Hồ Quý Ly - Chương 04 - Phần 1
Chương 4: Cái chết của ông vua già
1
Âm mưu như lũ mèo hoang, trong đêm den, đi giày nhung, nhẹ nhàng len lén đến gặp nhau. Lúc ông vua già Nghệ Tông đang hấp hối này chính là lúc âm mưu lồng lộn nhất.
Nguyễn Cẩn cứ tưởng Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hàng không gặp mặt nhau trong giờ phút này; nhưng chính lúc Cẩn đang bẩm trình riêng với thái sư Quý Ly trong mật thất, thì Trần Nguyên Hàng đã giả trang, đến gặp Khát Chân. Nhà Nguyên Hàng ở gần Văn Miếu, sát Đại Hồ là khu hồ lớn chạy dài suốt từ cửa nam hoàng thành đến vùng Trại Mai. Nguyên Hàng áo tơi nón lá cùng người gia tướng rậm râu, xuống thuyền nhỏ, bơi trong sương mù đi xuống vùng nam Thăng Long.
Chập tối, khi Nguyên Hàng được triệu vào cung gặp thượng hoàng Nghệ Tông, ông vua già nắm lấy tay quan Thái bảo, rớt nước mắt:
- Giờ của ta đã đến rồi. Ta muốn cùng khanh đến thái miếu lần cuối cùng để bái lạy tổ tông.
Đám lính hầu đã sắp sẵn kiệu, đỡ đức thượng hoàng dậy, rước sang nhà thái miếu. Ông vua già gượng ngồi xuống chiếu hoa rồi cúi rạp mình sát đất trước bàn thờ. Ông đập đầu xuống đất, khóc rưng rức:
- Con là kẻ mắc tội lớn với tổ tiên. Con đã lầm dùng người, tạo điều kiện cho kẻ ngoại thích lộng hành. Giờ đây con sáp hết tuổi trời, sắp trở về với tổ tông, hối lại thì đã muộn. Cơ nghiệp nhà Trần lúc này, như ngọn đèn trước gió. Mong các bậc tiên vương hãy phù hộ cho con cháu, để trung hưng lại công nghiệp hiển hách của cha ông.
Trần Nguyên Hàng quỳ sát sau lưng Nghệ Tông, nghe tiếng khóc của ông vua già như đứt từng khúc ruột. Ông vua già nắm lấy tay Hàng:
- Lúc này, trẫm biết cậy vào ai? Nguyên Đán đã chết. Duệ Tông đã chết. Trần Sư Hiền thì già lão. Còn phủ quân tướng công Trần Nguyên Uyên chỉ biết đêm ngày vùi đầu vào rượu chè hát xướng trên hồ Tây. Trong tôn thất, khanh là người bình tĩnh nhất, trí lực nhất, ta chỉ còn biết tin cậy vào khanh. Con ta. Thuận Tông còn trẻ dại, lại nhu nhược. Kẻ quyền thần thì mưu lược, vây cánh lại hầu khắp triều đình...
- Xin thượng hoàng cứ yên tâm, thần dù gan nát óc lầy cũng cương quyết bảo vệ cơ nghiệp nhà Trần.
- Khanh nói đúng. Bảo vệ cơ nghiệp tổ tiên. Đó là điều cốt yếu mà trẫm mong muốn...
- Khanh có hiểu ý của trẫm không? Trẫm không phải chỉ muốn bảo vệ mạng sống cho con trẫm. Điều cốt tử chính là cơ nghiệp nhà Trần... Hiện nay, chỉ có hai người trẫm tuyệt đối tin cậy: đó là khanh và thượng tướng Trần Khát Chân.
Đoạn nói chuyện riêng ở trên. Nguyễn Cẩn không biết. Con người đầy tai mắt ấy cũng không biết cuộc mật đàm giữa Nguyên Hàng và Khát Chân trong đêm ấy, khi Nguyên Hàng trở về phủ và đi thuyền lẻn đến Trại Mai.
Gian bí thất, ở nhà hậu đường, trông ra cái sân sau nhỏ, ở đây Khát Chân chỉ để những chậu hoa quý nhất của mình. Thượng tướng thân chính ra đón khách quý, dẫn vào nơi mật đàm. Sau khi chủ khách yên vị, ông nói:
- Xin quan Thái bảo yên lòng, chung quanh đó có nhiều gia tướng tin cậy canh phòng cẩn mật. Nơi bí thất chỉ có riêng tôi và người bõ già Lão Mai được ra vào.
Ông bõ già mang trà vào rồi lui ra ngay, khép kín cửa cẩn thận sau lưng. Gian phòng lúc này chỉ côn ba người: Khát Chân, Nguyên Hàng và tráng sĩ râu đen. Thượng tướng chăm chăm nhìn vào mặt con người rậm râu. Gã mặt vuông chữ điền, mắt tròn to, râu quai nón, mặc bộ đồ nông dân mầu nâu bằng loại vải thô. Quần áo cắt rộng nhưng vẫn không giấu nổi được những bắp thịt gỗ lim hằn dưới làn vải. Thái bảo Nguyên Hàng hiểu ý, ông giới thiệu:
- Gia tướng của tôi tên Tổ Thu, họ Phạm, học trò của danh sư võ nghệ Sư Tề nổi tiếng đất Thăng Long thân sinh của đô tướng Nguyễn Đa Phương, và cũng là thầy dạy võ nghệ, binh pháp cho Quý Ly.
Thượng tướng như lạc về quá khứ:
- Cụ Sư Tề và Nguyễn Đa Phương đã giúp Quý Ly rất nhiều. Nhất là hồi loạn Dương Nhật Lễ. Quý Ly và Đa Phương kết nghĩa huynh đệ. Nhưng một khi thấy Đa Phương khác ý, Quý Ly liền giết ngay. Hiếm thấy có một con người nào lòng dạ ghê gớm như ông ta. Cụ Sư Tề được tin con bị giết đã bỏ trốn tuyệt tích khỏi Thăng Long. Cụ hiện nay mai danh ẩn tích ở đâu cũng chẳng hay. - Thượng tướng đưa mắt như có ý hỏi tráng sĩ rậm râu. Phạm Tổ Thu liền nói:
- Thầy chúng tôi như hạc nội mây ngàn, nay đây mai đó. Đến như lũ học trò chúng tôi cũng không biết nơi ở của thầy. Chỉ khi nào có việc cần, thầy tôi mới thư cho biết.
- Học trò của cụ ý tứ ra sao?
- Bẩm đại nhân, chúng tôi, lũ học trò lớp sau của thầy, vẫn luôn nhớ tới cái chết oan khuất của sư huynh Đa Phương. Chúng tôi vẫn một dạ, nguyện trả mối gia thù cho sư phụ.
- Tráng sĩ chỉ có một mình?
- Dạ, học trò của cụ Sư Tề khá đông. Riêng lớp chúng tôi có hai người cùng họ Phạm cả. Tôi là Phạm Tổ Thu, em tôi là Phạm Ngưu Tất. Trước khi về Thăng Long, anh em tôi đã cắt máu ăn thề trước sư phụ, nguyện xả thân vì đại nghĩa. Nguyện sẽ chu diệt tên gian thần đại nghịch, đại bất nhân bất nghĩa, để cứu nguy xã tắc.
Thượng tướng gật đầu hài lòng, con mắt của Thái bảo cũng ánh lên những tia vui. Nguyên Hàng cười, thì thầm vào tai thượng tướng:
- Anh em họ đều là những nghĩa sĩ trung dũng. Tôi đang có ý muốn đề cử Ngưu Tất về đây hầu hạ thượng tướng. Họ sẽ là những người liên lạc thay mặt chúng ta.
Khát Chân tỏ vẻ vui mừng và muốn bắt đầu nói chuyện riêng. Ông vỗ tay ra hiệu ba cái, ông lão bộc đẩy cửa bước vào, dẫn tráng sĩ rậm râu ra ngoài.
Lúc này, chỉ còn hai vị chiến tướng bảo hoàng ngồi trước ngọn bạch lạp.
Nguyên Hàng:
- Tình thế khẩn cấp lắm rồi. Đức thượng hoàng đang hấp hối. Giỏi lắm chỉ vài ngày nữa là cùng. Cần nhanh đảng phò vua cứu nước. Kẻ tiểu nhân đã lập được băng đảng sâu, dày. Chỗ nào cũng có tay chân của Quý Ly. Chẳng lẽ người quân tử không tập hợp được băng đảng hay sao? Đó là việc sống còn.
- Người trung hiếu với nhà Trần không phải ít. Quý Ly đã giết bao người. Vì vậy, người quân tử phải im hơi lặng tiếng, nén lòng chờ thời...
Nguyên Hàng:
- Điều đáng tiếc là người trung hiếu chỉ biết giữ tiết tháo của kẻ sĩ, thà chết vì đại nghĩa. chỉ biết câu “sát thân thành nhân.” Kẻ tiết tháo đáng quý. Nhưng đáng quý hơn vẫn là thành công. Vì vậy, lúc này chúng ta cần những người nằm gai nếm mật, ngoài mặt như kẻ tầm thường nhưng bụng chứa đầy cơ mưu sâu xa.
- Tôi hiểu ý quan Thái bảo.
Đức Nghệ Hoàng sắp ra đi. Tối nay, người khóc ở thái miếu, và đặt hết hi vọng cứu nguy cơ nghiệp nhà Trần vào hai chúng ta. Kẻ phản nghịch là loài cáo, thì chúng ta phải như loài rắn độc.
- Tôi có thể biết lòng dạ của những người trung thần căm ghét Quý Ly đến tận xương tuỷ. Có thể kể: trụ quốc Trần Nhật Đôn, thượng thư Lương Nguyên Bưu, các vương hầu Nguyên Uyên, Nguyên Dận và hành khiển Hà Đức Lân...
- Chúng ta cũng cần những người chức vụ nhỏ bé hơn, nhưng biết luồn sâu luồn xa, trá hàng nằm ngay trong hang ổ của địch.
- Mỹ nhân kế ư? Dụng gián ư?
- Riêng hai chúng ta phải thật mềm dẻo nằm im không lộ diện, chờ đợi...
- Từ nay tôi với thượng tướng sẽ ít gặp nhau, trừ phi cấp bách. Mọi việc sẽ qua anh em Tổ Thu, Ngưu Tất.
Chợt nhớ tới một điều quan trọng còn quên, Khát Chân giật mình:
- Thái bảo có biết Bùi Bá Kỳ không nhỉ?
- Kỳ nào?
- Một tì tướng của tôi, đã tham dự trận đánh Chế Bồng Nga trên sông Hoàng Giang. Một người họ ngoại nhà Trần, rất trung tín, rất đáng tin cậy.
- Thế sao?
- Kỳ đã móc nối được với nhà Minh, đã đích thân sang phương Bắc.
Câu chuyện chợt sững lại. Nguyên Hàng trầm ngâm rất lâu rồi thì thầm:
- Thượng tướng nhớ chuyện Trần Nguyên Diệu chứ? Chính tay ông đã chặt đầu Nguyên Diệu. Diệu đầu hàng Chế Bồng Nga...
- Không hẳn là đầu hàng. Diệu căm giận Quý Ly, cầu viện họ Chế, định nhờ tay Chế để giết Quý Ly.
- Tôi hiểu ý Thái bảo rồi!
- Phải tự tay chúng ta thôi...
- Thái bảo đúng.
- Phải ngăn ngay Bá Kỳ đừng dính líu với nhà Minh. À có lẽ thế này thì hơn. Phải cắt đứt quan hệ với Bá Kỳ.
- Kìa! Thái bảo làm sao thế?
- Tôi thấy chóng mặt... Như thể buồn nôn.
- Có lẽ gió...
- Không sao. Xong rồi! ổn rồi!
Câu chuyện giữa hai người lại tiếp tục thầm thầm thì thì, có lúc ngập ngừng, có lúc sôi nổi, cho đến khi gà gáy lần hai.
Âm mưu trong bóng đêm, như cái nhọt bọc càng lúc càng tấy, nhưng chẳng ai nhìn thấy cả. Cho đến khi đôi mèo hoang lang thang trong đêm đen trở về, chúng ướt đẫm sương đêm đứng trên cây mai già trước tư dinh của quan thượng tướng, và cất tiếng gào thê thảm như tiếng trẻ con bị bóp cổ và dìm xuống nước, đến lúc đó, hai cây trụ cột của nhà Trần mới đứng dậy, chia tay.
