Hai mươi năm sau - Chương 44

Chương 44

Lại một Hoàng hậu cần sự giúp đỡ

Ngay từ sáng Arthos đã báo tin cho Aramis. Anh giao thư cho Blaisois tên đầy tớ duy nhất còn ở nhà. Hắn tìm thấy Bazin mặc áo phụ thủ hôm ấy đang phiên trực ở Nhà thờ Đức Bà.

Arthos đã dặn Blaisois cố gặp riêng Aramis. Nhưng hắn vốn là một tên gà tồ ngốc nghếch chỉ biết sai gì làm nấy nên đã tìm hỏi tu viện trưởng D’Herblay. Bazin thì khăng khăng nói là chủ mình không có nhà, còn Blaisois thì nằng nặc đòi gặp khiến Bazin phát khùng. Thấy Bazin mặc lễ phục của người nhà thờ, Blaisois tưởng rằng bác ta có mọi đức tính của bộ quần áo ấy tức là tính kiên nhẫn và lòng nhân từ Thiên chúa giáo, cho nên hắn chẳng ngại ngùng lắm vì những lời chối từ và muốn vào phía trong.

Nhưng Bazin bao giờ cũng là người hầu của ngự lâm quân khi máu đã bốc lên hai con mắt ốc nhồi của bác, liền vớ lấy một cái cán chổi và vụt túi bụi vào Blaisois mà bảo:

- Anh đã lăng mạ nhà thờ, anh bạn ạ, anh đã lăng mạ nhà thờ.

Nghe tiếng ồn ào khác thường ấy, Aramis thận trọng hé cánh cửa phòng ngủ ra và xuất hiện.

Thế là Bazin kính cẩn dựng cái chổi lên như bác đã thấy tên lính gác Thụy Sĩ dựng cây giáo lên ở Nhà thờ Đức Bà. Còn Blaisois vừa nhìn con chó ngao với vẻ trách móc vừa móc túi lấy bức thư đưa cho Aramis.

- Của bá tước de La Fère phải không? - Aramis hỏi. - Tốt lắm.

Rồi anh trở vào chẳng buồn hỏi duyên cớ của tiếng ồn ào đó.

Blaisois rầu rĩ trở về khách sạn Grand-Roi-Charlemagne. Arthos hỏi hắn tình hình và hắn kể lại câu chuyện vừa xảy ra.

- Đồ ngốc - Arthos cười nói - Thế mày không báo là do tao sai mày đến à?

- Thưa, không ạ.

- Thế khi Bazin đã biết rõ rồi, thi hắn nói sao?

- A, thưa ông, bác ta xin lỗi đủ điều và bắt tôi phải uống cạn hai chén rượu muscat và ăn mấy cái bánh quy nhúng rượu ngon tuyệt. Nhưng cũng vậy thôi, bác ta ác như quỷ. Thể mà cũng làm phụ với thủ,

- Được. - Arthos nghĩ, - Aramis đã nhận thư ta rồi thì bận đến mấy cũng sẽ đến.

Mười giờ, với tính chính xác đã thành thói quen, Arthos đã có mặt ở cầu Louvre. Cùng lúc ấy, Milord de Winterr đến.

Họ đợi gần mười phút, Milord de Winter bắt đầu lo Aramis không đến.

- Yên trí, - Arthos nói anh đăm đăm nhìn về phía đường Bến phà.

- Yên trí, kìa một tu sĩ đang nện một quả đấm vào mặt một người đàn ông và cúi chào một người đàn bà chắc hắn là Aramis rồi

Quả thật đúng là Aramis. Một gã thị dân trẻ đang đứng ngơ ngẩn giữa đường và làm vấy bùn lên người anh, anh tống cho hắn một quả đấm bắn xa đến mười bước. Cùng lúc một trong những kẻ sám hối của anh đi qua, và vì đấy là một thiếu phụ trẻ và đẹp, anh chào cô ta bằng nụ cười duyên dáng nhất.

Lát sau Aramis tới.

Chúng ta biết chắc rằng anh và Milord de Winter ôm hôn nhau da diết.

- Ta đi đâu bây giờ? - Aramis hỏi, - Có phải sẽ đánh nhau ở chỗ kia không? Mẹ kiếp. Sáng nay tôi không mang kiếm, tôi phải về nhà lấy mới được.

- Không, - Lord de Winter đáp - chúng ta đến thăm Lệnh bà Hoàng hậu Anh quốc.

- A! Hay lắm! - Aramis nói, rồi anh ghé tai Arthos và hỏi - Cuộc viếng thăm có mục đích gì vậy?

- Thực tình, mình cũng không biết gì cả. Có lẽ người ta yêu cầu chúng ta một sự biểu thị nào đó.

- Phải chăng về cái việc phải gió ấy? - Aramis nói.

- Trong trường hợp ấy, tôi chẳng muốn đến làm gì, vì đến lại để nhận mấy lời giáo huấn; mà từ khi tôi ban những lời giáo huấn cho kẻ khác thì tôi chẳng muốn nhận làm gì.

- Nếu là như vậy, thì Milord de Winter sẽ chẳng dẫn chúng ta đến Hoàng hậu, vì ông ấy cũng sẽ có phần. Ông ấy cùng phe với chúng ta đấy.

- À có thế thật. Vậy thì ta đi nào.

Đến cung Louvre, Milord de Winter đi vào trước, vả chăng cũng chỉ có mỗi một người gác cổng. Trong ánh sáng ban ngày, Arthos, Aramis và cả người Anh đều có vẻ nhận xét thấy cảnh tiêu điều kinh khủng của cư xá mà một lòng từ thiện bủn xỉn dành cho bà hoàng hậu khốn khổ. Những gian phòng thênh thang trơ trụi chẳng còn đồ đạc tường long lở lác đác những đoạn đường gờ thếp vàng vẫn còn cầm cự trước sự bỏ hoang, các cửa sổ không còn đóng lại được và mất cả kính; không có thảm rải, không có lính canh, không có người hầu: đó là cái đầu tiên đập vào mắt Arthos và anh lặng lẽ nhắc cho bạn biết bằng cách lấy khuỷu tay hích vào người bạn và trỏ cho bạn mình xem cảnh tượng khốn cùng hiện ra trước mắt.

- Mazarin ở tốt hơn nhiều, - Aramis nói.

- Mazarin hẩu như là vua, - Arthos nói, - còn bà Henriette hầu như không phải là hoàng hậu nữa.

- Arthos này, - Aramis nói, - anh không thiết đấy thôi, chứ nếu anh muốn tỏ ra có chất hóm hỉnh thì tôi tin chắc rằng anh sẽ có nhiều hơn cái lão de Voiture khốn khổ ấy.

Arthos mỉm cười.

Hoàng hậu có vẻ chờ đợi sốt ruột lắm, vì mới nghe tiếng động đầu tiên ở gian phòng kế trước gian trong mình, bà đã đích thân ra khỏi ngưỡng cửa để đón những cận thần trong cơn hoạn nạn của bà.

Bà nói.

- Mời vào, và xin có lời hoan nghênh các ông.

Các nhà quý tộc vào và vẫn đứng; nhưng hoàng hậu ra hiệu ngồi và Arthos làm theo. Anh vẫn nghiêm trang và điềm tĩnh, nhưng Aramis tỏ vẻ giận dữ: cái cảnh cùng quẫn vương giả ấy khiến anh phẫn nộ, cặp mắt anh xem xét mỗi dấu vết mới của sự khôn khó mà anh nhận thấy.

- Ông xem xét cảnh xa hoa của tôi đấy ư? - Bà Henriette nói và đưa cặp mắt buồn rầu nhìn quanh mình.

- Thưa bà, - Aramis nói - xin Lệnh bà miễn thứ, chứ tôi không thể che giấu nỗi bất bình khi nhìn thấy người ta đối xử với con gái của vua Henri IV ở trong cung đình nước Pháp như thế này.

- Ông đây không phải là kỵ sĩ à? - Hoàng hậu hỏi Milord de Winter.

- Ông đây là tu viện trưởng D’Herblay. – de Winter đáp.

Aramis đỏ mặt.

- Thưa bà, - Aramis nói, - tôi là tu viện trưởng, đúng thế, nhưng bất đắc dĩ chưa bao giờ tôi có thiên hướng làm tu viện trưởng, cái áo choàng tu sĩ này của tôi chỉ dính vào bằng một chiếc cúc và tôi luôn luôn sẵn sàng trở lại làm ngự lâm quân. Sáng nay do không biết có vinh dự được vào yết kiến Lệnh bà, nên tôi khoác quàng khoác quấy bộ y phục này, nhưng không phải vì thế mà kém là một người mà Lệnh bà sẽ thấy là tận tụy nhất để phụng sự Lệnh bà trong bất cứ công việc gì mà Lệnh bà sai khiến.

- Ông hiệp sĩ D’Herblay, - de Winter nói tiếp, - là một trong những ngự lâm quân dũng cảm của đức Hoàng thượng Louis XIII mà tôi đã kể với Lệnh bà… - Rồi quay về phía Arthos ông nói - Còn đây là bá tước de La Fère cao quý mà danh tiếng lẫy lừng Lệnh bà đã biết rõ.

- Thưa các ông, - Hoàng hậu nói - cách đây mấy năm, tôi có ở quanh mình những nhà quý tộc, những kho vàng, những quân đội; tôi chỉ vẫy tay một cái là tất cả được dùng cho công việc của tôi. Còn bây giờ, các ông hãy nhìn quanh tôi xem điều này hẳn làm các ông bất ngờ, nhưng để thực hiện một ý đồ cứu vớt cuộc đời tôi, tôi chỉ có Milord de Winter, một người bạn hai mươi năm và các ông đây mà tôi mới gặp lần đầu và chỉ biết là những người đồng bào của mình.

- Thưa Lệnh bà, - Arthos cúi rạp mình nói, - thế là đủ rồi, nếu như tính mạng của ba con người có thể chuộc lại tính mạng của Lệnh bà.

- Xin đa tạ các ông, - Hoàng hậu nói tiếp. - Nhưng xin các ông hãy nghe đây, tôi không những là hoàng hậu khốn khổ nhất là còn là người mẹ bất hạnh, người vợ tuyệt vọng nhất. Các con tôi ít ra là hai người, quận công D’York và công chúa Charlotte đều ở xa tôi và phơi mình ra trước những đòn của kẻ thù vả bọn tham vọng. Đức vua chồng tôi thì đang kéo lê lết bên Anh một cuộc sống vô cùng đau khổ mà chắc sẽ không ngoa khi nói chắc với các ông rằng chồng tôi tìm kiếm cái chết như một điều đáng ao ước. Đây các ông xem bức thư mà chồng tôi nhờ Milord de Winter mang đến cho tôi. Hãy đọc đi.

Arthos và Aramis xin lỗi.

- Cứ đọc đi mà, - Hoàng hậu nói.

Arthos cất cao giọng đọc bức thư mà chúng ta đã biết và trong đó vua Charles hỏi xem liệu ông có được đón nhận ở Pháp hay không.

- Thế nào? - Arthos hỏi sau khi đọc xong thư.

- Thế đấy! Lão ta từ chối, - Hoàng hậu đáp.

Hai người bạn trao đổi với nhau một nụ cười khinh bỉ.

- Thưa bà, thế bây giờ phải làm gì ạ? - Arthos hỏi.

- Các ông có chút lòng thương cảm đối với bao nỗi khổ cực như thế không? - Hoàng hậu xúc động nói.

- Tôi xin thưa với Lệnh bà rằng: Lệnh bà muốn ông D’Herblay và tôi phải làm gì để phụng sự Lệnh bà, chúng tôi xin sẵn sàng.

- Ôi! Quả thật ông là một tấm lòng cao quý! - Hoàng hậu reo lên với một giọng nói ra bằng lòng biết ơn, trong khi Milord de Winter nhìn bà như có vẻ muốn nói: Tôi đã chẳng bảo đảm với bà về hai vị này đó sao?

- Thế còn ông? - Hoàng hậu hỏi Aramis.

- Về tôi thì thưa bà, - Aramis đáp, - bất kỳ ông bá tước đi đâu, dù là đi đến chỗ chết, tôi cũng đi theo mà không hỏi vì sao; nhưng khi đã là việc phụng sự Hoàng thượng, thì tôi xin đi trước bà tước. - Aramis nói thêm và nhìn hoàng hậu với tất cả vẻ duyên dáng của tuổi trẻ.

- Các ông ơi, - hoàng hậu nói, - cơ sự đã như vậy, các ông lại sẵn lòng tận tụy giúp đỡ một bà hoàng khốn khổ mà cả thiên hạ ruồng bỏ; thế thì đây là việc cần làm giúp tôi. Nhà vua bây giờ ở một mình với mấy nhà quý tộc mà ngày ngày ông sợ mất dần đi, ở giữa đám người Scotland mà ông nghi kỵ mặc dầu chính ông cũng là người Scotland. Từ khi Milord de Winter rời Đức vua tôi không còn sống nữa, các ông ạ. Ô. Có lẽ tôi đòi hỏi quá nhiều chăng, bởi vì tôi chẳng có danh vị gì để đòi hỏi. Xin các ông hãy sang nước Anh, tìm đến với nhà vua, làm bạn với vua, làm những người canh giữ vua, hãy đi bên cạnh vua trong trận mạc, đi bên vua cả ở trong nhà nơi cạm bẫy ngày càng dày thêm và còn nguy hiểm hơn rất nhiều mọi rủi ro của chiến tranh. Và thưa các ông, để đổi lại sự hy sinh của các ông tôi xin hửa không phải là thưởng công cho các ông đâu, vì điều đó sẽ xúc phạm các ông, mà là yêu mến các ông như một người chị và quý trọng các ông hơn tất cả những ai ngoài chồng tôi và các con tôi; tôi xin thề trước Chúa trời như vậy?

Và hoàng hậu từ từ và trang trọng ngước mắt lên trời.

- Thưa Bà, - Arthos hỏi, - bao giờ phải đi?

- Ông bằng lòng chứ - Hoàng hậu vui mừng reo lên.

- Vâng, thưa Bà. Song lẽ Lệnh bà dường như quá xa khi hứa hẹn ban cho chúng tôi một tình thân hữu cao hơn nhiều những công lao của chúng tôi. Khi chúng tôi phụng sự một ông hoàng thật khốn khổ và một bà hoàng thật đức hạnh tức là chúng tôi phụng sự Chúa. Thưa bà, chúng tôi xin dâng cả linh hồn và thể xác cho bà.

Hoàng hậu xúc động đến rơi nước mắt, nói:

- Ôi các ông ơi, đây là giây phút vui sướng và hi vọng đầu tiên mà mấy năm nay tôi mới lại được cảm thấy. Phải rồi, các ông phụng sự Chúa, và khả năng của tôi quá hạn chế để nhận ra một sự hi sinh như vậy, cho nên chính Chúa sẽ thưởng công cho các ông. Chúa sẽ đọc trong lòng tôi tất cả những gì tôi hàm ơn Chúa và các ông. Hãy cứu lấy chồng tôi, hãy cứu lấy đức vua. Và dù rằng các ông không mẫn cảm với cái giá mà các ông xứng đáng vì một hành động cao đẹp trên mặt đất này, thì hãy cho tôi hi vọng được gặp lại các ông để tự tôi cảm ơn các ông. Trong khi chờ đợi, tôi ở lại đây. Các ông có điều gì cần dặn dò tôi không? Từ giờ phút này tôi là bạn của các ông và bởi vì các ông làm những công việc của tôi, tôi phải chăm lo việc của các ông.

- Thưa bà, - Arthos nói, - tôi không yêu cầu Lệnh bà cái gì ngoài những lời cầu nguyện.

- Còn tôi, Aramis nói, - tôi chỉ có một mình ở trên đời và chỉ có Lệnh bà đề phụng sự.

Hoàng hậu giơ tay cho hai người hôn và nói nhỏ với de Winter:

- Milord ạ, nếu thiếu tiền, xin ông đừng do dự gì cả, hãy lấy những đồ châu báu mà tôi đã đưa cho ông, tách những hạt kim cương ra và đem bán cho một hàng Do Thái, có thể sẽ được năm sáu chục nghìn livres; nếu cần cứ tiêu đi nhưng những vị quý tộc ấy phải được đối xử như họ xứng đáng, nghĩa là như những ông vua.

Hoàng hậu đã chuẩn bị hai bức thư: một do bà viết, một do công chúa Henriette con gái bà viết. Bà đưa cho Arthos và Aramis mỗi người một bức đề phòng trường hợp họ bị tách rời nhau, thì họ đều có cái để vua nhận ra, rồi họ rút lui.

Xuống đến chân cầu thang, Milord de Winter dừng lại nói:

- Các ông đi một ngả, tôi một ngả để người ta khỏi nghi kỵ và chín giờ tối nay chúng ta gặp nhau ở cửa ô Saint-Denis. Chúng ta sẽ dùng ngựa của chúng ta chừng nào chúng ta còn đi được, rồi sau ta sẽ đi xe trạm. Lần nữa xin cám ơn các bạn thân mến, cảm ơn nhân danh tôi và cám ơn nhân danh hoàng hậu.

Ba nhà quý tộc siết tay nhau Bá tước de Winter đi đường Saint Honoré, còn Arthos và Aramis đi với nhau.

Khi còn lại riêng hai ngươi bạn, Aramis hỏi:

- Này Bá tước thân mến, anh nói thế nào về việc này?

- Xấu lắm - Arthos đáp, - Rất xấu.

- Thế sao anh lại chấp nhận với vẻ nhiệt tình như vậy?

- Cũng như tôi sẽ luôn luôn chấp nhận sự bảo vệ một nguyên tắc lớn, D’Herblay thân mến ạ. Các ông vua chỉ có mạnh nhờ quý tộc, nhưng quý tộc chỉ có thể lớn lên nhờ các ông vua. Cho nên ủng hộ nền quân chủ tức là chúng ta ủng hộ chính mình.

- Chúng ta đi sang bên kia để cho người ta ám sát mình à? Tôi căm ghét bọn Anh, chúng thô lỗ như tất cả những kẻ uống bia.

- Thế ở lại đây có hơn gì không nào? - Arthos nói, - để rồi chúng ta sẽ vào nghỉ một chầu ở nhà ngục Bastille hoặc lâu đài Vincennes do đã giúp đỡ cuộc vượt ngục của ông de Beaufort hay sao? A! Hãy tin tôi, Aramis ạ, thực tình chẳng có gì phải luyến tiếc. Chúng ta tránh nhà tù. Và chúng ta hành động như những người anh hùng, việc lựa chọn thật dễ dàng.

- Đúng thế; nhưng bạn thân mến ạ, dù sao cũng phải trở lại vấn đề đầu tiên này thật dớ dẩn nhưng thật cần thiết đấy: anh có tiền không?

- Chừng đâu như một trăm pistol mà bác quản lý trang trại gửi cho tôi hôm trước khi Bragelonne đi, nhưng tôi đã phải để năm chục cho Raoul: một nhà quý tộc trẻ tuổi phải sống cho đàng hoàng chứ.

- Thế là còn lại có gần năm chục pistol. Còn cậu?

- Tôi thì chắc chắn có soát hết các túi và mở hết các ngăn kéo cũng sẽ chẳng thấy mười louis đâu. May thay Milord de Winter giàu có.

- Milord de Winter tạm thời bị phá sản bởi vì Cromwell hưởng các khoản thu nhập của ông ta.

- Thế mới biết có Nam tước Porthos thì hay biết chừng nào, - Aramis nói.

- Thế mới biết không có D’Artagnan đáng tiếc biết bao nhiêu, - Arthos nói, - Một túi tiền đầy căng

- Một thanh kiếm kiêu hùng?

- Hay là ta rủ bọn họ đi.

- Bí mật này không phải của chúng ta, Aramis ạ, - Arthos nói - Hãy nghe tôi, đừng đưa ai vào trong chuyện riêng của chúng ta. Với lại chạy vạy như vậy chúng ta sẽ tỏ ra không tin ở chính mình. Chúng ta tiếc vậy thôi, nhưng đừng nói ra…

- Anh nói có lý. Từ giờ đến tối anh làm gì?

- Tôi buộc phải thu xếp hai việc.

- Liệu những việc ấy có thu xếp đuợc không?

- Ấy! Phải thu xếp cho xong chứ!

- Việc gì vậy?

- Trước hết là một nhát kiếm với ông chủ giáo mà tối hôm qua tôi gặp ở nhà bà de Rambouillet và tôi thấy ông ta lên giọng với tôi một cách lạ kỳ.

- Vớ vẩn! Một sự xích mích giữa các tu sĩ với nhau! Một cuộc đấu kiếm giữa đồng minh với nhau.

- Biết làm sao được, bạn thân mến. Ông ta hay đấu kiếm và tôi cũng vậy; ông ta hay giao thiệp với đàn bà, tôi cũng vậy; chiếc áo thày tu đè nặng ông ta, tôi cũng thấy chán chiếc áo của mình. Đôi khi tôi ngỡ ông ta là Aramis và tôi là chủ giáo, chúng tôi giống nhau biết chừng nào. Cái thứ người giống tôi như đúc ấy làm tôi chán ngán và lo ngại. Với lại hắn ta là một kẻ gây rối có thể sẽ làm hỏng đảng phái ta. Tôi tin rằng nếu tôi cho hắn một cái tát như sáng nay tôi đã làm với cái gã thị dân vấy bẩn lên người tôi, thì sẽ làm thay đổi bộ mặt của các công việc đấy.

- Còn tôi, Aramis thân mến ơi, - Arthos bình thản nói, - tôi cho rằng điều đó chỉ làm thay đổi bộ mặt của ông de Retz(1) thôi. Như vậy hãy tin tôi mọi việc thế nào cứ để nó thế. Vả chăng các ông chẳng còn là của mình nữa; anh thuộc về hoàng hậu Anh quốc còn ông ta thuộc về La Fronde. Vậy thì, nếu việc thứ hai mà anh tiếc là không thể hoàn thành, nếu như chẳng quan trọng hơn việc thứ nhất…

(1) Ông chủ giáo de Gondy.

- Ồ! Việc ấy quan trọng lắm chứ.

- Thế thì hãy làm luôn đi.

- Tiếc thay tôi không được tự do vào cái giờ tôi muốn: Vì là tối nay cơ, đúng tối nay.

- Tôi hiểu, - Arthos mỉm cười nói, - Nửa đêm phải không?

- Gần như vậy.

- Biết làm thế nào bạn thân mến ơi, đó là những việc tự nó thu xếp được, và anh sẽ thu xếp được, cốt là khi nào trở về sẽ có lời xin lỗi tử tế.

- Phải nếu tôi trở về.

- Mà nếu không trở về thì đã sao! Cần phải biết điều một chút chứ. Này Aramis thân mến ơi, cậu chẳng còn phải ở tuổi hai mươi đâu.

- Rất tiếc, mẹ kiếp! A! Giá như mình còn ở tuổi đó nhỉ?

- Ừ, Arthos nói, - thì cậu sẽ làm khối chuyện điên rồ! Nhưng ta phải chia tay nhau thôi. Tôi còn phải viếng thăm một vài chỗ, viết một lá thư. Cậu sẽ đến rủ tôi lúc tám giờ hoặc tốt nhất, tôi đợi cậu đến cùng ăn tối lúc bảy giờ nhé!

- Được lắm? - Aramis nói. - Tôi phải đi thăm hai chục nơi và viết chừng ấy lá thư nữa.

Nói rồi, họ chia tay nhau Arthos đi thăm bà de Vendôme, ghi tên trước ở nhà bà De Chevreuse và viết cho D’Artagnan bức thư sau đây:

"Bạn thân mến,

Tôi cùng Aramis đi làm một việc quan trọng. Tôi muốn đến từ biệt cậu nhưng không có thời gian. Đừng quên rằng tôi viết đây để nhắc lại rằng tôi yêu mến cậu biết chừng nào.

Raoul đang đi Blois và không biết về chuyến đi của tôi. Vắng mặt tôi cậu gắng trông nom nó cẩn thận nhé, và nếu chẳng may trong ba tháng tới mà không nhận được tin tức của tôi, thì cậu hãy bảo nó mở một gói gửi cho nó ở Blois để ở trong cái hộp bằng đồng thau của tôi mở bằng cái chìa khóa mà tôi gửi cậu.

Nhờ cậu ôm hôn Porthos thay cho Aramis và tôi.

Xin tạm biệt và có thể là vĩnh biệt."

Và anh sai Blaisois mang thư đi.

Đến giờ hẹn, Aramis tới. Anh mặc quần áo kỵ sĩ và mang bên mình thanh kiếm cũ mà anh đã từng rút ra luôn và giờ đây hơn bao giờ hết anh sẵn sàng tuốt ra khỏi vỏ.

- A này, - anh nói, - Dứt khoát là chúng ta sai lầm, nếu cứ thế này mà ra đi không để lại một lời chào từ biệt Porthos và D’Artagnan.

- Việc ấy tôi đã lo làm rồi bạn thân mến ạ. Tôi đã ôm hôn cả hai người cho cậu và cho tôi.

- Bá tước thân mến ơi anh thật là một người tuyệt vời, anh nghĩ đến mọi việc.

- Thế nào! Cậu đã quyết định đi chuyến này chứ?

- Dứt khoát rồi! Và bây giờ nghĩ lại tôi thấy rời Paris lúc này là hay.

- Tôi cũng vậy, - Arthos đáp, - Song le tôi vẫn tiếc không đến ôm hôn D’Artagnan được. Nhưng cái thằng quỷ sứ tinh ma lắm, nó sẽ đoán ra dự định của chúng ta.

Cuối bữa ăn, Blaisois trở về.

- Thưa ông, đây là thư trả lời của ông D’Artagnan.

- Ta có bảo phải lấy thư trả lời đâu, đồ ngu? - Arthos nói.

- Cho nên tôi có đợi đâu ạ và ra về, nhưng ông ấy gọi lại và đưa tôi cái này.

Và hắn giơ ra một cái túi nhỏ bằng da tròn căng và kêu xủng xoảng.

Arthos mở túi và lấy ra một lá thư nhỏ, thư viết:

"Bá tước thân mến,

Khi người ta viễn du, nhất là lại lâu tới ba tháng thì chẳng bao giờ có đủ tiền. Do nhớ đến những thời quẫn bách của chúng ta, tôi gửi tới anh một nửa túi tiền của tôi, đó là tiền tôi bóp nặn được của lão Mazarin, vậy tôi xin anh hãy dùng sao cho xứng đáng nhé.

Còn chuyện nói rằng chúng ta không gặp nhau nữa, tôi chẳng tin chút nào đâu; khi người ta có một trái tim và tay kiếm, như anh, người ta đi đâu cũng lọt. Vậy thì xin tạm biệt, chứ không vĩnh biệt…

Chẳng cần phải nói rằng từ cái ngày gặp Raoul, tôi đã yêu nó như con của mình: tự nhiên hãy tin rằng tôi thật lòng cầu Chúa không trở thành cha nó, dù rằng tôi lấy làm hãnh diện về một đứa con trai như nó.

D’Artagnan của anh!

Tái bút - Tất nhiên là năm mươi louis tôi gửi anh là của anh cũng như của Aramis, của Aramis cũng như của anh!"

Arthos mỉm cười và cái nhìn đẹp đẽ của anh nhòa một giọt lệ.

D’Artagnan mà anh luôn luôn yêu mến thân thương thì bao giờ cũng vẫn yêu quý anh, dù cậu ta là thuộc phái Mazarin.

Aramis dốc túi tiền ra bàn và nói:

- Và đây năm chục đồng louis tất cả đều mang hình vua Louis XIII. Thực tình xin hỏi bá tước, anh dùng tiền này làm gì, giữ lại hay gửi trả?

- Giữ lại chứ. Aramis và nếu không cần đến thì vẫn giữ cái gì được vui lòng tặng thì phải được vui lòng nhận. Cậu hãy cầm lấy hai mươi lăm đồng, Aramis ạ, và đưa tôi hai mươi lăm.

- Càng hay, tôi rất vui mừng thấy anh cùng ý kiến với tôi. Bây giờ thì ta đi chứ?

- Đi lúc nào tùy cậu, nhưng cậu không mang người hầu đi à?

- Không, cái tên Bazin ba bị ấy đã dại dột đi làm phụ thủ như anh biết đấy, thành thử hắn không rời nhà thờ Đức Bà được.

- Thôi được, cậu cứ lấy Blaisois mà tôi cũng chẳng cần đến vì đã có Grimaud.

- Xin vui lòng, - Aramis nói.

Vừa lúc ấy, Grimaud xuất hiện ở ngưỡng cửa.

- Sẵn sàng, - Bác nói vẫn với cái kiểu vắn tắt như mọi khi.

- Ta đi thôi, - Arthos bảo.

Quả thật, ngựa đã thắng đầy đủ yên cương đang chờ đợi. Hai người hầu cũng vậy.

Đến góc đường kè, họ gặp Bazin đang chạy vội đến thở dốc ra.

- A! Thưa ông, - Bazin nói. – Nhờ trời tôi đến còn kịp.

- Có chuyện gì đấy?

- Ông Porthos vừa ra khỏi nhà và để lại cái này mà bảo rằng việc rất gấp, tôi phải đưa đến cho ông trước khi ông ra đi.

Aramis cầm lấy cái túi Bazin đưa vào nói:

- Tốt, nhưng cái gì đây?

- Khoan đã, thưa ông tu viện trưởng, có một cái thư.

- Nhà mi biết là tôi bảo nhà mi rằng, nếu không gọi tôi là hiệp sĩ mà cứ gọi khác đi thì tôi sẽ dần gãy xương nhà mi ra. Nào, đưa thư đây.

- Làm thế nào mà đọc được? - Arthos nó - Trời tối đen như hũ nút này này.

- Đợi tí, - Bazin nói.

Bazin bật lửa châm vào ngọn nến nhỏ mà bác vẫn dùng để thắp các cây sáp. Dưới ánh nến Aramis đọc:

"D’Herblay thân mến,

D’Artagnan thay mặt anh và bá tước de La Fère ôm hôn tôi và cho biết là các anh có việc đi một chuyến đâu vài ba tháng. Vì biết tính anh không thích hỏi mượn bạn bè tôi xin đưa anh hai trăm pistol, anh cứ dùng và sẽ hoàn lại tôi khi nào có dịp. Chớ ngại là tôi bị túng, nếu tôi cần tiền tôi sẽ bảo một trong mấy lâu đài của tôi gửi ra. Riêng ở Bracieux tôi có hai mươi nghìn livres vàng. Tôi không gửi anh nhiều hơn vì rằng anh sẽ không nhận một số tiền quá lớn. Tôi viết cho anh bởi vì Bá tước de La Fère bao giờ cũng có cái gì đó làm cho tôi hơi sờ sợ một cách bất ý mặc dầu tôi hết lòng yêu quý. Đã đành rằng cái mà tôi gửi tặng anh đồng thời cũng là tặng bá tước. Tôi mong anh hãy tin rằng bao giờ tôi cũng vốn là người bạn tận tụy của anh.

Du Vallon de Bracieux de Pierrefonds."

- Này, - Aramis nói, - anh nói thế nào về chuyện này?

- D’Herblay thân mến ơi, tôi nói rằng hầu như sẽ là một điều phạm thánh, nếu ta nghi ngờ Thượng đế, trong khi chúng ta có những người bạn chí thiết như vậy.

- Vậy thế nào bây giờ?

- Vậy thì chúng ta sẽ chia nhau những đồng pistol của Porthos như đã chia những đồng louis của D’Artagnan.

Việc chia tiền diễn ra dưới ngọn nến của Bazin, xong hai người bạn lên đường.

Mười lăm phút sau, họ tới cửa ô Saint-Denis nơi de Winter đang chờ họ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3