Cuộc đời của Lê-nin - Chương 54 - 55 - 56

NHỮNG BƯỚC ĐI CỦA CÁCH MẠNG

Đại hội lần thứ VII của những người bôn-sê-vích đã thông qua nghị quyết về việc ký hòa ước với nước Đức. Tại đại hội lần thứ VII, Lê-nin đã nêu thêm một vấn đề nữa: đề nghị gọi tên Đảng của những người Bôn-sê-vích là Đảng Cộng sản.

Tất cả những người bôn-sê-vích đều tán thành.

Trong nhiều cuộc gặp gỡ với công nhân và trong phòng làm việc của mình ở Cơ-rem-li, Lê-nin đã giải quyết và suy nghĩ xem nên xây dựng xã hội mới như thế nào. Những bước đi đầu tiên thường khó khăn hơn cả! Đó là những bước rất quan trọng. Lê-nin suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Người hỏi ý kiến, bàn bạc với các thành viên Chính phủ.

Vla-đi-mia I-lích thường xuyên gặp gỡ I-a-cốp Mi-khai-lô-vích Xvéc-lốp. Xvéc-lốp là chủ tịch Ban chấp hành Trung ương các Xô-viết toàn Nga. Lê-nin trao đổi ý kiến với Xvéc-lốp. Họ cùng giải quyết các công việc và các vấn đề quốc gia.

Lê-nin muốn tranh thủ thời gian chính quyền Xô-viết tạm thời ngừng chiến để ổn định vững chắc hơn nữa cuộc sống mới cho nhân dân.

Trước hết Người tìm hiểu sự giúp đỡ ở giai cấp công nhân. “Điều cần thiết cho chúng ta chính là những bước đi rầm rập của những đoàn quân gang thép của giai cấp vô sản.” - Vla-đi-mia I-lích viết trong bài báo cáo nổi tiếng: “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết”. Ban cháp hành Trung ương Đảng đã tán thành những ý định và những kế hoạch của Lê-nin. Bài báo đó đã được đăng trên các báo “Sự thật”, “Tin tức”. Những mục tiêu lớn lao đã mở ra trước nhân dân. Những người cộng sản, công nhân, nông dân đã đi theo Lê-nin, tin tưởng Lê-nin...

Trong phòng làm việc của Lê-nin ở Cơ-rem-li cạnh bàn giấy có đặt một chiếc ghế bành, chỗ ngồi và lưng tựa bằng mây, Vla-đi-mia I-lích thích chiếc ghế bành đơn giản này. Có lẽ bởi vì trong thời gian ấu thơ xa xưa, trong gia đình của U-li-a-nốp ở Xim-biếc cũng có những chiếc ghế mây tương tự như vậy. Vla-đi-mia I-lích nhớ những buổi tối mùa đông ngồi trong phòng ăn đầy đủ tiện nghi, dưới chiếc đèn treo có chụp màu trắng. Và những cuốn sách tuyệt diệu. Thời thơ ấu đầy hạnh phúc!

Lê-nin muốn tất cả trẻ em công nông trong đất nước Xô-viết đều có tuổi thơ hạnh phúc và tốt đẹp như vậy!

Dưới thời Nga hoàng con em công nông học hành rất khó khăn. Họa hoằn mới có em học hết trung học. Còn tốt nghiệp đại học lại càng hiếm. Bây giờ tất cả các trường trung học, các trường đại học đều mở cửa đón con em những người lao động. Hãy học đi! Đọc sách đi! - các thư viện đều dành cho các em!

Cuộc chiến tranh đã làm nước Nga phá sản - đói, rét! - nhưng những khẩu phẩn tốt nhất, món ăn tốt nhất vẫn dành cho các em. Không bao giờ, không có một nhà nước tư sản nào quan tâm tới trẻ em đến thế. Quan tâm tới những người lao động đến thế.

Dưới thời Nga hoàng và bọn tư sản, những người công nhân làm việc mười hai tiếng một ngày, đôi khi mười lăm tiếng! Chính quyền Xô-viết lên nắm chính quyền. Chủ tịch Hội đồng dân ủy Lê-nin ký ngay sắc lệnh: ngày làm việc cho tất cả mọi người là tám tiếng.

Trước đây, ruộng đất tốt nhất nằm trong tay bọn cu-lắc(1) và địa chủ. Các nhà máy và công xưởng, đường sắt, hầm mỏ, xí nghiệp khai thác dầu mỏ, nhà băng - tất cả đều quốc hữu hóa. Tất cả đều của nhân dân, tất cả đều của Xô-viết, tất cả đều của nhà nước. Đả đảo bọn địa chủ và bọn tư sản! Muốn sống thì phải làm việc. Kẻ nào không làm việc thì không được hưởng.

(1)Phú nóng, phản động - N.D.

Đấy là bước ngoặt chưa từng thấy đã xảy ra trong đất nước! Cuộc cách mạng dũng cảm bước đi mỗi ngày một xa. Người đứng đầu những cái mới, chưa từng có là Vla-đi-mia I-lích và Đảng của những người cộng sản.

ĐI VỀ CÁC THÔN XÓM

Trước cách mạng khá lâu, khi Vla-đi-mia I-lích cùng các đồng chí khác sống lưu vong ở Giơ-ne-vơ, một hôm nhà nữ cách mạng trẻ Li-đi-a A-lếch-xan-đrốp-na Phô-chi-ê-va từ nước Nga tới. Và lập tức chị trở thành người giúp việc đắc lực của Lê-nin. Chị dành tất cả tâm hồn, tất cả thời gian cho công tác cách mạng. Ngoài công việc cách mạng, chị chỉ có một ham thích: chị là một nhạc công. Đôi khi vào buổi tối rỗi rãi, những người bôn-sê-vích tụ tập ở phòng ăn của gia đình Lê-pê-sin-xki, nơi đó tựa như câu lạc bọ của họ. Li-đi-a A-lếch-xan-đrốp-na Phô-chi-ê-va ngồi chơi đàn dương cầm. Nếu như Vla-đi-mia I-lích tới, Li-đi-a A-lếch-xan-đrốp-na Phô-chi-ê-va chơi bản “Xô-nát bi thống” của Bết-thô-ven. Vla-đi-mia I-lích thích bản xô-nát đó. Người lắng nghe một cách đặc biệt, vẻ trìu mến và đăm chiêu. Sau cách mạng, Li-đi-a A-lếch-an-đrốp-na Phô-chi-ê-va trở thành thư ký của Hội đồng dân ủy. Công việc đó choán hết tất cả. Chị sống ở Cơ-rem-li cho gần Hội đồng dân ủy hơn.

Buổi sáng trước khi đi tới Hội đồng dân ủy, Li-li-đi-a A-lếch-xan-đrốp-na Phô-chi-ê-va nhất định phải ngồi chơi đàn dương cầm. Vào mùa xuân và mùa hè, khi các cửa sổ đều mở, trong sân Cơ-rem-li còn trống trải và vắng vẻ, thì những âm thanh trong bản “Xô-nát bi tráng” của Bết-thô-ven đầy sức hào hùng và mạnh mẽ.

Sau đó Phô-chi-ê-va đi tới Hội đồng dân ủy. Chị biết tất cả thời gian biểu trong ngày của Lê-nin, biết tất cả những gì Người cần cho công tác.

Những người khách đến thăm thường tới gặp Chủ tịch Hội đồng dân ủy. Chị biết cần phải cho ai tới gặp Lê-nin ngay lập tức, còn ai có thể chờ một chút.

- Thưa Vla-đi-mia I-lích, có các đại biểu nông dân từ nông thôn xa xôi tới, - một hôm, Li-đi-a A-lếch-xan-đrốp-na Phô-chi-ê-va nói.

- Mời họ vào! - Vla-đi-mia I-lích đáp.

Người đã nghe âm nhạc buổi sáng. Người thích xem chị thư ký của Hội đồng dân ủy Phô-chi-ê-va bắt đầu một ngày của mình như thế nào.

- Mời họ vào đi, - Vla-đi-mia I-lích nhắc lại.

Những người nông dân râu dài, nước da đen sạm vì nắng gió, ngồi vào chiếc bàn dài có chiếc phủ khăn dạ màu xanh. Lúc đầu họ hơi nhút nhát. Nhưng Lê-nin là người rất giản dị, khiến họ tự nhiên thấy mạnh bạo dần.

Nhờ tính giản dị của Lê-nin nên các đại biểu dường như cũng tinh nhanh hơn. Lê-nin rất cần thái độ. Lê-nin muốn mỗi người nói thẳng những ý nghĩ và ý kiến của mình, không nên sợ hãi.

- Thưa đồng chí Vla-đi-mia I-lích, đồng chí là người đứng đầu của chúng tôi, - các đại biểu nói, - Kiến thức của đồng chí thì nhiều vô kể...

- Cũng chẳng nhiều vô kể đâu, - Vla-đi-mia I-lích tươi cười phản đối. - Kiến thức về nông thôn thì còn thiếu đấy.

- Chúng tôi sẽ báo cáo sự thật cho đồng chí nghe về toàn bộ nông thôn hiện nay.

- Xin mời!

- Trước hết chính quyền Xô-viết rất phù hợp với giới nông dân, vì nó đã giải phóng ruộng đất khỏi tay bọn địa chủ, - một đại biểu già nhất, có râu cằm che kín nửa ngực và cặp lông mày rậm phía trên cặp mắt nhỏ đã bạc màu, bắt đầu nói.

- Tiếp tục, - Vla-đi-mia I-lích nói, - xin cứ việc nói hết.

- Tiếp theo chúng tôi muốn nói đến bọn cu-lắc. Bọn cu-lắc muốn bóp nghẹt cuộc sống mới, ngăn cản sự phát triển của nó. Thưa Vla-đi-mia I-lích, hãy tin cậy vào tầng lớp bần nông. Bọn cu-lắc không phải người của chính quyền Xô-viết. Bọn cu-lắc là kẻ thù...

Lê-nin đã biết điều đó. Nhưng Người vẫn lắng nghe. Chăm chú lắng nghe các đại biểu của tầng lớp bần nông. Người kiểm lại những hiểu biết của mình. Rút ra kết luận. Và sau đó đã xuất hiện các sắc lệnh mới, đạo luật Xô-viết mới.

Thế là vào mùa hè năm 1918, Lê-nin đã ký sắc lệnh của Hội đồng dân ủy về việc thành lập các hội bần nông ở nông thôn. Các hội bần nông là chỗ dựa của chính quyền Xô-viết trong cuộc đấu tranh chống bọn cu-lắc.

Vậy thì bọn cu-lắc là ai? Ngày nay ở đất nước Xô-viết đã từ lâu không còn bọn cu-lắc nữa. Và không hề nghe thấy nói về bọn đó.

Bọn cu-lắc cũng chỉ là nông dân. Chỉ khác là bọn này khá láu, thậm chí đôi khi rất giàu. Ngày xưa những người nông dân này không làm giàu bằng cách đúng đắn. Bọn họ giàu bằng dối trá, đầu cơ, làm giàu trên sức lao động của người khác. Sau khi trở nên giàu có, chúng mua thêm ruộng đất. Chúng xua những cố nông trong tầng lớp dân nghèo ở nông thôn ra cày thuê cho chúng. Những người nông dân không đủ lúa mì ăn đến mùa xuân. Họ phải đi vay của tên cu-lắc một put(1) lúa mạch đen. Vì một put đó mà họ phải cày ruộng cho tên cu-lắc. Nhưng đến mùa thu, đáng lẽ trả một put, thì họ phải trả thành hai. Không có lối thoát. Người bần nông lâm vào cảnh lệ thuộc hoàn toàn. Bị đói. Ngả nghiêng trước gió như bông lúa lép. Còn các kho thóc đầy ắp lúa mì và lúa mạch đen thì khóa chặt như những pháo đài. Bọn cu-lắc tính toán; lúa mì càng lên giá thì bọn chúng càng... Bọn cu-lắc vì lợi nhuận sẵn sàng cứa cổ người láng giềng.

(1)Đơn vị đo lường của Nga, bẳng 16, 3 ki-lô-gam - N.D.

Còn trong các thành phố nạn đói ngày càng khủng khiếp, ngày càng bế tắc! Biết làm thế nào bây giờ? Lấy gì nuôi công nhân và viên chức, trẻ em, Hồng quân? Làm cách nào để kiếm được lúa mì?

Nên nhớ là nông thôn có lúa mì! Vla-đi-mia I-lích biết điều đó qua các đại biểu nông dân. Có điều bọn cu-lắc, không muốn trao cho nhà nước, chúng giấu đi, chôn xuống đất.

Thật là bất công! Không thể để cho những người ở các thành phố chết đói, trong khi các kho của bọn cu-lắc đầy ắp lúa mì. Những người cố nông đã trồng ra lúa mì. Lúa mì đó không phải của bọn cu-lắc, mà của nhân dân.

Lê-nin lý luận như vậy và kêu gọi công nhân.

- Các đồng chí công nhân, - Vla-đi-mia I-lích nói, - hãy thành lập ở các nhà máy và công xưởng các đội lương thực và đi về các thôn xóm. Ở đó có các hội bần nông. Các hội bần nông ủng hộ chúng ta. Và trung nông cũng nghiêng về chúng ta. Các đồng chí sẽ gợi ý cho họ: cần phải củng cố chính quyền Xô-viết ở nông thôn như thế nào.

Còn họ sẽ gợi ý cho các đồng chí: bọn cu-lắc giấu lúa mì ở đâu để che mắt những người đói.

Và Lê-nin đã chuẩn bị một sắc lệnh mới nói rằng bọn cu-lắc bắt buộc phải giao nộp toàn bộ lúa mì thừa cho các hội bần nông và các đội lương thực của công nhân.

Hội đồng dân ủy đã phê chuẩn sắc lệnh đó. Thế là vào những năm đầu của cách mạng, Lê-nin và chính quyền Xô-viết đã cứu nhân dân lao động thoát khỏi nạn đói.

SỰ XÂM LƯỢC

Trên bờ biển Ba-ren ở miền Bắc Cực ba năm trước đã nổi lên thành phố Mu-rơ-man. Thành phố ba tuổi, trẻ nhất thời bấy giờ. Đó là thành phố cảng không lớn, nhưng quan trọng trên đường biển phía bắc.

Một hôm, vào mùa xuân năm 1918, vào lúc bình minh, khi sương mù màu xám còn đang bồng bềnh trên biển thì từ trong đám sương mù đó lặng lẽ xuất hiện những bóng đen của tàu chiến. Lá cờ nước ngoài rủ xuống vì hơi ấm, từ từ tiến về phía Mu-rơ-man. Những nòng súng đều hướng về phía đó. Đó là chiếc tuần dương hạm Anh tiến vào cảng Mu-rơ-man.

Một lát sau, cũng bất thình lình xuất hiện thêm một chiếc tuần dương hạm nữa đậu bên cạnh. Đó là chiếc tuần dương hạm Pháp. Rồi tiếp theo là một chiếc nữa của Mỹ.

Quân đội nước ngoài đã đổ bộ lên bờ biển Xô-viết.

Khối An-tan-ta đã phái chúng đến. Khối An-tan-ta là khối đồng minh quân sự Anh, Pháp, Mỹ lúc bấy giờ. Khối đồng minh của bọn tư bản, các chính phủ tư bản.

Khối An-tan-ta muốn lật đổ chính quyền Xô-viết cách mạng ở nước Nga. Khối An-tan-ta sợ công nhân nước khác cũng sẽ theo gương người Nga làm cách mạng ở nước mình.

Mùa xuân khủng khiếp năm 1918. Mùa hè khủng khiếp!

Giữa mùa hè, cả một đoàn tàu của khối An-tan-ta tiến vào bờ biển Bạch Hải.

Con sông Bắc Đvi-na lạnh giá vội vã chảy về biển Bạch Hải.

Cách cửa sông khoảng năm chục dặm có một thành phố hẹp với những vỉa hè bằng gỗ, xưởng đóng tàu và chữa tàu, nhà máy cưa, kho gỗ chạy dọc dài theo con sông đầy thuyền bè đi lại. Phía khác là vùng đồng lầy mênh mông đầy rêu sát đến tận thành phố. Đó là A-rơ-khan-ghen, thành phố quân cảng và thương mại, pháo đài phía bắc của nước Nga.

Khối An-tan-ta đã chiếm A-rơ-khan-ghen. Bọn bạch vệ hân hoan đón mừng cuộc tấn công của khối An-tan-ta. Bọn bạch vệ chỉ có một giấc mơ: lật đổ chính quyền Xô-viết. Ở A-rơ-khan-ghen đã nổi lên cuộc phiến loạn của bọn bạch vệ. Hàng trăm công nhân, chiến sĩ Hồng quân, các thủy thủ Xô-viết đã hi sinh trong cuộc chiến đấu không cân sức này.

Và bọn thương gia, bọn tư sản lẩn trốn đã ngóc dậy. Bọn sĩ quan Nga hoàng lại đeo cầu vai kim tuyến. Tiếng chuông lại ngân vang: trong các nhà thờ cha cố lại đốt hương trầm, làm lễ tạ ân.

Thế lực phản cách mạng đã tấn công ở phương bắc.

Thế lực phản cách mạng đã làm náo động ở Viễn Đông, ở Xi-bi-ri, ở U-ran, tiến đến vùng lưu vực sông Von-ga. Những chiếc tuần dương hạm của kẻ thù đổ quân lên cảng Vla-đi-vô-xtôc.

Ở các làng mạc bọn cu-lắc nổi loạn: đả phá các hội bần nông, thẳng tay tàn sát những người cộng sản. Máu chảy như sông suối.

Máu chảy ở các thành phố và thôn xóm miền sông Đông và Cu-băng. Các tướng bạch vệ chiếm vùng sông Đông và Cu-băng. Ở U-crai-i-na bọn Đức vẫn làm chủ.

Vòng vây của địch xung quanh nước Nga Xô-viết ngày càng siết chặt.

Một buổi sáng sớm. Mặt trời tuy chưa mọc, nhưng ở phương đông ánh bình minh đã hiện ra.

Vla-đi-mia I-lích bước ra khỏi nhà riêng ở Cơ-rem-li. Phòng làm việc của Chủ tịch Hội đồng dân ủy ở cách nhà riêng có mấy bước. Gần hơn so với ở Xmôn-nưi.

Ở cuối hành lang, cạnh lối vào phòng làm việc, có người lính đứng gác.

- Chào đồng chí! - Vla-đi-mia I-lích niềm nở nói.

Có thể cái đó không đúng quy chế lắm, nhưng Vla-đi-mia I-lích luôn chào hỏi những người lính gác. Người lính gác ngạc nhiên đứng nghiêm khi nhìn thấy Lê-nin và ngạc nhiên nghĩ bụng: “Thế thì Người ngủ vào lúc nào?”

Vừa mới ban nãy, gần lúc rạng đông, Chủ tịch Hội đồng dân ủy rời nơi làm việc về nhà. Mặt trời chưa mọc, Lê-nin đã tới nơi làm việc. Người lính thậm chí chưa kịp đổi gác. “Thế này thì Người đến ốm mất thôi!” - người lính gác lo lắng nghĩ về Vla-đi-mia I-lích.

Tấm bản đồ lớn của nước Nga treo trên tường, giữa hai cửa sổ trong phòng làm việc. Vla-đi-mia I-lích đứng hồi lâu cạnh tấm bản đồ, tay chắp sau lưng, mắt nhìn vào các tuyến mặt trận. Vla-đi-mia I-lích biết tất cả các thành phố và các cứ điểm hiện đang diễn ra những trận đánh. Người biết những người chỉ huy và các chính trị viên. Nhiều đồng chí Người đã biết tên và biết mặt. Người cố tìm hiểu tính tình, vốn hiểu biết, tài năng của từng người. Tình hình của chúng ta sẽ ra sao phụ thuộc vào tính tình và tài năng của những người chỉ huy.

Nhiều vị thống soái có tài đã nổi lên từ nhân dân, khi kẻ thù xông vào các miền đất Xô-viết.

Va-xi-li I-va-nô-vích Tsa-pa-ép! Người anh hùng chân chính của nhân dân. Về lòng dũng cảm và tài quân sự củaTsa-pa-ép đã có những câu chuyện truyền thuyết. Và tên tuổi của Clim Vô-rô-si-lốp đã trở nên quang vinh trong nhân dân. Chẳng bao lâu trong toàn quốc sẽ cất lên bài ca chiến đấu có sức kêu gọi:

Và bên cạnh có Vô-rô-si-lốp, người chỉ huy Hồng quân số một.

Chúng ta sẵn sàng đổ máu vì đất nước Liên Xô...

Và Lê-nin nghĩ tới Phơ-run-de với sự kính trọng và lòng tin cậy lớn lao. Hồi tháng chạp năm 1905 người bôn-sê-vích Mi-kha-in Va-xi-li-ê-vích Phơ-run-de đã dẫn đội ngũ công nhân miền I-va-nô-vô Vô-giơ-na-xen-xcơ tới giúp quận Prê-xna khởi nghĩa ở Mát-xcơ-va, và giờ đây chỉ huy quân đội ở một khu rất trọng yếu.

Vla-đi-mia I-lích lướt qua tất cả các mặt trận, Vô-rô-si-lốp, Bu-đi-ôn-nưi, La-giô, Cô-tốp-xki, Soóc-xơ, Ta-kha-sép-xki, Bli-u-khe-rơ...

Mặt trận phía bắc, phía nam, phía đông.

Được khối An-tan-ta giúp sức, bọn bạch vệ và bọn cu-lắc đã chiếm những khu vực phía đông trồng lúa mì. Khối An-tan-ta muốn dùng nạn đói bóp nghẹt nhà nước công nông.

“Hồng quân cần phải giáng một đòn chính vào mặt trận phía đông-Vla-đi-mia I-lích suy nghĩ. - Cần phải tống cổ bọn bạch vệ ra khỏi lưu vực sông Von-ga và Xi-bi-ri, đánh tan bọn cu-lắc.”

Vla-đi-mia I-lích ngồi vào bàn và lại chăm chú đọc những bản báo cáo từ các mặt trận gửi về hôm qua. Hôm qua cùng với Đơ-giéc-gin-xki, Xvéc-lốp, Si-rê-sin và các đồng chí khác thảo luận tình hình các mặt trận cho tới tận đêm khuya. Các nghị quyết đã được thông qua. Bây giờ cần phải viết thư trả lời các vị chỉ huy, viết các mệnh lệnh và chỉ thị gửi ra mặt trận. Vla-đi-mia I-lích làm việc cho đến khi màu vàng của bình minh đã sáng rõ và tản ra trên bầu trời. Từ sau các mái nhà ló ra mặt trời mùa hè, và Phô-chi-ê-va gõ cửa báo có khách tới thăm. Vla-đi-mia I-lích nhìn đồng hồ. Các vị khách đã đúng hẹn.

“Các nhà quân sự có khác.” - Vla-đi-mia I-lích nhận xét.

Người nhét giấy tờ và thư từ vào cặp giấy. Chuyển cho Phô-chi-ê-va - Yêu cầu đồng chí gửi ngay tức khắc!

Người đưa tay lau mặt. Dường như muốn xóa sạch nỗi lo âu và những nếp nhăn trên mặt để mọi người khỏi thấy Người đang lo lắng.

Các nhà quân sự bước vào. Đó là những người chỉ huy Hồng quân mà Lê-nin biết rất rõ. Và một người nguyên là tướng đứng đầu quân đội của Nga hoàng.

- Nào, hãy báo cáo kế hoạch tấn công của chúng ta đi, -Vla-đi-mia I-lích nói với người đó.

Có kỳ lạ không: Vla-đi-mia I-lích đã hỏi ý kiến một viên tướng Nga hoàng? Nên nhớ là Lê-nin đã kí sắc lệnh nói rằng phục vụ trong Hồng quân là vinh dự. Rằng vinh dự ấy dành cho những người bần nông, công nhân, tất cả những người lao động và con em họ. Rằng không lấy những con em bọn cu-lắc và quý tộc vào Hồng quân. Rằng cần phải cử những người cộng sản làm chỉ huy và chính trị viên trong Hồng quân.

Và bỗng nhiên lại thấy một viên tướng Nga hoàng! Có thể như thế không? Nhưng đó là một viên tướng giàu kinh nghiệm, có học vấn, am hiểu quân sự. Ông ta là một người ngay thật. Tâm hồn ông ta bị đau khổ trước sự xâm lược nước Nga của khối An-tan-ta và ông ta tin tưởng vào sự nghiệp của Lê-nin. Những chuyên gia quân sự am hiểu và ngay thật, tin tưởng vào sự nghiệp đó, đã được Lê-nin mời tới giúp Hồng quân.

Viên tướng dùng chiếc gậy dài chỉ lên bản đồ và báo cáo với Vla-đi-mia I-lích kế hoạch tấn công.

- Đúng, đúng, - Vla-đi-mia I-lích gật đầu.

Vla-đi-mia I-lích đã đồng ý, đã tán thành những kết luận của viên tướng, bởi vì hôm qua, hôm kia một mình và cùng với các đồng chí khác, cả sáng nay vào lúc rạng đông nữa, Người cũng đã suy nghĩ và cân nhắc chính là kế hoạch đó. Và bây giờ Người đang kiểm tra lại mình.

- Nhất định sẽ có được một chiến dịch tuyệt đẹp, - viên tướng kết luận và hài lòng hạ chiếc gậy xuống.

- Đẹp hay không, cái đó không quan trọng, - Vla -đi-mia I-lích nói. - Cái quan trọng là cần phải chiến thắng... Ý kiến của các đồng chí thế nào? - Người quay sang hỏi những người chỉ huy Hồng quân.

Họ bàn bạc cặn kẽ hồi lâu tất cả các chi tiết của kế hoạch tấn công.

Và quyết định là quyết định chung và chắc chắn.

- Tình hình khó khăn, - Vla-đi-mia I-lích nói. - Nhưng Hồng quân cần phải chiến thắng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3