Hồ Quý Ly - Chương 05 - Phần 3

Tên là Thiên Nhiên táng nên số phận của nhà sư cũng phải do tự nhiên bày đạt. Đôi mắt sáng quắc của người thầy chùa dưới bóng từ bi tuy có dịu đi, nhưng nó vẫn phải đi theo cái nghiệp riêng mà nhà sư phải gánh chịu...

Dạo ấy, có một cô gái ở làng bên, hàng ngày vẫn đến cắt cỏ quanh chùa. Cô ta có giọng hát hay, suốt ngày cô gái cứ véo von ngoài đồng. Dĩ nhiên, tiếng hát ấy phải lọt vào ngôi chùa vắng. Tiếng mõ cầu kinh, tiếng chuông chùa từ bi ru ngủ cũng không đánh át được tiếng hát tươi trẻ ấy. Nó đến để đánh thức, để gọi mời cái tự nhiên trong lòng anh thầy chùa trẻ măng thức giấc.

Cố cưỡng lại, cố bịt tai với tiếng véo von, nhưng rồi một đêm, như bị ma ám, anh thầy chùa đã vượt tường rào, trốn chùa ra đồng. Anh như bị mê hoặc, anh trông thấy dưới ánh trăng mơ hồ một bàn tay trắng ngà vẫy gọi, anh đi theo tiếng véo von và đến bên hồ thiên nhiên, cạnh một căn lều vịt. Cô nô tì rách rưới nhưng trắng ngút ngát đã đứng sẵn ở đấy như để chờ anh. Cứ như thể hai người đã quen nhau từ kiếp nảo kiếp nào. Người thầy chùa lặng lẽ ngồi xuống cạnh cô gái.

- Sao mãi bây giờ anh mới đến? - Giọng cô gái nghe như tiếng chim hót.

Người thầy chùa ngơ ngác:

- Cô bảo làm sao?

- Em gọi anh đã gần hết một tuần trăng. Gọi từ lúc trăng khuyết, qua lúc trăng tàn, và đến nay lại khuyết...

- Cô gọi tôi ư?

Anh thầy chùa càng trở nên ngơ ngác vụng về...

- Anh còn nhớ không... Cái hôm lễ hội phóng sinh em lên chùa, em mang theo cái lồng chim sáo. Bên trên em phủ chiếc khăn vuông, bốn góc có những quả đào. Em nhìn thấy thầy em chạy đến và giao chiếc lồng cho thầy. Em mở cửa lồng và bảo con chim: “Ra đi! Ra đi! Phóng sinh rồi đấy! Sổ lồng rồi, hãy khéo mà bay đi.” Con sáo chui ra khỏi lồng, đậu trên bàn tay em, có lẽ nó bị nhốt lâu quá nên quên mất cả bay. Thầy giơ tay ra định nắm lấy con sáo. Em cũng giơ tay ra và nắm chặt cổ tay thầy. Em cười. Thế là con chim bay vù lên trời. Lúc đó, thầy thẹn, mặt đỏ bừng bừng. Còn em thì cười giòn tan. Thế nào? Thầy đã nhớ hay thầy vẫn quên... Và còn chuyện ngày xửa ngày xưa nữa...

- Ngày xửa ngày xưa ư?... - Óc anh thầy chùa chợt lóe sáng. - Có phải em Sáo đó không?

- Vâng em là con Sáo đây.

Cô bé mục đồng bé tí xíu ngày xưa, đã khóc cả buổi vì lũ quạ nay đã lớn thế này ư? Cái quá khứ thời bắt quạ bỗng vụt hiện về...

Chắc chắn Thiên Nhiên tăng đã nhớ rồi. Và anh cũng chợt hiểu vì sao cô gái lại cắt cỏ quanh chùa, lại véo von hát cho đến nẫu nà cả lòng anh. Và cũng đột nhiên cái màng mờ đục của sự cố gắng cưỡng chế lòng mình chợt vén tỏ, người thầy chùa trai trẻ cũng hiểu tại sao mình lại trèo tường đến đây. Cô gái ngẩng nhìn anh, ánh trăng hạ tuần đùng đục đọng trong mắt cô sóng sánh...

Cô lúng liếng hỏi:

- Hôm nay, con Sáo nhất định sổ lồng rồi nhé.

Anh mỉm cười không trả lời. Cô lại tiếp:

- Tên anh là gì?

- Thiên Nhiên! Sư cụ đặt tên cho đấy.

- Cái tên hay nhỉ. - Cô gái cười chẳng hiểu vì sao.

- Thuở nhỏ hầu như anh không có tên. Tên là Phạm Sư Ôn nhưng chẳng ai còn nhớ. Lúc đó, ở nhà chùa các sư gọi anh là chú tiểu. Cả bọn mục đồng cũng gọi anh là chú tiểu. Cứ như chú tiểu là tên của anh.

Đêm hôm ấy, anh mới thực sự hiểu cái nghĩa của hai chữ Thiên Nhiên. Cô nô tì đã hé lộ cho anh thấy gương mặt của Thiên Nhiên, cái kỳ lạ của Thiên Nhiên, cái bay bổng mê hồn của Thiên Nhiên.

Trong lều cỏ, một tòa thiên nhiên ngọc ngà đã cho phép chân anh lạc bước. Anh đã ân ái với cô thâu đêm. Con ngựa hoang đã gặp lại đồng cỏ và nó đã sổng cương chẳng chịu quay về chuồng xưa. Suốt một tháng ròng, đêm nào Thiên Nhiên tăng cũng trốn chùa, xăm xăm bước tới bờ đầm Thiên Nhiên. Suốt một tháng ròng, đôi trai gái đã quên hết đất trời.

Thiên Nhiên tăng bỗng gầy xọp đi làm sư Vô Trụ ngạc nhiên. Ông sư già nhìn vào mắt anh và chợt rùng mình. Đôi mắt đam mê trên gương mặt gầy guộc, nằm trong đôi hố mắt sâu trung, như có ánh lửa.

Đêm hôm ấy, tọa thiền xong, sư cụ xuống buồng Thiên Nhiên tăng, thấy không có người, ông ngồi đợi, đến quá nửa đêm, gã thầy chùa len lén bước, như con hồ ly đi ăn đêm còn sũng hơi sương, quay trở về hang ổ.

Thấy sư phụ ngồi trên giường, gã thầy chùa giật mình đứng sững như trời trồng, rồi vội quỳ xuống trước mặt thầy. Sư Vô Trụ vẫn nhắm mắt lần tràng hạt một hồi lâu rồi mới mở mắt ra. Cụ bảo:

- Ta đã cố gắng hết sức giúp con, nhưng duyên nghiệp của con với ta chỉ có chừng ấy thôi. Nghiệp chướng Nghiệp chướng? - Sư cụ thờ dài. - Con còn nặng nợ trần gian. Thôi! Ta cho phép con hoàn tục. Hãy đi đi và đi thật xa!

Cuối cùng, sư cụ nhắm mắt lại và bảo:

- Ta biết sau này con sẽ làm những điều trái với người thường. Nhưng dù làm gì, ta cũng khuyên con nên nhớ tới những điều răn dạy của đức Phật. Từ nay, con cũng nên quên đi trong lòng, không nhắc đến ngôi chùa này nữa, không nhắc đến tên ta làm gì nữa...

Thiên Nhiên tăng bỗng khóc nức nở. Lần đầu tiên gã thầy chùa hộ pháp đó khóc, và cũng lần cuối cùng anh ta khóc. Anh nhìn người thầy, người cha của mình đang lặng lẽ lần tràng hạt. Nước mắt dàn dụa, người thầy chùa hoang dại đó quỳ xuống lạy sư cụ Vô Trụ ba lạy.

***

Ít lâu sau, Sư Ôn rời khỏi chùa làng, chàng thầy chùa hoàn tục đi tìm cô nô tì bên bờ đầm Thiên Nhiên. Anh đi tìm tiếng hót của riêng mình. Nhưng, không hiểu vì lẽ gì, đột nhiên cô gái biến mất. Cô nô tì bỏ trốn. Lãnh chúa Trần Tùng cũng đang sai người đi tầm nã nhưng không thấy. Phạm Sư Ôn đi khắp vùng tìm, song vẫn bặt vô âm tín người yêu.

Cuối cùng, anh chán nản bỏ đi, bỏ ngôi chùa làng, bỏ cụ sư già, bỏ cả vùng đất đã mang đến cho anh niềm hạnh phúc đầu tiên. Anh trở thành một kẻ lang thang, bước chân lưu dấu khắp nơi. Lúc thì làm nghề đốt than xứ Lạng, lúc thì làm thuê cho một trang chủ quý tộc ở Lục đầu giang, lúc thì xuống Hồng Châu làm nghề chài lưới. Thời đó, những kẻ lang thang lưu tán rất đông. Họ từng đoàn kéo nhau đi làm thuê hết vùng này qua vùng khác. Đó là những nô tì trốn chủ, những nông dân nghèo khổ không ruộng đất. Từ thời vua Trần Minh Tông đã có hiện tượng ấy.

Vua Minh Tông nhân từ, không nỡ trói buộc dân nên không bắt tội những kẻ lang thang. Từ đó, thành cái lệ, việc quản lý những kẻ lang thang trở thành lỏng lẻo. Nhất là thời Nghệ Tông, do loạn lạc, đói kém, do chế độ hạn điền hạn nô của thái sư Quý Ly, số người du đãng càng ngày càng gia tăng.

Thiên Nhiên tăng tinh thông võ nghệ, đã mạnh khỏe lại có học, nên đã tập hợp được những kẻ lang thang đó lại không phải để trở nên một đám cướp tầm thường, mà trở thành một đạo quân nổi loạn, với mưu đồ táo bạo: lật đổ vương triều nhà Trần thối nát.

Có lẽ vị sư già Vô Trụ đã tiên đoán được cái tương lai khủng khiếp của con người nổi loạn hoang dã ấy. Sư cụ đã dùng giáo lý đại từ đại bi của nhà Phật để dìm nén những đam mê cháy bỏng trong con ngựa hoang, thậm chí dùng cả những biện pháp ngoại giáo như võ thuật. Lúc đầu có kết quả, nhưng về sau lại thổi bùng thêm thứ men say bạo lực, nó như giống cỏ dại, gặp đất màu là nẩy mầm ào ạt, không ngăn nổi. Sư già làm sao quên nổi ánh lửa cháy bừng bừng trong đôi mắt xếch trên khuôn mặt đam mê, ở lần gặp gỡ cuối cùng với người học trò. ánh mắt hoang dại như muốn thiêu trụi tất cả trên con đường đi tìm hạnh phúc; ánh mắt ấy như muốn nói: “Tôi sẽ đi đến tận cùng, nếu cần sẽ thiêu trụi cả thế gian và thiêu trụi cả tôi.” Chính vì vậy, sư Vô Trụ mới đuổi Sư Ôn đi và bắt thề không được nói tới gốc gác của mình. Phải chăng vị sư già đã nhìn thấy trước những thây người và những đám cháy lớn trong đôi mắt học trò. Khi Sư Ôn rời khỏi chùa, sư cụ cũng bỏ chùa làng đi du phương rồi dừng chân ở ẩn tại một ngôi chùa hẻo lánh trên núi.

Nơi Thiên Nhiên tăng nổi dậy đầu tiên là lộ Quốc Oai. Nơi ông phá trụi đầu tiên là trang trại của nhà quý tộc Trần Tùng, một trang chủ dâm ác, đã làm cô nô tì véo von như con sáo của ông phải trốn chạy biệt xứ. Ông không giết mà chỉ cắt toàn bộ của quý của tên quý tộc dâm ác. Cách trả thù kỳ quặc ấy làm những chiến binh nổi loạn thích thú cười lên ha hả. Sau đó ông diệt sạch bộ máy cai trị mà hầu hết nằm trong tay họ hàng dây mơ rễ má của Trần Tùng. Quan lại chạy re. Quân lính triều đình tan rã, kẻ đầu hàng xin theo quân nổi dậy, kẻ chạy trốn về quê.

Tiến thêm bước mới, Thiên Nhiên tăng xưng vương, thành lập riêng một triều đình. Ông phong cho Nguyễn Tống Mại người kẻ Sở và Nguyễn Khả Hành người làng Lôi Xá bên Tây Hồ làm quan hành khiển, cùng nhau đêm ngày ngồi trong trướng gấm bàn việc quân cơ.

Một hôm, có chàng nho sinh đến xin gặp, lính gác đuổi thế nào cũng không chịu đi. Sau đó nho sinh lấy ra một chiếc khăn vuông mà bốn góc có bốn quả đào tết bằng chỉ màu và nói:

- Xin thầy vào bẩm với đại vương, đây là chiếc khăn phủ lồng con sáo hôm ngày hội phóng sinh của người đàn bà chăn vịt bên đầm Thiên Nhiên khi xưa... Hỏi đại vương còn nhớ hay đã quên?

Người lính gác vào bẩm với Sư Ôn. Phạm Sư Ôn cầm chiếc khăn có bốn quả đào, vội đứng phắt ngay dậy:

- Gã học trò ấy đâu? Cho vào đây ngay.

Anh học trò gầy gò, mặt mũi khôi ngô, có đôi mắt sáng, lễ phép nói:

- Tiểu nhân xin kính chúc đại vương những điều tốt lành.

Phạm Sư Ôn chăm chú nhìn chàng trai có gương mặt phảng phất quen thuộc ấy, vội vàng hỏi:

- Người đàn bà có tấm khăn vuông này bây giờ ở đâu?

- Bẩm đại vương, bà ta đã chết rồi.

Ông thầy chùa nổi loạn bồng trĩu buồn:

- Chết từ hồi nào?

- Bẩm, đã lâu. Bà bị ức hiếp, lưu lạc khắp nơi, vì vất vả làm lũ quá nên mắc bạo bệnh, chẳng mấy chốc qua đời.

- Nhà ngươi với bà ta họ hàng thế nào?

- Bẩm, tiểu nhân là cháu gọi bà bằng cô. Trước khi qua đời, bà dặn tiểu nhân bằng mọi cách đưa chiếc khăn này tới tay đại vương.

- Bà ấy có nói gì không?

- Bà ấy chỉ dặn tiểu nhân nói với đại vương câu này: “Con sáo đã sổ lồng, nhưng con sáo phải khôn ngoan, đừng bao giờ để sa vào bẫy nữa...”

- Đến lúc chết bà ấy còn nghĩ tới ta.

Phạm Sư Ôn thở dài. Ông đăm đăm nhìn chàng trai, cứ thấy ngờ ngợ: “Cậu trai này sao giống cô ta đến thế.”

Ông tướng nổi loạn đột nhiên có cảm tình đặc biệt với chàng học trò. Ông hỏi han nhiều chuyện, thấy anh ta trả lời sắc sảo. Hỏi về việc quân cơ, anh ta đối đáp cũng rất đặc biệt:

- Thưa đại vương, hiện nay quân của ngài đã đông lắm, nghe đồn lên tới vài vạn, nhưng hết thảy đều là nông dân chưa tập luyện. Tiểu nhân nghĩ, việc cấp bách bây giờ phải nhanh chóng phân chia họ thành đội ngũ, rèn luyện cho chóng biết nghề trận mạc, nhất là phải rèn cho họ vào quy củ, kỷ luật. Họ từ bé chỉ quen du đãng, tự do...

Phạm Sư Ôn lấy làm hào hứng:

-Ta đã chia quân thành ba đội, đặt tên là: Thần Kỳ, Dũng Đấu, Vô Hạn. Đội Thần Kỳ nòng cốt gồm ba mươi dũng sĩ Nộn Châu, với ba mươi người đã đánh tan gần ba trăm quân triều đình, làm chúng hoảng kinh, chạy như lũ vịt. Đội Dũng Đấu mới đầu tiên chỉ là các tay thợ săn ở đạo Đà giang tụ hội lại. Họ mắc tội giết bọn tham quan, ác bá nên phải trốn lên rừng; họ thề thà sống với ác thú còn hơn phải sống nhục nhã dưới ách bọn quan lại độc ác như sói lang và tham như chó. Còn đội Vô Hạn gồm những tay thủy khấu ở Châu Hồng, và những nô tì trốn chủ sống dọc ngang trên biển hoặc trong những đầm lầy lau lách...

Sư Ôn chuyện trò với Phạm Sinh càng lúc càng hùng hồn, cứ như thể chàng đã là một người thân tín. Nhìn Phạm. Ông đột nhiên nhận xét:

- Tại sao vẻ mặt của cháu lúc nào cũng buồn buồn?

- Tính nết cháu vẫn thế... Vả lại, cháu cứ nghĩ đến ngày mai...

Ông thầy chùa nổi loạn phá lên cười:

- Tại sao lại phải nghĩ ngợi xa đến như thế? Ngày hôm nay, trước mắt đã phải bù đầu với bao nhiêu việc. Chỉ nghĩ đến hôm nay đã chẳng quá mệt rồi sao? Đúng, cháu là kẻ học trò mặt trắng. Riêng ta, dù ngày mai phải chết, ta cũng không lo nghĩ. Còn hôm nay, ta vẫn thấy vui, ta vẫn cười to... ừ... Ta thật khác cháu. Nhưng tại sao nhỉ? Tại sao ta vẫn thấy yêu thích cháu? Tại sao ta cứ thấy gần gũi với cháu?

Phạm Sinh cười theo:

- Có lẽ vì cháu là người thân của cô cháu. Và bây giờ, cháu đã biết cô cháu là người thân nhất của bác. Cô cháu đã chết, chắc vì thế nên bác thương cháu. Hơn nữa, riêng cháu cũng thấy quý trọng bác.

- Đúng như vậy!

Phạm Sư Ôn vụng về dùng hai bàn tay to lớn nắm chặt lấy đôi vai gầy của chàng trai và lắc mạnh. Câu chuyện dần dần chuyển đến chỗ tình cảm gắn bó. Phạm Sinh lúc này mới thổ lộ hết lòng mình:

- Cháu rất kính phục bác... nhưng cháu rất lo lắng. Ở nước Đại Việt ta, bác đã thấy triều đại nào được dựng lên từ một cuộc nổi loạn? Ví dụ như Lý Công Uẩn dựng nên nhà Lý, bản thân ông ta vốn là đại thần của Lê Đại Hành. Rồi nhà Trần cướp ngôi nhà Lý do tay Trần Thừa và Trần Thủ Độ, các ông này cũng giữ chức cao trong triều đại cũ. Còn như cuộc nổi dậy của bác, chúng ta chỉ là những người dân cày bất đắc chí. Bác nghĩ xem... tạo dựng một triều đình khó khăn lắm chứ... đâu chỉ đơn giản công việc của một đội quân chỉ biết chém giết... Đó là công việc của các bậc đại trí... Phải có hàng trăm kẻ sĩ tâm huyết phò tá... Phải có những viên tướng văn võ toàn tài... Điều quan trọng nhất: phải được người dân nơi nơi ủng hộ... Bậc minh quân thì đường đi nước bước phải chánh đạo, nhìn xa trông rộng... Ôi! Thật vô cùng khó khăn?

- Bác cũng biết... nhưng bác nghĩ việc khó nhất là phải dám làm. Khó khăn cũng phải làm. Cứ làm rồi khắc có lối ra. Chẳng lẽ vì quá khó khăn, nên cháu khuyên bác phải về với triều đình? Nhà Trần là ai? Xưa kia, đích thực họ anh hùng; còn bây giờ, toàn bộ bọn chúng chỉ là lũ sâu mọt, ức hiếp dân. Hồ Quý Ly là ai? Ông ta mưu mô xảo quyệt; rặt làm những chuyện phiền hà. Hay là cháu thấy khó khăn. khuyên bác giải tán quân sĩ, rồi lẩn về với núi rừng...

Phạm Sinh mơ màng:

- Nếu có đủ chí nằm gai nếm mật, nếu có đủ tướng sĩ tài giỏi, nếu có đủ tầm mắt nhìn xa trông rộng... ta sẽ chia quân ra từng đạo nhỏ, lẫn về núi rừng, lẫn vào hang cùng ngỏ hẻm, rồi cứu khốn phò nguy cho dân, để nhân dân khắp nơi cùng ta hưởng ứng... từ nhỏ bé ta lớn dần lên, rồi tất cả đùng đùng nổi dậy. Như thế, núi cao nào ngăn nổi bước ta đi, con sông hung dữ nào chặn được chân ta tiến, việc lớn nào ta làm chẳng xong... Nhưng chuyện ấy thật khó trừ phi một đạo quân Phật...

- Thì thế! Chính quân của ta là đạo quân bồ tát. Bác đã theo đúng ngũ giới nhà Phật để đề ra kỷ luật. Quân sĩ không được cướp bóc của dân. Chỉ được cướp của nhà giàu chia cho người nghèo. Quân sĩ không được giết người bừa bãi, chỉ được giết quan quân và bọn ác bá. Quân sĩ cấm tuyệt hiếp đáp đàn bà con trẻ, ai trái lệnh chém đầu làm gương...

Phạm Sinh nhìn đôi mắt đầy hào khí của Sư Ôn, lòng vui buồn lẫn lộn. Chàng trai thầm nghĩ: “Bọn vương hầu nhà Trần quả thật không xứng đáng, lúc nào họ cũng chỉ khoe khoang công lao đã qua của tổ tiên để làm bức màn che đậy cho việc vơ vét đầy túi tham. Quý Ly cũng chẳng xứng đáng, bởi vì đó là con người tấm lòng quá ư cứng rắn. Ông ta chỉ nhăm nhăm nhìn cái đích mà quên mất sự uyển chuyển của những bước chân đi. Còn Phạm Sư Ôn thì sao? Đại vương vốn mộc mạc nhưng có khí phách của một anh hùng. Thật đáng thương thay. Song... biết làm sao được! Trần gian này là mớ bòng bong, cùng với bao nhiêu thế lực. Người ta vật lộn cắn xé nhau mãi mãi; phải chờ cho đến lúc hội đủ nhân duyên, thì sự thái hòa thịnh trị mới có cơ hội quay về. Chúng ta chỉ như những mầm mống nhỏ nhoi trong tay con tạo. Cưỡng lại ư? Vật lộn cuồng điên ư? Không? Chẳng thể nào được? Hạt mầm sinh ra từ cây cổ thụ. Gặp duyên mầm sẽ bừng xanh, để rồi cuối cùng đi tới úa vàng, nhưng lại thay thế bằng một mầm mới. Một trận gió sẽ cuốn mầm đi. Có thể mầm sẽ bay đến vùng đất mầu mỡ mới và sẽ tái sinh. Nhưng cũng có thể mầm bị rơi vào một hốc đá tối tăm nghèo kiệt, để rồi èo một tan rữa ra ở đấy... Biết làm sao được? Thôi thì hãy phó mặc cho con tạo xoay vần... Sư cụ đã chẳng dạy ta tất cả chung quy chỉ có một chữ duyên...

- Con nghĩ ngợi gì thế? Thử nói ta xem. Trước mắt chúng ta nên làm gỉ? Bằng cách nào để thế lực của chúng ta ngày càng thêm lớn mạnh? Không thể chia nhỏ quân ra thành từng đội để nằm gai nếm mật như con vừa nói. Ta đâu có thể chờ được. Muôn dân lầm than cũng đâu có thể chờ đợi được.

Phạm Sinh gật đầu:

- Thực ra, làm việc lớn cần phải lâu dài. Việc càng chóng thành công càng dễ tan vỡ nhanh. Nhưng thực đúng, trong thời buổi này, muôn dân không thể chờ đợi được. Đói rách và lầm than ở khắp nơi. Tuy nhiên, thực ra, vẫn còn một cách nữa.

- Cách đó ra sao?

- Hiện nay vua tôi nhà Trần đương dồn hết sức lực để chống giữ quân Chiêm Thành. Đại quân của Chế Bồng Nga đương ở Hoàng Giang, cửa ngõ phía nam Thăng Long. Bao nhiêu quân tinh nhuệ. Quý Ly đều dồn hết xuống vùng châu thổ. Rồi lại phải chia quân cho Đặng Tất lên đề phòng biên giới phía Bắc. Binh lính ở các trấn lộ rất mỏng, chỉ đủ sức chống đỡ với những toán cướp nhỏ. Còn Thăng Long thì sao? Có thể nói lúc này kinh đô bị bỏ ngỏ.

- Cháu nói rất đúng. Thăng Long bỏ ngỏ. Ta sẽ nhân cơ hội này chiếm lấy kinh sư.

- Bẩm đại vương, cơ hội hiếm có. Nhưng chúng ta không thể coi thường thái sư Quý Ly. Ông ta là con người mưu lược. Vì vậy, đánh chiếm thì được, nhưng ta không thể tham lam để rồi sa bẫy.

- Ý cháu định nói gì? À, ta hiểu ý cháu. Có phải cháu định khuyên ta chiếm kinh sư nhưng không đóng lại ở kinh sư?

- Đại vương nói rất phải. Thực ra thế lực của ta còn nhỏ. Nếu đóng lâu dài, ta bỗng chủ động lại chuyển thành bị động. Ta đang bao vây lại rơi vào thế bị bao vây. Vậy nên, ta đánh chiếm Thăng Long. mục đích chỉ cốt khoa trương thanh thế, làm nức lòng tướng sĩ, và làm cho lòng dân nghiêng ngả rồi dần dần theo ta.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay