Ôlivơ Tuýt - Chương 17

CHƯƠNG XVII

SỐ PHẬN CỦA ÔLIVƠ VẪN KHÔNG MAY, KHIẾN MỘT NGƯỜI QUAN TRỌNG ĐẾN LUÂN ĐÔN ĐỂ LÀM NHỤC DANH TIẾNG CỦA NÓ

Trên sân khấu có thói quen là trong tất cả những vở kịch chết chóc viết hay, người ta thường trình bày những cảnh những cảnh hài xen nhau một cách đều đặn, như tầng màu đỏ và tầng màu trắng của thịt và mỡ chen nhau ở trong một miếng thịt. Nhân vật chính nằm ở trên chiếc giường rơm, bị đè nặng bởi những xiềng xích và những bất hạnh; sang cảnh sau, người đầy tớ trung thành nhưng không có ý thức giải trí thính giả bằng một bài hát hài hước. Lòng hồi hộp, chúng ta ngắm nhìn nhân vật nữ trong vòng tay của một gã nam tước kiêu hãnh và tàn nhẫn: đạo đức và cuộc đời của nàng đều bị nguy hiểm như nhau, nàng tuốt con dao ra để bảo vệ đạo đức nhưng lại phải hy sinh cuộc sống. Và ngay khi những mong đợi của chúng ta lên đến đỉnh cao nhất thì nghe có tiếng huýt còi, chúng ta được đưa ngay sang cái phòng họp lớn của lâu đài, ở đấy một người quản gia đầu bạc hát một bài đồng ca ngộ nghĩnh với một đám đàn em còn ngộ nghĩnh hơn có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào, từ các mái vòm của nhà thờ đến các cung điện và kéo đàn kéo lũ đi khắp nơi, luôn mồm hát những bài hát mừng vui nhộn.

Những thay đổi như vậy có vẻ là phi lý, nhưng chúng không phải là không tự nhiên như mới thoạt nhìn người ta có thể tưởng. Những bước chuyển trong cuộc đời thực tế từ những bữa tiệc linh đình đến những cái giường hấp hối, từ bộ tang phục đến y phục ngày lễ, không làm người ta sửng sốt chút nào. Chỉ có điều, trong cuộc đời, chúng ta là những diễn viên bận bịu, chứ không phải là những khán giả thụ động, và điều đó làm thành một sự khác nhau quan trọng. Các diễn viên trong cuộc sống nhại lại của sân khấu, không biết đến những thay đổi dữ dội và những kích thích đột ngột của dục vọng và của tình cảm, mà trước mắt những con người xem kịch bình thường lập tức bị kết án là quá đáng và phi lý.

Những thay đổi đột ngột về cảnh và những thay đổi nhanh chóng về thời gian và không gian không những đã được xác nhận trong các quyển sách theo một thói quen lâu dài, mà còn được nhiều quyển sách cho đó là một tài nghệ viết văn có giá trị. Cái tài của tác giả trong nghề nghiệp này, theo những nhà phê bình như vậy, chủ yếu được đánh giá căn cứ vào những tình thế khó khăn mà các nhân vật của ông ta gặp phải vào cuối mỗi chương; lời mở đầu ngắn ngủi của chương này, người ta có thể xem là không cần thiết. Nếu vậy, người ta hãy cứ xem như đây là một cách gợi ý tế nhị của nhà sử gia, khi ông ta quay trở về cái thành phố Ôlivơ Tuýt đã ra đời, và bạn đọc hãy yên tâm rằng có những lý do quan trọng để làm cuộc du lịch này, nếu không tác giả đã không mời bạn đọc làm một cuộc du lịch như vậy.

