Hai mươi năm sau - Chương 23 - Phần 1
Chương 23
Tu viện trưởng Scarron
Ở phố Tournelles có một ngôi nhà mà tất cả những phu khiêng kiệu và tất cả những thằng hầu ở Paris đều biết, tuy nhiên đó chẳng phải nhà của một vị đại thần hay một nhà tài chính. Người la không ăn, không chơi và không nhảy múa ở đấy bao giờ.
Ngôi nhà đó là của ông Scarron nhỏ bé.
- Ở nhà ông tu viện trưởng sắc sảo hóm hỉnh ấy, người ta vui cười thỏa thích; người ta tuôn ra bao nhiêu tin tức; những tin ấy nhanh chóng được bình luận, xé vụn ra và chế biến hoặc thành truyện, hoặc thành những bài thơ trào phúng, đến nỗi ai cũng muốn đến chơi một lát với ông Scarron nhỏ bé, nghe ông nói và rồi đi kể lại những điều ông đã nói. Có nhiều người nóng lòng đến đấy để nói lời của mình và nếu nó có kỳ cục, thì họ vẫn là những kẻ được hoan nghênh.
Ông tu viện trưởng bé nhỏ Scarron được coi là tu viện trưởng chăng qua vì ông sở hữu tu viện, chứ hoàn toàn không phải ông thuộc giới chức nhà thờ; xưa kia ông là một trong những kẻ hưởng lộc thánh đỏng đảnh nhất của thành phố Meung nơi ông ở. Nhân một hôm hội giả trang, ông định mua vui một cách cực điểm cho cái thành phố tử tế này mà ông là linh hồn. Ông bèn sai tên hầu bôi mật ong vào khắp người ông, rồi trải một cái nệm lông ra, ông lăn mình vào trong đô thành thử ông biến thành một loài chim kỳ cục nhất chưa từng thấy.
Ông bắt đầu đến viếng thăm các bạn trai và bạn gái trong bộ quần áo lạ đời ấy. Lúc đầu, người ta theo dõi với vẻ kinh ngạc, rồi với những tiếng la ó, rồi những kẻ thô lỗ chửi rủa ông, trẻ con ném đá vào ông, cuối cùng ông phải bỏ chạy để tránh những quả đạn.
Ông chạy trốn rồi mà mọi người vẫn đuổi theo: săn, dồn, ép mọi bề.
Scarron chẳng còn cách nào thoát là nhảy xuống sông. Ông bơi như một con cá, nhưng nước giá như băng. Scarron đang nhễ nhại mồ hôi, bị nhiễm lạnh đột ngột, khi sang đến bờ bên kia thì bại liệt.
Người ta thử tìm mọi cách đã biết để khôi phục hoạt động chân tay cho ông; chữa chạy khiến ông đau đớn quá đến nỗi ông tống khứ tất cả các thầy thuốc và tuyên bố rằng ông thích bệnh tật hơn. Rồi ông trở về Paris nơi danh tiếng con người trí tuệ của ông đã được thiết lập ông cho làm một cái ghế đi động theo sáng kiến của mình. Một hôm ông ngồi trong chiếc ghế ấy và đến thăm hoàng hậu Anne D’Autriche, bà hoàng cảm phục trí tuệ của ông đã hỏi ông có mong muốn một tước vị gì không.
- Thưa Hoàng hậu, - Scarron đáp - có một tước vị mà tôi rất tham vọng.
- Tước vị gì? - Hoàng hậu hỏi.
- Thưa, tước vị bệnh nhân của người, - tu viện trưởng đáp.
Và Scarron đã được phong là Bệnh nhân của Hoàng hậu với một khoản trợ cấp một nghìn năm trăm livres.
Tuy nhiên, một hôm phái viên của giáo chủ đã nói cho biết rằng ông đã sai lầm vì tiếp đãi ông chủ giáo.
- Tại sao vậy? - Scarron hỏi, - đó chẳng phải là một người dòng dõi hay sao?
- Có chứ.
- Đáng mến không?
- Không chối cãi được.
