Khu Vườn Xương - Chương 37 (Hết)
BA MƯƠI BẢY
Hiện tại
Julia xách va li của mình xuống tầng và đặt nó ở cửa trước. Rồi cô bước vào thư viện, nơi Henry đang ngồi giữa những cái hộp, bây giờ đã sẵn sàng để chuyển tới thư viện Boston. Henry và cô đã cùng nhau sắp xếp tất cả tài liệu rồi xếp vào các hộp giấy. Tuy nhiên, những lá thư của Oliver Wendell Holmes thì họ đã cất cẩn thận ở một chỗ an toàn. Henry đặt chúng lên bàn, và ông đọc đi đọc lại chúng ít nhất cả trăm lần.
- Thật đau đớn khi phải từ bỏ những thứ này. - Ông nói. - Có lẽ tôi nên giữ chúng.
- Bác đã hứa với thư viện rằng bác sẽ tặng chúng.
- Tôi vẫn có thể đổi ý mà.
- Bác Henry, chúng cần được quan tâm một cách đúng đắn. Một chuyên viên lưu trữ sẽ biết phải bảo quản chúng như thế nào. Và thật tuyệt vời nếu câu chuyện này được chia sẻ với cả thế giới.
Henry ngồi rũ xuống im lặng trên ghế, mắt nhìn đống giấy tờ như một người keo kiệt không muốn từ bỏ gia tài của mình.
- Những thứ này rất có ý nghĩa với tôi. Đây là một chuyện riêng tư.
Cô bước tới cạnh cửa sổ, ngước mắt nhìn ra biển.
- Cháu hiểu ý của bác. - Cô nói nhẹ nhàng. - Với cháu nó cũng trở thành một câu chuyện của riêng mình.
- Cháu vẫn mơ về bà ấy à?
- Hàng đêm. Rất nhiều tuần nay rồi.
- Vậy giấc mơ đêm qua là gì?
- Nó rất... ấn tượng. Những hình ảnh.
- Hình ảnh gì?
- Những súc vải. Những dải ruy băng và những cái nơ. Cháu đang cầm kim trên tay và đang khâu. - Cô lắc đầu rồi cười. - Bác Henry, cháu thậm chí còn không biết khâu thế nào.
- Nhưng Rose thì biết.
- Đúng, bà ấy biết. Thỉnh thoảng cháu nghĩ rằng bà ấy sống lại và đang nói chuyện với mình. Khi đọc những lá thư cháu đã mang linh hồn bà trở lại. Và bây giờ cháu có những kí ức của bà ấy. Cháu đang sống lại cuộc đời của bà.
- Những giấc mơ đó rất sinh động phải không?
- Thật đến từng màu sắc của sợi chỉ. Điều đó đã nhắc nhở rằng có lẽ cháu đã nghĩ đến bà ấy quá nhiều. - Và cuộc sống của bà ấy đã ra sao. Cô nhìn đồng hồ rồi nói với Henry:
- Có lẽ cháu phải đi xuống bến phà thôi.
- Tôi thật sự tiếc vì cháu phải đi. Khi nào thì cháu sẽ quay trở lại thăm tôi?
- Bác có thể tới thăm cháu bất cứ lúc nào mà.
- Có thể là khi Tom quay trở lại? Tôi sẽ đến thăm cả hai cùng một chuyến. - Ông dừng lại. - Vậy hãy nói với tôi. Cháu đã nghĩ gì về nó?
- Về Tom ư?
- Cháu biết mà, nó là một chàng trai đủ tư cách để lấy làm chồng đấy.
Cô mỉm cười:
- Cháu biết, bác Henry ạ.
- Nó lúc nào cũng kén cá chọn canh. Tôi đã thấy nó đi cùng rất nhiều cô bạn gái, nhưng chẳng có ai kéo dài được lâu. Cháu có lẽ là ngoại lệ. Nhưng cháu phải để nó biết rằng cháu có quan tâm. Nó nghĩ rằng cháu không để ý gì đâu.
- Anh ấy đã nói với bác thế à?
- Nó đã thất vọng. Nhung nó cũng là một người đàn ông kiên trì.
- Đúng thế, cháu thật sự thích anh ấy.
- Vậy thì còn vấn đề gì nữa đây?
- Có thể cháu thích anh ấy quá nhiều. Điều đó khiến cháu sợ. Cháu biết tình yêu có thể sụp đổ nhanh như thế nào. - Julia một lần nữa quay ra cửa sổ và nhìn về phía biển. Nó êm đềm và phẳng lặng như một tấm gương vậy. - Trong một phút, bác hạnh phúc và đang yêu, tất cả mọi thứ trên thế gian đều đúng. Bác nghĩ rằng chẳng có gì có thể sai. Nhưng khi nó đến theo cái cách mà nó đã làm với cháu và Richard. Cách mà nó đã làm với Rose Connolli. Thì cuối cùng, bác sẽ đau khổ suốt phần đời còn lại. Rose đã có được một thời gian ngắn hạnh phúc cùng Norris, và rồi sau đó bà đã phải sống suốt những năm còn lại của cuộc đời mình với kí ức về những gì đã mất. Cháu không biết liệu thế có đáng không hả bác Henry. Cháu không biết liệu cháu có thể chịu đựng được nó không nữa.
- Bác nghĩ rằng cháu đang hiểu sai bài học từ cuộc sống của Rose.
- Vậy bài học đúng đắn là gì ạ?
- Hãy nắm lấy cơ hội khi cháu có thể! Khi tình yêu đến.
- Và chịu đựng hậu quả.
Henry khịt mũi.
- Cháu biết rõ tất cả những giấc mơ mà mình đang có phải không? Đó là một lời nhắn nhủ, Julia ạ, nhưng với cháu thì chỉ phí lời mà thôi. Bà ấy lẽ ra đã phải nắm lấy cơ hội.
- Cháu biết điều đó. Nhưng cháu không phải Rose Connolli. - Cô thở dài. - Tạm biệt bác Henry.
Cô chưa bao giờ thấy Henry bảnh bao hơn thế. Khi mà họ ngồi cùng nhau trong văn phòng của giám đốc thư viện Boston, Julia đã lén lút liếc nhìn ông, ngạc nhiên rằng đây cũng chính là ông lão Henry, người thích chạy lăng xăng khắp ngôi nhà cũ rích ở Maine của mình trong cái quần dài và những cái áo nỉ cũ mèm. Cô đã nghĩ rằng ông ấy sẽ mặc quần áo giống hệt như khi cô đón ông ở khách sạn Boston sáng nay. Nhưng người đàn ông cô thấy đang đợi mình ở hành lang mặc một bộ vest đen ba mảnh, cầm theo một cây gậy gỗ mun một đầu bọc đồng thau. Henry không chỉ vứt bỏ đống quần áo cũ của mình, mà còn vứt bỏ cả khuôn mặt cau có thường ngày. Ông ấy còn đang đùa cợt với bà Zaccardi, giám đốc thư viện.
Và bà Zaccardi, khoảng sáu mươi tuổi, cũng sốt sắng cười đùa với ông.
- Không phải ngày nào chúng ta cũng nhận được những món quà có ý nghĩa quan trọng như thế này ông Page ạ. - Bà nói. - Những người quan tâm đang xếp cả hàng dài để được cầm trên tay những lá thư này. Đó là một thời gian khá dài, không tài liệu nào mới về Holmes được công bố, vì vậy chúng tôi thật sự vui mừng vì ông đã quyết định tặng chúng cho thư viện.
- Ôi, tôi đã phải suy nghĩ về chuyện này khá lâu. - Henry nói. - Tôi đã xét đến một số viện nghiên cứu khác. Nhưng thư viện này hơn tất cả, và có một vị giám đốc xinh đẹp.
Bà Zaccardi cười lớn.
- Còn ông, thưa quý ngài, cần đến một đôi kính mới đấy. Tôi hứa là sẽ mặc chiếc váy quyến rũ nhất của mình nếu ông và Julia đến dùng bữa tối cùng ban quản trị tối nay. Tôi biết chắc rằng tất cả bọn họ đều muốn gặp hai người.
- Tôi ước rằng chúng tôi có thể. - Henry nói. - Nhưng cháu trai tôi sẽ bay về từ Hồng Kông tối nay. Tôi và Julia đã có kế hoạch dành cả buổi tối cho nó.
- Vậy có lẽ để tháng sau nhé. - Bà Zaccardi đứng dậy. - Một lần nữa, cảm ơn ông. Hiếm có người con của địa phương nào ở Boston này đuợc kính trọng như Oliver Wendell Holmes. Và câu chuyện ông ấy kể lại trong những lá thư này... - Bà cười bối rối. - Nó thật sự đau lòng, nó khiến tôi nghẹn lời. Có rất nhiều chuyện mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ được nghe, một số khác thì đã bị lãng quên cùng với thời gian. Cảm ơn ông vì đã chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của Rose Connolli.
Khi Henry và Julia bước ra khỏi văn phòng, cây gậy của ông nện mạnh xuống sàn kêu lộp cộp lộp cộp. Vào đầu giờ sáng một ngày thứ năm, thư viện gần như trống không, và họ là những vị khách duy nhất trong thang máy, những khách tham quan duy nhất đi bộ trên hành lang, tiếng gậy của Henry vang khắp phòng. Họ đi qua một phòng trưng bày và Henry đứng lại. Ông nhìn thấy tấm biển bên ngoài đề tên cuộc triển lãm: BOSTON VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM: CHÂN DUNG MỘT THỜI ĐẠI.
- Đó có thể là thời đại của Rose. - Ông nói.
- Bác có muốn xem thử không?
- Chúng ta có cả ngày mà.Tại sao không chứ?
Họ bước vào phòng trưng bày. Họ chỉ có một mình trong căn phòng, và họ có thể ngắm nghía mỗi bức tranh và những bản in đá lâu chừng nào họ muốn. Họ ngắm nghía quang cảnh cảng Boston nhìn từ đồi Pernberton năm 1832, và Julia băn khoăn tự hỏi: Đó có phải là quang cảnh mà Rose đã thấy khi bà còn sống? Bà có thấy cũng bức tường rào xinh đẹp ở cận cảnh, những mái nhà xa xa đó? Họ bước tới trước một bản in đá của Collonade Row, trong một hoạt cảnh với các quý cô mặc váy đẹp và các quý ông đứng dưới những cái cây oai vệ, cô tự hỏi không biết Rose đã bao giờ đi qua dưới những bóng cây ấy. Họ nấn ná bên bức chân dung của Theodore Parker và Đức cha William Channing, những khuôn mặt mà Rose có thể đã thấy bước ngang qua trên phố hoặc qua những ô cửa sổ. Đây là thế giới của cô, Rose ạ, một thế giới đã trôi qua từ lâu trong lịch sử. Giống cô vậy.
Họ đi vòng quanh phòng trưng bày, và Henry bất ngờ đứng lại. Cô đâm sầm vào người ông, cô có thể cảm thấy người ông cứng đờ.
- Chuyện gì thế? - Cô hỏi. Sau đó, cô ngẩng lên nhìn bức tranh sơn dầu mà ông đang nhìn chằm chằm. Ngay cả cô cũng đứng sững. Trong căn phòng đầy chân dung của những người lạ, khuôn mặt này khác hẳn, khuôn mặt của một người mà cả hai cùng biết. Một người đàn ông trẻ với mái tóc đen nhánh nhìn họ từ trong bức tranh đứng bên cạnh cái bàn, tay đặt trên một bộ xương người. Mặc dù anh ta để mái tóc mai dày, mặc áo khoác ngoài và thắt cà vạt một cách rắc rối của thời kì đó, khuôn mặt anh ta cực kì quen thuộc.
- Chúa ơi. - Henry nói. - Đó là Tom!
- Nhưng nó được vẽ từ năm 1792 cơ mà.
- Hãy nhìn đôi mắt, cái miệng mà xem. Nó đích thực là Tom của chúng ta.
Julia cau mày nhìn tờ giấy dán bên cạnh bức chân dung.
