Cuộc đời của Lê-nin - Chương 61 - 62 - 63 - 64

“TÔI, NGƯỜI CON CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG…”

Hơn một triệu quân bạch vệ và quân của bọn can thiệp được vũ trang đầy đủ đã tiến đến gần Mát-xcơ-va, trái tim của nước Nga. Sáu mặt trận của địch bao vây Tổ quốc Xô-viết thành một vòng đai thép. Chưa bao giờ tình hình lại xấu và khủng khiếp như vậy.

Vào một ngày đầu tháng năm trên đường phố Mát-xcơ-va người đi lại tấp nập khác thường. Từ tờ mờ sáng đám phụ nữ lo sợ tụ tập thành đám đông bên cạnh cổng các nhà máy và công xưởng. Họ chờ đợi cái gì đó. Bọn trẻ con bám chặt váy mẹ. Trẻ em Mát-xcơ-va ở những khu lao động, với những khuôn mặt nhỏ hẹp trắng bệch và cặp mắt ánh lên đói khát.

Cổng các nhà máy đều mở toang. Những công nhân, người thì mặc áo choàng, người thì mặc áo bông, vai đeo ba-lô và súng trường, từ trong nhà máy đi ra.

- Đằng trước thẳng! - lệnh phát ra.

Các chiến sĩ Hồng quân đứng xếp hàng. Cách đây không lâu, họ vừa qua lớp huấn luyện cấp tốc của Hồng quân. Họ đứng xếp hàng tuy không thẳng lắm, thế nhưng họ đã học bắn thạo.

- Tiến ra Hồng trường, đi đều bước!

Từ tất cả các khu và các nhà máy của Mát-xcơ-va các đội ngũ tiến về phía những bức tường thành Cơ-rem-li.

Đám phụ nữ chít khăn vuông trắng và đỏ, tay xách những gói nhỏ đi bên cạnh. Họ vấp ngã, bước đi vội vàng, mắt liếc nhìn các khuôn mặt chiến sĩ, tay nhét những gói nhỏ.

Một bà mẹ già đen sạm vì đau khổ kêu lên:

- Va-a-xi-a, con trai thân yêu! Chúa hãy phù hộ cho con tôi tránh khỏi đường tên mũi đạn của bọn tư sản…

Người chiến sĩ Hồng quân nhăn nhó, không biết trốn đi đâu vì ngượng.

- Mẹ làm con xấu hổ trước mọi người, mẹ ạ. Mẹ đi cầu Chúa! Ý thức vô sản của mẹ ở đâu?

Và dường như để hỗ trợ, một bài hát hiên ngang của Đoàn thanh niên cộng sản do nhà thơ công nhân soạn lời đã cất lên với giọng tinh nghịch:

Đả đảo, đả đảo bọn tu hành!

Đả đảo, đả đảo bọn cha cố!

Chúng ta sẽ lên thiên đàng,

Đuổi hết tất cả thần thánh.

Bọn trẻ con chân đất chạy lăng xăng giữa các đội ngũ Hồng quân, khoe khoang trước mặt nhau:

- Bố tao có khẩu súng trường cơ!

- Súng trường thì có quái gì mà lạ! Còn bố tao có băng súng máy cơ. Súng máy mà bắn hàng tràng vào bọn tư sản thì phải biết!

- Còn bố tao, trông đấy, khắp cả thắt lưng đeo đầy lựu đạn. Rồi xem, công nhân chúng ta sẽ cho cái lũ quân trắng ấy biết tay.

“Tôi, người con của nhân dân lao động, công dân nước Cộng hòa Xô-viết, nhận danh hiệu người chiến sĩ quân đội công nông…”

Những lời trang trọng ấy nghe mới hãnh diện làm sao! Trái tim đập mạnh hơn vì những lời đó. Trái tim của Lê-nin cũng đập rộn ràng khi một năm trước đây chính vị Chủ tịch Hội đồng dân ủy đã tuyên thệ phục vụ trung thành Nhà nước Xô-viết. Sự kiện này xảy ra ở nhà máy của Mi-khen-xơn. Cùng với những người công nhân trẻ, các chiến sĩ của các đội Cận vệ đỏ, Lê-nin đã tuyên thệ: “Theo tiếng gọi đầu tiên của Chính phủ Công Nông, tôi nguyện bảo vệ nước Cộng hòa Xô-viết.”

