Cuộc đời của Lê-nin - Chương 32 - 33
NHỮNG CUỘC GẶP GỠ BÍ MẬT
Đoàn tàu tốc hành từ nhà ga Ni-cô-lai-ép rời đi Pê-téc-bua. Chỉ còn bốn phút nữa thì tàu chạy. Hành khách ngồi vào chỗ. Những tốp nhỏ ra tiễn đứng tụ lại cạnh những bậc lên xuống các toa tàu. Cạnh toa cuối có hai tên mật thám đứng.
- Không thấy… - một tên, có bộ ria màu hung xoắn lại như hai bánh xe con rẽ ngoặt, thở dài nói.
- Chắc là đến phút cuối cùng hắn sẽ tới, chúng ta phải theo dõi cho kĩ, - tên thứ hai đáp.
Hai tên nhìn chòng chọc từ dưới những chiếc mũ kéo sụp xuống thấp. Trên sân ga xuất hiện thêm hai hành khách nữa. Một người vạm vỡ, đeo cặp kính xanh, xách chiếc va-li và cái hộp màu vàng dùng khi đi đường - những cái hộp này được chế tạo rất đúng mốt ở Phần lan. Người thứ hai ăn mặc đỏm dáng, mặc áo bành tô kẻ ô vuông.
- Buổi sáng hôm nay đi trượt tuyết một lát thì thật là tuyệt! - khi đi ngang qua hai tên mật thám, người mặc áo bành tô kẻ ô vuông vui vẻ nói. - Cả ngày hôm nay tôi thấy chân tay bồn chồn, ngoài trời đầy băng tuyết và giá lạnh mới thú vị làm sao!
Người hành khác kéo kính xanh đáp lại câu gì đó. Hai tên mật thám không nghe được. Đầu óc chúng căng thẳng: người mà chúng săn đuổi chưa thấy xuất hiện. Còn người đeo kính xanh này là ai? Chắc không phải là người chúng chờ đợi, nhưng đáng khả nghi… không được bỏ lỡ. Hai tên mật thám chạy theo người hành khách đeo kính xanh.
Nhưng tàu đã chuyển bánh. Người hành khách đeo kính xanh xách chiếc va-li và chiếc hộp màu vàng, nhảy lên bậc toa. Người ăn mặc đỏm dáng ở lại. Hóa ra là người đi tiễn.
- Thế là lại xôi hỏng bỏng không rồi, - một tên mật thám buồn rầu nói. - Người ta đã báo cáo với cấp trên rằng hôm nay hắn định đi Pê-téc-bua. Thế mà chẳng thấy. Ảnh hắn đây này, hình như ở ga chẳng có ai giống cả.
Tên mật thám rút chiếc ảnh trong túi ra. Trên đó hiện ra bộ mặt có gò má hơi cao, vầng trán rộng và cặp lông mày gãy nheo lại vẻ giễu cợt.
- Lê-nin U-li-a-nốp. Từ Giơ-ne-vơ về nước Nga, hắn đã đi tới những chỗ khởi nghĩa của công nhân. Hắn là tên đầu sỏ của họ. Có lệnh nhất định phải bắt hắn bằng được. Ngày mai chúng ta sẽ đến rình, - tên mật thám vừa nói vừa cất chiếc ảnh đi.
Trong khi đó đoàn tàu tốc hành đã chạy rất nhanh băng qua đêm tối đầy sao, tỏa ra trên các ngọn cây những đám khói làm cay mắt. Rừng phủ đầy tuyết, im lặng và hiu quạnh, chạy dài dọc theo đường ray.
Đoàn tàu vẫn phóng nhanh. Cặp mắt của đầu tàu sáng rực. Tiếng bánh xe nện trên đường ray xành xạch…
Sáng sớm hôm sau tới Pê-téc-bua người đeo kính xanh liền thuê xe ngựa và một lát sau đã về tới nhà - ngôi nhà ở góc giữa hai thành phố Ba-xây-nai-a và Na-đê-giơ-đin-xcai-a, gần trung tâm thành phố. Liệu đây có phải là ngôi nhà của mới tới không? Một căn buồng nho nhỏ. Một chiếc giường sắt có phủ chiếc chăn mỏng kê sát tường, một chiếc bàn nhỏ kê cạnh cửa sổ con và một chiếc ghế tựa. Không có người ở, bỏ trống.
Người mới tới bỏ kính ra, nhét vào va-li. Lấy tờ giấy ở chiếc hộp màu vàng, lập tức ngồi vào bàn và cặm cụi viết.
Một giờ sau ở ngoài cửa có tiếng gì kêu lách cách. Chiếc chìa khóa xoay trong lỗ khóa. Cánh của mở. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na, đi bao tay bằng bông, đội mũ lông, bước vào.
Vla-đi-mia I-lích đứng phắt dậy.
- Na-đi-u-sa thân yêu!
- Ở Mát-xcơ-va chúng nó có săn đuổi anh không? - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na lo lắng hỏi.
- Còn phải nói! - Vla-đi-mia I-lích mỉm cười.
Cố giấu sự lo lắng, Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na bắt đầu lục va-li. Chiếc kính xanh? Để làm gì?
- Cuộc khiêu vũ trá hình đấy. - Vla-đi-mia I-lích đáp. - Nhờ cặp kính xanh đó anh đã đánh lừa được các ngài mật thám, Na-đi-u-sa ạ!
Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đã bí mật từ Giơ-ne-vơ trở về nước. Họ sống tách biệt ở Pê-téc-bua, theo giấy thông hành của người khác. Họ bít mật gặp nhau. Những cuộc gặp gỡ thường ngắn ngủi và vội vàng.
Bây giờ Vla-đi-mia I-lích vội kể về những sự kiện ở Mát-xcơ-va. Những sự kiện lớn lao, chưa từng thấy! Người đã đi tới Mát-xcơ-va để thảo luận những sự kiện đó với các đồng chí.
Những sự kiện đó được bắt đầu vào tháng mười. Mở đầu là cuộc bãi công của đầu mối đường sắt Mát-xcơ-va. Các nhà máy khác của Mát-xcơ-va cũng bãi công. Tàu điện và xe ngựa chạy trên đường ray ngừng hoạt động. Điện tắt. Hệ thống ống dẫn nước bị đóng lại. Toàn bộ Mát-xcơ-va của công nhân đã bãi công. Phong trào này lan ra các thành phố khác. Chiếm lấy các làng mạc.
Để dập tắt cuộc cách mạng, Nga hoàng đã ra bản tuyên ngôn. Bản tuyên ngôn hứa cho công nhân quyền tự do. Nhưng đó là sự lừa bịp. Công nhân đã biết: không thể tin Nga hoàng, công nhân vẫn còn nhớ vụ tàn sát hồi tháng giêng cạnh Cung điện Mùa đông ở Pê-téc-bua.
Thế là ngày 7 tháng chạp năm 1905, hồi 12 giờ trưa, Mát-xcơ-va lại nổ ra bãi công. Chính phủ liền phái quân đội tới đàn áp những người tham gia bãi công. Những đội công nhân vũ trang bắt đầu hành động. Trên các đường phố, quảng trường và đại lộ, ở các nhà máy và công xưởng đã dựng lên các ụ chiến đấu.
Các lực lượng chính của công nhân khởi nghĩa đã chốt ở Prê-xna. Đó là khu công nhân. Ở đây có nhiều nhà máy và công xưởng. Xô-viết đại biểu công nhân đã được thành lập. Chính quyền công nhân đã được thiết lập.
Chính phủ Nga hoàng vội vàng đưa đến Mát-xcơ-va các trung đoàn bộ binh, kỵ binh, pháo binh và các đơn vị lính Cô-dắc. Đại bác của Nga hoàng đã thiêu đốt cả vùng Prê-xna. Những ngôi nhà gỗ của công nhân bốc cháy rừng rực.
Các trận đánh đã kéo dài mười ngày. Công nhân và những người bôn-sê-vích đã chiến đấu anh dũng. Nhưng đại bác của Nga hoàng đã đàn áp dữ dội cuộc khởi nghĩa.
Vậy thì công nhân có cần cầm lấy vũ khí chiến đấu không?
- Không! - bọn men-sê-vích nói.
- Không cần, - Plê-kha-nốp khẳng định.
Ở nước Nga những trận chiến đấu cách mạng đã nổ ra ồ ạt, nhưng Plê-kha-nốp càng ngày càng xa rời những người bôn-sê-vích.
- Cần phải khởi nghĩa, - Lê-nin nói dứt khoát. - Công nhân cần phải cầm lấy vũ khí chiến đấu. Giai cấp công nhân cần phải xuất trận.
