Ôlivơ Tuýt - Chương 45

CHƯƠNG XLV

NÂU KLÂYPÂULƠ ĐƯỢC FÂYJIN SAI LÀM MỘT NHIỆM VỤ BÍ MẬT

Sáng hôm sau, lão già dậy sớm và nóng ruột chờ đợi ông bạn cộng tác mới xuất hiện. Ông này sau khi trì hoãn một thời gian dài tưởng chừng như là vô tận, cuối cùng, xuất hiện và bắt đầu lao vào bữa ăn sáng, ngồi nhai ngấu nghiến.

“Bôntơ”, Fâyjin nói, rồi kéo một cái ghế lại và ngồi đối diện với Môrixơ Bôntơ.

“Sao, có con đây”, Nâu đáp. “Có việc gì thế? Nhưng hãy khoan, đừng yêu cầu con làm việc gì trước khi ăn xong ở đây có cái thói xấu ấy. Không ai có thì giờ ăn uống gì hết”.

“Anh có thể nói chuyện trong khi ăn, phải không nào?”, Fâyjin nói, trong thâm tâm nguyền rủa tật tham ăn của anh bạn trẻ thân mến.

“Chuyện, cố nhiên là còn có thể nói, khi nói chuyện con ăn càng ngon miệng hơn”, Nâu nói và cắt một khoanh bánh mì to tướng. “Saclôt đâu rồi?”.

“Đi ra ngoài”, Fâyjin nói. “Sáng nay tôi cho cô ta đi cùng các cô khác, vì tôi muốn chỉ có hai người chúng ta thôi”.

“Ồ!”, Nâu nói. “Tiếc là ông không sai cô ta nướng một ít bánh mì phết bơ. Nhưng thôi, ông nói đi. Đừng ngại quấy rầy tôi. Tôi vừa ăn vừa nghe không sao cả”.

Trong thực tế, hình như hắn không lo sợ gì lắm về điểm người ta quấy rầy hắn khi đã ngồi xuống bàn ăn với thái độ kiên quyết bắt hàm răng phải ra sức làm việc, Fâyjin nói: “Hôm qua chú mày làm ăn khá đấy! Tuyệt! Sáu silinh chín penni rưỡi ngày đầu tiên! Bọn trẻ con sẽ đem đến cho chú mày một gia tài!”.

“Cụ đừng quên thêm ba bình bia và một can sữa”, Bôntơ nói.

“Không, không đâu, chú mày ơi. Mấy bình bia là những mánh khóe thiên tài. Nhưng cái can sữa thì mới là kiệt tác”.

“Theo tôi, đối với dân mới vào nghề thế là rất khá”, Bôntơ tự đắc nhận xét. “Con cuỗm mấy bình bia cạnh một hàng rào chấn song, còn can sữa nằm chỏng chơ một mình ở ngoài quán rượu. Con sợ mưa gió làm nó han gỉ mất hay cảm lạnh, cụ biết không? Chứ còn gì nữa! Ha, ha, ha!”.

Fâyjin giả vờ cười khoái trá và Bôntơ sau khi đã cười thỏa thích xong, lần lượt nuốt những khoanh bánh lớn và kết thúc bằng khoanh bánh lớn thứ nhất phết bơ và chuẩn bị chén thêm khoanh thứ hai. Fâyjin vươn mình qua bàn, nói: “Bôntơ, tôi muốn chú giúp tôi một việc, điều này cần phải rất cẩn thận và cảnh giác”.

“Ấy chớ”, Bôntơ đáp, “cụ không được kéo con vào nơi nguy hiểm hay cho con đến Sở cảnh sát nhà cụ nữa đâu nhé. Cái đó không hợp với con, không hợp, con xin nói thẳng với cụ”.

“Điều này không có gì nguy hiểm hết... không mảy may nguy hiểm”, lão Do Thái nói, “đây chỉ là theo dõi một người đàn bà mà thôi”.

“Một mụ già à?”, Bôntơ hỏi.

“Một cô gái trẻ”, Fâyjin đáp.

“Khoản này con làm chúa lắm. Khi ở trường học con đã từng là một tay mách lẻo tinh ranh chuyên nghiệp. Con theo dõi cô ta để làm gì? Không phải để...”.

“Không để làm gì hết, nhưng để kể cho tôi biết cô ả đi đâu gặp ai, và nếu có thể, cô ả nói những gì. Cần phải nhớ phố, nếu như đó là một cái phố, hay ngôi nhà nếu như đó là một ngôi nhà và cho tôi biết mọi tin tức có được”.

“Thế bố sẽ cho con gì?”, Nâu hỏi, đặt cốc rượu xuống và nhìn chằm chằm vào mặt người sai phái mình.

“Nếu làm khá thì một bảng, chú mày ạ, một bảng”, Fâyjin nói, cố hết sức kích thích sự ham thích của hắn. “Và đó là số tiền tôi chưa bao giờ trả cho một công việc không đem ích lợi gì”.

“Thế cô ta là ai?”, Nâu hỏi.

“Một người trong bọn ta”.

“Lạy Chúa!”, Nâu hếch mũi kêu lên. “Thế tức là bố ngờ vực cô ả, phải không nào?”

“Con bé đã kiếm được mấy anh bạn mới, chú mày ạ, và tao phải biết chúng nó là ai mới được”, Fâyjin đáp.

“Con hiểu rồi”, Nâu đáp, “chỉ có được điều thích thú là làm quen với họ nếu như họ là những con người đáng kính chứ gì? Ha, ha, ha! Con xin phục bố đấy!”.

“Tao biết chú mày sẽ đồng ý nghe thôi mà”, Fâyjin kêu lên đắc chí vì đề nghị của lão đã có kết quả.

“Hẳn chứ lị, hẳn chứ lị!”, Nâu đáp. “Con bé ở đâu? Tôi phải đợi nó ở đâu? Tôi phải đi đâu?”.

“Chú mày ơi, tao sẽ cho chú biết tất cả những chuyện đó, tao sẽ chỉ nó cho chú mày biết khi đến lúc”, Fâyjin nói. “Chú mày phải sẵn sàng, còn để mặc tất cả cho tao”.

Đêm đó, và đêm sau, rồi đêm sau nữa, tên do thám mang ghệt và mặc y phục của người đánh xe ngựa vẫn ngồi đợi sẵn sàng ra đi theo lệnh của Fâyjin. Sáu đêm trôi qua... Sáu đêm dằng dặc... và đêm nào Fâyjin cũng trở về với vẻ mặt thất vọng và báo vắn tắt rằng chưa đến lúc. Song đêm thứ bảy, lão trở về sớm hơn, vẻ hào hứng ra mặt. Đó là đêm chủ nhật.

“Tối nay nó đi ra ngoài”, Fâyjin nói, “và chắc chắn là vì cái câu chuyện tôi nói, vì con bé ở nhà một mình cả ngày, và phải đến tảng sáng thằng cha mà nó sợ mới mò về. Mày đi với tao, nhanh lên!”.

Nâu đứng phắt dậy không nói một lời nào, vì lão Do Thái đang ở trong tình trạng kích thích dữ dội làm lây truyền cả sang hắn. Hai tên nhẹ nhàng rời khỏi nhà rồi rảo bước qua cả một mê cung những đường phố, cuối cùng dừng trước một quán rượu mà Nâu nhận ra đó chính là cái quán rượu hắn đã ngủ vào đêm khi mới tới Luân Đôn.

Lúc này đã quá mười một giờ đêm và cửa đã đóng. Khi Fâyjin khẽ huýt sáo, cửa nhẹ nhàng mở ra. Hai tên bước vào không một tiếng động và cửa đóng lại phía sau chúng. Không dám thì thầm với nhau, nhưng lặng lẽ ra hiệu. Fâyjin và tên Do Thái trẻ tuổi vừa mở cửa cho hai tên vào chỉ ô kính cửa cho Nâu và ra hiệu hắn trèo lên để quan sát người ở phòng bên cạnh.

“Có phải người đàn bà ấy không?”, Nâu hỏi, tiếng nói chỉ lớn hơn tiếng thở một chút.

Fâyjin gật đầu.

“Tôi không thấy rõ mặt cô ả lắm”. Nâu nói thầm. “Mắt cô ả nhìn xuống và cây đèn nến ở sau lưng”.

“Đứng đây”, Fâyjin nói thầm. Lão ra hiệu cho Barni và anh chàng rút lui. Ngay lập tức, anh chàng bước vào căn phòng bên cạnh và giả vờ cắt bấc ngọn đèn, đặt đèn ở vị trí cần thiết và nói chuyện với cô gái, khiến cho cô ta ngẩng mặt lên.

“Bây giờ tôi thấy mặt cô ả rồi!”, tên do thám nói.

“Rõ chứ?”.

“Tôi có thể nhận ra mặt cô ả giữa một ngàn người”.

Hắn vội vàng bước xuống khi mở cửa và cô gái bước ra. Fâyjin thu mình đằng sau một bức vách nhỏ có rèm che và hai tên nín thở khi cô ta đi qua chỗ chúng nấp cách đó có vài bước, rồi tiến đến bên cửa mà hai tên đã bước vào.

“Suỵt!”, Barni, tên giữ cánh cửa, nói: “Đến lúc rồi đấy!”.

Nâu đưa mắt nhìn Fâyjin và lao ra ngoài.

“Rẽ sang trái”, Barni nói thầm, “rẽ sang trái và đi trên lề đường bên kia”.

Nâu làm thế, và dưới ánh đèn hắn nhìn thấy bóng cô gái đang bước đi trước mặt hắn cách một quãng. Hắn tiến lại gần trong chừng mực xem là thận trọng và vẫn đứng ở bên kia đường để theo dõi cử chỉ của cô ta rõ hơn. Cô ta nhìn quanh hai ba lần vẻ nhớn nhác, và một lần dừng lại để cho hai người đàn ông theo sát mình đi qua. Nhưng khi tiến lên, hình như cô ta có vẻ can đảm hơn, bước những bước mạnh dạn và kiên quyết hơn. Tên do thám vẫn giữ khoảng cách cũ giữa hai người và mắt dán chặt vào người cô ta.