Võ sư y tá của tôi - Chương 01 - 02 - 03

Chương 1: Tôi là y tá, không phải là ô sin bệnh viện, cũng không phải là cỗ máy tiêm truyền (1)

Lạch cạch đẩy xe tiêm từ phòng tiêm sang phòng chăm sóc đặc biệt. Nhu vừa đi vừa ngáp, bình thường thì có thể nghiêng đầu để dùng mái tóc dày và dài che cái mồm khi ngáp, nhưng mà bây giờ mái tóc dày và dài đó bị buộc túm gọn đằng sau rồi. Quy định bệnh viện mà, y tá phải để tóc ngắn hoặc quấn gọn. Mà che miệng làm cái gì chứ, khoa nhi, có anh chàng nào thèm nhìn đâu? Mà giả sử có anh nào đẹp trai chịu nhìn khiến tim cô xao xuyến loạn nhịp thì cũng nhanh chóng vỡ mộng thôi. Kinh nghiệm xương máu cho thấy, ngay sau giây phút định mệnh mắt gặp mắt ấy là màn “Ba ơi bế con.” hoặc “Anh đứng ngây ra đấy làm gì, lấy cho em cái bỉm.”. Biết làm sao được, khoa nhi mà, đàn ông mà vào khoa nhi thì chỉ có thể là ba bệnh nhân thôi.

Kéo lê cái xe tiêm trên hành lang, tiếng lạch cạch của bánh xe và sàn nhà cùng những tiếng xì xầm của các bà mẹ khiến Nhu như biến thành tử thần đang kéo lê lưỡi hái đi dọc hành lang.

- Nín đi không cô kia tiêm cho bây giờ.

- Há miệng ăn không cô y tá tiêm vào miệng đấy.

[Chúc các bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Nhu như điếc đi qua đống âm thanh dọa nạt đó. Bụng thì nguyền rủa, oán hận cái số phận thảm hại của mình. Bình thường mỗi ca trực Nhu chăm sóc khoảng tám đến mười bệnh nhân, nhưng một tuần nay cô được giao cho chăm sóc một bệnh nhân duy nhất ở phòng chăm sóc đặc biệt. Không phải vì tình trạng của cậu bé nặng đến mức cần phải như vậy, chẳng qua là ba nó làm to, đến bác giám đốc bệnh viện còn ngày nào cũng a lô xuống hỏi xem tình hình nó như thế nào thì việc trưởng khoa phân hẳn một y tá chăm sóc nó là chuyện bình thường.

À mà nghĩ lại gọi thằng bé cũng hơi ngượng mồm, nó to như trâu mộng ý, mới có mười sáu tuổi mà cao đến mét tám, chân tay dài loằng ngoằng. Ba mẹ nó cho nó ăn gì mà cao to khiếp thế? Ba Nhu vỗ béo cô bằng cám con cò mà cũng chỉ chạm được mét sáu và chả bao giờ đạt mốc bao xi măng (năm mươi cân ý ạ).

Tính tình thằng nhóc thì ngang tàng, quá quắt. Đại thiếu gia mà, lại đang tuổi dậy thì, khó chiều lắm. Nhu tự lẩm nhẩm, gãy xương đùi do đua xe, còn may chán. Nhưng mà may cho nó, không phải may cho cô. Gãy xương đùi thì chắc nó phải nằm đây cả tháng mất. Ôi, cả tháng đối mặt với thằng nhóc thiếu gia nổi loạn thì đời thật là thảm. Biết thế này kiểu gì cô cũng học điều dưỡng người lớn rồi làm khoa ngoại, chăm sóc mấy anh to cao đẹp giai có phải tốt không? Lại đi đâm đầu vào học nhi làm gì cho khổ, giờ hối không kịp…

-----------

Nhu gõ cửa lấy lệ rồi đẩy cửa vào phòng chăm sóc đặc biệt.

- Chào buổi sáng, tôi đến để…

- Tôi đã nói cô được vào chưa? – Giọng thằng nhóc gắt gỏng.

Thằng nhãi này… bụng Nhu sôi lên nhưng nhận ra là cô giúp việc đang giúp nó thay áo. Ngượng à? Con trai tuổi dậy thì đây mà, chị đây hiểu. Nhu đành cười cười.

- Xin lỗi nha, tôi vô ý quá, lát nữa tôi lại ngay. – Dịu ngọt thôi chứ biết làm sao, mắng nó khác nào mắng vào mặt giám đốc đâu, ngu gì!

Vừa ra khỏi phòng Nhu phì cười, trông cái mặt xấu hổ của nó hay ghê ta. Có nên kể cho nó là lúc chuyển từ phòng mổ cấp cứu xuống khoa này, lúc nó còn chưa tan thuốc mê, chị đây đã thay đồ cho nó và thấy hết cả rồi, có chi mà phải ngại? Nghĩ đến cái mặt nó nếu mình nói vậy, Nhu không nhịn được cười.

Một lát sau, Nhu gõ cửa lại và quay vào phòng:

- Xin lỗi lần nữa nha, đến giờ lấy nhiệt độ và tiêm thuốc rồi. – Nhu cố lấy giọng nhẹ nhàng nhất có thể.

Bị gắt gỏng thế mà cái mặt Nhu vẫn “nhơn nhơn”, thằng nhóc cảm giác như đang bị cười đểu. Mà đúng là bị cười đểu thật, nếu mà nó biết mấy cái suy nghĩ biến thái trong đầu Nhu thì chắc nó nổi khùng lên quá.

- Chị này!

- Ừm! – Nhu giật mình vì chăm nó hơn một tuần nhưng đây là lần đầu tiên nó gọi Nhu bằng chị, nhưng vẫn bằng cái giọng trịch thượng cố tỏ ra ta đây quan trọng.

- Sao em? – Nhu đáp lại theo phản xạ.

- “Sao em?” – Thằng nhóc gằn giọng. – Cô nghĩ cô là ai, ít nhất cũng phải nói: “thưa cậu”.

- Vậy à, tôi là y tá, và cậu là ai mà tôi phải nói: “thưa cậu”? – Nhu dừng ghi chép bảng mạch nhiệt độ, nhìn thẳng mặt thằng nhóc lếu láo.

- Ừ thì y tá, nhưng tôi nói chị nghe, chị ở đây chăm tôi thì cũng như ô sin ở nhà tôi thôi. Khác là ô sin thì ở nhà, còn y tá thì ở bệnh viện. Hiểu chưa?

Ranh con, hết chuyện nên gây sự với mình à? Xem kĩ bệnh án rồi, thằng này rõ ràng chỉ gãy đùi, đầu không có đập vào chỗ nào, cũng không có tiền sử gì về thần kinh hay tâm thần cả. Nhu vẫn chưa thôi nhìn thẳng mặt thằng nhóc.

- Chưa hiểu!

- Thế nếu tôi định nói với bác giám đốc đuổi việc chị thì chị có định thêm hai chữa “thưa cậu” vào mỗi câu nói chuyện với tôi không?

- Mới “định” thôi đúng không? Khi nào cậu làm rồi thì tôi sẽ nghĩ đến chuyện có nói hai chữ đấy hay không. Còn bây giờ tôi sẽ tiêm giảm đau, cậu kéo tay lên giùm tôi. – Nhu đáp lại tỉnh bơ. Chị đây thừa kinh nghiệm với mấy đứa kiểu như nhóc rồi.

Thằng nhóc có vẻ rất bực mình, chắc từ trước đến giờ chưa ai dám trái ý nó. Trông cái mặt nó hằm hằm như gà chọi. Không thấy thằng nhóc phản ứng gì, cô giúp việc vội vàng đến kéo tay áo nó.

- Cút đi. – Thằng nhóc gào lên.

Chương 2: Tôi là y tá, không phải là ô sin bệnh viện, cũng không phải là cỗ máy tiêm truyền (2)

Cô giúp việc mặt tái mét, đứng thụt lùi vào góc tường.

Chỉ là thằng nhãi ranh thôi mà, sao phải sợ đến thế? Nhu lắc đầu, ra điều không thoải mái lắm.

- Vậy tôi kéo áo giúp cậu nhé? – Nhu để khay thuốc xuống giường và toan kéo tay áo cho thằng nhóc. Bất chợt thằng nhóc giật khay tiêm bằng tay còn lại và ném thẳng vào mặt Nhu. Dù rất bất ngờ nhưng Nhu cũng tránh được, khay tiêm rơi xuống đất bắn tung tóe.

Chưa kịp định thần thì một quyền từ trên trời nhằm thẳng mặt thằng nhóc mà rơi xuống, như một phản xạ có điều kiện, Nhu lao vào dùng hai tay đan chéo đỡ nguyên một quyền. Nó quá dễ với Nhu, có vẻ như là ngày nào Nhu cũng tập tư thế đối kháng ấy nên đã quá quen thuộc thì phải.

Ơ, mà sao lại quen thuộc nhỉ? Đang ở bệnh viện mà? Nhu giật mình nhìn lên. Người vừa tung một cú đấm mạnh như sấm ấy không ai khác là… ba Nhu – Võ đường trưởng đời thứ hai của võ đường Thiên Thu.

- Ba… ba, sao lại? – Nhu lắp bắp, nửa người Nhu vẫn che cho thằng nhóc.

Thằng nhóc và cô giúp việc có lẽ sợ quá, mặt cắt không còn giọt máu, không thốt lên được câu nào. Nhu thấy đầu ong ong, tình huống quái quỷ gì thế này, sao ba lại ở đây và sao lại tấn công thằng nhóc?

- Đây là việc làm rất tốt mà con nói sao Nhu? – Ông nói với giọng hết sức giận dữ. – Để một thằng nhãi vắt mũi chưa sạch khinh bỉ như thế là một công việc tốt sao? Ba qua để xem công việc của con hay ho đến thế nào mà con nhất quyết chọn công việc này thay vì việc trở thành người kế thừa võ đường. Rốt cuộc lại ở đây hầu hạ và nghe thằng ranh này chửi rủa! Sao không để ba cho nó một đấm để ngậm miệng lại?

Ra vậy, Nhu cố nén một tiếng thở dài, cô cũng phần nào định hình được tình huống rồi.

- Ba thôi đi, cậu ta là bệnh nhân của con nên đương nhiên con phải chăm sóc và bảo vệ cậu ta. Ba ra ngoài một lát được không ạ, xong việc trong này con sẽ ra liền.

Đang đùng đùng cơn giận nhưng nhìn ánh mắt hết sức nghiêm túc của cô con gái rượu, ông Lăng đành nén giận lại.

- Ta đợi ngay bên ngoài. – Ông quay đi không quên buông một cái nhìn sắc lẻm vào thằng nhóc đang sợ chết khiếp trên giường.

Bóng người cha vừa khuất sau cửa, Nhu quay lại.

- Xin lỗi vì sự xuất hiện của ba tôi.

- Tôi… tôi, tôi sẽ nói với giám đốc, cô… cô sẽ bị đuổi việc, tôi… tôi đảm bảo…

- Thôi đi, đừng có dọa tôi. Ba tôi có lỗi vì tấn công cậu, thay mặt ông ấy tôi xin lỗi cậu. Nhưng cậu xem lại thái độ của cậu đi, nếu mà vẫn thấy ổn thì chắc chắn nhân cách có vấn đề.

- Cô im đi, sau chuyện này tôi không để yên đâu. – Thằng nhãi mượn oai cha quay trở lại rồi.

- Bỏ thái độ ấy và thành thực với bản thân đi, thằng nhóc nông nổi kia. – Nhu vừa nói vừa đưa tay bóp trán kìm nén cơn giận.

- Im đi, cô biết gì về tôi mà nói. – Thằng nhóc cười hả hê – Đuổi ba cô ra ngoài để ở đây năn nỉ van xin tôi chứ gì. Nếu định làm thì làm nhanh đi, chắc chắn cô bị đuổi việc nhưng tôi sẽ xem thái độ của cô để quyết định có kiện vì tội hành hung hay không…

- Sao lại cứ nói những thứ không thật với lòng thế? – Nhu bỏ tay khỏi trán, nhìn thẳng vào thằng nhóc.

Thoáng sững người, thằng nhóc trợn mắt.

- Im! – Vẫn cái giọng cố ra vẻ trịch thượng ấy. – Cô thì biết gì?

- Tôi đã tìm hiểu rất kỹ bệnh án của cậu cũng như hỏi về tính cách và cả thói quen của cậu. Tôi biết bình thường cậu không láo toét và khó gần như thế. Có lý do khiến cậu như vậy, thế nên tôi mới không ý kiến gì trong suốt tuần qua, mặc dù hành vi cũng như lời nói của cậu thật không thể chấp nhận được.

Thằng nhóc sững người, tự hỏi bản thân: Cô ta đang nói cái gì vậy?

- Cuộc sống không phức tạp như cậu nghĩ đâu. Đơn giản hóa nó đi. Nếu đau thì bảo đau, tôi sẽ tiêm thuốc giảm đau cho. Gãy xương đùi cơ mà, sao không đau chứ? Nếu mà nghĩ chịu đau là anh hùng ấy, thì nó chỉ đúng khi ở trên võ đài, khi võ sĩ chịu đau để tiến lên giành chiến thắng. Còn trong bệnh viện, cố chịu đau thì là thằng ngốc. Còn nếu cậu nghĩ cứ đau đớn quằn quại thì ba cậu sẽ đến thăm thì đừng huyễn hoặc bản thân như thế. Gần mười ngày rồi mà ba cậu chỉ đến thăm có một lần đúng không? Điều đó khiến cậu cáu giận và stress còn hơn cả vết thương. Nghĩ cho bản thân mình trước đã, sao không mau mau khỏe lại, đến gặp ông ta và hỏi cho rõ: Sao không quan tâm gì đến tôi? thay bằng ở đây mượn oai ba để dọa đuổi việc và kiện tôi?

Thằng nhóc tái mặt, sao cô ta hiểu được những chuyện này, cả việc nó nhịn đau, đến cô giúp việc cũng không nhận ra mà sao cô ta biết?

- Cô im đi, có ông bố đi khắp nơi bảo vệ như cô thì làm sao mà hiểu tôi. – Giọng thằng nhóc như gằn xuống.

- Cũng có thể tôi không hiểu hết. Nhưng phần nào đó tôi ngưỡng mộ cậu đấy, giá mà ông bố tôi bỏ bê tôi như ông bố cậu thì tốt biết mấy. Vừa chứng kiến một pha bảo vệ con cưng của ông ấy rồi còn gì. – Nhu hạ giọng. – Cố gắng đặt mình vào vị trí người khác đi, cậu không phải là người duy nhất có nỗi khổ tâm mang tên “ông bố” đâu.

Nhu nén một tiếng thở dài rồi tiếp tục:

- Cậu muốn làm gì thì làm, tôi phải đi ra trước khi ba tôi quay lại. – Nhu đi tới cửa chợt ngoảnh đầu lại. – Có chuyện này cậu nên biết, ba cậu đã túc trực ở phòng mổ cấp cứu cho đến khi cậu an toàn và chuyển đến đây. Tôi không hiểu vì sao ông ta chỉ đến thăm cậu có một lần, nhưng nhìn vào khuôn mặt lo lắng đó thì chắc chắn cậu là một người rất quan trọng đối với ông ta.

Thằng nhóc mở to mắt ngạc nhiên rồi bất chợt thốt lên:

- Cô là ai?

Nhu đáp lại mà không cần suy nghĩ đến một giây:

- Tôi là y tá, người chăm sóc cậu, không phải osin trong bệnh viện cũng không phải là cỗ máy tiêm truyền. – Nhu đóng cửa lại, không hiểu thằng nhóc sẽ phản ứng ra sao, nhưng Nhu cần nói chuyện với ba trước đã. Không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra phía trước đây?

Chương 3: Nỗi khổ tâm mang tên ông bố

Nhu đảo mắt nhìn quanh tìm ba lòng đầy lo lắng. Khỏi nói cũng biết, chứng kiến cảnh vừa rồi ông bố nào mà chả tức sôi máu lên, đặc biệt là ba Nhu – người nổi tiếng là bao bọc con quá mức. Từ ngày mẹ Nhu mất, căn bệnh này của ba dường như trầm trọng hơn thì phải. Vì cái tính ấy của ba mà Nhu đã không biết bao lần rơi vào tình huống dở khóc dở cười như hôm nay.

Không thấy ba đâu, Nhu hết sức hốt hoảng, lo lắng cho… những người liên quan. Đầu căng ra cố gắng tập trung phân tích sự kiện. Sau cảnh vừa rồi đảm bảo ba Nhu sẽ đi tìm trưởng khoa để tính sổ vì dám ngược đãi con gái ông, nhưng mà trưởng khoa hôm nay đi công tác mà. Nhu thở phào nhẹ nhõm, vậy là yên tâm rồi, bất chợt cô giật thót người và lao như điên ra khỏi khoa.

Tía má ơi, không gặp trưởng khoa thì kiểu gì ông cụ cũng tìm giám đốc cho coi. Ba mà nói chuyện với giám đốc bằng karate thì bốn năm học đại học, hai năm chăm chỉ làm việc của cô thành công cốc. Mà sau đấy đảm bảo là chả bệnh viện nào dám thuê cô, chỉ có nước sang xứ khác mà làm ăn thôi. Con nhà võ nên tính khí ba rất điềm đạm nhưng mà cứ đụng đến con cái là y như rằng ba cô như biến thành người khác, rất hung hăng và dễ kích động.

Vừa ra khỏi khoa Nhu thấy ba đang đứng nói chuyện với anh bảo vệ. Anh bảo vệ này hồi thanh niên thường đến võ đường nhà cô học võ, anh ta thần tượng ba lắm. Chắc có anh ta dẫn vào nên ba mới vào thẳng khoa, rồi vào hẳn cả phòng chăm sóc đặc biệt mà không ai chặn lại. Thấy Nhu anh bảo vệ vẫy tay gọi:

- Nhu à, ba em đang hỏi đường lên phòng giám đốc này, em đưa ba em lên nhé, anh đang bận tí việc.

Biết ngay mà! Nhu thở phào một cái, đang tìm đường nghĩa là chưa gặp được giám đốc, Nhu thoát chết trong đường tơ kẽ tóc rồi.

Đợi anh chàng bảo vệ khuất dạng, Nhu thật sự muốn cau có với ba, nhưng nghĩ đến cùng cũng là vì ông thương Nhu quá thôi, với lại cũng đang trong bệnh viện. Nén một tiếng thở dài, Nhu hỏi:

- Ba con mình đi café đi?

- Đang giờ làm mà định trốn sao? – Ba khoanh tay nhìn Nhu, có chút chế giễu.

- Ờ thì ba toàn kêu con nghỉ làm ở nhà mà sao giờ lại quan tâm đến việc con trốn làm hay không thế? – Nhu cố bông đùa một chút.

----------
Gào ầm lên ba chẳng hiểu gì cả hay ba đang hủy hoại tương lai của con, khóc lóc, tuyệt thực, bỏ nhà đi… là những điều Nhu đã làm khi mới còn là một cô nhóc con. Khi còn chưa hiểu chuyện, nhiều lúc Nhu giận ba ghê gớm. Lúc nào Nhu cũng có cảm giác ông muốn nhét Nhu vào một cái hộp kín và cất vào túi áo.

Nhưng lớn một chút, hiểu nỗi đau của người cha gà trống nuôi con, Nhu thương ông nhiều hơn là giận. Nếu mẹ còn sống chắc chắn mẹ để con làm điều con muốn làm. – Nhu đã không nói câu nói ấy nhiều năm nay rồi vì cô hiểu rằng người đau đớn nhất khi mẹ ra đi không ai khác là ba. Ông còn luôn đổ lỗi cho bản thân vì không thể bù đắp cho Nhu tình yêu thiếu hụt từ người mẹ, vậy nên ông luôn tìm cách bao bọc, bảo vệ Nhu hết lớp này qua lớp khác.

----------

Nhu liếc mắt nhìn ba, hình như ba cũng nguôi giận rồi thì phải. Bắt gặp cái liếc trộm của cô, ông Lăng hắng giọng “Hừ!” một tiếng rõ to.

- Tôi không hiểu sao cô cứ thích bám theo cái nghề hầu hạ người khác thế?

Với ông Lăng thì dù gì ông cũng chỉ có mỗi một mụn con, mà Nhu cũng không phải đứa yếu ớt gì cho cam, từ năm mười bốn tuổi đã tham gia không biết bao nhiêu giải đấu trong nước và khu vực. Nhu rất có tố chất, tiếp thu nhanh, thần kinh vận động nhạy bén lại được dạy dỗ chính thống từ bé. Có điều con bé này chẳng có hứng thú với võ thuật và hoàn toàn không muốn làm người thừa kế võ đường. Năm mười sáu tuổi nó đột nhiên không tham gia thi đấu và luyện tập để thi lên đai nữa. Sau đó là thi đại học và làm cái nghề hầu hạ người này. Sợ rằng tuổi trẻ bồng bột nên ông Lăng luôn tìm cách hướng con theo nghiệp. Nhưng lần này có lẽ ông đã làm hơi quá.

Về phần Nhu, lớn lên với sàn tập karate, tận mắt chứng kiến ông nội và ba bao năm vất vả xây dựng võ đường, Nhu cũng có nhiều tình cảm với nó lắm chứ. Nhưng bảo là yêu và muốn gắn bó suốt đời thì đó dường như không phải là điều Nhu muốn. Tập karate không tránh khỏi xây xát, trầy trụa, giãn cơ có khi còn trật khớp. Từ nhỏ Nhu đã quen với việc chăm sóc các học viên của ba. Cảm giác chăm sóc một ai đó thật hay, chữa lành vết thương cho họ, giúp họ giảm nhẹ cơn đau. Thế rồi chẳng hiểu sao Nhu yêu cái công việc ấy và quyết định trở thành điều dưỡng.

Nhu vốn định cãi lại câu hỏi của ba, nhưng lại thôi. Trong lòng muốn hét toáng lên cho ba nghe tại sao cô lại chọn nghề này, nhưng Nhu đã làm như thế bao nhiêu lần mà ba có hiểu đâu. Thật khó khăn để khiến người khác hiểu được quan điểm của mình. Ba không chịu hiểu lý do Nhu thích công việc này cũng như Nhu không chịu hiểu tại sao ba cứ nhất quyết bắt Nhu phải nối nghiệp vậy.

Hai ba con ngồi đối diện, im lặng đã lâu, ly café đã nguội. Gần tháng nay Nhu không về nhà, bám trụ ở bệnh viện sau cái hôm hai cha con cãi nhau nảy lửa vì ông Lăng muốn Nhu nghỉ việc để phụ giúp ông ở võ đường. Hơn tháng không gặp, chắc ăn uống không đủ nên nhìn ba hơi gầy. Nhu thở dài phá vỡ không gian yên lặng.

- Tối nay con sẽ về. Ba đừng như hôm nay nữa nhé?

Ông Lăng cảm thấy rất vui vì cô con gái ương bướng đã chịu về nhà nhưng cái tính cố chấp vẫn giữ ông lặng thinh với khuôn mặt lạnh tanh.

- Con sẽ vẫn đi làm, chuyện võ đường con sẽ bàn với ba sau được không?

Lại một khoảng im lặng khác xen vào hai cha con…

- Sao ba lại đánh một thằng bé không có khả năng bảo vệ bản thân thế? Chẳng giống ba chút nào.

- Thì tôi không nghĩ phản xạ của cô kém đến mức không đỡ được đòn ấy. – Ông Lăng thản nhiên đáp.

Nhu nhăn mặt cười, vậy là cô đã nghĩ đúng, mặc dù tức điên lên, nhưng ông quả thực không có ý tấn công thằng bé thật.

Hai ba con vừa nói chuyện cởi mở một tí thì điện thoại Nhu vang lên liên hồi, tên chị điều dưỡng trưởng đập vào mắt cô. Thôi rồi, Lượm ơi! Nhu quên béng mất là rắc rối của Nhu ở cả hai phía. Thằng nhóc kia chắc đã ton hót lên giám đốc và giờ hẳn là Nhu bị kêu về để giải thích, tường trình. Cầm điện thoại lên “Alo!” mà tựa như đang bê quả tạ mười cân đẩy lên ngang tai.

- Em đang ở đâu thế? Thằng cu phòng đặc biệt đang cáu um lên. Về xem thế nào đi...
Nhu lẩm bẩm: Biết ngay mà, kiểu gì cũng thế này.

-----------
Nhu gõ cửa, đợi một lát không thấy ai thưa, cô đẩy cửa đi vào. Cảm giác ngán ngẩm dâng lên tận họng, thằng nhóc này chắc lại định ép Nhu xuống nước năn nỉ, cầu xin đây. Trẻ con bây giờ thật là…

- Làm cái gì mà bây giờ mới tới? – Thằng nhãi quát to vẫn bằng cái giọng trịch thượng ấy.

Cùng lắm thì bị đuổi việc, sao phải sợ thằng nhãi này. Nhu khép cửa lại và nhìn thằng bé bằng con mắt như muốn hỏi: Muốn giề

- Mau tiêm giảm đau cho tôi, đau chết đi được đây!

Hả? Mình nghe nhầm không ta? Nhu trố mắt nhìn thằng bé mà nó còn giả bộ ngó lơ, giả bộ cố tình không để ý đến thái độ của Nhu. Thấy Nhu vẫn đực mặt ra đấy, nó cao giọng quát:

- Còn làm cái gì đấy? Muốn tôi nói với giám đốc chị không thèm tiêm thuốc cho tôi hả?

Nhu bừng tỉnh, vội vàng lấy thuốc chuẩn bị tiêm, lòng rối bung lên tự hỏi: Thằng lỏi này định giở trò gì đây ta? Thôi thì cứ tiêm thuốc cho nó đã.

- Hơi đau một chút đấy, ráng chịu nha!

Thằng nhóc không nói gì, Nhu thực hiện nhanh mũi tiêm rồi thu dọn dụng cụ. Vẫn chẳng thấy nó nói gì, Nhu sốt ruột định lên tiếng trước thì thằng nhóc nói.

- Lần này tôi tha cho chị đấy, không có lần sau đâu. – Thằng nhóc lên tiếng, mặt vẫn ngó lơ đi chỗ khác.

- Ý cậu là cậu sẽ không mách lẻo giám đốc hả? – Nhu ngạc nhiên nên buột miệng hỏi. Không hiểu điều gì đã làm nó thay đổi suy nghĩ nhanh đến thế?

Đốp lại ngay câu hỏi của cô là cái mặt sửng cồ của thằng nhóc, giọng nó nhanh và lộ vẻ giận nên mất cái vẻ ta đây hàng ngày.

- Chị không biết điều một chút sao? Ai mách lẻo hả? Tôi sẽ xem thái độ của chị để quyết định xem có nói chuyện đó hay không. Xem ra thái độ của chị không đáng để tôi… tôi... – Thằng nhóc ngập ngừng một tí, chắc tí chút nữa là nó phun ra từ “mách lẻo”.

Nhu hiểu ngay ra vấn đề, vội vàng xin lỗi cậu ta cho được việc. Tên nhóc này đã nhún nhường thế rồi mình cũng nên vừa lòng nó một chút cho êm chuyện. Mà có vẻ nó cũng chưa nói với ai thật, chị điều dưỡng trưởng gọi cô về và mắng vì cô rời khoa không xin phép chứ chả đả động gì đến việc bệnh nhân bị tấn công. Nhu tự nhủ chắc lần này thoát nạn rồi…