Hồ Quý Ly - Chương 02 - Phần 2

Chúng tôi nói với nhau bằng cách nói nửa lời như vậy nhưng tôi cảm thấy hình như chúng tôi đã hiểu nhau. Cho đến lúc hai chúng tôi giao hòa cùng nhau thì tôi đã hoàn toàn hiểu nàng. Nàng nói với tôi ư? Không. Nàng chẳng nói, nhưng im lặng đã nói. Khi người nam và người nữ đã hoàn toàn hiểu nhau thì đó là một sự thái hòa, và lời nói lúc đó trở thành không cần thiết, là dung tục, làn da nói rất nhiều qua hơi ấm, hơi thở cũng có tiếng nói của nó trong sự hòa quyện. Con mắt nhìn vào con mắt để ánh mắt trộn lẫn vào nhau; nàng xõa mái tóc trùm kín lên người tôi; để cuối cùng là những rung động, run rẩy xóa tan đi mọi sự ấp úng, bỏ nốt những rào chắn cuối cùng dẫn ta trở về niềm tin cậy, về với sự lột vỏ hòa đồng, xóa sạch mọi giả dối ở đời.

- Chàng ơi? Bao giờ cũng như thế sao?

- Không! Hiếm lắm nàng ơi.

- Nó dành cho ai?

- Cho riêng chúng ta

- Chúng mình giống nhau. - Nàng thì thầm.

Tiếng nàng như những giọt mật ngọt, và từ đấy chúng tôi hiểu chúng tôi là những kẻ đồng mưu, những kẻ xa lạ nằm trong tấm lưới cung đình; tấm lưới bủa vây, bây giờ con mồi đặt bẫy không còn là một người mà đã thành hai.

Sáng hôm sau, hai vợ chồng tôi vào xin phép cha mẹ để đi thăm ông ngoại, nhưng cha tôi đã vào triều, còn bà Huy Ninh công chúa cũng đã đi dâng hương ở chùa Báo Thiên từ lúc tờ mờ sáng. Chỉ thấy trong thư phòng có Hán Thương, em trai tôi. Hán Thương đương đọc sách. Quỳnh Hoa hỏi sách gì? Hán Thương vui vẻ giơ quyển sách ra: Minh Đạo. Cuốn sách của cha viết.

- Có phải cuốn sách mà ít lâu nay trong triều các quan xì xào bàn tán.

- Sao lại xì xào? Cái bọn hủ nho ấy chữ nghĩa được mấy nả mà dám xì xào?

Quỳnh Hoa đỏ mặt:

- Xin lỗi đã lỡ lời...

- Em không nói chị. Em nói bọn hủ nho trong triều. Thật không thể chịu nổi bọn người hễ thấy cái gì mới lạ là co rúm ngay lại, lên tiếng phản đối ngay không hề suy nghĩ: “Không thể được! Các bậc tiên hiền đời xưa đã dạy thế này...”

Hán Thương bắt chước điệu bộ và giọng của một ông già khi nói làm Quỳnh Hoa cười rũ. Tiếng cười trong trẻo làm tan ngay sự xa cách, và làm cho Hán Thương đang nghiêm túc, có vẻ tức giận, cũng trở nên thoải mái, dễ dãi:

- Quận chúa ạ. Bây giờ chị đã là người nhà rồi. Mà đã là con trong nhà thì chị phải đọc cuốn sách này. Đó là cuốn sách tâm huyết của cha, chị có hiểu không?

- Tôi hiểu, nhưng hôm nay vợ chồng tôi phải sang thăm ông ngoại.

Tôi cũng xen vào:

- Phải rồi! Chú nhớ bẩm với cha và mẹ hôm nay anh chị đến trại thuốc thăm ông ngoại.

