Cuộc đời của Lê-nin - Chương 28 - 29
LÊ-NIN
Đoàn tàu chở khách chạy trên nước Đức tới Kê-ni-béc-gơ. Trong toa tàu hạng ba, ở góc cạnh cửa sổ có một thanh niên ngồi. Anh đi từ Muy-ních và suốt dọc đường ngủ gà ngủ gật. Anh chẳng nói chuyện với ai cả. Chiếc va-li khá to đặt ở cạnh chân.
Tới Kê-ni-béc-gơ, một thành phố cổ kính có pháo đài bằng đá, nhà thờ, những mái ngói đỏ chói. Ở đó có biển Ban-tích sóng vỗ rì rào và hải cảng. Ở cảng tàu bè đỗ chật ních. Trong số đó có một chiếc tàu thủy mang tên “Thánh Mác-ga-ri-ta”. Người Đức từ Muy-ních tới vui vẻ huýt sáo và không xô đẩy nhau ở bến cảng, mà đi tới một quán rượu gần đó. Trong quán rất đông người, không khí thì ngột ngạt và cay mùi khói thuốc. Người Đức từ Muy-ních đến chiếm một chỗ trống, còn chiếc va-li thì nhét xuống gầm bàn. Anh gọi món xúc-xích với bắp cải, rồi bắt đầu vừa uống rượu bia vừa ăn chậm chạp. Rất chậm chạp. Có thể nghĩ, anh giết thì giờ rỗi. Nhưng cũng có thể, anh chờ đợi ai đó? Đúng, chính là như vậy. Anh đợi người thủy thủ của tàu “Thánh Mác-ga-ri-ta”. Để gặp người thủy thủ ấy, người Đức đã đi từ Muy-ních tới, mặc dù cho đến nay anh chưa hề biết người đó. Khi người khách mới bước vào quán rượu, người Đức từ Muy-ních đến nhìn anh ta chằm chằm, lấy ta phải vuốt vuốt tóc về phía tai phải. Tất nhiên, không có ai để ý tới cái đó. Thực ra, người vuốt tóc đó có cái gì là đặc biệt đâu? Nhưng đó là mật hiệu.
Thế là người thủy thủ khỏe mạnh, dáng người thâm thấp, nước da nâu vì rám nắng biển, bước vào. Ngay từ ngoài ngưỡng cửa anh đã nhìn mọi người, nhận ra một người đang vuốt tóc và đi thẳng tới chỗ người đó. Anh ngồi vào chiếc bàn con, lấy chân tìm chiếc va-li:
- Gió tợn.
- Không sao, nếu là gió thuận, - người Đức từ Muy-ních đến đáp.
- Anh bạn đã đoán đúng, gió thuận.
Đó là mật lệnh. Sau khi nói đúng mật lệnh, họ lập tức cảm thấy là những người đồng chí của nhau. Họ cùng chung một việc làm nguy hiểm, để làm việc đó họ đã gặp nhau ở quán rượu này.
Một lát sau họ kết thúc câu chuyện, đứng dậy và ra khỏi quán rượu. Bấy giờ không phải là người Đức ở Muy-ních xách chiếc va-li, mà là người thủy thủ. Không ai nhận ra sự thay đổi đó. Ai chú ý đến chuyện này làm gì? Hai người bạn vừa đi vừa giải thích cái gì đó cho nhau. Tới ngã tư, họ chia tay. Người Đức ở Muy-ních thọc tay vào túi, hài lòng vì đã hoàn thành công việc. Anh vừa huýt sáo vừa đi về phía đoàn tàu, trở về nhà. Còn chiếc va-li đã đi qua biển Ban-tích trên chiếc tàu thủy “Thánh Mác-ga-ri-ta” tới thủ đô Xtốc-khôm của Thụy Điển.