Ông Bâmbân từ sáng sớm đã ra khỏi cổng nhà tế bần, và bước dọc theo con đường Hai Xtrit với cái vẻ long trọng, chân bước đi dõng dạc. Ông ta đang ở vào cái thời buổi huy hoàng và kiêu hãnh trong nghề làm tư tế, cái mũ ba góc và cái áo ngoài lấp lánh dưới ánh mặt trời buổi sáng; ông nắm chắc cây gậy với thái độ nhận thức kiên quyết về sức khỏe và quyền lực của mình. Ông Bâmbân bao giờ cũng ngẩng cao đầu; nhưng sáng hôm ấy ông còn ngẩng cao đầu hơn mọi ngày. Trong đôi mắt ông có cái vẻ thờ ơ, trong dáng điệu của ông có cái vẻ kiêu hãnh có thể làm cho một người quan sát xa lạ cho rằng trong đầu óc của ông tư tế này có những ý nghĩ quan trọng không thể nói ra được.

Ông Bâmbân không dừng lại để nói chuyện với những người trong các cửa hiệu nhỏ bé hoặc những người chào hỏi ông một cách kính cẩn trong khi ông đi qua. ông chỉ trả lời lại những lời chào hỏi của họ bằng cách vẫy tay, và không bước chậm lại trong cái lối đi bệ vệ, cho đến khi ông đến cái trại ở đấy bà Man đang nuôi những đứa bé nghèo khổ được giao cho địa phận trông nom.

"Quỷ sứ bắt cái ông tư tế này!", bà Man nói, khi nghe tiếng gõ cửa quen thuộc ở ngoài cổng vườn. "Ngoài ông ta ra, chẳng có ai lại đến lúc này vào buổi sáng? À, ông Bâmbân, tôi biết chắc thế nào cũng là ông mà! Ôi chao, may quá, may mắn quá! Mời ông vào phòng khách!"

Câu nói đầu tiên là để nói với Xuzan, và tiếng reo mừng rỡ là để nói với ông Bâmbân, khi cái bà quý hóa vặn khóa mở cổng vườn và mời ông vào nhà với thái độ hết sức chú ý và kính cẩn.

"Bà Man này", ông Bâmbân nói, không ngồi xuống, cũng không buông mình rơi xuống cái ghế như mọi người kiêu căng bình thường vẫn làm, trái lại để mình từ từ và chậm chạp rơi xuống ghế. "Chào bà Man, xin chúc bà một buổi sáng tốt lành".

"Cám ơn, và xin chúc cả ông nữa", bà Man đáp, mỉm cười lia lịa, "thưa ông, chắc ông cảm thấy mình mạnh khỏe chứ?"

"Cũng tàm tạm, bà Man ạ", ông tư tế đáp. "Cuộc đời ở địa phận không phải là một cái giường bằng hoa hồng, bà Man ạ".

"Ông Bâmbân, đúng là như thế”, người đàn bà đáp. "Và tất cả những đứa trẻ nghèo khổ nếu chúng nghe được câu nói đó thì đều sẽ đồng thanh hưởng ứng lời của ông”.

"Bà Man ạ", ông Bâmbân nói, lấy gậy gõ lên bàn, "cuộc đời ở địa phận đầy những lo lắng, phiền phức, vất vả, nhưng tôi có thể nói mọi nhân vật có tiếng tăm đều bị kiện tụng”.

Bà Man hình như không hiểu rõ cho lắm ý ông tư tế muốn gì, giơ hai tay lên trời có vẻ thông cảm, và thở dài. "À, thực ra người ta có thể thở dài, bà Man ạ", ông tư tế nói.

Biết chắc mình đã làm đúng, bà Man lại thở dài lần nữa, dĩ nhiên làm cho nhân vật có tiếng tăm của địa phận hài lòng, ông này nén nụ cười thích thú, ngắm nhìn cái mũ ba góc của mình một cách nghiêm nghị và nói.

"Bà Man ạ, tôi sắp đi Luân Đôn đây”.

"Trời ơi, ông Bâmbân!", bà Man kêu lên, bước lùi một bước.

"Đi Luân Đôn bà ạ", ông tư tế cứng rắn lại nhắc lại, đi bằng xe ngựa chở khách. "Tôi và hai thằng bé nghèo khổ, bà Man ạ! Người ta đang kiện về việc di chuyển chúng đến một nơi khác; và ban quản trị đã cử tôi... cử tôi bà Man ạ, để trình bày vấn đề trước tòa án khu phố ở Klackenoen. Và tôi tự hỏi", ông Bâmbân nói thêm, vươn người thẳng lên, "không biết liệu tòa án Klackenoen có kịp nhận ra được họ sẽ bị bẽ mặt khi chơi với tôi không?"

"Ôi chao, ông không nên quá nghiêm khắc đối với họ", bà Man nói, giọng mơn trớn.

"Tòa án Klackenoen đã gây nên điều đó thì phải chịu, bà ạ”, ông Bâmbân đáp, "và nếu như tòa án Klackenoen thấy kết cục của phiên tòa đối với họ tệ hơn điều họ vẫn tưởng thì họ chỉ có thể cho việc đó là may phúc cho họ mà thôi".

Khi ông Bâmbân thốt lên những lời như vậy, giọng hăm dọa của ông mang đầy tính kiên quyết và mục đích sâu xa đến nỗi làm cho bà Man hoảng sợ hết hồn. Cuối cùng, bà nói: "Ông đi xe khách à? Tôi cho rằng xưa nay người ta vẫn chở những người nghèo trong những chiếc xe chở hàng".

"Ấy là khi nào họ ốm, bà Man ạ", ông tư tế nói. để những người nghèo ốm đau trong những chiếc xe chở hàng không có mui dưới trời mưa, để cho họ khỏi cảm lạnh".

"Thế à", bà Man nói.

"Còn về hai thằng bé này thì xe ngựa trên đường về sẽ đảm nhiệm và lấy giá rẻ", ông Bâmbân nói. "Cả hai đứa đều ở trong tình trạng rất thảm hại, và chúng tôi thấy tiền chuyên chở đỡ đi hai bảng so với tiền chôn cất chúng, nghĩa là nếu như chúng ta có thể ném nó cho một địa phận khác trông coi, điều mà chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ có thể làm, nếu như chúng không chết giữa đường để làm bẽ mặt chúng ta. Ha! Ha!"

Sau khi ông Bâmbân đã cười một lát, cặp mắt của ông lại bắt gặp cái mũ ba góc, và ông lại trở thành nghiêm nghị. "Bà này, chúng mình quên mất công việc rồi", ông tư tế nói: "đây là tiền trợ cấp của địa phận cho bà tháng này”. Ông Bâmbân lấy ở cái ví tiền của ông ra mấy đồng tiền bằng bạc quấn trong một tờ giấy, và yêu cầu viết một tờ biên lai. Và bà Man ngồi viết.

"Chữ tôi nguệch ngoạc lắm ông ạ”, người nuôi trẻ nói, "nhưng nó cũng khá hợp lệ, tôi cam đoan như vậy. Cảm ơn ông Bâmbân nhé, tôi rất cảm ơn ông, thực tình như vậy".

Ông Bâmbân gật gật đầu, bệ vệ đáp lại khi bà Man khẽ nhún đầu gối cúi chào ông, và hỏi thăm sức khỏe của bọn trẻ. "Chúa phù hộ những đứa bé!", bà Man nói có vẻ cảm động, "các cháu đều hết sức khỏe mạnh. Chỉ trừ, cố nhiên hai đứa vừa chết tuần trước. Và cháu Đích".

“Thằng bé ấy không khá hơn sao?

Bà Man lắc đầu.

"Nó là cái thằng bé hư hỏng, xấu tính, xấu nết của địa phận ấy mà”, ông Bâmbân nói có vẻ khó chịu. "Nó đâu rồi?"

"Ông chờ cho một phút, tôi sẽ đem nó lên gặp ông”, bà Man đáp. "Đích lại đây!”

Sau khi gọi một lát, người ta phát hiện ra Đích. Bà Man giúi mặt nó dưới vòi nước, và lấy áo của mình lau mặt cho nó, rồi dẫn nó tới trước ông Bâmbân dễ sợ, ông tư tế.

