Cuộc đời của Lê-nin - Chương 65 - 66 - 67 - 68

ƯỚC MƠ VÀ SỰ THẬT

Nhà văn Anh nổi tiếng Héc-be Oen-xơ ngồi trong phòng làm việc của Vla-đi-mia I-lích. Chắc là không một em học sinh nào không đọc những cuốn sách của Oen-xơ: “Cuộc đấu tranh của các loài”, “Chiếc máy của thời đại”, “Người tàng hình”. Những cuốn sách của Oen-xơ đầy những chuyện viễn tưởng kì lạ, nổi tiếng khắp thế giới.

Oen-xơ đã phê phán những thiếu sót của cuộc sống tư bản chủ nghĩa, say mê khoa học và kỹ thuật, và vì vậy Vla-đi-mia I-lích thích làm quen với ông. Vla-đi-mia I-lích tươi cười nhìn người Anh phong nhã khá cao lớn và vạm vỡ, rẽ đường ngôi thẳng và có bộ ria ngắn. Ông mặc bộ quần áo rất sang. Chiếc cổ cứng áo sơ mi trắng toát đỡ cái cằm tròn nhẵn nhụi. Rõ ràng là nhà văn nổi tiếng không biết đến thiếu thốn là gì.

Trong khi đó những người Xô-viết đang sống trong đói rét. Không mua đâu được áo sơ mi. Các cửa hiệu đều trống rỗng.

Héc-be Oen-xơ kể cho Vla-đi-mia I-lích nghe về những ấn tượng của mình. Ông từ nước Anh tới hai tuần trước đây và đã đi khắp các phố phường Pê-tơ-rô-grát và Mát-xcơ-va không biết mỏi. Ông đi tới các nhà máy. Hơn một nửa nhà máy ngừng sản xuất. Các máy móc đều im lặng. Oen-xơ tới các trường học. Mỗi em học sinh được phát một mẩu bánh mì con để ăn sáng. Thiếu sách giáo khoa. Mỗi cuốn sách ba, bốn người học chung.

Oen-xơ quan sát, hỏi han, lắng nghe. Ông rất sửng sốt. Đất nước Xô-viết đang gặp khó khăn không thể tưởng tượng được! Tình trạng rối loạn, nạn đói. Không có nhiên liệu, không có ánh sáng. Nước Nga đang chìm trong bóng tối.

Héc-be Oen-xơ đã nói với Lê-nin như vậy.

Trên khuôn mặt Lê-nin nụ cười dần dần tắt. Không. Người không bực mình với nhà văn Anh nổi tiếng. Lê-nin thích nói chuyện thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Oen-xơ nói sự thật: ở nước Nga đang có tình trạng rối loạn. Oen-xơ lý luận rất đúng: không phải những người bôn-sê-vích đã đưa đất nước tới tình trạng rối loạn mà là chính phủ Nga hoàng, bọn tư sản trong nước và nước ngoài. Chính bọn chúng đã gây ra cuộc chiến tranh ở nước Nga. Nhưng Qen-xơ không tin rằng những người bôn-sê-vích sẽ phục hồi nước Nga, đưa đất nước ra khỏi tình trạng nghèo khổ và chiến tranh.

Lúc này Lê-nin ngồi sát gần Oen-xơ hơn và với cặp mắt tươi cười tinh nghịch Người hỏi:

- Thế ông có hình dung được những người bôn-sê-vích đang làm gì để khôi phục nước Nga không? Ông có muốn biết không?

Oen-xơ là một nhà viễn tưởng và nhà bác học. Vì vậy Lê-nin quyết định đem kế hoạch chia sẻ với ông ta. Kế hoạch đó thật là vĩ đại, vô cùng lớn lao! Lê-nin đã suy nghĩ kế hoạch đó từ lâu.

Từ thời trẻ Vla-đi-mia I-lích đã có một người đồng chí gần gũi là Gơ-lép Mác-xi-mi-li-a-nô-vích Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki, một người cộng sản và một kỹ sư lớn. Đồng chí còn là nhà thơ. Ngay trong thời Nga hoàng đồng chí đã dịch ra tiếng Nga những bài hát cách mạng Ba Lan. Trước đây người ta đã hát những bài hát đó, và bây giờ cả nước vẫn hát vang:

Nhưng chúng ta tự hào

Và dũng cảm giương cao

Ngọn cờ đấu tranh

Vì sự nghiệp công nhân…

Nhiều buổi chiều Lê-nin đã thảo luận với Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki kế hoạch của mình. Hai trăm nhà bác học, những chuyên viên lớn nhất và giàu kinh nghiệm, đã được Lê-nin triệu đến để thiết kế và xem xét kế hoạch.