- Họa sĩ là Christian Gullager. Nó không hề nói người đó là ai.
- Xin lỗi! Henry gọi to. - Bà có biết điều gì về bức tranh này không?
Người thủ thư bước vào phòng và mỉm cười trước bức chân dung.
- Nó rất đẹp phải không? - Bà ta nói. - Gullager là một trong những họa sĩ vẽ chân dung giỏi nhất thời đại đó.
- Người đàn ông trong bức tranh là ai?
- Chúng tôi tin rằng anh ta là một bác sĩ điều trị nổi tiếng ở Boston, tên là Aldous Grenville. Bức tranh này chắc đã được vẽ khi ông ta mười chín hay hai mươi tuổi, tôi nghĩ thế.
- Ông ấy đã chết một cách bi thảm trong ngọn lửa, khoảng năm 1832. Trong ngôi nhà tại quê ông ta ở Weston.
Julia nhìn Henry.
- Cha của Norris.
Người thủ thư cau mày nói:
- Tôi chưa bao giờ nghe nói rằng ông ấy có con trai. Tôi chỉ biết về cháu trai của ông.
- Cô biết chuyện gì về Charles vậy? - Henry ngạc nhiên hỏi. Ông ta cũng là một người nổi tiếng à?
- Ôi, đúng vậy. Công việc của Charles rất được ưa chuộng ở thời đại của ông ấy. Nhưng thật lòng mà nói, giữa tôi và ông thôi nhé, những bài chơ của ông ta thật khủng khiếp. Tôi cho rằng ông ta nổi tiếng vì những cuộc tình lãng mạn của mình chứ chẳng phải vì là nhà thơ một tay.
- Vậy là sau tất cả mọi chuyện thì ông ấy đã trở thành một nhà thơ. - Julia nói.
- Khá danh tiếng. Họ nói rằng ông ta đã mất cánh tay của mình trong cuộc đọ súng vì một quý cô. Câu chuyện đó khiến cho ông ta rất được lòng phái đẹp. Ông ta đã chết ở tuổi năm mươi. Vì bệnh giang mai. - Bà ta ngước lên nhìn bức tranh. - Nếu đây là bác của ông ta thì ông có thể thấy rằng vẻ đẹp chắc chắn được di truyền trong gia đình đó.
Lúc người thủ thư đã đi rồi, Julia vẫn còn sững sờ vì bức chân dung Aldous Grenville, người đàn ông của Sophia Marshall. Giờ thì mình đã biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ của Norris, Julia nghĩ. Trong một buổi tối mùa hè, khi con trai bà bị sốt, Sophia đã để nó nằm trên giường và chạy đến ngôi nhà của Aldous Grenville ở quê hương Weston của ông ta. Ở đó, bà định sẽ nói với ông ta rằng ông ta có một đứa con trai và rằng nó đang ốm lắm.
Nhưng Aldous không có nhà. Em gái Eliza của ông ta đã nghe lời thú tội của bà, cũng là người đã từ chối lời cầu xin sự giúp đỡ. Eliza đã nghĩ đến con trai Charles của mình, khi bà ta lựa chọn hành động tiếp theo? Có phải chỉ vì bà ta sợ một vụ bê bối, hay vì sự xuất hiện của một người thừa kế khác trong gia đình Grenville, một đứa con hoang sẽ lấy mất những gì lẽ ra con trai bà được hưởng?
Đó chính là ngày Sophia Marshall biến mất.
Gần hai thế kỉ đã trôi qua, cho tới khi Julia đào bới cái sân đầy cỏ dại từng là một phần nhà nghỉ mùa hè của Aldous Grenville và tìm thấy bộ hài cốt của Sophia Marshall. Trong gần hai thế kỉ, Sophia đã nằm im lìm trong một nấm mồ không được đánh dấu, bị lãng quên.
Cho tới bây giờ. Người chết có lẽ đã ra đi mãi mãi, nhưng sự thật thì có thể được sống lại.
