Hai mươi năm sau - Chương 09
Chương 9
D’Artagnan đi tìm Aramis ở tận đẩu đâu, cuối cùng lại gặp anh ta ngồi ngay trên lưng ngựa sau Planchet
Khi trở về, D’Artagnan trông thấy một người ngồi ở góc lò sưởi. Đó là Planchet, nhưng Planchet thay hình đổi dạng hẳn, nhờ những quần áo cũ, mà người chồng để lại khi bỏ trốn, đến nỗi chính D’Artagnan cũng khó mà nhận ra.
Madeleine giới thiệu cậu ta với anh trước mặt bọn đầy tớ. Planchet nói với anh một câu tiếng Flamant rất chúa, viên sĩ quan đáp lại vài lời chẳng thuộc ngôn ngữ nào cả, và cuộc mặc cả ngã giá. Người anh của Madeleine vào giúp việc D’Artagnan.
Kế hoạch của D’Artagnan được sắp đặt rất chu đáo: anh không muốn đi ban ngày đến Noisy sợ bị lộ. Anh hãy còn thời giờ, Noisy cách Paris có ba, bốn dặm, trên đường đi Meaux.
Anh bắt đầu ăn bữa sáng rất ngon, điều đó có thể là không tốt khi người ta muốn hoạt động bằng cái đầu nhưng lại là sự dự phòng rất tuyệt khi muốn hoạt động bằng thân thể. Xong, anh thay đổi y phục, sợ rằng cái áo trung úy ngự lâm quân sẽ gây nên nghi ngờ; rồi anh lấy ra thanh kiếm khỏe nhất và chắc nhất trong số ba thanh kiếm mà anh chỉ đem theo những ngày đại sự. Khoảng hai giờ, anh cho thắng ba con ngựa, và với Planchet theo sau, anh đi ra lối qua Villette.
- Ở nhà bên cạnh quán "Con dê cái nhỏ", người ta vẫn lục soát rất gắt gao để truy tìm Planchet.
Đi cách Paris một dặm rưỡi, D’Artagnan cảm thấy mình do sốt ruột nên ra đi quá sớm, bèn dừng lại cho ngựa thở; quán bên đường đầy những người vẻ mặt bất hảo như sắp mưu toan một chuyến đi đêm. Một người khoác áo choàng xuất hiện ở cửa, nhưng nhìn thấy một người lạ, hắn giơ tay làm hiệu và hai tên uống rượu đi ra ngoài để bàn bạc với hắn.
Còn D’Artagnan tiến lại phía bà chủ quán với vẻ vô tư, tán dương rượu vang của bà nó vốn làm từ một đồng nho kinh khủng của Montreuil, hỏi vài câu về Noisy và được biết rằng ở trong làng có hai ngôi nhà thờ bề thế: một nhà của Đức ông tổng giám mục Paris, ở đó hiện giờ có cháu gái ông là bà công tước De Longueville, nhà kia là một tu viện dòng Giêduyt và theo tục lệ là sở hữu của những vị cha cố danh giá ấy, không sợ nhầm lẫn đâu.
Bốn giờ, D’Artagnan lại lên dường, rong bước một vì anh chỉ muốn tới nơi khi trời tối hẳn. Lúc người ta rong ngựa thong thả vào một ngày mùa đông, trời âm u giữa một phong cảnh bằng lặng, thì chẳng có gì dáng làm hơn là - như La Fontaine nói làm như con thỏ ở trong hang của nó: nghĩ ngợi. Vậy là D’Artagnan nghĩ ngợi, và Planchet cũng thế. Tuy nhiên, như ta sẽ thấy, những mơ tưởng của họ khác.
Một tiếng nói của bà chủ quán đã truyền một phương hướng đặc biệt vào dòng suy nghĩ của D’Artagnan. Tiếng ấy là tên bà De Longueville.
Quả thật, bà Longueville có đủ mọi cái cần thiết để làm người ta phải nghĩ đến đó là một trong những mệnh phụ lớn nhất của vương quốc, đó là một trong những phụ nữ xinh đẹp nhất của triều đình.
Kết hôn với lão quận công De Longueville mà bà không yêu, lúc đầu bà bị coi như tình nhân của Coligny, ông này vì bà mà bị giết trong cuộc đấu kiếm với quận công de Guise ở quảng trường Hoàng cung.
Rồi sau người ta đồn về sự thân mật hơi quá đáng của bà với anh ruột của bà là hoàng thân Condé, chuyện đó gây phẫn nộ trong những người sùng đạo sợ tội với Thượng đế ở trong triều. Cuối cùng, người ta còn nói một mối thù thực sự và sâu sắc kế tiếp mối thân tình ấy; và hồi ấy, người ta vẫn cứ đồn bà công tước De Longueville có liên hệ về chính trị với hoàng thân De Marcillac con của lão quận công De la Rochefoucauld, do đó bà trở thành kẻ thù của quận công De Condé, anh bà.
D’Artagnan suy nghĩ đến tất cả những điều đó. Anh nghĩ rằng khi xưa ở cung Louvre anh thường thấy bà Longueville đi qua trước mặt anh, rạng rỡ và chói lọi. Anh nghĩ đến Aramis, chẳng hơn gì anh, xưa kia là tình nhân của bà De Chevreuse; đối với triều đình trước bà De Chevreuse như thế nào thì đối với triều đình này bà De Longueville cũng như vậy. Và anh tự hỏi tại sao ở trên đời này có nhiều người đạt tới tất cả những gì họ mong ước, người này về mặt tham vọng, kẻ kia về mặt ái tình, trong khi có những người khác hoặc vì tình cờ hoặc vì vận rủi, hoặc do trở ngại tự nhiên, do thiên nhiên đã đặt vào họ, khiến họ ở lại nửa đường trong mọi ước vọng của mình.
Anh buộc phải tự thú nhận rằng mặc dầu tất cả trí tuệ của mình, tất cả sự khéo léo của mình, chắc chắn là anh thuộc và sẽ vẫn thuộc loại những kẻ sau rốt kia. Anh nghĩ đến đó thì Planchet đến gần và nói:
- Ông này, tôi đánh cuộc là ông nghĩ đến cùng một điều như tôi.
- Tôi hoài nghi đấy, Planchet? - D’Artagnan nói. - Nhưng cậu nghĩ đến gì cơ chứ?
- Thưa ông, tôi nghĩ đến những bộ mặt bất hảo đang nhậu nhẹt ở trong quán rượu mà chúng ta vừa dừng lại đó..
- Cậu lúc nào cũng thận trọng!
- Đấy là bản năng, ông ạ.
- Thế thì thử xem trong hoàn cảnh như thế này, bản năng cậu nói với cậu thế nào?
- Ông ạ, bản năng nói với tôi rằng những kẻ kia tụ tập ở trong cái quán ấy nhằm một mục đích xấu, và tôi ngẫm nghĩ đến cái điều mà bản năng của tôi nói với tôi trong cái xó tối tăm nhất của chuồng ngựa. Khi một gã khoác áo choàng bước vào chuồng ngựa có hai tên khác theo sau.
Thấy câu chuyện của Planchet phù hợp với những quan sát của mình, D’Artagnan nói:
- A, a? Thế nào?
- Một người trong bọn họ nói:
"Chắc chắn hắn ta ở Noisy hoặc sẽ đến đó tối nay, bởi vì tôi nhận ra tên hầu của hắn.
"Anh có chắc không? - Người khoác áo choàng hỏi.
"Thưa hoàng thân chắc ạ."
- Thưa hoàng thân à? - D’Artagnan ngắt lời.
- Vâng, thưa hoàng thân. Nhưng ông hãy nghe đã.
“Nếu nó đến đấy, dứt khoát ta phải hành động thế nào chứ? - Một tên uống rượu nói.
“Phải hành động thế nào ấy à? - Ông hoàng hỏi.
“Hắn không phải kẻ dễ để người ta tóm như thế đâu. Hắn sẽ đẩu kiếm.
- Thế thì phải làm như hắn ta, tuy nhiên cố bắt sống nó. Anh có thừng để trói nó không, và một túm giẻ để bịt miệng nó lại.
“Chúng tôi có đầy đủ.
“Phải chú ý, rất có thể hắn sẽ cải trang làm một kỵ sĩ.
“Ồ vâng! Xin Đức ông cứ yên tâm.
“Với lại tôi cũng sẽ ở đó và tôi sẽ hướng dẫn các anh.
“Ngài bảo đảm là công lý…
"Tôi xin bảo đảm tất, - Ông hoàng nói.
"Thế thì tốt, chúng tôi sẽ cố làm hết sức mình."
- Nói xong, bọn họ ra khỏi chuồng ngựa.
- Này! - D’Artagnan nói, - chuyện đó thì có can hệ gì đến chúng ta? Đó là một trong những kế hoạch mà người ta vẫn làm hằng ngày.
- Ông có chắc rằng việc đó không phải nhằm chổng lại chúng ta không?
- Chống lại chúng ta? Tại sao?
- Ấy, xin hãy nhớ lại câu nói của họ. "Tôi nhận ra thằng hầu của hắn", hẳn là nói về tôi.
- Gì nữa?
- "Hắn phải ở Noisy hoặc sẽ đến đó tối nay", một tên khách nói, hẳn là nói về ông.
- Rồi sao nữa?
- Rồi ông hoàng thân nói: "Phải chú ý là rất có thể hắn cải trang là kỵ sĩ", điều này không nghi ngờ gì nữa, bởi vì ông mặc kỵ sĩ chứ không phải là ngự lâm quân; xin hỏi, ông nói sao?
- Chao ôi, Planchet thân mến của tôi? - D’Artagnan thở dài. - Tôi xin nói rằng tôi không còn phải khốn khổ ở cái thời mà các ông hoàng muốn cho ám sát tôi. Ôi! Các ông hoàng ấy, đó là thời xa xưa rồi. Cậu hãy yên tâm, những người ấy chẳng thù oán gì ta đâu?
- Ông chắc thế chứ?
- Tôi cam đoan vậy.
- Thế thì tốt rồi; ta không bàn chuyện ấy nữa.
Và Planchet lại lùi lại đi sau D’Artagnan với niềm tin cậy tuyệt vời mà bao giờ anh cũng có đối với chủ anh, và mười lăm năm xa cách vẫn không hề phai nhạt.
Cứ thế đi được gần một dặm. Planchet tiến gần lại D’Artagnan và nói:
- Ông này!
- Gì đấy? - D’Artagnan hỏi.
- Này, ông thứ nhìn về phía kia xem hình như có bóng người đang đi trong đêm tối thì phải. Ông nghe xem, hình như có tiếng vó ngựa ấy.
- Vô lý! - D’Artagnan nói. - Đất ướt nhão vì mưa, tuy nhiên, như cậu nói, tôi thấy hình như có cái gì đó.
Và họ dừng lại để nhìn và nghe ngóng.
- Nếu không nghe tiếng chân ngựa, ít ra cũng nghe tiếng ngựa hí; này này!
Quả nhiên có tiếng một con ngựa hí vọng qua không gian và bóng tối, đập vào tai D’Artagnan.
- Đó là những người của ta đi dã ngoại, - anh nói, nhưng chẳng can hệ gì đến ta, ta cứ tiếp tục đi thôi.
Và họ lại lên đường.
Nửa giờ sau họ tới những căn nhà đầu tiên của Noisy, lúc ấy khoảng tám giờ rưỡi đến chín giờ tối.
Theo thói quen ở nông thôn, mọi người đã đi nằm, và trong làng không còn có một ánh lửa.
Mái nhà nhấp nhô ở hai bên đường nổi bật trên nền trời xám, chốc chốc một con chó canh sủa lên sau một cánh cửa, hoặc một con mèo hoảng hốt vội vã rời lòng đường chạy đến núp trong một đống củi, và cặp mắt sợ hãi vẫn sáng lẩp lánh như những hòn ngọc xanh lè.
Dường như đó là những sinh vật duy nhất sống ở làng này.
Đến giữa xóm, cứ cho là như vậy, có một khối nhà tối sẫm nổi lên giữa hai ngõ, án ngữ khu chính, hai cây bồ đề lớn ở trước nhà dang rộng những cánh tay khẳng khiu. D’Artagnan chú ý xem xét ngôi nhà. Anh bảo Planchet.
- Đây chắc hẳn là lâu đài của tổng giám mục, nơi ở của phu nhân De Longueville kiều diễm. Nhưng còn tu viện ở đâu nhỉ?
- Tu viện ở đầu làng, - Planchet nói, - tôi biết mà.
- Này Planchet,- D’Artagnan bảo - phóng thẳng đến đó đi, còn tôi sẽ siết lại đai ngựa, và khi quay về cậu sẽ cho tôi biết rõ còn cửa sổ nào có ánh đèn ở chỗ cái ông thầy tu Giêduyt không?
Planchet tuân lời và lao vào bóng tối. D’Artagnan nhảy xuống đất siết lại đai ngựa.
Năm phút sau, Planchet trở lại. Anh nói:
- Ông ạ, chỉ mỗi cửa sổ ở phía tường trông ra ngoài đồng là có ánh đèn thôi.
- Hừm! - D’Artagnan nói. - Nếu ta là Fronde ta sẽ gõ cửa đây và chắc chắn sẽ có nơi trú tốt, nếu ta là thầy tu ta sẽ gõ cửa đằng kia, và chắc chắn sẽ có một bữa ăn tối ngon. Còn trái lại, ở giữa lâu đài và tu viện, rất có thể chúng ta sẽ nằm trên mặt đất, chết khát và chết đói.
- Đúng đấy, - Planchet đáp, - giống như con lừa của Buridăng nổi tiếng. Trong khi chờ đợi, ông có muốn tôi gõ cửa không?
- Suỵt! - D’Artagnan nói. - Cửa sổ duy nhất có ánh đèn thì lại vừa mới tắt.
- Ông có nghe thấy không? - Planchet nói.
- Có tiếng động gì ấy nhỉ?
Đó là tiếng ồn ào của một cơn dông đang đến gần, cùng lúc ấy hai toán kỵ sĩ, mỗi toán độ mười người, túa ra từ hai ngõ men theo ngôi nhà, và bịt chặt mọi lối thoát, bao vây D’Artagnan và Planchet.
- Ái chà? - D’Artagnan vừa nói vừa tuốt kiếm và nấp sau con ngựa của mình, còn Planchet cũng làm động tác như vậy - Có lẽ cậu nghĩ đúng đây, và họ định công kích chúng ta thật chăng?
- Nó kia rồi, bắt lấy nó!
Các kỵ sĩ vừa nói vừa xông vào D’Artagnan, kiếm tuốt trần.
- Chớ để nó thoát, - một giọng nói to.
- Không, xin Đức ông yên tâm.
D’Artagnan cho là đến lúc anh phải xen vào câu chuyện. Anh nói bằng giọng Gascogne:
- Ơ này, các ông! Các ông muốn gì, các ông cần gì?
- Rồi mày sẽ biết! - Các kỵ sĩ đồng thanh quát lên.
- Dừng lại! dừng lại! - Người được gọi là Đức ông kêu lên, - Dừng lại! Không phải là tiếng nó.
- À, ra thế! Này các ông, - D’Artagnan nói, - phải chăng ngẫu nhiên mà người ta phát rồ lên ở Noisy. Tuy nhiên hãy coi chừng, vì tôi xin báo trước rằng kẻ đầu tiên sấn lại vừa tầm dài thanh kiếm của tôi, mà thanh kiếm của tôi thì dài đấy, tôi sẽ rạch thủng bụng ra.
Người thủ lĩnh tiến lại:
- Anh làm gì đấy? - Ông ta nói bằng một giọng kiêu kỳ và như quen chỉ huy.
- Thế còn chính ông? - D’Artagnan nói.
- Nên tỏ ra lễ độ, nếu không ta sẽ nện cho ra trò; vì dù không muốn tự xưng tên, ta cũng muốn được kính trọng theo thứ vị.
- Ông không muốn xưng danh, bởi vì ông chỉ huy một cuộc mai phục, - D’Artagnan nói, - nhưng tôi đây, tôi đi du ngoạn yên lành với tên hầu của tôi, tôi không có lý do như ông để giấu tên.
- Thôi, thôi, ông tên là gì?
- Tôi nói tên ra để ông còn biết mà tìm lại, thưa ông, thưa Đức ông hay thưa Hoàng thân, tuỳ ý ông thích gọi thế nào cũng được, - chàng xứ Gascogne của chúng ta không muốn có vẻ lùi bước trước một lời dọa nạt, bèn nói, - Ông có biết ông D’Artagnan không?
- Trung úy ngự lâm quân của nhà vua?
- Đúng thế.
- Phải.
- Vậy thì, - chàng xứ Gascon tiếp tục, - ông phải nghe nói đó là một tay kiếm vững vàng và điêu luyện chứ?
- Ông là ông D’Artagnan à?
- Tôi đây.
Thế ra ông đến đây để bảo vệ cho hắn ư?
- Hắn? Hắn nào?…
- Kẻ mà chúng tôi tìm kiếm.
- Dường như, - D’Artagnan nói, - không có nghi ngờ gì nữa đến Noisy tôi tưởng như đã tiếp cận vương quốc của những lời bí ẩn.
- Này, trả lời đi, - vẫn cái giọng kiêu ngạo ấy cất lên. Ông chờ hắn ở dưới những của sổ này phải không? Ông đến Noisy để bảo vệ hắn phải không?
- Tôi chẳng đợi ai hết, - D’Artagnan nói, anh đã bắt đầu nổi nóng, - tôi chẳng tính bảo vệ ai ngoài tôi ra, mà cái tôi ấy tôi sẽ báo vệ mãnh liệt đấy, xin báo để ông rõ.
- Được rồi, ông đi khỏi đây đi, rời khỏi chỗ này đi.
Cái mệnh lệnh đó ngược lại với kế hoạch của D’Artagnan, nên anh đáp:
- Đi khỏi đây ư? Không dễ đâu, vì tôi mỏi rã người ra rồi và con ngựa của tôi cũng vậy, trừ phi ông sẵn sàng đãi tôi một bữa ăn tối và cho tôi ngủ ở đâu đó quanh đây.
- Đồ lếu láo!
- Này! - D’Artagnan nói. - Xin ông giữ mồm giữ miệng, vì nếu ông còn nói một câu tương tự, thì dù ông là hầu tước, công tước, hoàng thân, hay vua chăng nữa, tôi cũng sẽ tống câu ấy trở vào bụng ông, ông nghe rõ chưa?
- Thôi, thôi, - viên chỉ huy nói, - không thể lầm lẫn được, đúng là một Gascogne, và do đó không phải là kẻ ta đang tìm. Việc của ta tối nay thế là hỏng rồi, ta rút thôi. Chúng ta sẽ lại gặp nhau, tiên sinh D’Artagnan ạ, - viên chỉ huy cao giọng nói tiếp.
- Vâng, nhưng không bao giờ với lợi thế như thế này,- chàng Gascogne nói mỉa, - vì khi gặp lại tôi, có lẽ ông sẽ đi một mình và giữa ban ngày ban mặt.
- Được lắm, được lắm! - Giọng nói cất lên. - Nào, các ông lên đường.
Và đám người vừa lầu bầu vừa la gắt gỏng, biến trong bóng tối, trở về phía Paris.
D’Artagnan và Planchet còn đứng một lát giữ thế thủ, nhưng, tiếng động tiếp tục xa dần, họ tra kiếm vào bao.
D’Artagnan bình thản bảo Planchet:
- Cậu thấy chưa, đồ ngu, không phải họ công kích chúng ta mà.
- Thực tình tôi chẳng hiểu gì! Nhưng không sao. Điều can hệ đối vôi tôi là vào tu viện Jésuites. Vậy thì, ta lên ngựa và đến đó gõ cửa. Thế nào thì thế chứ? Mẹ kiếp, họ có ăn thịt ta đâu mà lo?
D’Artagnan trèo lên yên.
Planchet vừa mới lên yên, thì một khối nặng bất ngờ rơi bịch xuống đằng sau con ngựa khiến nó khuỵu xuống.
- Ối ông ơi, - Planchet kêu lên, - có một người ngồi sau mông ngựa tôi.
D’Artagnan quay lại và quả nhiên trông thấy hai bóng người trên con ngựa của Planchet.
- Vậy đúng là ma quỷ theo đuổi chúng ta, - anh kêu lên và rút kiếm chuẩn bị tấn công kẻ mới đến.
- Không, D’Artagnan thân mến của tôi ơi, không phải ma quỷ đâu! Aramis đây!
Planchet phi nước đại lên, đến đầu làng thì rẽ bên trái.
Và Planchet mang Aramis trên mông ngựa, phóng nước đại, D’Artagnan theo sau, anh bắt đầu ngờ như mình đang mơ một giấc mơ kỳ ảo và chẳng ăn nhập gì với nhau cả.