Ba người lính ngự lâm - Chương 11 phần 2

- Ông nói đến tình yêu nhanh quá đấy, thưa ông! - Người đàn bà trẻ vừa nói vừa lắc đầu. chính vì tình yêu đến với tôi nhanh thế và đây là lần đầu, tôi đã được hai mươi tuổi đâu.

Thiếu phụ liếc nhìn trộm chàng.

- Xin bà nghe đã - D' Artagnan nói tôi đã lần ra dấu vết. Ba tháng trước đây, suýt nữa tôi đã quyết đấu với Aramis chỉ vì chiếc khăn tay tương tự như chiếc khăn mà bà đã cho người đàn bà ở nhà anh ấy xem, vì một chiếc khăn tay in cùng dấu vết, tôi cam đoan như vậy.

- Thưa ông - Thiếu phụ nói - tôi xin thề với ông là ông làm tôi quá mệt vì những câu hỏi đó.

- Nhưng bà thận trọng đến thế, xin bà hãy nghĩ đi, nếu như bà bị bắt giữ cùng với chiếc khăn tay ấy và chiếc khăn tay ấy bị giữ lấy, bà sẽ bị nguy hại chứ?

- Sao lại thế được, những chữ cái viết tay ấy, chẳng phải là của chính tôi sao. C.B tức Constance Bonacieux?

- Hay là Camille de Bois-Tracy nào?

- Ông im đi, một lần nữa im đi! Chà? Một khi những nguy hiểm, của chính bản thân tôi phải trải qua không ngăn nổi ông, ông cũng nên nghĩ đến những cái ông sẽ có thể trải qua chứ?

- Tôi ư?

- Phải, chính ông. Có nguy hiểm của nhà tù, có nguy hiểm đến tính mạng vì quen biết tôi.

- Thế thì tôi không rời bà nữa.

Người đàn bà trẻ chắp hai tay cầu khẩn:

- Thưa ông, xin ông vì Chúa, vì danh dự một quân nhân, vì tính hào hoa phong nhã của một nhà quý tộc, hãy xa tôi ra.

Thấy chưa, đồng hồ điểm nửa đêm rồi, là giờ người ta đợi tôi.

- Thưa bà - Chàng trai trẻ nghiêng mình đáp - Tôi không còn biết từ chối thế nào với người đã yêu cầu tôi như thế. Xin bà yên tâm, tôi rời xa bà đây.

- Nhưng ông sẽ không đi theo tôi, ông sẽ không theo dõi tôi chứ?

- Tôi về nhà ngay bây giờ.

- Thế chứ, tôi biết rõ mà, rằng ông là một người đàn ông trẻ tử tế mà! - Bà Bonacieux vừa nói vừa chìa tay cho chàng, tay kia đặt trên chiếc vồ gõ cửa treo trong tường.

D' Artagnan nắm lấy bàn tay chìa ra cho mình và hôn nồng nan.

- Chao ôi, tôi thích thà rằng chưa bao giờ gặp bà - D' Artagnan kêu lên với vẻ tàn nhẫn ngây thơ mà những người đàn bà thường thích hơn là những sự tế nhị của phép xã giao, bởi vì nó mở ra miền sâu trong tư tưởng và nó chứng tỏ rằng tình cảm đã vượt qua lý trí.

Bà Bonacieux siết chặt bàn tay chưa chịu buông tay bà ra, nói bằng một giọng gần như âu yếm:

- Thế ư? Tôi thì tôi sẽ không nói đến mức như ông đâu. Cái gì mất hôm nay, không mất trong tương lai. Ai biết được chả có ngày tôi sẽ được gỡ ra khỏi những rắc rối này, tôi lại chẳng làm thỏa mãn sự hiếu kỳ của ông.

D' Artagnan reo lên tràn trề vui sướng:

- Và bà vẫn giữ lời hứa ấy với mối tình của tôi chứ?