- Thông tuệ không?
- Khốn thay, ông ấy quá thừa.
- Vậy thì cớ sao ông lại muốn tôi thôi không gặp gỡ một người như vậy? - Scarron hỏi.
- Bởi vì ông ta nghĩ xấu.
- Thật ư? Nghĩ xấu về ai?
- Về ông giáo chủ…
- Sao lại thế nhỉ? - Scarron nói. - Ông Gilles Despréaux nghĩ xấu về tôi tôi vẫn tiếp tục gặp gỡ ông ta, thế mà ông lại bắt tôi không được gặp ông chủ giáo chỉ vì ông ta nghĩ xấu về một người khác ư? Không thể được!
Câu chuyện ngừng ở đấy, còn Scarron vì bực tức, càng gặp gỡ ông de Gondy nhiều hơn.
Buổi sáng hôm chúng ta đến đúng vào kỳ hạn phát tiền quỹ, theo lệ thường. Scarron sai tên hầu mang phiếu đến quỹ trợ cấp để lĩnh lương quý nhưng ông được trả lời:
"Nhà nước không còn tiền cho tu viện trưởng Scarron."
Lúc tên hầu mang thư trả lời đó về nhà thì có quận công de Longueville đang ở chơi, ông đề nghị sẽ cấp cho Scarron một khoản trợ cấp to gấp đôi khoản trợ cấp mà lão Mazarin cắt đi của ông, nhưng lão bại liệt ranh ma không nhận. Thế là chỉ đến bốn giờ chiều tất cả thành phố đều biết tin về việc giáo chủ cắt lương Scarron.
Hôm ấy lại đúng vào ngày thứ năm, ngày tiếp khách của tu viện trưởng; người ta ùn ùn kéo đến nhà ông, và người ta ủng hộ phong trào La Fronda một cách điên cuồng ở khắp nơi trong thành phố.
Arthos đi đến phố Saint-Honoré gặp hai người quý tộc mà anh không quen, họ cũng đi ngựa như anh, có một tên hầu đi theo như anh và đi cùng đường với anh.
Một trong hai người đó ngả mũ ra và nói với anh:
- Thưa ông, ông có tin rằng cái lão Mazarin đê tiện ấy đã cắt tiền trợ cấp của ông Scarron đáng thương ấy không?
- Đó là một việc đại vô lý, Arthos vừa đáp vừa chào lại hai người kỵ sĩ.
Người ban nãy lại nói:
- Người ta thấy rõ ông là người trung thực và cái lão Mazarin ấy là một tai vạ thật sự.
- Chao ôi! Thưa ông, - Arthos đáp - Ông nói điều ấy với ai vậy?
Và họ chia tay nhau hết sức lễ phép.
- Chúng ta đến đó tối nay thật là vừa hay, - Arthos nói với tử tước - Chúng ta sẽ chúc mừng con người tội nghiệp ấy.
Nhưng ông Scarron là ai mà làm náo động cả kinh thành Paris lên thế? - Raoul hỏi. - Một ông thượng thư bị thất sủng chăng?
- Ô, lạy Chúa, không phải đâu, tử tước ạ, - Arthos đáp, - đó chỉ là một vị quý tộc nhỏ bé rất thông tuệ, bị thất sủng với ngài giáo chủ chăng qua là vì đã làm một bài thơ gì đó chống lại ông ta.
- Các nhà quý tộc có làm thơ không? - Raoul ngây thơ hỏi - tôi e rằng như vậy là tự hạ mình.
- Phải đấy, tử tước thân mến ạ, khi làm thơ tồi, - Arthos cười đáp, - nhưng nếu làm thơ hay thì lại càng rạng rỡ. Hãy xem ông de Rotrou đấy. Tuy nhiên, - Arthos nói tiếp với cái giọng khi người ta ban một lời khuyên bổ ích, - tôi cho rằng không làm thơ thì hơn.
- Thế ông Scarron có phải là thi sĩ không? - Raoul hỏi.
- Phải, tử tước được báo trước rồi đấy: đến nhà ông ấy là phải chú ý rất cẩn thận, chỉ nói năng bằng cử chỉ, hoặc tốt hơn hết là lắng nghe thôi.
- Thưa vâng, - Raoul đáp.
- Anh sẽ thấy tôi chuyện trò nhiều với một vị quý tộc trong số bạn tôi: đó là tu viện trưởng de Herblay mà anh vẫn thường nghe tôi nói đến.
- Tôi có nhớ, thưa ông.
- Thỉnh thoảng anh đến gần chúng tôi như muốn nói chuyện, nhưng chớ nói, và cũng chớ có nghe. Làm thế cốt để những kẻ quấy rầy khỏi làm phiền chúng tôi thôi.
- Được ạ, tôi sẽ tuân theo ông từng điểm một.
Arthos đi thăm hai nơi ở Paris. Rồi đến bảy giờ hai người đi về phía phố Tournelles. Đường phố tắc nghẽn những phu trạm, ngựa và bọn đầy tớ đi bộ, Arthos đi lách qua để vào và chàng trẻ tuổi theo sau.
Người đầu tiên đập vào mắt Arthos khi vào là một người ngồi trong một chiếc ghế lớn lắp bánh xe lăn có che một cái tán bằng thảm thêu, dưới tán thấy động đậy một thân hình bọc trong một tấm mền gấm với khuôn mặt nhỏ nhắn hãy còn trẻ cười cợt nhưng thỉnh thoảng tái nhợt đi, song cặp mắt lúc nào cũng biểu lộ một tinh thần linh hoạt, thông minh và duyên dáng. Đó là tu viện trưởng Scarron luôn luôn tươi cười, giễu cợt.
Chung quanh cái thứ lều lưu động ấy, chen chúc một đám các vị quý tộc và các phu nhân. Căn phòng rất tinh tươm và bày biện tao nhã. Trên những ô cửa sổ lớn buông những tấm rèm bằng lụa thêu hoa màu sắc trước kia sặc sỡ nay đã hơi phai lạt; thảm phủ tường giản dị nhưng nhã nhặn. Hai tên hầu rất lễ phép và được huấn luyện quen với những phong cách lịch sự hầu hạ rất khéo léo.
Vừa chợt thấy Arthos, Aramis chạy ra ngay nắm lấy tay anh và giới thiệu với Scarron, chủ nhân tỏ ra rất vui mừng và cung kính đối với vị khách mới và nói một câu chúc mừng rất hóm hỉnh với cậu tử tước. Raoul ngẩn người vì chưa được chuẩn bị với những chuyện ứng đối văn hoa, song anh thi lễ rất tao nhã. Sau đó Arthos được Aramis giới thiệu với hai ba lãnh chúa và được họ chúc mừng. Sự ồn ào lắng dần và cuộc chuyện trò lại tiếp tục lan rộng.
Sau khoảng bốn năm phút để trấn tĩnh và nhận diện tỉ mỉ, Raoul thấy cửa mở và một tên hầu báo có cô Paulet đến.
Arthos chạm vào vai tử tước và bảo:
- Hãy nhìn kĩ người phụ nữ này, vì đó là một nhân vật lịch sử: chính vua Henri IV đến nhà bà ta khi bị ám sát.
Raoul rùng mình: từ mấy hôm nay, lát lát một tấm màn lại vén lên cho anh thấy một quang cảnh lịch sử: người đàn bà vẫn còn trẻ và vẫn còn đẹp, đang vào kia đã từng biết Henri IV và nói chuyện với ngài.
Ai nấy tíu tít bên cạnh bà khách mới đến vì bà vẫn còn thời thượng lắm. Đó là một phụ nữ cao, vóc người thanh tú và yểu điệu có mái tóc rậm vàng óng như Raphaen vẫn hằng yêu thích và Titien thường vẽ cho các nàng Madeleine của mình. Cái màn hung hung hoang dã ấy hoặc có lẽ cái vẻ vương giả mà bà ta đã chinh phục được ở các phu nữ khác đã khiến bà giành được biệt danh Sư tử cái(1).
(1) Chỉ một người đàn bà phong lưu đài các.
Những phu nhân mỹ miều ngày nay nhằm đạt tới danh hiệu phong lưu đài các ấy sẽ hiểu rằng chẳng phải nó từ nước Anh tới như có lẽ họ tưởng, mà chính từ người đồng hương xinh đẹp và trí xảo của họ, cô Paulet.
Cô Paulet đi thẳng đến chỗ Scarron, giữa những tiếng rì rầm nổi lên từ tứ phía lúc cô vào.
- Thế nào, ông tu viện trưởng thân mến? - Cô nói giọng bình thản, - Vậy, ông nghèo túng phải không? Chúng tôi vừa mới biết chuyện đó chiều nay ở nhà bà de Rambouillet, ông de Grasser nói với chúng tôi.
- Vâng, nhưng Nhà nước bây giờ lại giàu lên, - Scarron đáp: - Ta cũng phải biết hy sinh cho đất nước mình chứ!
Chợt một người phái Fronda mà Arthos nhận ra là nhà quý tộc anh đã gặp ở phố Saint Honoré nói:
- Ngài giáo chủ sắp mua thêm cho mình một nghìn năm trăm livres, phấn sáp và nước hoa một năm đấy.
- Nhưng còn Nàng Thơ nàng sẽ nói gì? - Aramis nói bằng giọng ngọt xớt của mình, - Nàng Thơ cần đến sự xuềnh xoàng mạ vàng chăng? Bởi vì cuối cùng:
Si Virgilio puer aut tolerabile desit.
Hospitium caderent omnes a crinibus hydri(2).
(2) Nếu thằng bé không dành cho Viếcgin một nơi ở tử tế, thì mọi người sẽ rơi từ cái bờm của con giao ong (tiếng La-tinh)
- Hay! - Scarron vừa giơ tay ra cho cô Paulet vừa nói, - nhưng nếu tôi không còn con giao long của tôi nữa thì ít ra tôi cũng còn con sư tử cái của tôi.
Tối hôm ấy, mọi lời nói của Scarron đều có vẻ tuyệt diệu. Đó là đặc ân của sự ngược đãi. Ông Ménage(3) có những cảm hứng bột phát.
(3) Một học giả Pháp (thế kỉ XVII), soạn những sách về ngôn ngữ và làm thơ.
Cô Paulet sắp đến chỗ của mình mọi khi, nhưng trước khi ngồi xuống, từ trên tầm cao của mình, cô đưa mắt lướt một cái nhìn vương hậu xuống tất cả cử tọa và dừng lại ở Raoul.
Arthos mỉm cười bảo Raoul:
- Anh được cô Paulet chú ý đấy, tử tước ạ, đến chào cô đi. Cứ tự nhiên như mình là một người dân tỉnh lẻ chất phác; nhưng chớ có đã động đến chuyện vua Henri nhé.
Tử tước đỏ mặt tiến lại phía Sư tử cái, và lẫn vào ngay với đám lãnh chúa quây quanh chiếc ghế.
Thế là đã hình thành hai nhóm rõ rệt: một nhóm vây quanh ông Ménage, và một nhóm xúm quanh cô Paulet. Scarron chạy từ nhóm này sang nhóm kia, điều khiển chiếc ghế có bánh xe ở giữa đám đông ấy một cách khéo léo hết sức, chẳng khác một người hoa tiêu lão luyện dẫn một con thuyền giữa mặt biển lởm chởm những đá ngầm.
- Lúc nào chúng ta nói chuyện với nhau? - Arthos hỏi Aramis.
- Lát nữa, - Aramis đáp: - Lúc này chưa đông khách lắm, ta dễ bị chú ý.
Vừa lúc ấy cửa mở và một tên hầu báo có ông chủ giáo đến.
Nghe vậy, tất cả mọi người đều quay ra, vì cái tên ấy đã trở thành rất nổi tiếng.
Arthos cũng nhìn ra. Cho đến nay anh mới chỉ nghe tên tu viện trưởng Gôngdy mà chưa biết người.
Anh trông thấy đi vào một người nhỏ nhắn, đen đủi, xấu xí, cận thị tay chân vụng về đủ thứ trừ việc tuốt kiếm và rút súng, thoạt tiên ông ta đi đến một cái bàn mà ông suýt xô đổ, nhưng với tất cả những cái đó ông có một cái gì cao ngạo và hãnh diện trên gương mặt. Đến sát Scarron, ông mới nhận ra và nói:
- Thế nào, tu viện trưởng, ông bị thất sủng rồi hả?
Lời nói ấy như câu kinh lễ được nhắc đến trăm lượt trong buổi chiều nay rồi, và Scarron đã phải trả lời đến câu thứ một trăm về vẫn một chủ đề ấy. Cho nên ông im bặt đi, nhưng rồi một cố gắng tuyệt vọng đã cứu ông. Ông nói:
- Ngài giáo chủ Mazarin rất muốn nghĩ tới tôi.
- Kỳ diệu nhỉ? - Ménageơ kêu lên.
- Nhưng rồi ông làm thế nào để tiếp tục đón chúng tôi? Ông chủ giáo nói tiếp. - Nếu thu nhập của ông tụt xuống, buộc lòng phải cử ông làm chanoine(4) ở nhà thờ Đức bà.
(4) Thầy tu giúp việc trợ giáo.
- Ô! Không đâu, - Scarron nói, - tôi làm lụy cho ông nhiều quá.
- Hay là ông có những nguồn nào khác mà chúng tôi không biết?
- Tôi sẽ vay hoàng hậu.
- Nhưng hoàng hậu chẳng có gì cho riêng mình đâu, - Aramis nói, - bà ấy chẳng sống dưới chế độ cộng đồng đó sao?
Ông chủ giáo quay lại cười với Aramis và giơ một đầu ngón tay ra hiệu thân mật. Ông nói:
- Xin lỗi tu viện trưởng thân mến của tôi, ông bị muộn, và tôi phải tặng ông một món quà.
- Quà gì vậy? - Aramis hỏi.
- Một cái dải mũ.
Ai nấy quay về phía chủ giáo, ông rút ở túi ra một dải lụa hình dáng kỳ lạ.
- A! - Scarron nói, - một cái dải Fronda.
- Đúng thế, - chủ giáo nói, - Ở La Fronda, người ta làm đủ mọi thứ. Cô Paulet này, tôi dành cho cô một cái quạt ở La Fronda. De Herblay, tôi sẽ cho ông người bán găng tay của tôi, bác ta làm găng ở La Fronda; còn ông, Scarron: tôi sẽ cho ông người hàng bánh của tôi với tín dụng vô thời hạn; bác ta làm bánh ngon tuyệt vời cho La Fronda.
Aramis cầm dải lụa quấn quanh mũ.
Vừa lúc ấy cửa mở và một tên hầu kêu to:
- Bà công tước de Chevreuse!
Nghe tên bà de Chevreuse, tất cả mọi người đứng dậy.
Scarron vội vã lăn chiếc ghế bành của mình ra phía cửa. Raoul đỏ mặt lên. Arthos ra hiệu cho Aramis và anh này đến nép sau một khuông cửa sổ.
Giữa những lời chúc tụng cung kính đón bà vào, nữ công tước de Chevreuse đưa mắt tìm kiếm một người hay một vật gì. Cuối cùng bà nhận ra Raoul và mắt bà rực sáng lên; bà nom thấy Arthos và trở nên mơ màng; rồi nhìn thấy Aramis ở bên cửa sổ, bà để lộ sau cái quạt một vẻ bất ngờ khó nhận biết.
- Tiện đây, - bà nói như để xua đuổi những ý nghĩ đang xâm chiềm đầu óc mình mà mình không muốn, - xin hỏi, cái ông Voiture tội nghiệp ấy ra sao rồi? Ông Scarron có biết không?
Vị lãnh chúa đã hỏi chuyện Arthos ở thành phố Honoré nói:
- Sao? Ông Voiture ốm à? Và có chuyện gì nữa?
Ông chủ giáo nói:
- Ông ta mải chơi bài không bảo tên hầu mang áo đến thay, thành thử bị cảm lạnh và sắp chết.
- Ở đâu thế?
- Ôi lạy Chúa! Ở chỗ tôi. Cứ tưởng tượng xem ông Voiture tội nghiệp đó đã có một lời nguyền long trọng là không chơi bài bạc nữa. Sau ba ngày không giữ nổi, ông ta lần đến tòa tổng giám mục để tôi giải lời nguyền đó cho ông. Khốn nỗi lúc ấy tôi đang bận việc rất quan trọng với ông tham nghị Broussel tử tế ấy ở tít sâu trong phòng tôi thì Voiture chợt thấy hầu tước de Luynes đang ngồi ở bàn đợi một chân bài. Hầu tước gọi và mời Voiture ngồi vào bàn. Voiture đáp rằng không thể chơi, nếu tôi không giải lời nguyền cho ông ấy. Luynes mượn danh nghĩa tôi mà cam kết và nhận tội về mình. Voiture ngồi vào bàn chơi, thua mất bốn trăm êquy, khi ra về thì cảm lạnh, đi nằm để không còn dậy được nữa.
Aramis lấp ló sau tấm rèm cửa sổ hỏi:
- Ông Voiture thân mến ấy ốm đến thế kia à?
- Hỡi ôi! - Ông Ménage đáp, - Ông ta ốm nặng lắm, và con người vĩ đại ấy có lẽ sắp từ giã chúng ta, deserel Orbem(5).
(5)Từ giã thế gian. (Tiếng la-tinh).
- Hừ, ông ấy mà chết ư! - Cô Paulet nói với vẻ châm biếm. - Ông ấy chẳng muốn chết đâu? Ông ta có đầy cung phi xung quanh như ông vua Thổ Nhĩ Kỳ. Bà de Saintot chạy đến nấu cháo, bà Renaudot sưởi mền chăn cho ông; và ông ta lại chẳng có đến cả bạn gái của chúng ta, nữ hầu tước de Rambouillet gửi thuốc sắc đến hay sao.
- Nàng Parthenie thân mến của tôi, - Scarron cười nói, - cô không yêu mến ông ta?
- Ồ oan cho tôi quá, bệnh nhân thân mến của tôi ạ! Tôi chẳng ghét ông ta mấy đâu và tôi sẽ vui lòng cầu kinh cho linh hồn ông được yên nghỉ.
Bà de Chevreuse từ chỗ ngồi nói với:
- Bạn thân mến ơi, chẳng phải không dưng mà người ta tặng bà cái biệt danh Sư tử cái, và bà công kích dữ quá.
- Thưa bà, dường như bà ngược đãi quá đáng một nhà thơ lớn. - Raoul đánh liều lên tiếng.
- Ông ta mà là một nhà thơ lớn à? Này, tử tước ơi người ta thấy rõ là ông từ tỉnh lẻ đến như ông nói với tôi ban nãy, và ông chưa trông thấy ông ta bao giờ. Ông ta là một nhà thơ lớn ư? Hê, ông ta chưa cao đến năm bộ.
- Hoan hô! Hoan hô! - Một người cao lớn, có bộ ria kiêu hãnh và một thanh kiếm đồ sộ nói. - Hoan hô, nàng Paulet kiều diễm? Đã đến lúc đặt lại cái ông Voiture bé nhỏ ấy vào đúng vị trí của mình.
- Tôi lớn tiếng tuyên bố rằng tôi cho là tôi giỏi về thi ca, và tôi luôn luôn thấy thơ ca của ông ta dở lắm.
- Cái vị anh hùng rơm ấy là ai thế, thưa ông? - Raoul hỏi Arthos.
- Ông Scudéry.
- Tác giả Clédi và Grand Cyrus vĩ đại ấy à?
- Mà ông ta soạn chung với cô em gái lúc này đang nói chuyện với cái cô xinh đẹp ngồi gần ông Scarron ở kia kìa.