Hai mươi năm sau - Chương 23 - Phần 2

Raoul quay đầu lại và quả nhiên nom thấy hai khuôn mặt mới vừa vào: Một thật kiều diễm, thật mảnh mai, thật ủ dột, đóng khung trong mái tóc đen lánh với cặp mắt nhung giống như những cánh hoa pensée tím ngắt phía dưới lóng lánh một đài hoa vàng óng; khuôn mặt kia là một bà có vẻ đỡ đầu cô gái, vẻ lạnh lùng, khô héo và úa vàng, một khuôn mặt thực thụ của một bà già khó tính hoặc sùng tin, Raoul tự hẹn với mình sẽ không ra khỏi phòng khách khi chưa nói chuyện với cô thiếu nữ mắt nhung; do một ý nghĩ trớ trêu cô ta vừa mới gợi nhớ đến Louise, mặc dầu cô chẳng giống chút nào cô bé Louise tội nghiệp mà anh bỏ mặc đau đớn ở lâu đài La Vallière, và ở giữa cả cái thế giới thượng lưu này anh đã lãng quên trong chốc lát.

Trong lúc ấy Aramis xích đến gần vị chủ giáo, ông ta với vẻ cười cợt khi nói vào tai anh ta mấy tiếng. Mặc dầu có sự kiềm chế, Aramis cũng không ngăn nổi một động tác nhẹ.

- Cười đi! - Ông de Retz bảo anh, - người ta nhìn chúng mình đấy.

Rồi ông rời anh để lên chuyện trò với bà de Chevreuse đang có một đám đông vây quanh.

Aramis giả bộ cười để đánh lạc hướng mấy thính giả tọc mạch, và nhác thấy Arthos lại đến đứng ở chỗ cửa sổ ban nãy anh đã đứng, sau khi ném vài lời sang trái sang phải, anh chẳng phải vờ vịt gì nữa mà đến thẳng chỗ Arthos.

Vừa giáp mặt nhau là hai người chuyện trò ngay kèm theo bao nhiêu cử chỉ.

Raoul bèn đến gần họ theo như Arthos đã dặn.

Arthos cao giọng nói:

- Đó là một bài thơ ngắn của ông Voiture mà ông tu viện trưởng đó cho tôi nghe và tôi thấy là không thể so sánh.

Raoul đứng một lát gần họ, rồi ra hòa mình trong nhóm bà de Chevreuse có cô Paulet và cô Scudéry đứng hai bên.

- Này - Ông chủ giáo nói, - tôi xin phép không hoàn toàn đồng ý với ông de Scudéry; tôi thấy trái lại, ông de Voiture là một nhà thi sĩ thuần túy. Ông ta hoàn toàn thiếu những tư tưởng chính trị.

- Vậy thế nào? - Arthos hỏi.

- Ngày mai, - Aramis vội vã đáp.

- Mấy giờ?

- Sáu giờ.

- Ở đâu?

- Ở Saint Mandé.

- Ai bảo cậu?

- Bá tước de Rochefort.

Chợt có một người nào đó đến gần.

- Còn những tư tưởng triết lý? Chính đó là những cái thiếu ở ông Voiture đáng thương kia, tôi thì tôi tán thành ý kiến của ông chủ giáo: thi sĩ thuần túy.

- Phải đấy. - Ông Ménage nói, - về thi ca, chắc chắn ông ta kỳ tài rồi, song sau này, hậu thế khi khâm phục ông thì cũng trách ông một điều, ấy là đã đưa vào cấu tạo của thơ một sự tự do phóng túng quá đáng; ông ta giết chết thi ca mà không biết.

- Giết chết, từ ấy đúng đấy. - Scudéry nói.

- Nhưng văn chương của ông ta thật là kiệt tác! - Bà de Chevreuse nói.

- Ồ! Về phương diện ấy, - cô Scudéry nói, - đó là một người lẫy lừng thật sự.

- Đúng - Cô Paulet đối đáp, - nhưng chừng nào ông ta còn bông phèng, bởi vì trong thể văn thư tín nghiêm túc thì ông ta thật thảm hại, và nếu ông ta không nói các điều ra một cách sống sượng, thì các bạn cũng phải thừa nhận rằng ông ta nói rất dở.

- Nhưng it ra cô phải đồng ý rằng cách bông đùa của ông ta không thể bắt chước được.

Ông Scudéry vân vê ria mép mà nói:

- Hẳn như thế; duy tôi thấy là cái khôi hài của ông ta miễn cưỡng và sự bông đùa của ông ta thì quá suồng sã, đọc Thư cá Chép cá Meung của ông ấy mà xem.

- Chưa kể những cảm hứng tuyệt diệu nhất của ông ta thường đến từ dinh Rambouillet, - Ménage nói tiếp. - Cứ xem élide và Alcidalis.

Aramis đến gần đám đông và cung kính chào bà de Chevreuse, bà đáp lại bằng một nụ cười duyên dáng, còn tôi, tôi cáo buộc ông ta là đã tự do quá trớn đối với các đại thần. Ông ta thường không phải với bà hoàng thân với ông thống chế D’Albert, với ông de Schomberg, với cả hoàng hậu nữa.

- Sao? Với hoàng hậu à? - Scudéry vừa hỏi vừa bước chân phải lên như đứng thủ thế. - Mẹ kiếp! Tôi không biết điều đó. Mà ông ta cư xử không phải với hoàng hậu như thế nào?

- Ông không biết bài "Tôi nghĩ" của ông ta sao?

- Không, - bà de Chevreuse nói.

- Không, - cô Paulet nói.

- Quả vậy, tôi cho rằng hoàng hậu chỉ truyền cho ít người biết thôi, nhưng tôi, tôi nắm chắc trong tay.

- Và ông thuộc chứ?

- Tôi chắc là có nhớ.

- Nào? nào! - Mọi người nhao nhao lên.

Aramis kể:

- Chuyện ấy xảy ra trong trường hợp như thế này. Ông de Voiture ngồi trong cỗ xe của hoàng hậu, bà cùng ông ta đi dạo chơi tay đôi trong rừng Fontainebleau. Ông ta làm ra vẻ đang ngẫm nghĩ để hoàng hậu hỏi xem ông ta nghĩ gì. Y như rằng, điều đó diễn ra.

Hoàng hậu hỏi:

- Ông de Voiture, ông đang nghĩ gì thế?

Voiture mỉm cười và giả vờ suy nghĩ năm giây để người ta tương rằng ông ứng khẩu thành thơ và đáp:

"Tôi nghĩ rằng sau bao tháng năm ròng

Nàng bị đọa đày gian khổ bất công

Số mệnh đã thưởng cho nàng xứng đáng

Nào danh dự, nào vinh quang xán lạn;

Nhưng khi xưa trong cảnh ngộ đáng thương

Chắc nàng còn sung sướng trăm đường

Tôi không nói rằng vì nàng đã yêu đương.

Dù vần gieo đến là thích hợp."

Scudéry, Ménage và cô Paulet nhún vai.

- Khoan đã, khoan đã. - Aramis nói, - có ba đoạn cơ mà!

- Ồ! - Cô Scudéry nói, - hãy nói là ba khúc, đây bất quá là một ca khúc.

"Tôi nghĩ thương thần ái tình tội nghiệp

Hằng cấp cho nàng vũ khí của mình

Nhưng giờ đây bị đuổi khỏi cung đình

Chẳng còn cung tên, chẳng còn vẻ mỹ miều say đắm,

Ngồi cạnh nàng đây, ơi nữ hậu Marie,

Nghĩ mà buồn chăng thể làm chi

Khi nàng đã phũ phàng bạc đãi

Những kẻ hy sinh vì nàng mà không hề sợ hãi."

- Ô! Về cái nét sau cùng này, - bà De Chevreuse nói, - tôi không biết nó có nằm trong các quy tắc của thi ca không, nhưng tôi xin miễn thứ cho nó vì đó là sự thật, và bà de Hautefort, bà de Sennecey nếu cần sẽ đồng ý với tôi, chưa kể ông de Beaufort.

