Nhà Tuck Bất Tử - Chương 26 (Hết)

Phần kết

Tấm biển trước mặt đề hàng chữ CHÀO MỪNG ĐẾN TREEGAP, nhưng thật khó mà tin nổi rằng đây đúng thật là Treegap. Con đường chính chẳng thay đổi gì nhiều nhưng giờ lại thêm nhiều đường khác nữa cắt ngang qua. Đường đều đã được trải nhựa và có cả một lằn sơn trắng ngay chính giữa.

Bà Mae và ông Tuck, trên chiếc xe gỗ lộc cộc, chậm rãi xóc nảy đằng sau con ngựa béo già tiến vào Treegap. Họ luôn nhìn thấy sự thay đổi và quá quen với việc đó, nhưng ở đây điều đó dường như khiến họ choáng váng và u buồn. “Nhìn kìa,” ông Tuch nói. “Nhìn kìa, bà nó. Không phải đó là chỗ khu rừng ngày xưa sao? Mất rồi! Không còn đến cả một cành hay gốc cây nữa! Cả nhà của con bé nữa - cũng đâu mất luôn rồi.”

Thật khó mà nhận ra được thứ gì, nhưng hai người nghĩ, từ ngọn đồi nhỏ, nơi trước đây từng nằm bên ngoài ngôi làng và giờ đây có vẻ như đã trở thành một phần của nó, có thể xác định lại mọi thứ. “Đúng rồi”, bà Mae nói, “nó ở chỗ kia kìa, tôi tin là như vậy. Dĩ nhiên là, lâu quá rồi mình mới đến đây nên tôi cũng không chắc nữa.”

Chỗ đó giờ đây là một trạm xăng. Một chàng trai trẻ trong chiếc quần yếm dính đầy dầu mỡ đang đánh bóng kính chắn gió chiếc xe hơi hiệu Hudson rộng rãi và gỉ sét. Khi bà Mae và ông Tuck đi ngang qua, anh ta cười toe toét và nói với người tài xế của chiếc Hudson, đang ngồi uể oải đằng sau tay lái, “Coi kìa. Từ dưới quê lên chờ thời vận đó.” Và hai người khùng khục cười với nhau.

Bà Mae và ông Tuck tiếp tục lộc cộc lăn bánh vào làng, ngang qua một khu nhà cửa lộn xộn nhấp nhô rồi chẳng mấy chốc đã tới hàng loạt cửa hàng và những chỗ buôn bán kinh doanh khác: quầy xúc xích; tiệm giặt khô; hiệu thuốc; tiệm tạp hóa; một trạm xăng nữa và một tòa nhà cao cao màu trắng có cái mái hiên dễ chịu đằng trước, khách sạn Treegap - bữa ăn gia đình, giá cả phải chăng. Cả bưu điện nữa. Và xa kia là nhà tù, giờ đã to lớn hơn nhiều, sơn màu nâu, cùng văn phòng dành cho quan chức của hạt. Một chiếc xe cảnh sát hai màu trắng đen đang đỗ đằng trước, trên nóc là chiếc đèn pha rọi bằng kính màu đỏ và một cần anten vô tuyến, giống như râu một chú bọ, gắn chặt trên kính chắn gió.

Bà Mae liếc qua nhà tù rồi vội nhìn đi chỗ khác. “Ông nhìn thấy đằng kia không?” bà nói, chỉ tay về phía trước. “Thấy cái quán đó không? Mình dừng lại đó uống cà phê đi. Được chứ?”

“Cũng được,” ông Tuck nói. “Có thể họ biết gì đó.”

Bên trong, quán ăn lấp lánh ánh bàn ghế crôm và có mùi của véc ni trộn với xốt cà chua nấm. Bà Mae và ông Tuck chọn chỗ ngồi trên mấy chiếc ghế đầu xoay tại cái quầy dài. Nhân viên phục vụ từ đằng sau bếp đi ra và định giá hai vị khách dưới con mắt nhà nghề. Họ trông cũng được. Hơi kỳ quặc một chút, có lẽ - đặc biệt là do quần áo của họ - nhưng trông có vẻ là người lương thiện. Anh ta đập cái thực đơn bằng bìa cứng đánh bẹt xuống trước mặt họ và tựa người vào cái máy ướp lạnh nước ngọt có ga vị cam. “Cô chú mới đến đây à?” anh ta hỏi.