Bây giờ, khi ở trong gian phòng nhỏ khóa chặt, Vla-đi-mia I-lích thì thầm kể lại tất cả những chuyện đó cho Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na. Vì Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na là bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách các địa điểm họp kín, nắm các đầu mối liên lạc của Đảng, các cuộc gặp gỡ giữa những người bôn-sê-vích. Bà là người giúp việc gần gũi nhất của Lê-nin.
Và họ nhớ lại, nhớ lại một cách cay đắng người đồng chí thân yêu của họ là Ni-cô-lai Ba-u-man. Cùng với Lê-nin, Ba-u-man đã chuẩn bị việc xuất bản báo “Tia lửa”. Đã chuyển báo “Tia lửa” qua biên giới vào nước Nga. Bọn hiến binh đã lùng bắt ông, giam vào nhà tù. Ông đã chạy trốn. Và lại hoạt động cho Đảng một cách gan dạ và hào hứng. Rồi ông lại bị bỏ tù.
Tháng mười năm 1905 Ba-u-man đã được phóng thích. Nhưng qua mấy ngày sau, trong lúc biểu tình, một tên giết người thuê đã dùng một mảnh ống gang đánh chết Ba-u-man.
Hàng ngàn công nhân Mát-xcơ-va đã đi đưa đám người bôn-sê-vích, người cách mạng, người anh hùng. Một con người dũng cảm, đẹp đẽ, trong sạch…
- Đảng ta mạnh vì có những con người như thế, - Vla-đi-mia I-lích nói.
Lê-nin đứng dậy, lại gần cửa sổ. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na cũng đứng cạnh người:
- Trông kìa, Vô-lô-đi-a.
Đứng đối diện với cửa sổ, ở bên kia đường phố, là một người đội mũ lông và quấn chiếc khăn quàng cổ sặc sỡ, trông bề ngoài rất lịch thiệp, nhưng cứ đứng im như tượng. Một người khác rảo bước đi trên vỉa hè. Vla-đi-mia I-lích và Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na theo dõi hai người đó một lúc.
- Cần phải thay đổi chỗ ở, - Vla-đi-mia I-lích nói.
Lê-nin cầm bài báo trên bàn vừa mới viết xong, đưa cho Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na. Bà lặng lẽ giấu vào trong áo sơ-mi. Vla-đi-mia I-lích đẩy chiếc hộp màu vàng vào gầm giường…
- Chỉ cầu mong sao thoát khỏi, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nói.
Bà lo lắng cho Vla-đi-mia I-lích.
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều có nguy cơ đe dọa. I-lích có thể sẽ bị bắt, bị giam vào nhà tù, bị đày đi khổ sai suốt đời.
Nhưng bà không hề nói một lời nào về những nỗi lo âu của mình, mà chỉ nói rằng các đồng chí đang chờ đợi Vla-đi-mia I-lích ở một địa điểm. Chính vì cái đó mà bà tới gặp Người ở phố Ba-xây-nai-a. Cũng vì cái đó mà cần phải mau mau rời khỏi nơi đây, bởi vì bọn tay chân đang rình mò ở khắp mọi nơi. Họ khoác tay nhau bước ra khỏi nhà và không đi về phía tay trái là nơi họ cần đi, mà đi ngược chiều. Vla-đi-mia I-lích với vẻ ngoài lịch thiệp đã mở đầu câu chuyện về buổi hòa nhạc. Hôm nay đi nghe hòa nhạc thì thật là tuyệt. Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na gật đầu tán thành. Nhưng chính bà vẫn liếc nhìn xem hai tên mật thám làm gì. Tên quàng chiếc khăc sặc sỡ vẫn đứng im không nhúc nhích. Tên kia sốt ruột chạy lăng xăng.
- Bác đánh xe ngựa! - Vla-đi-mia I-lích gọi.
Chiếc xe ngựa đi ngang qua dừng lại. Đứng cách hai tên mật thám mấy bước, Vla-đi-mia I-lích để người bạn đường của mình lên xe trược tuyết, rồi ngồi lên đó.
- Cho đi tới phố Xa-đô-vai-a! - Vla-đi-mia I-lích nói không cần suy nghĩ. Và nó nhỏ với Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na bằng tiếng Đức: - Còn hai thằng ngốc này thì cầu trời thật rét và có thêm bão tuyết nữa để cho tụi chúng nó chết cóng.
Chưa đến phố Xa-đô-vai-a, họ đã xuống xe và lẩn vào một cái sân ăn thông với một sân khác rất quen thuộc với Vla-đi-mia I-lích vào những năm sống ở Pê-téc-bua trước đây. Rồi họ đi tới đảo Va-xi-li-ép-xki. Nếu như có ai theo dõi họ thì cần phải đánh lạc hướng… Họ đi lang thang. Một ngày tháng giêng, không bình thường đối với Pê-téc-bua, trời trong sáng và nắng ráo. Khắp nơi đều trắng xóa. Tuyết lấp lánh. Giá lạnh làm buốt má.
- Anh rất nhớ màu trắng này của tuyết! - Vla-đi-mia I-lích bỗng thốt ra với vẻ xúc động.
- Mùa đông của chúng ta. Mùa đông của nước Nga! - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đáp lại.
Họ rất lấy làm sung sướng, mặc dù tình cờ được đi bên nhau trong chốc lát.
Đến gần tối, vào đúng giờ đã định, vì tin chắc rằng không có mật thám theo dõi, Vla-đi-mia I-lích đã đi tới địa điểm do Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na chỉ dẫn. Những người bôn-sê-vích và những công nhân tiến bộ của Pê-téc-bua đã tụ tập, chờ đợi lời phát biểu của đồng chí Lê-nin.
LẠI LÁNH RA NƯỚC NGOÀI
Suốt hai năm những đống lửa của các cuộc khởi nghĩa của công nhân và nông dân đã bùng cháy khắp nước Nga. Hai năm ấy bọn cầm quyền Nga hoàng đã đàn áp cuộc cách mạng trong nước. Và bắt đầu đợt trấn áp: bắt bớ, tù đày, tử hình…
Vla-đi-mia I-lích sống ở gần Pê-téc-bua, ở Phần Lan. Ở đây Người biên tập và xuất bản tờ báo không hợp pháp của những người bôn-sê-vích, báo “Người vô sản”. Từ nơi đây Người giữ liên lạc thường xuyên với Trung ương bôn-sê-vích ở Pê-téc-bua. Còn Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na hầu như tuần nào cũng đi tới Pê-téc-bua với những nhiệm vụ Đảng, do Lê-nin trao cho.
Một hôm bà từ Pê-téc-bua trở về với tâm trạng rất buồn rầu. Bọn cầm quyền Nga hoàng đang điên cuồng chống lại Vla-đi-mia I-lích. Chúng cầm một cuốn sách nhỏ của Người, quyết định đưa Lê-nin ra tòa vì cuốn sách đó. Và thu hồi một cuốn sách nhỏ khác. Khắp các sở hiến binh tung đi lệnh:
“Lùng bắt Lê-nin lãnh tụ bôn-sê-vích!”
- Chúng sẽ tìm đến anh mất thôi, tất cả bọn cảnh sát đều được lệnh báo động, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na buồn rầu nói.
Vào thời kỳ đó nước Phần Lan bị chính quyền Nga hoàng cai trị, bọn cảnh sát Nga hoàng dễ dàng đi sục sạo khắp đất nước Phần Lan. Chính vì vậy, chúng sẽ tìm ra tung tích Lê-nin.
Trung ương bôn-sê-vích quyết định: Lê-nin cần phải lánh ra nước ngoài. Báo “Người vô sản” sẽ xuất bản ở nước ngoài.
- Tạm biệt, I-lích thân yêu, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na chào từ biệt. - Chúng ta sẽ gặp nhau ở Thụy Điển.
Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na sẻ tới Xtốc-khôm, thủ đô của Thụy Điển, chậm hơn một chút. Bây giờ Vla-đi-mia I-lích đi một mình.
Lúc đó là tháng chạp năm 1907. Chuyến xe lửa đi từ Hen-xinh-pho tới thành phố cảng A-bô của Phần Lan. Trong buồng tàu có những người Phần Lan cùng đi. Dân Phần Lan vốn lặng lẽ. Và Vla-đi-mia I-lích cũng không muốn nói chuyện. Người lại phải từ giã Tổ quốc! Trong hai năm cách mạng ở Tổ quốc, Người đã trải qua nhiều thử thách. Giờ đây cách mạng đã bị đàn áp. Nhưng giai cấp công nhân đã được tôi luyện, đã học được kinh nghiệm đấu tranh cách mạng.