Thằng bé gầy gò, xanh xao, hai má lõm xuống, cặp mắt mở to và sáng. Chiếc áo phong phanh của nhà xứ, bộ quần áo khốn khổ lụng thụng che cái thân hình gầy guộc của nó, và chân tay thằng bé gầy đét, chẳng khác gì một cụ già. Đó là đứa bé đang đứng run rẩy trước mặt ông Bâmbân, nó không dám ngước mắt khỏi sàn, và nó lo sợ ngay cả đến việc nghe giọng nói của ông tư tế.

"Mày không chịu nhìn ông ấy sao, đồ bướng bỉnh?", bà Man nói.

Thằng bé bẽn lẽn ngước mắt và bắt gặp đôi mắt của ông Bâmbân.

"Mày có việc gì thế, thằng Đích của địa phận?", ông Bâmbân hỏi với giọng bông đùa rất hợp cảnh.

"Thưa ông, không có gì ạ", thằng bé trả lời yếu ớt.

"Dĩ nhiên là không", bà Man nói, và cố nhiên bà rất thích thái độ hóm hỉnh của ông Bâmbân. "Tao chắc là mày không thích cái gì hết".

"Tôi muốn...", đứa bé ấp úng.

"Cái gì?”, bà Man nói xen vào, "chắc là mày định nói mày muốn một cái gì đó phải không? Đồ khốn nạn!"

"Khoan, bà Man, khoan đã!", ông tư tế nói, ngẩng cao đầu với cái vẻ uy quyền. "Nào cậu bé, cậu muốn gì?".

"Tôi muốn", thằng bé ấp úng, "nếu như một người nào đó có thể viết thì viết hộ tôi một vài chữ ở trên một tờ giấy, rồi gập bỏ phong bì dán lại và giữ cho tôi sau khi tôi đã được chôn xuống đất".

"Cái gì, thằng bé này muốn gì?", ông Bâmbân kêu lên, thái độ nghiêm trang và vẻ kiệt sức của thằng bé đã phần nào gây ấn tượng đối với ông, mặc dầu ông vẫn quen với những chuyện như thế. "Ông tướng muốn nói gì thế”.

"Cháu muốn”, thằng bé nói, "gửi lời chào yêu quý tới Ôlivơ Tuýt tội nghiệp, và bảo nó biết cháu vẫn thường ngồi một mình và khóc khi nghĩ đến tình trạng nó đi lang thang đây đó trong đêm tối không ai giúp đỡ cả. Và cháu muốn nói với nó", thằng bé nói, chắp hai bàn tay nhỏ lại và nói rất tha thiết, "rằng cháu sung sướng được chết khi cháu còn rất nhỏ; bởi vì nếu như cháu lớn lên thành người lớn, và già đi thì em gái cháu hiện nay ở trên thiên đường, có thể quên cháu mất, hay không nhận ra cháu; và nếu như anh em cháu đều là những đứa trẻ ở trên đấy thì sẽ sung sướng hơn nhiều". Ông Bâmbân theo dõi cậu bé đang nói, nhìn từ đầu đến chân với thái độ kinh ngạc không thể miêu tả được, và quay về phía bà bạn, ông nói, "cũng đều là một giuộc với nhau cả bà Man ạ. Cái thằng Ôlivơ trời đánh kia đã làm cho tất cả chúng nó đều hư hỏng!"

"Trước đây tôi không thể ngờ như thế được, ông ạ!", bà Man nói, giơ hai tay lên trời và nhìn Đích, vẻ khó chịu. "Tôi chưa bao giờ thấy một thằng bé khốn nạn cứng đầu cứng cổ như thế!"

"Bà mang nó đi cho rảnh mắt!", ông Bâmbân nói dõng dạc. "Bà Man ạ, điều này phải trình với ban quản trị”.

"Tôi hy vọng rằng các ông ấy sẽ hiểu đó không phải là lỗi của tôi, có phải không ông?", bà Man nói, khóc thút thít có vẻ thảm hại.

