Cuộc đời của Lê-nin - Chương 34 - 35 - 36

CUỘC GẶP GỠ Ở XTỐC-KHÔM

Vla-đi-mia I-lích bước ra khỏi thư viện. Chẳng còn thiếu thư viện nào Người không đến làm việc! Thư viện Muy-ních, Giơ-ne-vơ, Duy-rích, Luân Đôn, Pa-ri, Cô-pen-ha-gơ! Và giờ đây là thư viện Xtốc-khôm. Đó là năm 1910, Vla-đi-mia I-lích lại tới thủ đô Thụy Điển Xtốc-khôm. Nhưng bây giờ tới với lý do đặc biệt, hoàn toàn đặc biệt.

Người bước đi nhanh nhẹn và vui mừng trên các đường phố mùa thu của Xtốc-khôm.

Người đi đâu thế? Người sắp báo cáo ở Câu lạc bộ nhân dân. Người đi tới chỗ báo cáo. Vla-đi-mia I-lích có tới hàng chục lần phải báo cáo ở các thành phố khác nhau trước công nhân và đảng viên. Vì sao hôm nay Người vui vẻ thế? Người đưa cặp mắt thân ái nhìn xung quanh, ngắm nhìn cuộc sống xa lạ của Thụy Điển đang chuyển động. Một thành phố không lớn, sạch sẽ và gọn gàng với những đường phố hẹp quanh co. Những cung điện của nhà vua, những chiếc cầu bắc qua các kênh đào, những công viên nhỏ, vườn hoa, những đàn quạ đen bay xung quanh các gác chuông, những chiếc xe ngựa đi chầm chậm trên các quảng trường - tất cả những cái đó đã từ lâu quen thuộc đối với Vla-đi-mia I-lích. Nhưng hôm nay chúng làm cho người mỉm cười.

Người nhìn thấy một cô gái bán hoa. Lẵng hoa hồng màu đỏ và màu vàng đặt ở cạnh chân cô gái trẻ.

- Cho tôi mua chỗ hoa hồng đỏ này. Merci. Cảm ơn cô.

Vla-đi-mia I-lích đi đến chỗ báo cáo của Đảng, cầm theo bó hoa. Có kỳ lạ không?

Nhưng đây là Câu lạc bộ nhân dân. Hôm nay ở đây, ở một trong những gian phòng sẽ tụ tập đông đủ những người bôn-sê-vích Nga sống lưu vong.

- Lê-nin! Lê-nin! - những tiếng reo hò thân ái đón chào Vla-đi-mia I-lích.

Mọi người vây quanh, bắt tay Người. Đó là những người sống lưu vong chính trị từ nước Nga tới. Tất cả đều biết Lê-nin qua những cuốn sách và những bài báo. Qua những tờ báo bôn-sê-vích: lúc đầu là “Tia lửa”, sau đó là “Tiến lên”, “Đời sống mới”, “Người vô sản”. Họ biết qua các đại hội Đảng.

Ở sâu phía trong gian phòng nhỏ có hai người đàn bà ngồi. Một người đã già rồi. Bà cụ mặc chiếc áo dài đen có cổ kín và chít chiếc khăn rua đăng-ten trên mái tóc bạc trắng như tuyết. Nét mặt của bà nom thanh tú. Bà như trẻ lại và tươi tỉnh hẳn lên khi những tiếng reo hò tán thưởng nở rộ:

- Lê-nin!

Cạnh bà cụ là một cô gái, có cặp mắt đen, gò má hơi cao và trông có vẻ nghiêm nghị. Cô cũng vui hẳn lên khi Lê-nin xuất hiện. Vla-đi-mia I-lích đi lại gần họ, đặt lên lòng bà mẹ bó hoa hồng đó.

- Mẹ và em gái tôi từ nước Nga tới thăm tôi, - Người giải thích đơn giản cho những người xung quanh.

- Cảm ơn cụ đã đến đây, - một người bôn-sê-vích nói với bà mẹ. - Cụ có thể lấy làm tự hào về người con trai của cụ.

Lê-nin đứng sau chiếc bàn con, thay cho diễn đàn, bắt đầu báo cáo. Bản báo cáo khác thường. Lần đầu tiên bà mẹ nghe Người nói. Người nói với các đồng chí, những người bôn-sê-vích. Nói với mẹ. Bà là mẹ nhưng lại là người bạn của các con mình. Vì tất cả các con bà đều là những người cách mạng. Vào năm 1895, khi Vla-đi-mia I-lích bị cầm tù, bà mẹ đã đến Pê-téc-bua. “Mẹ ơi, con còn nhớ mẹ đã nhìn con qua hàng rào sắt. Cặp môi mẹ run run, nhưng mẹ vẫn mỉm cười.”