Vla-đi-mia I-lích cùng với các đồng chí bước ra Hồng trường, vé tư lự.

Hồng trường dày đặc người. Cả biển người nổi sóng, ồn ào vẻ nghiêm khắc bị kiềm chế. Vla-đi-mia I-lích nhìn thấy một rừng lưỡi lê tuốt trần hướng cả về phía trên.Ánh thép rắn và nhọn lấp lánh dưới nắng. Đám phụ nữ không rời chồng con. Vla-đi-mia I-lích nhìn thấy nhiều chiến sĩ Hồng quân ôm hôn từ biệt vợ con.

Trên Hồng trường tập trung các chiến sĩ Hồng quân và các đội ngũ tự vệ.

Hồi năm ngoái Lê-nin đã ký sắc lệnh của Hội đồng dân ủy nói rằng tất cả công nhân và nhân dân lao động đều phải luyện tập quân sự. Tổ quốc lâm nguy. Công nhân, tất cả mọi người, hãy học bắn, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc Xô-viết.

Không có khán đài. Chỉ có một chiếc xe ô tô vận tải cũ kĩ vấy bùn đỗ ở đây. Ở một bên thành xe có căng tấm vải đỏ. Người ta cột vào cạnh thành xe một tấm bảng cắm trên một cái sào. Tấm bảng có khẩu hiệu ghi bằng hàng chữ lớn: “Chúng ta sẽ đánh bại bọn địa chủ và bọn tư sản tàn ác!”

Vla-đi-mia I-lích cùng với các chỉ huy Hồng quân đi thăm các đơn vị quân đội rồi trèo thang lên chiếc xe ô tô vận tải.

Trước mắt là biển người mênh mông. Hàng ngàn công nhân cầm súng trường.

Mỗi người đều có nỗi buồn và niềm vui, niềm hi vọng, tình yêu. Mỗi người đều theo tiếng gọi đầu tiên của Chính phủ Công Nông bỏ lại tất cả và đi tham gia cuộc nội chiến, chống bọn bạch vệ.

Vla-đi-mia I-lích bắt đầu nói.

Trên quảng trường trở nên im lặng.

Lê-nin nói rằng trước đây người ta dạy binh lính phải bảo vệ Nga hoàng và bọn tư sản. Còn bây giờ các chiến sĩ Hồng quân phải bảo vệ mình, cha mẹ và con cái mình. Bảo vệ nhà nước của mình khỏi bọn địa chủ và tư sản. Lê-nin nói rất thân mật và giản dị. Nói đúng về những điều mà hàng ngàn chiến sĩ Hồng quân đứng cạnh bức thành Cơ-rem-li đang suy nghĩ. Những người vợ Hồng quân cũng suy nghĩ như vậy. Họ không khóc. Họ chỉ siết chặt hơn nữa cổ áo sơ mi bằng vải hoa. Và vẻ mặt có tái đi. Còn bà mẹ già của Va-xi-a không kêu la nữa.

Sau cuộc mít tinh, các đội Hồng quân đi thằng từ Hồng trường tới các nhà ga. Và các đoàn tàu chở chiến sĩ Hồng quân ra mặt trận.

Lê-nin đứng trên xe vận tải, nhìn theo những người ra đi. Rừng lưỡi lê lấp lánh dưới ánh mặt trời.

“Tôi, người con của nhân dân lao động…” - Lời tuyên thệ của Hồng quân được nhắc lại một cách trang trọng trong cân não Vla-đi-mia I-lích.

TÀI SẢN QUỐC GIA

Những người cộng tác ở Hội đồng dân ủy không nhiều lắm. Mỗi người đều có khá nhiều công việc. Nhưng mỗi người đều thích công việc của mình và vui vẻ làm việc. Vla-đi-mia I-lích kính trọng tập thể nhỏ các cán bộ của Hội đồng dân ủy.

- Thà là con cá nhỏ còn hơn con gián to, - Vla-đi-mia I-lích nói đùa.

Các cán bộ thích câu cách ngôn của Người.

- Chúng tôi là con cá nhỏ bé. - họ cười.

- Nhưng bé hạt tiêu, - Vla-đi-mia I-lích khen ngợi.

Vla-đi-mia I-lích tới dự phiên họp sớm hơn năm phút. Người bao giờ cũng tới trước. Người ngồi vào chỗ chủ tọa. Một chồng bản tin và những bức điện khác nhau đang chờ đợi Người. Trong khi các ủy viên nhân dân tập trung ngồi vào chiếc bàn dài có phủ tấm dạ màu xanh thì Lê-nin đã đọc được đôi chút. Người để riêng ra một chồng giấy tờ. Ký một số khác. Còn một số nữa thì trả lại thư ký. Rồi Người tuyên bố khai mạc phiên họp của Hội đồng dân ủy.

Không có những người đến chậm. Tất cả đều đến đúng lúc bắt đầu. Không ai muốn bị ghi tên vào biên bản. Hoặc tệ hơn nữa, bị khiển trách. Lê-nin không tha thứ cho ai về việc đi muộn.

- Chúng ta bắt đầu, - Vla-đi-mia I-lích nói.

Một đồng chí bắt đầu báo cáo về tình hình lương thực. Đồng chí là ủy viên Ủy ban lương thực. Tất cả số lương thực dự trữ của Ủy ban đó đều được kiểm kê chính xác đến một phun, nửa phun. Đồng chí báo cáo trong tháng này có thể cấp cho những người lao động bao nhiêu bánh mì, muối và bơ.

Mỗi người được phân phối rất ít. Trẻ em được nhiều hơn. Nhưng dù sao vẫn rất ít.

- Chớ quên các cụ già sống độc thân đấy, - Vla-đi-mia I-lích nói xen vào.

Báo cáo viên tiếp tục công việc. Vla-đi-mia I-lích hơi cúi đầu lắng nghe, kẻ trên tờ giấy những ô vuông nhỏ và những đường chéo.

Rõ ràng chúng ta có khó khăn với số lương thực dự trữ, nên báo cáo viên mới không đả động gì đến lời đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân ủy.

- Không được quên các cụ già sống độc thân, - Vla-đi-mia I-lích lại nói xen vào, giọng kiên quyết hơn. - Còn ai quan tâm tới họ, nếu không phải Chính quyền Xô-viết? Đúng, đúng! Chúng ta nghèo, nhưng phải tìm ra lối thoát.

Vla-đi-mia I-lích nhìn về phía ủy viên nhân dân phụ trách lương thực như có ý hỏi: A-lếch-xan Đmi-tơ-ri-ê-vích sẽ nói gì? - Lê-nin biết A-lếch-xan Đmi-tơ-ri-ê-vích Xu-ru-pa từ lâu, từ khi ở nơi đi đày trở về. Vla-đi-mia I-lích ngay lúc đó đã rất thích Xu-ru-pa. Đồng chí rất vui tính, có cặp mắt xanh, mái tóc quăn vàng óng.

Nhưng tất nhiên vấn đề không phải ở vẻ ngoài - Xu-ru-pa là một nhà cách mạng xuất sắc, cái thực chất là ở chỗ đó. Và là một cán bộ đầy hy sinh, một ủy viên nhân dân ưu tú! Lê-nin rất thích làm việc với các ủy viên nhân dân như thế.

Nhưng có chuyện gì xảy ra với đồng chí đó thế? Lê-nin cau mày, chăm chú nhìn Xu-ru-pa. Đồng chí gầy rạc hẳn đi. Mặt không còn một hột máu. Ở phía dưới mắt có những hốc đen.

“Đồng chí đó vì bị đói mới như thế! Xu-ru-pa bị đói!” - Vla-đi-mia I-lích đã hiểu.

Vla-đi-mia I-lích xé một tờ giấy nhỏ trong cuốn sổ tay, vừa tiếp tục nghe báo cáo viên, vừa viết một mảnh giấy cho Xu-ru-pa nghiêm khắc nói rằng cần phải quan tâm tới “tài sản quốc gia”, cần phải giữ gìn, không được lơ là như vậy, vô lý.

Xu-ru-pa đọc, mỉm cười. Vla-đi-mia I-lích gọi sức khỏe của những cán bộ làm việc đặc biệt nhiều cho nhà nước là “tài sản quốc gia”. Xu-ru-pa muốn trả lời Vla-đi-mia I-lích rằng không phải một mình đồng chí bị đói, tất cả đều ăn không đủ no. Khi nào nước ta giàu có, khi đó chúng ta sẽ được ăn no.

Nhưng đồng chí ở Ủy ban lương thực đã báo cáo xong. Xu-ru-pa không kịp viết giấy trả lời Vla-đi-mia I-lích nữa, mà giơ tay xin nói. Đang thảo luận vấn đề rất quan trọng. Xu-ru-pa cần phải nói ra những lời khuyên và ý nghĩ của mình. Đồng chí đứng dậy. Bỗng nhiên đồng chí lảo đảo và ngã lăn ra sàn bất tỉnh nhân sự. Lê-nin đứng phắt dậy, chạy lại gần:

- A-lếch-xan Đmi-tơ-ri-ê-vích thân mến, có chuyện gì xảy ra với đồng chí thế?

Xu-ru-pa nằm ngửa, hai tay duỗi ra, mặt tái xanh như người chết. Mọi người vây quanh đồng chí. Một người nào đấy gọi điện thoại cho bác sĩ.

- Nước, đem nước đến ngay!

Một người khác lấy nước ở bình thon cổ vẩy lên mặt Xu-ru-pa. Đồng chí bắt đầu động đậy! Hơi thở dài đã nâng lồng ngực lên. Đồng chí tỉnh lại. Người ta liền đặt Xu-ru-pa lên ghế tựa. Đồng chí lấy khăn mùi soa lau mặt, vẻ mặt của đồng chí có vẻ bối rối và lúng túng:

- Tôi đã gây ra sự phiền phức, đã phá vỡ phiên họp.

- Ủy viên nhân dân phụ trách lương thực bị ngất vì đói, - Vla-đi-mia I-lích lắc đầu. - Chúng ta đang sống rất khó khăn. Nhưng dù sao vẫn cần phải giữ gìn “tài sản quốc gia”, - Người nói với Xu-ru-pa. - Các đồng chí, “tài sản quốc gia” này ở tình trạng rất tồi. Tôi đề nghị lập tức đưa đi đại tu.

“NGÀY VUI VẺ THÁNG NĂM ĐÃ ĐẾN…”

Vla-đi-mia I-lích dậy sớm và khe khẽ để không đánh thức Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na và Ma-ri-a I-li-nhít-na. Người đi vào bếp. Hôm nay Người mặc bộ quần áo đã sờn, đi đôi giày cũ và không thắt ca-vát.

Ở nhà bếp có ấm nước sôi sùng sục, trong xoong, khoai tây bốc hơi nghi ngút. Công việc nội trợ của gia đình U-li-a-nốp trong khu Cơ-rem-li do Xa-nhi-a đảm nhận. Chị là cô em họ của công nhân Ba-bu-skin trước đây đã bị bọn hiến binh Nga hoàng bắn chết năm 1906.

- Thưa Vla-đi-mia I-lích, chẳng lẽ đồng chí định đi thực ư? - Xa-nhi-a lấy làm ngạc nhiên.

- Cái gì thế này? - Vla-đi-mia I-lích hỏi, ánh mắt láu lỉnh. Và chỉ ấm nước sôi trên bếp lò và cái xoong. - Cái gì thế? Ai đã chuẩn bị bữa ăn sáng cho tôi hôm nay sớm thế? Cảm ơn Xa-nhi-a. Cảm ơn Xa-nhi-a. Ngồi xuống đây, chúng ta cùng ăn sáng.

Vla-đi-mia I-líchăn rất ngon miệng, còn Xi-nhi-a vừa rót nước trà đặc cho Người vừa tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Có lẽ việc này không hợp với đồng chí, thưa Vla-đi-mia I-lích. Công việc của đồng chí là làm việc bằng trí óc.

- Nếu nhà nước Xô-viết cần thì cũng phải lao động chân tay một chút chứ? - Vla-đi-mia I-lích vui vẻ mỉm cười.

Vla-đi-mia I-lích ăn sáng rất nhanh rồi bước ra khỏi nhà. Một buổi sáng trong lành và mát mẻ. Làn gió nhẹ làm rung rinh đám lá cây xanh rờn. Những đám mây trắng bay dạo trên bầu trời xanh biếc.

Ở Cơ-rem-li nhộn nhịp và đông đúc khác thường. Trên quảng trường Cơ-rem-li rộng lớn, các đội ngũ học viên lớp quân sự đứng xếp hàng - họ sống và học ngay ở Cơ-rem-li. Các cán bộ của Hội đồng dân ủy và Ban chấp hành Trung ương toàn Nga cũng có mặt tại đây.

Hôm đó là ngày mồng Một tháng Năm.

Đảng đã ra lời kêu gọi: hôm nay tổ chức ngày thứ bảy cộng sản thay cho những cuộc thị uy tuần hành nhân ngày lễ.

Một năm trước đây, vào ngày thứ bảy, sau những giờ làm việc, công nhân trên đoạn đường sắt Mát-xcơ-va - Ca-dan đã không trở về nhà.

Họ ở lại các xưởng. Sửa chửa xong bồn đầu tàu và mười sáu toa tàu không lấy tiền. Lê-nin đã viết về một bài báo về ngày thứ bảy cộng sản đầu tiên của công nhân nhan đề “Sáng kiến vĩ đại”. Lê-nin gọi việc làm tình nguyện không phải trả tiền đó là lao động cộng sản.

Thế là ngày lễ mồng một tháng Năm năm 1920 được tuyên bố là ngày thứ bảy cộng sản toàn nước Nga. Ở khắp mọi nơi trên đất nước Nga rộng lớn, mọi người đổ ra các đường phố, hoặc tới các phân xưởng trong các nhà máy và cùng nhau làm việc gì đó quan trọng vì lợi ích chung.

Học viên lớp quân sự ở Cơ-rem-li đứng xếp hàng gần doanh trại, cạnh khẩu đại bác đế vương. Khẩu đại bác này bằng đồng đỏ đặt ở trên giá sung bằng gang. Cạnh đó có để những viên đạn tròn cũ bằng gang. Người ta chưa bao giờ bắn khẩu đại bác đó cả. Những người thợ giỏi làm vũ khí ngày xưa đã đúc nên nó làm mọi người phải kinh ngạc, còn kẻ thù thì sợ hãi. Khẩu đại bác đó được đặt vĩnh viễn ở Cơ-rem-li.

Học viên lớp quân sự đứng xếp hàng, còn người chỉ huy thì tuyên bố những việc cần làm: dọn sạch gỗ ván và các vật linh tinh khỏi quảng trường Cơ-rem-li thu dọn lại Cơ-rem-li cho gọn gàng.

- Xin tuân lệnh thu dọn lại Cơ-rem-li cho gọn gàng! -học viên đồng thanh đáp.

Vừa lúc đó Vla-đi-mia I-lích tới. Người bước đi, dáng nhanh nhẹn. Người mặc chiếc áo vét cũ và đội mũ cát két trông nghiêm nghị nhưng có vẻ phấn khởi, trong cặp mắt ánh lên niềm vui.

- Tôi chịu sự phân công của đồng chí, - Vla-đi-mia I-lích đứng nghiêm theo lối quân sự, báo cáo với chỉ huy. - Yêu cầu cho tôi tham gia ngày Thứ bảy Cộng sản.

- Đề nghị đồng chí đứng vào hàng bên phải, - người chỉ huy nói.

Đồng hồ trên tháp Cơ-rem-li điểm giờ bằng một hồi chuông ngân vang. Những chiếc kèn đồng của đội nhạc vang lên.

- Bắt đầu làm việc! - lệnh truyền đi, và được nhắc lại ở khắp các đội.

Mọi người vui vẻ bắt tay vào công việc. Tiếng nhạc làm vui tai, một ngày nắng ráo. Việc Lê-nin cũng làm với họ khiến các học viên lớp quân sự rất hào hứng.

Những cây gỗ thật là nặng. Mỗi cây phải sáu người khiêng. Một lát sau các học viên lớp quân sự nhận thấy: Vla-đi-mia I-lích luôn luôn cố giành lấy đầu nặng.

- Không thể như thế được, - học viên lớp quân sự quyết định. - Vla-đi-mia I-lích làm quá sức mình.

- Thưa đồng chí Lê-nin, - một người nói, - chúng tôi không thể để đồng chí khiêng nặng như vậy!

- Các đồng chí khiêng được, tại sao tôi lại không khiêng được? - Vla-đi-mia I-lích phản đối.

Từ dưới mũ lưỡi trai, Người nhìn đồng chí học viên với vẻ thách thức, rồi bước tới gần cây gỗ tiếp theo.

- Thưa Vla-đi-mia I-lích, đồng chí đi về thôi. Không có đồng chí ở đây chúng tôi cũng khắc làm xong, - đồng chí học viên đuổi kịp Người, cố thuyết phục.