Đến đêm gió rít lên, sóng gầm, trận bão biển khủng khiếp ập đến. Cơn bão đã quất vào chiếc tàu “Thánh Mác-Ga-ri-ta”, mạn tàu kêu răng rắc, cột buồn kẽo kẹt, sóng dội lên sàn tàu, trên mặt biển tối như bưng.
Tàu đến Xtốc-khôm chậm mất sáu giờ. Chắc là chiếc tàu “Xu-ô-mi” của Phần Lan đã trên đường đi Hen-xinh-pho từ lâu. Theo giờ tàu thì đã có bốn chuyến đang trên đường đi. Thế mà đúng lúc này người thủy thủ lại cần chiếc tàu “Xu-ô-mi”.
“Không kịp rồi! - người thủy thủ bực bội nghĩ bụng. - Làm thế nào bây giờ? Trận bão biển đáng nguyền rủa thật là tai ác!”
Bỗng nhiên anh nhìn thấy tàu “Xu-ô-mi”. Chiếc tàu Phần Lan vẫn đậu ở cảng Xtốc-khôm và máy hơi nước đang nổ. Chắc là trận bão biển đã làm cho nó chậm lại, và đến bây giờ mới chuẩn bị nhổ neo. Chiếc tàu “Thánh Mác-ga-ri-ta” cập bến gần sát ngay cạnh. Thật là may, người thủy thủ của chúng ta được thay kíp gác trên tàu. Anh lập tức xách chiếc va-li và vội vã đi lên bờ. chiếc tàu “Xu-ô-mi” ở gần, nhưng nó đang rời đi.
- Tiến chậm! - viên thuyền trưởng ra lệnh.
Nước sôi lên dưới chân vịt. Chiếc tàu bắt đầu chạy. Chậm mất rồi.
- Ngài thuyền phó! - người thủy thủ vừa xách theo chiếc va-li vừa kêu lên. - Bà cô ở Kê-ni-béc-gơ gửi cho ông đây này.
Người thủy thủ thở hổn hển vì chạy. Chiếc va-li khá nặng. Nhưng chiếc tàu “Xu-ô-mi” rời đi rồi. Cố gắng cũng vô ích.
Nhưng không, không vô ích. Đã xảy ra một điều kỳ lạ. Viên thuyền trưởng nghe thấy và…
- Lùi chậm, - lệnh vang lên trên chiếc tàu “Xu-ô-mi”, - Dừng lại, thả thang xuống.
- Ngài thuyền phó! - người thủy thủ kêu khản cả cổ. - Bà cô gửi cho ông chiếc áo len dài tay. Cả bộ quần áo mới nữa.
Trong đám người đứng ở cạnh bến bỗng vang lên tiếng cười khúc khích. Mọi người không hiểu sao vui vẻ thấy “Xu-ô-mi” quay trở lại lấy quà của thuyền phó. Còn viên thuyền phó trẻ, có cặp má ửng hồng, vội đỡ lấy chiếc va-li, tay vẫy người thủy thủ tỏ vẻ cảm ơn, rồi đem chiếc va-li vào phòng. Khóa phòng lại. Cất chìa khóa vào túi.
- Cho xem tặng phẩm đi, cậu cháu cưng của bà cô, - viên thuyền trưởng nói đùa khi họ đã đi ra biển. - Xem bà ấy gửi cho cậu những quần áo gì nào.
- Tôi e rằng những quần áo đó mốt cổ cũng giống như chính bản thân bà cô tôi vậy, - viên thuyền phó nói nửa đùa nửa thật.
Và chiếc va-li tiếp tục con đường dài.
Ở thành phố Hen-xinh-pho của Phần Lan, trời mưa. Mưa như trút nước. Nước réo lên từ ống dẫn nước, từ các mái nhà. Những dòng nước xiết chảy dọc theo các vỉa hè. Những vũng nước phồng lên vì đám bong bóng lớn, báo trước trời còn tiếp tục mưa. Mọi người ẩn náu ở trong nhà. Đường phố vắng tanh.
Viên thuyền phó từ tàu “Xu-ô-mi” xuống, mặc chiếc áo mưa màu đen, vội vã bước về phía có xe ngựa chạy đường ray. Anh rất lo. Trận mưa rào ai ác quá! Không biết chiếc va-li có bị thấm nước không? Nước lũ thật sự. Trận mưa này khá to, ngay cả đối với nước Phần Lan có mưa nhiều. Viên thuyền phó nhìn tứ phía, tìm người công nhân đón anh ở cạnh bến xe. Nhưng “Xu-ô-mi” đã tới muộn vài giờ. Rồi trận mưa lũ này nữa! Đường phố vắng vẻ. Chẳng lẻ người công nhân từ Pê-téc-bua đến không chờ được đến cùng ư? Chà, bực quá! Kia rồi, xe đã tới… Thế mà vẫn không thấy người công nhân Pê-téc-bua đâu. Nhưng, vừa vặn lúc đó từ dưới vòm nhà đối diện bỗng xuất hiện một người trạc bốn mươi tuổi, không có gì đáng để ý cả. Người đó nhìn quanh rồi tiến lại gần. Đó chính là người công nhân Pê-téc-bua.
- Thật không may, - người công nhân càu nhàu. - Năm tiếng đồng hồ tôi quanh quẩn ở đây dưới trời mưa. Lạnh toát cả người…
- Trận bão biển đã làm chậm lại. Khi nào anh đi? - viên thuyền phó hỏi.
- Hôm nay.
- Rất tốt, tôi sẽ lập tức đánh điện báo tin.
Người công nhân gật đầu, xách chiếc va-li, rồi leo lên toa xe ngựa vừa tới.
Mấy giờ sau, chiếc va-li đã đi tàu hỏa trên đường sắt Phần Lan tới Pê-téc-bua.
Đoàn tàu chạy ngang qua những cánh đồng mùa xuân trơ trụi. Ngang qua những làng nhỏ ướt át và những nhà nghỉ mát thanh tao, nhưng cửa còn đóng kín chưa có người ở. Người công nhân Pê-téc-bua biết rõ những vùng này nên không nhìn ra ngoài cửa sổ. Ông ngồi đọc báo, đợi đến ga Bạch Đảo.
Từ ga Bạch Đảo bắt đầu là nước Nga. Ở đó luôn luôn có trạm kiểm soát thuế quan.
Một nhân viên thuế quan bước lên toa tàu:
- Yêu cầu mở các va-li ra.
Một đôi quần áo lót, một chiếc khăn choàng cũ kẻ ô vuông, một hộp kẹo rẻ tiền. Còn chiếc áo len dài tay mà người thủy thủ ở Kê-ni-béc-gơ kêu đâu? Không có. Nhưng, nhân viên kiểm soát không nghe thấy tới chiếc áo len ấy. Y gõ gõ vào thành va-li, không tìm thấy cái gì khả nghi cả.
Ngay ngày hôm đó người công nhân tới Pê-téc-bua, đi lên tầng hai của một ngôi nhà đá ở đảo Va-xi-li-ép-xki. Trên cửa có treo một tấm biển bằng đồng: “Bác sĩ nha khoa”.
Người mới tới giật chuông: hai tiếng chuông dài, tiếng thứ ba ngắn. Cái đó có nghĩa là: không sợ người của mình đến.
Bác sĩ nha khoa ra mở cửa:
- Mời vào, đang đợi anh đây.
Thực ra ở đây là nơi họp kín. Căn nhà dùng để gặp gỡ bí mật những nhà cách mạng, có tên gọi như vậy.
Trong phòng chữa răng, một cô gái đang ngồi chờ người công nhân.
- Đưa tôi, - cô nói.
Rồi cầm lấy chiếc va-li. Thật tội nghiệp, nó đã phải chịu đựng bao vất vả ở dọc đường! Nào trận bão biển, nào trận mưa rào, nào sự lục soát.
Cô gái nhanh nhẹn rút chiếc khăn choàng kẻ ô vuông và các thứ khác ra khỏi va-li. Còn cái gì nữa nhỉ? Người công nhân bằng một động tác khéo léo ấn mạnh xuống đáy. Chiếc đáy mở ra như một cái nắp. Chiếc va-li có đáy kép. Ở đó nhét chặt những tờ báo. Cô gái cầm một tờ lên xem. “Tia lửa”!
Những người khác nhau đã đem “Tia lửa” từ Muy-ních đi một cách khó khăn và bí mật như thế đó! Qua Kê-ni-béc-gơ, Xtốc-khôm, Hen-xinh-pho đến Pê-téc-bua…
Cô gái bắt đầu xếp những tờ báo từ chiếc va-li sang chiếc hộp gỗ đựng mũ - thời đó những người đàn bà thường đội những chiếc mũ rộng vành. Hộp đựng mũ phải khá to. Cô gái nhét đầy báo vào đó, lấy dây da chằng lại. Cô nhấc lên - khá nặng.
- Không sao, tôi sẽ đem đến nơi.
Và cô đã mang đến cho những người công nhân, đến các nhóm công nhân, đến các vùng ngoại ô Pê-téc-bua. Cô là người đại lý của “Tia lửa”. Những người đại lý của “Tia lửa” hoạt động bí mật khắp các thành phố lớn của nước Nga.
Người ta chở “Tia lửa” theo đường biển. Chở trên các xe lửa. Bí mật chuyển đến biên giới ở những địa điểm khác nhau.
“Tia lửa” vạch cho công nhân và nông dân thấy rõ cuộc sống của họ.
“Tia lửa” dạy: “Hãy đấu tranh chống chế độ Nga hoàng! Hãy đấu tranh chống bọ chủ!”
“Tia lửa” kêu gọi thành lập Đảng. Kêu gọi làm cách mạng. Đấu tranh chống Nga hoàng.
Phong trào phản kháng mạnh mẽ của công nhân được “Tia lửa” thức tỉnh đã nổi dậy ở nước Nga.
Người đứng đầu toàn bộ phong trào to lớn đó, người lãnh đạo và người biên tập chính của tờ “Tia lửa” là Vla-đi-mia I-lích.
Vla-đi-mia I-lích đã nhận được nhiều bức thư của công nhân và những người đại lý tờ “Tia lửa” gửi từ nước Nga. Hàng trăm bức thư bằng mật mã đã gửi từ nước Nga sang. Những bài báo và những bài phóng sự củng được gửi thẳng từ các nhà máy và công xưởng ở nước Nga, Vla-di-mia I-lích viết thư trả lời các công nhân ở Nga. Viết bài cho tờ “Tia lửa”. Viết sách nói về chính trị và cuộc đấu tranh cách mạng.
Trên những bài báo và những cuốn sách của mình từ tháng Chạp năm 1901 Vla-đi-mia I-lích bắt đầu ký tên: Lê-nin. Tại sao Vla-đi-mia I-lích lại lấy cái tên đó? Có thể là lấy tên của một con sông lớn nhất ở Xi-bi-ri chăng?(1) Rất có thể.
(1)Sông Lê-na - N.D.
Thế là xuất hiện cái tên mới: Lê-nin. Cái tên vĩ đại. Toàn thế giới đều biết cái tên đó.
NHỮNG NGƯỜI BÔN-SÊ-VÍCH
Nước Thụy Sĩ nhiều núi, quanh hồ Giơ-ne-vơ xanh biếc có thành phố Giơ-ne-vơ xinh đẹp. Ở vùng ngoại ô, cách hồ không xa, tại xóm thợ Xê-sê-rôn có một ngôi nhà hai tầng, nhưng xinh xắn. Như tất cả các ngôi nhà khác, ngôi nhà này mái lợp ngói, cánh cửa sổ đều sơn màu xanh da trời. Bên dưới các cửa sổ là mảnh vườn nho nhỏ, cỏ cây luôn luôn xanh tốt.
“Vợ chồng I-lích” ở trong ngôi nhà xinh xắn đó. Các đồng chí thường gọi Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na âu yếm như vậy.
Lúc đầu vợ chồng I-lích sống ở Muy-ních. Cảnh sát Muy-ních đã đánh hơi về báo “Tia lửa”, nên đành phải dời đi. Họ chuyển đến thủ đô Anh-Luân Đôn, một thành phố có nhiều mưa và sương mù, nằm trải ra nhiều dặm. Ở Luân Đôn họ tiếp tục cho in báo “Tia lửa” suốt một năm. Nhưng ở đó cũng nguy hiểm. Cần phải tìm một chỗ ẩn náu mới cho “Tia lửa”. Thế là vợ chồng I-lích tới Giơ-ne-vơ, ở trong xóm thợ Xê-nê-rôn.
- Tuyệt! - Vla-đi-mia I-lích nói, sau khi đi xem lướt qua ngôi nhà nhỏ hai tầng: phía dưới có nhà bếp khá rộng, có cầu thang hẹp đi lên phía trên, có những phòng con xinh xinh, nhưng sáng sủa. - Tuyệt, yên lặng. Ở đây làm việc rất yên tĩnh.
Công việc Vla-đi-mia I-lích rất nhiều, nhưng sự yên tĩnh chẳng bao lâu đã chấm dứt. Những người sống ở xóm thợ nhận thấy: thường thường có nhiều người tới chỗ vợ chồng người Nga, nhưng vào tháng bảy năm 1903 thì khách khứa đến thăm hầu như không lúc nào ngớt. Những người khách hoặc đi từng người một, hoặc hai ba người. Họ không phải dân ở đây, cái đó rất dễ hiểu: vì những người này khác với người địa phương về quần áo và tiếng nói. Họ nói tiếng Nga. Họ là người Nga. Chắc họ đến Giơ-ne-vơ lần đầu tiên, mọi cái đối với họ đều bỡ ngỡ. Họ thích bầu trời nắng ráo, cánh cửa sổ sơn màu tươi vui, khóm hoa trong mảnh vườn con con trước cửa nhà.
Chắc là những người sống ở xóm thợ Xê-sê-rôn lấy làm ngạc nhiên vì mùa hè năm 1903 sao đột nhiên có nhiều người Nga đến Giơ-ne-vơ thế. Tất nhiên không ai biết rằng đó là những đại biểu từ các nơi khác nhau của nước Nga tới dự Đại hội lần thứ II của Đảng. Mọi người nhất định phải ghé đến chỗ vợ chồng I-lích, một số ở tàu xuống đến thẳng ngôi nhà ở Xê-sê-rôn. Trong bếp từ sáng đến khuya chiếc ấm đun nước luôn luôn sôi sùng sục. Bộ ấm chén không lúc nào rời khỏi bàn. Mỗi người đều được đón tiếp niếm nở. Họ được mời uống nước chè nóng, ăn bánh mì mềm. Có một số đại biểu từ nơi đi đày ở nước Nga tới. Họ là những người can đảm! Họ được chọn làm đại biểu và thế là họ liền trốn khỏi nơi đi đày tới dự Đại hội. Một số khác không có cả tiền ăn. Nhưng tất cả đều tràn đầy sức sống và niềm tin. Tất cả đều vui vẻ.
Đôi khi vào các buổi tối những người láng giềng của vợ chồng I-lích im lặng, lắng nghe tiếng hát từ ngôi nhà xinh xắn của vợ chồng người Nga. Ở đó, vào những ngày này có đông người đến. Tiếng hát kỳ lạ, xóm thợ Xê-sê-rôn chưa từng nghe thấy tiếng hát đó. Tiếng hát phóng khoáng, tự do, khi thì buồn bã, xúc động lòng người, khi thì là những âm thanh hùng tráng vọng qua các khung cửa sổ.
- Chắc những người Nga này là người tốt. Chỉ có những người tốt mới có thể hát say sưa như vậy! - những người láng giềng nói.
Các đại biểu đến gặp Lê-nin để thảo luận các vấn đề của Đại hội, trao đổi những ý nghĩ. Họ biết rằng Lê-nin đã chuẩn bị cho Đại hội nhiều nhất. Tất cả đều rất quý trọng Vla-đi-mia I-lích. Người đã viết khá nhiều bài cho báo “Tia lửa”. Người đã viết cuốn sách nổi tiếng “Làm gì?” nói về việc cần phải xây dựng Đảng như thế nào; đã chuẩn bị Điều lệ và Cương lĩnh chiến đấu cho Đảng.
“Chúng ta muốn đạt được một chế độ xã hội mới, tốt đẹp hơn: trong xã hội mới, tốt đẹp hơn đó sẽ không có kẻ giàu và người nghèo, - Lê-nin giải thích, - thì mọi người đều phải làm việc.”
Vla-đi-mia I-lích đã hết sức cố gắng để tạo nên cái đó. Ngay từ khi còn ở nơi đi đày, Người đã suy nghĩ kĩ về bản Cương lĩnh và không ngừng suy nghĩ cho đến tận Đại hội.
Người muốn ở Đại hội sẽ thỏa thuận: làm thế nào đấu tranh đúng đắn hơn cho một xã hội mới, làm thế nào tiến nhanh hơn tới xã hội đó.
Từ Giơ-ne-vơ các đại biểu đi tới thủ đô Bỉ - Brúc-xen. Tại Brúc-xen đã khai mạc Đại hội lần thứ II. Đại hội đã diễn ra không phải trong hội trường rộng lớn và sáng sủa như ngày nay thường thấy. Không, không có hội trường nào cả, mà chỉ là một nhà kho chứa bột lớn thiếu tiện nghi và tối tăm. Mùi ẩm ướt bốc lên. Ban đêm chắc là có chuột cống chạy trong bóng tối.
Nhà kho được quét dọn lại cho thoáng. Bên trong có kê một diễn đàn bằng gỗ. Chiếc cửa sổ lớn được che một tấm vải đỏ. Bên dưới là những hàng ghế băng. Các đại biểu ngồi vào chỗ. Plê-kha-nốp bước lên diễn đàn. Plê-kha-nốp là người mác-xit đầu tiên của Nga. Ông là nhà bác học. Ngay từ trước Lê-nin, ông đã viết nhiều cuốn sách giải thích học thuyết cách mạng của Mác. Plê-kha-nốp long trọng khai mạc Đại hội lần thứ II của Đảng và đã đọc một bài diễn văn khá hay.
Mọi người im lặng lắng nghe. Vla-đi-mia I-lích vô cùng xúc động! Thậm chí tái mặt đi. Chỉ có cặp mắt là sáng rực. Đã từ lâu Người mơ ước về Đại hội Đảng, về sự khôi phục Đảng. Cuối cùng đã thành sự thật!
Đại hội bắt đầu làm việc. Hầu như ngay từ những ngày đầu ở Đại hội đã nổ ra cuộc đấu tranh.
Vậy thì đó là cuộc đấu tranh gì? Ai đấu tranh chống lại ai?
Vấn đề là ở chỗ, có những đại biểu không tán thành Bản cương lĩnh chiến đấu của Lê-nin.
Bản cương lĩnh đó đối với họ quá mới mẻ và táo bạo. Họ sợ cái mới. Vì vậy các đại biểu ấy liền tranh luận với Lê-nin. Nhưng Lê-nin đúng và đã hăng hái bảo vệ sự đúng đắn của mình khiến cho đa số đại biểu đứng về phía Người. Đại hội đã thảo luận Bản cương lĩnh và điều lệ Đảng, bầu Ban chấp hành Trung ương và ban biên tập báo “Tia lửa”. Tại đây đã diễn ra cuộc đấu tranh trên mọi vấn đề. Lê-nin đã đọc một bản báo cáo rất rõ ràng và đầy thuyết phục, mọi người vô cùng chăm chú lắng nghe. Tại Đại hội có ba mươi bảy phiên họp. Lê-nin đã phát biểu một trăm hai mươi lần với những bài diễn văn và lời đối đáp. Người nói rất hay! Đa số các đại biểu đều tán thành Lê-nin. Những người đó gọi là Bôn-sê-vích. Ai tán thành cách mạng của công nhân, tán thành hạnh phúc của nhân dân, tán thành Bản cương lĩnh của Lê-nin, tán thành Lê-nin thì người ấy là bôn-sê-vích. Còn những ai ở Đại hội lần thứ II chống đối Lê-nin gọi là men-sê-vích, họ thuộc phái thiểu số. Những người men-sê-vích đã xa rời cuộc đấu tranh cách mạng. Trái lại, những người bôn-sê-vích đã tập hợp lại chặt chẽ hơn xung quanh Lê-nin.
Đại hội vẫn làm việc, các phiên họp diễn ra liên tục. Nhưng bên cạnh chỗ kho chứa bột mì bắt đầu xuất hiện nhiều nhân vật khả nghi. Bọn này đi đi lại lại, rình mò. Thì ra là bọn cảnh sát Bỉ đã đoán biết những nhà cách mạng Nga đến họp mặt, chúng bí mật phái đi cả một đám đông mật thám để theo dõi. Nguy cơ đã từ từ kéo đến. Toàn thể Đại hội đành phải di chuyển đến địa điểm mới. Chuyển đến Luân Đôn. Ở đó tiếp tục làm việc. Lê-nin đã thắng. Những người bôn-sê-vích đã đứng về phía Người, họ là những chiến hữu gan dạ và nồng nhiệt của Lê-nin!.
… Ở Luân Đôn luôn luôn có mưa. Ở đây mưa nhỏ thường lây rây. Những người Luân Đôn đi dưới những chiếc ô lớn. Các đường phố đầy những ô là ô. Trong chốc lát gió từ eo biển Măng-sơ thổi tới, quét sạch những đám mây đen kịt trên bầu trời, mây xanh lé ra, mặt trời chiếu sáng. Rồi lại mưa.
Vào một ngày ẩm ướt như vậy sau Đại hội, khi tia nắng lóe lên trong chốc lát rồi lại ẩn vào những đám mây đen, Lê-nin nói:
- Các đồng chí! Hai mươi năm trước tại nơi đây, tại Luân Đôn, Các Mác đã từ trần. Chúng ta nên đi viếng mộ Mác vĩ đại.
- Đi thôi, - những người bôn-sê-vích tán thành.
Họ cùng đi tới nghĩa địa. Nghĩa địa nằm ở phía bắc Luân Đôn trên một quả đồi cao. Từ quả đồi đó có thể nhìn Luân Đôn với một tầm khá xa. Những tòa nhà đen sẫm vì muội than, những mái nhà màu thẫm, những ống khói nhà máy.
Trên ngôi mộ của Mác có đặt một tấm bia bằng cẩm thạch trắng, như lồng trong khung cỏ xanh rực rỡ.
Một bụi hoa hồng ở phía đầu. Những cánh hoa rủ xuống vẻ buồn rầu. Mưa rắc xuống. Những chiếc ô đen từ từ chuyển động trên các đường phố.
- Các đồng chí, - Lê-nin bỏ mũ, nói khe khẽ. - Mác vĩ đại là người thầy của chúng ta. Chúng ta thề trước anh linh Mác, sẽ trung thành với học thuyết của Người, - và nói thêm: - Chúng ta không bao giờ ngừng đấu tranh. Tiến lên, các đồng chí. Chỉ có tiến lên.