"Họ sẽ hiểu điều đó, bà ạ. Họ sẽ biết tình trạng thực tế của trường hợp này", ông Bâmbân nói. "Kìa, mang nó đi chứ, nhìn nó tôi ngứa mắt lắm".

Đích liền bị mang đi, và bị khóa trái cửa giam trong hầm than. Ông Bâmbân ngay sau đó từ biệt, để chuẩn bị lên đường.

Vào sáu giờ sáng hôm sau, ông Bâmbân sau khi đã thay cái mũ ba góc bằng một chiếc mũ tròn, khoác quanh mình một cái áo choàng lớn màu lam, ngồi ở chỗ ngoài cùng của chiếc xe ngựa, cùng với những tên tội phạm mà người ta đang tranh cãi về việc giao chúng cho địa hạt nào trông nom; và đến giờ đã định ông đến Luân Đôn cùng với chúng. Trên đường đi, ông không gặp điều gì phiền phức, ngoài sự phiền phức gây nên bởi hành vi hư hỏng của hai đứa bé nghèo khổ cứ run lẩy bẩy và kêu la vì lạnh, theo cái lối mà ông Bâmbân nói, làm cho răng ông đập vào nhau, và làm choảm thấy hết sức khó chịu, mặc dầu ông đã mang một cái áo khoác lớn trên người.

Sau khi đã thoát khỏi những của nợ khó chịu kia vào đêm ấy, ông Bâmbân ngồi đàng hoàng tại căn nhà nơi xe chở khách dừng lại và ăn một bữa tàm tạm với vài khoanh thịt bò rán, xốt sò huyết và bia đen. Đặt một cốc rượu gin pha nước nóng hổi ở trên mặt lò sưởi, ông kéo chiếc ghế lại gần lửa, và sau một lúc nghĩ linh tinh về mặt đạo đức, về chỗ con người thường mắc phải cái tật là hay than phiền và bực mình tức tối, ông ngồi thoải mái để đọc báo.

Đoạn đầu tiên mà cặp mắt của ông Bâmbân chú ý tới đó là lời rao tin sau đây:

“Thưởng năm ghini”.

Một thằng bé tên là Ôlivơ Tuýt, đã bỏ chạy hay bị quyến rũ đi khỏi nhà vào chiều thứ năm tuần trước, ở Pentânvin, và từ đó không ai biết tin tức gì về nó. Số tiền thưởng này se dành cho bất cứ người nào cho biết tin tức có thể tìm được Ôlivơ Tuýt, hay cho biết về cuộc đời trước kia của nó, và người đăng lời rao vặt này rất quan tâm tới điều đó vì nhiều lý do".

Và sau đó miêu tả đầy đủ quần áo của Ôlivơ, hình dáng người và tình trạng biến mất, lại có cả tên và địa chỉ của cụ Braolâu đầy đủ rõ ràng.

Ông Bâmbân mở to mắt, đọc lời rao tin, chậm rãi và cẩn thận ba lần liền; và sau khoảng trên năm phút đã lên đường đi Pentânvin: trong tình trạng bị kích thích, ông đã bỏ lại cái cốc rượu gin pha nước nóng hổi không đụng đến

"Cụ Braolâu có ở nhà không ạ?", ông Bâmbân hỏi cô gái ra mở cổng.

Nghe câu hỏi này, cô gái trả lời, giọng khá bình thường nhưng cũng khá mơ hồ: "Tôi không biết, ông từ đâu đến?"

Ông Bâmbân chỉ vừa mới nói đến tên của Ôlivơ để giải thích việc đến thăm của mình thì bà Betuyn nãy giờ lắng nghe ở cửa phòng khách, vội vàng chạy ra hành lang, thở hổn hển.

"Mời ông vào, mời ông vào", bà cụ nói, "tôi biết là thế nào chúng ta cũng biết tin nó mà. Thằng bé tội nghiệp! Tôi biết thế nào cũng biết tin mà! Tôi tin chắc như vậy! Lạy Chúa, tôi vẫn nói như vậy mà".