Quan Thái bảo, khăn trùm đầu, cùng tráng sĩ rậm râu xuống thuyền bơi trong hồ sen đầy sương mù, thầm lén như kẻ ăn sương, đêm tàn bắt đầu trở về hang ổ.
2
Ông vua già Nghệ Tông sắp băng hà. Đã xong những cuộc tiếp xúc đầy thù hận, ngoài miệng thơn thớt, mà trong lòng chỉ muốn chém giết. Đã xong những âm mưu cuối cùng, mà hậu quả của chúng là những đợt sóng ngầm tương lai; những điều ai có thể đoán biết được kiểm soát được, khi thân xác đã bị vùi kín dưới ba thước đất. Đã xong nốt những màn kịch trần gian, những phút huy hoàng. những ngày lo âu, những giọt lệ những tiếng cười, để rồi đến phút lâm chung mới thấy mình là một diễn viên tồi, để rồi đến lúc sắp nhắm mắt ngoái đầu lại mới thấy đời mình chỉ xứng... một tiếng thở dài.
Ông vua già nằm trên chiếc giường vàng, trải đệm màu hoàng yến, gối đầu trên chiếc gối vàng. đắp chiếc chán cũng màu vàng... Người ta muốn thay quần áo, mặc cho ông bộ đại triều phục có thêu đôi rồng vàng trước ngực, bộ quần áo có lần có lót mà thợ may thêu phải mất mấy tháng ròng mới xong, bộ quần áo mỗi năm ông chỉ xỏ tay vài lần vào những ngày đại lễ. Ông vua già xua tay:
- Trẫm không muốn mặc đâu.
Viên thái giám cung kính:
- Tâu bệ hạ, đó là thể lệ của các tiên vương.
Song, Nghệ Tông vẫn lắc đầu quầy quậy:
- Khanh biết không, nó nặng lắm. Hôm hội thề, trẫm đã cảm thấy như bị mang cùm... bây giờ thân hình ta... chỉ còn xương. Đến cái chăn vàng lúc này ta cũng thấy nặng.
- Thưa... - Viên thượng thư bộ lễ còn muốn giảng giải thêm, nhưng ông vua già đã nhắm mắt lại, xua tay, ra hiệu đuổi đám cậu thần lui ra. Ông thều thào nói với viên thái giám:
- Các khanh hãy thương ta... một lần cuối... Ta không muốn mặc đại triều phục. Hãy mặc cho ta chiếc áo lụa vàng, chiếc khăn lụa vàng, chiếc thắt lưng lụa vàng. Ta muốn ra đi được nhẹ nhàng... mát mẻ.
Cô thị tì vào tâu:
- Đức vua Thuận Tông xin được vào.
Thái thượng hoàng thều thào:
- Gọi quan gia đến đây ngay.
Ông vua con quỳ bên cạnh đầu giường cha, nước mắt ròng ròng. Ông vua già hỏi:
- Sáng nay con ở đâu? Ta cứ chờ con mãi.
- Bẩm phụ hoàng, con ở ngoài đạo quán.
- Đạo quán ư?
- Vâng, con cầu nguyện cho cha. Con cầu xin cho cha được khỏi bệnh, được trường sinh bất lão.
Nói xong, ông vua trẻ lại khóc. Ông vua già thở dài, thầm nghĩ: “Trường sinh bất lão ư?” Đôi môi khô héo của ông không khỏi nhếch một nụ cười chua chát. Ông đưa mắt nhìn bộ mặt khôi ngô tuấn tú của Thuận Tông, sao nó giống ông đến thế...
Khi đứa con út ra đời, rồi lớn lên, cả hoàng tộc đều vui mừng vì ông đã sinh được quý tử. Hoàng tử Ngung giống cha một cách lạ lùng, từ khuôn mặt khôi ngô đến cái vóc dáng gầy guộc, thâm trầm, từ nết chăm chỉ đọc sách đến đức độ nhân từ hiếm có, sự nhân từ mà người đời vẫn hằng ca tụng ở các đấng minh quân. Nhân từ ư? Thương dân ư? Những đức hạnh tốt đẹp đó hỏi trên đời này có ông vua nào hơn được cha con ông? Thế mà tại sao, tại sao nước Đại Việt này vẫn đói khát, loạn lạc; tại sao cơ đồ của tổ tiên ông vẫn ngả nghiêng. Nghiệp báo chăng? Không? Tổ tiên ông đã chẳng từng lập bao chiến công hiển hách, có thể nói chưa từng thấy trong lịch sử, nhà Trần đã ba lần đánh tan giặc Nguyên hung bạo. Thời trẻ, ông đã từng tận mắt được thấy cảnh thời thịnh trị, thóc lúa đầy bồ, dân gian hòa lạc âu ca. Mà cả ông nữa, ba mươi năm chấp chính ông đã hết lòng làm những việc tu nhân tích đức, lợi cho trăm họ. Ông lỗi lầm gì đâu? Ông có tạo nghiệp ác đâu? Cả một chuôi năm tháng dài dặc, cố phấn đấu để trở thành một ông vua sáng lại hiện ra trước mặt...
Ông nhớ đến hồi dẹp loạn tên vua phường chèo Dương Nhật Lễ. Thực bụng ông không bao giờ có ý muốn làm vua. Chí của ông là một khu rừng vắng, được làm bạn với chim rừng vượn núi, được tiêu dao với suối với hoa, được sớm tối bầu bạn ngâm thơ với tùng với hạc... Khi trốn lên Tam Giang, ông đã cố chối từ khi mọi người làm kiệu tay tôn ông lên làm vua, nhưng không được.
Đến như Trần Nguyên Đán, một người cùng chí với ông, chỉ thích tiêu dao cùng suối rừng, cũng bảo: Ông phải làm vua thôi. Tình thế lúc này bắt buộc. Tôi xin hết sức phò tá. Mọi người đồng lòng nên ông phải lên ngôi. Nhưng khi ở ngôi, cái nợ suối rừng ấy ông cũng chẳng lúc nào nguôi. Ông sai lập cung Bảo Hòa ở núi Phật Tích huyện Tiên Du là nơi có phong cảnh đẹp lại gần kinh đô, thường lên ở đó để đọc sách làm thơ, rồi triệu các bậc lão thần khoa bảng đến, hỏi những việc cũ xưa, chép lại thành bộ sách “Bảo hòa dư bút” gồm tám quyển truyền cho đời sau.
Chỉ có những việc như vậy mới làm lòng ông khoan khoái. Chính vì thế, ở ngôi được ba năm, ông đã nhường ngôi cho em trai, tức vua Duệ Tông. Nhưng cái chí nhàn du của ông trời không cho hưởng. Bốn năm sau, Duệ Tông bị mắc mưu Chế Bồng Nga, tử trận ở thành Đồ Bàn, gánh nặng non sông lại đè lên đôi vai ông. Giá như là người có hùng tâm, Nghệ Tông phải tự tay cầm cương lại đất nước. Đằng này, một lần nữa, ông lại thích chữ nhàn. Và, vốn là người có lòng nhân, chẳng tham quyền, nên Nghệ Tông không cho con trai mình kế vị, mà lại truyền ngôi cho Trần Đế Nghiễn, cháu của ông, con cả của Duệ Tông.
Việc truyền ngôi cho cháu của ông, được người đời rất ca tụng. Thậm chí vua Minh, khi thấy Duệ Tông chết, định nhân cơ hội đục nước béo cò, muốn đem quân sang cướp nước ta, nay thấy Nghệ Tông truyền ngôi cho cháu, bèn nói rằng:
“Em chết vì việc nước, mà anh lập con của em lên ngôi. Việc người làm như thế, đủ biết nước An Nam mệnh trời hãy còn...”
Việc dấy binh, nhà Minh bèn bỏ đi. Chỉ có một người đàn bà phản đối việc truyền ngôi này. Người đó là Lê Thị, vợ Duệ Tông, mẹ Đế Nghiễn. Bà cắt tóc đi tu, can ngăn Nghệ Tông:
- Tâu Thượng hoàng, con trai tôi đức mỏng, khó kham nổi trách nhiệm lớn. Ở ngôi cao chỉ hại cơ nghiệp tổ tiên, và nguy cho bản thân nó.
Nghệ Tông không nghe, cứ bắt Đế Nghiễn tức Trần Phế Đế lên ngôi.
Lời tiên đoán của bà Lê Thị, mười hai năm sau được chứng nghiệm. Nghệ Tông cho cháu làm vua, nhưng lại vô cùng tín nhiệm Lê Quý Ly. Nghệ Hoàng ngả theo những chính sách cải cách của quan thái sư, gây nên hai phe bảo thủ và cách tân đối nghịch nhau kịch hệt ở triều đình. Cuối cùng phe bảo thủ nổi loạn định giết Quý Ly. Và Nghệ Tông đã nghe theo lời Quý Ly diệt phe bảo thủ.
Trần Phế Đế, người cháu cũng bị giết. Lần này Nghệ Hoàng phải cho con trai út là Trần Ngung, tức Trần Thuận Tông lên ngôi vua.
Như vậy, tóm lại, năm nay ông bảy mươi tư tuổi, đã ở ngôi tột đỉnh ba mươi năm tròn. Ngẫm nghĩ về toàn bộ đời mình, ông lại thở dài não ruột. Bởi vì, nói cho đúng, tiếng rằng cho em, cho con cháu làm vua, nhưng thực quyền tất cả vẫn trong tay ông. Chính vì vậy nên khi Phế Đế trái ý, ông đã truất ngôi rồi giết luôn. Vậy, trách nhiệm về sự đổ vỡ của nhà Trần hiện nay, ông phải gánh chịu tất cả.
Và, chỉ đến lúc cuối đời này, lúc sắp nhắm mắt xuôi tay, ông mới nhận được ra một điều hệ trọng ghê gớm: chính bản thân ông là người đỡ đầu ra cả hai phe phái cách tân và bảo thủ hiện nay trong triều đình. Chính ông là bà đỡ cho những cải cách của Quý Ly, đã giúp Quý Ly tiêu diệt những đối thủ, ngay cả khi đối thủ ấy là con cháu ông. Lại cũng vẫn chính ông là người muốn kéo dài đến vô hạn cơ nghiệp của nhà Trần, tổ tiên ông, mặc dầu ông biết điều đó không thực tế, mặc dầu ông biết các tôn thất, các cựu thần nhà Trần ở mọi nơi hiện đang thối ruỗng.
Vậy ông đang tự chống lại bản thân. Ông có miếng thịt thối, muốn cắt đi, nhưng vì nó là cơ thể ông nên không đành lòng.
Mâu thuẫn đến thế, tự giằng xé đến thế. Vậy mà ông lại muốn ra đi một cách nhẹ nhàng sao? Ông muốn mặc đồ lụa vàng, lụa dù nhẹ nhưng cất sao nổi gánh nặng trong lòng ông. Trong tâm tưởng, chợt nghe một tiếng ai đó thét lên:
“Ngươi đã làm đổ vỡ cơ nghiệp nhà Trần.”
“Không. Chẳng phải tại tôi. Đó là vận nước?”
“Tội lỗi do ngươi quá nhân từ.”
“Sách chẳng nói chữ nhân là cái đức đầu tiên của ông vua sáng đó sao?”
Nghệ Tông, đầu nhức như búa bổ, nước mắt chảy ròng ròng, tự quyết liệt đấu tranh với mình. Ông nhìn vào mặt Thuận Tông lúc này cũng đầm đìa giọt lệ. Ông bàng hoàng vì như chợt thấy hình bóng của mình trong một tấm gương. Con ta đấy dòng giống của ta đấy? Bóng hình của ta đấy, sự đẹp đẽ của ta đấy? Sự yếu mềm của ta đấy. Cả tương lai của ta cũng là đấy! Ôi! Con của ta ơi. Cha con ta cùng một nòi đa cảm. Giá như chúng ta sinh vào một thời thái bình thịnh trị. Loại người như cha con ta, sinh ra vào thời bão tố, chỉ làm mồi cho lũ người cương mãnh.
Ông vua già lại thở dài, thở dài mãi. Bàn tay bắt đầu lạnh của ông nắm chặt bàn tay Thuận Tông, như một lần cuối cố bám víu vào cuộc đời. Cuối cùng tiếng nức nở của ông cũng dứt. Những giọt nước mắt của ông cũng cạn kiệt, và đôi mắt trở nên ráo hoảnh của ông cứ trừng trừng nhìn vào cõi xa xăm như muốn tìm ra những giải đáp cho những câu hỏi mà cả đời ông không tìm ra.
Viên thái giám già đứng bên cạnh theo dõi từng cử chỉ cuối cùng của Nghệ Hoàng. Ông vua già dồn dập thở hắt ra. Khi ông hít thở, viên thái giám đặt chiếc gương con ở trước mũi cho đến lúc chẳng thấy hơi mờ. Quan thái y vào chẩn mạch lần cuối. Thái sư Quý Ly hỏi:
- Thế nào?
- Bẩm, ngài đã đi hẳn rồi ạ.
Thái sư phất tay ra hiệu.
Chuông khánh ngoài điện Đại Minh nổi lên. Trăm quan, từ sáng sớm, đã mũ áo tề chỉnh tề tựu ở sân đại diện, nghe chuông khánh vang lên, lập tức ôm lấy mặt, quỳ xuống, đầu rạp đất. Tất cả miệng ô hô than khóc.
Sau ngày Nghệ Hoàng băng hà. Ông vua con Trần Thuận Tông họp triều thần, bàn việc tang lễ. Thái sư Lê Quý Ly đọc di chiếu của thượng hoàng:
- Ta thường nghe các loài sinh vật loài nào cũng đều chết cả. Chết là số mệnh của trời đất. Thiên lý là như vậy mà người đời ai ai cũng thích sống, sợ chết. Do vậy, làm ma cho to đến nỗi tiêu tan cả cơ nghiệp, để tang quá trọng đến nỗi tổn hại tâm tính; ý ta không cho thế là phải. Ta vốn ít đức, chẳng làm được gì nhiều nhặn cho yên dân, đến khi chết lại bắt dân phải mặc sô gai, sớm chiều thương khóc, giảm bớt vui chơi ăn uống; chuyện đó để nặng thêm lỗi cho ta, rồi thiên hạ sẽ nói ta là người thế nào.
Ta trộm nghĩ lúc trung hưng cơ nghiệp tổ tiên, đứng đầu các vương hầu, tuy còn giữ được công nghiệp của các tiên đế, nhưng bên trong thì muôn dân vẫn còn đói rét khổ sở, bên ngoài thì ngoại hang vẫn lăm le đe dọa; vì vậy đến lúc ra đi lòng ta vẫn đau đáu khôn nguôi. Nay, ta được chết theo tổ tiên đã là may mắn lắm rồi, vậy cũng chẳng nên thương khóc làm gì. Để tang, thì hết ba tháng nên bỏ tang phục, tang lễ, thì cốt nhất phải kiệm ước chẳng cần linh đình. Chỉ mong sao phần mộ được ở bên cạnh các tiên đế, như thế cũng thỏa nguyện lắm rồi.
Than ôi! bóng tà đã xế, số mệnh khôn dừng, mấy lời từ biệt cuối cùng, để rồi thiên thu xa cách.
Quần thần nên kính cẩn nghe lời ta dặn.
Trần Thuận Tông ở ngôi Vua, nhưng còn trẻ, nên không biết thế nào là phải. Ông vua con chỉ còn biết đầm đìa nước mắt. Thuận Tông đưa mắt nhìn quan thái sư ông bố vợ, nhưng Hồ Quý Ly chỉ đứng im lặng chờ xem ý tứ mọi người. Thượng tướng Trần Khát Chân cất tiếng đầu tiên:
- Sống và chết là hai việc lớn, không thể nào xem thường được. Tuy di chiếu của đức thượng hoàng như vậy nhưng chúng ta không thể nhất nhất làm theo đúng lời dặn. Trong đạo trị nước, Lễ là điều quan trọng nhất. Tôi là tướng võ, chưa dám nói được thông kinh sử, nhưng cũng mạo muội cầu xin đức vua và các quan đại thần phải vô cùng cẩn trọng trong việc tang lễ.
