Hai mươi năm sau - Chương 39
Chương 39
Bức thư của Cromwell
Vào lúc bà Henriette rời tu viện Carmélites để đi đến Hoàng cung thì một kỵ sĩ xuống ngựa ở trước cung vua và báo cho lính gác rằng y có một việc đại sự cần nói với tể tướng Mazarin.
Mặc dầu giáo chủ vẫn thường hay lo sợ, nhưng vì cần được nghe những ý kiến và tình hình nhiều hơn, nên ông ta vẫn dễ gần. Không phải ở ngưỡng cửa đầu tiên người ta gặp khó khăn thực sự; cửa thứ hai cũng qua được khá dễ dàng, nhưng ở cửa thử ba, người lính gác và môn lại, còn có gã Bernouin trung thành canh giữ, con chó ngao mà không một lời lẽ nào có thể làm xiêu lòng không một cành nguyệt quế nào, dù nó có bằng vàng đi nữa, có thể mê hoặc.
Như vậy là ở cửa thứ ba, kẻ nào đến cầu khẩn hoặc yêu cầu một cuộc yết kiến phải chịu một cuộc lục vấn rành rọt.
Người kỵ sĩ buộc ngựa ở hàng rào ngoài sân, leo lên cầu thang lớn và hỏi các lính gác ở gian phòng đầu tiên:
- Cho tôi gặp tể tướng Mazarin.
- Cứ vào! - Lính gác đáp mà không cần hếch mũi lên khỏi các quân bài hoặc những quân xúc xắc mà họ đang chơi, lại còn hí hửng để cho người ta hiểu rằng mình không phải làm nhiệm vụ của những tên hầu.
Người sĩ vào gian phòng thứ hai được canh gác bởi lính ngự lâm và môn lại. Y nhắc lại yêu cầu của mình. Một môn lại tiến đến và hỏi:
- Ông có mang thư tiếp kiến không?
- Tôi có mang, nhưng không phải thư của tể tướng Mazarin.
- Vào đi và hỏi ông Bernouin!
Viên môn lại nói và và mở cánh cửa thứ ba.
Chẳng biết do tình cờ hay do vẫn đứng ở chỗ thường lệ, Bernouin đứng sau cánh cửa và đã nghe thấy tất cả. Hắn nói:
- Chính tôi là người ông tìm đây. Ông mang thư của ai đến Các hạ?
- Của tướng Olivier Cromwell(1), - Kẻ mới đến nói, - nhờ ông nói lại tên đó với Các hạ và ra cho tôi biết Các hạ có thể tiếp tôi hay không?
(1) Olivier Cromwell (1599-1658): nghị sĩ Anh, sau trở thành thủ lĩnh của phong trào chống đối chế độ quân chủ chuyên chế. Lãnh đạo quân khởi nghĩa đánh bại đội hoàng gia ở Nadơby (1645) và xử tử vua Charles I. Cuộc khởi nghĩa của Cromwell có tính chất cách mạng dân chủ tư sản và tác động rộng rãi đến phong trào cách mạng ở nhiều nước châu Âu Đức
Y đứng dậy trong một tư thế vừa âm thầm vừa kiêu hãnh rất đặc biệt với những thánh đồ thánh giáo.
Sau khi đưa con mắt tra xét lên toàn thân người trẻ tuổi, Bernouin vào trong văn phòng và truyền đạt lại những lời nói của sứ giả.
- Một người mang thư của Olivier Cromwell à? - Mazarin hỏi, - Và người ấy như thế nào?
- Thưa đức ông, một người Anh chính cống, tóc hung vàng, hung hung đúng hơn là hoe vàng, mắt xanh xám, xám đúng hơn là xanh, phần còn lại là kiêu ngạo và cứng cỏi.
- Bảo hắn đưa thư.
Bernouin từ văn phòng ra tiền sảnh nói:
- Ông hỏi bức thư.
Người trẻ tuổi đáp:
- Đức ông xem thư mà không có người mang thư. Nhưng để ông tin rằng tôi thực sự là người mang thư, xin hãy nhìn xem.
Bernouin nhìn dấu niêm phong thấy bức thư đúng là của tướng Olivier Cromwell, hắn sắp sửa quay vào văn phòng, thì người trẻ tuổi nói:
- Hãy nói thêm rằng tôi không phải là một người mang tin bình thường mà là một phái viên đặc biệt.
Bernouin vào, sau mấy giây lại ra, giữ cửa mở và bảo:
- Mời ông vào.
Mazarin cần đến tất cả những sự đi đi lại lại ấy để hồi phục khỏi cơn xúc động mà việc bảo tin có bức thư gây nên. Nhưng tâm trí ông có minh mẫn đến đâu, ông vẫn không tin được lý do gì đã khiến Cromwell muốn liên lạc với ông.
Người trẻ tuổi xuất hiện ở ngưỡng cửa văn phòng, một tay cầm mũ, một tay cầm phong thư.
Mazarin đứng dậy và nói:
- Ông có mang thư ủy nhiệm với tôi à?
- Thưa Đức ông, thư đây, - người trẻ tuổi đáp.
Mazarin cầm bức thư, mở dấu niêm phong và đọc,
"Ông Mordaunt là một thư ký của tôi sẽ trình bức thư giới thiệu này lên Các hạ giáo chủ Mazarin ở Paris. Ngoài ra viên thư ký này còn mang đến các hạ một bức thư mật thứ hai.
Olivier Cromwell"
- Rất tốt, ông Mordaunt ạ, - Mazarin nói, - Ông hãy đưa tôi bức thư thứ hai và ngồi xuống đây!
Người trẻ tuổi rút ở trong túi ra bức thư thứ hai đưa cho giáo chủ, rồi ngồi xuống.
Tuy nhiên đang mải suy nghĩ, giáo chủ cầm thư rồi mà chưa bóc, lật đi lật lại trong tay; nhưng rồi để đánh lạc hướng kẻ mang tin, ông ta bắt đầu lục vấn y theo thói quen của mình, và do kinh nghiệm, ông tin chắc rằng ít người giấu nổi ông điều gì khi ông đã vừa hỏi vừa nhìn vào mặt. Ông nói:
- Ông Mordaunt này, ông còn trẻ lắm đối với cái nghề đại sứ hóc búa này mà nhiều khi những nhà ngoại giao kỳ cựu nhất cũng thất bại đây.
- Thưa Đức ông, tôi hai mươi ba tuổi, nhưng Các hạ lầm khi nói rằng tôi trẻ. Mặc dầu tôi không có được sự khôn ngoan của ngài, nhưng tuổi tôi thì hơn ngài đấy.
- Thế là thế nào? - Mazarin nói. - Tôi không hiểu ý ông.
- Thưa Đức ông, tôi nói rằng những năm tháng khổ đau phải tính gấp đôi, mà từ hai mươi năm nay tôi đau khổ.
- À phải, tôi hiểu rồi, - Mazarin nói, - vì không có của cải; ông nghèo khổ có phải không?
Rồi ông nói thêm với mình: "Bọn làm cách mạng nước Anh toàn là những đồ khố rách áo ôm."
- Thưa Đức ông, lẽ ra tôi phải có một tài sản là sáu triệu đồng, nhưng người ta đã tước đoạt mất của tôi.
- Thế ra ông không phải là một người trong đám bình dân à? - Mazarin ngạc nhiên hỏi.
- Nếu tôi mang tước hiệu, Tôi sẽ là "Lord"; nếu tôi mang họ tôi, ắt ngài đã từng nghe thấy là một trong những dòng họ lẫy lừng nhất Anh quốc.
- Vậy tên họ ông là gì? - Mazarin hỏi.
- Tên tôi là Mordaunt, - Người trẻ tuổi nghiêng mình đáp.
Mazarin hiểu rằng phái viên của Cromwell muốn giữ kín cuộc vi hành của mình.
Ông im lặng một lát, nhưng trong lúc ấy ông nhìn vào người lạ với sự chú ý còn lớn hơn cả lúc mới đầu.
Người thanh niên vẫn thản nhiên.
- Quỷ bắt cái bọn thanh giáo này đi. - Mazarin khẽ nhủ thầm - Chúng như tượng đá tạc ấy.
Rồi ông cao giọng:
- Ông vẫn còn bà con thân thích chứ?
- Thưa Đức ông còn một người.
- Người ấy đã giúp đỡ ông chứ?
- Đã, ba lần tôi đến cầu xin sự giúp đỡ, thì ba lần ông ta sai đầy tớ ra đuổi tôi.
Mazarin hi vọng dùng lòng thương giả dối để người trẻ tuổi rơi vào bẫy của mình, bèn nói:
- Ôi, lạy Chúa? Câu chuyện của ông tôi thấy thật đảng quan tâm! Thế ông không biết mình ra đời thế nào à?
- Mãi tận gần đây tôi mới biết rõ.
- Còn trước đó thì sao?
- Tôi tự coi mình như một đứa con hoang.
- Vậy là ông chưa hề biết mặt mẹ mình à?
- Có chứ, thưa Đức ông. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đến thăm tôi ba lần ở nhà bà vú nuôi; lần cuối cùng mẹ tôi đến tôi còn nhớ rõ như mới ngày hôm nay.
- Ông có trí nhớ tốt nhỉ? - Mazarin nói.
- Ồ, đúng thế, thưa Đức ông, - người thanh niên nói với một cái giọng thật kỳ lạ nó khiến cho giáo chủ cảm thấy một cơn rùng mình chạy khắp các mạch máu.
- Thế ai nuôi dưỡng ông? - Mazarin hỏi.
- Một bà vú người Pháp; khi tôi lên năm tuổi bà ấy đuổi tôi đi vì chẳng có ai trả tiền công cho bà, và bà ấy bảo tôi biết tên người thân thích kia mà bà thường nghe mẹ tôi nói đến.
- Rồi ông ra sao?
- Tôi khóc lóc và đi ăn xin trên những đường cái lớn. Một vị thượng thư ở Kingston nhặt tôi về dạy dỗ tôi theo đạo Tân giáo, truyền cho tôi tất cả trí thức của mình và còn giúp đỡ tôi trong việc tìm lại gia đình.
- Những cuộc tìm kiếm ấy ra sao?
- Đều vô hiệu quả; ăn nhờ may rủi mà thôi.
- Ông tìm ra tình hình mẹ ông bây giờ thế nào rồi?
- Tôi được biết rằng mẹ tôi đã bị ám sát bởi chính cái kẻ thân thích ấy, hắn được bốn người bạn giúp sức. Và tôi cũng được biết rằng vua Charles I đã tước danh hiệu quý tộc và tước cả tài sản của tôi nữa.
- A! Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao ông phụng sự ông Cromwell. Ông thù ghét nhà vua.
Mazarin kinh ngạc khi người thanh niên thốt ra những lời lẽ ấy với vẻ mặt ma quái. Mặt những người khác thường đỏ gay lên vì bị bốc máu, nhưng ở y mặt lúc ấy vàng như sắc mặt và trở nên nhợt nhạt.
- Ông Mordaunt ạ, câu chuyện của ông thật là khủng khiếp và làm tôi xúc động mạnh mẽ, nhưng cũng may cho ông là ông phụng sự một vị chúa tể toàn năng. Ông ấy hẳn là sẽ giúp ông trong việc tìm kiếm. Chúng tôi cũng sẽ có những tin tức cung cấp cho ông.
- Thưa Đức ông, đối với một con chó nòi tốt, chỉ cần chỉ cho nó một đầu đường săn là chắc chắn nó sẽ đi tới đầu kia.
- Nhưng cái người thân thích mà ông kể với tôi ấy, ông có muốn tôi nói với ông ta không? - Mazarin nói, toan kiếm một người bạn bên cạnh Cromwell.
- Cảm ơn Đức ông, tự tôi sẽ nói.
- Nhưng ông đã chẳng nói rằng ông ta bạc đãi ông đó sao?
- Lần sau tôi gặp, ông ta sẽ đốì xử với tôi tốt hơn.
- Ông có cách làm siêu lòng ông ta à?
- Tôi có cách khiến ông ta phải sợ tôi.
Mazarin nhìn người thanh niên nhưng một tia chớp lóe ra từ đôi mắt anh ta khiến ông cúi đầu xuống và ông sẽ lúng túng nếu tiếp tục một câu chuyện như vậy, ông bèn mở phong thư của Cromwell.
Dần dần mắt của người thanh niên trở lại khép lại và lờ đờ như thường lệ và y lại rơi vào một giấc mộng sâu xa.
Sau khi đọc được mấy dòng, Mazarin thử nhìn trộm xem Mordaunt có rình nom vẻ mặt ông không, và nhận thấy về thản nhiên của y, ông khẽ nhún vai mà nói.
- Những công việc của ông, ông cứ nhờ những người khác làm giúp đồng thời với công việc của họ. Nào, xem bức thư này nói gì.
Chúng tôi xin in nguyên văn bức thư ra đây:
"Kính gửi Các hạ
Đức ông giáo chủ Mazarini.,
Thưa Đức ông, tôi muốn được biết các ý định của ngài về những công việc hiện nay ở nước Anh. Hai vương quốc chúng ta ở quá gần nhau nên nước Pháp không thể không quan tâm đến tình hình nước chúng tôi, cũng như chúng tôi không thể không quan tâm đến tình hình nước Pháp. Những người dân Anh hầu như hoàn toàn nhất trí chống lại chính thể chuyên chế tàn bạo của vua Charles và bè đảng.
Do lòng tin cậy chúng tôi, tôi được đặt đứng đầu phong trào ấy, tôi đánh giá rõ ràng hơn ai hết bản chất và hậu quả phong trào. Giờ đây tôi đang làm chiến tranh và tôi sắp mở một trận đánh quyết định với vua Charles. Tôi sẽ thắng bởi vì hi vọng của dân tộc, của ý của Chúa đứng về phía tôi. Tôi thắng trận này nhà vua sẽ chẳng còn chút tự lực nào ở Anh hay ở Scotland. Nếu không bị bắt hoặc bị giết, ông ta sẽ tiếp nhận hoàng hậu Henriette rồi và chắc hẳn là vô tình đã duy trì một nội chiến không dứt trong đất nước tôi. Nhưng bà Henriette là con gái nước Pháp thì sự tiếp đãi của nước Pháp là phải. Còn về vua Charles, vấn đề lại khác hẳn. Tiếp nhận và giúp đỡ ông ta là nước Pháp phán đối những hành động của nhân dân Anh và làm phương hại một cách hết sức cơ bản đến nước Anh và nhất là đến tiến trình mà chúng tôi muốn tạo ra cho chính phủ của mình; một tình trạng như vậy cũng ngang với hành vi thù địch hiển nhiên…".
Lúc này rất đỗi lo lắng vì thái độ trong bức thư, Mazarin ngừng đọc và lại nhìn trộm người thanh niên. Y vẫn mơ màng.
Mazarin đọc tiếp:
"Thưa Đức ông, như vậy thật là gấp bách, tôi cần phải biết sự thể ra sao về những sở kiến của nước Pháp. Lợi ích của nước Pháp và nước Anh dù rằng được lái theo những hướng trái ngược, nhưng lại gần nhau hơn là người ta có thể tưởng. Nước Anh cần có sự yên tĩnh nội bộ để hoàn tất việc loại trừ ông vua của mình; nước Pháp cần sự yên tĩnh đó để củng cố ngai vàng của ông vua non trẻ, các ông cũng như chúng tôi cần đến nền hòa bình nội tại ấy mà chúng ta có thể đạt tới nhờ sức mạnh của chính phủ chúng ta.
Những cuộc tranh chấp của ngài với nghị viện, những mối bất hòa âm ỉ của ngài với các hoàng thân, họ hôm nay chiến đấu vì ngài và ngày mai sẽ chiến đấu chống lại ngài, lòng kiên nhẫn của dân chúng được chỉ huy bởi ông chủ giáo, ông chủ tịch Blancmensnil và ông tham nghị Broussel, cuối cùng tất cả sự hỗn loạn ấy trải qua những bậc thang khác nhau của quốc gia buộc ngài phải xem xét với tinh thần lo ngại về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với nước ngoài. Bởi vì khi ấy nước Anh phấn khích cuồng nhiệt vì những tư tưởng mới có thể sẽ liên minh với Tây Ban Nha, nước này vốn đang thèm thuồng sự liên minh ấy. Cho nên, thưa Đức ông, biết rõ tính thận trọng của ngài và lập trường hoàn toàn cá nhân của ngài mà những biến cố đã tạo nên như ngài, nay tôi thiết nghĩ ngài sẽ cho rằng tốt hơn hết là tập trung lưc lượng của mình vào nội bộ vương quốc Pháp và để mặc Chính phủ mới của nước Anh với lực lượng của họ. Sự trung lập ấy chi cốt để tách xa vua Charles khỏi lãnh thổ Pháp, và không giúp đỡ cả về vũ khí, tiền bạc hay quân đội cho cái ông vua hoàn toàn xa lạ với quý quốc kia.
Bức thư của tôi như vậy là hoàn toàn bí mật, và cũng vì thế mà tôi gửi tới ngài qua tay một người tâm phúc tin cẩn; bức thư sẽ đi trước, bằng một tinh thần mà Các hạ sẽ lường ra, những biện pháp mà tôi sẽ áp dụng tùy theo các sự kiện diễn biến.
Olivier Cromwell nghĩ rằng tốt hơn hết là bày tỏ lẽ phải với một đầu óc thông minh như Madarim hơn là với một bà hoàng hậu chắc chắn hơn đáng khâm phục về tính kiên nghị nhưng lại quá qui phục những thành kiến hão huyền về dòng dõi và về quyền lực thần linh.
- Xin kính chào Đức ông. Nếu trong mười lăm ngày mà tôi không nhận được trả lời thì tôi sẽ coi như bức thư của tôi vô hiệu.
Olivier Cromwell"
- Này ông Mordaunt, - Tể tướng cất cao giọng như muốn đánh thức con người đang mơ mộng, - bức thư trả lời của tôi sẽ càng làm vừa lòng tướng Cromwell hơn, nếu như tôi càng chắc chắn hơn là người ta sẽ không biết rằng tôi sẽ viết ra nó. Vậy ông hãy đợi lấy thư ở Boulogne-sur-Mer - trên bờ biển, và hãy hứa với tôi rằng ông sẽ đi ngay sáng mai.
- Thưa Đức ông, tôi xin hứa, - Mordaunt đáp, - nhưng Đức ông sẽ bắt tôi đợi bức thư ấy bao nhiêu ngày?
- Nếu trong mười ngày mà ông không nhận được thì ông có thể ra đi.
Mordaunt cúi chào.
- Chưa xong đâu ông, - Mazarin nói, - những cuộc phiêu lưu đặc biệt của ông làm tôi rất xúc động; hơn nữa bức thư của Ngài Cromwell khiến ông trở thành quan trọng trước mắt tôi với tư cách đại sứ. Nào, tôi xin nhắc lại, hãy nói đi tôi có thể làm gì cho ông?
Mordaunt ngẫm nghĩ một lát, rồi sau một chút do dự dễ nhận thấy, sắp mở miệng để nói, thì Bernouin hấp tấp đi vào ghé vào tai giáo chu thì thầm:
- Bẩm Đức ông, hoàng hậu Henriette, có một vị quý tộc người Anh đi theo, lúc này đang vào Hoàng cung.
Mazarin nảy bật người trên ghế, cử chỉ ấy không thoát khỏi mắt người trẻ tuổi, và ông vội kìm hãm chuyện kín ấy mà chắc hẳn ông suýt tuôn ra.
- Này ông, - giáo chủ nói, - Ông nghe tôi dặn rồi chứ. Tôi ấn định nơi hẹn với ông ở Boulogne-sur-Mer, vì rằng tôi nghĩ đối với ông, mọi thành phố ở Pháp cũng như nhau mà thôi, nếu ông muốn một thành phố khác thì cứ nêu ra. Nhưng chắc ông cũng dễ dàng hiểu rằng bị bao bọc như tôi giữa những thế lực mà tôi chỉ có thể thoát ra bằng sự kín đáo, tôi muốn rằng mọi người không hay biết gì về sự có mặt của ông ở Paris.
- Thưa Đức ông, tôi sẽ đi ngay,
Mordaunt vừa nói vừa đi mấy bước ra phía cửa mà mình đã vào, thì giáo chủ gọi giật lại:
- Này, ông ơi! Không đi lối ấy! Xin ông đi theo hành lang, rồi ra nơi tiền phòng. Tôi muốn rằng người ta không nom thấy ông đi ra, cuộc hội kiến của chúng ta phải được giữ bí mật.
Bernouin đưa Mordaunt sang phòng bên cạnh, trao cho một tên môn lại và trỏ cho anh ta một cửa ra.
Rồi hắn hấp tấp trở lại để dẫn hoàng hậu Henriette vào căn phòng giáo chủ, bà đã đi qua dãy hàng lang kính.