Sau khi nói thế, bà cụ quý hóa lại chạy vào phòng khách và ngồi lên ghế trường kỷ, bà khóc òa lên. Cô gái không dễ cảm như vậy, trong lúc này đã chạy lên gác, và lát sau quay trở lại yêu cầu ông Bâmbân đi theo cô ngay lập tức, và ông ta làm theo.

Ông Bâmbân được đưa vào một phòng đọc sách nhỏ ở phía sau, ở đấy có cụ Braolâu và ông bạn là ông Grimuych đang ngồi, trước mặt hai người là bình và cốc. Ông Grimuych lập tức kêu lên:

"Ông tư tế. Một ông tư tế ở địa phận, nếu không phải thì tôi ngốn cái đầu của tôi?"

"Anh làm ơn đừng ngắt lời tôi nhé", cụ Braolâu nói. "Mời ông ngồi".

Ông Bâmbân ngồi xuống, hết sức sửng sốt trướử chỉ kỳ quặc của ông Grimuych. Cụ Braolâu kéo cây đèn lại gần để có thể tha hồ ngắm nhìn gương mặt của ông tư tế, đoạn nói vẻ hơi sốt ruột.

"Thưa ông, chắc ông đến vì đã đọc lời rao tin?"

"Thưa ông, vâng ạ", ông Bâmbân nói.

"Còn ông là một ông tư tế, có phải không nào?", ông Grimuych hỏi.

"Thưa các vị, tôi là một tư tế địa phận", ông Bâmbân kiêu hãnh, đáp.

"Cố nhiên là thế”, ông Grimuych nói riêng với ông bạn của mình, "tôi biết ông ta là một ông tư tế. Một ông tư tế từ đầu đến chân".

Cụ Braolâu khe khẽ gật đầu để ra hiệu cho ông bạn im lặng và hỏi tiếp:

"Ông có biết hiện nay thằng bé tội nghiệp đó ở đâu không?"

"Tôi cũng không biết gì hơn mọi người", ông Bâmbân đáp.

"Như vậy, ông biết gì về nó?", cụ già hỏi, "Ông bạn, ông cứ nói đi, nếu như ông có điều gì để nói. ông biết những gì về nó?".

"Chắc hẳn ông không có điều gì hay để nói về nó phải không nào?", ông Grimuych nói, giọng chế nhạo, sau khi nhìn kỹ nét mặt của ông Bâmbân.

Ông Bâmbân nhanh chóng hiểu được giọng của câu hỏi là có ác ý, lắc đầu vẻ trang trọng khác thường.

"Ông thấy chưa?", ông Grimuych nói, và nhìn cụ Braolâu vẻ đắc chí.

Cụ Braolâu đưa mắt lo ngại nhìn vẻ mặt cau có của ông Bâmbân, và yêu cầu ông ta cho biết những điều ông ta biết về Ôlivơ, càng ngắn càng tốt.

Ông Bâmbân đặt mũ xuống, cởi cúc áo, khoanh tay, cúi đầu ra vẻ hồi tưởng, và sau khi suy nghĩ một lát, bắt đầu câu chuyện của mình.

Nếu kể lại những lời của ông tư tế ở đây thì sẽ là thừa. Câu chuyện chiếm khoảng hai mươi phút, nhưng nhìn tổng quát và về thực chất của nó thì Ôlivơ là một đứa con bị bỏ rơi, cha mẹ của nó đều là những người hèn hạ và hư hỏng. Từ khi ra đời, nó chẳng có những đức tính gì quý báu ngoài việc giả dối, vô ơn và ranh mãnh. Nó đã kết thúc cái thời gian sống ngắn ngủi ở nơi sinh của nó bằng cách thực hiện một cuộc tấn công hung tợn và hèn nhát vào một thằng bé không hề xúc phạm gì đến nó, và ban đêm trốn chạy khỏi nhà ông chủ của nó. Để chứng minh rằng ông ta quả thực là con người mà chính ông đại diện, ông Bâmbân đặt lên bàn những giấy tờ mà ông đã mang đến Luân Đôn. Ông lại vòng tay lại như cũ, và sau đó chờ đợi những nhận xét của cụ Braolâu.

