Cuộc đời của Lê-nin - Chương 42 - 43
NƠI ẨN NÁU KỲ LẠ
Các đồng chí Phần Lan đã thu xếp cho Vla-đi-mia I-lích ở tại một làng hẻo lánh bên cạnh những người tốt. Nhưng Người dừng chân ở đó không lâu, vì làng nhỏ này ở cách ga khoảng mười dặm, báo chí thường đến chậm, đôi khi hoàn toàn không có. Mà đối với Vla-đi-mia I-lích không có báo, chằng khác gì không có không khí. Các đồng chí đã tìm cho Người một nơi ẩn náu mới.
Ở thành phố Hen-xinh-pho của Phần Lan, cảnh sát trưởng thời đó là một người còn trẻ tên là Rô-vi-ô. Một hôm, Rô-vi-ô được gọi tới gặp viên tổng đốc. Tổng đốc là người Nga. Các nhà đương cục Pê-tơ-rô-grát giao cho y trách nhiệm theo dõi các quy chế của Phần Lan. Người Phần Lan có bộ máy điều khiên riêng của mình, nhưng bộ máy đó phải tuân lệnh thị trưởng Pê-tơ-rô-grát, vì nước Phần Lan lúc đó coi như một bộ phận của nước Nga.
- Ngài cảnh sát trưởng, mọi việc ở thành phố Hen-xinh-pho vẫn yên tĩnh chứ? - viên tổng đốc hỏi rất nghiêm khắc.
Rô-vi-ô mới ba mươi tuổi, mặc dù còn rất trẻ, nhưng giống như tất cả những người Phần Lan khác, tính tình rất điềm tĩnh và biết lẽ phải.
- Thưa ngài tổng đốc, trong thành phố to lớn như thế này đôi khi không khỏi xảy ra chuyện này chuyện nọ, - Rô-vi-ô trả lời rất có lý.
- Có vụ chính trị nào không? - viên tổng đốc cau mày hỏi, giọng nghiêm khắc hơn.
- Không, chỉ toàn những chuyện ăn cắp vặt thôi, thưa ngài tổng đốc.
Viên tổng đốc, người thẳng như cây gỗ, ưỡn vai cho thẳng hơn rồi khe khẽ nói giọng hơi dọa nạt:
- Từ Pê-tơ-rô-grát có lệnh bí mật.
- Xin tuân lệnh, - cảnh sát trưởng đáp.
- Ông có biết Lê-nin là ai không? - viên tổng đốc hỏi.
Rô-vi-ô hơi chần chừ, sờ chiếc cằm đã cạo nhẵn, sau đó trả lời rằng tất nhiên biết! Vì tất cả các báo chí đều đăng tin Chính phủ lâm thời muốn bắt Lê-nin, nhưng không sao tìm thấy.
- Có khả nghi… - Viên tổng đốc bắt đầu nói và nhìn quanh với vẻ lo ngại, mặc dù trong phòng làm việc của tổng đốc chỉ có hai người với nhau, - có khả nghi rằng Lê-nin có thể ẩn nấp ở đây, ở Hen-xinh-pho.
Rô-vi-ô im lặng nhìn chằm chằm viên tổng đốc như chờ đợi điều gì đó sẽ xảy ra.
- Ông cần phải thi hành mọi biện pháp cấp bách nhất.
- Nhất định, thưa ngài tổng đốc!
- Nếu như Lê-nin lọt vào tay ông…
- Nếu như Lê-nin lọt vào tay tôi, tôi sẽ thi hành mọi biện pháp cần thiết, thưa ngài tổng đốc.
- Có nghĩa là: Nếu bắt được Lê-nin sẽ được phần thưởng, - viên tổng đốc khuyến khích ra vẻ tử tế. - Hiểu chưa? Có thể đi được rồi đấy. Cố gắng lên.
Rô-vi-ô chào rồi rời khỏi phòng làm việc của viên tổng đốc. Những giọt mồ hôi lớn toát ra trên hai thái dương. Rô-vi-ô lấy chiếc khăn lớn kẻ ô vuông lau thái dương. Sau đó sờ túi và thở phào nhẹ nhõm.
Từ nhà viên tổng đốc ra, anh không đi thẳng tới nơi làm việc, mà đi ra ga. Đoàn tàu chở thư Hen-xinh-pho-Pê-tơ-rô-grát còn lâu mới khởi hành, nhưng đoàn toa xe đã chuẩn bị sẵn sàng. Trên sân ga, một người đưa thư thuộc đoàn tàu, vẻ mặt lạnh lùng và ngái ngủ, đứng chờ Rô-vi-ô. Hình như không có cái gì trên đời này có thể làm cho người đó ngạc nhiên. Họ đi chậm rãi dọc theo sân ga. Nắm lấy giây phút thuận tiện, Rô-vi-ô rút trong túi ra một gói và trao cho người đưa thư. Người đưa thư cầm lấy rất nhanh trong nháy mắt và nhét vào ngực áo.
- Vẫn của người đó gửi theo địa chỉ cũ, - Rô-vi-ô nói.
- Rõ, - người đưa thư đáp và trao cho Rô-vi-ô một gói khác. Rô-vi-ô cũng phải giấu rất nhanh. Sau đó họ chia tay nhau.
Nhưng ngay cả bây giờ cảnh sát trưởng cũng không đi tới nới làm việc.
- Mình có quyền dùng thì giờ ăn trưa không? - Rô-vi-ô tự hỏi. - Có chứ.
Rồi anh đi tới cửa hàng lương thực mua chục trứng, một phần tư phun(1) bơ và bánh mì trắng.
(1)Đơn vị đo trọng lượng của Nga: 1 phun = 409 gam - N.D.
“Bây giờ đi về nhà được rồi: - Rô-vi-ô thầm ra lệnh. Anh tránh các đường phố trung tâm, đi theo các ngõ và lượn một vòng khá loanh quanh. Nói chung, nếu như chú ý quan sát anh, thì cũng có thể thấy một số hành động khó hiểu. Đó là công việc của anh. Anh có nhiệm vụ theo dõi sao cho trong thành phố mọi việc đều tốt đẹp.”
“Mệnh lệnh bí mật ư? Xin cứ nói!” - anh nhớ lại cuộc nói chuyện với viên tổng đốc, khi đi lên tầng thứ năm của ngôi nhà lớn ở quảng trường Ha-gơ-nét, ở đó có phòng riêng của anh, có bếp núc và hiện giờ có một người đang ngồi sau chiếc bàn - giá mà viên tổng đốc biết nhỉ? - đó là Vla-đi-mia I-lích đang ngồi viết cuốn sách “Nhà nước và cách mạng”. Và cuốn vở màu xanh có những điều ghi chép ở Duy-rích cũng được chuyển từ lều tới đây. Cuốn vở nằm trước mặt Vla-đi-mia I-lích trên chiếc bàn. Vla-đi-mia I-lích đang mải viết đến nỗi không nghe thấy ngay tiếng bước chân đi vào cửa của Rô-vi-ô.
Rô-vi-ô khẽ ho. Vla-đi-mia I-lích đứng phắt dậy:
- Có thư từ không?
- Tất nhiên có, nhưng trước hết cần phải ăn trưa đã, Vla-đi-mia I-lích ạ.
- Không, trước hết phải xem thư đã. Đưa đây, đưa đây.
Vla-đi-mia I-lích xoa tay vì sốt ruột, trong khi Rô-vi-ô rút ở túi ngực ra một gói.
- Vla-đi-mia I-lích, thay cho gói của đồng chí gửi đi, đồng chí hãy nhận lấy gói này.
Trong gói có mấy bức thư. Vla-đi-mia I-lích xem lướt qua hết bức thư này đến bức khác. Còn đây là một bức viết bằng mực hóa học. Họ thắp đèn lên. Vla-đi-mia I-lích hơ trang giấy viết đầy lên ngọn đèn. Những chữ lộ ra giữa các dòng chữ. Vla-đi-mia I-lích vừa đọc vừa nói xem vào:
- Được. Được. Được. Những tin tức hay đây.