Vì đang mải suy nghĩ, Vla-đi-mia I-lích không nhìn qua cửa kính buồng nên không nhận ra người đứng ngoài hành lang. Khi nhìn ra, dựa vào vẻ ngoài và cái nhìn soi mói, Người đoán được đấy là mật thám của sở cảnh sát. Chà! Vla-đi-mia I-lích đã học được cách nhận ra chúng. Tên mật thám đã theo dõi Người từ lâu - cái đó đã rõ. Chắc là ở nhà ga A-bô bọn hiến binh đang chờ đợi Vla-đi-mia I-lích. Tất nhiên tên mật thám đã đánh điện báo tin cho bọn hiến binh: hãy đón lấy mồi.
Nguy rồi! Đã đi qua ga cuối cùng trước khi đến A-bô. Sẽ không còn ga nào nữa để xuống. Đoàn tàu đang dẫn Vla-đi-mia I-lích vào thẳng tay bọn cảnh sát. Tình hình thật là bế tắc. Vla-đi-mia I-lích liếc nhìn ra ngoài cửa kính. Không thấy tên mật thám đâu cả. Chắc hắn tin rằng con mồi đã nắm chắc trong tay. Hắn đi vào buồng của hắn để nghỉ ngơi. Thật chí nguy rồi: một giờ nữa bọn chúng sẽ bắt giam Vla-di-mia I-lích vào nhà tù.
Vla-đi-mia I-lích liền đứng dậy. Chiếc va-li của Người nhỏ thôi. Người xách chiếc va-li trong tay và từ từ đi ra hàng lang. Cầu trời cho thằng mật thám đừng tỉnh dậy. Vla-đi-mia I-lích mở cửa thông ra cửa toa. Gió lạnh buốt quất vào mặt. Đoàn tàu chạy rất nhanh! Chiếc toa lắc lư: đứng không vững nữa. Vla-đi-mia I-lích đứng đợi một lát. Không dám nhảy liều. Người lắng nghe nhịp độ bánh xe nện trên đường ray. Có thể là Vla-đi-mia I-lích cảm thấy, nhưng cũng có thể đúng là đoàn tàu đã chạy chậm lại ở chỗ ngoặt. Dù sao thì cũng không còn lối thoát nào khác. Vla-đi-mia I-lích liền nhảy xuống. Thật hú vía. Người vô tình nhíu mắt lại và bỗng rơi vào đống gì xôm xốp.
Vla-đi-mia I-lích đã ngã vào một đống tuyết dày, ngã sao mà khéo vậy! Tuyết đã lọt vào đầy cổ áo và ủng, lấp kín mặt, nhưng xương cốt vẫn còn nguyên. Người vẫn lành lặn, vẫn sống! Đoàn tàu chạy ầm ầm ngang qua đống tuyết. Chiếc đèn đỏ ở toa cuối vụt qua rồi biến mất. Những tiếng động cũng biến mất ở đằng xa. Xung quanh im lặng. Tuyết. Đêm tối. Bầu trời đầy sao.
Vla-đi-mia I-lích ra khỏi đống tuyết. Rũ sạch tuyết. Rồi đi bộ dọc theo đường tàu về phía A-bô. Còn phải đi bao xa? Mười hai dặm, trên con đường xa lạ, vào giữa đêm đông. Thật là xa. Nhưng đã thoát khỏi bọn hiến binh. Còn tên mật thám kia sẽ ra sao? Vla-đi-mia I-lích hình dung tên mật thám hoảng sợ sẽ chạy lồng lộn khắp các toa lùng sục Người. Người cười chế giễu: “Bỏ lỡ rồi, ông bạn ơi, phen này người ta sẽ mắng cho ông bạn một mẻ thậm tệ!”
Bây giờ chỉ việc đi theo đường tàu tới A-bô, lên tàu thủy Thụy Điển - thế là mọi nguy cơ sẽ qua.
Nhưng Vla-đi-mia I-lích đã tới muộn hơn giờ tàu. Nguy cơ chưa phải đã qua, mà ở bên cạnh, từ bên trái, bên phải và ở khắp mọi nơi. Bến cảng nhan nhản bọn hiến binh và mật thám Nga, không thể ló mặt tới đó được. Thành phố đầy bọn hiến binh. Một đồng chí Phần Lan đã nói như vậy. Trung ương bôn-sê-vích đã giao cho đồng chí ấy tổ chức để Vla-đi-mia I-lích di chuyển từ A-bô tới Xtốc-khôm. Làm thế nào bây giờ.
Cần phải rời khỏi thành phố A-bô xa lạ - đấy là việc cần phải làm. Và phải nhanh chóng, không được chậm trễ.
Đồng chí người Phần Lan đã đưa Vla-đi-mia I-lích tới một xóm ngư dân trên bờ biển lởm chởm đá. Ở đây có hàng trăm hòn đảo, bán đảo, vịnh nhỏ. Những hòn đảo to nhỏ chạy tít ra ngoài biển khơi, và tất cả đều phủ băng tuyết. Vì đang là tháng Chạp, giữa mùa đông.
Hai người đánh cá đã đồng ý đưa Vla-đi-mia I-lích tới một hòn đảo nhỏ. Các tàu thủy Thụy Điển thường cập bến ở hòn đảo này.
Bằng cách nào?! Chẳng lẽ các tàu thủy chở khách đi trên băng ư?
Đúng, đi trên băng thật. Các tàu phá băng cắt băng ra, tạo thành một cái lạch. Cạnh hòn đảo, mà hai người đánh cá đưa Vla-đi-mia I-lích tới, đúng lúc đó vừa mới thông một cái lạch.
Đêm tối mịt mùng, có bão tuyết nhẹ. Họ đi ban đêm để mọi người không nhận ra. Ai cũng lấy làm lạ: không hiểu những người bộ hành này đi đâu và đi làm gì trên mặt băng không chắc chắn như thế này? Băng đúng là không chắc chắn thật. Ở một đôi chỗ có những vết nứt quái quỷ chạy ngoằn ngoèo. Đôi khi nước tràn cả lên phía trên. Hai người đánh cá biết rằng người Nga, mà họ đồng ý đưa tới tàu thủy, đang đấu tranh chống Nga hoàng. Dân Phần Lan rất căm ghét Nga hoàng. Nếu như có người Nga chống Nga hoàng, họ sẽ làm mọi cái cần thiết cho người đó.
Những người bộ hành lặng lẽ đi, dùng những chiếc sào dài dò đường. Họ đi im lặng. Dò dẫm từng bước một. Tuyết lạnh buốt quất vào má. Bầu trời u ám. Gió mạnh dần. Tuyết cuộn lên từng đám. Từ ngoài biển vọng đến tiếng còi tàu. Ở đó có những chiếc tàu thủy đi xuyên qua bão tuyết và bóng tối.
“Cảm ơn hai bác đánh cá, vào đêm tối xấu trời như thế này đã nhận dẫn tôi đi, - Vla-đi-mia I-lích nghĩ bụng. - Cám ơn, các đồng chí.”
Vla-đi-mia I-lích không biết rằng đi vào đêm tối xấu trời như thế này thật là mạo hiểm, gần như không thể được. Người đi lấy sào dò đường, cố không lạc hai người đánh cá ở phía trước. Đột nhiên… băng bắt đầu chuyển. Có tiếng kêu rắc rắc, tạch tạch như tiếng súng. Tảng băng lớn nghiêng đi và bắt đầu từ từ trôi dưới chân. Nước từ chỗ kẽ nứt chảy xiết. Chiếc sào của Vla-đi-mia I-lích quờ quạng, không thấy đáy đâu. Thế là hết.
Vla-đi-mia I-lích không nhớ chính xác làm thế nào Người đã thoát khỏi được. Một người nào đó đã giơ tay ra. Người vội nắm lấy, nhảy lên.
Hai người dẫn đường vỗ vào vai Người, nói bằng tiếng Phần Lan. Và bằng tiếng Đức:
- Genósse, genósse… đồng chí.
Họ vui mừng. Họ vui mừng vì đồng chí Nga đấu tranh chống Nga hoàng, đấu tranh cho số phận của nhân dân, không bị chìm dưới băng!
Vla-đi-mia I-lích đi tới hòn đảo. Chiếc tàu Thụy Điển tiếp nhận Người và đưa tới Xtốc-khôm. Vla-đi-mia I-lích sẽ chờ đợi Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na ở đó.
Thế là họ lại về ở Giơ-ne-vơ. Lại lánh ra nước ngoài.
Giơ-ne-vơ vào một ngày tháng chạp trông không có gì hấp dẫn lắm khi Vla-đi-mia I-lích cùng với người bạn trung thành của mình, Na-đi-u-sa thân yêu tới đó sau những ngày sống ở nước Nga cách mạng.
Mùa đông, nhưng không có tuyết. Chỉ có gió mạnh cuốn theo đám bụi lạnh giá dọc các vỉa hè.
Những người Giơ-ne-vơ ẩn náu ở nhà. Không nhìn thấy người ngoài đường phố. Sống ở Giơ-ne-vơ vào lúc này thật là cô đơn và không nơi nương tựa.