"Tôi sợ những điều đó đều quá sự thực", cụ già buồn rầu nói sau khi đã nhìn tất cả những giấy tờ. "Số tiền này không phải là nhiều để đền đáp lại tin tức mà ông mang lại cho tôi, nhưng tôi sẵn sàng vui lòng trao cho ông số tiền nhiều gấp ba nếu như cái tin ấy là có lợi cho thằng bé.

Rất có thể là giá ông Bâmbân đã biết được cái tin này trước khi trao đổi thì ông ta đã miêu tả câu chuyện ngắn của mình với một màu sắc khác hẳn. Nhưng bây giờ làm điều đó thì quá muộn, cho nên ông lắc đầu trang trọng, và rút lui sau khi đã nhét năm ghini vào túi.

Cụ Braolâu đi đi lại lại trong phòng độ năm phút, rõ ràng rất băn khoăn về câu chuyện của ông tư tế, đến nỗi ông Grimuych cũng tránh không trêu tức ông nữa. Cuối cùng cụ dừng lại, và rung chuông dữ dội.

"Bà Betuyn", cụ Braolâu nói, khi người giữ cửa đến, "Ôlivơ, thằng bé ấy là một thằng khốn nạn chính cống”.

"Thưa ông, không thể như thế ạ. Không thể như thế”, bà cụ nói, giọng kiên quyết.

"Tôi bảo nó là như thế mà", cụ già quát lại. "Bà muốn nói gì khi nói không thể như thế được? Thì chúng ta vừa nghe đầu đuôi câu chuyện của nó từ khi nó ra đời, và nó là một thằng khốn nạn chính cống, suốt đời nó là như thế”.

"Thưa ông, tôi không bao giờ tin điều đó", bà cụ đáp lại kiên quyết. "Không bao giờ!".

"Các bà già như bà không bao giờ tin cái gì hết ngoài mấy thằng lang băm, và những quyển sách chuyên dối trá", ông Grimuych càu nhàu. "Tôi đã biết điều đó từ lâu. Tại sao ngay từ đầu ông không hỏi ý kiến tôi, giá nó không lên cơn sốt thì chắc là ông hỏi ý kiến tôi chứ gì? Thằng ấy kháu! Có phải không nào? Kháu! Ôi chao!" Và ông Grimuych lấy que cời than làm lửa bay lên tung tóe.

"Nó là một thằng bé dịu dàng, thân ái, biết ơn, thưa ông”, bà Betuyn phẫn uất trả lời. "Thưa ông, tôi biết trẻ con như thế nào, và tôi đã làm những điều đó bốn mươi năm nay, và những người nào không thể nói như thế thì không nên nói gì về chúng. Tôi nghĩ như thế đấy!"

Đây là một lời bóng gió nặng nề đối với ông Grimuych, vì ông ta độc thân. Bởi vì ông này chỉ trả lời bằng cách mỉm cười, bà cụ ngẩng đầu, và vuốt tạp dề của mình chuẩn bị nói nữa, bỗng cụ Braolâu ngắt lời.

"Im lặng!", cụ già nói, giả vờ làm ra vẻ giận, nhưng thực ra không hề cảm thấy thế. "Đừng bao giờ nhắc đến tên thằng bé ấy bên tai tôi nữa. Tôi rung chuông để nói cho bà biết điều đó. Đừng bao giờ, trước mặt tôi, đừng bao giờ nhắc đến tên nó, với bất cứ giá nào, bà nhớ không. Bà có thể rời khỏi phòng, bà Betuyn. Bà nhớ chưa! Tôi nói nghiêm chỉnh đấy!"

Đêm ấy, ở nhà cụ Braolâu có những con người buồn rầu.

Lòng Ôlivơ thắt lại, khi nó nghĩ đến những người bạn quý của nó. Thực là may cho nó là không thể biết những điều họ đã nghe, nếu không con tim của nó chắc chắn đã tan vỡ.