Những tin tức cho hay rằng ở Pê-tơ-rô-grát và Mát-xcơ-va những người bôn-sê-vích ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các Xô-viết.
Các Xô-viết đều trở thành của bôn-sê-vích, của chúng ta. Nhân dân mất lòng tin vào chính quyền tư sản. Nhân dân ngày càng thêm tin tưởng vào chúng ta, từ Pê-téc-bua đã viết như vậy.
Đấy là những tin tức mới nhất. Vla-đi-mia I-lích, khi thì cau mày khi thì vẻ mặt tươi tỉnh, đi đi lại lại trong phòng. Ở đó, cạnh những bức tường có kê đồ gỗ bọc nhung xanh trông rất tao nhã. Chiếc gương cao trang điểm chiếc tủ ngăn to phình: ở một góc phòng có đặt một tủ sách nhỏ.
Cảnh sát trưởng cởi chiếc áo đại trào thường mặc khi đi gặp viên tổng đốc, xắn tay áo lên và bắt đầu tráng trứng ở bếp.
Thật là kì lạ: tại sao viên cảnh sát trưởng này không đứng về phía viên tổng đốc, mà lại đứng về phía Lê-nin?
Anh đi với Lê-nin bởi vì anh xuất thân từ một gia đình dòng dõi vô sản, anh làm thợ tiện và từ năm mười tám tuổi đã tham gia phong trào cách mạng. Chỉ sau khi lật đổ Nga hoàng, Rô-vi-ô mới được bầu làm cảnh sát trưởng của Hen-xinh-pho.
Tráng trứng xong, Rô-vi-ô lại mặc chiếc áo đại trào có tấm giáp che ngực và cài chiếc nơ màu đen thay cho ca-vát, rồi mời Vla-đi-mia I-lích ăn trưa.
Vla-đi-mia I-lích rất phấn khởi nhận được những tin tức mới. Sắp sửa trở về nước Nga! Đảng bôn-sê-vích sẽ phát động giai cấp công nhân khởi nghĩa. Công nhân sẽ lật đổ Chính phủ lâm thời. Sẽ thành lập chính quyền công nhân. Lê-nin đã viết về cái đó trong các bài báo và bí mật gửi về Pê-tơ-rô-grát. Người cũng viết trong cuốn sách của mình. Rô-vi-ô vừa ăn trứng vừa kể chuyện viên tổng đốc. Vla-đi-mia I-lích lắng nghe, nheo mắt vẻ láu lỉnh:
- Trong cuộc sống thường hay xảy ra những chuyện phi lý: người chủ nhà đến gặp viên tổng đốc báo cáo, trong khi ở nhà mình anh ta tiếp ai.
- Còn tiếp ai nữa? - người chủ nhà lạnh lùng phản đối Vla-đi-mia I-lích. - Tiếp một mục sư Phần Lan đáng kính.
Vla-đi-mia I-lích cũng phải bật cười. Đúng, khi tới Hen-xinh-pho Người giả làm mục sư. Các đồng chí Phần Lan đã cử các diễn viên nghiệp dư tới cái làng mà Vla-đi-mia I-lích ở sau khi rời lều cỏ Ra-dơ-líp. Các diễn viên này toàn là công nhân, đảng viên Đảng xã hội-dân chủ. Họ hóa trang cho Vla-đi-mia I-lích rất khéo. Họ đem từ thành phố đến một chiếc áo đại trào dài, một chiếc mũ cao như thường thấy ở các mục sư, rồi dán cho Người cặp lông mày rậm, đội cho Người bộ tóc giả, mặc đẹp cho Người, và… nom Người y như thể sắp sửa đến nhà thờ làm lễ. Những người Phần Lan ngoan đạo khi gặp Vla-đi-mia I-lích liền cúi chòa kính cẩn. Người đã tới Hen-xinh-pho như thế đấy. Nhưng bây giờ cần phải mau mau lo chuyện hóa trang cho bộ tóc giả mới.
Đúng, cần phải mau mau. Vào một ngày đẹp trời, Rô-vi-ô dẫn Vla-đi-mia I-lích tới chỗ người thợ cắt tóc. Người thợ cắt tóc này dòng dõi là người Pê-téc-bua. Ông ta dáng người hỏ bé, nhanh nhẹn như con vượn. Ông vốn là thợ cắt tóc của nhà hát và ở chốn kinh đô, quen biết khá nhiều bá tước và công tước. Các bá tước và công tước đều muốn trở thành các chàng công tử phong nhã, ông đã biến tất cả bọn họ trẻ lại, nhuộm râu và làm tóc giả cho họ.
- Còn ông không cần đội tóc giả nom vẫn còn trẻ chán, - người thợ cắt tóc nói với Vla-đi-mia I-lích, giọng an ủi.
- Nhưng tôi muốn già hơn kia, Vla-đi-mia I-lích đáp.
- Để làm gì? Để làm gì? - người thợi cắt tóc rất đỗi ngạc nhiên, đập hai bàn tay nhỏ nhăn nheo ngắn ngủn.
- Cứ làm cho tôi nom đứng tuổi hơn, oai phong hơn một chút, - Vla-đi-mia I-lích tươi cười nói - làm cho tôi một bộ tóc bạc, nom độ khoảng sáu mươi tuổi gì đó.
- Khoảng sáu mươi à? Một bộ tóc bạc à? Không bao giờ!
- Tại sao?
- Để tôi biến một người hãy còn trẻ thành một người già tuổi ư? Làm thế để làm quái gì! - người thợ cắt tóc dáng người nhỏ bé liền nổi nóng, huơ huơ tay. - sứ mệnh của tôi là biến mọi người trẻ lại.
- Sứ mệnh cao cả, nhưng cứ làm cho tôi, coi như ngoại lệ, - Vla-đi-mia I-lích tươi cười nằn nì bằng được.
Người thợ cắt tóc kêu lên tỏ vẻ kinh ngạc. Vla-đi-mia I-lích ra về, mặc cho ông ta cười, còn Rô-vi-ô thì suy nghĩ:
“Vla-đi-mia I-lích liệu còn phải thay đổi những bộ tóc giả và quần áo bao lâu nữa? Liệu còn phải đi lang thang lâu nữa không?”
THÊM MỘT NƠI HOẠT ĐỘNG BÍ MẬT NỮA
Làn gió thu lạnh lẽo thổi xuyên qua các đường phố cổ của khu Vư-bo.
Vào một ngày thu lạnh lẽo như vậy, Ây-nô Ra-khi-a đi từ Pê-téc-bua tới khu Vư-bo. Ra-khi-a có dáng người cao, vầng trán to, tính tình rất vui vẻ và nhanh nhẹn.
Hồi cuối hè, Ê-mê-li-a-nốp, công nhân nhà máy sản xuất vũ khí Xê-xtơ-rô-rết-xcơ, và hai người Phần Lan dẫn đường Vla-đi-mia I-lích từ hồ Ra-dơ-líp qua khu rừng thì trong đó có một người tên là Ây-nô Ra-khi-a. Anh là công nhân trẻ của nhà máy Pê-tơ-rô-grát, một đảng viên bôn-sê-vích. Ban chấp hành Trung ương Đảng đã giao nhiệm vụ cho Ra-khi-a giữu vững liên lạc với Lê-nin.
Bây giờ Ra-khi-a tới khu Vư-bo tìm gặp Lê-nin. Lê-nin từ Hen-xinh-pho chuyển tới đây cho gần nước Nga hơn. Người khao khát trở về nước. Và ngày ấy đã đến.
Vla-đi-mia I-lích rất nóng ruột. Còn Ra-khi-a thì làm ra vẻ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
- Ta đi ra ga chứ, Vla-đi-mia I-lích?
Ra-khi-a thản nhiên thế thôi, chứ thực ra anh cũng lo. Có điều anh không để lộ ra ngoài. Vla-đi-mia I-lích tất nhiên cũng giấu sự lo âu.
