Về quê - Chương 05

Chương 5: Những ngày không thay đổi

Tôi và Duyên đóng gói đồ đạc, nó sẽ chuyển chỗ đồ đó đến phòng người yêu, còn tôi chuyển về quê. Nó và tôi sẽ ở nhờ nhà bạn trong một tháng cuối trước khi ra trường. Em trai tôi đến giúp tôi mang mấy thùng giấy đựng sách và chiếc hòm tôn đựng quần áo mùa đông ra bến xe. Tôi chỉ để lại ít quần áo mùa hè, một số tài liệu cần thiết cho khóa luận, quyển giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học cùng cái laptop, đựng vừa trong một cái ba lô và một cái túi nhỏ. Đến ở nhờ phòng bạn, tôi không muốn mang lỉnh kỉnh nhiều thứ.

Những đồ còn lại không mang về được, chúng tôi cho cái Hoa ở tầng dưới. Đến khi mọi đồ đạc đã được chuyển đi, căn phòng chỉ còn lại cái phản mà trước đây tôi gọi là giường và chút rác vương vãi khắp nền nhà. Cái Duyên đã đi từ sáng sớm. Tôi ngồi nhai xong cái bánh mì khô khốc, xách ba lô lên, đội mũ rồi đi xuống, qua phòng cái Hoa định tạm biệt nó nhưng phòng nó khóa cửa.

Trên đường ra bến xe buýt, tôi thấy cái Hoa đang xách một cái túi, tung tăng đi ngược lại phía tôi, tôi nói to vì nó chưa đến gần:

“Đi đâu về đấy Hoa?”

Thấy tôi nó có vẻ vui mừng.

“Ui chị Linh, em vừa ra bến xe Mỹ Đình lấy đồ ăn mẹ em gửi lên.”

Tôi cười:

“Thế hả, lại tha hồ đánh chén, nhưng giờ chị phải đi rồi.”

Nó không cười nữa, mặt nhăn lại:

“Chị đi bây giờ á? Vậy là xóm trọ còn mỗi mình em à? Chị ở lại với em đi.”

Nó nói “một mình” nhưng không phải vậy. Nó ở với một em nữa, học cùng em Trang, nhưng ngày nào nó cũng lên đóng đô ở phòng tôi, tần suất xuất hiện của nó ở phòng tôi dễ phải gần chục lần một ngày. Vậy nên, khi chúng tôi cứ dần chuyển đi, ngày nào nó cũng lên than vãn, hết buồn lại chán. Biết thế nào nó cũng nói vậy nên tôi động viên nó một lúc, hứa là thỉnh thoảng sẽ về chơi với nó. Đi được vài bước, quay lại vẫn thấy nó đang đứng tiu nghỉu nhìn theo, tôi xua xua tay, bảo nó đi về, nó nhăn nhó, vẻ mặt rất đáng thương rồi quay lưng đi. Thấy nó về rồi tôi mới đi tiếp ra bến xe buýt.

Trời thật sự rất nắng, nắng chói chang, tôi che ô mà vẫn thấy rát cả một bên người. Bến xe buýt chỉ có một cái biển cắm giữa hai cây bằng lăng. Nếu không để ý chắc sẽ không phát hiện ra có một bến xe buýt ở đấy. Nghĩ lại điệu bộ với gương mặt cái Hoa, tự nhiên tôi bật cười. Tôi vui vì có một đứa em như nó. Nó rất thẳng tính, nghĩ gì nói nấy, không giả tạo hay cố che giấu bản thân. Lúc nào nó cũng nói như là chỉ giả vờ thế thôi, nhưng rõ ràng là nó bộc lộ hết con người thật của nó với tôi và em Trang.

Có một tối, chỉ tôi với em Trang ở phòng, chúng tôi gọi nó lên ăn cơm, xem phim chán chê, rồi nằm “buôn dưa lê” đến hơn một giờ sáng. Cả ba không buồn ngủ chút nào. Có lẽ hôm đó tôi nói nhiều nhất kể từ khi gặp nó. Về sau, thỉnh thoảng nó lại thốt lên câu: “Không ngờ chị Linh nói nhiều vậy.” Lúc cao hứng thì tôi có thể nói liên tục, khả năng này xảy ra chắc vài năm một lần.

Phòng của bạn tôi ở Đình Thôn nên tôi ngồi xe buýt một lúc là đến nơi. Phòng có bốn người, giờ thêm tôi nữa là năm. Hòa, Phượng, Mến học cùng lớp với tôi; Nguyễn Hồng từng học với chúng tôi một năm rồi thi lại sang ngành khác, học khoa khác. Hòa quê ở Thái Nguyên, tính tình cởi mở, chơi với tất cả mọi người trong lớp, hầu như ai cũng thích nói chuyện với nó. Phượng hơn chúng tôi hai tuổi, già dặn hơn chúng tôi nhiều, quê ở Vĩnh Phúc, chúng tôi vẫn xưng hô “mày - tao”, “tớ - cậu” bình thường. Ở phòng này, mấy đứa gọi nó là Phượng “già”. Mến là người Nghệ An, nó ở miền Trung mà nói tiếng miền Bắc như người miền Bắc, cô giáo hướng dẫn khóa luận cho tôi và nó còn nghĩ nó là người miền Bắc thật. Nguyễn Hồng quê ở Hà Nam, còn Hồng ngồi cạnh tôi là Đặng Hồng, quê ở Thanh Hóa. Nguyễn Hồng cũng xinh xắn, dễ thương, nhiều người theo đuổi và hiện đang yêu con trai cô chủ nhà trọ.

Nếu phòng tôi có một cái giá sách to đùng cho năm đứa thì ở phòng cái Hòa, tôi không thấy sách vở gì cả. Có mấy quyển chúng nó để dưới gầm giường (một cái giường đơn đủ cho một người nằm, khi tôi đến thì cái giường trở thành chỗ để đồ). Tuy là chúng tôi học nghề liên quan đến sách vở nhưng nhiều người trong lớp có khi cả năm không động đến một quyển sách. Một số người chọn ngành này để thi chỉ vì khoa tôi lấy điểm đầu vào khá thấp. Nhưng năm chúng tôi thi, điểm chuẩn vào khoa tăng ba điểm so với năm trước, vậy nên lớp tôi có điểm sàn khá cao, nghĩa là lực học khá. Trong quá trình học, có người chán mà bỏ như cái Hồng, có người chấp nhận, có người dần yêu thích. Đa số ban đầu khi chọn thi ngành này, mọi người không hình dung được công việc mình làm sau khi ra trường sẽ như thế nào.

Phòng bọn nó cũng chật, không rộng bằng phòng tôi nữa, nên thật may là tôi có ít đồ đạc. Lúc tôi đến thì ba đứa lớp tôi đang ngồi ôm quyển Chủ nghĩa xã hội khoa học để “lai rai”, Hồng thì ngồi thêu tranh. Tôi thay quần áo, rồi cũng lấy sách ra tham gia hội nghiên cứu khoa học bất đắc dĩ. Năm người trong một phòng chừng mười bốn mét vuông và nắng cũng chiếu thẳng vào mấy bức tường. Hình như tôi có duyên với số năm và những cái lò như thế này.

Trong suốt hai tuần tiếp theo, ngày nào cũng như ngày nào, mấy đứa đều lặp lại những việc giống ngày hôm trước. Sáng ngủ dậy, ăn sáng, lấy sách ra học, đi chợ, nấu cơm, ăn cơm, ngủ trưa, chiều dậy học, đi chợ, nấu cơm, ăn tối, lấy sách ra học, đi ngủ. Thỉnh thoảng, tôi, Hòa và Mến lấy khóa luận ra đọc đọc sửa sửa rồi mang đến nhà giảng viên hướng dẫn để nhờ cô nhận xét và góp ý. Tôi và Mến cùng một giảng viên hướng dẫn khóa luận nên hai đứa đi đâu, làm gì cũng có nhau.

Nhà cô giáo ở đường Tuệ Tĩnh. Từ Đình Thôn, chúng tôi đi xe 34 đến Văn Miếu, đợi xe 38 để đến đường Tuệ Tĩnh, xuống xe buýt cũng phải đi bộ một đoạn mới đến nhà cô. Mỗi lần đi như vậy hết gần một giờ đồng hồ. Đường về cũng không kém là bao. Chúng tôi đi bộ từ đường Trần Nhân Tông đến đường Trần Bình Trọng, đợi xe 32 gần Nhà văn hóa Học sinh Sinh viên, xuống xe ở bến xe buýt Nhà thi đấu Cầu Giấy, đợi xe 34 về bến xe Mỹ Đình, từ bến xe Mỹ Đình lại lên xe 34 qua Đình Thôn. Về phòng, tôi và Mến thay nhau chiếm phòng tắm, nhưng chưa kịp mặc xong quần áo thì người đã lại đầy mồ hôi.

Trong nhịp điệu lặp đi lặp lại của những ngày ôn luyện ấy, thỉnh thoảng chúng tôi cũng tự tìm cách thay đổi không khí. Những hôm nóng quá, mấy đứa ôm sách sang Big C Garden hưởng chút hơi mát của máy điều hòa nhiệt độ trong siêu thị, mặc dù sách thì cầm trên tay nhưng đầu óc lại nghĩ đến chuyện khác hoặc để ý người ta đi lại mua sắm. Bước chân ra khỏi siêu thị giống như bước từ thế giới này sang thế giới khác, một bên là sự mát mẻ dễ chịu, một bên là sự nóng nực, thiếu không khí. Trên đường về, chúng tôi ghé qua chợ mua đồ ăn tối, cái Hòa vừa đi vừa nói: “Nhà có năm nàng tiên với chế độ ăn của năm con lợn.”

Cũng có những buổi tối, thay vì ngồi học hành chăm chỉ, chúng tôi lại đi bộ ra khu đô thị Mỹ Đình, ở đó có một công viên nhỏ, thoáng đãng. Chúng tôi ngồi hóng gió, ngồi nhìn những cặp tình nhân đang âu yếm nhau, may mà trời tối không thì mấy đứa vô duyên chúng tôi chẳng biết giấu mặt vào đâu. Ai đời chuyện mình không lo lại cứ thích quan tâm chuyện người khác. Hoặc là chúng tôi sẽ đến trước Big C Garden uống trà đá. Tối, những quán nước vỉa hè mọc lên như nấm ở vị trí khá thuận lợi này, vừa rộng rãi, vừa sáng sủa lại có gió trời phục vụ.

Khi mấy anh bạn của bọn nó từ Vĩnh Phúc xuống chơi, chúng tôi đi uống bia ở quán Cường Hói. Cái Hòa có thể uống rượu như uống nước, bia thì nó không thích nhưng vẫn uống tốt. Tôi thì chịu, không uống được gì, chỉ ngồi ăn đồ nhắm.

Có vẻ như chúng tôi suốt ngày vùi đầu vào học, mà học mỗi một môn, nhưng bản thân tôi thì không thể chăm chỉ như vậy được. Tôi nhìn quyển sách nhưng chỉ tập trung được khoảng ba mươi phút, sau đó sẽ nghĩ lan man về chuyện khác và không thể kéo tâm trí mình trở lại với những dòng chữ. Tâm lý chung trước khi bước vào thi là cảm giác trong đầu trống rỗng. Dù cho trước đó mình có học như điên, lúc nào cũng học học học thì đến khi đi thi vẫn không thấy gì trong đầu. Vậy mà đọc đề xong lại nghĩ ra ối thứ. Cho nên, khi đã đến phòng thi, trước giờ thi, tôi không dại gì lôi sách ra xem như mấy đứa khác.

Khi thi môn điều kiện cũng vậy, tình trạng đó lại diễn ra như bao lần thi trước, không có gì thay đổi. Thi xong, tôi biết mình sẽ qua, vì môn này chỉ cần đạt năm điểm là được. Tôi không lo lắng gì đến nó nữa. Tôi tiếp tục chỉnh sửa khóa luận, làm slide để thuyết trình hôm bảo vệ. Tôi giúp Mến và Hòa đọc khóa luận để sửa lỗi, giúp bọn nó làm slide, bọn nó cũng đọc khóa luận của tôi. Phượng lao vào ôn thi môn chuyên ngành.

Trong những ngày tháng đó, ý muốn duy nhất của tôi là thời gian trôi đi thật nhanh. Tôi ghét cảm giác chờ đợi để đến ngày thi khi mà kiến thức đã nhai đi nhai lại hàng chục lần và vẫn phải nhai tiếp vài lần nữa, vì sắp thi nếu không học thì không yên tâm, học thì vô cùng chán. Cảm giác chờ đợi đến ngày bảo vệ khóa luận cũng vậy. Mọi thứ đã được chuẩn bị hết, chỉ đợi đến lúc mọi thứ diễn ra. Cảm giác chờ đợi đó còn tra tấn con người ta hơn cả cảm giác khi đứng trước hội đồng và nghe nhận xét.

Đêm trước hôm bảo vệ khóa luận, tôi và cái Hòa nằm mãi không ngủ được, lăn qua lăn lại, nằm đủ mọi tư thế cũng không giúp giấc ngủ đến với chúng tôi. Trong khi đó, cái Mến nằm bên cạnh đã ngủ từ lúc nào. Rõ ràng, tôi với Hòa, không đứa nào lo lắng gì cả nhưng chẳng hiểu sao vẫn nằm nhìn thao láo lên trần nhà. Tôi tự lí giải vấn đề trong đầu, tại trời nóng quá, tại mình hồi hộp rồi tưởng tượng những cái sẽ diễn ra vào ngày mai… Càng nghĩ tôi càng tỉnh táo hơn. Cuối cùng, chỉ còn mình tôi thức.

Nếu hỏi tôi có khoảng thời gian nào tôi muốn quên trong đời sinh viên của mình không thì tôi sẽ trả lời có, và đó là hai ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của lớp tôi. Chỉ trong hai ngày ngắn ngủi, những cái tôi ghét đều thi nhau hiện hữu trước mắt, hỗn độn, rõ ràng và gây ra cảm giác thất vọng tột cùng. Điều tôi ghét là sự không công bằng, thiên vị, sự kèn cựa cá nhân làm ảnh hưởng đến người khác, sự thiếu nhất quán trong lời nói và hành động…

Nếu như tôi kể chi tiết mọi việc ra đây thì có phải tôi đang làm một việc mà người ta gọi là “nói xấu sau lưng” không? Tôi nghĩ là có, vì dù tôi có kể lại một cách thành thực nhất những gì diễn ra thì câu chuyện vẫn mang ý nghĩ chủ quan của tôi ở trong đó.

Nói đến sự không công bằng, trong một tập thể lớp, với cương vị là người đứng đầu, người ta phải đối xử như nhau với tất cả các thành viên còn lại, không thể vì quý người này mà chỉ nói tốt cho người này, không quý người kia mà chỉ lấy những khuyết điểm của họ ra mà phê phán. Nếu công bằng, hãy chỉ ra cả cái được và cái chưa được, như thế vừa không làm tổn thương người khác, vừa giúp đỡ cả hai cùng đạt đến một mức độ cao hơn trong khả năng của họ.

Cái Hòa thực sự bị tổn thương, tổn thương nhưng không buồn, nỗi buồn bị nỗi tức giận áp chế. Cảm giác đó sẽ xuất hiện khi so sánh hai người ở hai vị thế như nhau nhưng lại nhận được sự đối xử hoàn toàn trái ngược nhau. Bản thân tôi cũng vì đồng cảm với nó mà có cảm giác tương tự, thậm chí tôi nghĩ rằng, tôi và nó như cùng chịu chung hoàn cảnh vậy. Và mọi điều tốt đẹp về người đã theo sát chúng tôi bốn năm bỗng vụt tan biến. Cái ý nghĩ rằng mọi hành động, lời nói trước đây đều là giả tạo đã hình thành trong bộ não hỗn độn của tôi và nhất quyết không chịu rời đi. Tôi không muốn nhìn thực tại đó nữa, tôi muốn chúng biến mất hoặc tôi có thể biến khỏi đó.

Trong lĩnh vực tạm gọi là “nghiên cứu khoa học”, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, việc bất đồng quan điểm giữa những người nghiên cứu vẫn thường xuyên diễn ra, người ta có thể tranh luận, có thể đưa ra luận điểm và chứng cứ để phủ nhận quan điểm của người khác, nhưng người ta không có quyền vì bất đồng quan điểm mà gây ảnh hưởng đến người thứ ba. Ở đây, tôi muốn nói đến giảng viên và sinh viên.

Chỉ đơn giản như việc dùng dấu câu nào cho thích hợp (mặc dù có cả cách dùng cụ thể cho từng dấu câu) cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau, chứ đừng nói rộng hơn đến cả hệ thống ngôn ngữ, và rộng hơn nữa là cả một ngành, ngành biên tập xuất bản chẳng hạn. Việc các giảng viên trong khoa tôi bất đồng quan điểm, tôi có thể hiểu được và đương nhiên chấp nhận được. Nhưng tôi không chấp nhận được vì bất đồng quan điểm dẫn đến bất đồng cá nhân, từ bất đồng cá nhân dẫn đến đánh giá sinh viên như đánh giá người hướng dẫn.

Trong quá trình học, sinh viên phải “bơi” giữa một đống tài liệu, mỗi tài liệu đưa ra một cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, sự không thống nhất thường gây “rối”. Các giảng viên trong quá trình giảng dạy thường sẽ cung cấp cho sinh viên quan điểm của nhiều người về vấn đề đang được nói đến, phân tích ưu điểm và hạn chế từ đó nêu ra quan điểm của cá nhân để sinh viên tham khảo. Nhưng có người đưa ra quan điểm của người khác với thái độ coi thường và phủ nhận hoàn toàn quan điểm của người ta, thậm chí còn không phân tích rõ nó sai ở chỗ nào. Người là người giảng dạy, nhưng người không nên áp đặt suy nghĩ của mình cho sinh viên.

Trước khi bắt tay vào viết khóa luận, chúng tôi đã được nhất trí về tên đề tài và đề cương khóa luận (bao gồm số đề mục, tên đề mục). Điều đó có nghĩa là kết cấu khóa luận của chúng tôi được xây dựng từ ý tưởng của mỗi người và được các thầy cô trong khoa (tất cả các thầy cô) hoàn thiện và chấp nhận, chấp nhận cũng tức là không có ý kiến gì khác. Đó là một lô gíc tự nhiên và không có gì để bàn cãi.

Thế nhưng người ta vẫn bàn về nó, bàn hăng say như khi vừa phát hiện một vấn đề mới mẻ cần nâng lên, đặt xuống, nhìn ngắm ở mọi góc độ, mọi khía cạnh để đánh giá, để phủ nhận nếu nó đi ngược suy nghĩ của người ta lúc này. Tôi nói “lúc này” bởi suy nghĩ tại thời điểm đang nhắc đến khác với suy nghĩ ở thời điểm mọi thứ được công nhận. Đó chẳng phải là sự phủ nhận chính mình hay sao?

Phủ nhận chính mình thường xuất phát từ sự không nhất quán trong suy nghĩ, sự không chắc chắn về kiến thức, sự thay đổi của ngoại cảnh mà ngoại cảnh này tác động lên vấn đề đang bị phủ nhận. Trong hoàn cảnh này, tôi tự hỏi nó thuộc loại nào. Tôi thấy nó không thuộc loại nào cả, mà chỉ đơn giản là nó xuất phát từ sự thiếu nghiêm túc khi làm việc. Thiếu nghiêm túc sẽ dẫn đến không tập trung vào cái mình đang nói và bỏ qua những lỗi hiển hiện ngay trước mắt. Sau này khi có thời gian nhìn lại người ta mới phát hiện ra. Có điều, phát hiện đấy nói ra hay không nói ra đều không được. Nói ra là phủ nhận mình trước đó, không nói ra là mình công nhận cái sai. Và tôi ghét sự thiếu nghiêm túc, biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm. Nếu không làm tốt thì tốt hơn cả là đừng để nó phải diễn ra.

Vì muốn quên đi nên tôi sẽ không nhắc đến hai ngày bảo vệ khóa luận đó nữa. Kết quả thế nào cũng không quá quan trọng với tôi, bởi tôi cầm chắc bằng tốt nghiệp loại khá khi ra trường, dù trời long đất lở và ngày mai có là tận thế đi chăng nữa.

Chúng tôi đợi đến ngày lấy bằng.

Buổi lễ tổng kết năm học cũng là buổi lễ chia tay khóa chúng tôi trước khi ra trường. Thật ra không mấy ai mặn mà đến dự những buổi lễ như vậy, vài tiết mục văn nghệ, rồi trao bằng khen, phần thưởng... Buổi lễ khai giảng của bốn năm trước đối với tôi ấn tượng bao nhiêu thì buổi lễ này nhàm chán bấy nhiêu. Bốn năm trước, tôi hồi hộp và háo hức chờ đợi cho đến buổi sáng hôm đó, rồi ngạc nhiên đến há mồm trước những tiết mục được dàn dựng khá công phu, nghe đọc tên những người đạt kết quả cao mà cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng. Còn bây giờ, đến dự lễ chẳng khác nào bị ép buộc chịu một hình phạt nào đó trước khi được tự do.

Sáng tổng kết ở trường, tối hôm đó lớp tôi tổ chức liên hoan, có mời cả các thầy cô trong khoa đến dự. Cảm giác của tôi khi bước chân vào nhà hàng, nơi chúng tôi tổ chức liên hoan là cảm giác lạc lõng. Hình như sau bốn năm sống giữa đất thủ đô, tôi vẫn không thay đổi chút nào, từ ngoại hình cho đến suy nghĩ. Nhìn bạn bè tôi mà xem, ai nấy đều xinh đẹp hơn, trưởng thành hơn, biết cách ăn mặc hơn… Giữa những bộ váy đầy nữ tính và duyên dáng, giữa một hội trường trang trọng và lịch sự, tôi giống như một kẻ không may đi lạc, lạc vào thế giới không dành cho tôi.

Tôi ngồi vào bàn cách xa bàn của các thầy cô, không muốn nói chuyện với ai. Tâm trí tôi đã rời đi đâu mất. Giữa không khí như vậy, tôi rất khó để tập trung. Cái Hà là người dẫn chương trình, rồi thầy trưởng khoa, cô chủ nhiệm lên phát biểu, sau đó là tặng hoa cho các thầy cô. Buổi liên hoan diễn ra ngay sau đó. Sinh viên thay nhau đi mời thầy cô uống với mình một chút bia, coi như là sinh viên cảm ơn thầy cô, thầy cô giao lưu với sinh viên. Tôi chỉ chú tâm vào việc ăn. Đồ ăn khá là ngon, và tôi cứ nhẩn nha thưởng thức từng món, ai đến bàn tôi chúc thì tôi cũng nâng cốc và uống một chút bia.

Khi các thầy cô ra về, thời gian của chúng tôi ở nhà hàng cũng hết, chúng tôi kéo nhau đi hát karaoke. Hát, nhảy và uống. Bụng tôi chứa kha khá nước ngọt. Tôi vừa uống vừa nghe mọi người hát và nhìn mọi người nhảy. Đức mời tôi một cốc bia sau khi nó đã uống với rất nhiều người. Tôi hứng chí uống một hơi hết sạch. Bụng tôi lại căng thêm một chút. Tôi dựa người vào ghế, tiếp tục tận hưởng không khí ồn ã xung quanh. Đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng chúng tôi hát với nhau như vậy.

Tôi và Mến cùng mấy đứa trong lớp mới kết nạp Đảng phải học Lớp Bồi dưỡng lý luận, chính trị cho đảng viên mới diễn ra trong hai ngày tại Hội trường lớn của học viện. Không cần nói trước tôi cũng có thể thấy được mức độ nhàm chán và những cơn buồn ngủ thay nhau ập tới. Và không ngoài dự đoán của tôi, giữa mùa hè nóng bức, ngồi trong hội trường mát lạnh, mấy đứa lấy áo chống nắng đắp lên người và ngủ ngon lành.

Buổi phát bằng là buổi thứ hai chúng tôi học lớp đảng viên mới, nó hơi lộn xộn, ồn ào. Tôi và Mến lên lấy bằng rồi quay lại Hội trường lớn. Đó là dịp cuối cùng chúng tôi được gặp nhau trên lớp nhưng dường như không ai để ý đến chuyện đó. Tất cả chỉ chăm chăm lấy cho nhanh rồi ra về. Nhìn cảnh đó tự nhiên tôi thấy thất vọng và chán nản. Dường như khi biết rằng không còn mối liên hệ với nhau như trước nữa, con người ta tự đẩy mình ra khỏi nó luôn, để không vấn vương, không buồn bã hay níu kéo. Mà chẳng hiểu sao tôi lại có những suy nghĩ ngớ ngẩn như thế.

Trước khi về quê, tôi, Mến, Hòa và Hương rủ nhau đi thăm Lăng Bác. Kể ra thì từ khi học đại học, chưa có lần nào tôi vào Lăng viếng Bác. Thật không may cho chúng tôi, hôm đó là chủ nhật, lượng khách du lịch đến Lăng rất lớn. Giữa trời nắng chang chang, chúng tôi xếp hàng đứng đợi hơn một tiếng đồng hồ, nhích từng bước một cách chậm chạp để tiến tới quảng trường Ba Đình.

Về đến phòng Hương, chúng tôi ăn uống qua loa rồi lăn ra ngủ. Phòng nó hết nước, nó đi mua bia về cho bọn tôi uống. Tôi chỉ nhấp một ngụm là kinh, Hương và Hòa uống nốt gần một lít bia. Đang ngủ, Hòa có điện thoại, nghe xong nó bảo: “Thằng Thượng rủ bọn mình đến phòng nó liên hoan.” Thế là chúng tôi dậy tắm gội rồi đến phòng Thượng. Tôi đi xe máy với Hương, Hòa và Mến đi xe buýt. Trên đường đi, tôi và Hương dừng lại mua hai cân chôm chôm người ta bán la liệt ở bên đường với giá rất “sinh viên”. Đến phòng Thượng thì trời cũng tối.

Cứ tưởng khi chúng tôi đến chỉ việc ngồi vào ăn nhưng đến nơi mới thấy một sự thật đau lòng. Giữa cái chiếu ở nền phòng là một đĩa sấu và một đĩa bột canh. Cái Hòa nhìn thấy bèn hỏi: “Thượng gọi bọn tớ đến liên hoan sấu à?” Lúc đấy Thượng và Nhân mới đi chợ. Thượng hỏi bọn tôi muốn ăn gì. Hương phán bừa mấy thứ xuất hiện đầu tiên trong đầu nó: “Thì mua rau muống về luộc, đậu phụ luộc…” Thế mà Thượng cũng mua y hệt lời nó nói. Ngoài ra nó mua mấy thứ đồ nhắm như lạc rang, cá chỉ vàng. Nồi cơm không biết chúng nó cắm từ bao giờ mà sống nhăn sống nhở. Chúng tôi vừa ăn uống vừa nói chuyện. Có tổng cộng chín người: bốn đứa con gái chúng tôi với mấy đứa con trai trong lớp, Thượng, Nhân, Chiến, Đức và Hoàn.

Vì bà chủ nhà trọ của Thượng rất khó tính nên chúng tôi không được “dô” to. Cứ một, hai, ba “dô” như nói thầm rồi cười rũ rượi với nhau. Đến mười một giờ, bà chủ nhà xuống đuổi, chúng tôi bảo toàn hiện trường với ngổn ngang bát đũa, cốc, đồ ăn rồi kéo nhau ra sân vận động Mỹ Đình. Tôi không quên xách theo túi chôm chôm lúc này đã lẫn mấy quả sấu ở bên trong.

Gió mùa hè thật là mát. Tôi ngồi sau xe Thượng, tận hưởng làn gió đêm giữa đường phố Hà Nội. Thượng uống nhiều bia nhưng nó bảo đi ra ngoài thế này sẽ không say nên tôi yên tâm là sẽ không bị đâm vào đâu cả.

Đến sân vận động Mỹ Đình, chúng tôi thuê một cái chiếu, ngồi giữa bãi cỏ, giữa những nhóm người khác, giữa những quán nước đêm. Mấy đứa lại gọi người bán hàng mang rượu ra. Hương và Mến gần như đã say rồi nhưng vẫn uống tiếp. Một lúc sau, hai đứa ôm nhau khóc. Hương dựa vào vai tôi, Mến dựa vào người Hương, chúng nó khóc tu tu. Hòa thì ngồi bảo hai đứa “rồ”, khóc làm nó cũng muốn khóc theo.

Khóc chán rồi chúng nó cũng tỉnh táo hơn. Bọn tôi chơi trò ôn lại kỉ niệm, lần lượt từng người sẽ nói lên cái mình nhớ nhất với những người còn lại. Có những kỉ niệm chỉ hai người trong số chúng tôi từng trải qua với nhau và để lại trong lòng mỗi người những cảm giác không thể nào quên, những ký ức quý giá mà mãi về sau này chắc chắn vẫn còn lại trong sâu thẳm con tim.

Hai giờ đêm chúng tôi mới về. Tôi ngồi sau xe Đức. Chúng tôi không nói một câu nào trên suốt chặng đường từ sân vận động Mỹ Đình về Đình Thôn. Đoạn đường cũng gần, có lẽ có nhiều điều muốn nói nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, hoặc là những gì cần nói đã nói hết lúc trước rồi.

Sáng hôm sau, Đức đến đưa Mến ra ga Hà Nội để về quê. Chúng tôi vừa vui vẻ chào tạm biệt nhau, lúc sau Hòa đã nhận được tin nhắn của Mến nói rằng nó đang ngồi khóc ở ga trong lúc đợi tàu. Đức đưa nó đến đó, mua cho nó bánh mì và nước rồi mới về. Còn một mình ngồi ở ga, nó thấy buồn, thấy tủi thân, nó khóc. Cái Hòa đọc tin nhắn, vừa trả lời vừa khóc theo nó. Tôi cũng cố kìm nén những giọt nước mắt để nó khỏi ra ngoài rong chơi.

Tôi và Hòa về buổi chiều. Hòa đợi Nhân đến đón, rồi về cùng Nhân bằng xe máy. Tôi ra bến xe trước. Bến xe Mỹ Đình vẫn như mọi khi, dù giữa trưa hay giữa buổi cũng đông đúc và bụi bặm như vậy. Những người lơ xe chạy khắp nơi mời khách, xe xếp san sát nhau, từng xe rời bến trong sự chậm chạp và ồn ào. Tôi khệ nệ xách cái ba lô đựng laptop, bịt kín mít từ trên xuống dưới, vừa đi vừa lắc đầu từ chối những lời mời của mấy anh chàng lơ xe. Tôi đến thẳng cái xe tôi thường hay đi để về quê. Lần nào tôi cũng chọn ghế gần cửa sổ. Mặc cho mọi người xung quanh muốn làm gì thì làm, tôi đeo tai nghe vào để nghe nhạc và nhìn mọi thứ bên ngoài.

Tôi nhận được tin nhắn của Đặng Hồng, người bạn ngồi cạnh tôi suốt bốn năm đại học. Học với nhau chừng ấy thời gian, hầu như ngày nào cũng gặp nhau trên lớp, thỉnh thoảng rủ nhau đi mua sách hoặc tụ tập với nhóm Xí Xớn. Vì có nó mà tôi tham gia nhóm nghiên cứu đề tài khoa học của sinh viên, vì có nó nhắn tin chúc mừng sinh nhật tôi, chúc mừng năm mới, động viên tôi cùng cố gắng để được kết nạp Đảng mà tôi dù không mấy thiết tha với Đảng cũng phấn đấu vào Đảng, như ý muốn của bố tôi. Chúng tôi gần như lúc nào cũng có nhau vậy mà khi chia tay chỉ tạm biệt nhau bằng một vài tin nhắn ngắn ngủi, hẹn nhau sẽ sớm gặp lại vào một ngày nào đó.

Điện thoại đang phát bài Chúng ta sẽ chỉ yêu nhau hôm nay nữa thôi của Zenky. Một bản Rap Love nhẹ nhàng. Lời bài hát nói về tình yêu mà chẳng hiểu sao tôi lại liên tưởng đến hiện thực bản thân mình đang trải qua.

Nhìn cảnh vật cứ mãi trôi khi bước chân xa Hà Nội

Là nụ hôn vội vàng nhạt nhẽo khi chia tay em

Anh muốn buồn nhưng đôi mắt không cho phép

Nhưng rồi

Không gian cứ dần bị hẹp lại khiến anh khó thở

Anh cứ cố nghĩ rằng đây chỉ là một giấc mơ mà thôi

Rồi khi tất cả nhạt nhòa

Vỡ òa ra khi ba chiếc kim đồng hồ cùng gặp nhau tại số mười hai

Và khi còn ba mươi phút ngắn ngủi còn lại của một đoạn cuối nhẹ nhàng anh cũng đã để lỡ

Để rồi bỡ ngỡ khi phía hừng đông một vòng tròn rực cháy lại nhô lên thì anh đã không còn em...

Chiếc ô tô lăn bánh, đưa tôi rời khỏi đất Hà Nội. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ có mặt ở quê và chẳng biết bao giờ tôi mới quay lại nơi này.