Khu trại của ông làm Quỳnh Hoa mê hồn. Chúng tôi đi men theo bờ ao sen, lúc đó đã nẩy những chiếc lá đầu xuân. Những chiếc lá sen mầu cốm, có chiếc còn nằm bồng bềnh trên mặt nước, có chiếc đã như chiếc dù tròn tròn cong cong vươn khỏi mặt hồ, có chiếc thì còn e ấp cuộn lại như những chiếc bút mầu xanh run rẩy chĩa lên bầu trời. Chỉ một vạt lá sen đầu mùa cũng đã đủ để tỏa ra một mùi hương thoảng ngát để làm thanh sạch tâm hồn, để tạo cho chúng tôi một niềm vui nhè nhẹ chẳng nguyên nhân. Chúng tôi bước dưới hàng hòe, qua cầu đá, đi vào vườn thuốc, gặp mùa xuân đang nở rộ đủ màu hoa, có những loại hoa vàng như hoa cải mà không phải là cải, có những bụi giống như lan tím vươn những cọng hoa dài dài mà chỉ có một cánh bướm trắng nhẹ tênh đậu vào cũng đủ run rẩy. Những con ong to mầu nâu, vòi dài như mỏ chim đang vù vù đôi cánh đứng im thăm dò trước những bông hoa lựu màu đỏ chói...

Mắt Quỳnh Hoa mở to nhìn lũ bướm ong đang đùa với hoa. Ông ngoại tôi đã đứng ở giữa sân, vuốt râu nhìn vợ chồng tôi. Ông không muốn đánh động để cho Quỳnh Hoa tận hưởng cái kỳ diệu của trời đất. Tôi đặt tay vào vai nàng để đánh thức nàng. Quỳnh Hoa lễ phép chào ông. Tôi nhìn vào ánh mắt ông ngoại, bất chợt nhìn thấy vẻ hài lòng trên gương mặt người. Chúng tôi ăn bữa ăn đạm bạc với ông. Ông ngoại lúc đó mới nói những điều mà người đã muốn nói từ lâu: - Bây giờ, ông yên tâm rồi. Năm ngoái, ông lên Yên Tử hái thuốc, vị trưởng lão trên đó có ý muốn lập một dược thảo am. Thứ nhất: để chữa bệnh cứu người. Thứ nhì: để đào tạo một số tăng ni muốn học y đạo. Vị trưởng lão đó có ý muốn nhà chùa vừa là một y viện, phải là nơi cứu khổ cứu nạn cho thể xác dân quê...

- Thưa ông...

Ông ngoại vuốt râu mỉm cười, nhìn vào mắt tôi và tôi biết ý người đã quyết. Lúc này, cụ mới chậm rãi nói rõ ý định:

- Bây giờ thì ông yên tâm rồi. Trang trại này ông để lại cho các cháu. Ông đã bàn với cha cháu: không cần phải lấy đất nơi khác lập phủ đệ. Hai cháu sẽ ở đây, ông sẽ khi đi khi về. Ông già Lặc sẽ chăm nom cho các con.

- Cháu nghĩ ông đã nhiều tuổi, cần có người tâm phúc luôn ở bên săn sóc.

- Ông đã nghĩ kĩ. Lão Lặc phải ở với cháu, lão Lặc vốn tận tụy trung thành, xưa kia là một võ tướng. Thời buổi bất an như bây giờ, ai dám đoán định thời cuộc sẽ ra sao. Thiếu ông Lặc ở bên vợ chồng cháu, ông yên tâm sao được.

Câu chuyện quyết định vợ chồng tôi lập phủ đệ ở trại thuốc là như vậy.

Quỳnh Hoa có một mái tóc rất đen, và dài. Mỗi lúc nàng ôm lấy tôi, mớ tóc ấy lại choàng kín qua vai tôi như một tấm chăn trùm lấy hai người. Và trong tấm chăn mỏng manh hoang dại, một mùi ngai ngái, thơm thơm ngất ngây, thứ mùi của tóc, của da thịt, của hơi thở; thứ mùi nồng nàn; thứ mùi của hoa lá mà nàng vẫn bỏ vào nồi nước thơm mỗi khi tắm. Ai đã dạy nàng yêu đương như vậy. Có lẽ một cô tiên dịu dàng nào đó đã ghé tai thầm thì với nàng trong giấc ngủ mà nàng chẳng nhớ tự bao giờ. Cũng có thể một bà vú nuôi nào đó đã kể cho nàng nghe câu chuyện về những hồn ma khỏa thân đa tình, da trắng như ngà, thả mớ tóc mun dài gội nước trăng sông, đó là những hồn ma sống nương nhờ ở những gốc gạo, những con ma có thân hình đẹp đẽ, và đặc biệt là những mớ tóc.