“Vâng,” ông Tuck đáp. “Chỉ đi ngang qua đây thôi.”

“Nhìn cô chú cũng biết,” anh nhân viên nói.

“Cho tôi hỏi thăm,” ông Tuck thận trọng nói, tay chỉ vào cái thực đơn. “Ở đây từng có một cánh rừng phải không, đầu bên kia thị trấn ấy?”

“Đúng thế,” anh ta nói. “Nhưng từng xảy ra một cơn bão sét lớn lắm, khoảng ba năm trước thì phải. Một cái cây bự bị sét đánh trúng chẻ làm đôi. Bắt lửa và cháy trụi lủi. Cày cả mặt đất lên nữa. Phải dùng xe ủi ra đó.”

“Ồ,” ông Tuck nói. Ông và bà liếc nhìn nhau.

“Làm ơn cho tôi cà phê,” bà Mae nói. “Đen. Hai tách.”

“Được rồi,” nhân viên phục vụ nói. Anh ta mang tấm thực đơn đi, đổ cà phê vào hai cái tách bằng gốm dày rồi lại tiếp tục dựa lưng vào cái máy ướp lạnh nước ngọt.

“Trong khu rừng đó từng có một con suối nước ngọt,” ông Tuck bạo gan nói, nhấm nháp tách cà phê.

“Tôi cũng chẳng biết gì về việc đó cả,” người phục vụ nói. “Phải dùng xe ủi ra ủi phẳng hết rồi, như hồi nãy tôi nói đó.”

“Ra thế,” ông Tuck nói.

Và rồi sau đó, trong lúc bà Mae đi mua đồ dự trữ, ông Tuck đi bách bộ vào thị trấn - trở lại con đường mà họ đã qua - đến tận ngọn đồi nhỏ. Giờ đây chỗ đó đã mọc lên nhà cửa và cả một cửa hàng bán thức ăn gia súc và ngũ cốc, nhưng bên kia ngọn đồi, trong cái hàng rào sắt bao quanh là khu nghĩa trang.

Tim ông Tuck đập liên hồi. Ông đã để ý trên đường vào đây. Cả bà Mae cũng thấy nữa.

Họ chẳng hề nói với nhau lời nào về nó, nhưng cả hai đều biết rằng đó có thể là nơi chứa đựng câu trả lời cho mọi điều còn lại. Ông Tuck vuốt cho thẳng lại cái áo khoác cũ kỹ. Ông đi xuyên qua cái cổng tò vò có những vòng xoắn trang trí bằng sắt và dừng lại, nheo mắt nhìn những hàng bia mộ đầy cỏ dại. Và rồi, xa xa về phía bên phải, ông nhìn thấy một tấm bia tưởng niệm cao, chắc là đã từng một thời đường bệ nhưng giờ hơi nghiêng một chút. Trên đó có khắc một cái tên: Foster.

Chậm rãi, ông Tuck tiến bước về phía tấm bia tưởng niệm và khi đến gần ông nhìn thấy những biển nhỏ hơn chung quanh đó. Đây là phần mộ của dòng họ. Rồi đột nhiên cổ họng ông thắt lại. Vì nó đang ở đó. Ông hằng muốn nó ở đó, nhưng giờ nhìn thấy nó, lòng ông lại tràn ngập nỗi đau buồn. Ông quỳ xuống và đọc hàng chữ khắc trên bia mộ:

Đồng tưởng nhớ

Winnifred Foster Jackson

Người vợ yêu dấu

Người mẹ kính yêu

1870 - 1948

“Vậy là,” ông Tuck tự nói với mình. “Hai năm. Con bé ra đi được hai năm rồi.” Ông đứng dậy nhìn quanh, bối rối, cố gạt đi cơn nghẹn ngào trong cổ họng. Nhưng chẳng có ai nhìn thấy ông. Nghĩa trang yên lặng như tờ. Trên những cành liễu đằng sau lưng, tiếng một chú chim sáo cánh đỏ líu lo. Ông Tuck vội vội vàng vàng quẹt mắt. Rồi ông lại vuốt thẳng áo khoác và giơ tay lên chào từ biệt. “Đúng là một cô bé ngoan,” ông nói lớn. Và rồi ông quay người lại rời khỏi nghĩa trang, bước đi thật nhanh.

