Hai mươi năm sau - Chương 29
Chương 29
Bốn bạn sửa soạn gặp lại nhau
Ngồi trong sân khách sạn "Con dê cái nhỏ". Porthos trông thấy D’Artagnan từ Cung giáo chủ trở về, mặt dài thuỗn ra và nhăn nhăn nhó nhó. Anh hỏi.
- Thế nào, D’Artagnan trung hậu của tôi ơi, ông ta tiếp đãi cậu tồi lắm phải không?
- Thực tình là thế đấy? Người gì mà như lợn ấy! Cậu đang làm gì thế, Porthos?
- À, cậu thấy đó, tôi chấm bánh quy vào một cốc rượu vang Tây Ban Nha. Cậu cũng làm như vậy đi.
- Cậu nói phải. Gimblou, một cốc đầy?
Tên hầu bàn được gọi bằng cái tên du dương ấy mang cốc rượu đến, và D’Artagnan ngồi uống bên cạnh bạn.
- Chuyện ấy diễn ra như thế nào?
- Ôi dào! Cậu biết đây, nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Tôi bước vào, ông ta nguýt mắt nhìn tôi; tôi nhún vai và nói: "Thế đấy! Thưa Đức ông, chúng tôi chẳng phải là những người mạnh hơn."
- Phải, tôi biết cả rồi, nhưng hãy kể chi tiết cho tôi nghe.
- Porthos, cậu hiểu rằng tôi không thể kể chi tiết mà không nói ra tên các bạn chúng ta, mà nói tên họ ra là làm hại họ.
"Mẹ kiếp! Thưa Đức ông, - tôi nói, - họ những năm mươi người mà chúng tôi chỉ có hai."
"Ừ, nhưng điều đó không ngăn cản có những phát súng bắn lẫn nhau, theo như tôi nghe nói lại, - Ông ta nói."
"Sự thực là, bên này bên kia đều có vài loạt đạn nổ."
"Thế nhưng thanh kiếm đã trông thấy ánh mặt trời chứ? - Ông ta nói thêm."
"Nghĩa là ban đêm ạ, thưa Đức ông."
"Ái chà! Tôi tưởng ông là Gascon cơ mà, ông bạn thân mến?"
"Tôi chỉ là Gascon khi tôi thành công thôi, thưa Đức ông."
Câu trả lời làm vừa lòng ông ta, vì ông ta bật cười, ông ta nói tiếp:
"Điều đó dạy tôi là phải cho các lính vệ những con ngựa tốt hơn, bởi vì nếu như họ đuổi kịp các ông và mỗi người đều có thể làm được như ông và bạn của ông, thì có thể ông đã giữ đúng lời hứa và mang hắn về đây hoặc chết hoặc sống."
- Ơ này! Nếu chuyện như vậy thì tôi thấy cũng chẳng đến nỗi dở đâu, - Porthos nói.
- Ồ, lạy Chúa! Không đâu, bạn thân mến ơi, đó chỉ là một cách nói thôi. - Rồi D’Artagnan bất chợt nói - Không thể tưởng tượng được, những cái bánh quy này hút mật ghê thật? Cứ như là những miếng bọt biển ấy! Gimblou đâu, một chai nữa!
Chai rượu được mang đến rất nhanh chứng tỏ anh được cửa hàng kính nể như thế nào. Anh nói tiếp:
- Cho nên lúc tôi cáo lui, thì ông ta gọi lại. Ông ta hỏi tôi:
"Các ông có ba con ngựa bị chết hoặc bầm máu chân phải không?"
"Vâng, thưa Đức ông."
"Chúng đáng giá bao nhiêu?"
- Ấy - Porthos nói, - tôi thấy có lẽ là một dịp khá tốt đấy chứ!
"Một nghìn pistol, - tôi trả lời."
- Một nghìn pistol? - Porthos kêu lên. - Ô, ồ! Nhiều quá đấy, nếu ông ta sành về ngựa, chắc ông ta phải mặc cả.
- Thực tình là lão ta muốn mặc cả lắm đấy, cái lão đê tiện ấy vì lão nhảy bật lên một cái kinh khủng và nhìn tôi trừng trừng. Tôi cũng nhìn lại, lão hiểu ra và thò tay vào tủ lão lấy phiếu ra nhà băng Lyon.
- Để lĩnh một nghìn pistol à?
- Một nghìn pistol chẵn, không thêm một đồng nào; cái lão keo kiệt ấy!
- Thế cậu lấy chưa?
- Đây rồi.
- Thực tình mình thấy ông ta làm thế nào là thỏa đáng rồi!
- Thỏa đáng! Với những người không những vừa mới mạo hiểm tính mạng mình mà còn giúp ích lão ta một việc lớn mà gọi là thỏa đáng ư?
- Một việc lớn à, việc gì thế! - Porthos hỏi.
- Chà, hình như tôi đã cho ngựa đạp phải một ông tham nghị của nghị viện.
- Sao? Cái người nhỏ nhắn, đen đen mà cậu đã xô ngã ở góc nghĩa trang Saint-Jean phải không?
- Đúng thế, bạn thân mến ạ. Này, ông ta như cái gai trước mắt giáo chủ đấy. Khốn nỗi, tôi lại không đè bẹp ông ta. Có khi ông ta sẽ trở lại và còn cản trở lão.
- Này cậu, - Porthos nói, - Chính tôi đã rẽ ngựa để nó khỏi giẫm lên người ông ta! Có lẽ để lần khác?
- Đáng lẽ lão ta phải trả tiền tôi về ông tham nghị mới phải, cái lão mặt mo ấy?
- Chà! Nếu ông ta không bị đè bẹp hẳn…
- A! Nếu là ngài giáo chủ De Richelieu, chắc hẳn ngài sẽ nói: "Năm trăm êquy về một ông tham nghị!"
- Thôi không nói chuyện ấy nữa. Porthos này, mấy con ngựa ấy của cậu đáng giá bao nhiêu?
- Ồ, bạn ơi, nếu Mouston tội nghiệp có đây, hắn sẽ nói với cậu giá tiền tính đến đồng, hào và xu lẻ.
- Không sao! Cậu cứ nói đi, tính đến mười êquy lẻ. - Vulcain và Bayard mỗi con giá chừng hai trăm pistol, và cứ cho là con Phébus giá một trăm rưởi nữa đi, tôi cho là ta định sát giá đây.
- Vậy thì còn dư ra bốn trăm rưởi pistol, - D’Artagnan nói với vẻ khá hài lòng…
- Ừ - Porthos nói, - nhưng còn yên cương?
- Đúng quá đi rồi. Yên cương giá bao nhiêu?
- Coi là cả ba bộ một trăm pistol đi…
- Được một trăm pistol, - D’Artagnan nói, - Vị chi là còn dư ba trăm rưởi pistol.
Porthos gật đầu tán thành.
- Bây giờ ta đưa ông chủ quán năm mươi pistol đề trả chi phí của chúng ta? - D’Artagnan nói, - còn ba trăm pistol ta chia nhau.
- Chia đi, - Porthos bảo.
- Việc nhỏ nhặt! - D’Artagnan lẩm bẩm, tay nắm những tờ bạc của mình.
- Hừ? - Porthos nói, - lại vẫn chuyện ấy à. Nói đi.
- Gì cơ?
- Ông ta không đả động gì đến tôi ư?
- À, có chứ, - D’Artagnan vội reo lên, anh sợ làm bạn mình nản nếu bảo rằng tể tướng chẳng hề nhắc đến bạn một tiếng. - Có chứ!
- Ông ta nói…
- Ông ta nói gì? - Porthos hỏi.
- Khoan đã, để tôi nhớ lại đúng lời ông ta. Ông ta nói rằng: "Về phần bạn ông, thì ông hãy báo ông ta cứ yên tâm chẳng có gì quản ngại."
- Tốt! - Porthos nói, - như thế là rõ như ban ngày rồi, ông ta vẫn tính phong mình là Nam tước.
Vừa lúc ấy chuông đồng hồ nhà thờ gần đó điểm chín giờ.
D’Artagnan giật mình.
- A! Đúng rồi, - Porthos nói, - Bây giờ chín giờ mà cậu nhớ chứ, đến mười giờ là ta có cuộc hẹn ở quảng trường Hoàng gia.
- Thôi, im đi, Porthos! - D’Artagnan la lên với vẻ nóng nảy, - cậu đừng nhắc lại cái kỉ niệm ấy nữa; chính nó làm cho tôi bực bội khó chịu từ ngày hôm qua. Tôi chẳng đi đâu.
- Tại sao thế? - Porthos hỏi.
- Bởi vì thật là điều đau lòng phải gặp lại hai con người ấy, họ đã làm hỏng công việc của chúng ta.
- Mà họ có lợi thế gì đâu, - Porthos nói. - Lúc ấy tôi vẫn còn một khẩu súng đã nạp đạn còn các cậu thì đã đứng đối mặt nhau, kiếm trong tay.
- Phải, - D’Artagnan nói - nhưng nếu như cuộc hẹn hò này che giấu một điều gì.
- Ồ - Porthos nói, - D’Artagnan, cậu không nên tin như vậy.
Đúng thế, D’Artagnan không tin rằng Arthos có thể dùng mưu gian; song anh tìm cớ để không đi đến nơi hẹn.
- Phải đến đấy chứ, - vị lãnh chúa de Bracieux đường bệ nói tiếp. - Họ có thể cho là chúng ta sợ hãi. Này, bạn thân mến ơi, chúng ta đã dám chọi với năm mươi kẻ thù trên đường cái lớn; chúng ta cũng sẽ chọi tốt với hai anh bạn trên Quảng trường Hoàng gia.
- Phải phải, tôi biết, - D’Artagnan nói - nhưng họ đã phải theo các hoàng thân mà không bảo cho chúng ta biết trước. Arthos và Aramis đã chơi tôi một vố làm tôi hết sức kinh ngạc. Hôm qua ta đã khám phá ra sự thật; hà tất gì hôm nay chúng ta còn phải đi tìm hiều điều khác nữa.
- Cậu thật sự nghi ngờ à? - Porthos hỏi.
- Về Aramis thì đúng vậy, từ khi hắn làm tu viện trưởng, bạn thân mến ơi, cậu không thể hình dung hắn bây giờ thế nào đâu. Hắn nhìn chúng ta vướng trên con đường dẫn dắt đến chức giám mục, cho nên có lẽ hắn sẽ chẳng phiền lòng nếu cần phải thủ tiêu chúng ta.
- A, về Aramis thì lại là chuyện khác, - Porthos nói, - và tôi chẳng lấy làm lạ.
- Ông de Beaufort cũng có thể đến lượt mình thử bắt chúng ta lắm chứ.
- Ô hay! Ông ta đã bắt được chúng mình và lại thả ra cơ mà. Với lại, chúng ta sẽ đề phòng, mang đủ vũ khí và mang theo Planchet với cây súng trường của hắn.
- Planchet là Fronde - D’Artagnan nói.
- Vứt mẹ nó những cuộc nội chiến đi? - Porthos kêu lên, - người ta không còn có thể tin cậy ở bạn bè hay người hầu nữa. A! Nếu như Mouston có đây! Còn có một người không bao giờ rời bỏ ta.
- Phải, chừng nào mà cậu còn giàu có. Này! Bạn thân mến ơi, chẳng phải là những cuộc nội chiến chia rẽ chúng ta; chẳng qua vì chúng ta không còn ở tuổi hai mươi nữa; vì những niềm hăng hái chân thành của tuổi trẻ đã mất đi rồi để nhường chỗ cho tiếng thì thầm của quyền lợi, cho hơi thở của tham vọng, cho những lời khuyên bảo của lòng ích kỉ. Phải, cậu nói có lý, ta cứ đi đến đó, Porthos ạ, nhưng ta phải vũ khí đầy đủ.
- Nếu không, họ sẽ bảo rằng chúng ta hoảng sợ. Ơ này, Planchet đâu?
Planchet xuất hiện.
- Thắng yên cương vào ngựa đi, và mang theo khẩu súng trường.
- Nhưng thưa ông, trước tiên, chúng ta đi chống lại ai?
- Chẳng chống lại ai cả, - D’Artagnan nói, - đó chỉ là một sự đề phòng trường hợp ta bị tấn công.
- Ông biết không, người ta muốn giết chết cái ông tham nghị Broussel tử tế, người cha của dân tộc ấy.
- A, thật ư? - D’Artagnan nói.
- Thật ạ. Nhưng ông đã được trả thù đích đáng, vì ông ta được mang trở về nhà trong tay dân chúng. Từ hôm qua, nhà ông ấy chẳng lúc nào vơi người: ông chủ giáo, ông de Longueville, hoàng thân de Côngty đã đến thăm ông Broussel. Bà de Chevreuse và bà de Vendôme cũng đã cho ghi tên mình đến thăm đấy. Và bây giờ, khi nào ông ta muốn…
- Khi nào ông ta muốn, thì sao?
Planchet bèn cất tiếng hát:
"Một cơn gió Fronde
Nổi từ sớm tinh mơ
Chắc là nó gầm thét
Chống lại Mazarin
Một cơn gió Fronde
Nổi từ sớm tinh mơ…"
D’Artagnan thì thầm với Porthos:
- Tôi chẳng còn ngạc nhiên về chuyện này nữa, khi bảo Mazarin đã rất mong là tôi cán chết hẳn vị tham nghị của lão thì hơn.
- Thưa ông, - Planchet nói, - Vậy ông hiểu rằng nếu như ông bảo tôi mang súng đi để làm một công việc gì đó giống như việc người ta đã mưu hại ông Broussel, thì…
- Không, cứ yên tâm. Nhưng cậu nghe nhưng chi tiết ấy ở đâu thế?
- Ồ! Từ nguồn đáng tin cậy. Tôi nghe Friquet nói.
- Friquet à? - D’Artagnan nói, - Tôi biết cái tên đó.
- Đó là con trai bà đầy tớ nhà ông Broussel; một thằng nhóc rất nhộn mà tôi xin bảo đảm với ông rằng không một cuộc bạo loạn nào nó chịu mất phần đâu.
- Có phải cái thằng lễ sinh ở nhà thở Đức Bà không? - D’Artagnan hỏi.
- Đứng nó đấy, Bazin che chở cho nó.
- A, a! Tôi biết, - D’Artagnan nói. - Và là thằng hầu quầy ở quán rượu phố Calandre chứ gì?
- Đúng thế.
- Thằng lỏi con ấy làm gì cho cậu? - Porthos hỏi.
- A, - D’Artagnan đáp, - nó đã cho tôi nhiều tin tức hay, và nếu có dịp, chắc nó sẽ còn cho nữa.
- Cho cậu, người đã suýt cán chết chủ nó ư?
- Đúng vậy.
Vào lúc ấy, Arthos và Aramis đi vào Paris, bằng lối cửa ô Saint-Antoine. Họ nghỉ ngơi ở dọc đường và vội vã đi để khỏi lỡ cuộc hẹn.
Chỉ có Bazin đi theo họ.
Ta còn nhớ rằng, Grimaud ở lại để săn sóc Mouston và đuổi kịp cậu tử tước trẻ de Bragelonne đang đi đến đội quân Flandre.
- Bây giờ, - Arthos nói, - chúng ta cần vào một quán trọ để mặc quần áo thị dân, cất súng ống, kiếm gươm và giải giáp cả tên hầu của chúng ta nữa.
- Ồ! Không làm thế được đâu, bá tước thân mến ơi, và việc này, tôi xin anh cho phép không những tôi không tán thành anh, mà còn thử khiến anh theo ý với tôi.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì đây là một cuộc hò hẹn chiến tranh mà chúng ta đang đi tới.
- Cậu muốn nói gì thế, Aramis?
- Tôi muốn nói rằng Quảng trường Hoàng gia là sự tiếp diễn của con đường cái lớn Vendôme chứ chẳng phải cái gì khác.
- Thế nào? Các bạn của chúng ta…
- Đang trở thành những kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta. Arthos, tin ở tôi, chúng ta phải phòng ngừa, và nhất là anh hãy phòng ngừa.
- Ô! D’Herblay thân mến của tôi! Ai bảo anh rằng D’Artagnan không đổ tất cả thất bại của hắn lên đầu chúng ta và không báo trước cho giáo chủ biết? Ai bảo anh rằng giáo chủ không lợi dụng cuộc hẹn hò ấy để cho tóm cổ chúng ta?
- Sao? Aramis, cậu nghĩ rằng D’Artagnan và Porthos tiếp tay cho một sự ô nhục như vậy ư?
- Arthos thân mến ơi, giữa bạn bè với nhau thì anh nói đúng, đó là một sự ô nhục; nhưng giữa những kẻ thù địch thì đó là một mưu kế.
Arthos khoanh tay và để gục cái đầu tuấn tú xuống trước ngực.
- Biết làm thế nào được, Arthos ơi? Con người ta sinh ra như vậy, và không phải bao giờ cũng ở tuổi hai mươi. Anh thấy đấy, chúng ta đã làm tổn thương một cách tàn nhẫn lòng tự ái nó điều khiển mù quáng những hành động của D’Artagnan. Hắn bị bại trận. Anh đã chẳng nghe hơi thở than tuyệt vọng trên đường sao? Còn về Porthos, danh hiệu Nam tước của hắn có lẽ tùy thuộc ở sự thành công của việc này. Thế đây? Hắn đã gặp chúng ta cản trở con đường đi của hắn và sẽ chưa được là Nam tước lần này đâu. Ai bảo anh rằng cái tước, thứ năm trứ danh ấy không dựa vào cuộc hội kiến chiều nay của chúng ta? Ta nên đề phòng, Arthos ạ.
- Nhưng nếu họ đến mà không mang vũ khí thì sao? Thật xấu hổ cho chúng ta biết chừng nào.
- Cứ yên tâm, bạn thân mến ơi, tôi xin cam đoan rằng sẽ không như vậy đâu. Vả chăng chúng ta có cớ để nói thác là chúng ta đi du hành tới và chúng ta là kẻ phiến loạn? Một cớ nói thác cho chúng ta! Cần phải dự kiến trường hợp chúng ta cần xin lỗi D’Artagnan và Porthos!
- Ôi! Aramis Aramis ơi, - Arthos vừa buồn rầu lắc đầu vừa nói tiếp - xin lấy linh hồn ra mà thề rằng cậu làm cho tôi thành kẻ khổ sở nhất trần đời. Cậu làm thất vọng một trái tim đã không hoàn toàn chết ở tình bạn. Này, Aramis, tôi xin thề là thà người ta dứt nó ra khỏi lồng ngực của tôi còn hơn. Aramis, cậu đi đến đó thế nào thì tùy cậu. Còn tôi, tôi sẽ đi mà không mang vũ khí.
- Không, tôi sẽ không để anh đi như vậy đâu: Sẽ không còn là một con người, không còn là Arthos, không còn là Bá tước de La Fère nữa mà anh phản bội bằng sự yếu đuối ấy; đây là cả một đảng phái mà anh thuộc vào nó và nó tin cậy ở anh.
- Thôi thì đành làm theo lời cậu vậy, - Arthos buồn rầu đáp.
Và họ tiếp tục đi.
Qua phố Bước Con La(1), vừa đến hàng rào sắt của bãi vắng, họ trông thấy ở dưới cửa tò vò, chỗ phố Sainte Catherine đổ ra, ba kỵ sĩ.
(1) Bước Con La: Pas-de-la-Mule
Đó là D’Artagnan và Porthos đang bước đi, áo choàng bị chuôi kiếm vén lên. Planchet đi đằng sau họ, súng trường thõng xuống đùi.
Nhìn thấy D’Artagnan và Porthos, Arthos và Aramis xuống ngựa.
Phía bên kia cũng vậy. D’Artagnan nhận thấy ba con ngựa kia đáng lẽ do Bazin giữ thì lại buộc ở các vòng của cổng tò vò và anh bảo Planchet cũng làm như thế.
Rồi họ tiến đến gần nhau hai người này đối diện với hai người kia, và chào nhau lễ phép.
Chợt Arthos trông thấy nhiều người dừng chân và nhìn bọn họ, giống như đây là một trong những cuộc đấu kiếm trứ danh vẫn còn sống động trong trí nhớ những người dân Paris, nhất là những người ở gần Quảng trường Hoàng gia, Anh nói:
- Này các ông ơi, các ông thích chúng ta trò chuyện với nhau ở đâu?
- Cổng rào khóa, - Aramis nói, - nhưng nếu như các ông thích mát dưới bóng cây và một sự tĩnh mịch không thể vi phạm, thì tôi sẽ lấy chìa khóa ở dinh Rôhan và chúng ta sẽ toại nguyện.
D’Artagnan phóng tầm mắt vào trong bóng tối của quảng trường, và Porthos thử chui dầu vào hai song sắt để dò bóng đêm.
Với cái giọng thanh cao và dễ thuyết phục, Arthos nói:
- Nếu các ông thích một nơi khác, thì xin cứ tự chọn.
Aramis lập tức tránh ra và dặn dò Arthos chớ đứng một mình ở trong tầm tay D’Artagnan và Porthos; nhưng kẻ được ban lời khuyên răn ấy chỉ cười vẻ khinh khi và tiến một bước về phía các bạn cũ đang đứng nguyên tại chỗ.
Quả thật Aramis đã đến gõ cửa dinh Rôhan; một người hiện ra cùng với anh, nói.
- Thưa ông, ông thề với tôi chứ?
- Cầm lấy, - Aramis đưa ra một đồng louis và bảo.
- A! Vị quý tộc của tôi, ông không muốn thề à? - Người gác cổng vừa nói vừa lắc đầu.
- Ô, có gì mà thề với thốt cơ chứ, - Aramis nói. - Tôi chỉ khẳng định với bác rằng cho đến giờ phút này các ông kia vẫn là bạn chúng tôi.
- Phải rồi, tất nhiên? - Arthos, D’Artagnan và Porthos lạnh lùng nói.
D’Artagnan đã nghe thấy cuộc đối thoại và hiểu rõ.
- Cậu có thấy không? - Anh hỏi Porthos.
- Thấy cái gì nhỉ?
- Hắn không muốn thề.
- Thề cái gì?
- Người gác cổng kia muốn Aramis thề rằng chúng ta vào Quảng trường Hoàng gia không phải để đánh nhau.
- Không thấy.
- Thế thì phải cẩn thận.
Arthos không rời mắt khỏi hai người đang nói.
Aramis mở cổng và né ra để D’Artagnan bước vào.
Khi vào, chuôi kiếm của D’Artagnan mắc vào cổng rào, buộc anh phải phanh áo choàng ra. Thế là anh để lộ cái báng súng ngắn bóng loáng ánh trắng.
Aramis bèn một tay chạm vai Arthos, một tay trỏ cho anh xem khẩu súng đeo ở đây lưng D’Artagnan.
- Chao ôi! Phải rồi, - Arthos nói và buông một tiếng thở dài não ruột. Và là người thứ ba đi vào. Aramis vào cuối cùng và đóng cổng lại. Hai kẻ hầu ở bên ngoài; nhưng do họ cũng ngờ vực lẫn nhau, nên đứng cách xa nhau.