Họ ngồi lên xe lửa và im lặng đi tới một ga của Phần Lan. Trong toa tàu toàn là người Phần Lan, mà Vla-đi-mia I-lích thì không biết tiếng Phần Lan, vì vậy tốt nhất là im lặng để mọi người khỏi chú ý.
Thỉnh thoảng Vla-đi-mia I-lích lại khéo léo soát lại xem chiếc chìa khóa ở trong túi có còn không. Vẫn còn, không biến đi đâu mất! Chiếc chìa khóa này Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đem đến cho Vla-đi-mia I-lích khi còn ở Hen-xinh-pho. Ê-mê-li-a-nốp đã kiếm được giấy thông hành cho Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đi Phần Lan. Bà mặc quần áo giải làm nữ công nhân, chít khăn vuông đen sụp xuống lông mày, có những nếp nhăn ở dưới mắt. Nhưng cặp mắt nom vẫn trẻ - cặp mắt thông minh, chăm chú của Na-đi-u-sa!
Đó là chiếc chìa khóa của căn nhà bí mật ở khu ngoại ô công nhân thành Pê-téc-bua, ở phố Xéc-đô-bôn-xcai-a, gần đường sắt Phần Lan.
Bản đồ tìm căn nhà đó như thế nào Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na đã đem đến, Vla-đi-mia I-lích học thuộc rồi xé đi. Còn chiếc chìa khóa thì giấu kĩ và bây giờ mang theo đến Pê-tơ-rô-grát.
Đoàn tàu sắp sửa tới ga. Ra-khi-a vội đứng dậy ra khỏi toa. Vla-đi-mia I-lích đi theo anh. Đến ga, họ nhảy xuống, Vla-đi-mia I-lích trong lòng cảm thấy hồi hộp. Trên đường sắt có đỗ một đoàn tàu chở khách nghỉ mát từ Pê-téc-bua. Còn đầu tàu mang số 293. “Xin chào ông bạn cũ! Ông bạn đã giúp tôi một lần. Hãy giúp tôi một lần nữa.”
Người lái tàu Gu-gô I-a-la-va từ cửa sổ đàu tàu nhìn ra. Ông rất nghiêm nghị, nhưng khi trông thấy Ra-khi-a và người thợ đốt lò quen thuộc, ông bỗng mỉm cười và nghĩ bụng: “Người thợ đốt lò của chúng ta tóc có bạc hơn đôi chút!”
Nói tóm lại, Vla-đi-mia I-lích đi từ Phần Lan trở về Pê-tơ-rô-grát cũng trên chiếc tàu ấy, cũng tới ga U-đen-na ấy. Ra-khi-a đi ở toa tàu hành khách.
Đường tới ga U-đen-na đến phố Xéc-đo-bôn-xcai-a khoảng năm dặm theo đường đất hoang. Vào buổi tối tháng mười lạnh lẽo này trên các đường phố vắng tanh vắng ngắt. Chỉ có gió dạo chơi và gầm rú.
Nhưng Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na vẫn chờ ở một chỗ hẹn trước. Bà mặc áo bành tô ngắn bằng da; đội mũ tròn có vành. Vla-đi-mia I-lích nắm lấy bàn tay lạnh cóng của bà. Không có găng tay. Chưa bao giờ bà biết chăm lo tới bản thân cả! Làm việc, làm việc cho cách mạng. Đảng bảo đi đâu là bà đi tới đó.
Ở góc phố Xéc-đo-bôn-xcai-a bà đại lộ Bôn-sôi Xam-pơ-xô-ni-ép-xki nổi cao lên một ngôi nhà gạch không quét vôi, nom bề ngoài hơi ảm đạm. Ngôi nhà bốn tầng có cảm giác là lớn nhất trong những ngôi nhà gỗ cũ kỹ.
Vla-đi-mia I-lích đi thẳng tới cổng, dường như suốt đời Người đã thông thuộc nơi đây. Ra-khi-a rẽ sang đại lộ Xam-pơ-xô-ni-ép-xki (nhiệm vụ hôm nay của anh đã hoàn thành), còn Vla-đi-mia I-lích vượt lên trước Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na, đi lên tầng bốn. Người lấy chìa khóa mở cửa. Từ cửa có một hành lang nhỏ đi vào. Căn phòng của Người ở cuối hành lang. Phòng số bốn về bên trái. Vla-đi-mia I-lích nắm vững tất cả những cái đó qua bản đồ. Na-đi-a đã nói rằng trong căn nhà này không có ai cả, chỉ có mỗi bà chủ nhà Mác-ga-ri-ta Va-xi-li-ép-na Phô-pha-nô-va, bạn của Na-đi-u-sa.
Nhưng gì thế kia? Vla-đi-mia I-lích vừa mở cửa ra liền nghe thấy những giọng nói rì rầm. Từ một cửa ăn thông ra hành lang có ánh sáng tỏa rông. Chiếc đèn treo ở trên bàn ăn thắp sáng. Phía sau bàn có mấy người đàn bà - qua các dấu hiệu thấy rõ họ là cô giáo.
- Mục đích sư phạm của chúng ta, các bạn thân mến… - Vla-đi-mia I-lích nghe thấy.
Một điều không thể tin được, nhưng đúng là trong nhà đang có cuộc họp! Trong căn nhà bí mật! Lại chính là vào buổi tối hôm nay, khi Vla-đi-mia I-lích tới đây. Không hề tỏ ra lúng túng. Vla-đi-mia I-lích vội đi vào cuối hành lang. Người hơi khom, đầu mang bộ tóc giả đã bạc. Người đóng vai một ông già bé nhỏ, có dáng đi nhanh nhẹn và nhẹ nhàng.
- Trời ôi! - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na khẽ kêu, khi chỉ có mình họ trong căn phòng rất gọn gàng, sạch sẽ mà bây giờ Vla-đi-mia I-lích sẽ sống ở đó. - Trời ôi, thế mà em với Mác-ga-ri-ta đã sơ hở!
- Đúng rồi, - Vla-đi-mia I-lích đáp.
Người không xoa dịu Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na rằng: không sao cả, mọi việc sẽ yên ổn. Chắc là mọi việc sẽ yên ổn, nhưng trong thời kỳ nguy hiểm này không thể mạo hiểm như thế được.
- Gần ba tuần chờ đợi anh! - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na buồn phiền. - Mãi không thấy anh đến… Còn hôm nay, vừa vặn đúng lúc em không báo trước cho Mác-ga-ri-ta.
- Anh hi vọng đây sẽ là nơi hoạt động bí mật cuối cùng, - Vla-đi-mia I-lích nói.
Người mở cửa sổ ra. Phía dưới có tiếng gió thổi rì rào trong đám cây cối. “Chắc ở đó là vườn cây.”
- Vườn cây để cho chim đấy, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nói, bà luôn luôn đoán được những ý nghĩ của Vla-đi-mia I-lích.
- Một loại láng giềng vui vẻ đấy! - Vla-đi-mia I-lích mỉm cười.
Từ hành lang vọng đến câu được câu chăng.
- Chào tạm biệt! - nghe thấy giọng nói của Phô-pha-nô-va ra tiễn các cô giáo.
- Anh hi vọng đây sẽ là nơi hoạt động bí mật cuối cùng, - Vla-đi-mia I-lích nhắc lại.
- Và là nơi rất nguy hiểm! - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na bỗng thốt ra.
Vla-đi-mia I-lích nhìn thấy vẻ lo âu không thể giấu nổi trong cặp mắt vợ. Đúng, ở đây, ở phố Xéc-đô-bôn-xcai-a, còn nguy hiểm hơn cả so với túp lều cỏ hoặc ở Hen-xinh-nho. Bọn mật thám của Chính phủ lâm thời sục sạo từng góc nhà, theo dõi từng bước đi.
Ở đây nguy hiểm đến nỗi không có ai biết Lê-nin sau khỉ ở Phần Lan về sống ở đâu, kể cả các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Chỉ có Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na và người liên lạc Ra-khi-a biết thôi.