Mạnh hơn sợ hãi - Chương 05 - Phần 2

Andrew nghĩ đến chuyện gọi sang cho một đầu mối liên lạc của anh trong ngành cảnh sát, nhưng anh chợt nhớ ra cô gái ngồi cùng bàn với mình trong thư viện đang thuê lại căn hộ. Không có lý do nào mà hợp đồng điện và gaz lại để tên cô cả. Không có giấy tờ hành chính thì không thể tìm hiểu sâu hơn được. Cái cô Suzie Baker mà anh đã giao chìa khóa nhà vẫn hoàn toàn vô danh; có điều gì đó bất thường trong chuyện này và Andrew biết rằng khi bản năng của mình đã báo động, anh hiếm khi nhầm lẫn.

Một người bạn thời trung học của anh hiện làm việc trong sở thuế thành phố. Anh nhấc điện thoại và được anh bạn cũ cho biết căn hộ 6B tòa nhà số 65 phố Morton thuộc sở hữu của một công ty Na Uy. Một danh tính thật là kỳ cục đối với một cô bạn gái mạo xưng đang đi châu Âu vài tháng. Andrew đứng dậy để hâm nóng chân cẳng và suy nghĩ.

- Cô là ai vậy, Suzie Baker? - Anh lẩm bẩm khi ngồi trở lại trước màn hình máy vi tính.

Anh gõ “Tai nạn Mont-Blanc” trên bàn phím và thấy một danh sách các thảm họa xảy ra ở ngọn núi này.

Một mục nhỏ trên website một tờ nhật báo của Pháp thông tin về vụ can thiệp của một ê kíp cứu hộ hồi tháng Giêng năm ngoái đã cứu được một phụ nữ leo núi bị một cơn bão khiến cho kẹt lại trên độ cao 4.600 mét trong hai đêm liền. Nạn nhân, đau đớn vì cước và mất nhiệt, đã được đưa về trung tâm y tế Chamonix. Andrew liếc nhìn đồng hồ treo tường. Đang là 11 giờ sáng ở New York, tức là 5 giờ chiều ở Pháp. Anh đợi điện thoại nhiều phút liền mới được nối máy với ban biên tập tờ Dauphiné, nhưng anh không hiểu nổi một lời nào mà người ở đầu dây bên kia nói, dù người đó đã cố gắng trao đổi với anh bằng tiếng mẹ đẻ của anh. Andrew chuyển sang một cuộc gọi khác, tới trung tâm y tế Chamonix và muốn nói chuyện với giám đốc, tự xưng đúng chức danh hiện tại, tức là phóng viên tờ The New York Times. Người ta bắt anh chờ, người ở đầu dây bên kia ghi lại số điện thoại mà họ có thể gọi lại cho anh rồi người đó gác máy. Andrew nghĩ là yêu cầu của mình đã bị bỏ xó và chắc là phải quấy rồi bệnh viện này trước khi người ta muốn thông tin cho anh. Nhưng 30 phút sau, điện thoại của anh đổ chuông, Edgar Hardouin, giám đốc trung tâm y tế đại học Chamonix, muốn biết ông có thể giúp gì được anh.

Andrew nói chuyện với ông về Suzie Baker, tuyên bố rằng anh đang viết một bài về những chăm sóc tận tình dành cho du khách Mỹ khi tới châu Âu. Ông giám đốc không nhớ gì về ca bệnh này. Để biện minh, ông giải thích bệnh viện của ông thường tiếp nhận một lượng lớn người bị thương khi leo núi, nhưng ông hứa sẽ tìm kiếm lại bệnh án và gọi lại cho anh vào ngày mai.

Sau đó gác máy, Andrew tới thư viện.

*

Khi đến phòng đọc, Suzie nhận thấy chỗ ngồi đối diện vẫn để trống. Cô đặt quyển sách xuống và đi ra căng tin. Andrew đang đọc báo trong lúc uống cà phê tại một bàn gần cửa sổ.

- Trong kia cấm dùng đồ uống, mà sáng nay tôi đang thèm cà phê.

- Khó ngủ à?

- Trên giường… tôi đã mất thói quen ngủ trên giường. Cô thì sao?

- Giường nhà anh rất thoải mái.

- Nó có gì vậy, trong bàn tay phải mà lúc nào cô cũng giấu trong túi ấy?

- Tôi thuận tay tái, tôi ít dùng tay phải.

Suzie thoáng do dự.

- Đúng hơn thì nó không dùng được nữa, cô vừa nói vừa chìa bàn tay ra.

Ngón trỏ và ngón giữa bị cụt đến đốt thứ hai.

- Thua bạc à? - Andrew hỏi.

- Không, - Suzie cười nói, - vì cước. Điều kỳ lại nhất là ta vẫn cảm nhận được chúng, như thể chuyện tháo khớp chưa từng diễn ra. Đôi khi cơn đau lại trỗi dậy. Dường như sau vài năm chuyện đó mới hết.

- Chuyện xảy ra khi nào?

- Mùa đông năm ngoái, chúng tôi đang đi leo Mont-Blanc, chúng tôi bị rơi xuống một khe núi.

- Chính là trong chuyến thám hiểm mà chồng cô đã tử nạn?

- Anh ấy không tử nạn, tôi đã giết anh ấy.

Andrew sững người khi nghe lời thú nhận này.

- Sự bất cẩn và thói bướng bỉnh của tôi đã khiến anh ấy mất mạng. - Suzie nói thêm.

- Anh ấy là hướng dẫn viên của cô, đánh giá mối nguy hiểm là việc của anh ấy.

- Anh ấy đã cảnh báo cho tôi, tôi đã không muốn nghe theo, tôi cứ tiếp tục leo, anh ấy đã leo theo tôi.

- Tôi có thể hiểu điều mà cô đang cảm thấy. Tôi cũng thế, tôi phải chịu trách nhiệm về cái chết của một người đàn ông.

- Ai?

- Vệ sĩ của một gã mà tôi theo dõi. Chúng tôi đã rải đinh trên một đoạn đường để chọc thủng lốp xe của họ, buộc họ phải dừng lại. Chuyện đó đã trở nên tệ hại, chiếc xe đó lộn nhào và người ngồi đằng trước xe đã tử nạn.

- Anh đang nói thẳng vào mấy cuộc điều tra của anh đấy! - Suzie xuýt xoa.

- Thật buồn cười, tôi chưa từng nói với ai chuyện đó, kể cả với cậu bạn thân nhất của mình.

- Vậy tại sao lại nói với tôi chuyện đó?

- Để chứng mình rằng mọi việc hiếm khi xảy ra đúng như dự kiến, rằng tai nạn có thể xảy ra. Cô muốn gì trên Mont-Blanc giữa mùa đông chứ? Tôi mù tịt về leo núi nhưng tôi có thể hình dung đó không phải là mùa thích hợp nhất để đi leo núi.

- Đó là một kỷ niệm.

- Cô ăn mừng điều gì vậy?

- Một vụ rơi máy bay, nó đã tan xác trên mỏm Tournette.

- Ăn mừng với cô thích thật đấy.

- Tôi cũng từng tâm sự với anh một điều tối mật. Thậm chí tôi còn nghĩ mình đã nói với anh nhiều hơn dự định.

- Nếu như là để khiêu khích, thì cô thành công rồi.

- Không hề. - Suzie đáp. Hãy cứ là quý ông đã giao chìa khóa nhà cho một phụ nữ xa lạ và chúng ta đổi đề tài thôi.

- Cô nói đúng, suy cho cùng, chuyện đó cũng chẳng can hệ đến tôi.

- Tôi xin lỗi, tôi không muốn là người lỗ mãng.

- Tại sao hai người lại tưởng niệm một vụ tai nạn máy bay trên độ cao 4.600 mét? Cô có người thân trên chuyến bay đó à? Cô muốn giành một lần tưởng niệm cuối cùng cho người đó?

- Đại loại là như vậy. - Suzie đáp.

- Tôi cũng có thể hiểu chuyện này. Để tang ai đó mà không thể đến tưởng niệm trước một nấm mồ quả là việc khó khăn. Nhưng thực hiện cuộc hành hương kiểu này và để mất người bạn đồng hành, đó là một sự tàn ác không thể gọi tên.

- Núi non luôn tàn ác, cuộc đời cũng thế, không phải sao?

- Chính xác thì cô biết gì về tôi, thưa cô Baker?

- Biết rằng anh là phóng viên tờ The New York Times, hôm qua anh đã nói với tôi điều đó.

- Tất cả đấy sao?

- Anh đã ly hôn, và anh nghiện rượu, nhưng hai chuyện đó có liên quan tới nhau hay không thì anh chưa nói.

- Không, tôi không nói với cô chuyện đó.

- Mẹ tôi nghiện rượu, tôi biết cách nhận ra một người nghiện rượu từ cách cả trăm mét.

- Xa đến thế sao?

- Đúng, cũng như mọi đứa trẻ có phụ huynh nghiện rượu, và tôi vẫn giữ những ký ức không mấy tốt đẹp về chuyện này.

- Tôi đã cai một thời gian dài, rồi uống lại, và…

-… anh lại cai và tái nghiện mỗi khi gặp khó khăn.

- Cô biết dùng từ đấy.

- Người ta sai rồi. Tôi thích những người không sợ nói thẳng. - Andrew nói.

- Đó là trường hợp của anh?

- Đúng thế, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi còn công việc và cô cũng thế. Có thể ngày mai chúng ta sẽ gặp lại nhau.

- Chắc chắn rồi, tôi sẽ trả chìa khóa nhà cho anh. Tôi đã nghe lời khuyên của anh và đã tiêu sạch khoản tiết kiệm rồi. Tôi đã đặt mua một bộ ga đệm mới.

- Và một ổ khóa mới?

- Để làm gì chứ, nếu có kẻ vẫn muốn phá nó, thì mới hay cũ cũng chẳng thay đổi được gì nhiều. Hẹn gặp ngày mai, anh Stilman, tôi trở lại phòng đọc đây.

Suzie đứng dậy và bưng khay của cô đi khỏi. Andrew dõi mắt theo cô, quyết định tìm hiểu thêm về người phụ nữ có cách cư xử khiến người khác hoang mang này.

Anh rời căng tin thư viện và xuống taxi ở trước số nhà 65 phố Morton.

*

Anh bấm vào tất cả các chuông gọi cửa và chờ cho đến khi rốt cuộc có người xuống mở cửa. Anh gặp một phụ nữ trên chiếu nghỉ tầng ba và nói với bà một cách rất tự nhiên rằng anh đến giao một bức thư cho cô Baker. Khi đến trước căn hộ 6B, chỉ cần một cú hích vai nhẹ anh đã mở được cánh cửa. Vào được bên trong rồi, anh xem xét xung quanh, tiến lại bàn làm việc là lục lọi ngăn kéo.

Các ngăn kéo chỉ có vài chiếc buets và một cuốn sổ ghi chép. Trang đầu tiên viết một dãy số không tài nào hiểu nổi. Trên trang thứ hai có thể nhận ra dấu hằn của một lời nhắn được giấu trên trang giấy hẳn đã bị giật đi. Những vết hằn đủ rõ nên có thể đọc được.

“Ta không đùa khi cảnh báo cháy chuyện đó đâu, Suzie. Hãy cẩn thận, trò chơi này quá mạo hiểm. Cháu biết phải liên lạc với ta bằng cách nào rồi, đừng chần chừ khi cần nhé”.

Phần còn lại của sổ ghi chép để trắng. Andrew chụp ảnh hai trang đầu bằng điện thoại di động. Anh vào xem xét phòng ngủ và phòng tắm. Trở lại phòng khách, trong khi kiểm tra kỹ lưỡng các bức ảnh trên tường và chỉnh lại một khung ảnh, anh nghe thấy giọng nói trong tiềm thức hỏi anh đang chơi trò gì, anh biết lấy cớ gì đây nếu có ai đó bước vào? Và vẫn cái giọng rủ rỉ đó giục giã anh rời khỏi nơi này ngay lập tức.

*

Lúc về nhà, Simon đã thấy Andrew ngồi bên chiếc bàn nhỏ trong phòng ngủ, dán mắt vào chiếc máy tính xách tay, tay cầm cốc Fernet-Coca đã vơi một nửa.

- Tớ có thể biết cậu đang làm gì được không?

- Tớ đang cày.

- Cậu uống mấy cốc rồi?

- Hai, có thể là ba.

- Ba hay bốn? - Simon vừa hỏi vừa giật cốc rượu từ tay bạn.

- Cậu làm tớ bực rồi đấy, Simon.

- Chừng nào cậu còn ngủ dưới mái nhà này, để đổi lại hãy chấp nhận điều duy nhất tớ yêu cầu cậu. Coca không Fernet khó uống hơn cái thứ này đến thế sao?

- Hơn là cậu nghĩ đấy. Nó giúp tớ tư duy.

- Cứ nói tớ nghe điều gì đang khiến cậu lo lắng, một anh bạn già có thể cạnh tranh với một thứ đồ uống đắng ngắt lắm chứ, ai mà biết được.

- Có điều gì đó không ổn ở cô gái đó.

- Cái cô trong thư viện á?

Simon nằm ngửa ra giường, cánh tay gối sau gáy.

- Tớ nghe cậu nói đây.

- Cô ấy đã nói dối.

- Về chuyện gì?

- Cô ấy bảo là mới chuyển tới căn hộ trên phố Morton được ít lâu, nhưng không phải thế.

- Cậu chắc chứ?

- Không khí ở New York ô nhiễm thật, nhưng không đến mức chỉ trong có vài tuần mà các khung ảnh đã kịp lưu lại dấu vết trên tường. Bây giờ, vấn đề là tại sao phải bịa ra chuyện đó?

- Đơn giản là để cậu không xía vào cuộc đời cô ấy. Cậu ăn tối chưa? - Simon hỏi.

- Rồi, Andrew vừa đáp vừa chỉ vào cái cốc vừa bị Simon nẫng mất.

- Mặc áo khoác vào!

Đêm đang dần buông, những con phố của khu West Village lại đông đúc người qua lại. Andrew dừng bước trên vỉa hè đối diện tòa nhà anh ở và ngước mắt nhìn lên ô cửa sổ tầng bốn, nơi ánh điện vừa được tắt.

- Ngủ sớm nhỉ, cô khách trọ của cậu ấy, Simon nói.

Andrew nhìn đồng hồ đeo tay. Cánh cổng tòa nhà bật mở. Suzie Baker ngược lên phố, không nhận ra họ.

- Nếu mong muốn bám theo cô ấy lướt qua tâm trí cậu, thì là không có tớ nhé, Simon thì thào.

- Đi thôi, Andrew vừa nói vừa nắm chặt cánh tay cậu bạn.

Họ đi vào phố West 4 theo bước chân Suzie. Cô gái trẻ vào cửa hàng của Ali, ông chủ hàng tạp hóa biết rõ mọi người dân trong khu. Cô vừa bước vào bên trong đã trở ra ngay, và đi thẳng về phía Andrew.

- Phải cho pin loại nào vào điều khiển ti vi? Tôi thích ngủ thiếp đi trước màn hình ti vi, cô nói với Andrew, lờ tịt Simon.

- Loại AA, tôi nghĩ thế, Andrew lúng búng.

- Pin AA, cô nhắc lại đồng thời trở vào trong tiệm tạp hóa.

Andrew nhìn chòng chọc vào mặt Simon và ra hiệu cho anh đi tới. Họ gặp lại Suzie trước quầy tính tiền. Andrew chìa tờ 10 đô cho Ali để thanh toán tiền pin.

- Tôi muốn hai anh theo sát tôi hơn nữa, như thế bớt lo hơn. - Suzie nói.

- Tôi không đi theo cô. Chúng tôi đi ăn tối ở quán Cluny, cách đây hai phố, cô có thể tham gia cùng chúng tôi nếu muốn.

- Tôi đang đi tới một triển lãm ảnh ở khu Meatpacking, hãy đi cùng tôi, sau đó cả chúng ta sẽ cùng ăn tối.

Hai tòng phạm nhìn nhau và đồng ý.

- Tôi đảm bảo với cô là chúng tôi không theo dõi cô, Simon nhấn mạnh.

- Tôi tin điều đó rồi!

*

Phòng trưng bày rộng rãi và trần nhà cao đến chóng mặt, Suzie nhìn ngắm những mảng gồ ghề trên các bức tường bê tông đậm chất kiến trúc.

- Như thế này hẳn sẽ khá thú vị nếu leo từ đây lên đến trần, cô tươi cười nói.

- Cô đây đôi khi còn là nhà leo núi, Andrew nói rõ thêm khi thấy Simon cứ há hốc miệng ra nghe.

Suzie tiến lại gần một bức ảnh được in trên một tấm toan cỡ 3x4 mét. Hai nhà leo núi đối mặt với một cơn gió mà những xoáy tuyết khiến người ta có thể hình dung được cường độ gió đang cắm một lá cờ trên đỉnh Himalaya.

- Nóc nhà thế giới, Suzie mơ màng nói. Mục tiêu tối hậu của mọi nhà leo núi. Ôi trời, dãy núi hùng vĩ này đã bị quá nhiều khách du lịch làm cho nhơ bẩn.

- Leo Himalaya cũng nằm trong kế hoạch của cô chứ? - Andrew hỏi.

- Có thể là một ngày nào đó, biết đâu được.

Rồi Suzie quay sang một bức ảnh khác chụp từ lớp băng tích của một sông băng. Những đỉnh núi sừng sững dọa dẫm nổi bật trên nền trời màu xanh đêm.

- Đó chính là dãy Siula Grande ở Peru. - Suzie nói, cao 6.344 mét. Mới chỉ có hai nhà leo núi chinh phục thành công ngọn núi này. Hai người Anh, vào năm 1985, Joe Simpson và Simon Yates. Một người đã bị gãy đùi vì hẫng tay trên đường trở xuống. Suốt hai ngày ròng, người bạn cùng dây leo đã giúp anh ta xuống núi. Và rồi khi leo xuống dọc một vách đá, Joe đã bị va vào thành núi. Simon không thể nhìn thấy chuyện đó. Anh chỉ cảm nhận được sức nặng tám mươi cân ở đầu dây kia. Anh cứ giữ như thế suốt đêm, trong giá lạnh, chân găm chặt vào băng tuyết để giữ bạn đồng hành, từ đầu dây kia đang kéo theo anh, từng phân một, xuống dưới vực thẳm. Đến sáng, sợi dây leo đã bất động bởi trong khi vùng vậy Joe đã khiến nó kẹt vào một hốc núi. Đinh ninh bạn đồng hành đã chết, Simon quyết định làm một việc duy nhất có thể cứu mạng mình, anh đã cắt dây. Joe bị rơi khoảng chục mét, lớp tuyết phủ bề mặt bị bục ra dưới sức nặng cơ thể của anh và anh đã bị nuốt chửng trong một khe núi.

Nhưng Joe vẫn còn sống. Không thể leo trở lên vì vết thương anh đã rất mực can đảm mới dám đi xuống tận đáy khe núi. Dãy Siula Grande hẳn là không muốn nhận anh, vì anh đã tìm thấy một lối ra, và, bất chấp cái đùi bị gãy, anh đã ra được ngoài. Điều mà anh làm tiếp đó để lê lết tới tận khối băng tích này vượt trên cả lý trí bởi nỗ lực cần thiết thật là phi thường. Câu chuyện về Joe và Simon đã đi vào huyền thoại của dân leo núi. Chưa có ai lặp lại được kỳ tích này. Dãy Siula Grande đã tìm lại được sự trong sạch của nó.

- Thật ấn tượng, Andrew xuýt xoa. Điều đó khiến ta tự hỏi cần có lòng can đảm hay phải mất trí thì mới đi mạo hiểm trên những ngọn núi như vậy.

- Lòng can đảm, nó chỉ là một thứ tinh thần mạnh hơn sợ hãi. - Suzie nói. Chúng ta đi ăn chứ?

Simon bị tê liệt dưới sức quyến rũ của Suzie, Suzie nhận ra điều đó mà không tỏ vẻ là cô biết và đùa giỡn với nó, cách xử sự này khiến Andrew mê mẩn. Chuyện cô gạ bạn anh uống và vờ như bị cuốn vào câu chuyện về những chiếc xe cổ của cậu bạn khiến anh thấy vui. Andrew tranh thủ thời điểm đó để quan sát cô, ít nói chuyện, cho đến khi cô hỏi Simon xem Andrew thuộc loại phóng viên nào.

- Gã cứng đầu nhất mà tôi từng biết, Simon đáp, cũng là một trong những tay được việc nhất.

- Nhưng cậu chỉ biết có một tay như thế thôi, Andrew xen ngang.

- Tớ có đọc báo đấy, bạn thân mến.

- Đừng nghe cậu ấy nói, cậu ấy say rồi.

- Chủ đề cuộc điều tra gần đây nhất của anh là gì? Suzie quay sang hỏi anh.

- Cô sinh tại New York à? Simon chen ngang.

- Boston, tôi mới chuyển đến đây ít lâu.

- Sao lại chọn Manhattan?

- Tôi trốn chạy quá khứ và cả Boston.

- Một chuyện tình có kết cục đáng buồn à?

- Thôi đi, Simon!

- Đúng, chúng ta có thể nhìn nhận mọi chuyện dưới góc độ đó, Suzie thản nhiên nói. Còn anh, Simon, anh đang độc thân à?

- Không, Simon đáp, một mắt liếc sang Andrew.

*

Ăn tối xong, Andrew và Simon tiễn Suzie về.

Cánh cửa tòa nhà vừa đóng lại, cô liền lấy từ túi áo ra chiếc điện thoại cứ rung không ngừng nghỉ trong suốt bữa ăn.

Cô đọc tin nhắn và đang ngước mắt lên trời ngao ngán thì điện thoại lại rung lần nữa.

- Gì nữa đây, Knopf?

- Đến tiệm Ali, người ở đầu dây bên kia đáp ngắn gọn trước khi tắt máy.

Suzie cắn môi, cất điện thoại vào túi xác rồi quay trở ra. Cô nhìn bao quát khoảng vách vài mét ngắn cách mình với tiệm tạp hóa rồi đi vào sâu trong cửa hàng. Ali đang gà gật trên chiếc ghế tựa, được âm thanh phát ra từ chiếc radio đặt trên quầy ru vào giấc ngủ.

Arnlod Knopf, cặp kính trễ xuống tận mũi, đang nghiên cứu thành phần của một hộp thức ăn cho mèo mà ông đã đặt trở lại giá trước khi chọn tiếp một hộp khác.

- Chiều nay anh ta tới thăm căn hộ của cháu, ông nói nhỏ.

- Ông chắc chứ?... phải rồi, ông chắc chắn điều đó. - Suzie nói tiếp.

- Ta hy vọng cháu không để lời nhắn của ta lọt ra đấy chứ?

- Đừng có ngốc nghếch thế. Anh ta thật sự đã tới nhà tôi sao?

- Mà lại không tốn nhiều công sức như ta, cháu thân mến ơi, ta gần như phát bực đấy.

- Ít ra, điều đó cũng chứng tỏ tôi nói đúng.

- Suzie, nghe cho thật kỹ nhé. Kế hoạch của cháu cho đến giờ vẫn đang trong vòng bí mật, vì cháu là người duy nhất thực hiện, cũng vì tính thiếu chuyên nghiệp của cháu đã bảo vệ cháu khỏi điều tệ hại, theo một cách nào đó. Nếu cháu kéo một kẻ như Stilman vào vụ này, hắn sẽ xoay chuyển tình thế đấy. Và ta ngờ rằng cháu sẽ sớm để lộ thân phận mình thôi.

- Đó là một nguy cơ cần phải tính đến, và tôi xin ông, Arnold, hãy thôi lo lắng cho tôi đi, chính ông đã nói điều này, tôi đã lớn, tôi biết mình đang làm gì.

- Nhưng cháu không biết đó là thứ gì, cũng chẳng biết tìm kiếm nó ở đâu.

- Chính vì điều đó mà tôi mới cần đến anh ta.

- Ta sẽ không khiến cháu đổi ý được, phải không?

- Tôi chẳng biết gì về thức ăn cho mèo, nhưng cái hộp màu hồng này có vẻ ngon hơn đấy, cô vừa nói vừa nhấc chiếc hộp trên giá rồi đưa nó cho Knopf.

- Vậy thì, ít nhất hãy nghe lời khuyên này. Vì chúng ta đang nói chuyện mèo, nên hãy thôi vờn đuổi anh ta, kể vắn tắt cho anh ta nghe, hãy nói với anh ta chút ít những gì mà cháu biết.

- Vẫn còn quá sớm, tôi biết kiểu của gã này, không ai có thể áp đặt câu chuyện cho anh ta. Cần phải đẻ mọi chuyện xuất phát từ anh ta, nếu không, chẳng ăn thua.

- Quả táo không mấy khi rụng xa gốc cây đâu, Knopf thở dài.

- Ông có ý gì khi nói thế?

- Cháu hiểu ta quá rõ mà. Tạm biệt, Suzie.

Knopf mang hộp thức ăn cho mèo ra quầy tính tiền, đặt 3 đô la lên quầy của Ali và ra khỏi tiệm tạp hóa.

Năm phút sau, đến lượt mình Suzie cũng ra khỏi đó và khuất dần vào bóng đêm theo hướng căn hộ của Andrew.

*

- Thế nhỡ cô ấy nhìn thấy chúng ta, Simon càu nhàu, cậu sẽ nói gì với cô ấy? rằng chúng ta dẫn chó đi dạo à?

- Cô ấy rất kỳ cục.

- Cô ấy có gì kỳ cục nào? Cô ấy thích ngủ trước ti vi, cậu mách nhầm kiểu pin, cô ấy đã quay lại mua pin.

- Có thể.

- Giờ chúng ta có thể tới đó không?

Andrew đưa mắt lần cuối nhìn về phía tiệm tạp hóa và bắt đầu tiến bước.

- Được, đồng ý là cô ấy đã nói dối ngày chuyển tới New York, chuyện đó không nghiêm trọng lắm. Cô ấy hẳn có lý do riêng.

- Tối nay không chỉ có mình cô ấy nói dối. Cậu không độc thân từ khi nào vậy?

- Tớ nói dối như vậy là vì cậu đó. Tớ thấy rõ rành là mình lọt vào mắt xanh của cô ấy rồi, nhưng cô gái này đúng kiểu người cậu thích. Tớ để ý hai người ngồi bên nhau và đó như một điều hiển nhiên. Cậu có muốn tớ dốc bầu tâm sự với cậu không?

- Không chắc, không.

- Nỗi ám ảnh của cậu với chuyện của cô ấy, chính là bởi vì cậu thích cô ấy và cậu đang tìm cả nghìn lý do để không tự thú nhận điều đó.

- Tớ biết lẽ ra mình không nên nghe điều này mà.

- Trong hai người ai đã bắt chuyện với đối phương vào lần đầu tiên trò chuyện vậy?

Andrew không trả lời.

- Ờ đấy! Simon vừa thốt lên vừa dang tay ra.

Và trong lúc tiến bước trên các con phố của khu West Village, Andrew tự hỏi điều mà người bạn thân nhất của anh vừa nói có xa sự thật quá không. Rồi anh lại nghĩ tới người đàn ông bước ra từ tiệm tạp hóa của Ali, không lâu trước khi Suzie. Anh đảm bảo là đã gặp ông ta ở thư viện.

*

Ngày hôm sau, trong khi đến thư viện, Andrew nhận được một cuộc gọi từ giáo sư Hardouin.

- Tôi đã tiến hành tìm kiếm theo yêu cầu của anh, ông nói. Nhưng cũng chưa đi đến đâu cả.

- Tôi nghe ông nói đây.

- Hồi đầu năm, chúng tôi đã tiếp nhận một phụ nữ trẻ mang quốc tích Mỹ là nạn nhân một vụ tai nạn trên Mont-Blanc. Theo một y tá ở bệnh viện chúng tôi, cô bệnh nhân đó bị mất nhiệt và bị cước rất nghiêm trọng. Cô ấy đáng lẽ đã được phẫu thuật tháo khớp ngay ngày hôm sau.

- Người ta tháo khớp chỗ nào của cô ấy?

- Ngón tay, cũng thường gặp với tai nạn kiểu này, nhưng tôi không biết là tay nào.

- Bệnh án ở bệnh viện chỗ ông có vẻ không nhiều thông tin lắm nhỉ, Andrew thở dài.

- Chúng rất đầy đủ thông tin, nhưng chúng tôi không thể tìm lại được bệnh án của cô bệnh nhân này. Mùa đông rất khắc nghiệt, biết bao người trượt tuyết, người dạo bộ và người bị tai nạn giao thông, chúng tôi luôn quá tải và thiếu nhân lực, phải công nhận điều đó. Hồ sơ hành chính của cô ấy chắc là do sơ ý đã được đem đi cùng bệnh án trong lần chuyển viện của cô ấy.

- Lần chuyển viện nào?

- Vẫn là theo cô y tá chỗ tôi nói lại, một người họ hàng của nạn nhân đã xuất hiện chỉ vài giờ trước cuộc phẫu thuật và đưa cô ấy lên một xe cứu thương đầy đủ trang thiết bị mà ông ta đã thuê. Họ đi Genève nơi một máy bay đang đợi để hồi hương về Mỹ. Marie-Josée thổ lộ với tôi là chính cô ấy đã ngăn cản ô tô xuất phát, vì việc tháo khớp nên được thực hiện ngay lập tức, nguy cơ bị hoại thư rất cao. Nhưng cô gái đó đã tỉnh lại và muốn được phẫu thuật tháo khớp tại quê nhà. Chúng tôi không thể phản đối nguyện vọng của cô ấy.

- Vậy thì, nếu tôi hiểu đúng, các ông không hề biết danh tính của cô ấy?

- Than ôi, không hề.

- Và các ông không thấy chuyện đó có gì kỳ cục à?

- Có, mà không, tôi đã nói với anh rồi đó, trong lúc gấp gáp…

- Bệnh án của bệnh nhân này đã bốc hơi cùng cô ta, vâng, ông đã nói với tôi chuyện đó. Dù gì thì viện phí cũng đã được thanh toán. Ai đã trả tiền cho cô ta?

- Thông tin này cũng lưu trong bệnh án, cùng với biên nhận.

- Các ông không có camera giám sát ở cổng vào bệnh viện sao? Một câu hỏi thừa thãi, camera ở cổng vào một cối xay thì để làm gì chứ…

- Xin lỗi, ý anh là sao?

- Không có gì, thế ê kíp sơ cứu cho co ấy trên núi thì sao? Chắc là họ phải tìm thấy giấy tờ tùy thân trên người cô ấy chứ?

- Anh nên nhớ là tôi cũng đã có suy nghĩ tương tự. Thậm chí tôi đã nảy ra ý gọi điện cho cảnh sát, nhưng các hướng dẫn viên leo núi mới là những người cứu được cô ấy. Vì tình trạng của cô gái lúc đó, họ đã đưa cô ấy ra khỏi vùng núi mà không để phí hoài giây phút nào. Nói tôi nghe, anh đang điều tra về chất lượng chăm sóc bệnh nhân của bệnh viện chúng tôi hay về số phận của cô gái đó?

- Theo ông thì sao?

- Trong trường hợp này, thứ lỗi cho tôi, nhưng tôi còn cả một bệnh viện phải quản lý.

- Và có vẻ ông nhiều việc đấy!

Andrew không kịp nói lời cảm ơn Edgar Hardouin, ông bác sĩ vừa bất thình lình gác máy.

Đầu óc mải nghĩ tới cuộc nói chuyện, Andrew đi ngược xuống những bậc thang lớn của thư viện. Suzie, đang quan sát anh từ bậc trên cùng, nhìn anh đi xa dần về phía phố 42.