Hai mươi năm sau - Chương 10
Chương 10
Tu viện trưởng D’Erblay
Đến đầu làng Planchet rẽ sang bên trái như Aramis đã dặn và dừng lại dưới một cửa sổ có ánh đèn, Aramis nhảy xuống đất và vỗ tay ba lần. Tức thì cửa sổ mở ra, và một cái thang dây buông xuống.
- Bạn thân mến ơi, - Aramis nói, - nếu bạn muốn lên tôi sẽ rất vui mừng được tiếp đón.
- Ối chà! - D’Artagnan nói. - Thì ra người ta về nhà anh bằng cách ấy à?
- Quá chín giờ tối rồi thì mẹ kiếp, dứt khoát phải như vậy chứ! - Aramis nói. - Lệnh của tu viện là loại nghiêm ngặt nhất đấy, mẹ kiếp!
- Xin lỗi anh bạn thân mến, - D’Artagnan nói, - hình như vừa rồi anh có nói mẹ kiếp!
- Cậu tin là có thể lắm chứ. Bạn thân mến ơi, cậu không thể tưởng tượng được rằng trong những cái tu viện phải gió này người ta nhiễm biết bao nhiêu thói xấu xa, những dàn nhà thờ này đều có những cung cách độc ác và tôi buộc phải chung sống với họ! Thế cậu không lên à?
- Cậu đi trước, tôi theo sau.
Giống như vị cố giáo chủ nói với vua đã khuất: "Để chỉ đường cho Hoàng thượng", Aramis nhanh nhẹn leo thang và loáng một cái đã tới cửa sổ.
D’Artagnan lên sau, nhưng thong thả hơn, rõ ràng cái kiểu đường đó anh không quen bằng bạn.
Aramis nhận thấy sự vụng về ấy, bèn bảo:
- Xin lỗi, nếu tôi biết trước có vinh dự được cậu đến thăm, tôi sẽ mang cho cái thang của bác làm vườn đến, còn đối với riêng tôi, cái thang này là đủ rồi.
Khi thấy D’Artagnan leo gần đến nơi, Planchet nói.
- Thưa ông, cái trò này rất hợp với ông Aramis cũng hợp với ông, và quá lắm nó cũng còn hợp với tôi, nhưng hai con ngựa chúng không thể nào leo thang được ạ.
- Cậu dẫn chúng xuống nhà kho, anh bạn ạ, - Aramis vừa nói vừa trỏ cho Planchet một thứ xưởng mọc lên ở dưới đồng, - ở đó có rơm và lúa mạch cho ngựa.
- Thế còn cho tôi? - Planchet hỏi.
- Cậu sẽ trở lại dưới cửa sổ, vỗ tay ba lần và chúng tôi sẽ chuyển thức ăn xuống. Yên tâm đi! Ở đây chẳng lo chết đói đâu. Thôi, đi đi.
Rồi Aramis rút thang dây lên, đóng cửa sổ.
D’Artagnan ngắm căn phòng.
Chưa bao giờ anh thấy một căn phòng vừa chinh chiến hơn vừa lịch sự hơn. Ở mỗi góc phòng bày những binh khí chiến lợi phẩm, có thể xem và cầm những gươm, kiếm đủ loại, và bốn bức tranh lớn về giáo chủ Lorraine, giáo chủ De Richelieu, giáo chủ La Valette và tổng giám mục De Bordeaux trong các bộ quần áo trận mạc. Ngoài ra thực sự chẳng có một cái gì chứng tỏ đây là chỗ ở của một tu viện trưởng; các bức rèm căng bằng gấm Damas, các tấm thảm từ Alençon, và nhất là cái giường với tràng kỉ thêu ren và tấm mến đắp chân, có vẻ giường của một tiểu thư hơn là giường của một người đàn ông đã nguyện đi tới thiên cung bằng con đường tiết dục và hành xác.
- Cậu xem tệ xá của tôi, - Aramis nói. - Ôi, bạn thân mến thứ lỗi cho tôi nhé. Biết làm thế nào? Mình ở như một kẻ tu hành. Nhưng cậu để mắt tìm kiếm gì thế?
- Tôi tìm xem ai đã ném thang xuống cho cậu, tôi chẳng nhìn thấy ai cả, mà thang thì chẳng tự rơi xuống được?
- À, Bazin đấy mà.
- A, A! - D’Artagnan kêu lên.
- Nhưng, - Aramis nói tiếp, - Bazin là một tay được huấn luyện tốt, hắn thấy tôi về không phải một mình nên đã kín đáo rút lui. Bạn thân mến ngồi xuống đi và ta cùng nhau trò chuyện.
Aramis đẩy cho D’Artagnan một cái ghế bành lớn và anh bạn chống khuỷu tay duỗi người ra.
- Trước hết cậu ăn tối với tôi chứ? - Aramis hỏi.
- Vâng, nếu cậu sẵn lòng, - D’Artagnan nói, - và tôi rất vui lòng, vì thú thật, đường sá khiến tôi đói cồn cào cả lên.
- Ôi, khổ thân anh bạn? - Aramis nói. - Cậu sẽ phải ăn kham khổ đấy vì không biết có khách mà.
- Liệu tôi có bị đe dọa phải xơi trứng tráng như dạo ở Crèvecoeur và những lá cù lác không? Phải chăng như thế mà ngày xưa cậu gọi là rau mồng tơi ư?
- Ôi! Phải hi vọng chứ, - Aramis nói, - với sự giúp đỡ của Chúa và Bazin, chúng ta sẽ kiếm được cái gì đó hay hơn trong chậu thức ăn của các cha Jésuites tôn kính. Bazin, anh bạn tôi ơi, Bazin, ra đây nào.
Cánh cửa mở và Bazin xuất hiện, nhưng vừa thoạt trông thấy D’Artagnan, bác thốt lên một tiếng than giống như một tiếng kêu thất vọng.
- Bác Bazin thân mến ơi, - D’Artagnan nói, - tôi rất thú vị được xem bác nói dối với một vẻ chững chạc biết chừng nào, ngay ở trong một giáo đường.
- Thưa ông, - Bazin đáp, - tôi học được ở các cha Jésuites tôn kính rằng có thể được phép nói dối khi nói dối với một ý đồ tốt.
- Tốt lắm, tốt lắm, Bazin. - Aramis bảo - D’Artagnan đang chết đói đây và tôi cũng vậy, bác hết sức cố gắng cho chúng tôi ăn tối, và nhất là đem rượu ngon cho chúng tôi.
Bazin cúi đầu vâng, lệnh, thở dài đánh thượt một cái rồi đi ra.
- Bây giờ còn lại riêng chúng ta, Aramis thân mến ơi, - D’Artagnan vừa nói vừa đảo cặp mắt nhìn căn phòng, rồi dừng nơi chủ của nó và kết thúc ở bộ y phục, - Cậu cho tôi biết cậu từ chỗ quỷ quái nào đến khi cậu rơi phịch xuống mông ngựa đằng sau Planchet.
- Mẹ kiếp. - Aramis nói. - Cậu trông thấy rành rành rồi, từ trên trời.
- Từ trên trời! - D’Artagnan gật đầu nhắc lại.
- Tôi thấy cậu có vẻ đi lên đó hơn là từ đó trở về.
Với cái vẻ hợm mình D’Artagnan chưa bao giờ thấy khi còn ở ngự lâm quân, Aramis nói:
- Bạn thân mến ơi, nếu tôi không từ trên trời xuống, thì it ra tôi cũng từ thiên đường tới; điều đó giống nhau lắm.
- A ha! Thế là các nhà bác học đã rõ rồi nhé, - D’Artagnan bảo, - cho đến nay người ta không thể đồng ý với nhau về vị trí xác thực của thiên đường, người thì đặt nó trên Ararat(1), người thì đặt nó giữa sông Tigre và sông Ophra(2), dường như người ta cứ đi tìm nó ở tận đâu đâu trong khi nó lại ở rất gần. Thiên đường ở ngay Noisy-le-Sec, trên địa điểm lâu đài vị tổng giám mục Paris. Người ta ở đó đi ra không bằng cửa chính mà bằng cửa sổ, người ta xuống không bằng các bậc đá hoa cương của cầu thang cuốn, mà từ trên cành cây bồ đề, và vị thần cầm thanh kiếm rực lửa bảo vệ thiên đường hình như đã đổi cái tên thiên đình Gabiren ra cái tên hạ giới hoàng thân Marcillac.
(1) Vùng núi lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ.
(2) Hai con sông ở vùng Tây Á.
Aramis bật cười nói:
- Cậu luôn là người vui tính, và cái chất hài hước trí tuệ mang tính chất Gascogne của cậu vẫn không rời cậu. Phải, cậu nói kể cũng phần nào đúng đấy, song ít ra cậu phải loại trừ ý nghĩ cho rằng tôi yêu bà De Longueville.
- Gớm chưa! Tôi nghi lắm đấy? - D’Artagnan nói. - Sau một thời gian dài yêu bà De Chevreuse, dễ thường cậu không đem lòng si mê kẻ tử thù ghê gớm nhất của bà ta đâu nhỉ?
- Phải, đúng đấy, - Aramis nói với vẻ ngán ngẩm, phải, cái bà công tước tội nghiệp ấy, xưa tôi đã yêu tha thiết, và phải thừa nhận rằng bà đã rất có ích cho chúng ta; nhưng làm thế nào được? Bà ấy đã phải rời nước Pháp. Cái lão giáo chủ gian ác đó thực là một đối thủ ghê gớm? - Aramis ngước nhìn lên bức chân dung của tể tướng cũ và nói tiếp - Lão đã ra lệnh bắt giữ bà và dẫn đến lâu đài Loches, lão toan cho chém đầu bà ấy, tôi nói thực đấy nhưng đã đối xử tốt với Chalais, Montmorency và Cinq-Mars; bà ta đã cải trang làm đàn ông và trốn đi cùng cô hầu phòng, cái cô Ketty tội nghiệp ấy. Tôi còn nghe nói đã có một chuyện tình cờ kỳ lạ xảy đến với bà ấy ở một làng nào đó tôi không rõ, với một ông linh mục nào ấy tôi cũng không biết, mà bà xin nghỉ trọ. Ông ta chỉ có một phòng và tưởng bà ta là một kỵ sĩ nam nên đã cho nghỉ chung phòng. Ấy vì bà ta mặc y phục nam giới hợp một cách không tưởng tượng được, cái bà Mari thân thương ấy. Tôi chỉ biết có một phụ nữ mặc y phục nam hợp đến thế cho nên người ta đã làm một khúc ca về bà ta: Laboatxie hãy nói đi! Cậu có biết không nhỉ?
- Không đâu, cậu thử hát nghe xem nào, bạn thân mến.
Và Aramis hát với giọng phóng túng nhất:
Laboissière hãy nói đi!
Tôi có giống nam nhi?
Quả tình tôi xin nói,
Bà cưỡi ngựa thật giỏi
Hơn cả bọn chúng tôi.
Bà sống giữa gươm dao
Trong trung đoàn vệ sĩ
Như một chàng dự bị.
- Hoan hô! - D’Artagnan nói. - Cậu hát bao giờ cũng rất tuyệt. Aramis thân mến ạ, và tôi thấy kinh kệ đã không làm hỏng giọng của cậu.
- Bạn thân mến ơi, - Aramis nói, - cậu nên nhớ là… cái thời tôi còn là ngự lâm quân, tôi đi gác càng ít càng hay; bây giờ tôi làm tu viện trưởng tôi đọc kinh lễ càng ít càng tốt. Nhưng thôi, ta nên trở lại với bà công tước tội nghiệp ấy.
- Bà nào? Bà công tước De Chevreuse hay bà công tước De Longueville?
- Bạn thân mến ơi, tôi đã nói với cậu rằng không có cái gì giữa tôi và công tước De Longueville đâu, những chuyện tán tỉnh có lẽ, và chỉ thế thôi. Không, tôi nói về bà công tước De Chevreuse. Sau khi vua mất, bà ấy ở Bruxelles trở về, cậu có gặp bà ta không nhỉ?
- Có hẳn chứ, mà bà vẫn còn rất xinh đẹp.
- Phải, - Aramis nói. - Hồi ấy tôi cũng có gặp lại bà ấy một đôi lần; tôi đã đưa nhiều lời khuyên rất tốt mà bà không biết lợi dụng. Tôi sẵn sàng chết để nói với bà ấy rằng Mazarin là tình nhân của hoàng hậu; bà ấy không muốn tin tôi và bà ấy biết rõ Anne D’Autriche và Anne thì kiêu hãnh để có thể nói đi yêu một tên đê hèn như vậy.
Rồi trong khi chờ đợi, bà lao vào vụ âm mưu của quận công De Beaufort và tên đê hèn kia đã bắt giam ông quận công De Beaufort và lưu đày bà De Chevreuse.
- Cậu biết rằng bà ta đã được phép trở về à? - D’Artagnan hỏi.
- Ừ, và biết cả bà ta đã trở về rồi… Bà ấy còn làm một điều dại dột nào đó.
- Ờ, nhưng lần này bà ta sẽ nghe theo lời khuyên của cậu?
- Ồ, - Aramis bảo, - lần này tôi chẳng gặp lại bà ấy; bà ấy đã thay đổi quá nhiều.
- Đâu có được như cậu, Aramis thân mến ạ, bởi vì cậu vẫn như xưa, cậu vẫn có bộ tóc đen, vẫn có thân hình duyên dáng, vẫn có đôi bàn tay như tay phụ nữ nay trở thành những bàn tay giáo chủ tuyệt đẹp.
- Ừ, đúng đấy, - Aramis nói, - tôi tự chăm chút mình nhiều.
- Cậu biết không, trông mình cũng già hơn tuổi, mình sắp ba mươi bảy tuổi rồi.
- Cậu nghe đây, bạn thân mến! - D’Artagnan mỉm cười nói. - Do gặp lại nhau, ta nên thỏa thuận với nhau một điều chính là tuổi tác mà chúng ta sẽ có từ rày về sau.
- Thế là thế nào? - Aramis hỏi.
- Thế đấy, - D’Artagnan nói tiếp, ngày trước tôi là em út của các cậu kém cậu hai hay ba tuổi, và nếu tôi không tính lầm thì nay đã tròn bốn mươi tuổi rồi đấy.
- Thật vậy ư? - Aramis nói. - Thế thì tôi nhầm, bởi vì bạn thân mến ơi, bao giờ cậu cũng là một nhà toán học tuyệt vời. Như vậy là theo tính toán của cậu, tôi đã bốn mươi ba tuổi! Chết thật, chết thật! Bạn thân mến ơi, chớ có đi nói ra ở dinh Rambouillet mà hại to cho tôi đó.
- Yên tâm, - D’Artagnan nói, - tôi chẳng đến đấy đâu.
- À mà cái con vật Bazin làm gì thế? Có mau mau lên không, ông mãnh ơi, chúng tôi đang điên lên vì đói khát đây.
Bazin lúc này vừa giơ cao hai tay lên trời, mỗi tay cầm một chai rượu.
- Cuối cùng, - Aramis nói, - chúng ta đã sẵn sàng phải không?
- Vâng, thưa ông, ngay bây giờ, nhưng cũng phải có thời gian để tôi đem lên tất cả…
- Bởi vì bác vẫn tin tưởng cái áo dài phụ nữ ở trên vai, - Aramis ngắt lời, - và suốt ngày mê mải ở sách kinh. Nhưng tôi bảo trước cho mà biết rằng nếu bác cứ miệt mài đánh bóng mọi thứ thánh đường mà quên mất cách lau chùi thanh kiếm của tôi thì tôi sẽ đem tất cả những tranh thánh của bác ra đốt một ngọn lửa thật to để đem quay bác lên cho mà xem.
Bazin phẫn nộ làm dấu thánh bằng chai rượu mà tay bác đang cầm.
Còn D’Artagnan kinh ngạc hơn bao giờ hết về giọng nói và cung cách của tu viện trưởng D’Erblay. Chúng tương phản dữ dội với cung cách của anh lính ngự lâm Aramis, anh cứ trợn tròn mắt lên trước mặt bạn mình.
Bazin vội vã phủ bàn bằng một tấm khăn Damas và bày lên đó bao nhiêu thứ mạ vàng, thơm phức, ngon lành mà D’Artagnan cứ ngẩn người ra nhìn ngắm.
- Nhưng cậu còn đợi một người nào đó phải không? - Viên sĩ quan hỏi.
- Đâu! Aramis nói. - Bao giờ tôi cũng để một suất dự phòng, với lại tôi biết là cậu đi tìm tôi.
- Ai bảo cậu?
- Thầy Bazin chứ còn ai. Bác ta tưởng cậu là ma quỷ bạn thân mến ạ, và đã chạy tới đây để báo trước cho tôi biết mối nguy hiểm đang đe dọa linh hồn tôi, nếu tôi lại đàn đúm bậy bạ với một sĩ quan ngự lâm quân.
- Ồ thưa ông, - Bazin kêu lên và chắp hai tay lại, vẻ van lơn.
- Thôi, đừng đạo đức giả nữa? Biết rằng tôi không ưa thế. Tốt hơn hết bác mở cửa sổ ra, thả một cái bánh, một con gà và một chai rượu cho Planchet, bạn của bác, hắn đang mệt phờ ra vì vỗ tay đến nửa giờ đồng hồ rồi.
Quả thật, sau khi đem rơm và lúa mạch cho ngựa ăn, Planchet đã trở lại dưới cửa sổ và làm hiệu đến hai ba lần.
Bazin vâng lệnh, buộc vào đầu dây ba thứ đã nói và ròng xuống cho Planchet, hắn chẳng đòi hỏi gì hơn, lập tức rút ngay về nhà kho.
- Bây giờ ta vào chén nào, - Aramis bảo.
Hai người bạn ngồi vào bàn, và Aramis bắt đầu cắt xé gà giò, chim trĩ, chân giò muối và với sự khéo léo thật sự của phép ăn ngon.
- Ghê thật? – D’Artagnan nói, - Cậu bồi bổ mới khiếp làm sao?
- Ờ cũng khá tốt. Nhờ ông giáo chủ, tôi được tòa thánh La Mã cho miễn trừ những ngày ăn chay vì lý do sức khỏe của tôi. Về người nấu nướng, tôi dùng người đầu bếp cũ của De Lafollone, cậu biết chứ? Bạn cũ của ông giáo chủ, cái lão phàm ăn ấy cứ sau mỗi bữa là cầu độc mỗi câu kinh: "Lạy Chúa, xin ban cho tôi cái ân là tiêu hóa thật tốt cái mà tôi đã chén thật ngon."
- Ấy thế mà cũng không tranh khỏi chết vì bội thực đấy, - D’Artagnan nói với một vẻ cam chịu, - người ta chẳng trốn được số mệnh.
- Này, xin cậu bỏ qua cho câu tôi sắp hỏi nhé, - D’Artagnan nói tiếp.
- Thế nào, cậu nói đi, cậu biết giữa chúng mình với nhau chẳng có gì là tọc mạch.
- Vậy cậu trở lên giàu có, phải không?
- Ồ, lạy Chúa, không đâu. Tôi kiếm được mười hai nghìn livres một năm, không kể một khoản lãi nhỏ nhặt chừng một nghìn êquy mà ông hoàng thân dành cho tôi.
- Thế mười hai nghìn livres ấy cậu kiếm bằng cách gì, - D’Artagnan hỏi, - bằng thơ ca của cậu à?
- Không, tôi đã từ bỏ thơ ca rồi, trừ phi thỉnh thoảng làm đôi bài hát chúc rượu, vài bài xonnê(3) tán tỉnh hoặc thơ trào phúng vô thưởng vô phạt. Tôi làm nhưng bài thuyết pháp, anh ạ.
(3) Thể thơ mười bốn câu mười hai vần chia làm bốn đoạn: bốn, bốn, ba, ba câu.
- Sao, những bài thuyết pháp?
- Ồ! Mà những bài thuyết pháp phi thường, cậu biết không. Ít ra là tôi thấy như vậy.
- Mà cậu thuyết giáo ư?
- Không, mà tôi đem bán.
- Bán cho ai?
- Cho những đồng nghiệp nào của tôi muốn trở thành những nhà đại hùng biện.
- Thật thế ư? Thế sao cậu không mưu đồ vinh quang cho bản thân cậu?
- Có chứ! Nhưng bản chất đã thắng tôi. Khi tôi lên bục giảng mà tình cờ có một người phụ nữ xinh đẹp nhìn tôi là tôi nhìn lại, nếu người ấy cười, tôi cũng cười theo. Và thế là tôi nói loạn xạ: đáng lẽ nói về những hình phạt dưới địa ngục thì tôi lại nói về những lạc thú trên thiên đường. Hề! Cậu này, thế rồi một hôm tại nhà thờ Saint-Louis ở Marais… một việc đã xảy đến với tôi. Một tay kỵ sĩ cười nhạo thẳng vào mặt tôi, tôi bèn ngừng giảng để nói với hắn rằng nó là một tên ngu ngốc. Dân chúng ùa ra để nhặt đá, nhưng lúc ấy tôi rất khéo léo lái tư tưởng của đám người dự rằng chính hắn là kẻ mà người ta ném đá. Hiển nhiên là ngày hôm sau hắn đến ngay nhà tôi, tưởng rằng có chuyện gì với một tu viện trông giống như một tu viện khác.
D’Artagnan ôm bụng cười và hỏi:
- Thế cuộc viếng thăm của hắn rồi sau ra sao?
- Rồi chúng tôi đã hẹn nhau cuộc gặp gỡ vào buổi chiều hôm sau ở quảng trường Hoàng cung! Ê! Mẹ kiếp, cậu đã biết chút nào rồi.
- Có lẽ, tình cờ mà tôi đã giúp làm trợ thủ cho cậu chống lại cái tên hỗn xược ấy không? - D’Artagnan hỏi lại.
- Đúng thế. Cậu đã thấy tôi đã cho nó như thế nào?
- Nó có chết không?
- Tôi chẳng biết nữa. Nhưng dù sao tôi cũng đã xá tội cho nó "in articulo mortis"(4). Giết chết thể xác mà không giết chết linh hồn thế là tốt rồi.
(4) Lúc sắp chết. (Tiếng La-tinh)
Bazin làm dấu thất vọng tỏ ý muốn nói rằng bác ta có lẽ tán thành cái đạo lý ấy, nhưng phản đối mạnh mẽ cái giọng nói ra điều ấy.
- Này, ông bạn Bazin, - Aramis nói, - bác không biết tôi đã nhìn thấy bác ở trong tấm gương kia và lần này là lần chót, tôi cấm bác không được có động tác tỏ vẻ tán thành hoặc phản đối. Thôi, bác hãy làm ơn dọn rượu vang Tây Ban Nha cho chúng tôi, rồi bác trở về. Với lại ông bạn D’Artagnan có điều bí mật gì đó muốn nói với tôi. Có phải không D’Artagnan?
D’Artagnan gật đầu và Bazin, sau khi đặt rượu vang lên bàn, bèn rút lui.
Còn lại hai người bạn ngồi đối diện với nhau, im lặng trong giây lát. Aramis dường như chờ đợi một sự tiêu hóa êm ái.
D’Artagnan chuẩn bị lời khai đề. Mỗi người khi trông thấy người kia nhìn mình vội liếc nhìn xuống phía dưới bụng.
Aramis là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng.