Hai mươi năm sau - Chương 34 + 35

Chương 34

Xá tội

Việc ấy diễn ra như thế nào?

Chúng ta đã thấy chẳng phải do tự nguyện, mà trái hẳn lại, vì miễn cưỡng mà gã mục sư phải đi theo kẻ bị thương được gửi gắm cho gã một cách đến là kỳ cục. Có lẽ hắn đã tìm cách chạy trốn nếu có thể được; nhưng những lời dọa nạt của hai người quý tộc, đám tùy tùng ở ngay cạnh họ và chắc đã được dặn là chẳng nên tỏ ra ác ý quá đã khiến gã mục sư đóng vai người nghe xưng tội cho đến nơi đến chốn. Và khi đã vào buồng rồi, hắn đến bên giường kẻ bị thương.

Bằng một cái nhìn mau lẹ đặc biệt ở những kẻ sắp chết do đó không có thì giờ để mất, gã đao phủ ngắm nghía khuôn mặt của kẻ sẽ là người an ủi mình; rồi tỏ vẻ kinh ngạc nói:

- Thưa cha, cha hãy còn trẻ thế?

- Những người mặc chiếc áo như của tôi không có tuổi, viên mục sư khô khan đáp.

- Chao ôi! - Kẻ bị thương nói, - xin cha hãy nói năng với tôi nhẹ nhàng hơn một chút; tôi cần có một người bạn trong lúc lâm chung này.

- Ông đau đớn lắm à? - Mục sư hỏi.

- Vâng, nhưng đau đớn linh hồn nhiều hơn thể xác.

- Ta sẽ cứu vớt linh hồn cho ông, - người trẻ tuổi nói, - nhưng có thật ông là đao phủ xứ Béthune như những người kia nói không?

Chắc hắn sợ rằng cái tiếng đao phủ sẽ xua đi những việc giúp cuối cùng mà mình cầu xin, kẻ bị nạn vội vàng nói:

- Nghĩa là tôi đã làm nghề ấy, nhưng bây giờ thì không làm nữa tôi đã bỏ nghề mười lăm năm rồi. Tôi vẫn còn dự những cuộc hành quyết, nhưng tự tôi không làm, ồ, không!

- Vậy là ông kinh sợ cái nghề của ông à?

Gã đao phủ buông một tiếng thở dài, rồi nói:

- Chừng nào mà tôi còn hạ thủ nhân danh pháp luật và công lý thì cái nghề của tôi vẫn cho tôi ngủ yên vì được núp dưới bóng công lý và luật pháp. Nhưng từ cái đêm khủng khiếp mà tôi được dùng làm công cụ cho một cuộc trả thù riêng và tôi đã vung dao với lòng căm ghét lên một tạo vật của Chúa, thì từ ngày ấy…

Gã đao phủ ngừng lời và lắc đầu một cách tuyệt vọng.

Mục sư ngồi ở chân giường kẻ bị thương bắt đầu quan tâm đến câu chuyện kể ra một cách thật lạ lùng.

Với tất cả sức bật của một nỗi đau khổ từ lâu dồn nén lại nay cuối cùng bộc lộ ra, kẻ sắp lìa đời kêu lên:

- Ôi, tôi cũng đã cố dập tắt nỗi hồi hận bằng hai mươi năm làm việc thiện; tôi đã lột bỏ tính tàn bạo tự nhiên cho những kẻ đổ máu; trong mọi cơ hội, tôi đã liều thân để cứu tính mạng của những kẻ lâm nguy và tôi đã giữ gìn cho cõi trần những kiếp người để đổi lại những kiếp sống mà tôi đã cướp đi. Chưa phải đã hết: của cải thu được trong việc hành nghề của tôi, tôi đem chia cho những kẻ nghèo. Tôi chăm đi lễ nhà thờ, những người trước lẩn tránh tôi đã quen nhìn tôi. Mọi người đã tha thứ cho tôi, vài người còn yêu mến tôi nữa. Nhưng tôi chắc rằng Chúa đã không tha thứ cho tôi vì rằng cái kỉ niệm về cuộc hành quyết ấy cứ theo đuổi tôi mãi, và dường như đêm nào tôi cũng thấy hiện lên trước mặt tôi quái tượng của người đàn bà ấy.

- Một người đàn bà! Thế ra ông đã ám sát một người đàn bà? - Mục sư kêu lên.

- Thì ra ông cũng vậy? - Gã đao phủ nói - Ông đã dùng một từ nó vang bên tai tôi: ám sát? Vậy là tôi đã ám sát, chứ không phải hành quyết. Vậy tôi là một kẻ sát nhân, chứ không phải là một kẻ xử tội!

Hắn nhắm mắt lại và buông ra một tiếng rên rỉ. Hẳn là sợ hắn chết mà không nói thêm được gì, mục sư vội vàng bảo:

- Tiếp tục đi, tôi không biết gì về chuyện đó cả. Khi nào ông kể hết, Chúa và tôi sẽ phán xử.

Như sợ mở mắt ra là lại trông thấy một vật gì đó hãi hùng, gã đao phủ vẫn nhắm mắt kể tiếp:

- Ôi thưa cha, nhất là ban đêm mà tôi đi qua sông thì nỗi kinh hoàng mà tôi không thể thắng nổi lại càng tăng gấp bội; lúc ấy bàn tay tôi nặng trĩu cứ như vẫn còn cầm thanh đao; nước sông trở thành màu máu, và tất cả những tiếng nói của thiên nhiên, tiếng cây cối xào xạc, tiếng gió thổi rì rào, tiếng sóng vỗ ì ộp, tất cả hòa thành một tiếng khóc than, tuyệt vọng, kinh hồn thét vào tai tôi: "Hãy để cho công lý của Thượng đế phán xử."

- Mê sảng? - Mục sư lẩm bẩm và lắc đầu.

Đao phủ mở choàng mắt, cố xoay mình về phía mục sư và nắm lấy cánh tay mà nói:

- Mê sảng, ông bảo thế à? Ồ, không đâu, vì rằng đó là buổi tối, vì rằng tôi đã ném xác người ấy xuống sông, vì rằng những lời lẽ mà niềm hối hận nhắc lại với tôi những lời lẽ ấy chính tôi đã thốt ra trong niềm kiêu hãnh; sau khi là công cụ của công lý con người, tôi tưởng rằng mình đã trở thành công cụ của công lý Thượng đế!

- Nhưng này, chuyện ấy xảy ra thế nào nhỉ? - Mục sư hỏi.

- Vào một buổi tối một người đàn ông đến tìm tôi, đưa cho tôi xem một tờ lệnh, tôi đi theo ông ta. Bốn vị lãnh chúa khác chờ tôi. Họ che mặt tôi và dẫn tôi đến. Tôi vẫn dành quyền phản đối, nếu như công việc mà họ bắt tôi làm tỏ ra không đúng. Chúng tôi đi chửng năm sáu dặm đường, buồn thảm, lặng lẽ và hầu như chẳng nói một lời. Cuối cùng qua cửa sổ một căn nhà tranh nhỏ, họ trỏ cho tôi trông thấy một người đàn bà đang ngồi tì tay lên bàn và bảo tôi: "Đó là người cần phải hành quyết."

- Kinh khủng! - Mục sư nói. - Và ông đã tuân theo?

- Thưa cha, người đàn bà ấy là một con quái vật: người ta nói mụ đã đầu độc người chồng thứ hai của mình mưu toan ám sát anh chồng mình, ông này cũng có mặt trong số những người ở đây; mụ vừa mới đầu độc chết một thiếu phụ trẻ là tình địch của mụ, và người ta còn nói là trước khi rời nước Anh, mụ còn sai người đâm chết vị sủng thần của vua.

- Buckingham? - Mục sư kêu lên.

- Phải, Buckingham, đúng thế.

- Người đàn bà ấy là người Anh phải không?

- Không, là người Pháp, nhưng lấy chồng ở Anh.

Mục sư tái mặt đi và lau mồ hôi trán, rồi ra cài chốt cửa lại. Đao phủ tưởng gã bỏ rời mình lại nằm vật ra giường mà rên rỉ.

- Không, không, tôi đây - mục sư nói và vội vàng trở lại bên giường. - Kể tiếp đi, những người đàn ông ấy là ai?

- Một là người ngoại quốc, người Anh thì phải. Bốn người kia là người Pháp và mặc binh phục ngự lâm quân.

- Tên họ là gì? - Mục sư hỏi.

- Tôi không biết. Song bốn vị công hầu kia gọi người Anh là Milordr.

- Người đàn bà ấy có đẹp không?

- Trẻ và đẹp! À phải, nhất là đẹp. Tôi vẫn còn như trông thấy bà ta lúc quỳ dưới chân tôi, bà ta cầu nguyện, đầu ngửa ra đằng sau. Từ đấy tôi không bao giờ hiểu nổi làm sao mà tôi lại chém một cái đầu xinh đẹp và tái xanh đến thế.

Mục sư như bị một nỗi xúc động lạ lùng: chân tay run lên bần bật; miệng muốn hỏi một câu mà không dám.

Cuối cùng sau một cố gắng mãnh liệt, gã nói:

- Tên người đàn bà ấy là gì?

- Tôi không biết. Như tôi đã nói, bà ta lấy chồng hai lần. Một lần ở Pháp, một lần ở Anh.

- Ông bảo bà ta còn trẻ à?

- Hai mươi lăm tuổi.

- Xinh đẹp à?

- Mê hồn.

- Tóc hoe vàng?

- Phải.

- Tóc rậm phải không, và xõa xuống ngang vai?

- Phải.

- Mắt có nét biểu hiện tuyệt vời phải không?

- Khi nào bà ta muốn. Ồ, phải đúng như thế.

- Giọng nói dịu dàng kỳ lạ.

- Làm thế nào mà ông biết được.

Đao phủ chống tay lên giường và đưa mắt kinh hãi nhìn chằm chằm vào mục sư đang tái nhợt đi.

- Và ông đã giết bà ta? - Mục sư nói - Ông đã làm công cụ cho những kẻ hèn nhát ấy, chứng không dám tự mình giết bà ta! Ông đã không thương hại cái tuổi trẻ ấy, cái nhan sắc ấy, cái sự yếu đuối ấy!

- Ông đã giết người đàn bà ấy!

- Than ôi! - Đao phủ lại nói, - Thưa cha, tôi đã nói rằng người đàn bà ấy, dưới cái vỏ thiên thần ấy, che giấu một linh hồn địa ngục, và khi tôi trông thấy mụ ấy, khi tôi nhớ lại tất cả những tội ác mà mụ ta đã gây ra với bản thân tôi…

- Với ông à? Thế bà ta đã có thể làm gì với ông? Nào!

Mụ ta đã quyến rũ và làm hại em tôi là một linh mục mụ cùng với hắn trốn khỏi tu viện.

- Với em ông à?

- Phải. Em trai tôi là tình nhân đầu tiên của mụ, mụ là nguyên nhân cái chết của em tôi. Ôi, thưa cha, xin cha đừng nhìn tôi như vậy! Ôi! Vậy tôi là kẻ phạm tội ư? Ôi! Cha không tha thứ cho tôi ư?

Mục sư sửa lại nét mặt cho nghiêm và nói:

- Có chứ, có chứ! Tôi sẽ tha thứ cho ông, nếu ông kể cho tôi nghe tất cả!

- Ôi! - Đao phủ kêu. - Tất cả! Tất cả! Tất cả!

- Thế thì hãy trả lời. Nếu như bà ta đã quyến rũ em ông… ông nói là bà ta quyến rũ em ông chứ gì?

- Vâng.

- Thể thì ông phải biết rõ tên thời con gái của bà ta chứ?

- Ôi lạy Chúa! - gã đao phủ kêu lên! - Hình như tội sắp chết đến nơi rồi. Xá tội, cha ơi! Xá tội!

- Hãy nói tên bà ta! - Mục sư bảo. - Và ta sẽ xá tội cho.

- Bà ta tên là… lạy Chúa hãy thương con? - Đao phủ lầm bầm. Và hắn nằm vật ra giường, tải mét, rùng mình như người sắp chết hẳn.

Gã mục sư cúi mình xuống tên đao phủ như muốn dứt ra cái tên ấy từ lưỡi hắn nếu hắn không muốn nói.

Gã bảo:

- Tên bà ta là gì? Tên bà ta!… Nói đi nếu không thì không có xá tội gì hết.

Kẻ sắp chết như gom hết sức mình lại.

Cặp mắt mục sư lóe sáng.

- Anne de Bueil? - Kẻ bị thương lẩm bẩm.

- Anne de Bueil! - Mục sư kêu lên và vừa đứng bật dậy vừa giơ hai tay lên trời, - Anne de Bueil? Mi nói đúng Anne de Bueil phải không?

- Phải, phải, chính tên bà ta, và bây giờ hãy xá tội cho tôi, vì tôi đang chết đây.

- Ta xá tội cho mi! - Gã mục sư kêu lên với một cái cười ghê rợn làm dựng đứng tóc gáy kẻ sắp chết. - Ta xá tội cho mi ư? Ta không phải là linh mục?

- Ông không phải là linh mục ư? - Tên đao phủ kêu lên - Thế ông là vậy?

- Ta sẽ nói cho mi biết, tên khốn kiếp!

- Ôi, lạy Chúa! Lạy chúa!

- Ta là John Francis de Winter!

- Tôi không biết ông? - Đao phủ nói.

- Đợi đấy, đợi đấy mi sẽ biết về ta: ta là John Francis de Winter; còn người đàn bà ấy….

- Sao! Người đàn bà ấy…?

- Là mẹ của ta.

Tên đao phủ thét lên tiếng kêu thứ nhất, tiếng kêu khủng khiếp mà người ta nghe thấy trước tiên.

- Ôi! Hãy tha thứ cho tôi, hãy tha thứ cho tôi - hắn lẩm bẩm, - nếu không phải là nhân danh Chúa thì ít ra là nhân danh ông, nếu không phải là với tư cách linh mục thì ít ra với tư cách con trai bà.

- Tha thứ cho mi ư? - Gã mục sư quát - Tha thứ cho mi ư? Chúa có lẽ làm như vậy, nhưng ta thì không bao giờ?

- Vì lòng thương, - tên đao phủ vừa nói vừa giơ tay về phía gã.

- Không có lòng thương đối với kẻ đã không có lòng thương. Mi hãy chết mà không được sám hối, chết tuyệt vọng và bị đày xuống địa ngục!

Rồi rút từ trong áo dài ra một con dao găm, hắn đâm vào ngực tên đao phủ mà nói:

- Này, xá tội của ta đây!

Đó là lúc người ta nghe tiếng kêu thứ hai yếu ớt hơn tiếng kêu thứ nhất và kèm theo một tiếng rên rỉ dài.

Tên đao phủ nhổm người lên, rồi ngã vật xuống giường. Còn gã mục sư chẳng rút con dao ra khỏi vết thương, chạy tới cửa sổ, mở ra, nhảy xuống vườn hoa, tuồn ra chuồng ngựa, chộp lấy con la, chuồn ra cổng sau, phóng một mạch cho đến một khóm rừng, cởi bỏ cái áo mục sư, lấy ở va-li ra một bộ đồ kỵ sĩ mặc vào, đi bộ đến bưu trạm gần nhất, lấy một con ngựa và dong cương phóng thẳng trên con đường về Paris.

Chương 35

Grimaud nói

Grimaud đứng một mình bên cạnh người đao phủ. Chủ quán đi gọi cấp cứu; vợ bác cầu nguyện.

Một lát sau kẻ bị thương mở mắt.

- Cứu giúp tôi với? Cứu giúp tôi với! - Hắn lẩm bẩm.

- Ôi, lạy Chúa? Lạy Chúa! Thế là tôi chẳng tìm được ở trên đời này một người bạn đã giúp tôi sống hoặc giúp tôi chết hay sao?

Và hắn cố đưa bàn tay lên ngực; bàn tay đụng phải cái đốc dao găm.

- A! - Hắn nói như một người chợt nhớ ra. Và lại để cánh tay rơi xuống bên mình.

- Hãy cố gắng nhé - Grimaud bảo - đang cho đi gọi cấp cứu.

- Ông là ai thế? - Kẻ bị nạn giương trừng trừng đôi mắt nhìn Grimaud và hỏi:

- Một người quen cũ, - Grimaud đáp.

- Ông ư?

Kẻ bị nạn đang cố nhớ lại nét mặt người đang nói với mình và hỏi:

- Chúng ta đã gặp nhau trong hoàn cảnh nào nhỉ?

- Một đêm cách đây hai mươi năm; ông chú tôi đã đến tìm ông ở Béthune và dẫn ông đến Armentières.

- Tôi nhận ra ông rồi, - đao phủ nói, - ông là một trong số bốn người hầu.

- Phải rồi.

- Ông từ đâu đến đây?

- Tôi đi qua đường và dừng lại ở quán này để cho ngựa nghỉ ngơi. Người ta kể cho tôi nghe rằng người đao phủ xứ Béthune bị thương đang nằm ở đây, thì ông thét lên hai tiếng. Nghe tiếng đầu tiên chúng tôi chạy lại, nghe tiếng thứ hai chúng tôi phá cửa vào.

- Thế còn mục sư - đao phủ hỏi, - Ông có trông thấy mục sư không?

- Mục sư nào?

- Mục sư ngồi trong buồng này với tôi ấy.

- Không, hắn không còn đây nữa? Hình như nó đã trốn qua cửa sổ. Phải chăng chính hắn đã đâm ông?

- Phải.

Grimaud toan đi ra.

- Ông định làm gì thế? - Kẻ bị nạn hỏi.

- Phải đuổi theo nó.

- Phải đề phòng cẩn thận đấy, - đao phủ nói.

- Tại sao vậy?

- Hắn trả thù và hắn đã làm được. Giờ đây tôi hi vọng Chúa sẽ tha thứ cho tôi, bởi vì đã có sự chuộc tội.

- Ông cắt nghĩa xem nào, - Grimaud nói.

- Người đàn bà kia mà các ông và chủ của các ông sai tôi giết…

- Milady?

- Phải rồi, Milady, đúng thế, các ông gọi như vậy mà.

- Có liên quan gì giữa Milady và gã mục sư.

- Mẹ của nó đấy.

Grimaud lảo đảo và nhìn kẻ sắp chết bằng con mắt mờ xỉn và ngậy dại.

- Mẹ của nó đấy! - Bác nhắc lại. - Phải, chính mẹ nó.

- Thế nó biết điều bí mật ấy à?

- Tôi ngỡ nó là mục sư, nên khi xưng tội đã bộc lộ ra chuyện ấy.

- Khốn khổ chưa? - Grimaud kêu lên, tóc bác đẫm mồ hôi khi nghĩ đến việc bộc lộ ấy có thể gây ra những hậu Pomme-de-Pin như thế nào. – Khốn khổ chưa! Ông không nói ra tên ai chứ?

- Không, vì tôi chẳng biết một tên nào cả, trừ cái tên thời con gái của mẹ hắn, và cũng vì cái tên ấy mà hắn đã nhận ra mẹ mình nhưng hắn biết rằng ông bác của hắn ở trong số những người xử tội.

Và kẻ bị nạn lại xỉu đi vì kiệt sức. Grimaud muốn giúp và đưa bàn tay đến cán con dao.

- Đừng có đụng vào - đao phủ nói, - nếu rút con dao ra là tôi sẽ chết ngay.

Grimaud vẫn giơ ra, rồi bỗng nhiên đập vào trán mình mà nói:

- A! Nếu như bây giờ mà kẻ ấy biết những người kia là ai, thì chủ mình nguy to.

- Gấp lên, gấp lên nào! - Người đao phủ kêu lên, - hãy báo gấp cho ông chủ biết nếu ông ấy còn sống; hãy bảo cho các bạn của ông ấy nữa. Hãy tin rẳng cái chết của tôi sẽ không phải là sự kết thúc của câu chuyện phiêu lưu khủng khiếp ấy đâu.

- Hắn đi đâu? - Grimaud hỏi.

- Về phía Paris.

- Ai đã ngăn hắn lại?

Hai nhà quý tộc trẻ đang đi tới quân đội. Một người được bạn kia gọi là tử tước de Bragelonne.

- Và chính người thanh niên ấy đã dẫn gã mục sư đến cho ông à?

- Phải.

Grimaud ngước mắt lên nhìn trời nói:

- Phải chăng đó là ý Chúa?

- Tất nhiên rồi, - kẻ bị thương nói.

- Thế thì kinh hãi thật, - Grimaud lẩm bẩm. - Tuy nhiên mụ đàn bà ấy cũng đáng kiếp. Ý kiến ông không phải thế nữa sao?

- Vào lúc chết, - gã đao phủ lại nói, - người ta thấy tội ác của các kẻ khác chẳng thấm vào đâu so với những tội ác của mình.

Và hắn kiệt sức, nhắm mắt lại.

Grimaud đang bị giằng co giữa lòng thương hại không cho bác để mặc người đó không được cứu chữa và nỗi lo sợ giục giã bác phải đi ngay để mang cái tin mới mẻ này đến cho bá tước de La Fère thì nghe có tiếng động ở hành lang và trông thấy chủ quán trở về cùng với nhà phẫu thuật mà cuối cùng người ta đã tìm được Nhiều người tò mò đi theo sau; tin đồn về sự biến lạ lùng này bắt đầu lan rộng.

Nhà phẫu thuật đến gần kẻ bị nạn hình như đã ngất.

- Trước hết phải rút con dao ra khỏi ngực đã. - Ông ta vừa nói vừa lắc đầu một cách đầy ý nghĩa.

Grimaud nhớ đến điều tiên đoán mà kẻ bị thương vừa mới nói lúc nãy và quay mặt đi.

Nhà phẫu thuật phanh chiếc áo chẽn ngoài, xé áo sơ-mi và để lộ ngực trần của nạn nhân ra.

- Chúng tôi đã nói là lưỡi dao cắm ngập đến tận cán.

Nhả phẫu thuật cầm mỏm chuôi dao; ông từ từ rút ra và kẻ bị nạn mở mắt ra trừng trừng trông đến thật kinh hãi. Khi lưỡi dao rút ra hẳn, một đám bọt hồng hồng trào ra quanh miệng kẻ bị thương, rồi lúc người ấy thở, một dòng máu từ vết thương vọt ra. Kẻ bị thương nhìn chằm chằm vào Grimaud với một vẻ biểu hiện rất lạ lùng, buông ra rnột tiếng rên bị tắc nghẹn và tắt thở ngay lập tức.

- Thế là Grimaud nhặt lấy con dao găm đầy máu me nó làm cho tất cả mọi người kinh sợ rồi bác ra hiệu gọi chủ quán đến, trả tiền với sự hào phóng thật xứng đáng với chủ mình và lên ngựa.

Lúc đầu Grimaud toan quay trở lại Paris ngay; nhưng rồi bác nghĩ Raoul sẽ lo lắng về sự vắng mặt kéo dài của bác; bác nhớ là Raoul ở cách chỗ bác lúc này có hai dặm, trong mười lăm phút là bác sẽ tới, rồi vừa đi vừa trở lại vừa giải thích cũng chẳng đến một tiếng đồng hồ; thế là bác cho ngựa phi nước đại và mười phút sau bác đã đến quán Con la đội miện(1), cái quán duy nhất ở Mazingarbe.

(1)Con la đội miện= Mulet-Couronné.

Mới trao đổi mấy câu với chủ quán, bác đã biết chắc là đã theo kịp người mình đang tìm.

Raoul đang ngồi bàn ăn cùng với bá tước de Guise và viên quản lý nhưng câu chuyện phiêu lưu buồn thảm ban sớm vẫn để lại trên hai vầng trán trẻ một nét ưu sầu mà sự vui nhộn của ông Arminges vững vàng hơn họ do đã quen nhìn thấy những cảnh tượng như vậy, cũng không xua tan nổi.

Bỗng nhiên cửa mở và Grimaud xuất hiện, mặt tái xanh, người đầy bụi bậm và vẫn áo còn nhuốm máu của kẻ bị thương khốn khổ.

- Grimaud, bác Grimaud hiền lành của tôi ơi, - Raoul reo lên, - cuối cùng, bác đến đây rồi. Xin lỗi các ông nhé, đây không phải người hầu mà là một người bạn.

Rồi đứng lên và chạy tới bác, anh nói tiếp:

- Bá tước thế nào? Ông có nhớ tôi chút nào không? Bác có gặp bá tước từ sau khi chúng tôi chia tay nhau không? Bác trả lời đi. Về phần tôi cũng có rất nhiều điều nói với bác đấy. Này chỉ mới ba ngày thôi mà đã xảy đến với chúng tôi bao nhiêu là chuyện rắc rối. Ơ, nhưng mà bác làm sao thế? Trông bác tái mét đi? Lại máu nữa kìa! Máu ở đâu ra?

- Pomme-de-Pin thật là có máu! - Bá tước de Guise nói và đứng dậy. – Bác có bị thương không, ông bạn của tôi?

- Không đâu, ông ạ, - Grimaud đáp, - đây không phải là máu của tôi:

- Thế máu của ai? - Raoul hỏi.

- Đó là máu của kẻ khốn khổ mà ông đã để lại ở quán hàng và hẳn đã chết ở trong tay tôi.

- Ở trong tay bác? Cái người ấy à! Nhưng bác có biết đó là ai không?

- Có. - Grimaud đáp.

- Đấy là đao phủ cũ ở Béthune.

- Tôi biết.

- Bác quen hắn à?

- Tôi quen hắn.

- Hắn chết rồi ư?

- Rồi.

Hai thanh niên nhìn nhau.

- Biết làm thế nào, các ông ơi, - Arminges nói, - đó là quy luật chung, và đã làm đao phủ người ta chẳng vì thế mà được miễn bị đao phủ giết. Cái lúc tôi trông thấy vết thương của hắn, tôi đã có ý nghĩ không hay về nó rồi, và các ông biết đấy, đó là quan niệm riêng của hắn bởi vì hắn cứ nằng nặc đòi một mục sư.

Nghe tiếng mục sư, Grimaud tái mặt.

Giống như mọi người ở thời ấy và nhất là ở lứa tuổi như mình, Arminges không chấp nhận sự mẫn cảm giữa hai công việc, ông nói:

- Thôi, thôi, ta vào bàn ăn đi!

- Vâng, ông nói phải đấy! - Raoul đáp. - Nào Grimaud, bác bảo họ dọn cho bác ăn đi; cứ đặt, cứ gọi và sau khi bác đã nghỉ ngơi, ta sẽ nói chuyện.

- Không, ông ạ, không, - Grimaud nói - tôi không thể dừng lại đây một lát nào cả, tôi cần phải trở lại Paris.

- Thế nào, bác trở lại Paris ư? Bác lầm rồi, chính Olivain mới trở về, còn bác, bác ở lại.

- Trái lại, chính Olivain mới ở lại còn tôi đi về. Tôi đến đây chỉ cốt để báo cho ông biết điều đó.

- Nhưng do đâu mà có sự thay đổi ấy.

- Tôi không thể nói với ông được.

- Bác hãy nói rõ đi.

- Tôi không thể nói rõ được.

- Này, bác đùa đấy ư?

- Ông Tử tước biết rằng tôi không đùa bao giờ.

- Ừ, nhưng tôi cũng biết rằng Bá tước de La Fère đã nói là bác sẽ ở lại với tôi, còn Olivain sẽ trở lại Paris. Tôi sẽ theo lệnh của bá tước.

- Trong trường hợp này thì không, ông ạ.

- Tại sao mà bác không tuân lời tôi ư?

- Vâng, thưa ông, cần phải như thế.

- Vậy là bác vẫn khăng khăng?

- Vậy là tôi cứ đi; chúc ông Tử tước may mắn.

Grimaud chào và quay ra cửa. Raoul vừa tức giận vừa lo lắng, chạy theo và nắm tay giữ bác lại.

- Grimaud, - Raoul kêu lên - Hãy ở lại, tôi muốn vậy.

- Thế là, - Grimaud nói, - Ông muốn tôi để mặc bá tước bị giết hay sao?

Grimaud chào và sắp sửa đi ra, Tử tước vội nói:

- Grimaud, bạn của tôi ơi, bác sẽ không ra đi như vậy, bác sẽ không để mặc tôi trong một nỗi lo lắng dường này. Grimaud, nói đi, nói đi nào, nhân danh Chúa trời! - và Raoul lảo đảo rơi mình xuống chiếc ghế bành.

- Ông ơi, tôi có thể nói với ông một điều thôi, bởi vì bí mật mà ông hỏi không thuộc về tôi. Ông đã gặp mục sư phải không?

- Phải.

Hai chàng thanh niên nhìn nhau hoảng hốt.

- Ông dẫn hắn đến bên người bị thương?

- Phải.

- Ông có thì giờ để nhìn hắn chứ?

- Phải.

- Và nếu có bao giờ gặp lại hắn, có thể ông sẽ nhận ra hắn chứ?

- Ồ, có chứ, tôi xin thề như vậy, - Raoul đáp.

- Cả tôi nữa, - de Guise nói.

- Vậy thì nếu có bao giờ gặp hắn, - Grimaud nói, - dù bất cứ ở đâu, trên đường cái, trong phố xá, tại nhà thờ, ở chỗ nào có hắn và có các ông, thì hãy giẫm chân lên xéo nát hắn, không thương hại, không dung tha, như ông sẽ làm đối với một con rắn, một con rắn hổ mang một con rắn độc; hãy nghiền nát nó ra và chỉ bỏ đi khi nào nó chết hẳn. Chừng nào nó còn sống thì tôi thấy tính mạng của năm con người còn bấp bênh lắm.

Rồi không nói thêm một lời, thừa lúc mấy người còn đang ngơ ngác và kinh hoàng về cái điều bác vừa kể, Grimaud băng mình ra khỏi phòng.

- Này bá tước ơi, - Raoul quay về phía de Guise và nói - tôi đã chẳng nói với anh rằng cái tên mục sư ấy gây tác động với tôi đúng như một con rắn là gì!

Hai phút sau có tiếng ngựa phi nước đại trên đường cái. Raoul chạy ra cửa sổ xem.

Đó là Grimaud lên đường về Paris. Bác vẫy mũ chào tử tước và phút chốc đã khuất ở góc đường.

Trên đường, Grimaud suy nghĩ về hai điều: thứ nhất là cứ cái đà chạy này thì ngựa không đi nổi mười dặm.

Thứ hai là bác không còn tiền.

Nhưng Grimaud càng nói ít thì tưởng tượng càng phong phủ.

Đến bưu trạm đầu tiên mà bác gặp, bác bán phăng con ngựa đi và lấy tiền đi xe trạm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3