Lát sau, khi ông và bà Mae ra khỏi Treegap, không nhìn ông, bà nói thật khẽ, “Nó mất rồi hả?”

Ông Tuck gật đầu. “Mất rồi,” ông trả lời.

Sau đó là một khoảng lặng thật lâu giữa hai người, và rồi bà Mae lên tiếng, “Tội nghiệp thằng Jesse.”

“Dù gì thì nó cũng biết rồi,” ông Tuck nói. “Ít ra thì cũng biết là con bé sẽ không đến. Chúng ta ai cũng biết điều đó,từ rất lâu rồi.”

“Cũng vậy thôi,” bà Mae nói. Bà thở dài. Rồi ngồi thẳng lưng hơn một chút, bà nói, “Giờ thì, mình đi đâu đây, hả ông Tuck? Chẳng cần phải quay trở lại đây nữa rồi.”

“Vậy đó,” ông Tuck nói. “Cứ đi con đường này thẳng tới trước đi. Rồi mình tính tiếp.”

“Cũng được,” bà Mae nói. Rồi đột nhiên bà đặt một bàn tay lên cánh tay ông và chỉ. “Coi chừng con cóc đó.”

Ông Tuck cũng nhìn thấy nó. Ông ghìm cương ngựa lại và trèo xuống xe. Con cóc ấy đang ngồi chễm chệ ngay giữa đường, vô tư lự. Bên làn kia, một chiếc xe tải nhỏ rầm rầm chạy ngang qua, và trước làn gió do chiếc xe tạo ra, nó nhắm tịt mắt lại. Nhưng nó không hề di chuyển. Ông Tuck chờ đến khi chiếc xe chạy qua rồi mới nhặt con cóc lên và mang nó vào đám cỏ dại mọc bên đường. “Bọn ngốc nghếch này cứ nghĩ rằng mình bất tử hay sao ấy,” ông nói với bà Mae.

Thế rồi họ lại lên đường, bỏ lại Treegap phía sau lưng, và khi họ đi, cái giai điệu nhẹ nhàng leng keng phát ra từ chiếc hộp nhạc ấy trôi lững lờ phía sau và cuối cùng vụt tắt phía xa cuối con đường.

Vài câu hỏi dành cho tác giả

Khi còn bé bà muốn lớn lên mình làm sẽ làm gì?

Khi chưa đi học thì tôi muốn làm cướp biển, và rồi khi bắt đầu đi học tôi lại muốn làm thủ thư. Nhưng đến năm lớp Bốn, khi có được Alice ở xứ sở thần tiên/Alice qua tấm gương soi, tôi quyết định chắc chắn mình muốn trở thành người vẽ tranh minh họa truyện cho trẻ em.

Đến khi nào bà nhận ra rằng mình muốn trở thành nhà văn?

Tôi thậm chí còn không nghĩ đến chuyện viết lách nữa. Chồng tôi đã viết truyện cho quyển sách đầu tiên của tôi, nhưng rồi ông ấy không muốn viết nữa, và thế là tôi phải bắt đầu tự viết truyện cho mình. Dù sao thì cũng phải có câu chuyện rồi thì mới có thể vẽ hình minh họa được chứ.

Kỷ niệm tuổi thơ đầu tiên mà bà còn nhớ là gì?

Tôi có rất là nhiều kỷ niệm thuở còn chưa cắp sách đến trường, tất cả đều từ hồi gia đình tôi còn sống ở một thị trấn nhỏ phía Nam thành phố Columbus, bang Ohio. Tôi nhớ mang máng mình từng ngồi trên một chiếc ghế cho trẻ con ngồi ăn với người lớn. Khi lớn hơn một chút, tôi còn nhớ là có lần nhìn thấy chàng yêu tinh Jack Frost nhìn qua cửa sổ nhà bếp. Đó là một kỷ niệm khá bất ngờ.

Kỷ niệm tuổi thơ làm bà bối rối nhất là gì?

Tôi chẳng còn nhớ cái nào cả. Chắc là tôi đã cố quên sạch chúng rồi.

Kỷ niệm tuổi thơ mà bà thích nhất là gì?

Tôi nghĩ là mình thích nhất những lúc cùng chị nằm cuộn tròn rúc vào người mẹ khi mẹ đọc truyện cho nghe.

Khi còn nhỏ người bà ngưỡng mộ và kính trọng nhất là ai?

Hiển nhiên là mẹ tôi.

Hồi còn đi học bà học dở nhất môn nào?

Số học. Hình như giờ là môn Toán thì phải.

Bà học giỏi môn nào nhất?

Nghệ thuật và kế đến là Tiếng Anh.

Công việc đầu tiên của bà là gì?

Đó là hồi tôi mười mấy tuổi. Tôi làm việc ở một gian hàng, College Shop, tại một trung tâm mua sắm lớn tên là Higbee's ở trung tâm Cleverland (bang Ohio). Nhưng sau đó tôi chủ yếu làm ở phòng định giá nhà máy sản xuất máy giặt.

Bà đã ăn mừng cuốn sách đầu tiên được xuất bản như thế nào?

Tôi nhớ là mình chẳng tổ chức gì đặc biệt cả. Lúc đó tôi mới chỉ bắt đầu kiểm soát được sự kinh ngạc tột độ khi lần đầu tiên tìm được biên tập viên cho mình. Đó mới chính là giây phút tuyệt vời nhất.

Bà thường viết những cuốn sách của mình ở đâu?

Tôi nghĩ về chúng rất lâu trước khi thật sự bắt đầu cầm bút viết và đi đến đâu tôi cũng nghĩ về chúng. Rồi tôi ngồi trên chiếc sofa trong phòng khách, viết lên giấy cẩn thận, kê trên một cái bàn lớn. Sau đó tôi đánh máy lại hết, từng đoạn một bằng máy đánh chữ, vửa gõ vừa chỉnh sửa lại. Cuối cùng khi đã xong xuôi hết, tôi mới gõ vào máy vi tính trong phòng làm việc của mình.

Bà tìm nguồn cảm hứng cho những sáng tác của mình ở đâu?

Tôi chủ yếu viết về những câu hỏi vẫn chưa được giải đáp của chính mình từ hồi học cấp một đến giờ.

Nhân vật nào trong các tác phẩm của bà là giống bà nhất?

Những nhân vật chính trong tất cả những nhân vật chính trong tất cả những truyện dài đều giống tôi, nhưng tôi nghĩ Winnie Foster trong Tuck Everlasting (Nhà Tuck bất tử) là giống tôi nhất.

Khi bà viết xong một cuốn sách thì ai là người đầu tiên đọc nó?

Lúc nào cũng là biên tập viên của tôi, Michael Di Capua. Ý kiến của anh ấy là quan trọng nhất.

Bà làm việc hiệu quả nhất vào sáng sớm hay đêm khuya?

Không phải cả hai thời điểm đó, thật sự là vậy. Tôi gần như là người hoạt động hiệu quả nhất vào khoảng giữa ngày.

Theo bà thế nào là một bữa ăn ngon miệng nhất?

Là bữa ăn do người khác nấu. Và tráng miệng phải có món gì đó có sôcôla.

Bà thích mèo hay thích chó?

Mèo là để nhìn và ngắm còn chó là để nuôi.

Bà đánh giá cao nhất phẩm chất gì ở bạn bè mình?

Biết cách nói chuyện và hài hước.

Bà thường đi đâu khi cần yên tĩnh?

Giờ đây các con tôi đã lớn và có cuộc sống riêng rồi thì tôi chỉ cần ở nhà là đã được yên tĩnh.

Cái gì sẽ làm cho bà cười phá lên?

Từ ngữ. Ba tôi có cách dùng từ rất hài hước và những điều ông nói đã khiến tôi cười suốt đến tận khi lớn.

Bà yêu thích nhất bài hát nào?

Nhiều quá không thể kể hết, nhưng chủ yếu là những ca khúc thập niên 1930 - 1940. Khi đó bài nào hát là để hát, chứ không phải đề gào lên hay là lắc lư theo.