Trong bản báo cáo, Vla-đi-mia đã nói về tình hình trong Đảng. Nói về việc cần phải đấu tranh với mọi khuynh hướng không đúng đắn.

Cuộc cách mạng năm 1905 đã thất bại, nhưng không được mất tinh thần. Cần phải dũng cảm tiến lên! Chúng ta chỉ có một con đường…

Vla-đi-mia I-lích nói về con đường đấu tranh cách mạng.

Báo cáo xong, mọi người lại vây lấy Lê-nin. Vla-đi-mia I-lích phải khó khăn mới ra khỏi Câu lạc bộ nhân dân.

Trời tối. Từ cửa sổ các ngôi nhà hắt ra ánh sáng dìu dịu màu da cam và màu xanh da trời của các chụp đèn. Gió mát từ bến cảng thổi vào. Ở đâu đó vang lên tiếng nhạc.

Bà mẹ và Ma-nhi-a-sa chờ Vla-đi-mia I-lích ở ngoài đường phố.

- Mẹ ơi, con rất vui mừng vì có mẹ ở đây! - Người bỗng thốt lên.

Người muốn biết bà mẹ suy nghĩ gì về buổi tối hôm nay. Vla-đi-mia I-lích nhớ lại thời thơ ấu và bà mẹ của tuổi thơ hạnh phúc của mình. Bà luôn luôn bình tĩnh, không vội vàng và đúng mức. Suốt cả cuộc đời Vla-đi-mia I-lích chưa từng thấy một trường hợp nào Người không tán thành với mẹ về một điểm gì đó.

- Vô-lô-đi-a, con biết không, - bà mẹ nói, - mẹ đã đọc nhiều cuốn sách và bài báo của con. Mẹ rất coi trọng trí tuệ của con và những vấn đề do con nêu ra. Nhưng hôm nay mẹ càng thấy rõ mọi người yêu mến con tha thiết như thế nào.

Bà Ma-ri-a A-lếch-xan-đrốp-na và Ma-nhi-a-sa sống ở Xtốc-khôm mười ngày. Vla-đi-mia I-lích từ Pa-ri tới gặp mẹ và em. Mười ngày qua đi thật là nhanh!

Chiếc tàu thủy rời khỏi Xtốc-khôm vào một buổi sáng. Mùa thu từ từ kéo đến thành phố một cách ảm đạm, những đám mây đen kịt che kín bầu trời. Gió làm rụng lá cây, đuổi theo những lớp sóng nhỏ trên vịnh. Những chiếc thuyền áp mạnh đáy vào mặt nước. Vừa lo lắng, vừa buồn rầu.

Vla-đi-mia I-lích ôm hôn mẹ.

Hai mẹ con đều nói ít. Trái tim Vla-đi-mia I-lích như bị xé ra vì cay đắng, khi bà mẹ ôm hôn Người rồi đi lên thang tàu thủy. Bà quay lại và vẫy khăn mãi. Chiếc tàu đỗ khá lâu, nhưng Vla-đi-mia I-lích không thể lên đó. Trên tàu là lãnh thổ của Nga, luật pháp của Nga. Vla-đi-mia I-lích chỉ đặt chân lên đó là lập tức bị bắt ngay. Bà mẹ vẫy khăn.

Tiếng còi tàu giọng trầm, ngân dài trên vịnh. Con chim hải âu kêu lên một tiếng chối tai. Chiếc tàu rồi bến.

Xin từ biệt mẹ!

Người không bao giờ được gặp lại mẹ nữa…

LÀNG LÔNG-GUY-MÔ

Hàng ngàn người cách mạng sống lưu vong ở Pháp. Vla-đi-mia I-lích cũng sống và hoạt động ở Pa-ri. Nhưng đến mùa xuân năm 1911 Người cùng với Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na rời tới làng Lông-guy-mô sống suốt cả mùa hè.

Làng Lông-guy-mô ở cách Pa-ri không xa, khoảng mười lăm cây số. Một dãy phố dài hơn một cây số chạy dọc theo làng. Đêm đêm trên đường phố vang lên tiếng bánh xe bò lọc cọc. Nông dân chở thực phẩm ra chợ Pa-ri bán.

