônidôx.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay