Vụ Bí Ẩn Đá Ngầm Cá Mập - Chương 01
Chương 1: Đá ngầm cá mập
- Đá ngầm Cá mập Số Một! Tên nghe không được hấp dẫn lắm, ba thấy sao? - Bob hỏi ba.
Bob đang đứng cạnh ông Andy, trên chiếc thuyền máy lướt nhanh trên sóng chạy ra ngoài khơi. Hannibal Jones và Peter Crentch cũng có mặt. Peter đang dè dặt nhìn biển xanh và những hòn đảo chĩa lên trời xa xa.
- Đúng! - Peter hùa theo. - Đá ngầm Cá mập Số Một! Nghe không được hay lắm! Nghe thấy ớn lạnh xương sống!
Ông Andy phá lên cười.
- Đa số các dàn khoan đều được đặt tên hết! Dàn này rất mới, nằm xa chưa đầy một dặm cách một dãy đá nổi tiếng tên là dãy Đá ngầm Cá mập. Và do đó là dàn đầu tiên xây ở khu vực ấy, người ta dùng tên của dãy đá đặt cho nó, kèm thêm một số. Đá ngầm Cá mập Số Một.
Mắt ông Andy sáng lên tinh nghịch khi nói tiếp:
- Thời xưa, nhiều tàu đã bị vỡ nát vào dãy đá ngầm này. Nhưng từ lâu rồi, không có vụ đắm tàu nào. Dãy đá có tên này vì có nhiều cá mập.
Peter lầm bầm:
- Thì đã nói rồi, cái tên này nghe không thiện cảm tí nào.
Hannibal Jones đứng ở mũi tàu và im lặng không nói gì, Hannibal nhìn về hướng nam, quan sát những hòn đảo đang to dần. Những hòn đảo này che chắn cho eo Santa Barbara mà thuyền máy đang vượt qua. Ba hòn đào lớn nhất - Santa Cruz, Santa Rosa và San Miguel - như bị dính lại thành một khối vì quá gần nhau. Chúng cách một khoảng hẹp với hòn đảo Anacapa, nhỏ hơn, ở phía đông. Thuyền máy đang chạy về phía cái khoảng này.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Khi thuyền máy bắt đầu đi vòng mũi đao Santa Cruz, Hannibal nhận xét:
- Sắp đến rồi.
Chính Hannibal là người tỏ ra hăng hái nhất khi ông Andy đề nghị đón ba thám tử theo mình tham quan mỏ dầuvào đầu giờ chiều - một buổi chiều tháng sáu đẹp trời.
Hannibal, Peter và Bob, nổi tiếng ở Rocky dưới cái tên Ba Thám Tử Trẻ, đang đứng chơi ngoài sân nhà Bob, thì ông Andy đột nhiên bước ra.
- Này các bạn trẻ, - ông nói, - các cháu có thích theo tôi để có một cuộc phiêu lưu hấp dẫn không?
- Cuộc phiêu lưu gì vậy bác? - Peter hỏi.
- Người ta vừa mới khai trương một dàn khoan dầu mới ngoài khơi Santa Barbara và hội bảo vệ môi trường vùng này đang cố thuyết phục “dân dầu hỏa” không khai thác dàn khoan này. Bác phải viết bài báo về chuyện này.
Ông Andy làm phóng viên cho một tờ báo Los Angeles và thường được phái đi các nơi để lấy thông tin tại chỗ.
- Ba ơi, - Bob kêu, - nhưng đã có nhiều dàn khoan ở đại dương rồi mà! Dàn khoan này có gì đặc biệt hơn không?
- Cháu biết, - khi đó Hannibal ngắt lời. - Tối hôm qua truyền hình có nói đến. Dàn khoan mới là dàn khoan đầu tiên xây rất gần các hòn đảo eo biển. Người ta sắp thăm dò một khu vực dầu hỏa rộng lớn gần mấy hòn đảo và dân vùng này cảm thấy bi đe dọa. Mấy hòn đảo này còn hoang dã, nhiều chim muông, động vật và cây cỏ. Ven đảo sự sống dưới nước rất phong phú. Chuyện khoan đáy biển có nguy cơ phá hủy tất cả những thứ này.
Ông Andy gật đầu.
- Những người chống đối dự án này đã thử, ngay từ đầu, ngăn cản việc xây dựng dàn khoan. Tàu bè của họ liên tục chạy tới lui vùng xây… Nhưng họ đã không ngăn được chuyện nhất thiết phải xảy ra.
- Và bây giờ, - Hannibal nói tiếp, - cũng chính những chiếc tàu này bước quanh dàn khoan và cố không cho dàn khoan đi vào hoạt động. Bác định bao giờ thì ra hiện trường?
- Ngay bây giờ… nếu gia đình các cháu đồng ý.
Peter và Hannibal nhảy lên xe đạp và sau khi xin phép gia đình, chuẩn bị một chiếc va li nhỏ. Trong nháy mắt, hai bạn trở lại nhà Bob.
Tất cả lên đường đi Santa Barbara, cách xa khoảng một trăm hai chục cây số về phía bắc. Khi đến nơi và cất hành lý ở khách sạn rồi, bốn lữ khách lên một chiếc thuyền kiên cố có động cơ. Bây giờ cả nhóm đang sắp đến đích.
Trong eo biển rộng lớn, có khá nhiều dàn khoan dầu dựng giữa thành phố Santa Barbara và các hòn đảo. Các dàn khoan có tháp nhô cao khỏi mặt biển trông như một hạm đội kinh dị đang neo ở đó. Peter cố nhớ lại rồi hỏi:
- Có đúng là vùng này từng bị lộn xộn liên quan đến chuyện khoan dầu dưới đại dương không?
- Đúng! - Hannibal trả lời.
Rồi truy cập bộ nhớ kỳ diệu của mình, Hannibal giải thích:
- Thành phố Santa Barbara có thử chống đối cuộc thăm dò quá gần bờ, vì sợ đất trượt và cũng để bảo vệ bãi biển và sự sống dưới biển. Nhưng chính phủ lại cho phép các công ty dầu khí tiếp tục dự án. Đột nhiên vào tháng sáu 1969, có một giếng dầu thoát khỏi sự kiểm soát của công ty. Trước khi người ta kịp xử lý, hơn một triệu bảy trăm ngàn lít dầu hỏa tràn vào biển. Cơn thủy triều đen này đã gây tác hại không tả nổi, giết chết vô số chim, cá và rong tảo.
Peter mở to mắt.
- Vậy thì lại sao mấy dàn khoan dầu này vẫn còn đây? Tại sao người ta không đập phá?
- Rất nhiều người cũng ngạc nhiên như cháu vậy đó, Peter à, - ông Andy trả lời. - Nhưng sự việc không đơn giản như thế. Đất nước ta phải cung cấp thật nhiều dầu hỏa để phục vụ công nghiệp và đáp ứng nhu cầu của ta. Ngược lại, cũng phải nghiêm túc nghĩ đến chuyện bảo vệ môi trường. Thật ra, có khi việc này còn quan trọng hơn cả việc khai thác dầu hỏa.
Chiếc thuyền máy bị dòng nước chảy trong eo biển đu đưa, cuối cùng cũng vòng qua được mút đảo Santa Cruz, ra được vùng nước biển tự do của đại dương.
- Nhìn kìa! - Hannibal nói và chỉ về hướng tây.
- Chính nó! - Bob cũng thốt lên theo. - Đá ngầm Cá mập Số Một!
Dàn khoan dầu hỏa mới dựng trên mặt biển bằng những cái chân dài thòn, trông giống như một con quái vật cô đơn nào đó. Thuyền máy tiến đến nhanh. Chẳng bao lâu có thể nhìn rõ mọi chi tiết của cấu trúc dàn khoan. Nó chủ yếu gồm nhiều mặt bằng, một số kín và có mái che có tường, chia theo từng tầng trên những cái chân vĩ đại. Ở tuốt trên tầng cao nhất, có một cần cẩu khổng lồ và một tháp khoan lớn hơn nữa. Tổng thể trông thật uy nghi. Dàn khoan mới này có kích thước đáng sợ đến nỗi những người lăng xăng trên hạm đội tàu trông như người lùn dưới ánh mặt trời sắp lặn.
- Úi chà! - Peter thốt lên. - Có hàng trăm chiếc tàu! Tàu có đủ loại: thuyền máy tư nhân, thuyền buồm sang trọng, thuyền bốn buồm hiện đại, thuyền du ngoạn xa hoa, tàu đánh cá bị sét gỉ. Tất cả đều xếp thành vòng tròn rộng lớn quanh dàn khoan, như mọi da đỏ tấn công pháo đài.
Trên mỗi cột buồm đều cột băng rôn viết đầy yêu cầu phản đối. Ông Andy và ba thám tử tiến lại gần. Khi đó bốn người nghe được lời nhóm người phản đối la vào loa:
- Đả đảo bọn dầu hỏa! Đả đảo bọn gây độc hại!… Không được gây ô nhiễm nữa… Về nhà đi!… Hãy cứu lấy chim, biển, tất cả hãy cút đi!… Cút đi!… Các người định đổ bao nhiêu lít dầu vào biển hôm nay?…
Một chiếc tàu đánh cá đen, có cầu tàu di động, tách ra khỏi vòng tròn để đến gần dàn khoan hơn. Hai người đàn ông đang đứng trên cầu tàu, hiện dùng làm mái cho buồng lái. Một người đàn ông cầm bánh lái, người kia tựa vào lan can bao quanh cầu tàu. Cả hai đều mắng chửi đám công nhân phía trên dàn khoan. “Dân dầu hỏa” cũng trả lời theo giọng điệu như vậy.
- Lo mà đi đánh cá!… Đi chỗ khác chơi đi!… Làm trò biểu tình nhố nhăng để làm gì vậy?… Đồ mọi rợ, cút đi!
Một chiếc tàu dài như đang tuần tra bên trong vòng tròn đám biểu tình tiến ra để bắt chiếc tàu đen trở về hàng cùng mấy chiếc tàu kia. Đó là một chiếc tàu sang trọng, có động cơ mạnh. Thấy rõ tên tàu ở phía sau: Gió Khơi. Tấm băng treo ở buồng lái mang dòng chữ: Ủy ban các Hòn đảo.
Ông Andy yêu cầu chủ thuyền máy chạy vào vòng tròn tàu và đến gần tàu Gió Khơi.
Khi đã đến gần, ông Andy gọi to:
- Ơi! Tôi là Bill Andy, phóng viên phụ trách điều tra…
Trên chiếc Gió Khơi, một người đàn ông cao lớn, nét mặt vuông vức, đeo kính gọng đồi mồi, đang tìm xem tiếng gọi xuất phát từ đâu. Ông mặc áo len dày cổ lọ. Mái tóc đen dài của ông bay trong gió. Ông cầm cái loa lên trả lời:
- Chào! Nhiệt liệt chào mừng anh đến với chúng tôi!
Người lái tàu điều khiển hai tàu đến gần nhau, hông kề hông. Rồi người đàn ông cao gầy cúi qua thành tàu mỉm cười với ông phóng viên và ba cậu bé.
- Tôi vui là anh đã đến, anh Andy à! Chính mắt anh sẽ thấy sự vô duyên của cái dàn khoan này ở đây! Nằm chình ình ra đấy, có thể bị bão táp làm ngã, dãy đá ngầm có thể đâm thủng bất cứ tàu chở dầu nào… và gần như xây trên đảo chúng tôi.
- Tôi hiểu, anh Crow à, - ông Andy trả lời.
Rồi ông quay sang ba thám tử mỉm cười nói:
- Bác đã dành một bất ngờ cho các cháu. Đây là ông John Crow, nhà văn nổi tiếng.
- John Crow… tác giả truyện trinh thám hả? - Bob kêu lên.
- Úi chà! - Peter thích thú thốt lên. - Cháu đã đọc tất cả những quyển sách của chú!
- Cháu cũng thế! - Hannibal nói theo. - Bác Crow, có phải bác ở đây để thu thập tư liệu cho một quyển sách mới không ạ?
- Không, - nhà văn trả lời. - Tôi là chủ tịch ủy ban chống đối việc đưa dàn khoan này vào hoạt động. Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của một công dân cho dù người công dân đó có phải tạm thời bỏ bê chính công việc của mình.
Ông trừng mắt nhìn cái dàn khoan to tướng quái dị nhô cao khỏi mặt biển. Rồi ông đột nhiên mỉm cười:
- Thật ra, đâu phải mình tôi là người nổi tiếng có mặt ở đây đúng không? Khi anh Andy nói với tôi rằng anh sẽ dẫn con trai Bob, Feter Crentch và Hannibal Jones theo, thì lẽ ra anh nên báo ngay là anh dẫn theo Ba Thám Tử Trẻ lừng danh.
- Bác có nghe nói đến chúng cháu rồi à? - Ba thám tử đồng thanh kêu.
- Tôi đã đọc phần lớn bản tường thuật những vụ mà các cậu đã giải. Và tôi từng nuôi nguyện vọng xin các cậu một điều… Các cậu có thể tặng cho tôi một danh thiếp để tôi đưa vào bộ sưu tập kỷ niệm của tôi không?
Bob và Peter không nén được nụ cười kiêu hãnh. Hannibal trịnh trọng đưa tấm cạc cho ông Crow. Ông đưa tay qua thành tàu lấy tấm danh thiếp rồi chăm chú đọc:
BA THÁM TỬ TRẺ
Điều tra các loại
?
Thám tử trưởng: HANNIBAL JONES
Thám tử phó: PETER CRENTCH
Lưu trữ và nghiên cứu: BOB ANDY
Một người đàn ông to khoẻ, đội mũ kết cũ và áo len dày, hấp tấp bước đến gần. Gương mặt cháy nắng của ông tỏ ra bực bội. Mắt ông sáng lên do tức giận. Ông nói khẽ một điều gì đó với ông Crow. Nhà văn buồn rầu lắc đầu.
- Đây là thuyền trưởng Jason, chủ chiếc tàu này. Tôi e rằng ta phải hoãn lại…
Ông Crow đột ngột ngưng nói. Ông nhìn hết tấm danh thiếp rồi lại nhìn ba thám tử.
- Các cậu à, - ông nói chậm rãi, - có thể các cậu đến rất đúng lúc. Dường như tôi có một vụ bí ẩn cho các cậu đây…