Thái bảo Trần Nguyên Hàng trầm tĩnh trình bày vấn đề một cách cặn kẽ hơn:
- Tâu bệ hạ, xét trong sử sách thấy có ghi hai lần các bậc quân vương có di chiếu lúc lâm chung, dặn người còn sống phải giảm bớt nghi thức lễ tang. Thứ nhất là Hán Văn đế, vua phương bắc, di chiếu cho bá quan và nhân dân chỉ để tang mình trong ba ngày mà thôi. Cũng chỉ vì Hán Văn đế theo đạo Hoàng Lão, thích khiêm nhường, làm mọi việc đều lùi xuống một bậc. Hán Cảnh đế là con, nghĩ là hiếu khi theo đúng lời cha dặn lúc đã mê sảng; nên ông không hiểu rằng chế độ rút ngắn tang lễ là điều không nên dạy cho dân. Thứ hai là vua Lý Nhân Tông nước Đại Việt ta. Ông cũng bắt chước người xưa, vì Lý Nhân Tông vốn sùng đạo Phật. Còn chúng ta, những bậc đại thần ăn lộc vua, chúng ta không thể thấy rõ điều dở mà cúi đầu làm ngơ, không tỏ bày hơn thiệt. Thần trộm nghĩ, cúi xin bệ hạ cứ làm theo đúng nghi lễ tổ tiên. Vả chăng, tình thế bây giờ, nếu không giữ đúng kỷ cương, e sẽ làm gương xấu cho thiên hạ dễ bề bắt chước.
Lúc này quan thái sư Quý Ly mới gật đầu. Ông tỏ vẻ ưng ý những lời nói của Thái bảo Nguyên Hàng. Ông hiểu rõ tình thế lúc này, dân chúng chắc chắn rất chăm chú theo dõi nhất cử nhất động của triều đình, nhất là các việc làm của cá nhân ông. Vậy nên thứ lễ nghi có tính chất khoa trương bây giờ là cần thiết, vì nó làm yên lòng dân. Một sư kiện cung đình như đám tang Nghệ Tông rất dễ trở thành một ngòi nổ kích động. Cần phải cho tất cả đều im ắng thuận hòa. Quan thái sư vội vòng tay tâu với Thuận Tông:
- Tâu bệ hạ, thần đã bàn với quan hành khiển Phạm Cự Luận, ông vốn thông kinh bác cổ. Hành khiển bảo thần: “Việc lễ cốt ở cung kính nghiêm trang. Chúng ta chẳng nên bày vẽ kiêu xa, nhưng quyết không được đạm bạc sơ sài.” Ông Luận đã tham bác các sách bàn về việc lễ làm một tờ sớ. Xin quan hành khiển tâu trình với bệ hạ, sau đó các vị đại thần sẽ bổ khuyết.
Phạm Cự Luận hắng giọng rồi sang sảng đọc:
Đạo hiếu là gốc lớn trong việc trị thiên hạ. Nay xin tham chước lễ cổ, đề ra thể lệ về việc lễ tang.
- Các hoàng thân, trai gái họ nhà vua để tang theo gia lễ.
- Các quan văn võ được dự ban chầu để tang ba năm; khi vào chầu, áo, mũ đai đều dùng mầu đen. Võng dùng đòn gỗ sơn đen, ngựa chỉ dùng yên mộc.
- Quan văn võ từ lục phẩm trở lên để tang trong một năm. Khi để tang ăn mặc dùng đồ đen.
- Người có chức tập ấm, nho sinh, con cái nhà quan hạng miễn sưu dịch, học sinh trường Quốc Tử Giám để tang năm tháng.
- Xã dân vùng Yên Sinh và phủ Thiên Trường nhân dân kinh thành Thăng Long để tang một tháng.*
*Nhà Trần có hai quê: quê gốc, xã Yên Sinh Đông Triều; quê thứ hai, hương Tức Mực, phủ Thiên Trường.
- Các trang phục lòe loẹt, châu báu vàng bạc của các hạng tang đều bị cấm cho đến lúc hết tang.
- Việc cưới hỏi giá thú đối với nhân dân bị cấm trong vòng một tháng.
- Việc hát xướng bị cấm trong vòng một tháng.
- Việc xây lăng mộ để cho thầy địa lý chọn đất xong từ lúc thượng hoàng còn sống nay chỉ nêu lên để biết.
Đình thần phấn khởi ra mặt. Ai cũng mừng hành khiển Cự Luận đã tham chước cặn kẽ. Vả lại Cự Luận đã tham chước vậy, tức Quý Ly đã đồng ý. Tóm lại, mọi người khỏi phải bàn bạc lôi thôi. Ở một thời biến động, việc ngôn xuất là tối quan trọng. Người ta thiên về sự kín tiếng.