- Không, không, đồng chí không thể bắt tôi đi khỏi nơi đây được đâu. Tôi không đi đâu hết.

- Đồng chí đã năm mươi tuổi rồi, thưa Vla-đi-mia I-lích!

Đồng chí học viên nói câu đó và cảm thấy lúng túng. Vì đồng chí đó đã cư xử với Lê-nin quá tự nhiên. Làm như Người không phải là Chủ tịch Hội đồng dân ủy, mà là người anh của mình hoặc một người công nhân.

Vla-đi-mia I-lích quay lại, lấy ngón tay đe và cười:

- Nếu tôi lớn tuổi hơn đồng chí thì đồng chí lại càng không nên tranh cãi với tôi.

Vla-đi-mia I-lích nhớ lại một ngày tháng Năm khác, khi Người cùng với Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na bị đày ở Su-sen-xcôi-e. Ở đó còn có những người bị đày khác - một người Phần Lan tên là Ô-xcác En-béc-gơ và một người Ba Lan tên là I-an Prô-min-xki. Họ bí mật làm một lá cờ đỏ giấu bọn cảnh sát thôn. Và tới ngày mồng một tháng Năm họ tụ tập ở cánh đồng cỏ. Hát vang:

Ngày vui vẻ tháng Năm đã đến,

Bóng đau buồn hãy lánh sang bên!

Hãy cất lên bài ca dũng cảm!

Trong ngày này ta sẽ bãi công!

Và ở đó, ở nơi đi đày họ ước mơ về tương lai…

Tương lai đó đây rồi. Nhân dân được tự do, được lao động cho bản thân. Hồng quân trên các mặt trận đã chuyển sang thế tấn công. Chúng ta sắp đánh bại bọn can thiệp và bọn phản cách mạng, vĩnh viễn tống cổ bọn chúng đi.

Vla-đi-mia I-lích từ nơi lao động ngày thứ bảy cộng sản trở về, áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi. Một chiếc giày bật đế.

- Anh chẳng còn giày dự trữ nữa đâu, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na nói.

Rồi bà lấy cho Vla-đi-mia I-lích một bộ quần áo lót mới. Còn Vla-đi-mia I-lích, vẻ mệt mỏi và hài lòng rửa ráy ở vòi nước dưới nhà bếp, thở phì phì, lắc lắc đầu, tia nước bắn ra tứ phía.

Sau đó Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na gắn vào áo vét của Vla-đi-mia I-lích một tấm băng đỏ nhỏ. Người đi tới quảng trường Nhà hát, nơi đặt tượng Các Mác và đọc một bài diễn văn cách mạng. Cũng ngày hôm đó, người ta đặt tượng “Lao động được giải phóng”, Vla-đi-mia I-lích cũng tới đây đọc một bài diễn văn.

Buổi chiều Người phát biểu tại các cuộc mít tinh ở quận một, hai, ba. Rồi Người đi tới Cung công nhân. Ngày hôm đó, mồng một tháng Năm năm 1920, ở Mát-xcơ-va đã khánh thành Cung công nhân.

Vla-đi-mia I-lích vui mừng trước công việc của ngày hôm nay, ngày Thứ bảy Cộng sản toàn nước Nga. Người vui mừng trước những bức tượng mới, nền văn hóa mới.

Hai cánh tay và đôi chân của Vla-đi-mia I-lích mỏi rã rời. Nhưng Người cảm thấy rất vui.

NHỮNG ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN CỘNG SẢN

Mọi người đều biết rằng đoàn viên thanh niên cộng sản là những thanh niên dũng cảm, tiên tiến. Vì lợi ích của nhân dân, Đảng cần cử những người gan dạ làm công việc nguy hiểm - ai là người đi trước? Bao giờ cũng là những đoàn viên thanh niên cộng sản.

Cần phải làm những con đường chưa từng thấy - ai sẽ hưởng ứng theo tiếng gọi đầu tiên? Những đoàn viên thanh niên cộng sản. Chiến tranh - những đoàn viên thanh niên cộng sản không hề run sợ.

Những đoàn viên thanh niên cộng sản trong cuộc nội chiến đã lập hàng ngàn chiến công. Hàng ngàn nấm mồ của đoàn viên thanh niên cộng sản đã xanh cỏ và đầy hoa trên các mảnh đất Xi-bi-ri, U-cra-i-na, Crưm và vùng lưu vực sông Von-ga, ở gần Cuốc-xcơ và Pê-téc-bua. Hàng ngàn những anh hùng đoàn viên thanh niên cộng sản…

Vla-đi-mia I-lích gác bút chì sang một bên. Tờ giấy trên bàn ghi đầy những chữ nét nhỏ và cao. Lê-nin viết phác đề cương bài phát biểu.

Hôm nay Người phát biểu tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên cộng sản. Đoàn thanh niên cộng sản toàn Nga mới ra đời được hai năm. Vla-đi-mia I-lích rất quan tâm suy nghĩ tới các đoàn thanh niên cộng sản. Họ là những người rất hăng hái, ngoan cường! Con em của giai cấp công nhân và tầng lớp nông dân nghèo. Chúng ta đã làm cách mạng, Vla-đi-mia I-lích nghĩ bụng, nhưng chưa chắc kịp xây dựng hoàn tất xã hội cộng sản chủ nghĩa. Thế hệ trẻ sẽ xây dựng nốt. Các đồng chí, những đoàn viên thanh niên cộng sản, phải đi hàng đầu.

Chính là vào lúc này các đại biểu Đoàn thanh niên cộng sản kéo về dự Đại hội. Họ đi thẳng từ nơi tham gia lao động ngày Thứ bảy Cộng sản. Suốt cả buổi sáng họ bốc dỡ hàng ở các toa xe lửa không mui tại các nhà ga, xếp củi cho gọn ở các nhà kho, lập lại trật tự trên các đường phố. Làm cho Mát-xcơ-va đẹp thêm lên.

Hôm đó là ngày mồng hai tháng mười một năm 1920. Trời lạnh. Bầu trời xám xịt. Bỗng nhiên gió thổi mạnh, những đám lá vàng từ các cành cây trên đại lộ bay lên, lượn tròn trong không khí rồi rơi xuống đất như một trận mưa phát ra những tiếng sột soạt.

Những đoàn viên thanh niên cộng sản vui mừng trước không khí trong lành của buổi sáng, trước tiếng lá rơi xào xạc, trước công việc chung mà chính tay họ tham gia. Nhưng cái chính là Lê-nin sắp phát biểu tại Đại hội!

Tất nhiên, các đại biểu Đoàn thanh niên cộng sản vội vàng nhanh chân tới ngôi nhà số 6 ở phố Ma-lai-a Đmi-tơ-rốp-ca vào giờ đã định. Bây giờ ngôi nhà đó là Nhà hát mang tên Đoàn thanh niên cộng sản Lê-nin. Lúc đó không có nhà hát, không có sân khấu gì cả. Thay vào sân khấu là cái bục bằng gỗ mộc không có màn che. Một chiếc bàn dài đặt trên bục và một diễn đàn. Những bức tranh cổ động và khẩu hiệu dán trên các tấm vải đỏ.

“Anh đã gia nhập đội quân tình nguyện chưa? - một chiến sĩ Hồng quân đội mũ vải từ bức tranh cổ động chỉ thẳng ngón tay và hỏi với vẻ hách dịch: - Còn anh?”

Nhiều đoàn viên thanh niên cộng sản vừa từ tiền tuyến về. Nên nhớ là các đại biểu Đoàn thanh niên cộng sản này từ các thành phố và làng mạc khác nhau đến, họ không phải là những học sinh. Có người biết chữ, có người không, có người chưa bao giờ cầm trên tay cuốn sách. Thế nhưng họ đã sẵn sàng nhảy vào nước sôi lửa bỏng vì chính quyền Xô-viết.

Những trái tim của đoàn viên thanh niên cộng sản hồi hộp đập: Lê-nin sắp đến. Sắp được nghe Lê-nin!

Trong khi chờ đợi, họ ngồi sát vai nhau trên các ghế băng. Họ mặc áo choàng và áo da. Các đoàn viên thuộc lứa tuổi hai mươi đặc biệt thích kiểu áo da đen như của Xvéc-lốp. Áo choàng là loại áo dài cũng khá tốt, áo choàng chiến đấu thấm mồ hôi và thuốc súng. Họ đội mũ lông cao hoặc mũ vải có gắn ngôi sao đỏ.

“Lê-nin sẽ nói gì?” - các đại biểu đoán. Và chờ đợi: Người sẽ nói về cuộc chiến tranh. Sẽ kêu gọi đi chiến đấu, lập chiến công và nêu cao lòng dũng cảm. Hồng quân đã đuổi bọn bạch vệ. Nhưng cuộc nội chiến vẫn chưa kết thúc.

Chúng ta hãy dũng cảm đi chiến đấu.

Tiếng hát bỗng nổi lên ở một đầu phòng họp. Và vang lên lúc lúc càng mạnh:

Vì chính quyền Xô-viết.

Và chúng ta, mọi người như một sẽ chết

Trong cuộc đấu tranh cho cái đó!

Nhưng kìa, tất cả bỗng im bặt. Bắt đầu bầu chủ tịch đoàn như thường thấy ở các cuộc họp. Bàn chủ tịch đoàn có hai tấm dạ đỏ. Các đồng chí ngồi vào chỗ. Chân dung Mác và Ăng-ghen treo trên tường, cả hai như đang chăm chú, thân ái nhìn các đoàn viên thanh niên cộng sản.

Tiếng reo hò phấn khởi đột nhiên vang lên:

- Lê-nin!

Các đoàn viên thanh niên cộng sản đứng phắt dậy, vỗ tay. Các đoàn viên thanh niên cộng sản đều tự hào yêu mến Lê-nin thiết tha, tuyệt đối.

Lê-nin cởi áo bành tô có cổ nhung đen vắt lên ghế tựa. Người bắt tay, chào hỏi các đồng chí trong chủ tịch đoàn. Tất cả mọi cử chỉ, nụ cười của Người, tất cả những gì Người đã làm và làm như thế nào đều khiến cho các đoàn viên rất thích. Người thật đẹp, đáng quý và đáng yêu. Người đã làm cho nhiều đoàn viên hăng hái này phải ứa nước mắt vì xúc động và vì gặp được dịp may hiếm có.

Lê-nin bước lại gần mép bục, rút ở túi áo gi-lê ra chiếc đồng hồ có dây đeo, không có nắp. Và ra hiệu như muốn nói: thôi chấm dứt vỗ tay, chúng ta bắt đầu làm việc.

Các đoàn viên lại càng thích thú hơn.

Và nếu như Người nói: “Các đồng chí! Tất cả mọi người không trừ ai, không được chậm trễ một phút, hãy ra trận ngay” thì tất cả mọi người như một sẽ xông ngay ra trận.

Nhưng Lê-nin đã nói cái khác. Lúc đầu các đoàn viên thấy lúng túng. Ngạc nhiên, hoang mang. Lúc đầu họ không hiểu.

Lê-nin không đứng im một chỗ, mà đi đi lại lại ở mép bục. Rất đông người. Những người lớn tuổi hơn trong chủ tịch đoàn ngồi sau chiếc bàn. Thiếu ghế tựa, các ủy viên chủ tịch đoàn là đoàn viên, không cần phải suy nghĩ lâu, họ ngồi bệt xuống bục. Lê-nin thận trọng bước ngang qua chỗ họ. Người nói.

Về cái gì vậy? Người nói rằng nhiệm vụ hiện nay của đoàn viên thanh niên cộng sản là học tập.

Các đoàn viên rất đỗi ngạc nhiên. Vla-đi-mia I-lích nhận thấy sự ngạc nhiên, vẻ hoang mang trên những khuôn mặt trẻ đang lắng nghe một cách khát khao, và cố giải thích thật rõ ý nghĩ của mình. Chúng ta sắp sửa kết thúc cuộc nội chiến. Sắp sửa tống cổ hết quân thù. Tiếp theo sẽ làm gì? Cần phải bắt tay vào xây dựng nhà máy, công xưởng, máy kéo, máy bay, xe hơi. Cần phải điện khí hóa đất nước. Vậy điện khí là gì, các đồng chí đoàn viên, các đồng chí có biết không?

Cần phải biết, biết nhiều!

Vla-đi-mia I-lích đã chứng minh rõ ràng và đơn giản cho các đoàn viên rằng không có kiến thức không thể xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Cần phải hiểu biết và lao động. “Chỉ có thông qua lao động cùng với công nhân và nông dân mới có thể trở thành những người cộng sản chân chính”. Vla-đi-mia I-lích nói rằng học tập chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là phải gắn mỗi bước đi của đời mình với cuộc đấu tranh của những người vô sản nhằm chống lại xã hội cũ. Và phải xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3