Và giờ đây Người chia sẻ với Oen-xơ. Oen-xơ không biết tiếng Nga. Nhưng Vla-đi-mia I-lích nói tiếng Anh như một người Anh chính cống. Oen-xơ khâm phục - Người nói tiếng Anh rất thoải mái, phong phú! Còn ý nghĩ thì hay tuyệt! Ý nghĩ sáng rực như tia chớp. Táo bạo hơn cả câu chuyện viễn tưởng táo bạo nhất. Kế hoạch của Lê-nin đã làm cho Oen-xơ sửng sốt. Điện khí hoá nước Nga! Trong cảnh những đồng bằng rừng núi bao la. Những làng mạc dưới ánh sáng của ngọn đuốc. Những thành phố bị bỏ rơi. Những nhà máy thì im lặng. Việc buôn bán bị ngừng trệ. Các đường sắt bị phá hủy.

- Trong những điều kiện khủng khiếp như vậy mà ông mơ ước thắp điện khắp đất nước mênh mông của ông ư?

- Vâng. Chúng tôi sẽ xây dựng các nhà máy điện. Sẽ cung cấp năng lượng cho các nhà máy. Sẽ sản xuất các xe lửa chạy bằng điện.

“Một người rất kỳ lạ! - vừa nghe Lê-nin, Oen-xơ vừa nghĩ bụng. - Nhưng ôi… nhà mơ mộng của điện Cơ-rem-li.” Nhà văn viễn tưởng cảm thấy kế hoạch của Lê-nin là một chuyện hoang đường không thể thực hiện được.

Hai tháng sau, tại Nhà hát lớn đã khai mạc Đại hội lần thứ VIII các Xô-viết toàn Nga. Sự kiện đó xảy ra vào tháng Chạp năm 1920.

Trên những chiếc ghế bành bọc nhung thấy xuất hiện những người mặc áo sơ-mi cổ đứng cài cúc bên sườn, áo va-rơ, áo vét đã sờn và đi ủng, thấy xuất hiện những người có bộ mặt kiên cường và bất khuất, thấy xuất hiện chính quyền Xô-viết. Họ tụ tập tại đây để phê chuẩn những đạo luật mới và kế hoạch xây dựng đời sống cùng nền kinh tế trong tương lai.

Trên sân khấu có đặt một tấm sa bàn lớn về điện khí hóa nước Nga. Vla-đi-mia I-lích rất quan tâm tới sa bàn này. Nhiều lần Người gọi dây nói cho Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki, giục họa sĩ và những người thợ điện làm xong đúng thời hạn! Vla-đi-mia I-lích muốn những đại biểu các Xô-viết thấy rõ: đây là kế hoạch điện khí hóa của chúng ta, chúng ta sẽ cải tạo nước Nga như thế đó. Mười năm sau xin mời ông Oen-xơ trở lại đây coi…

Kỹ sư Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki mắt đen, dáng người thâm thấp, đứng trên sân khấu. Đồng chí vốn cương nghị, hoạt bát, nhưng bây giờ đồng chí im lặng. Đồng chí rất xúc động.

Hôm qua cũng ở nơi đây, trên sân khấu này, Lê-nin đã nói: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”. Hôm nay kỹ sư Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki cần phải làm sáng tỏ: tất cả những cái đó sẽ được tiến hành như thế nào. Đồng chí rất xúc động. Chiếc gậy bằng gỗ để chỉ trong tay đồng chí hơi run run. Đồng chí giơ chiếc gậy lên, khẽ đụng vào tấm sa bàn. Ánh sáng trong phòng bỗng tắt đi. Và trên tấm sa bàn, khi chiếc gậy đụng vào đâu thì một ngọn đèn nhỏ liền bật lên. Một ngọn. Ngọn thứ hai, thứ ba. Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki thuyết minh: chúng ta sẽ xây dựng các nhà máy điện ở đâu, sẽ xây dựng như thế nào, nền công nghiệp của chúng ta sẽ được khôi phục lại ra sao, đồng ruộng của chúng ta sẽ hồi phục như thế nào. Những ngọn đèn lần lượt được bật sáng, chỉ rõ những nơi đặt các nhà máy điện. Tấm sa bàn sáng rực lên một cách diệu kỳ. Cơ-rơ-gi-gia-nốp-xki nói giọng khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Vla-đi-mia I-lích nhìn khuôn mặt hồ hởi của người bạn; nhận thấy cử toạ vô cùng chú ý; rồi nhìn những ngọn đèn trên tấm sa bàn - ánh bình minh của tương lai. Và Người hiểu: giờ đây kế hoạch mà Người đã dốc hết tâm sức vào đó sẽ trở thành ước mơ và sự thật của tất cả các đại biểu. Ước mơ và sự thật của nhân dân. Người không lẻ loi. Cùng với Người có nhân dân Xô-viết và các đồng chí.

NĂM MỘT NGHÌN CHÍN TRĂM HAI MƯƠI MỐT KHẮC NGHIỆT

Tháng chạp năm 1920 trên báo “Sự thật” đã đăng thông báo cuối cùng của Hội đồng quân sự cách mạng: “Trên các mặt trận đã yên tĩnh”. Hồng quân đã quét sạch bọn can thiệp. Đã đánh bại bọn bạch vệ. Chính quyền Xô-viết còn chưa tới được vùng Viễn Đông. Chờ một chút nữa, chính quyền Xô-viết sẽ tới.

Hầu khắp đất nước cuộc chiến tranh đã kết thúc. Chế độ cộng sản thời chiến không thích hợp với cuộc sống nữa. Lê-nin đã suy nghĩ một chính sách mới thích hợp với thời bình.

Nhưng tai hoạ khủng khiếp đã lén đến gần đất nước Xô-viết.

Mùa đông không có tuyết rơi. Không có những cơn bão tuyết rít lên, không có những đồng tuyết phủ. Giá lạnh thấm vào lớp đất trần trụi. Những mầm non mùa xuân bị vàng úa. Những mầm mảnh dẻ khao khát chờ mưa. Vô ích. Suốt mùa xuân và mùa hè trời nắng như thiêu đốt. Mặt trời nóng như đổ lửa. Bầu trời ngột ngạt không một gợn mây. Chiều chiều ánh hoàng hôn đỏ rực vẻ dữ tợn. Làn gió nóng hút khô lớp nhựa cuối cùng trong những mầm non cằn cỗi. Đất rắn lại vì nắng gắt. Ở vùng lưu vực sông Von-ga các cánh đồng đều bị tàn lụi. Nạn hạn hán lan đến vùng Crưm và Nam U-ran. Nạn đói hiện ra sờ sờ trước mắt hàng triệu người.

Vla-đi-mia I-lích đi tới Hội đồng dân ủy. Phiên họp bắt đầu vào giờ quy định. Trong chương trình nghị sự có bàn về vấn đề giúp đỡ những người đang bị đói. Vla-đi-mia I-lích hướng dẫn, chỉ đạo, đòi hỏi những hành động cấp bách, dứt khoát.

Cũng như trong thời chiến, chính phủ Xô-viết đã kêu gọi nhân dân. Những bức điện theo đường điện thoại bay đi khắp các tỉnh và các thành phố: “Các đồng chí, hãy chia sẻ những gì có thể được!”

Đơ-giéc-gin-xki, Chủ tịch Uỷ ban đặc biệt toàn Nga đấu tranh chống phản cách mạng và chống phá hoại đã tới Xi-bi-ri để thu nhập lúa mì cho vùng lưu vực sông Von-ga.

Ở U-cra-i-na mùa màng rất tốt. Lê-nin đã viết một bức thư gửi nhân dân U-cra-i-na.

“Cần sự giúp đỡ nhanh chóng. Cần giúp đỡ thật nhiều”, - Vla-đi-mia I-lích viết.

Người gửi lời kêu gọi công nhân nước ngoài. Hãy giúp đỡ!

Chính phủ Xô-viết đã thành lập một Uỷ ban do Ca-li-nin đứng đầu, cứu trợ những người bị đói. Lê-nin đặt hy vọng vào Mi-kha-in I-va-nô-vích(1), vào tính nhanh trí của con người vốn xuất thân từ nông dân và tính nhạy cảm vô sản của đồng chí.

(1)Tức Ca-li-nin - N.D.

Mi-kha-in I-va-nô-vích đi tới vùng lưu vực sông Von-ga trên một chuyến xe lửa đặc biệt mang tên “Cách mạng tháng Mười”.

- Cần phải quan tâm tới trẻ em. Đặc biệt tới trẻ em, - Vla-đi-mia I-lích nói. Và nói thêm: - Mong đồng chí giúp cho!

Ca-li-nin đã nhận thức được sự quan tâm ấy, sự đau khổ ấy trong giọng nói của Lê-nin. Vị Chủ tịch Hội đồng dân uỷ coi hàng triệu trẻ em miền Von-ga có bộ mặt gầy hốc hác đều như những con đẻ của mình. Mi-kha-in I-va-nô-vích đằng hắng giọng như để che giấu sự bối rối. Đồng chí vuốt râu cằm:

- Chúng tôi sẽ cố hết sức. Sẽ làm hết khả năng.

- Làm vượt khả năng chứ! - Vla-đi-mia I-lích nói.

*

* *

Đêm khuya. Trong phòng làm việc của Chủ tịch Hội đồng dân uỷ một ngọn đèn chiếu sáng lờ mờ. Vla-đi-mia I-lích xếp chồng giấy tờ đã ký và giải quyết sang một bên.

Rức đầu. Rức đầu không thể chịu nổi. Vla-đi-mia I-lích cố chịu đựng. Không được ốm đau trong lúc này. Nhưng bây giờ không ai nhìn thấy, và Người tựa trán vào bàn tay vẻ mệt mỏi. Ý nghĩ về nạn đói luôn luôn ám ảnh.

“Làm vượt khả năng chứ!” - Vla-đi-mia I-lích suy nghĩ.

Chính phủ Xô-viết đã làm vượt khả năng. Trong các nhà ngân hàng Xô-viết rất ít vàng. Nhưng Lê-nin đã ký sắc lệnh rút ra mười hai triệu đồng rúp vàng để mua hạt giống ở nước ngoài cho những cánh đồng bị khô héo.

Công nhân viết thư gửi tới Hội đồng dân uỷ:

“Thưa đồng chí Lê-nin! Ở nước Nga đất mẹ của chúng ta có hàng ngàn, hàng ngàn nhà thờ. Những cây thánh giá bằng vàng ở các nhà thờ và các đồ vật quý nên tịch thu và đem đổi lúa mì cho những người đói.”

Công nhân thật là cừ! Lê-nin đã nắm lấy lời gợi ý đó của công nhân. Cần phải soạn thảo một sắc lệnh về việc tịch thu các vật quý của nhà thờ. Còn đợi gì nữa?

Có tiếng chuông điện thoại. Ca-li-nin nói từ vùng lưu vực sông Von-ga. Lê-nin lo lắng áp tai vào ống điện thoại:

- Thế nào, Mi-kha-in I-va-nô-vích?

- Tình hình xấu lắm, thưa Vla-đi-mia I-lích.

Các cánh đồng lúa đều chết. Các làng mạc đều bị sương mù bao phủ. Không nghe thấy tiếng bò rống. Gia súc bị giết thịt hoặc bị chết vì thiếu ăn. Ngay cả nấm và quả rừng cũng không mọc được trong mùa hè đáng nguyền rủa này. Nhân dân nấu cháo bằng lá cây và cỏ. Ngã gục vì yếu. Có nhiều gia đình chết dần chết mòn, tựa như bị bệnh dịch hạch. Chó sói lùng sục mồi từ làng này sang làng khác…

Lê-nin ngồi hồi lâu sau khi nghe điện thoại, ngả người ra lưng ghế, không động đậy. Cái đó không quen đối với Lê-nin.

Việc Uỷ ban cứu trợ những người bị đói tổ chức chở trẻ em ra khỏi các nơi đó là một chủ trương rất đúng đắn. Và thật là khủng khiếp: các toa tàu đầy trẻ em cứ im thin thít…

Các đoàn tàu từ các từ các tỉnh bị đói chạy tới những thành phố khác nhau. Thành phố Mát-xcơ-va nhận trẻ em người Tsu-vát. Ở những ngôi nhà lớn của bọn quý tộc và tư sản tước đây, người ta đã thành lập các nhà trẻ dành cho trẻ em mồ côi người Tsu-vát.

Đêm đã khuya. Vla-đi-mia I-lích khe khẽ bước vào nhà. Mọi người đã ngủ. Nhưng không, Ma-nhi-a-sa chưa ngủ, vẫn đợi. Chị mời xuống bếp.

- Anh không giữ gìn sức khoẻ à, anh Vô-lô-đi-a. Anh uống một cốc nước trà nóng nhé. Chị Na-đi-a đi làm về mệt quá đã đi nghỉ rồi.

Vla-đi-mia I-lích trông thấy trên bàn một gói bưu kiện bọc vải thô. Nông dân làng Tam-bốp-si-na viết rằng họ gửi giăm bông và mỡ: “Đồng chí nếm thử sản phẩm nông thôn của chúng tôi, Vla-đi-mia I-lích, mong đồng chí bồi dưỡng cho khoẻ thêm”.

- Vô-lô-đi-a, anh chưa bao giờ nhận quà cáp cả, - Ma-ri-a I-li-nhít-na nói, - em và chị Na-đi-a hoàn toàn tán thành. Nhưng, Vô-lô-đi-a… trông dáng anh mệt mỏi thế kia…

Vla-đi-mia I-lích mỉm cười với cô em gái. Ma-nhi-a-sa thân yêu! Người rất yêu quý cô em gái. Năm 1887, khi người anh ruột A-lếch-xan bị tử hình, cô còn nhỏ. Cả thành phố xa lánh ngôi nhà của gia đình U-li-a-nốp. Chỉ có I-van I-a-cô-vlê-vích I-a-cô-vlép người Tsu-vát, bạn của cha, là không xa lánh, không bỏ rơi. Và cả người Tsu-vát tên là Ô-khốt-nhi-cốp cũng không bỏ mặc gia đình U-li-a-nốp trong cơn hoạn nạn. Cảm ơn họ.

- Em có biết chúng ta sẽ làm gì với món quà đó không? - Vla-đi-mia I-lích vừa nói vừa gõ gõ vào gói bưu kiện bọc vải thô. - Vừa rồi người ta chở trẻ em Tsu-vát tới Mát-xcơ-va của chúng ta. Chúng ta sẽ gửi đến nhà trẻ dành cho trẻ em Tsu-vát. Đồng ý chứ, Ma-nhi-a-sa?

Ma-ri-a I-li-nhít-na chăm chú nhìn người anh. Trông vẻ mặt Người thật xanh xao, mệt mỏi. Trái tim chị như thắt lại, buồn rầu.

- Chúng ta yêu cầu phân chia cho những trẻ em yếu nhất, gầy yếu nhất, - Vla-đi-mia I-lích nói.

Ma-ri-a I-li-nhít-na gật đầu.

Vla-đi-mia I-lích lại nhức đầu như lúc nãy. Nhưng Người vui hẳn lên. Món quà của nông dân miền Tam-bốp như một giọt nước bỏ biển. Nhưng dẫu sao người cũng vui mừng vì ngày mai những đứa trẻ yếu nhất nào đấy đến bữa ăn trưa sẽ được thêm một miếng giăm-bông màu hồng rất ngon của miền Tam-bốp.

NEP LÀ GÌ?

Công nhân tới gặp Lê-nin báo cáo tình hình họ sống và làm việc ra sao. Chỉ huy Hồng quân tới bàn bạc chiến sự. Các nhà bác học cũng đến. Lê-nin hỏi ý kiến tất cả, chăm chú lắng nghe từng người.

Sau đó Hội đồng dân uỷ họp bàn những vấn đề do nhân dân gợi ý; Chính phủ thông qua các đạo luật cần thiết đối với đất nước Xô-viết.

Nông dân tới. Những tháng đầu, nông dân nêu vấn đề cơ bản là ruộng đất của bọn địa chủ và cu-lắc. Phân phối số ruộng đất đó như thế nào giữa bần nông và trung nông, sử dụng như thế nào cho có lợi.

Thế rồi cuộc nội chiến bắt đầu.

Lúc đó Chính phủ Xô-viết đã quy định chế độ phân phối lương thực đối với nông dân. Họ gặt hái lúa mạch đen: để giống, để ăn, không được nhiều, mà vừa đủ. Số còn lại phơi khô quạt sạch nộp cho nhà nước. Nếu không nộp thì lấy gì nuôi Hồng quân?Lấy gì nuôi công nhân?

Thời kỳ đó thật là nặng nề đối với nông dân. Nhưng biết làm thế nào được? Mọi người đều gặp khó khăn cả.

Nhưng giờ đây chiến tranh đã kết thúc. Những đại biểu nông dân lại đi bộ từ các làng mạc tới gặp Lê-nin. Từ làng Tam-bốp-si-na, từ tỉnh Vla-đi-mia và Oóc-lốp, từ Xi-bi-ri. Họ đến tới tấp. Đó là những người để râu dài, họ không phải những người nông nổi, mà có kinh nghiệm sống. Lê-nin rất vui mừng. Người hỏi ý kiến của họ về tương lai.

Những người nông dân nói: cần phải bãi bỏ chế độ phân phối lương thực. Thay vào đó quy định chế độ thuế má.

Cái đó có nghĩa là thế nào? Có nghĩa là không phải toàn bộ số lúa mạch đen đã gieo và gặt đều phải đem nộp hết. Ai gặt được nhiều thì người đó được để lại nhiều. Đó là quyền lợi của nông dân. Người ta sẽ muốn gieo nhiều hơn, muốn cày sâu hơn. Bởi vì trừ số thuế quy định sẽ nộp cho nhà nước ra, vẫn còn lại đôi chút để dành trong kho. Số thừa sẽ đem bán. Có thể mua sắm ở thành phố: xà phòng, dầu hoả, vải vóc, những dụng cụ lao động như liềm hái, lưỡi cày, máy gặt. Lưỡi cày và máy gặt không mọc lên ở cánh đồng. Có nghĩa là các thành phố, công xưởng và nhà máy phải phục hồi toàn bộ. Để thoả mãn tất cả những yêu cầu đó.

Chẳng lẽ nhân dân lao động với hai bàn tay của mình không thể giành được cuộc sống ấm no ư? Chúng ta đã quét sạch bọn tư sản, đã đánh tan bọn bạch vệ, chúng ta sẽ tự quyết định lấy số phận của mình.

Qua những cuộc nói chuyện như vậy với nông dân, qua những cuộc trao đổi ý kiến với các đồng chí và qua những ý nghĩ của riêng mình, một kế hoạch đã nảy sinh ở Lê-nin. Lê-nin gọi kế hoạch đó là chính sách kinh tế mới.

Sau cách mạng, ở nước ta những tên dài được rút gọn đã thành mốt. Thế là chính sách kinh tế mới được gọi tắt là NEP(1).

(1)Tên ghép của ba chữ cái đầu: Nô-va-ia Ê-cô-nô-mi-se-xca-ia Pô-li-ti-ka - N.D.

Chính quyền Xô-viết đã cho phép tư nhân mở mang buôn bán. Nhưng có mức độ. Không nguy hiểm đối với đất nước Xô-viết. Vì chính quyền là của công nông. Chính quyền công nông chú ý theo dõi những cái chính: củng cố, phát triển nền công nghiệp, đường dắt, vận tải đường biển và đường sông - tất cả những cái đó là của nhân dân, là tải sản của nhà nước.

Trong thời kỳ nội chiến, Chính phủ Xô-viết đã áp dụng những chế độ khắt khe và nghiêm khắc. Cần phải làm như vậy. Trong thời binh cần phải thay đổi những chế độ đó.

Tất cả những gì Lê-nin đã làm, đã cố gắng để đạt được, tất cả đều vì lợi ích, vì hạnh phúc của nhân dân. Giờ đây, sau chiến tranh, Lê-nin muốn phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp, điện khí hoá, ngành chế tạo máy và tình hữu nghị vững chắc giữa nông thôn và thành thị.

Đấy, NEP cần thiết cho công cuộc đó. Đại hội lần thứ X của Đảng đã phê chuẩn kế hoạch NEP của Lê-nin.

Lê-nin không phải dễ dàng đã xây dựng lại được cuộc sống theo lối mới. Thực tế có nhiều trở ngại. Có những sự tranh cãi, công kích thậm tệ. Tưởng như không có gì để tranh cãi? Thế mà Tơ-rốt-xki đã tranh cãi. Như mọi khi, y đã đưa ra ý kiến riêng. Ý kiến không đúng, có hại. Y đã từng chống hoà ước Bơ-rét-xli-tốp, y đã đem đến cho nhân dân Xô-viết nhiều điều ác.

Bây giờ y lại chống đối Lê-nin. Y đã tranh cãi với Lê-nin và Đảng về nhiều vấn đề khác nhau. Không tán thành những kế hoạch của Lê-nin. Lôi kéo những đảng viên thiếu niên kiên định về phía mình. Lập ra những nhóm chống Lê-nin. Và Lê-nin còn phải đương đầu với nhiều kẻ địch khác nữa.

Cần phải cùng nhau, thân ái, hoà thuận xây dựng cuộc sống hoà bình. Lê-nin mơ ước như vậy, - muốn Đảng luôn luôn hoà thuận.

Nhưng có những kẻ đã cản trở cuộc sống mới.

Lê-nin thẳng tay đấu tranh chống lại bọn chúng.

Đa số những người cộng sản đứng về phía Lê-nin. Họ đã thắng và dẫn dắt Đảng cùng nhân dân Xô-viết tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

KHI BĂNG CẤT TIẾNG HÁT

- Chúng ta đi thôi! - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-nốp-na nói.

- Nhất định chứ, anh Vô-lô-đi-a! - Ma-ri-a I-nhít-na tiếp lời, trong lòng chỉ sợ Người sẽ không đi.

Nhưng Vla-đi-mia I-lích không phản đối, mặc dù Người đang say sưa ngồi viết báo trong phòng làm việc vắng vẻ, đặc biệt yên tĩnh nhân ngày chủ nhật. Và cần phải viết những bức thư quan trọng nữa.

Nhưng buổi sáng tháng mười trong trẻo đã lôi cuốn việc đi dạo chơi ngoài trời. Vào ngày đẹp trời như thế này đi dạo ở vùng ngoại ô thật là tuyệt, hãy tạm gác công việc hôm nay lại! Trên tờ lịch dẫu sao cũng là con số in màu đỏ chói. Họ ngồi vào chiếc xe lớn màu đen mang nhãn hiệu Anh “Rolls-rois”, và đồng chí Ghin chở Vla-đi-mia I-lích cùng Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-nốp-na tới làng Go-ki.

Họ rời khỏi Mát-xcơ-va. Vla-đi-mia I-lích thở hít không khí trong lành căng lồng ngực. Cảnh bình minh ửng hồng buổi sớm mới đáng yêu làm sao! Mặt trời từ từ nhô lên, dịu dàng tỏa ánh sáng trên bầu trời xanh nhạt. Con đường bắt đầu có băng đóng. Bánh xe kêu lạo xạo ở những chỗ đất gồ ghề và đường có ổ gà. Ghin lái xe đi thong thả, thận trọng. Nhưng Vla-đi-mia I-lích lại thích đi nhanh. Thích để gió tạt mạnh vào hai má và trái tim rạo rực niềm vui!

- Đồng chí Ghin, đóng chí lái xe gì mà như đi chào từng con gà ấy, - Vla-đi-mia I-lích nói đùa.

Nhưng câu nói đùa của Vla-đi-mia I-lích đã làm đồng chí Ghin vui thêm. Nhưng đồng chí không tăng thêm tốc độ. Không, đồng chí nghĩ rằng thà đi chào từng con gà khi đi qua các làng còn hơn là để cho Vla-đi-mia I-lích bị sóc trên con đường gồ ghề.

Go-ki là một trang trại cổ có công viên đẹp bao quanh biệt thự với những hàng cột trắng và hai ngôi nhà phụ. Đường đi rợp bóng bồ đề cành lá sum sê và những cây sồi lớn. Những bãi cỏ nhỏ rất thoáng. Ở đó có những góc nhỏ kỳ lạ - từ nơi này nhìn được khá xa, thấy rõ khu vực Pô-đôn-xcơ.

Vla-đi-mia I-lích thích nhìn về phía xa xa xanh biếc, thích phỏng đoán thành phố ở bên kia khu rừng và con sông nhỏ Pa-khơ-ra chảy xiết. Vla-đi-mia I-lích đã tới Pô-đôn-xcơ từ thời trẻ, khi Người đi đày trở về. Dạo ấy là vào năm 1900, khi bà Ma-ri-a A-lếch-xan-đrốp-na cùng với người con trai Mi-chi-a bị trục xuất khỏi Mát-xcơ-va về sống ở đó. Các chị em gái của Vla-đi-mia I-lích cũng sống ở đây, hồi Vla-đi-mia I-lích tới thăm những người thân, trước khi rời đi Thụy Sĩ. Hồi này Vla-đi-mia I-lích đang chuẩn bị xuất bản tờ “Tia lửa” ở nước ngoài, một tờ báo cách mạng của công nhân.

Xe ô-tô đi vào công viên và nhẹ nhàng tiến đến gần ngôi nhà phụ phía bắc. Vla-đi-mia I-lích không thích ngôi nhà chính lắm. Người thích ngôi nhà phụ phía bắc hơn, ở đó có những căn phòng nhỏ, trần không cao lắm, cửa sổ không lớn. Dưới thời các ông chủ, nơi đây chắc là những buồng dành cho các viên chức. Sau Cách mạng tháng Mười, các ông chủ vội vàng chạy trốn ra nước ngoài và Chính phủ Xô-viết tiếp đó đã mở nhà nghỉ ở Go-ki. Sau khi Lê-nin bị thương, người ta quy định nơi nghỉ cho Chủ tịch Hội đồng dân ủy ở đây. Các bác sĩ đã nghiêm khắc ra lệnh cho Người phải chữa bệnh bằng không khí trong lành!

Đúng. Vla-đi-mia I-lích vừa mới thoát khỏi không khí ngột ngạt của cá phiên họp và sự ồn ào của Mát-xcơ-va, đi vào công viên Go-ki. Đàu óc Người hầu như không còn nhức nữa.

- Hít một hơi không khí nông thôn vào là tập tức má hồng lên ngay, - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-nốp-na hài lòng nhận xét.

- Thưa các quý bà, chúng ta đi tiếp thôi, - Vla-đi-mia I-lích tuyên bố.

Trời khô ráo và lạnh. Đất dưới chân kêu lạo xạo. Lá cây đã rụng hết. Khắp công viên nhìn quang quẻ, chỉ có hoa tử đinh hương nằm buồn rầu trong đám là tàn úa. Và cây thanh lương trà với những cành nặng trĩu chùm quả đỏ.

Một đàn chim sơn trước vàng bay rào rào từ bụi nọ sang bụi kia.

- Chao ôi, những chiếc áo gi-lê xinh xinh! - Vla-đi-mia I-lích bỗng kêu lên.

- Nói cái gì thế? - Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-nốp-na không hiểu.

- Trông đấy, tựa như những chiếc áo gi-lê vàng xinh xinh khóac trên mình lũ chim, - Vla-đi-mia I-lích nói.

Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-nốp-na rất quý trọng tình cảm và sự mê say của Người đối với thiên nhiên. Khi còn sống lưu vong, trong những giờ rỗi rãi, họ thường leo núi hoặc đi dạo chơi bằng xe đạp. Rừng càng sâu, đường mòn càng dốc, càng vắng người, thì Vla-đi-mia I-lích càng hăng say.

- Na-đi-u-sa, chúng ta đi tới chỗ có tảng đá cheo leo ở trên hồ đi…

Những hồ và núi của Thụy Sĩ rất hùng vĩ, tráng lệ. Nhưng cảnh thiên nhiên yên tĩnh của Nga gần gũi hơn, thân thiết hơn.

- Trông kìa, cái ao nhỏ! - Vla-đi-mia I-lích nói.

Ma-ri-a I-li-nhít-na vui mừng bảo:

- Thế thì chúng ta đã đi tới một chỗ hay tuyệt đây!

Cáo ao đã phủ băng. Lớp băng mỏng trong suốt màu xanh nhạt như niêm phong cái ao nhỏ lại. Cái ao tựa như có một lớp kính che kín, qua lớp kính đỏ phản chiếu xuống trên bờ bằng phẳng. Qua lớp băng có thể thấy rõ những cây rong ở phía dưới.

Bỗng nhiên ở trên mặt ao vang lên tiếng ngân lanh lảnh. Tựa như có người đụng vào dây đàn của một thứ nhạc cụ kỳ lạ nào đó, và dây đàn bỗng rung lên dịu dàng, ngân nga.

Một hòn đá nhỏ do ai đó ném trượt trên mặt băng từ bờ đến giữa ao. Tiêng băng dội lại.

- Thật kỳ diệu! - Vla-đi-mia I-lích khe khẽ thốt lên.

Ngay khi đó họ nhìn thấy một chú bé và một cô bé khoảng mười tuổi đứng cách họ một bụi cây. Đó là chú bé đã ném hòn đá xuống mặt băng.

- Như hát ấy! Khắp ao vang lên tiếng ngân, - cô bé nói.

- Cần phải chộp ngay lấy cái ngày ao đóng băng lần đầu tiên này, - chú bé đáp. - Nếu không thì băng sẽ cứng mất hoặc bị tuyết phủ, khi đó ao sẽ thôi không hát nữa.

- Ném nữa đi, - cô bé yêu cầu.

Một hòn đá nhỏ lại trượt trên mặt ao và có tiếng ngân từ bờ này đến bờ kia.

- Ối! - cô bé bỗng kêu lên.

Bọn trẻ nhìn thấy người lớn. Chú bé vội bỏ mũ ra chào.

- Chào các bác.

- Chào các cháu, - Vla-đi-mia I-lích vừa đáp vừa tiến lại gần. - Các cháu ở đâu tới?

- Chúng cháu là người địa phương. Ở gần đây thôi, ở làng Go-ki. Chú bé chỉ tay về phía làng Go-ki mà đứng ở ao cũng trông thấy. - Còn các bác chắc là người Mát-xơ-va phải không?

- Đoán đúng rồi, - Vla-đi-mia I-lích cười. - Băng của các cháu hát hay lắm.

- Đúng đấy ạ! Cần phải chộp được đúng lúc, không phải ai cũng có thể làm được, - chú bé đáp với giọng khoe khoang. - Có lẽ các bác là cấp lãnh đạo phải không?

- Ở làng chúng cháu “bóng đèn của I-lích” đã thắp sáng, - cô bé nói.

- Đèn điện. Không kém gì Mát-xơ-va. Đến tối cả làng đều sáng trưng, - chú bé khoe.

- Có nghĩa là các cháu hài lòng chứ? - Vla-đi-mia I-lích hỏi nửa đùa nửa thật.

- Tại sao bác lại hỏi thế? Chắc là sau này sẽ tốt hơn.

Hai đứa trẻ liếc nhìn nhau, và chú bé lại bỏ mũ ra chào: “Tạm biệt”, - rồi chúng chạy đi đâu đó, có thể đi về nhà, cũng có thể còn đi rình tiếp những điều kỳ diệu và những điều bí ẩn của khu rừng mùa thu.

Còn Vla-đi-mia I-lích với Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-nốp-na và Ma-ri-a I-li-nhít-na càng đi sâu hơn nữa vào công viên, bởi vì cái ao nhỏ ở cách nhà không xa mà Vla-đi-mia I-lích thì muốn ngày hôm nay mời hai người đi chơi xa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3