- Này, này, - Scarron nói, - điều ấy chẳng còn can hệ gì đến tôi nữa đâu; kể từ sáng hôm nay tôi chẳng còn là bệnh nhân của hoàng hậu nữa.

- Thể còn khúc cuối - Cô Scudéry bảo, - còn khúc cuối nữa. Nào!

- Có đây, - Aramis nói - khúc này có ưu thế là nói rõ cả tên riêng, thành thử không còn lầm vào đâu được nữa.

"Chúng tôi đây - những nhà thi sĩ,

Mang trong đầu những ý nghĩ cuồng điên

Tâm trạng nàng đang hớn hở hồn nhiên

Hay ủ dột, suy tư trầm lắng,

Nàng sẽ làm gì nếu chốn này vắng lặng

Thấy hiện lên de Buckingham,

Và ai sẽ là người thất sủng

Ngài quận công hay ông cố Vincent(6)."

(6)Cha Vincent là linh mục nghe xưng tội của hoàng hậu.

Đến đoạn cuối cùng này chỉ có một tiếng kêu thốt lên về sự xấc xược của Voiture.

- Nhưng mà - cô thiếu nữ mắt nhung thì thào, - khổ một nỗi là riêng tôi, tôi thấy những câu thơ ấy tuyệt diệu.

Đó cũng là ý kiến của Raoul, anh ta sán đến gần Scarron và đỏ mặt nói:

- Thưa ông Scarron, xin ông làm ơn bảo cho tôi biết người phụ nữ trẻ tuổi kia là ai mà một mình một ý kiến chống lại tất cả cuộc hội họp trứ danh này.

- A! A! - Chàng tử tước trẻ tuổi của tôi ơi, - Scarron nói. - Tôi chắc rằng anh mong muốn đề nghị với cô một tên minh tiên công và phòng ngự phải không?

Raoul lại đỏ mặt đáp:

- Xin thú thật là tôi thấy những vần thơ ấy rất hay.

- Mà hay thực đấy chứ, - Scarron nói, - nhưng sụyt! Giữa những nhà thơ với nhau, họ chẳng nói như thế đâu:

- Nhưng tôi. - Raoul nói, - tôi chẳng có vinh dự là thi sĩ, và tôi xin hỏi ông

- Đúng đấy: người phụ nữ trẻ ấy là ai chứ gì? Đó là cô Ấn Độ xinh đẹp.

- Thưa ông, xin ông thứ lỗi, - Raoul đỏ mặt nói, - Ông nói thế tôi cũng chẳng rõ gì hơn trước. Than ôi, tôi là dân tỉnh lẻ.

- Có nghĩa là anh chưa biết gì về cái thứ văn chương kiểu cách ở đây nó ròng ròng ở cửa miệng mọi người. Càng hay! Chàng tuổi trẻ ạ, càng hay! Đừng tìm hiểu làm gì, mất thì giờ thôi; và khi nào anh hiểu thì cũng nên hi vọng rằng người ta chẳng nói cái kiểu văn hoa ấy nữa.

- Vậy thì xin ông thứ lỗi, - Raoul nói, - xin ông hãy rủ lòng nói cho tôi biết người mà ông gọi là cô gái Ấn Độ xinh đẹp ấy là ai thế?

- Phải, chắc hắn đó là một trong những người đàn bà kiều diễm nhất hiện nay, cô Françoise D’Aubigné.

- Phải chăng cô ấy thuộc dòng họ ông Agrippa danh tiếng, bạn của vua Henri IV?

- Cháu gái nội ông ta đấy. Cô ấy từ Martitique đến, chính vì thế mà tôi gọi là cô gái Ấn Độ xinh đẹp(7).

(7) Hồi thế kỉ XVI, Christope Colone khám phá ra châu Mỹ tưởng là đã đi tới Ấn Độ, nên người ta quen gọi dân bản xứ là người Ấn Độ. Martinique là một hòn đào ở Trung Mỹ.

Raoul trợn tròn mắt, và nó gặp cặp mắt của vị phu nhân trẻ đang mỉm cười.

Người ta tiếp tục bàn tán về Voiture.

Cô D’Aubigné lân la đến bên ông Scarron như để tham gia vào câu chuyện của ông với chàng tử tước trẻ, cô nói:

- Thưa ông, ông không tán thưởng những người bạn của ông Voiture tội nghiệp à? Ông nghe xem họ vừa ca ngợi vừa vặt lộng ông ta! Người này tước mất của ông lương tri, người kia tước mất tính độc lập người khác… Thế thì, lạy Chúa? Họ để lại cái gì cho ông ta, cho cái bộ hoàn chính lừng lẫy ấy? Theo cách nói của cô de Scudéry.

Cả Scarron và Raoul đều cười rộ. Cô gái Ấn Độ xinh đẹp tự mình cũng ngạc nhiên về tác động do mình gây ra, cúi mặt xuống và lấy lại cái vẻ chất phác của mình.

- Đấy là một người thông tuệ, - Raoul nói.

Arthos vẫn đứng ở khung cửa sổ nhìn bao quát toàn cảnh nụ cười khinh khi đọng trên môi.

Bà De Chevreuse bảo ông chủ giáo:

- Ông gọi hộ bá tước dờ La Fère; tôi cần nói chuyện với ông ấy.

- Nhưng tôi, - chủ giáo đáp - tôi lại cần người ta tin rằng không nói chuyện với ông ta. Tôi rất mến và khâm phục ông ấy, vì tôi có biết về những cuộc phiêu lưu cũ của ông, ít ra là vài chuyện nhưng tôi chỉ tính đến chào ông ta vào sáng ngày kia.

- Tại sao lại sáng ngày kia? - Bà De Chevreuse hỏi.

- Chiều mai bà sẽ biết, - Ông chủ giáo cười nói.

- Ông Gondy thân mến ơi, - bà công tước nói. - kể ra ông nói cứ như là tử vi ấy.

Rồi bà quay về phía Aramis và gọi:

- Ông De Herblay, ông có vui lòng tối nay làm hộ vệ cho tôi một lần nữa không?

- Có gì vậy, bà công tước? -Aramis đáp. - Xin sẵn sàng tối nay, ngày mai và mãi mãi; xin bà cứ ra lệnh.

- Thế thì ông hãy tìm hộ tôi bá tước de La Fère, tôi muốn nói với ông ấy.

Aramis đến chỗ Arthos, rồi cùng trở lại với anh.

Bà công tước đưa một bức thư cho Arthos và nói.

- Thưa bá tước, đây là cái mà tôi đã hứa với ông. Người được chúng ta che chở sẽ được tiếp đãi chu đáo.

- Thưa bà, - Arthos nói, - anh ta sẽ sung sướng được chịu ơn bà.

- Về phương diện ấy ông chẳng có gì phải ganh tị với anh đâu vì rằng chính tôi, tôi nhờ ơn ông mà được biết ông ta, - người đàn bà ranh mãnh đáp và nở một nụ cười gợi nhớ đến Marie Michon cho cả Aramis và Arthos.

Nói xong bà đứng dậy và gọi xe của mình. Cô Paulet đã về rồi và cô Scudéry cũng ra về.

Arthos bảo Raoul:

- Tử tước, anh hãy đi theo bà công tước de Chevreuse, hãy nói với bà cho anh vinh hạnh đỡ bà lên xe, rồi cảm ơn bà.

Cô gái Ấn Độ xinh đẹp đến chỗ Scarron để xin cáo lui.

- Cô đã về cơ à? - Ông nói.

- Tôi là một trong những người cuối cùng ra về, ông thấy đấy.

- Nếu ông có những tin tức về ông de Voiture, nhất là những tin tốt lành, xin ông làm ơn gửi cho tôi vào ngày mai.

- Ồ, ông ta có thể chết bây giờ, - Scarron đáp.

- Thế là thế nào? - Cô thiếu nữ mở mắt hỏi.

- Bài tán dương ông ta đã làm xong rồi.

Và họ vui cười chia tay nhau; cô thiếu nữ ngoái đầu lại để nhìn người bại liệt đáng thương với vẻ thích thú, còn người bại liệt dõi theo cô bằng con mắt tình tứ.

Các nhóm khách thưa thởt dần. Scarron không làm ra bộ nhìn thấy một số tân khách đã chuyện trò bí mật với nhau, thư từ đã đến với nhiều người, và buổi tối hội họp dường như có một mục đích bí mật nó đi trệch khỏi chuyện văn chương mà họ đã bàn cãi om sòm.

Những điều đó có can hệ gì đến Scarron? Bây giờ người ta cứ việc hoạt động thoải mái cho phong trào La Fronda ở ngay nhà ông; vì từ sáng hôm nay như ông đã nói, ông không còn là bệnh nhân của hoàng hậu nữa rồi.

Còn về Raoul, quả nhiên anh đã đưa bà công tước ra tận xe của bà, bà ngồi và đưa bàn tay cho anh hôn; rồi do một trong những cơn ngẫu hứng cuồng điên đã khiến bà thật đáng yêu quý và nhất là thật nguy hiểm, bà đột nhiên ôm lấy đầu anh và hôn lên trán mà nói:

- Tử tước ơi mong rằng những điều chúc mừng của tôi và cái hôn này sẽ mang lại hạnh phúc cho anh.

Rồi bà đẩy anh ra xa và bảo người xà ích đánh xe đến dinh Luynes. Cỗ xe đã lăn bánh, bà de Chevreuse còn giơ tay ra hiệu với anh một lần cuối qua cửa xe, Raoul quay trở vào cứ ngẩn người ra.

Arthos hiểu rõ những gì đã diễn ra và mỉm cười.

- Tử tước, lại đây, - anh nói, - đã đến lúc anh rút lui rồi đấy; ngày mai anh đi đến quân đội của Ngài hoàng thân, chúc anh ngủ ngon đêm cuối cùng của người thành thị.

- Tôi sẽ là người lính ư? - Chàng thanh niên hỏi. - Ôi! Thưa ông xin hết lòng cảm ơn ông!

- Xin từ biệt bá tước, tôi trở về tu viện của tôi, - tu viện trưởng de Herblay nói.

- Xin từ biệt tu viện trưởng, - Ông chủ giáo nói - ngày mai tôi giảng kinh và tối nay có đến vài chục bài phải tham khảo.

- Xin từ biệt quý vị, - bá tước nói, - còn tôi, tôi sẽ ngủ hai mươi bốn giờ liền, vì mệt mỏi lắm.

Ba người chào nhau sau khi trao đổi với nhau một cái nhìn cuối cùng. Scarron liếc mắt theo dõi họ qua các ô cửa phòng khách.

Chẳng có ai trong bọn họ sẽ làm như họ nói đâu. Scarron lẩm bẩm với nụ cười ranh ma của mình. Nhưng họ cứ việc làm, những con người quý tộc trung hậu! Biết đâu họ chẳng làm thế nào để trả lại trợ cấp cho ta?…, Họ thì họ có thể vung cánh tay lên, thế là quá nhiều; còn ta, than ôi! Ta chỉ có cái lưỡi, nhưng ta sẽ cố gắng chứng minh rằng đó là một cái gì đáng kể.

- Ơ này? Champenois, mười một giờ điểm rồi đấy. Đến đẩy ta về giường nào. Quả tình cái cô tiểu thư D’Aubigné ấy thật là kiều diễm.

Nói rồi, kẻ bại liệt tội nghiệp ấy biến vào trong buồng ngủ, cánh cửa khép lại sau lưng ông ta, và những ngọn đèn sáng lần lượt tắt dần trong căn phòng khách ở phố Tournelles.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3