Nhân vật tưởng tượng mà bà yêu thích nhất là ai?

Đương nhiên là Alice trong Alice ở xứ sở thần tiên Alice qua tấm gương soi.

Bà sợ điều gì nhất?

Tôi có một nỗi sợ hãi mà chúng ta vẫn thường gặp khi còn nhỏ và đến giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh, đó là sợ bị bỏ rơi.

Bà thích nhất thời điểm nào trong năm?

Tháng Năm là tháng tôi thích nhất.

Bà thích nhất chương trình truyền hình gì?

Tôi không còn hay xem nhiều chương trình truyền hình nữa - chỉ có tin tức trên kênh CNN và những bộ phim cũ mà thôi.

Nếu bị bỏ lại trên hoang đảo thì bà muốn ai ở cùng với mình?

Chồng tôi, Sam.

Nếu có thể trở lại quá khứ thì bà muốn đi đâu?

Trở lại Middletown, Ohio, đến trường Lincoln ở Đại lộ Trung Tâm để sống lại năm học lớp Năm, cứ lặp đi lặp lại như vậy.

Lời khuyên hay nhất về văn chương mà bà nhận được là gì?

Không chỉ một mà có quá nhiều lời khuyên hay để kể ra.

Bà muốn độc giả nhớ nhất điều gì về những cuốn sách của mình?

Những câu hỏi không lời đáp.

Bà sẽ làm gì nếu không còn cầm bút nữa?

Dành thời giờ chơi trò giải ô chữ và các trò khác, và luyện chơi những bản nhạc hay ngày xưa trên cây dương cầm.

Bà thích điều gì về mình nhất?

Thích nhất là tôi biết vẽ và biết chơi những bản nhạc hay ngày xưa trên cây đàn dương cầm của mình.

Tật xấu nhất của bà là gì?

Luôn đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo.

Thói quen tốt nhất của bà là gì?

Cố hết sức mình làm cho mọi thứ hoàn hảo.

Bà cho rằng thành quả lớn nhất của mình là gì?

Hiện giờ thì đó là bức tranh cho một cuốn sách vẫn chưa xuất bản. Bức tranh về một người đàn ông trong chiếc bồn tắm đang nổi lềnh bềnh giữa đại dương trong cơn giông bão. Tôi thật sự rất tự hào về bức tranh đó.

Nơi nào trên thế giới mà bà cảm thấy thoải mái nhất như ở nhà?

Câu hỏi này khó đây. Gia đình tôi rời nhà khỏi Middletown, Ohio (xem câu hỏi/trả lời về trở lại quá khứ), lúc tôi đang học lớp Sáu và cả nhà tôi không bao giờ còn trở lại đó nữa. Dù đã qua bao nhiêu lâu rồi nhưng Middletown vẫn là nơi tôi nhớ đến khi nghĩ về “nhà”. Dù sao thì tôi đã từng sống ở rất nhiều nơi và chỗ nào tôi cũng thích cả, cho nên tôi cũng không cảm thấy tiếc nuối lắm. Chỉ là chữ “nhà” có một ý nghĩa thật đặc biệt mà thôi.

Bà ước mình có thể giỏi hơn về cái gì?

Tất cả mọi thứ. Nấu ăn này, viết lách này, chơi dương cầm này, hết thảy.

Điều gì ở bà khiến cho độc giả ngạc nhiên nhất nếu họ biết được?

Có lẽ là việc tôi tin rằng viết sách là điều khác xa với việc trở nên quan trọng. Thứ quan trọng nhất mà ta có thể làm là trở thành thầy cô giáo. Còn với những người cũng viết lách như tôi, tôi luôn tin rằng cả họ và tôi nên dừng viết trong năm mươi năm. Có quá nhiều sách hay mà chẳng có đủ thời gian để đọc hết. Nhưng giới nhà văn chúng ta thì cứ cho ra hoài. Dù sao đi chăng nữa, chúng tôi chỉ có thể hy vọng rằng ít nhất thì độc giả cũng sẽ tìm được chút thời giờ để đọc sách.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Ariko Yuta - Fuju - Tiểu Bảo Bình

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3