- Ồ, về mặt đó, tôi không thể hứa hẹn gì. Cái đó tùy thuộc vào những tình cảm mà ông sẽ gợi lên trong lòng tôi.

- Như thế, hôm nay, thưa bà…

- Hôm nay, thưa ông, tôi chỉ mới ở mức biết ơn ông.

- Trời! Bà thật quá duyên dáng - D' Artagnan nói với vẻ buồn rầu - và bà lợi dụng tình yêu của tôi.

- Không đâu. Tôi sử dụng lòng hào hiệp của ông. Có thế thôi. Nhưng ông hãy tin chắc, với một số người nào đó, chẳng có gì mất hết cả đâu.

- Ôi, bà làm cho tôi thành kẻ hạnh phúc nhất trong mọi người rồi. Xin bà đừng quên cái đêm nay, xin đừng quên lời hứa hẹn này.

- Xin ông yên tâm, đúng thế, đúng chỗ, tôi sẽ nhớ tất cả còn bây giờ, ông đi đi, vì Chúa, ông đi đi! Người ta đợi tôi đúng nủa đêm và tôi đã bị muộn rồi. Muộn năm phút.

- Vâng, nhưng trong một số tình huống, năm phút bằng năm thế kỷ. Khi người ta yêu.

- Ô hay! Ai bảo ông tôi không đang mắc việc với một người đang yêu?

- Đó là một người đàn ông đang đợi bà ư? - D' Artagnan kêu lên - Một người đàn ông!

- Thôi đi, thế là cuộc tranh eãi lại sắp bắt đầu trở lại - Bà Bonacieux nói với nụ cười nửa miệng không loại trừ một vẻ sốt ruột nào đó.

- Không, không, tôi đi đây, tôi đi khỏi đây mà. Tôi tin ở bà.

- Tôi muốn hoàn toàn xứng đáng với lòng tận tụy của mình, dù cho lòng tận tụy ấy là một sự ngốc nghếch. Vĩnh biệt, vĩnh biệt bà!

Và vì phải gắng sức mới giật tay gỡ ra khỏi bàn tay đang nắm, chàng rời xa như chạy vội, trong khi đó bà Bonacieux gõ ba tiếng chậm và cách đều nhau từng gõ vào cánh cửa sổ.

Tới góc phố, D' Artagnan quay lại. Cửa mở ra rồi đóng lại. Bà chủ hiệu tạp hóa xinh đẹp biến mất.

D' Artagnan tiếp tục đi đường mình, chàng đã hứa không rình mò bà Bonacieux và cuộc sống của bà dù có phụ thuộc vào địa điểm bà sắp đến hay vào con người phải đi cùng bà, D' Artagnan cũng sẽ trở về nhà một khi chàng đã nói là trở về nhà. Năm phút sau chàng đã ở phố Phu đào huyệt. Chàng nói một mình: "Athos tội nghiệp! Anh ấy sẽ chẳng biết như thế nghĩa là thế nào. Anh ấy sẽ ngủ mà đợi ta, hoặc sẽ trở về nhà mình, và về đến nơi, anh ấy sẽ biết có một người đàn bà đã đến đấy. Một người đàn bà ở nhà Athos! Rốt cuộc, cũng có một đàn bà trong nhà Aramis cơ mà. Tất cả cái đó đều quá kỳ lạ, và ta háo hức biết mấy để biết xem nó sẽ kết thúc ra sao.

- Nguy, thưa ông, nguy rồi - Một giọng nói đáp lại mà chàng nhận ra giọng của Planchet, bởi vừa lớn tiếng độc thoại theo kiếu những người đang rất bận việc, chàng đi vào lối đi mà phía cuối là cầu thang dẫn lên phòng mình.

- Sao, nguy ư? Mày muốn nói gì, thằng ngu? - D' Artagnan hỏi - Vậy đã xảy ra chuyện gì?

- Đủ mọi thứ tai ương.

- Tai ương nào?

- Trước tiên, ông Athos bị bắt.

- Bị bắt! Athos? Bị bắt? Tại sao?

- Người ta thấy ông ấy ở nhà ông - Họ tưởng là ông nên đã bắt.

- Bọn nào bắt?

Bọn cận vệ do bọn mặc đồ đen bị ông đánh đuổi dẫn đến.

- Tại sao anh ấy không xưng danh? Tại sao anh ấy không nói mình không liên quan gì đến chuyện này?

- Thưa ông, ông ấy đã đề phòng cẩn thận việc đó, và trái lại còn đến gần bảo tôi: "Chính chủ anh đang cần tự do trong lúc này, chứ không phải ta, bởi vì chủ anh biết hết mọi chuyện, còn ta lại chẳng biết gì. Người ta sẽ tưởng chủ anh bị bắt, và việc đó sẽ cho anh ấy thời gian. Ba ngày nữa ta sẽ nói ta là ai, và họ nhất quyết phải thả ta ra".

- Hoan hô Athos! Tấm lòng cao quý! - D' Artagnan thì thầm - Ta biết rõ anh ấy là như thế mà! Và bọn cảnh vệ còn làm gì nữa?

- Bốn tên dẫn ông Athos đi đâu, tôi không biết, đến ngục Bastille hay đến Pholêvếch chẳng rõ. Hai tên lưu lại với những tên mặc đen, lục lọi khắp nơi và giữ mọi giấy tờ. Hai tên cuối cùng trong cuộc hành quận đó gác ngoài cửa. Rồi, khi tất cả đã xong, chúng bỏ đi, để lại nhà cửa toang hoang, trống trơn.

- Còn Porthos và Aramis?

- Tôi không tìm thấy họ, họ không đến.

- Nhưng họ có thể đến bất cứ lúc nào, bởi vì hẳn mày đã nhắn lại ta đang đợi các ông ấy?

- Vâng, thưa ông.

- Nghe đây? Đừng có nhúc nhích khỏi đây. Nếu hai ông ấy đến, báo cho họ biết cái gì đã xảy đến với ta, bảo họ đợi ở quán Quả thông. Ở đây sẽ nguy hiểm, ngôi nhà có thể bị do thám. Ta chạy đến ông De Treville để báo cho ông ấy tất cả chuyện đó, và ta sẽ gặp họ ở đó.

- Được ạ, thưa ông - Planchet nói.

- Nhưng mày sẽ ở lại và đừng sợ!

D' Artagnan đi được mấy bước lại quay lại để động viên lòng dũng cảm cho người hầu của mình.

- Thưa ông, xin ông yên tâm - Planchet nói - Ông còn chưa biết rõ tôi đấy. Khi lâm sự tôi cũng can trường ra phết đấy. Hơn nữa tôi là dân Pica.

- Vậy, thỏa thuận rồi nhé - D' Artagnan nói - Mà thà chết còn hơn rời vị trí.

- Vâng, thưa ông, và chẳng có việc gì mà tôi không làm để chứng tỏ tôi gắn bó với ông.

"Tốt - D' Artagnan tự nhủ - hình như cái phương pháp mà ta áp dụng đối với gã này là một phương pháp tốt. Khi cần, ta sẽ lại dùng".

Rồi ba chân bốn cẳng tuy đã hơi mỏi vì chạy đây đó suốt ngày, D' Artagnan đi về phố Chuồng chim câu.

Ông De Treville không hề ở dinh quán. Đại đội của ông đang gác điện Louvre. Ông đến Louvre với đại đội của mình.

Phải đến tận chỗ ông De Treville thôi. Điều quan trọng là phải báo cho ông biết điều gì đang diễn ra. D' Artagnan thử vào điện Louvre. Bộ trang phục cận vệ trong đại đội ông des Essarts phải là một giấy thông hành cho chàng.

Thế là chàng đi xuống phố Augustin nhỏ rồi lên đường bờ đê để đến cầu mới. Chàng đã có ý nghĩ qua phà, nhưng tới bờ nước, chàng vô tình thò tay vào túi và nhận ra không có tiền để trả tiền qua phà.

Vừa lên đến dốc phố Ghênêgô, chàng nhìn thấy một nhóm từ phố Cá heo đi ra, gồm hai người dáng dấp đập vào mắt chàng.

Hai người đó gồm một đàn ông, người kia đàn bà.

Người đàn bà có dáng dấp bà Bonacieux và người đàn ông thì giống đến mức nhầm với Aramis.

Ngoài ra, người đàn bà có chiếc áo choàng đen như chiếc áo mà D' Artagnan từng thấy nổi lên trên cánh cửa sổ ở phố Vôgira và trên khung cửa ở phố Đàn Thụ cầm nữa. Thêm nữa, người đàn ông cũng mặc đồng phục ngự lâm quân.

Cái mũ liền áo của người đàn bà kéo sụp xuống. Người đàn ông cầm khăn tay che lên mặt. Sự thận trọng gấp đôi của cả hai người chỉ ra rằng họ đều lo bị lộ diện.

Họ đi lên cầu, cùng đường với D' Artagnan vì D' Artagnan đi đến điện Louvre. Chàng đi theo họ.

Đi chưa đầy hai chục bước, chàng đã tin chắc người đàn bà chính là bà Bonacieux và người đàn ông kia là Aramis.

Ngay lúc đó chàng cảm thấy mọi sự ngờ vực ghen tuông sôi lên trong trái tim mình.

Chàng đã bị hai lần phản bội vừa bởi bạn mình vừa bởi người mà chàng đã yêu như một người tình của mình. Bà Bonacieux đã thề độc với chàng là không quen biết Aramis và chỉ mười lăm phút sau khi đã thề như thế với chàng, chàng đã thấy bà ta khoác tay Aramis.

D' Artagnan cũng chẳng nghĩ mình mới chỉ quen biết cô hàng xén xinh đẹp được ba tiếng đồng hồ và nàng chỉ phải chịu ơn chàng chút ít vì đã giải phóng nàng khỏi bọn mặc đồ đen muốn bắt cóc nàng đi và nàng chưa hề hứa hẹn gì với chàng.

Chàng tự coi mình như một người tình bị làm nhục, phản bội, cợt nhạo. Máu nóng và cơn giận bốc lên mặt, chàng quyết định phải làm rõ tất cả.

Người thiếu phụ và người đàn ông trẻ biết mình bị theo dõi liền rảo bước gấp đôi. D' Artagnan chạy vượt lên rồi quay lại phía họ lúc họ đến trước mặt nhà thờ Samaritain có một cây đèn lồng chiếu sáng tỏa cả đến tận mặt cầu.

D' Artagnan dừng lại trước mặt họ và họ cũng dừng lại trước mặt chàng.

- Thưa ông, ông muốn gì? - người ngự lâm kia vừa hỏi vừa lùi lại một bước và bằng một giọng lơ lớ, chứng tỏ D' Artagnan đã bị nhầm một phần trong những phỏng đoán của mình.

Chàng kêu lên:

- Không phải Aramis!

- Không, thưa ông, không có Aramis nào cả, và nghe cái giọng kinh ngạc của ông, tôi thấy ông đã nhầm tôi với người khác nên tôi tha thứ cho ông.

- Ông tha thứ cho tôi á! - Chàng kêu lên.

- Phải - Người lạ đáp - Vậy hãy để tôi đi vì không phải ông mắc chuyện với tôi.

- Ông có lý, thưa ông - D' Artagnan nói - không phải với ông tôi mắc chuyện, mà là với bà đây.

- Với bà đây? Ông đâu biết bà ấy? - Người lạ nói.

- Thưa ông, ông nhầm rồi, tôi biết bà ấy.

- Đến thế nữa! - Bà Bonacieux nói bằng một giọng trách móc. Thế cơ đấy, thưa ông. Ông đã lấy danh dự quân nhân và tư cách quý tộc ra hứa với tôi. Tôi hy vọng có thể tin cơ đấy.

- Và tôi thưa bà - D' Artagnan bối rối nói - bà cũng đã hứa với tôi…

Người lạ mặt:

- Nào bà, vịn vào tay tôi đi, rồi chúng ta tiếp tục đi đường của chúng ta.

Trong khi đó, D' Artagnan choáng váng sụp đổ, rã rời vì tất cả những gì vừa xảy đến với chàng, vẫn đứng thuỗn người, hai tay khoanh lại trước người ngự lâm và bà Bonacieux.

Người ngự lâm bước lên hai bước, lấy tay gạt D' Artagnan ra.

D' Artagnan nhảy lùi về phía sau và rút gươm.

Nhanh như chớp, người lạ đồng thời cũng rút gươm.

Bà Bonacieux lao vào giữa hai đối thủ, hai tay nắm lấy hai lưỡi gươm, kêu lên:

- Lạy Chúa thưa Huân tước(2).

(2) Milord từ tiếng Anh. My lord, có nghĩa Huân tước của tôi, hoặc thưa Huân tước.

- Huân tước ư? - Chàng vội kêu lên sau một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu - Huân tước, xin lỗi, thưa ngài, nhưng ngài chả nhẽ lại là…

- Là Huân tước Quận công De Buckingham - Bà Bonacieux nói khẽ - Và bây giờ ông có thể làm hại tất cả chúng ta.

- Thưa Huân tước, thưa bà, trăm ngàn lần xin tạ lỗi. Nhưng thưa Huân tước, tôi yêu bà ấy, và tôi ghen. Ngài cũng biết, yêu là thế nào rồi, xin Huân tước tha lỗi cho tôi, và xin nói cho tôi biết, tôi có thể xả thân vì ngài như thế nào?

Buckingham vừa nói vừa chìa tay ra cho chàng siết chặt!

- Ông là một người đàn ông trẻ tuổi tử tế. Ông ngỏ ý phục vụ tôi, tôi xin nhận. Ông hãy đi theo chúng tôi cách ra hai chục bước đến điện Louvre, và nếu có kẻ nào rình rập chúng ta, hãy giết hắn.

D' Artagnan kẹp thanh gươm trần của mình dưới cánh tay, nhường bà Bonacieux và Huân tước đi trước hai chục bước rồi đi theo, sẫn sàng thi hành không sai một chữ chỉ thị của ngài Thủ tướng cao quý và hào hoa của vua Charles đệ nhất(3).

(3) Charles I - vua nước Anh, sau bị Cromwell, nhà dân chủ Anh hạ lệnh chặt đầu vì tội liên kết với quân Pháp chống lại quốc hội Anh, việc đó có được nói đến trong tập "Hai mươi năm sau" tiếp nối truyện này

Nhưng may thay, chàng thanh niên cuồng tín ấy không gặp cơ hội nào để chứng tỏ với Huân tước lòng tận tụy của mình, và người đàn trẻ cùng người ngự lâm đẹp trai đi vào điện Louvre qua trạm gác phố Chiếc thang.

Còn D' Artagnan thì đi ngay tới quán Quả thông để tìm gặp Porthos và Aramis đang đợi chàng.

Rồi chẳng giải thích gì với họ về việc rắc rối chàng đã gây ra, chàng bảo họ là đã một mình kết thúc công việc mà có lúc đã tưởng cần đến sự can thiệp của họ.

- Và bây giờ, sau khi đã mải mê đẩy câu chuyện đi, ta hãy để ba người này ai về nhà người ấy, rồi đi theo Quận công Buckingham và người dẫn đường trong những lối đi ngoắt ngoéo ở điện Louvre.