Những ngôi nhà ở Lông-guy-mô toàn bằng đá, xấu xí, đầy muội than. Muội than rắc xuống từ ống khói nhà máy da nhỏ. Ngay cả cây cỏ trong làng này bị muội than phủ lên nom cũng mờ mờ và buồn tẻ. Thực ra xung quanh là những cánh đồng xanh tươi. Nhưng Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na tới đây không phải để nghỉ ngơi. Trái lại, để làm một công việc khó khăn.

Trời hãy còn sớm. Ngoài sân gà Bắt đầu gáy rộn. Vla-đi-mia I-lích thức dậy. Căn phòng nom tối tăm và ẩm thấp ngay cả vào buổi sáng mùa hè chói chang này. Có cảm giác mặt trời vẫn chưa mọc, vì trong phòng còn mờ mờ tối.

Trong khi đó Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đã sửa soạn xong bữa ăn sáng nấu bằng bếp dầu.

- Thưa ngài, ngài ngủ quên ạ! Hạnh kiểm như vậy chỉ đáng một điểm thôi.

Vla-đi-mia I-lích vừa nhanh nhẹn đứng dậy khỏi giường, vừa tự cho điểm như vậy. Phải mau chóng giúp đỡ việc nhà. Dọn ấm chén và bát đĩa ra bàn. Bình đựng đường…

- Ối! - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na bỗng kêu lên.

Bình đựng đường tuột khỏi tay Người. Vla-đi-mia I-lích khéo đỡ lấy!

- Kém gì người làm xiếc?

- Ba điểm, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đáp.

Sao mà họ cứ hay nói tới điểm một và điểm ba như vậy! Phải chăng Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đã trở thành giáo viên?

Mùa hè năm đó ở Pháp nóng không thể chịu được! Từ sáng sớm trời đã nắng như thiêu như đốt. Con chó xồm giữ nhà nằm trong bóng râm dưới hàng rào ngoài đường phố. Nó thè lưỡi và thở hồng hộc…

- Nóng ư hở chó? - Vla-đi-mia I-lích vỗ vỗ con chó với vẻ âu yếm. - Chào bác! - Người chào bác thợ thuộc da mà vợ chồng I-lích thuê hai căn phòng tối tăm ở ngôi nhà ngói mờ mờ tối nay.

Hôm đó là ngày chủ nhật. Bác thợ ngồi bên hàng rào, đặt hai cánh tay gân guốc lên đầu gối. Bác có khuôn mặt hẹp và gầy. Bộ ria màu tro buông thõng xuống phía dưới. Trông bác ta có vẻ mệt mỏi và kiệt sức!

Chiếc xe ngựa đệm lò xo và tấm chắn đánh véc-ni đi ngang qua trên đường phố. Một mụ đàn bà che ô rua đăng-ten đi cùng với lũ trẻ xinh xắn và ăn mặc bảnh bao đang ríu rít. Bác thợ vội đứng dậy, cúi rạp xuống chào. Mụ đàn bà gật đầu.

- Vợ ông chủ đấy, - người thợ thuộc da nói vẻ kính cẩn.

- Đấy, chính những kẻ đó mới tha hồ nghỉ ngơi, - Vla-đi-mia I-lích nói mỉa.

Bác thợ im lặng, vuốt bộ ria buông thõng xuống và đáp với giọng quy phục:

- Chúa đã sinh ra kẻ giàu và người nghèo. Có nghĩa là cần phải như vậy.

Tiếng chuông ngân vang xiên qua đường phố. Cửa nhà thờ đã mở để đón lễ ngày chủ nhật. Bác thợ làm dấu thánh và đi về phía nhà thờ, miệng nói lúng búng:

- Chúa đã tạo ra thế giới, lẽ nào chúng ta có quyền phán xử?

- Có-ó… - Vla-đi-mia I-lích đáp giọng kéo dài và trầm ngâm.

- Monsieur(1), - chú bé láng giềng người Pháp hỏi, - chắc là ông có đi tắm sông Xen chứ?

(1)Ông, ngài(tiếng Pháp) - N.D.

- Không, chú bạn nhỏ ạ, không tắm.

- A, cháu biết rồi, cháu biết rồi, - chú bé người Pháp gật đầu, - ông đi đến trường học của ông. Ông dạy cả vào các ngày nghỉ.

Trường học của Lê-nin ở tít đầu kia dãy phố Lông-guy-mô thật khác thường. Nhìn vẻ ngoài, nó không giống trường học. Ngày trước ở đây là quán trọ. Ở sâu trong sân có nhà kho rộng. Trên đường đi Pa-ri những chiếc xe ngựa chở khách thường dừng ở đó. Những người đánh xe nghỉ ngơi và hút thuốc, cho ngữa ăn. Nhưng chuyện đó xảy ra đã lâu rồi…

Mùa xuân năm 1911 Vla-đi-mia I-lích thuê căn nhà kho để làm trường học. Học trò dọn sạch rác rưởi. Lấy ván đóng một chiếc bàn đủ cho mười tám chỗ ngồi. Mượn ghế đẩu và ghế tựa cũ của dân - và thế là khai trường.

Vậy thì học trò học ở đó là những người như thế nào? Học trò là những công nhân Nga. Họ bí mật tránh bọn hiến binh Nga hoàng từ các thành phố khác nhau của nước Nga tới đây để học tập. Còn thầy giáo là Vla-đi-mia I-lích, Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na và một vài đồng chí nữa.

Học trò ngồi vào bàn khi Vla-đi-mia I-lích tới lớp học. Họ đứng dậy chào khi thầy giáo bước vào. Nhưng có điều buồn cười là: tất cả đều đi chân đất. Họ đi chân đất bởi vì cái nóng ở Lông-guy-mô không sao chịu nổi.

Đó là những thanh niên ham hiểu biết và có tài năng. Họ thích những giờ học và những bài giảng của Vla-đi-mia I-lích! Bao giờ Người cũng biết gây hứng thú ngay từ câu đầu.

- Chúa đã sinh ra kẻ giàu và người nghèo. Có nghĩa là cần phải như vậy, - Vla-đi-mia I-lích hôm nay đột nhiên bắt đầu giờ học như thế đó.

Nụ cười tinh nghịch hiện trên cặp môi Người, cặp mắt cũng cười. Mọi người đều im lặng với vẻ ngạc nhiên. Thật là một sự im lặng tuyệt đối.

- Một thợ thuộc da người Pháp đã nói với tôi câu đó, - Vla-đi-mia I-lích giải thích sau khi tạm ngừng.

Học trò bắt đầu ồn ào:

- A! Ra thế chứ! Đó là lập luận của kẻ nhu nhược, đó không phải là của người chiến sĩ.

- Người Pháp của đồng chí rất lạc hậu, Vla-đi-mia I-lích ạ! Cần đưa anh ta tới trường của chúng ta để chúng tôi tẩy não cho.

Một học trò đứng dậy nói:

- Tôi cũng là thợ thuộc da, nhưng tôi nghĩ những luật lệ của Chúa không thích hợp với chúng ta. Cần phải tiêu diệt bọn giàu có và xây dựng xã hội mới.

- Đúng! - mọi người xung quanh nói.

Giờ học diễn ra ồn ào. Nhưng Vla-đi-mia I-lích thích thế.

- Có nghĩa là không nhất thiết phải có kẻ giàu và người nghèo, - Vla-đi-mia I-lích đỡ lời.

Rồi Người chuyển sang bài chính trị kinh tế học một cách khéo léo và đơn giản. Đó là bộ môn rất quan trọng nói về sự phát triển sản xuất của xã hội.

Vla-đi-mia I-lích dạy cho công nhân chủ nghĩa Mác. Công nhân cần phải có học thức, thông minh và am hiểu nhiều. Và trước hết cần phải hiểu biết chính trị.

Có lẽ nào một người như người thợ thuộc da Pháp, miệng nói lúng búng: “Xin Chúa rủ lòng thương!” và không biết cái gì khác, lại có thể đấu tranh cho cách mạng ư? Và ở nước Nga của chúng ta không ít những công nhân lạc hậu như vậy. Sự lạc hậu không thể là trợ thủ cho cuộc đấu tranh cách mạng được.

- Công nhân cần phải học tập! - Vla-đi-mia I-lích nói.

Vì vậy mà Người tổ chức trường Đảng ở Lông-guy-mô. Học trò học ở đó bốn tháng rồi trở về, đem đến cho giai cấp công nhân Nga niềm tin cách mạng của mình và kiến thức.

Làng Lông-guy-mô của Pháp, một làng bình thường, không đẹp lắm, giờ đây trở nên nổi tiếng đối với tất cả mọi người, bởi vì ở đó có trường Đảng đầu tiên của Lê-nin.

BIẾN CHIẾN TRANH ĐẾ QUỐC THÀNH NỘI CHIẾN

- Trời ơi, tin sao được chúng ta đã thoát khỏi tai họa khủng khiếp này!

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nhìn Vla-đi-mia I-lích. Người ở đây, ở bên cạnh bà, chứ không phải ở trong tù! Người vẫn còn sống, trong cặp mắt có những tia sáng, bên cặp môi có những nếp nhăn của một nụ cười. Tuy cơn tai họa đã qua rồi, nhưng trong đáy lòng bà vẫn cảm thấy thật là khủng khiếp.

- Gạt khỏi đầu óc cái giấc mơ không tốt lành ấy đi, - Vla-đi-mia I-lích đáp. - Na-đi-u-sa, ngắm nhìn thành phố Béc-nơ mùa thu đi nào.

Rồi Người mở toang cửa sổ ra. Ánh sáng màu da cam của những chiếc lá mùa thu tràn vào cửa sổ. Họ đang ở Béc-nơ, thủ đô của Thụy Sĩ, trong không khí tự do. Thế mà vừa mới đây thôi Vla-đi-mia I-lích ngồi sau song sắt nhà tù. Chuyện đó xảy ra ở Pô-rô-nin.

Pô-rô-nin, một thành phố nhỏ của Ba Lan hoặc đúng hơn, một thị trấn nhỏ, lúc đó thuộc quyền lực của bọn Áo. Ngày 1 tháng tám năm 1914 nước Đức đã tuyên chiến với nước Nga. Và khối đồng minh Áo-Hung của Đức cũng tuyên chiến với nước Nga. Còn nước Pháp và nước Anh thì tuyên chiến với khối đồng minh Áo-Hung và Đức.

Cuộc chiến tranh thế giới bắt đầu.

Hàng ngàn phụ nữ - Nga, Đức, Pháp, Anh, Áo, Hung - ôm chồng con khóc lóc. Có thể đây là lần cuối cùng. Trên các con đường sắt của nước Nga chuyên chở súng ống và những mu-gích(1) từ các tỉnh Ri-a-dan, Tu-la, I-a-rô-xláp tới các trận địa. Cuộc chiến tranh này nhằm mục đích gì, để làm gì? Không ai rõ. Chỉ có bọn cầm quyền là rõ. Nhưng con cái bọn cầm quyền không bị chở trên các toa hàng, không bị lùa đi giết như súc vật. Chỉ có nông dân và công nhân bị lùa đi.

(1)Tên gọi người nông dân Nga trước cách mạng - N.D.

Ngay vào những ngày đầu chiến tranh, bọn hiến binh Áo ở Pô-rô-nin đã bắt Lê-nin. Một người Nga. Luôn luôn viết cái gì đó. Gửi cái gì đó về nước Nga. Có nghĩa là gián điệp. Bằng chứng đâu? Ở đó cần quái gì bằng chứng! Bọn hiến binh đã quyết định gián điệp là gián điệp.

Tội đó có nguy cơ tử hình. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đã trải qua biết bao nhiêu đau khổ tuyệt vọng! Suốt hai tuần lễ tính mạng của Vla-đi-mia I-lích như treo trên sợi tóc. Các đồng chí đã tìm được lối thoát. Họ ra sức cầu khẩn, đấu tranh cho Lê-nin. Và đã cứu được Lê-nin thoát khỏi nhà tù. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na hình như không tin rằng Người đã được trả lại tự do. Bà sờ vai, nắn ngực Người. Vẫn còn nguyên ư? Vẫn còn sống ư? Tai họa đã qua đi.

- Chúng ta hãy quên đi, - Vla-đi-mia I-lích nói và lấy tay làm điệu bộ như gạt đi.

Hôm qua họ mời từ Pô-rô-nin tới Béc-nơ, thủ đô nước Thụy Sĩ trung lập. Nước Thụy Sĩ không tham chiến. Ở đây cuộc sống diễn ra bình thường. Các bà mẹ không khóc, không phải khiếp sợ.

- Nhanh nhanh lên, Na-đi-u-sa thân yêu! - buổi sáng Vla-đi-mia I-lích giục.

Họ vội vàng ăn sáng, thụ dọn bát đĩa và đi ra khỏi nhà. Khi họ bước ra đường phố, ở các nhà thờ vẫn đang làm lễ Mi-xa buổi sáng. Tiếng chuông vang lên thánh thót trên thành phố Béc-nơ. Béc-nơ là một thành phố rộng rãi, yên tĩnh, có những tòa nhà cổ kính, những chiếc cầu bắc qua sông A-a-ra và những đài kỷ niệm. Trên chiếc huy hiệu của thành phố Béc-nơ có vẽ hình con gấu. Và trên nhiều ngôi nhà có vẽ hình con gấu màu nâu đứng tựa trên hai chân sau. Ngoài ra, ở Béc-nơ có cái khe, luôn luôn có gấu thực. Người tới đây xem lúc nào cũng đông như kiến.

Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đi trên đường phố đi-xten-véc mất khoảng mười phút, và thành phô đến đây là hết. Bắt đầu là rừng cây màu vàng óng và sặc sỡ, bởi vì đang là tháng chín. Rừng tháng chín bắt đầu ngay ở ngoại ô. Rừng leo lên núi, từ đồi nọ sang đồi kia, càng ngày càng cao và dốc. Tha hồ dạo bước trên con đường mòn của núi giữa những hàng cây dẻ to tướng và cây lạc diệp tùng. Leo cao nữa, cao mãi!

Đứng lại. Vla-đi-mia I-lích dừng lại.

- Ở đây phải không, Na-đi-u-sa? - Vla-đi-mia I-lích hỏi khi nhận ra những dấu hiệu cần phải rẽ vào đó. Họ nhảy qua một cái rãnh. Đi thêm hai chục bước nữa. Lấy tay vạch các bụi cây - và trước mắt là khu rừng thưa. Có mấy người nằm trên đó, trải áo vét và áo mưa lót dười.

- Chào các đồng chí! - Vla-đi-mia I-lích nói.

Ở phía sau có tiếng cành cây nhỏ kêu rắc rắc. Những cành thông đu đưa. Một chiếc đầu thò ra. Từ chỗ rừng rậm thêm một người nữa bước ra, tay xách cái lẵng nhỏ mà những người Béc-nơ thường dùng để mang thức ăn sáng khi đi chơi tập thể ra ngoại ô.

Có thể, những người này sửa soạn cho cuộc đi chơi tập thể cũng nên? Môt ngày tuyệt đẹp. Bầu trời trong sáng mát mẻ. Khu rừng mới yên tĩnh làm sao!

Nhưng ở khu rừng thưa này không phải là cuộc đi dạo chơi tập thể. Hôm qua, sau khi từ trên tàu xuống Béc-nơ, Vla-đi-mia I-lích đã báo tin cho một người bôn-sê-vích Nga sống lưu vong mà Người có quen biết. Người đó đã truyền tin cho nhau. Trong một buổi chiều tin đã truyền đi các ngả:

- Các đồng chí, sáng ngày mai tập trung tại khu rừng Béc-nơ.

Những người bôn-sê-vích đã tập trung đúng giờ qui định. Mọi người đều muốn nghe Lê-nin nói.

- Chiến tranh đã đổ xuống đầu nhân dân Nga và các dân tộc khác, - Vla-đi-mia I-lích nói. - Cuộc chiến tranh đó có lợi cho ai? Cho bọn tư bản. Bọn tư bản vớ được bạc tỷ trong cuộc chiến tranh này? Chúng muốn chiếm các thị trường mới để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Trong khi đó chúng lừa dối binh lính và công nhân, nói rằng: hãy bảo vệ Tổ quốc. Thực ra đó không phải là bảo vệ Tổ quốc, mà là bảo vệ lợi ích của bọn tư bản. Cần phải giải thích cho binh lính, công nhân, nông dân rằng vũ khí nằm trong tay họ. Binh lính và những người vô sản của tất cả các nước, hãy quay súng chống lại bọn vua chúa và bọn tư bản nước mình. Hãy làm cách mạng. Đả đảo cuộc chiến tranh phi nghĩa. Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến.

Đấy, Lê-nin đã nói những gì tại khu rừng Béc-nơ. Và người viết các bài báo về cái đó gửi về nước Nga cho những người bôn-sê-vích.

Những người bôn-sê-vích bí mật phổ biến ở ngoài mặt trận, giữa đám binh lính và công nhân. Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến.

Anh em binh lính đọc và suy nghĩ. “Còn đợi gì không quay súng bắn luôn vào bọn chủ xưởng và địa chủ? Phải lật đổ Nga hoàng. Và bắt đầu sống theo lối mới.”