Những câu chuyện ghê rợn, nhưng quyến rũ lòng người, đã đọng lại trong mớ tóc đen láy mượt mà và thơm ngai ngái, để cuối cùng mỗi đêm nó lại xòa kín đôi vai tôi, che kín lên mình tôi, để những sợi tóc đã gắn kết tình tôi lại với nàng.

- Chúng mình giống nhau. - Quỳnh Hoa vẫn thường nói vào tai tôi như vậy.

Còn tôi thì sung sướng:

- Cám ơn trời đã cho ta người ngọc!

Ở đất kinh kỳ, người ta vẫn bảo Quỳnh Hoa là người ngọc. Nàng đẹp một cái đẹp mong manh. Nàng trắng muốt, thon thả như một nhành hoa. Đôi mắt lóng lánh, cái mũi xinh xinh, đôi môi đỏ chót, cổ cao và trắng; nhưng đẹp nhất vẫn là mớ tóc vừa đen, vừa mượt, vừa dài của nàng, đó là sức sống của nàng, là hồn của nàng, cái hồn dịu dàng tỏa ra từ mớ tóc mà ai mới nhìn cũng nhận thấy ngay. Quỳnh Hoa dịu dàng, một sự dịu dàng quá đỗi đến mức nó chuyển thành thói u sầu. Lấy được nàng tức là chiếm được một vưu vật hiếm có ở đời. Nhiều công tử con nhà đại gia ở đất Thăng Long đã ngấp nghé, chỉ riêng tôi là kẻ may mắn nhất.

Quỳnh Hoa quá u sầu. Đó là sức mạnh và sức hút của nàng. Nỗi u sầu như thứ rượu cất bằng ngàn thứ nhụy hoa, để cho những kẻ đa tình say sưa, huyễn tưởng đi tìm thực trong ảo, muốn ngây ngất tận hưởng, thậm chí tìm đến cái man dại của loài hoa rừng không tên, mà một thứ rắn đêm nào đó đã lén lút nhả nọc độc vào lúc bình minh còn ngái ngủ.

Vợ chồng tôi đắm say như nhau vậy đó.

- Mình ơi! Có phải chúng mình giống nhau không nhỉ?

Đêm đêm, Quỳnh Hoa thường úp mặt vào ngực tôi mà nói như vậy. Câu nói của kẻ hạnh phúc, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy âm sắc hoảng hốt phập phồng nào đó. Có phải vì chúng tôi là những con mồi, có phải vì chúng tôi đều muốn tách ra khỏi những áp lực đương vây quanh.

Có những lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, tưởng chừng những áp lực ấy vì chúng tôi mà được dãn ra. Có vẻ như vậy, từ khi chúng tôi lấy nhau, sự xung đột giữa Thái bảo Trần Nguyên Hàng, cha nàng, và Thái sư Lê Quý Ly, cha tôi, đã bớt hẳn căng thẳng. Xưa kia, quan Thái Bảo luôn bắt bẻ cha tôi đủ mọi điều, nay thì không. Nhưng cha tôi đâu phải loại người đơn giản.

Một hôm ông nói với tôi:

- Thực ra, trong cuộc hôn nhân này, cha chẳng hề muốn dùng con làm kẻ nội gián. Kế sách tầm thường đó không hợp với cha, mà cũng chẳng hợp với con. Cha không bao giờ muốn con bất nghĩa với vợ. Quỳnh Hoa là một dâu hiền. Cha muốn qua cuộc kết thân này, ông ta hãy hiểu cái thực lòng của cha.

Còn cung cách của quan Thái bảo đối với Quỳnh Hoa thì sao? Tôi không bao giờ đả động với nàng về chuyện đó và Quỳnh Hoa cũng đủ tế nhị để không bao giờ nhắc với tôi về chuyện đó. Và có lẽ đó chính là sự khác nhau giữa cha tôi và quan thái bảo.

Quỳnh Hoa vẫn thường về thăm cha mẹ, mỗi tuần trăng một lần. Tôi không biết trong những lần gặp ấy quan thái bảo đã nói gì với Quỳnh Hoa; chỉ biết rằng mỗi lần về nhà mình, sau đó nàng buồn hẳn đi. Và những đêm âu yếm nàng nói với tôi:

- Thiếp về hầu hạ, chăn gối với chàng, chỉ mong sao các bề trên được thuận hòa yên ấm.

- Ý ta cũng vậy.

- Chàng ơi! Thiếp sợ lắm.

Quỳnh Hoa sợ gì? Nàng chẳng nói ra. Mà tôi cũng không muốn nàng nói. Có lẽ nàng sợ những cơn giông bão mà con người ốm yếu như nàng rất dễ cảm ứng. Có lẽ lúc đầu mới lấy tôi, Quỳnh Hoa chỉ cảm thấy tủi phận, ngang trái và sợ sệt. Nhưng sau đó, tình yêu đã đến. Kèm theo tình yêu, sự nhu thuận vốn là bản tính nàng, đã làm cho nàng tự dày vò đau đớn. Người ta muốn cuộc hôn nhân của chúng tôi là những toan tính cung đình, còn vợ chồng tôi lại muốn giữ gìn nó tránh khỏi những cơn bão tố âm mưu.

Có bận sau khi về thăm nhà nàng buồn rầu bảo tôi:

- Thiếp khổ tâm lắm.

- Nàng đừng cả nghĩ, chỉ thêm hao tổn tinh thần.

- Chắc là thiếp sẽ chết trước chàng thôi.

- Đừng nói gở.

- Thiếp không dối chàng đâu.

- Sao lại thế?

- Thiếp cảm thấy thế. Nhiều đêm, chỉ toàn gặp những cơn ác mộng, lúc thì lửa cháy, lúc thì đất lở, lúc thì nhà sập...

Tôi bịt mồm nàng lại. Quỳnh Hoa thì thầm vào tai tôi:

- Thiếp chỉ mong chàng thề với thiếp một điều.

- Nàng muốn thề gì?

- Thề rằng: Hai ta sẽ không bao giờ làm điều gì hại đến cha chàng, cũng như hại đến cha thiếp.

- Ta thề như vậy.

- Thiếp cám ơn chàng. - Quỳnh Hoa úp mặt khóc nức nở bên vai tôi.

Tôi biết, tôi biết cha nàng đang muốn gì ở nàng và ở tôi. Và cũng biết cả ý muốn của cha tôi. Nhưng chúng tôi đã thề rồi. Riêng hai chúng tôi họp thành một phái; Nếu chẳng may, một người trong hai chúng tôi chết đi, thì người còn lại sẽ một mình đứng riêng làm một phái; Quỳnh Hoa ơi? Ta hiểu nàng chứ. Nàng không muốn làm kẻ bất hiếu, cũng không làm phường bất nghĩa. Quỳnh Hoa đã nghĩ ra một cách tiêu cực để tránh né. Nàng kêu mệt và không về nhà thăm cha mẹ. Tối nào nàng cũng một mình thắp hương trước bàn thờ Phật. Nàng cầu mong gì? Sao nàng chẳng nói với tôi? Chỉ biết rằng cái thân thể mảnh dẻ ấy bỗng trở nên đằm thắm, đam mê hơn bao giờ hết. Người đàn bà mong manh ấy bỗng có một sức mạnh hoan lạc mà tôi không bao giờ ngờ tới. Đêm đêm nàng run rẩy trong tay tôi, để rồi tới một hôm nàng tràn trề hạnh phúc thổ lộ:

- Chàng ơi! Thiếp đã mang thai.

Nàng sung sướng, cứ như thể nàng là người đầu tiên trên thế gian này biết được điều bí mật lạ lùng của một hạt giống đang hàng ngày, hàng giờ lớn dần lên trong cơ thể mình.

- Chàng có mừng không?

- Rất mừng!

- Có thật không?

Tôi không trả lời mà chỉ ôm chặt lấy cái thân hình mảnh mai ấy, để nghe giọng nói của một hạnh phúc bất ngờ xuất hiện, đẩy lùi những âm mưu như những bóng đen vẫn hằng đêm len lén vào giấc ngủ nàng. Thế là thiếp đã thỏa lòng?

Từ đó, nàng đóng chặt cửa, không giao tiếp, để chờ ngày đứa con chào đời. Quỳnh Hoa không bao giờ thèm nghe những chuyện triều chính nữa. Cấm ngặt? Thậm chí kẻ tôi tớ cũng không được phép mang những chuyện ngoài đường vào trong nhà. Bây giờ, đối với nàng, chỉ còn những cuộc dạo chơi bên hồ sen, trên đường hòe, dưới gốc hoàng lan, trong vườn hoa thuốc... Tuyệt nhiên nàng không về thăm quan thái bảo, cũng không đi thăm vấn sức khỏe cha tôi, lấy cớ: vì nàng quá ốm yếu. Bà thái bảo gửi nhung, cha tôi cho sâm, nàng cũng chỉ viết giấy tạ ơn. Tôi biết Quỳnh Hoa đang trốn chạy tất cả, vứt bỏ tất cả, ghê tởm tất cả, để sống trọn vẹn với niềm vui riêng.

Nhưng thương thay?

Nàng lâm bồn hết sức khó khăn.

Nàng mảnh dẻ quá. Cơn đau đẻ kéo dài suốt hai ngày đêm. Cả ông tôi, cả những danh y tài giỏi nhất kinh thành Thăng Long cũng không cứu được đứa trẻ. Đứa con của chúng tôi đã chết. Trận băng huyết đã rút gần cạn kiệt máu nàng. Nàng trắng xanh như tờ giấy. Đôi mắt đen của nàng rưng rưng hạt lệ. Tôi ở bên Quỳnh Hoa suốt ngày đêm. Tôi hỏi:

- Nàng ao ước điều gì?

- Bế thiếp lên đi!

Tôi nhẹ nhàng ôm lấy tấm thân mảnh dẻ ấy, cố truyền hơi ấm cho nàng. Quỳnh Hoa bảo:

- Thiếp chỉ ao ước được gội đầu bằng lá chanh lá sả.

Đám thị tì bưng nước thơm lên. Và tự tay tôi, tôi khẽ khàng thả mớ tóc đen của nàng vào chậu nước ấm. Chỉ còn mớ tóc của nàng vẫn đầy sự sống. Nó vẫn dài, vẫn đen láy, vẫn mượt mà. Nàng lim dim con mắt để ngửi mùi nước thơm ngan ngát. Cô thị tì lấy chiếc gáo bạc nhẹ nhàng đổ nước thơm lên đầu Quỳnh Hoa. Tôi lấy chiếc lược ngà khe khẽ đưa vào mớ tóc. Được tẩm nước, mớ tóc như được chải dầu càng bóng, càng mượt mà, càng mềm. Tôi nhìn vào khuôn mặt hạnh phúc của nàng rồi khẽ mơn man làn da đầu, khẽ vuốt ve vành tai xinh xắn, khẽ kì cọ chiếc cổ ngọc ngà.

Rồi tôi ngồi trên chiếc ghế cao, ẵm nàng, để thả mớ tóc mun dài xuống tấm thảm, gần nơi đó đã để sẵn những lò than; lũ thị tì mặc quần áo trắng, cầm những chiếc khăn nõn nà, thơm tho, để thấm và hong cho đến lúc tóc khô. Tôi ngồi ẵm nàng gần như thâu đêm. Nàng vòng tay ôm lấy cổ tôi mà mơ màng, mớ tóc dầy đen ấy xõa trước ngực. Tôi khẽ vỗ về và Quỳnh Hoa nhắm mắt, môi phảng phất nụ cười. Cứ như thế, trên tay tôi, nàng đã như mơ như tỉnh.

Tôi ẵm nàng trên tay, nhìn khuôn mặt ấy, nụ cười ấy, mớ tóc ấy. Và khuôn mặt nàng cứ đọng lại mãi trong tâm tưởng tôi suốt cuộc đời còn lại. Lúc sắp tắt hẳn, môi nàng còn mấp máy thì thào:

- Chàng thề với thiếp đi?

Tôi chợt nhớ tới lời thề khi xưa. Tôi cúi xuống sát vành tai nàng và bảo:

- Ta xin thề một mình sẽ đứng riêng làm một phái.

Khuôn mặt thiên thần của Quỳnh Hoa ánh lên niềm thỏa mãn, trước khi rơi vào cõi hư vô.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay