Ôlivơ Tuýt - Chương 01

CHƯƠNG I

NƠI ÔLIVƠ TUÝT RA ĐỜI VÀ NHỮNG HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA NÓ

Trong số những ngôi nhà công cộng ở một thành phố nọ, vì nhiều lý do tôi thận trọng tránh không nhắc tên, và cũng sẽ không gán cho nó một cái tên bịa đặt, có một ngôi nhà từ xưa vẫn quen thuộc với hầu hết các thành phố, dù lớn hay nhỏ: tôi muốn nói đến nhà tế bần. Và tại ngôi nhà tế bần này đã ra đời, vào một ngày tháng mà tôi thấy không cần bận tâm nhắc đến, bởi vì nó chẳng có gì là quan trọng đối với bạn đọc cả - dẫu sao cũng ở giai đoạn đầu của câu chuyện - cái sinh mạng có tên gọi được nêu ở đầu mục của chương này.

Trong một thời gian dài, sau khi ông thầy thuốc địa phận đưa nó vào cái cõi đời buồn bã và lo âu này, người ta vẫn rất phân vân không biết thằng bé có sống nổi để mang một tên gọi nào hay không. Nếu vậy, những hồi ký này cũng ít hy vọng ra đời được hay, nếu như có ra đời thì cũng chỉ vẻn vẹn có hai ba trang, nhưng nó sẽ có được một giá trị vô song là loại tiểu sử trung thành nhất và ngắn gọn nhất trong nền văn học của bất kỳ thời đại nào và của bất cứ nước nào.

Mặc dầu tôi không có thiên hướng cho rằng sinh ra ở nhà tế bần tự nó là điều may mắn nhất và đáng mong muốn nhất con người có thể gặp, nhưng thực tình tôi vẫn muốn nói rằng trường hợp đặc biệt này là điều tốt nhất có thể xảy đến với Ôlivơ Tuýt. Sự thực là, phải vất vả lắm mới khiến cho Ôlivơ tự mình thực hiện được công việc hô hấp, một động tác rắc rối, nhưng là một động tác mà thói quen đã làm cho nó thành cần thiết đối với cuộc sống thoải mái của chúng ta; và trong thời gian nó nằm thở hổn hển trên cái nệm bông nhỏ, bấp bênh giữa thế giới này và thế giới bên kia, cán cân rõ ràng là nghiêng về cái thế giới thứ hai. Ví thử trong thời gian ngắn ngủi này, Ôlivơ được một bà nội cẩn thận, những bà dì tận s, những người hộ lý có kinh nghiệm, những bác sĩ thông thái săn sóc chung quanh thì tất yếu thế nào nó cũng chết ngay. Nhưng chung quanh nó không có ai hết, ngoài một bà cụ nghèo, đầu óc đã trở thành mụ đi vì uống quá nhiều bia và một ông thầy thuốc của địa phận làm những công việc này theo giao kèo. Ôlivơ và Thiên nhiên, hai bên chiến đấu với nhau. Kết quả là sau khi vật lộn một lát, Ôlivơ đã thở, hắt hơi, và bắt đầu báo cho những người ở trong nhà tế bần biết tình hình là địa phận phải chịu thêm một gánh nặng nữa bằng cách buông ra một tiếng kêu ầm ĩ như người ta có thể chờ đợi ở một cậu bé suốt từ cách đây ba phút mười lăm giây chưa nhận được cái phần phụ rất bổ ích là tiếng nói.

Nhưng khi Ôlivơ biểu lộ dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ là nó đã sử dụng bộ phổi một cách tự do và thích hợp thì cái khăn trải giường vá, phủ qua loa trên chiếc giường sắt kêu sột soạt, gương mặt tái nhợt của một thiếu phụ ngẩng lên yếu ớt khỏi gối, và một giọng nói thều thào lắp bắp: “Cho tôi nhìn đứa bé, trước khi chết”.

Ông thầy thuốc vẫn ngồi quay mặt về phía ngọn lửa, hết hơ tay trên lửa cho ấm, lại xoa tay. Nghe người thiếu phụ nói, ông đứng dậy và đến cạnh đầu giường, nói giọng dịu dàng hơn điều người ta có thể chờ đợi ở ông ta.

“Ồ, chị chưa được nói đến chuyện chết chóc”.

“Không, Chúa ban phúc cho chị ta!”, bà hộ lý vừa nói xen vào vừa vội vàng nhét vào túi cái chai màu xanh mà ở góc phòng bà ta vừa nhấm nháp nước đựng trong chai ra vẻ thỏa mãn rõ rệt. “Chúa ban phúc cho chị ta, khi nào chị ta đã sống lâu như tôi, đã sinh mười ba đứa con, tất cả đều chết, không kể hai đứa đang ở trong nhà tế bần với tôi thì chị ta sẽ biết đi con đường ấy hay hơn đấy. Cầu Chúa ban phúc cho chị ta! Hãy nghĩ xem làm một bà mẹ thật khó như thế nào! Thằng bé xinh quá!”

Rõ ràng là cái tương lai đáng an ủi này của một bà mẹ không tạo nên hậu quả thích đáng. Người bệnh lắc đầu, dang tay ra để đón đứa bé.

Ông thầy thuốc đặt đứa bé vào tay bà mẹ. Bà say sưa, âu yếm áp đôi môi nhợt nhạt lên trán con; hai tay bà vuốt lên mặt mình, nhìn chung quanh ngơ ngác, bà rùng mình, ngã vật ra phía sau - và chết. Người ta xoa ngực, xoa tay và thái dương bà, nhưng máu đã vĩnh viễn ngừng chảy. Người ta nói đến hy vọng và an ủi. Nhưng cả hai từ lâu đã là những điều xa lạ đối với người thiếu phụ.

“Thế là hết, bà Thingămmi ạ!”, cuối cùng ông thầy thuốc nói.

“Vâng, đúng thế, tội nghiệp đứa bé!”, bà hộ ly vừa nói vừa nhặt nút của cái chai màu xanh rơi xuống trên gối. Bà cúi xuống bế đứa bé lên. “Đứa bé tội nghiệp!”

“Này bà, nếu thằng bé khóc, bà cứ việc gọi tôi”, ông thầy thuốc nói, ung dung xỏ đôi tất tay. “Chắc là nó sẽ quấy đấy. Nếu nó khóc bà cho nó một ít cháo”. Ông đội mũ và trên đường đi đến cửa ra vào, ông dừng lại ở cạnh giường, nói thêm: “Cô ấy xinh đấy chứ, cô ta ở đâu đến thế?”

“Tối qua người ta mang cô ta đến đây”, bà cụ trả lời, “theo lệnh ông tổng quản. Người ta thấy cô ta nằm ngoài đường. Cô ta đã đi từ xa đến vì giày dép xơ xác cả, nhưng cô ta từ đâu đến hay sẽ đi đâu, điều đó không ai biết”.

Ông thầy thuốc cúi mình xuống xác con người đã chết, và kéo bàn tay trái lên. “Lại một câu chuyện đã cũ”, ông nói, lắc đầu, “không có nhẫn cưới... tôi hiểu rồi. Thôi, chào bà!”

Ông thầy thuốc đi ăn tối, và bà hộ lý sau khi áp miệng vào cái chai màu xanh một lần nữa, ngồi xuống chiếc ghế thấp cạnh ngọn lửa, bắt đầu mặc áo cho đứa bé.

Bé Ôlivơ Tuýt thực là một chứng minh hùng hồn cho sức mạnh của quần áo! Khi còn được quấn trong cái chăn từ nãy đến giờ vẫn làm thành vật duy nhất che phủ thân hình nó, nó có thể là con của một người quý tộc cũng như của một kẻ ăn mày, một người lạ mặt dù kiêu hãnh nhất cũng khó lòng quy định được địa vị đúng đắn của nó trong xã hội. Nhưng bây giờ khi nó đã được khoác cái áo trúc bâu cũ kỹ ngả màu vàng vì đã dùng nhiều lần vào việc này, thế là nó đã được đánh dấu và được dán nhãn, và lập tức rơi ngay vào địa vị của nó - địa vị một thằng bé của địa phận, một đứa mồ côi ở nhà tế bần, một kẻ tôi đòi thấp hèn, đói khổ, suốt đời bị tát tai đá đít, bị mọi người khinh bỉ và không được ai thương hại.

Ôlivơ kêu khóc inh ỏi. Giá nó biết rằng nó là một đứa bé mồ côi, được giao cho các ông quản lý tài sản giáo hội và các ông tổng quản trông nom săn sóc thì nó còn khóc to hơn.