Ôlivơ Tuýt - Chương 07

CHƯƠNG VII

ÔLIVƠ VẪN CỨ CHỐNG ĐỐI

Nâu Klâypâulơ ba chân bốn cẳng chạy ngoài phố và không dừng lại một lần nào để lấy hơi, cho đến khi hắn đến cổng nhà tế bần. Đến đó, hắn đợi độ một phút rồi mới òa khóc nức nở, thảm thiết, nước mắt ròng ròng, nó đập dữ dội vào cổng, mặt mày thiểu não và khủng khiếp đến nỗi hắn đã làm cho cụ già nghèo khổ là người xưa nay không nhìn thấy gì hơn là những vẻ mặt thiểu não chung quanh mình cũng phải giật mình sửng sốt bước lùi lại khi cụ ra mở cổng.

“Này, thằng bé có việc gì thế.” Cụ già nghèo khổ hỏi.

“Ông Bâmbân ơi! Ông Bâmbân ơi!” Nâu kêu lên, khéo giả vờ làm ra vẻ khiếp sợ, và hắn rống to lên hốt hoảng đến nỗi không những tiếng kêu của hắn đến tai ông Bâmbân đang ở gần đấy mà còn làm cho ông ta sợ hãi phải lao ra ngoài sân quên cả đội cái mũ ba góc, một trường hợp thực hiếm có và tiêu biểu. Nó chứng tỏ rằng ngay cả một vị tư tế khi bị một cảm xúc mạnh mẽ và đột ngột cũng có thể trong chốc lát quên mất thái độ tự chủ và phẩm giá của mình.

“Ông Bâmbân ơi!” Nâu rống lên. “Ông ơi, thằng Ôlivơ, thằng Ôlivơ đã...”

“Cái gì? Cái gì? Ông Bâmbân ngắt lời, trong đôi mắt khắc nghiệt lóe lên sự thích thú. “Không bỏ trốn chứ? Nó không bỏ trốn có phải không, Nâu?”

“Thưa ông không ạ. Thưa ông nó không bỏ trốn, nhưng đã thành một thằng bé hư hỏng”, Nâu đáp, “Ông ơi, nó định giết con, sau đó nó lại định giết Saclôt và cả bà chủ nữa. Ôi chao! Khổ sở quá! Nguy hiểm quá, ông ơi!” Nói đến đây, Nâu uốn éo thân hình theo đủ mọi cách chẳng khác gì con lươn; do đó hắn làm cho ông Bâmbân tưởng rằng cuộc tấn công hung bạo và dữ dội của Ôlivơ đã gây thương tích và làm cho hắn hiện đang đau đớn khủng khiếp.

Khi Nâu thấy tin hắn đưa đến đã làm cho ông Bâmbân hoàn tòan bị tê liệt, hắn còn muốn gây tác dụng thêm nữa bằng cách kêu la về những vết thương của hắn dữ dội gấp mười, và khi hắn nhìn thấy một ông mặc gilê trắng đi ngang qua sân, hắn kêu gào thảm thiết hơn bao giờ hết, vì hắn cho rằng làm cho ông kia phẫn nộ và chú ý là rất cần thiết.

Chỉ lát sau, ông ta chú ý đến hắn bởi vì ông ta mới đi được ba bước bỗng quay ngoắt lại, tức tối hỏi con chó con kia làm cái gì mà tru tréo lên như thế, và tại sao ông Bâmbân không thí cho nó một cái đá để làm cho những tiếng kêu gào đang cố ý của nó trở thành tiếng kêu gào tự nhiên.

“Thưa ông, đó là một thằng bé nghèo khổ của nhà trường làm phúc”, ông Bâmbân nói, “thiếu chút nữa thì nó bị giết, nó suýt nữa bị thằng Tuýt giết chết”.

“Trời ơi!” Người mặc gilê trắng thốt lên, dừng phắt lại. “Thì tôi đã biết mà! Ngay từ đầu tôi đã có ấn tượng kỳ quặc là thằng bé hung hãn táo tợn kia thế nào rồi cũng sẽ bị treo cổ!”.

“Ông ơi, nó cũng định làm thế để giết chị đầy tớ gái đấy”, ông Bâmbân nói, mặt xanh như chàm.

“Và giết cả bà chủ nữa”, Klâypâulơ nói xen vào.

“Thế có phải nó định giết cả ông chủ của nó không, có phải mày nói thế không, Nâu?” Ông Bâmbân hỏi.

“Không! Ông chủ không có nhà, nếu không thì hắn đã giết cả ông chủ nữa”, Nâu đáp, “Hắn nói hắn muốn giết cả ông chủ”.

“A! Này cháu, cháu nói hắn muốn giết cả ông chủ nữa có phải không?” Người mặc gilê trắng hỏi.

“Thưa ông đúng đấy ạ.” Nâu đáp. “Bà chủ con muốn biết ông Bâmbân có thể dành thì giờ đến đấy ngay được không, đến nện cho nó - bởi vì ông chủ đi vắng”.

“Có chứ, cháu ạ, có chứ” người mặc gilê trắng nói, ông ta mỉm cười hiền từ và lấy tay vỗ vỗ lên đầu Nâu, mặc dầu đầu của nó cao hơn đầu ông đến gần ba insơ. “Cháu rất ngoan, cháu rất ngoan. Cho cháu một penni. Ông Bâmbân, cầm gậy đến ngay nhà ông Xaoơberi, xem làm như thế nào là tốt nhất. Ông Bâmbân, ông cứ thẳng tay cho tôi nhờ”.

“Thưa ông, tôi không nể nang đâu ạ”, ông tư tế đáp, lắp thêm vào đầu cây gậy một cái roi để quất theo lối địa phận.

“Bảo ông Xaoơberi cũng đừng nể nang gì với nó. Nếu không nện nó cho lằn da lằn thịt thì chẳng ăn thua gì đâu”, người mặc gilê trắng nói.

“Thưa ông, tôi sẽ làm chu đáo”, ông tư tế nói. Và sau khi đã đội mũ ba góc và quấn gậy một cách đắc chí, ông Bâmbân cùng với hả đi đến nhà người kinh doanh đám ma.

Tình hình sự việc ở đây vẫn chưa khá hơn chút nào. Ông Xaoơberi chưa về nhà và Ôlivơ vẫn đá thình thình vào cửa hầm rác dữ dội như trước. Bà Xaoơberi và Saclôt miêu tả cái vẻ hung tợn của thằng bé một cách kỳ quặc đến nỗi ông Bâmbân thấy trước khi mở cửa cần phai thận trọng đàm phán. Nhằm mục đích này ông tống một đạp ở ngoài cửa để mở đầu; rồi áp miệng vào lỗ khóa nói, giọng dõng dạc và hách dịch.

“Ôlivơ!”

“Mở cửa cho tôi ra!”, Ôlivơ đáp, từ phía trong.

“Mày có biết ai đang nói với mày không?”, ông Bâmbân hỏi.

“Có”, Ôlivơ đáp.

“Thế mày không sợ à? Mày không run lên khi nghe tao nói à?”, ông Bâmbân nói.

“Không”, Ôlivơ, mạnh dạn đáp.

Một câu trả lời rất khác những câu trả lời mà ông ta vẫn chờ đợi và vẫn quen nghe làm ông Bâmbân ngẩn người ra một lát. ông bước lùi khỏi lỗ khoá, đứng thẳng dậy và đưa mắt lần lượt nhìn cả ba người đứng chung quanh, ông sửng sốt im lặng.

“Ông Bâmbân, ông thấy không, nó chắc là điên rồi”, bà Xaoơberi nói. “Một thằng bé chỉ cần biết suy nghĩ một chút là không dám nói với ông như thế”.

“Bà ơi, không phải là điên đâu”, ông Bâmbân nói rồi trầm ngâm suy nghĩ một lát. “Đó là vì Thịt”.

“Cái gì?”, bà Xaoơberi kêu lên.

“Thưa bà đó là vì thịt, vì thịt đấy ạ”, ông Bâmbân đáp, giọng nghiêm nghị. “Bà đã cho nó ăn nhiều quá rồi, bà ơi. Bà đã làm nổi dậy ở nó một tâm hồn và một đầu óc giả tạo, không thích hợp với một con người ở địa vị như nó. Bà Xaoơberi ơi, các ông ở hội đồng quản trị vốn là những nhà triết học thực tiễn sẽ cho bà biết tại sao lại như vậy. Bọn nghèo khổ thì cần gì đến tâm hồn và trí óc! Chỉ cần chúng ta để cho xác thịt chúng sống là đủ lắm rồi. Nếu bà chỉ cho thằng bé ăn cháo mà thôi, điều này đã chẳng bao giờ xảy ra”.

“Trời ơi, trời ơi”, bà Xaoơberi nói rồi ngước đôi mắt kính cẩn nhìn lên trần nhà bếp, “tử tế cho lắm thì như thế đấy!”.

Lòng nhân đức của bà Xaoơberi đối với Ôlivơ tóm lại ở chỗ cho nó ăn những thứ cơm thừa canh cặn bẩn thỉu mà không ai muốn ăn, vì vậy cho nên trong thái độ vui lòng chịu đựng lời trách móc nặng nề của ông Bâmbân, bà ta tỏ ra rất phục tùng và hy sinh. Quả tình trong đầu óc, trong lời nói cũng như trong việc làm, bà ta hoàn tòan vô tội.

“Ôi chao”, ông Bâmbân nói khi bà Xaoơberi lại đưa mắt nhìn xuống đất như cũ, “điều duy nhất nên làm bây giờ theo như tôi biết, là để cho thằng bé nằm trong hầm một hai ngày cho đến khi nó kiệt sức vì đói; rồi sau đó, lôi nó ra và cho nó ăn cháo trong suốt cả thời gian học nghề. Nó là con cái một gia đình hư hỏng. Bà Xaoơberi biết không, đó là những con người dễ kích thích! Bà hộ lý và bác sĩ đều nói rằng bà mẹ của nó đã đến đây sau những khó khăn vất vả lẽ ra đã giết chết mọi người đàn bà mạnh khỏe trước đấy hàng tuần”.

Khi ng ông Bâmbân nói đến đấy, Ôlivơ vừa nghe câu chuyện trao đổi đủ để hiểu rằng người ta nói đến mẹ nó nên lại đá thình thịch vào cánh cửa dữ dội đến nỗi người ta không thể nghe được gì nữa. Ông Xaoơberi trong lúc đó trở về. Người ta giải thích cho ông nghe rằng hành động vi phạm của Ôlivơ với những lời lẽ quá đáng mà bà vợ và Saclôt cho là thích hợp nhất để làm cho ông ta nổi giận. Trong nháy mắt, ông ta mở cửa hầm và lôi thằng bé học nghề bướng bỉnh ra, tay nắm lấy cổ áo nó.

Quần áo Ôlivơ đã bị rách trong cuộc vật lộn vừa rồi. Mặt nó đã tím bầm và bị cào cấu; tóc nó lòa xòa trên trán. Nhưng cơn giận vẫn chưa hết, và khi người ta lôi nó ra khỏi nhà tù, nó cau mày giận dữ nhìn Nâu và tỏ ra hoàn tòan không sợ hãi.

“Thế nào, mày là một thằng bé cừ nhỉ, có phải không nào?”. Ông Xaoơberi nói, rồi nắm lấy vai Ôlivơ mà lắc mạnh và tát cho nó một tát.

“Nó chửi mẹ tôi”. Ôlivơ đáp.

“Ừ thì nó chửi, nhưng đồ khốn nạn kia, nó chửi thì đã sao nào?” Bà Xaoơberi nói. “Nó chửi mẹ mày như thế là đáng lắm, mẹ mày còn tệ hơn thế nữa kia”.

“Không đúng”, Ôlivơ nói.

“Đúng thế”, bà Xaoơberi nói.

"Nói dối”, Ôlivơ nói.

Bà Xaoơberi khóc òa lên.

Thấy bà vợ khóc, ông Xaoơberi không có cách nào phân vân lưỡng lự nữa. Sở dĩ ông ta đã phân vân một lát trước khi trừng phạt Ôlivơ hết sức nặng nề, mọiọc có kinh nghiệm đều thấy rõ - căn cứ vào mọi điều đã xảy ra trong những cuộc xung đột ở trong gia đình, ông ta lẽ ra là một con vật, một con người hư hỏng, một kẻ đáng khinh, một kẻ chỉ có cái mặt là mặt người mà thôi và nhiều danh từ đẹp đẽ khác nữa sẽ là quá nhiều nếu kê lại ở chỗ này. Thực tình mà nói, trong chừng mực khả năng của ông ta có thể làm, khả năng ấy không phải là to lớn cho lắm, ông ta cũng có thiện cảm đối với thằng bé. Có lẽ vì điều đó có lợi cho ông ta, cũng có lẽ bởi vì bà vợ ông ta căm ghét thằng bé. Nhưng khi thấy bà vợ nước mắt đầm đìa, ông ta không còn cách làm nào khác nữa. Cho nên, ông ta nện cho thằng bé một trận nên thân làm cho ngay cả bà Xaoơberi cũng phải hài lòng và làm cho cái gậy của địa phận trở thành vô ích. Suốt phần còn lại của ngày, Ôlivơ bị giam trong căn nhà bếp phía sau làm bạn với cái bơm nước và một mẩu bánh mì; và ban đêm, bà Xaoơberi sau khi đứng ngoài cửa nhắc nhở những điều không tốt đẹp gì đối với kỷ niệm của mẹ nó, bà ta mở cửa cho nó bước vào giữa những lời chế nhạo và những chỉ trỏ của Nâu và của Saclôt và ra lệnh cho nó trở về chiếc giường ngủ buồn bã của mình.

Sau khi Ôlivơ còn lại một mình trong cảnh im lặng buồn bã và nặng nề của cửa hàng kinh doanh đám ma, nó không còn kìm nén được cảm xúc, những cảm xúc mà cách đối xử ban ngày xem ra, có thể đã làm nảy sinh trong đầu óc một thằng bé hãy còn ngây dại như thế. Nó đã khinh bỉ lắng nghe những lời chế giễu, nó đã chịu đòn mà không thốt ra một tiếng kêu la, vì lòng kiêu hãnh của nó bùng lên ở trong con tim đã khiến nó cho đến cuối cùng vẫn không thốt ra một tiếng rền rĩ dù người ta có thiêu sống nó. Nhưng bây giờ, khi không còn ai có thể nhìn thấy nó và nghe nó, nó quỳ xuống sàn và lấy hai tay che mặt, rồi khóc rưng rức để tuôn rơi những giọt nước mắt mà người ta phải cảm ơn Thượng đế đã ban cho để làm vinh dự cho bản tính con người, những giọt nước mắt mà ít khi có điều gì khiến cho những đứa bé hãy còn ngây dại như thế để tuôn rơi thảm thiết trước Người như vậy! Trong một thời gian dài, Ôlivơ vẫn yên lặng giữ thái độ như thế. Ngọn nến đã tàn lụi trong đĩa đèn khi nó đứng dậy. Nó cẩn thận nhìn quanh, nhẹ nhàng đẩy then cửa lớn và nhìn ra ngoài đường.

Đêm tối đen và lạnh lẽo. Thằng bé cảm thấy những ngôi sao cách xa mặt đất hơn bao giờ hết; trời lặng gió, bóng cây âm u tỏa xuống đất trông có vẻ ghê rợn và ảm đạm vì quá im lặng. Nó khe khẽ đóng cửa lại. Lợi dụng ánh đèn le lói sắp tắt nó gói một vài đồ dùng của nó vào trong một khăn tay, rồi đến ngồi trên ghế dài chờ sáng.

Khi tia sáng đầu tiên lọt qua khe cửa chớp, Ôlivơ đứng dậy và lại kéo then cửa. Nó đưa mắt dè dặt nhìn quanh; một giây phút lưỡng lự. Nó bước ra ngoài đường, rồi khép cửa lại.

Nó nhìn bên phải, ngó bên trái không biết nên chạy trốn theo hướng nào. Nó nhớ đã nhìn thấy những chiếc xe bò đi ra khỏi thành phố, vất vả leo lên ngọn đồi. Nó cũng đi theo con đường ấy và đi đến một con đường nhỏ chạy qua những cánh đồng. Nó biết con đường này đi một đoạn nữa sẽ dẫn ra đường cái. Nó đi theo đường ấy và rảo cẳng bước.

Ôlivơ còn nhớ rất rõ rằng nó đã đi bên cạnh ông Bâmbân theo con đường ấy khi lần đầu tiên ông ta mang nó từ nhà tế bần đến trại. Con đường dẫn nó đi thẳng đến trước túp nhà tranh. Tim nó đập thình thịch khi nghĩ đến điều đó, và nó đã nghĩ đến việc quay trở lại. Nhưng nó đã đi một đoạn xa rồi, mà muốn quay trở lại thì sẽ mất nhiều thời gian. Vả lại trời còn rất sớm, chẳng sợ ai trông thấy, nên nó cứ tiếp tục bước.

Nó đã đến ngôi nhà. Không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ rằng những người trong nhã dậy vào lúc sớm tinh mơ này. Ôlivơ dừng lại, nhìn trộm vào vườn. Một thằng bé đang nhổ cỏ ở những bồn hoa nhỏ, khi Ôlivơ dừng lại, thằng bé ngước bộ mặt xanh xao lên và để lộ những nét mặt của một trong số những người bạn trước đây của nó. Ôlivơ sung sướng nhìn thấy thằng bạn của nó trước khi nó ra đi, bởi vì mặc dầu cậu bé kia ít tuổi hơn nó, cậu đã từng là người bạn nhỏ và bạn chơi đùa của nó. Cả hai đều đã từng bị đánh đập, bị nhịn đói, bị giam cùng với nhau nhiều lần.

"Suỵt, Đích”, Ôlivơ nói, trong khi cậu bé chạy xổ đến cổng và thò cánh tay ra ngoài song sắt để chào nó. "Có ai dậy chưa?".

"Chỉ có tớ thôi", thằng bé đáp.

"Cậu không được nói là đã nhìn thấy mình đấy nhé, Đích ạ", Ôlivơ nói. "Tớ đang chạy trốn đây. Họ đánh mình và đối xử tàn tệ với mình, Đích ạ, mình đang đi tìm cách sinh sống, đi thật xa, thật xa. Mìnhkhông biết đi đâu. Cậu xanh quá!".

"Mình nghe bác sĩ nói rằng mình sẽ chết", cậu bé nói, rồi nhẹ nhàng mỉm cười. "Được gặp cậu mình rất mừng. Cậu ạ, đừng có dừng lại đấy, đừng có dừng lại”.

"Phải đấy, phải đấy, nhưng mình dừng lại để từ biệt cậu”, Ôlivơ nói. "Đích ạ, mình sẽ gặp lại cậu. Mình biết chắc là thế. Cậu sẽ mạnh khỏe và sung sướng”.

"Mình cũng hy vọng được như thế”, thằng bé đáp. "Sau khi mình chết, chứ không phải trước đó. Mình biết bác sĩ nói đúng Ôlivơ ạ, bởi vì mình nằm mơ thấy thiên đường, thấy các thiên thần, thấy những gương mặt hiền từ mà mình không bao giờ nhìn thấy mình thức dậy. Cậu hôn mình đi", thằng bé nói, rồi trèo qua cái cổng thấp, và lấy hai tay quàng lấy cổ Ôlivơ. "Từ biệt bạn thân yêu! Cầu Chúa phù hộ cho cậu!"

Lời ban phúc này là thốt ra từ đôi môi của một đứa trẻ, nhưng đó là lần đầu tiên Ôlivơ được người ta ban phúc cho mình. Và qua những khó khăn và thử thách, qua những thay đổi và khổ cực của cuộc đời sau này của nó, không bao giờ nó quên lời ban phúc ấy.