Ký ức độc quyền - Chương 06 - Phần 1

Chương 6

Bên trái

1

Tôi lại nằm mơ.

Tôi mơ lần đó bố dẫn tôi đến khu vui chơi, trên đường đi, hai chúng tôi đã làm rơi tiền.

Bố mua cho tôi một cây kẹo mạch nha rồi nói: “Đồng Đồng, chờ bố ở đây, đừng đi đâu nhé!”

Lúc ấy, tôi gật đầu, như hiểu lại như không.

Sau đó, tôi vừa đứng chờ bố vừa mút kẹo, đến khi đã ăn hết kẹo mà bố vẫn chưa quay lại. Tôi cảm thấy vừa lạnh vừa cô đơn.

Thật sự là rất lạnh.

Tôi run cầm cập, muốn kiếm cái gì đó để chống đỡ lại cái lạnh này, nhưng không có gì cả, đành co rúm người lại.

Chính lúc này, tôi nghe thấy một tiếng thở dài khe khẽ dường như rất thực, rồi đột nhiên có một cánh tay rất ấm áp bế tôi lên.

Cái gì là mộng, cái gì là thực, trong lúc này tôi không phân biệt được. Chỉ biết đó là một vòng tay vô cùng êm ái và ấm áp. Tôi đang quyến luyến muốn được mãi mãi rúc mình trong vòng tay ấm áp ấy thì đã bị đặt xuống một tấm chăn mềm mại.

Tôi hơi hụt hẫng chau mày lại, rồi một lần nữa rơi vào cảnh mộng.

Tôi đang đợi bố đến sốt cả ruột thì có một cô đi đến bên tôi: “Ồ, đây chẳng phải là con gái bé nhỏ của cảnh sát Đồng sao?”

“Chào cô ạ!” Hình như tôi quen cô ấy.

“Bố mẹ đâu?”

“Bố đi tìm đồ, bảo cháu đứng chờ ở đây, mẹ đi làm rồi.” Tôi thành thật trả lời.

“Vậy à?” Cô ấy cười cười. “Mẹ cháu bảo cô tới đây đón cháu về đấy.”

Trong giấc mộng, tôi không nhìn rõ gương mặt cô ấy, mãi cũng không nhận ra được đó là ai, chỉ nhớ cô ấy kéo tay tôi rất chặt, càng lúc càng chặt. Tôi muốn hét lên nhưng không thể, nhất thời nóng lòng tôi dùng hết sức giật mạnh cánh tay ra, lật người một cái, tức thì cảm thấy bên dưới trống rỗng, và rồi “bụp” một tiếng, tôi rơi xuống giường.

Nền nhà lát gỗ, do đó tiếng động đương nhiên là rất lớn.

Tôi buồn bực ngồi dậy, có chút hoảng hốt, rồi tôi nhìn thấy Mộ Thừa Hòa đã nhanh chóng xuất hiện ở trước cửa phòng vì nghe thấy tiếng động.

Tôi kinh hoàng mở to mắt, nhìn cách bài trí trước mắt. Còn chưa kịp định hình mình đang ở đâu, sau khi ngồi dậy, nhìn khắp lượt, tôi mới nhớ ra mình đang ở trong phòng ngủ của Mộ Thừa Hòa.

“Giường của tôi rộng như vậy mà em vẫn bị lăn xuống đất sao?” Thầy đứng tựa bên cửa, chẳng có vẻ gì là người vừa bị sốt cao tối hôm qua.

“Lăn xuống đất thì có liên quan gì đến việc giường rộng hay hẹp.” Tôi làu bàu. “Giường trong trường nhỏ như vậy nhưng em vẫn ngủ ngon lành.”

Thầy cười nói: “Đó là vì giường trong ký túc xá có thành chắn.”

Thôi được. Tôi thừa nhận tư thế ngủ của tôi rất xấu, tôi đạp chăn, tôi nằm ngang, tôi chảy nước miếng, nhưng lăn khỏi giường là trường hợp rất ít khi xảy ra, điều này chứng tỏ phong thủy của chiếc giường này không tốt.

Nhưng sao Mộ Thừa Hòa lại nhìn thấy cơ chứ?

Nhớ đến chảy nước miếng, tôi nhanh chóng sờ lên khóe miệng. Cũng may, cho dù là có thì chắc cũng khô rồi, huống chi tôi thích nằm ngửa, không thích nằm nghiêng, nếu không, để lại tội chứng trên gối thì thật là thê thảm.

“Nếu như em không ngủ nữa thì dậy rửa mặt ăn sáng đi.” Nói xong, thầy liền quay người đi ra.

Tôi vò đầu, vén chăn ra bò dậy, đi vào phòng vệ sinh. Tôi nhớ tôi ngủ ngoài phòng khách cơ mà, sao lúc thức dậy lại ở trong phòng ngủ nhỉ? Chẳng lẽ mộng du?

Tôi đi vệ sinh, lúc xả nước, nhìn thấy vệt màu đỏ, tôi khựng người lại, sau đó vội vã kiểm tra quần ngủ.

Quả nhiên đã bẩn.

Lập tức lớn tiếng kêu than.

“Em dậy rồi sao? Vậy tôi dọn dẹp giường nhé!” Mộ Thừa Hòa đứng bên ngoài nói.

“Đợi đã!” Tôi hốt hoảng kêu lên.

“Sao?” Bước chân của thầy dường như đã ngừng lại.

Đêm qua, sau khi tắm xong, Mộ Thừa Hòa đã lấy đồ ngủ loại dày của thầy cho tôi mặc. Bây giờ làm bẩn quần ngủ của thầy thì đã đành, nhưng dựa vào kinh nghiệm của tôi, chắc chắn ga giường cũng đã bẩn.

Trời ơi!

Tôi thầm gào lên một tiếng, sau đó lập tức nói với Mộ Thừa Hòa đang đứng ở bên ngoài: “Em còn muốn ngủ thêm lúc nữa.” Nói xong, tôi liền phi ra khỏi phòng vệ sinh, chạy thẳng vào phòng ngủ, không thèm đoái hoài đến Mộ Thừa Hòa, quay lưng, lập tức khóa cửa lại.

Tôi bò lên giường kiểm tra tội chứng của mình. Chăn không có, nhưng ga giường có! Ga giường màu nhạt, nhìn vào là thấy ngay dấu tích.

Sáng sớm ngày mồng Một Tết, tôi nhìn nó, hoàn toàn thấu hiểu được thế nào là bi kịch.

Tôi bình tĩnh suy nghĩ kỹ càng, phương pháp giải quyết chỉ có ba cách.

Thứ nhất: Tôi buông mình xuống hai mươi ba tầng lầu. Nghĩ đến đây, tôi đánh liều đi tới bên cửa sổ, mở cửa ra, gió ùa vào phòng, khiến tôi lạnh cóng. Sau đó, tôi lại nhìn xuống phong cảnh phía dưới tòa nhà, càng run cầm cập.

Không được, cách tiếp theo.

Thứ hai: Vứt quần áo và ga giường xuống hai mươi ba tầng lầu. Nhưng thầy vào đây nhìn thấy chiếc giường trống trải chỉ còn tấm chăn không, tôi phải giải thích thế nào? Lỡ như bên dưới có người nào tốt bụng nhặt được, làm tờ thông báo nhặt được của rơi, lúc đó tôi lại phải làm thế nào?

Cách này vẫn không được.

Thứ ba: Nói thật. Tôi muốn khóc mà không có nước mắt, đâu thể nói với thầy: “Thầy ơi, em bị cái đó rồi, đành làm phiền thầy giặt lại quần áo và ga giường vậy.”

Mộ Thừa Hòa gõ cửa: “Tiết Đồng?”

“A?!” Tôi hoảng hồn kêu lên.

“Không có chuyện gì chứ?” Thầy hỏi.

“Không... Không có gì. Em có thể ngủ thêm một chút nữa không?”

“Vậy em ngủ tiếp đi.” Cuối cùng thì thầy cũng đi làm việc khác rồi... Phù!

Tôi ngồi trong phòng, vò đầu bứt tóc.

Làm sao đây? Làm sao đây? Làm sao đây?

Tôi muốn đập đầu vào tường cho xong.

Nhưng mỗi lần tới thời điểm bế tắc này, tôi sẽ lại bất giác nhớ đến câu nói của Chủ tịch Mao: “Người Trung Quốc chết cũng không sợ, há sợ khó khăn sao?”

Tôi cố ép mình bình tĩnh lại, suy nghĩ kỹ càng, máy giặt của thầy để trong phòng vệ sinh. Thế là, tôi lập tức tháo ga giường, thay quần jean của mình.

Nghĩ ngợi một hồi, để tránh thầy nghi ngờ, tôi tháo luôn vỏ gối, cuốn lại. Xong xuôi, tôi ôm đống ga gối ấy, ghé tai vào cửa nghe ngóng tiếng động bên ngoài. Với điều kiện trước tiên là phải tuyệt đối an toàn, tôi dùng tốc độ của gió xông thẳng vào phòng vệ sinh, mở máy giặt, nhét đồ vào, xong xuôi mới thở phào một cái.

Nhưng tiếp theo thế nào đây? Lại xuất hiện một vấn đề rất nghiêm trọng. Loại máy giặt lồng xoay tự động này, tôi không biết sử dụng...

Tôi thử nhấn vào nút “Khởi động”, không có phản ứng. Tôi tiếp tục ấn loạn xị các nút ở trên đó, vẫn không có phản ứng. Cho đến khi tôi phát hiện ra ngay cả đèn hiển thị cũng không sáng, mới nghi ngờ, chắc là do nguồn điện. Thế là tôi tìm ổ cắm, cắm vào.

Một âm thanh nhỏ và ngắn ngủn vang lên, cuối cùng nó cũng hoạt động rồi.

Vừa quay đầu lại, tôi phát hiện Mộ Thừa Hòa không biết đã đứng ở trước cửa từ lúc nào, đang nhìn tôi với vẻ rất hứng thú.

Tôi cười hì hì: “Em sợ thầy thích sạch sẽ nên đã mang giặt hết tất cả những thứ em sử dụng hôm qua.” Đây là lời giải thích hợp lý nhất mà tôi nghĩ ra.

Chẳng biết là thầy tin hay không tin, ánh mắt điềm đạm dừng lại trên gương mặt tôi hai giây, rồi đi tới chỗ tôi đứng. Tôi vội vàng đứng chặn trước máy giặt.

Thầy rẽ qua bên cạnh, định bước sang chỗ tôi không che chắn.

Tôi lại chặn qua bên đó.

Thầy nhìn tôi, dừng lại, không cử động nữa.

Tôi hơi chột dạ khi thấy thầy nhìn mình, bèn run rẩy hỏi: “Thầy, thầy muốn làm gì?”

Thầy chỉ về chiếc thùng nhỏ màu xanh đặt trên kệ tủ phía bên trên máy giặt, hỏi: “Tôi lấy xà phòng, em đã cho xà phòng vào chưa?”

“... Dạ chưa.”

Thầy mở cái ngăn nhỏ phía trên góc phải của máy giặt ra, cho vào đó hai muỗng xà phòng giặt rồi đóng lại. Đợi thầy làm xong toàn bộ những thao tác này, tôi lại bắt đầu như gà mái bảo vệ gà con, hết mình che chắn cho chiếc máy giặt liên quan đến danh dự cả đời của tôi.

“Còn phải chờ ba mươi phút nữa, em có thể tạm thời ra ngoài nghỉ ngơi.” Thầy nói.

Tôi lắp bắp nói một câu vô cùng thê thảm: “Em chưa từng thấy máy giặt lồng xoay giặt quần áo như thế nào, nên muốn đứng đây nghiên cứu một lúc.”

Đúng là thật ngớ ngẩn.

Trước đây, Triệu Hiểu Đường đã luôn hướng dẫn chúng tôi, nhìn thấy những thứ mà mình không biết thì cho dù trong lòng rất tò mò đi nữa thì nét mặt vẫn phải cố tỏ vẻ khinh thường, như vậy mới khiến người khác cảm thấy mình cao sâu, khó hiểu. Thực rõ ràng, tôi đã không lĩnh ngộ được tinh túy trong lời dạy của Triệu Hiểu Đường.

Thầy nói: “Tôi ra ngoài mua ít đồ dùng, em có muốn mua gì không?”

Tôi nhanh chóng lắc đầu: “Không cần, không cần.” Thầy mau chóng biến mất là được rồi. Giờ em không mong gì cả, chỉ muốn phơi xong thứ này và nhanh chóng rời khỏi đây thôi.

Mộ Thừa Hòa không hỏi thêm nữa, cầm chìa khóa rồi thay giày, đi ra cửa.

Một lúc sau, khi tôi làm xong mọi việc thì người ấy đã trở về rồi. Tay phải thầy cầm một cái túi rất to, tay trái còn cầm hai hộp thuốc cảm.

“Em cũng uống thuốc đi. Sao tối qua lại ngồi dưới đất mà ngủ?” Thầy vừa đi vào nhà vừa nói.

Cất mọi thứ vào tủ lạnh xong, nhìn thấy bánh mì và sữa trên bàn còn nguyên, thầy hỏi: “Em vẫn chưa ăn à?”

Tôi chau mày nói: “Em không thích ăn bánh mì.”

Không hiểu tại sao, trong lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác kỳ lạ. Thầy vẫn rất tốt với tôi nhưng tôi luôn cảm thấy Mộ Thừa Hòa của buổi sáng và Mộ Thừa Hòa của tối qua hơi khác nhau. Giống như việc thầy nắm tay tôi đêm qua chỉ là ảo giác, ngay cả việc thầy bị sốt, nghe tôi nói chuyện cũng cảm thấy khó khăn chỉ là giả tưởng. Sau khi trời sáng, tất cả đều như chưa từng xảy ra.

Và rồi, không khí tĩnh lặng bao trùm.

Cả hai chúng tôi đều không nói gì. Thầy tiếp tục đi ra đi vào, thu xếp những thứ vừa mua về. Tôi mang sọt đựng quần áo về phòng vệ sinh, sau đó rửa tay, trở về phòng định lấy túi xách ra về.

Túi xách của tôi để bên cửa sổ, bên cạnh là áo khoác.

Tôi chợt nhìn thấy bên cạnh túi xách có một vật gì đó. Đó là băng vệ sinh, bao màu hồng, còn là loại dành cho thiếu nữ.

Giây phút nhìn thấy nó, một luồng khí nóng hừng hực xông lên đỉnh đầu, tức thì mặt tôi đỏ lên.

Ngượng chết đi được.

Hóa ra thầy đã biết rồi, chỉ là không nói ra.

Lúc thầy hỏi tôi có muốn mua gì không, nghi chắc là muốn hỏi tôi có cần thứ này không, nhưng tôi lại vì quá nôn nóng mà không hiểu ra hàm ý của thầy.

Tôi không thể tưởng tượng được, cảnh một người đàn ông độc thân vào siêu thị mua cái này thì thế nào.

Mỗi lần tôi và Bạch Lâm vào siêu thị mua băng vệ sinh đều rất khó chịu với mấy cô, mấy chị trong đó, họ không hề thấy phiền mà hỏi bạn cần loại nào, có nhiều không, có hay bị tràn ra không, rồi cứ thế giới thiệu cho chúng tôi loại này loại nọ.

Nhiều năm sau, khi tôi nhắc lại chuyện này với Mộ Thừa Hòa, thầy rất nghiêm túc trả lời rằng: “Anh quên rồi.” Thầy trả lời ba chữ đơn giản ấy như muốn cho qua chuyện.

“Đừng nói dối, trí nhớ của anh tốt vậy mà có thể quên một chuyện khắc cốt ghi tâm như vậy sao? Thứ mà vi tính không nhớ, anh còn nhớ được cơ mà.” Nói kiểu nào tôi cũng không tin, không chịu bỏ qua, bắt thầy phải nhớ lại.

Thầy đành nói: “Lúc đó anh không nhìn gì cả, giả vờ đang mua thứ khác, rồi khi đi ngang những cái giá đó, anh lấy đại hai bịch rồi đi.”

“Rồi sau đó?”

“Không có sau đó nữa.” Thầy kiên quyết phủ nhận.

“Không thể nào, rõ ràng lúc nãy anh nói anh lấy hai bịch, nhưng em chỉ nhận được một bịch.”

“Anh nói nhịu.”

“Chẳng lẽ cái còn lại anh đưa cho người phụ nữ khác?”

“Anh làm gì có người phụ nữ khác.”

“Chắc chắn là có.” Tôi quay mặt đi, không nhìn anh.

“Tiết Đồng?”

“Đừng gọi em, lòng tự trọng bị tổn thương rồi.”

“Thôi được.” Thầy bất lực đầu hàng. “Anh thừa nhận là có sau đó.”

“Sau đó thế nào?” Tôi cười hi hi quay lại hỏi tiếp.

“Sau đó... anh về nhà.”

“...”

2

Giao thừa vừa qua, thời gian lại bắt đầu phi nước đại, mà Lưu Khải thì không ngừng xuất hiện. Hoặc là cậu ấy đến gặp tôi hoặc gọi điện thoại và nhắn tin.

Thường ngày, tôi là một đứa lớt phớt, nhưng cũng là người khó có thể nói ra chữ “No”, do đó mỗi lần Lưu Khải xuất hiện tôi đều trốn tránh, hoặc tìm lý do để từ chối gặp. Tiếc là nghị lực của người này cũng rất phi thường, người bình thường thật khó để có thể so sánh.

Tôi cũng ngại không muốn nói thẳng với cậu ấy: “Chúng ta không hợp nhau, xin cậu giữ khoảng cách với mình.” Bởi vì ngoài việc hẹn tôi đi ăn, ra ngoài đi dạo, hỏi thăm tôi có khỏe không thì cậu ấy không còn bất kỳ biểu hiện nào quá mức. Lỡ như hành xử bất cẩn có thể tôi lại bị biến thành người hẹp hòi, nhỏ nhen.

Cũng may, tôi còn có một lý do rất chính đáng - làm gia sư.

Tôi nhận dạy ba học sinh. Ngoài Bành Vũ, còn có một đứa trẻ lớp ba và một học sinh lớp tám. Mỗi người đều học ba buổi một tuần, hơn nữa trình độ cả ba đều khác nhau, mỗi lần chuẩn bị đi dạy, tôi đều phải đọc thêm sách, chuẩn bị tư liệu và soạn nội dung cho buổi dạy đó. Vì vậy, tính ra còn bận hơn lúc đang đi học.

Người khó dạy nhất là cô bé học lớp ba, tên là Ưu Ưu. Trước đây, cô bé từng học qua lớp tiếng Anh thiếu nhi của Trung tâm Anh ngữ Cambridge, biết được một ít, bây giờ lại học được thêm một ít ở trường tiểu học nên cô bé không mấy tập trung nghe giảng, rất mải chơi. Ưu Ưu còn nhỏ, động lực học tập của cô bé hoàn toàn phụ thuộc vào sự hứng thú. Bản thân cô bé không có hứng thú với môn tiếng Anh nhưng bố mẹ lại “mong con thành phượng hoàng”, họ mong sao cho cô bé nhanh chóng trở thành một thiên tài ngoại ngữ. Mẹ của Ưu Ưu còn thường xuyên bất chợt đẩy cửa vào phòng, hỏi chúng tôi có khát nước hay muốn ăn gì không. Thật ra tôi biết, cô ấy chỉ muốn xem tôi có tranh thủ thời gian dạy con bà không, có xứng đáng với số tiền hai mươi lăm đồng một giờ không, do đó luôn nghĩ ra lý do vào kiểm tra đột xuất.

Buổi chiều hôm đó, tôi bảo Ưu Ưu chép từ vựng. Nó viết được một lúc đã ngủ gật trên bàn.

Tôi gọi nó hai, ba lần, nó mới ngóc đầu lên, mệt mỏi dụi mắt.

“Cô Tiết, em xin lỗi!” Nó dè dặt nói.

“Sao vậy? Em thiếu ngủ sao?”

“Sáng nay em đã học múa ba lê suốt mấy tiếng đồng hồ, bây giờ rất muốn ngủ.”

“Em còn học múa nữa à?” Điều này tôi thật sự không biết, tôi chỉ thấy bên ngoài phòng khách có chiếc piano, còn tưởng nó học đàn.

Ưu Ưu gật đầu, liền nói cho tôi nghe lịch học hè của nó: “Buổi chiều thứ Ba, Năm, Bảy học tiết của cô, chiều thứ Hai, Tư, Sáu học ba lê ở Cung Văn hóa Thiếu niên, sáng học đàn, buổi tối làm bài. Sau Tết, tiết học ba lê có chút thay đổi, nhiều lúc sẽ chuyển lên học buổi sáng.”

Tôi nghe xong liền thấy chóng mặt, suýt nữa đã lỡ miệng nói: “Bố mẹ của em cũng biết cách hành hạ em thật.”

Nhưng hiện giờ, ở trước mặt nó, tôi là một cô giáo. Tôi không thể phát ngôn tùy tiện, đành xoa đầu nó, dùng câu nói mang tính vạn năng trong nền giáo dục an ủi nó: “Người lớn cũng chỉ muốn tốt cho em, do đó, em phải cố gắng lên.”

Bây giờ thì tôi hiểu, không phải là do nó không tập trung nên khó dạy mà là vì sức lực của trẻ con có hạn.

Ưu Ưu ngẩng lên hỏi tôi: “Cô Tiết, trước đây, cô cũng lớn lên như vậy sao?”

“Cũng gần giống như vậy.” Tôi cười.

Hồi tôi học lớp ba, gia đình tôi vừa từ một tỉnh nhỏ ở ngoại thành chuyển vào thành phố A, mẹ sợ tôi thua kém những đứa trẻ khác nên bảo bố đưa tôi đến Cung Văn hóa Thiếu niên học múa và vẽ.

“Cô cũng học đàn và múa ba lê sao?”

“Không, cô học múa dân tộc và đàn tì bà.” Nói xong, để chứng thực lời nói của mình, tôi đã biểu diễn cho nó xem động tác lắc cổ của Tân Cương.

Nó lập tức cười: “Em đã thấy cô giáo em làm động tác này, em cũng muốn học, nhưng mà khó quá.”

“Thực ra cũng không khó đâu, cô chỉ cho em một cách. Em áp sát người vào tường, sau đó cứ nghĩ phải làm sao để tai phải của em áp vào vai phải, tai trái áp vào vai trái.” Tôi vừa nói vừa làm mẫu một lần.

Ưu Ưu tỉnh táo hẳn, nó nhảy xuống ghế, chạy tới bên tường thật, cầm theo cái gương và làm như tôi nói. Nhưng cuối cùng, nó vẫn từ bỏ, quay về chỗ ngồi, nói: “Sao mà cổ em lúc lắc lư trông như con vịt bị co giật thế này?”

Tôi bật cười, trước đây cứ cảm thấy đứa trẻ này không thích nói chuyện, cũng chưa từng trò chuyện với tôi, không ngờ nó cũng vui tính thật.

Tôi lại nói: “Cô có người chị họ, cao lắm, còn thê thảm hơn nhiều, bị đưa đi học bơi. Lần đầu tiên vào bể bơi, chị ấy nói mình sợ nước, thuyết phục kiểu gì chị ấy cũng không chịu xuống hồ. Kết quả thầy huấn luyện không nói tiếng nào, như con chim ưng bắt gà con vậy, nâng chị ấy lên ném luôn xuống bể bơi.”

Ưu Ưu tròn xoe mắt: “Rồi sau đó?”

“Sau đó ư?” Tôi nhớ lại cảnh tượng bố đã diễn tả vô số lần với tôi, không nhịn được cười. “Sau đó, chị ấy cứ thế đập nước liên tục, vậy mà lại nổi lên thật, và không cần đến thầy huấn luyện, chị ấy tự biết bơi. Khi bò lên bờ, chị ấy mới nhớ ra là mình phải khóc.”

Nghe thấy tiếng cười của hai chúng tôi, mẹ của Ưu Ưu lại đẩy cửa bước vào, tiếng trò chuyện của chúng tôi lập tức im bặt.

Đợi khi cô ấy trở ra, Ưu Ưu hỏi nhỏ: “Cô Tiết, sau này chị họ của cô có trở thành vận động viên không? Có tham gia Olympic không?”

“Không. Cô cũng đâu có trở thành diễn viên múa, người có thể thành công rất ít, rất ít.”

“Nếu đã vậy, tại sao mẹ lại cứ bắt em phải học?” Ưu Ưu cúi mặt xuống.

Tôi nghĩ một lúc, nói với nó: “Bố mẹ có nỗi khổ tâm riêng, nhiều lúc người lớn muốn em học, không phải là bắt em nhất định phải trở thành diễn viên múa hay một nhà soạn nhạc, mà chỉ là muốn em trau dồi thêm đạo đức, lớn lên sẽ có nhiều người thích chơi với em hơn.”

Ưu Ưu nhìn tôi với ánh mắt nửa hiểu nửa không.

Tôi chớp chớp mắt: “Ví dụ, trong lớp của Ưu Ưu có hai bạn nam. Một người học giỏi, chơi thể thao cũng giỏi, còn biết đàn và đàn rất hay. Người kia không biết gì cả, học lại kém. Em nói xem, các bạn sẽ thích chơi với ai hơn?”

“Đương nhiên là người đầu tiên rồi.” Ưu Ưu lập tức trả lời.

“Cho nên, các bạn cũng sẽ nhìn em như vậy đó.” Tôi nói.

Sau buổi dạy, Lưu Khải lại gọi tôi ra ăn cơm. Trong quán mì nhỏ Tứ Xuyên, tôi phải dùng giọng rất lớn để kể lại câu chuyện của Ưu Ưu cho cậu ấy nghe. Địa điểm tôi chọn quả là chính xác. Trong quán có rất nhiều người, mùi dầu, mùi khói ám khắp nơi, bàn ăn cũng nhơm nhớp. Hơn nữa, quán này rất đông khách, lúc đông quá còn phải ngồi chung bàn với những người không quen biết. Trong tình cảnh này, hai người nam nữ hoàn toàn không có cơ hội để vun đắp tình cảm.

Lưu Khải nghe xong thì đặt đũa xuống nói: “Tiết Đồng.”

“Hử?” Tôi không ngẩng lên, chỉ chăm chú ăn mì, còn phát ra âm thanh “roạt roạt” chẳng chút nữ tính, thùy mị.

“Mình từng thấy cậu chơi đàn tì bà.”

“Lúc nào?” Tôi bối rối.

“Tháng Mười năm ngoái, học viện bên cậu tổ chức lễ đón tân sinh viên, cậu mặc xường xám màu hồng phấn, ngồi trên sân khấu, đại diện khoa đàn bài Tuyết trắng mùa xuân.”

Tôi rút khăn giấy ra lau miệng: “Lần đó à? Đừng nhắc nữa. Vốn dĩ là hoa khôi của khoa đại diện lên múa điệu Triều Tiên, nhưng tự nhiên bạn ấy lại cãi nhau với chủ tịch rồi nói không biểu diễn nữa. Sau đó, họ mới bắt mình lên thay thế cho đủ tiết mục, đi mượn từ đâu đó bộ xường xám và nhạc cụ, kết quả là mình đàn được một đoạn thì quên mất đoạn hai, đành mặt dày ngồi đàn lại đoạn một, sau đó chán nản đi xuống khán đài.”

Nhớ lại chuyện này, đến giờ vẫn còn là ác mộng của đời tôi.

Tôi có một thói quen tốt, đó là những việc mà tôi không muốn nhớ thì sẽ bỏ ra khỏi đầu, không suy nghĩ đến nữa. Một thời gian sau tôi gần như quên hẳn nó rồi.

Một lúc sau, tôi nhớ ra điều gì đó, quay sang nói với Lưu Khải: “Mà này, đó là lễ đón tân sinh viên của học viện bên mình. Cậu ở bên Học viện Tự nhiên, sao lại có mặt ở đó?”

Lưu Khải cười hi hi, ngượng ngùng nói: “Mình đi chung với bọn bạn, muốn ngắm mỹ nữ.”

Tôi vỗ vỗ vai cậu ấy như người anh em thân thiết: “Không có gì phải xấu hổ. Mình cũng thích nhìn mỹ nữ, lần sau đi xem cùng nhé!” Sau đó tôi bắt đầu liệt kê ra khu vực nào có nhiều cô gái xinh đẹp nhất. Cuối cùng, cuộc nói chuyện biến thành tôi ngồi nghiên cứu và so sánh, rốt cuộc là con gái khoa nào chất lượng hơn, đẹp cả trong lẫn ngoài.

Nghe tôi nói huyên thuyên những chuyện này, nét mặt của Lưu Khải có chút kỳ lạ, cậu ấy nói: “Thật ra, cho dù người khác có đẹp thế nào thì ở trong lòng mình cũng không đẹp bằng một người.”

“Đương nhiên rồi!” Tôi tiếp lời. “Thông thường trong lòng con trai, người phụ nữ đẹp nhất và vĩ đại nhất không ai ngoài mẹ mình.”

Nói xong câu nói đầy triết lý này, tôi cảm thấy rất tự hào, liền cầm bát lên, há to miệng, húp hết nửa bát nước dùng. Lúc ngước lên nhìn Lưu Khải, tôi cảm thấy nét mặt của cậu ấy càng quái dị.