Cô chăm chú nhìn chân dung của Grenville và nghĩ: Ông đã không bao giờ được biết Norris là con trai mình. Nhưng ít ra ông cũng được thấy niềm hạnh phúc của con gái mình, Meggie. Và nhờ có cô ấy, dòng máu của ông vẫn tiếp tục chảy qua nhiều thế hệ sau này.
Và bây giờ là ở trong Tom, Aldous Grenville vẫn tồn tại.
Henry đã quá mệt mỏi nên không thể cùng cô ra sân bay.
Julia lái xe một mình trong đêm tối, nghĩ về cuộc nói chuyện giữa cô và Henry vài tuần trước.
- Cháu đã học sai bài học từ cuộc đời của Rose rồi.
- Vậy bài học đúng là gì?
- Hãy nắm lấy cơ hội khi cháu có thể. Hãy yêu đi!
Mình không biết được liệu mình có dám, cô nghĩ.
Những gì Rose sẽ làm. Và Rose đã làm.
Một tai nạn ở Newton đã khiến ô tô xếp thành hàng dài hơn hai dặm trên đường cao tốc, khi cô nhích từng bước một về phía trước trong dòng xe cộ, cô nghĩ về những cuộc điện thoại của Tom vài tuần trước. Họ đã nói chuyện về sức khỏe của Henry, về những lá thư của Holmes, về việc hiến tặng cho thư viện. Những chủ đề an toàn, chẳng có gì khiến cô phải tiết lộ những bí mật của mình.
Cháu phải để cho nó biết rằng cháu có quan tâm. Henry đã nói với cô như vậy. Nó nghĩ rằng cháu không hề để ý.
Cháu có quan tâm. Nhưng cháu sợ.
Mắc kẹt trên đường cao tốc, cô đếm từng giây từng phút trôi qua. Cô nghĩ về những gì Rose đã dám mạo hiểm vì tình yêu. Liệu nó có đáng không? Bà có bao giờ hối tiếc về điều đó?
Đến Brookline, đường cao tốc bất ngờ rộng mở, nhưng lúc đó thì cô đã biết mình sẽ bị muộn. Khi cô tới được Cửa E của sân bay Logan thì chuyến bay của Tom đã hạ cánh, cô thấy trước mắt cả một đám đông hành khách cùng với hành lí của họ.
Cô bắt đầu chạy, lách qua những đứa trẻ và tiến về phía trước. Khi cô tới được khu vực cửa ra hải quan của hành khách, trái tim cô đập rộn lên. Mình nhớ anh ấy, cô nghĩ thầm khi lao vào đám đông, tìm kiếm. Cô chỉ thấy những khuôn mặt xa lạ, đám đông vô hạn những người cô không biết, những người không buồn liếc mắt nhìn cô tới một giây. Những người mà cuộc sống của họ chẳng liên can gì tới cô. Thật bất ngờ, dường như cô luôn tìm kiếm Tom, và lúc nào cũng chỉ nhớ tới anh. Lúc nào cũng để anh trốn mất mà không nhận ra.
Lần này thì em không để khuôn mặt anh biến mất.
- Julia!
Cô quay lại và thấy anh đứng ngay sau lưng cô, trông mệt mỏi và nhàu nhĩ sau một chuyến bay dài. Không kịp nghĩ gì, cô vòng tay ôm lấy anh, khiến anh cười ngạc nhiên.
- Một lời chào đón tuyệt vời! Anh đã không mong đợi điều này. - Anh nói.
- Em rất vui vì đã tìm thấy anh.
- Anh cũng vậy. - Giọng anh thật nhẹ nhàng.
- Anh đã đúng. Ôi, Tom ạ, anh đã đúng!
- Về chuyện gỉ?
- Một lần anh đã nói với em rằng anh đã nhận ra em. Rằng chúng ta đã từng gặp nhau trước đó.
- Chúng ta đã từng sao?
Cô nhìn khuôn mặt mà cô đã thấy chiều nay, khuôn mặt đã nhìn cô chăm chú từ bức chân dung. Khuôn mặt mà cô luôn luôn nhìn quen thuộc, mãi mãi yêu. Khuôn mặt của Norrie.
Cô mỉm cười.
- Chúng ta đã từng gặp nhau.
Năm 1888
Vậy đấy, Margaret, bây giờ thì con đã nghe tất cả và ta cũng thanh thản khi câu chuyện này sẽ không theo ta xuống mồ.
Mặc dù dì Rose của con chưa bao giờ kết hôn hay có những đứa con của riêng mình, nhưng hãy tin ta, Margaret yêu quý ạ, con đã mang lại cho bà ấy đủ niềm vui trong cuộc đời. Aldous Grenville chỉ sống một thời gian ngắn sau những sự kiện ấy, nhưng ông cũng đã rất vui vì những năm tháng được sống cùng con. Ta hi vọng con sẽ không giận vì ông ấy chưa bao giờ công khai thừa nhận một cách công khai rằng con là con gái của mình. Hãy nhớ rằng, thay vào đó, ông ấy đã chu cấp đầy đủ cho Rose và con, để lại con tài sản, ruộng đất của ông ấy ở Weston, nơi giờ đây con đã xây nhà của riêng mình. Ông ấy sẽ tự hào biết bao về niềm say mê và trí óc ham học hỏi của con! Tự hào khi biết rằng con gái của ông ấy là một trong những người đầu tiên tốt nghiệp trường đại học Y dành riêng cho phụ nữ. Thế giới này thay đổi mới giật mình làm sao, phụ nữ cuối cùng cũng đã được phép để đạt được nhiều điều như vậy.
Bây giờ thì tương lai thuộc về con cháu của chúng ta. Con đã viết rằng cháu trai Samuel của con đã thể hiện năng khiếu đặc biệt với khoa học tự nhiên. Con chắc phải rất hài lòng, vì con biết rõ hơn ai hết, rằng không có nghề nào cao quý hơn nghề chữa bệnh cứu người. Ta thật lòng hi vọng rằng Samuel trẻ tuổi sẽ theo đuổi niềm đam mê đó, và tiếp tục truyền thống của các bậc tiền bối tài năng. Những người đã sống một cuộc sống bất tử theo cách của họ, bảo vệ cuộc sống của nhiều thế hệ, nếu không có họ thì rất nhiều lớp con cháu đã không được ra đời. Chữa bệnh cứu người chính là để lại dấu tích của mình trong tương lai.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Và vì vậy, Margaret yêu quý, ta sẽ kết thúc lá thư cuối cùng của mình với một lời chúc cho cháu trai của con. Đâycũng chính là lời cầu chúc lớn lao nhất mà ta có thể dành cho nó, hay cho bất cứ ai khác.
Cầu mong cho cậu bé có thể trở thành một bác sĩ.
Người bạn chân thành của con
O.W.H.
GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ
Tháng ba năm 1883, Oliver Wendell Holmes rời Boston lên đường tới Pháp, ở đó ông đã dành hai năm tiếp theo để hoàn thành những nghiên cứu y khoa của mình. Tại trường École de Medicine danh tiếng ở Paris, chàng trai trẻ Holmes đã được tiếp cận với vô số mẫu vật giải phẫu. Ông đã học tập dưới sự hướng dẫn của những bộ óc khoa học y khoa hàng đầu trên thế giới. Ông quay trở lại Boston và trở thành một bác sĩ thành công hơn hầu hết bạn đồng nghiệp Mĩ của mình.
Năm 1843, trong Hội đồng vì sự phát triển y học Boston, ông đã trình bày một báo cáo có tựa đề là “Sự lây nhiễm của bệnh sốt sản.” Nó là bằng chứng đóng góp to lớn của ông cho nền y học Hoa Kì. Báo cáo đã giới thiệu một phương pháp mới mà giờ đây được coi là hiển nhiên, nhưng ở thời của Holmes, đó thực sự là một tư tưởng mới mẻ. Rất nhiều người đã được cứu sống và tránh đau đớn, chỉ bởi một lời gợi ý đơn giản có tính cách mạng của ông rằng: các bác sĩ điều trị nên rửa sạch tay mình.
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Mai – Pô Pô – Tiểu Bảo Bình
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)