Hai mươi năm sau - Chương 66

Chương 66

London

Khi tiếng vó ngựa đã chìm trong khoảng xa xăm, D’Artagnan lội lên bờ và vừa bước dài trên cánh đồng vừa cố sức hướng về phía London. Ba người bạn lặng lẽ đi theo anh cho đến lúc nhờ một khoảng trống rộng hình bán nguyệt ở phía sau họ trông thấy họ đã rời xa thành phố.

Cuối cùng sau khi biết chắc rằng mình đã ở khá xa nơi xuất phát để có thể chuyển từ phi nước đại sang nước kiệu, D’Artagnan nói:

- Lần này tôi tin rằng mọi việc hỏng hết rồi và tốt nhất là chúng ta trở về Pháp, Arthos, anh thấy ý kiến ấy thế nào? Liệu có phải lẽ không?

- Phải bạn thân mến ơi, - Arthos đáp - nhưng hôm nọ cậu thốt ra một lời phải lẽ hơn, một lời cao quý và hào hiệp. Cậu nói: "Chúng ta chết ở đây!". Tôi xin nhắc lại để cậu nhớ lời của cậu.

- Ồ! - Porthos nói, - Cái chết thì có nghĩa lý gì đâu đối với ta, và không phải cái chết nó làm ta lo ngại, bởi vì chúng ta có biết đó là cái gì đâu; nhưng ý nghĩ về một sự thất bại nó giày vò tôi. Cứ theo cái chiều mọi sự xoay vần, tôi thấy là chúng ta sẽ phải đi đánh nhau ở London, ở các tỉnh, ở tất cả các nước Anh và thật ra đến bước cuối cùng chúng ta không thể tránh khỏi bị đánh bại.

- Chúng ta cần chứng kiến cái bi kịch lớn này đến cùng. - Arthos nói, - Muốn sao thì chúng ta chỉ rời khỏi nước Anh sau khi nó kết thúc, Aramis cậu có nghĩ như tôi không?

- Hoàn toàn như vậy, Bá tước thân mến ạ vì thú thật với anh rằng tôi chẳng thấy bực mình nữa nếu gặp lại Mordaunt. Tôi chỉ thấy hình như chúng ta có một món nợ phải thanh toán với hắn mà thôi, và chúng ta không có thói quen rời bỏ các xứ sở mà không trả những loại nợ nần như vậy.

- À? Đây lại là chuyện khác, - D’Artagnan nói, - và đó là một lý do tôi thấy có thể thừa nhận được. Về phần tôi, xin thú nhận là nếu cần tôi sẽ ở lại London một năm để gặp cái tên Mordaunt đó. Song lẽ chúng ta phải ở nhà một người chắc chắn và làm sao để không gây một sự nghi ngờ nào, vì rằng vào giờ này hẳn ông Cromwell đã cho lùng chúng ta và theo tôi phán đoán, ông Cromwell không đùa đâu. Arthos này, anh có biết ở trong thành phố có một cái quán nào có khăn trải bàn trắng tinh, có thịt bò quay vừa chín tới, có rượu vang không làm bằng houblon hoặc đỗ tùng không?

- Tôi chắc làm được việc ấy đây, - Arthos đáp. - de Winter đã dẫn chúng tôi đến nhà một người mà ông nói là dân Tây Ban Nha vào quốc tịch Anh nhờ những đồng tiền guinées (đồng Ghi né = 21 shillings) của những người đồng quốc mới của ông ta. Aramis, cậu thấy thế nào?

- Chủ trương nghỉ lại ở nhà ông trưởng lão Péréz tôi thấy là phải lẽ nhất đây, và tôi tán thành. Chúng ta sẽ gợi lại những chuyện về de Winter mà ông ta có vẻ rất kính trọng; chúng ta nói là chúng ta sẽ đến đây như những nhà tài tử muốn đi xem xét tình hình, chúng ta sẽ chỉ tiêu ở đấy mỗi người một guinées một ngày, và tôi thiết nghĩ rằng với tất cả những sự phòng bị ấy, chúng ta có thể sống khá yên ổn.

- Cậu quên một điều đấy. Aramis ạ, một điều phòng bị khá quan trọng.

- Điều gì?

- Thay đổi y phục.

- Ô hay! - Porthos nói, - Hà cớ gì phải thay đổi y phục? Những y phục chúng ta đang mặc thật là vừa ý.

- Để không bị nhận ra, - D’Artagnan nói, - quần áo chúng ta có những kiểu cắt may và màu sắc hầu như giống nhau, thoạt nhìn nó đã tố giác ngay là nhưng French man(1). Tôi chẳng tội gì bám lấy kiểu cắt may chẽn hoặc màu sắc giày dép của tôi để đến nỗi vì yêu thích nó mà có nguy cơ bị treo cổ ở Tyburm hoặc đi đày ở bên Ấn Độ. Tôi sẽ mua một bộ y phục màu hạt dẻ. Tôi chú ý tất cả những tên thanh giáo ngu ngốc kia đều mê mệt cái màu ấy.

(1) Tiếng Anh: người Pháp.

- Nhưng liệu anh có tìm thấy người ấy không? - Aramis hỏi.

- Ồ tất nhiên, - Arthos đáp, - ông ta ở phố Green-Hall street, quán BedforD’s Tavern. Vả lại tôi có thể nhắm mắt mà đi trong thành phố ấy chứ.

- Tôi muốn đã ở ngay tại đó rồi đấy. - D’Artagnan nói, - Ý kiến tôi là ta phải tới London trước khi trời sáng, dù ngựa có ngã quỵ mà chết cũng đành.

- Nào đi, - Arthos nói, - bởi nếu vì tôi không tính toán sai, thì chúng ta chỉ còn cách đó chừng tám đến mười dặm.

Mấy người bạn thúc ngựa đi và quả nhiên khoảng năm giờ sáng họ đã đến London. Qua cửa ô họ bị một trạm gác ngăn lại, nhưng Arthos trả lời bằng tiếng Anh rất cừ rằng họ do đại tá Harrison phải về báo trước cho người bạn đồng liêu là ông Pridge rằng vua sắp tớí.

Câu trả lời ấy dẫn đến những câu hỏi han về chuyện bắt vua, và Arthos kể ra những chi tiết rõ ràng và xác thực đến nỗi những lính canh nếu có vài điều nghi ngờ thì nó cũng tan biến hết. Thế là cửa ô được mở rộng cho bốn người bạn với mọi kiểu chúc mừng thanh giáo.

Arthos đã nói đúng, anh đi thẳng đến Tửu quán BedforD’s Tavern, chủ quán nhận ra anh và rất vui mừng thấy anh trở lại với với đám bạn đông đảo và sang trọng ông ta lập tức cho sửa soạn những căn phòng đẹp nhất.

Bốn lữ khách tới London lúc trời chưa sáng mà đã thấy cả thành phố rộn rịp. Từ chiều trước đã có tin loan truyền rằng đại tá Harrison sắp giải vua trở về kinh đô, cho nên nhiều người không ngủ

Sợ rằng lão Stuart - Như họ gọi - Tới nơi vào ban đêm và họ sẽ bị lỡ không được xem.

Chủ trương thay đổi y phục được mọi người nhất trí tán thành, trừ sự phản đối yếu ớt của Porthos lúc đầu. Họ bèn đem ra thực hiện.

Chủ quán cho mang đến những quần áo đủ loại cứ như là ông định sắm sửa thêm cho tủ quần áo của mình. Arthos lấy một bộ màu đen tạo cho anh vẻ một như nhà tư sản tử tế. Aramis không muốn rời thanh gươm, chọn một bộ màu sẫm kiểu quân nhân. Porthos mê tít một cái áo chẽn màu đỏ và đôi giày màu xanh. D’Artagnan đã quyết định màu từ trước, nên chỉ còn chọn sắc độ và mặc một bộ màu hạt dẻ trông rất giống một người buôn bán đã về nghỉ hưu.

Còn Grimaud và Mousqueton do không mặc áo dấu, nên trông như đã cải trang hẳn. Ngoài ra Grimaud có dáng điềm đạm, khô khan và cứng nhắc như kiểu một người Anh thận trọng. Mousqueton thì như một người Anh to bụng, phì nộn và nhàn du.

- Bây giờ hãy sang vấn đề chủ yếu, - D’Artagnan nói. - Ta hãy cắt tóc để khỏi bị đám tiện dân chửi bới. Không còn là nhà quý tộc bằng thanh kiếm, ta hãy là người thanh giáo bằng mái tóc. Các cậu biết đấy, đó là điểm quan trọng phân biệt kẻ đính kết cùng tôn giáo với chàng công tử.

Về cái điểm quan trọng ấy, Aramis tỏ ra thật là bất phục tùng anh muốn ra sức giữ lại bộ tóc vốn rất đẹp của mình mà anh chăm chút rất cẩn thận. Arthos đành phải làm gương trước vì anh vốn dửng dưng với tất cả những vấn đề ấy. Porthos không khó khăn lắm, dâng cái đầu mình cho Mousqueton, hắn thẳng tay đưa kéo vào mớ tóc dày và cứng. D’Artagnan tự cắt cho mình một kiểu đầu ngẫu hứng, nó khá giống với cái mề đay thời Françoise đệ nhất hoặc thời Charles IX.

- Trông chúng ta thật là ghê tởm. - Arthos nói.

- Và hình như chúng bốc mùi thanh giáo thối tha đến rùng mình, - Aramis nói theo.

- Ô, tôi lạnh ở đầu. - Porthos kêu.

- Còn tôi, - D’Artagnan nói - Tôi thấy thèm đi thuyết giáo quá.

- Giờ đây, - Arthos nói, - chúng ta chẳng còn nhận ra nhau nữa; do đó chẳng sợ người khác nhận ra chúng mình, ta hãy đi ra xem vua đến. Nếu ông ta đi suốt đêm thì chẳng còn cách xa London đâu.

Quả thật bốn người bạn chen lẫn vào đám dông, chưa được hai giờ đồng hồ mà đã có tiếng reo hò và náo động lớn báo hiệu Charles tới nơi. Người ta cho một cỗ xe đi đón, và từ xa chàng khổng lồ Porthos đứng cao hơn mọi cái đầu, báo tin rằng anh đã trông thấy cỗ xe vua.

D’Artagnan đứng kiễng chân, trong khi Arthos và Aramis lắng nghe để tự mình biết xem dư luận bàn bạc thế nào. Cỗ xe đi qua, D’Artagnan nhận ra Harrison và Mordaunt ngồi ở hai bên cửa xe. Còn dân chúng, Arthos và Aramis nghe thấy họ chửi rủa Charles thậm tệ.

Arthos trở về chán nản, D’Artagnan bảo anh:

- Bạn thân mến ơi, anh cố chấp một cách thật vô ích. Tôi cam đoan với anh là tình thế rất xấu. Riêng tôi, tôi gắn mình với nó là vì anh và vì một sự thích thú tài tử về chính trị theo kiểu ngự lâm quân; tôi thấy rất thú vị giật miếng mồi khỏi tay tất cả những kẻ hò hét kia và cười vào mũi họ. Tôi sẽ nghĩ đến chuyện đó.

Ngày hôm sau khi đứng ở cửa sổ trông ra những khu phố đông người nhất của khu Cité, Arthos nghe thấy người ta rao bán nghị án của Nghị viện đưa ra tòa cựu vương Charles I bị coi là phạm tội phản bội và lạm dụng quyền hành.

D’Artagnan đứng cạnh anh. Aramis tra một bản đồ, Porthos mê man trong những khoái cảm cuối cùng của một bữa ăn sáng ngon lành.

- Nghị viện ư? - Arthos kêu lên, - Không thể nào Nghị viện ra một nghị án như vậy.

- Nghe này, - D’Artagnan nói, - tôi ít hiểu tiếng Anh, nhưng chẳng qua tiếng Anh là tiếng Pháp phát âm sai, nếu điều tôi nghe Nghị viện nghị án thì có nghĩa là nghị án của Nghị viện chứ gì, nếu không thì Chúa đày dọa tôi đi, như ở đây họ thường nói.

Vừa lúc ấy chủ quán vào, Arthos ra hiệu cho ông ta đến. Anh hỏi bằng tiếng Anh:

- Nghị viện ban ra nghị án đấy à?

- Vâng, thưa Milord, Nghị viện thuần khiết.

- Sao, Nghị viện thuần khiết à? Như vậy là có hai Nghị viện ư?

- Ông bạn ơi! - D’Artagnan ngắt lời, - Tôi không nghe được tiếng Anh, nhưng tất cả chúng tôi đây đều hiểu tiếng Tây Ban Nha, xin ông vui lòng nói chuyện với chúng tôi bằng thứ tiếng ấy, nó lại là tiếng của nước ông, do đó chắc hẳn ông thích dùng nó mỗi khi có dịp.

- A, đúng đấy. - Aramis nói.

Còn Porthos như chúng tôi đã nói, anh đang tập trung tất cả sự chú ý vào miếng sườn mà anh đang mải gỡ chỗ nạc ra.

- Ông hỏi gì nhỉ? - Chủ quán nói bằng tiếng Tây Ban Nha.

Arthos lại nói bằng tiếng ấy:

- Tôi hỏi có phải là có hai nghị viện không, một thuần khiết và một không thuần khiết.

- Ồ! Thật là kỳ lạ! - Porthos nói, anh ngẩng đầu lên và nhìn các bạn với vẻ ngạc nhiên, - Thế là bây giờ tôi hiểu tiếng Anh à? Tôi hiểu ông vừa nói cái gì.

Với vẻ bình tĩnh thông thường Arthos nói:

- Ấy là vì chúng tôi nói tiếng Tây Ban Nha bạn ạ.

- À, khổ thật! - Porthos nói, - Đáng lẽ tôi đã biết thêm một thứ tiếng nữa, bực nhỉ.

- Thưa ngài, - Chủ quán đáp, - khi nói Nghị viện thuần khiết, tôi muốn nói cái Nghị viện mà ông đại tá Pridge đã thanh lọc rồi.

- À ra thế, - D’Artagnan nói, - dân ở đây sáng tạo thật. Khi trở về Pháp tôi phải mách cái kế ấy cho ông Mazarin và ông chủ giáo. Một người thanh lọc nhân danh triều đình, một người thanh lọc nhân danh dân chúng, kết cục sẽ chẳng còn Nghị viện nữa.

- Đại tá Pridge trước làm nghề đánh xe, - Chủ quán đáp - ông ta là một người tài trí khi đánh xe đã nhận xét thấy một điều; ấy là khi một hòn đá nằm ở trên đường đi, thì nhặt hòn đá vứt đi còn nhanh hơn là cố đẩy cho bánh xe trườn qua hòn đá. Bây giờ trong số hai trăm năm mươi thành viên của Nghị viện thì một trăm chín mươi mốt người cản trở ông ta và có có thể làm đổ cỗ xe chính trị của ông. Giống như xưa kia ông bèn nhặt những hòn đá và quẳng ra khỏi nghị viện.

Vốn là người trí xảo, D’Artagnan rất trân trọng trí xảo ở bất cứ nơi nào gặp nó. Anh reo lên:

- Hay thật!

- Những người bị trục xuất ấy có phải thuộc phái Stuart không? - Arthos hỏi.

- Có thể như vậy, thưa Senior(1), chẳng hoài nghi gì nữa, và chắc ngài biết rằng họ đã toan cứu vua.

(1) Senior: tiếng Tây Ban nha là Ông.

- Chúa ơi! - Porthos trịnh trọng nói, - Họ đều là số đông.

- Thế ông cho rằng vua bằng lòng ra trước một tòa án như vậy sao? - Aramis hỏi.

- Phải bằng lòng chứ, - Người Tây Ban Nha đáp, - Nếu ông ta từ chối, dân chúng sẽ cưỡng bách.

- Xin cảm ơn tiên sinh Perez, - Arthos nói, - bây giờ tôi đã biết tình hình đầy đủ.

- Arthos ơi, - D’Artagnan nói: - Cuối cùng anh đã bắt đầu tin chưa, đó là một mục đích thất bại, và chúng ta sẽ không bao giờ vươn tới ngang tầm của những Harrison, những Joyce, những Pridge và những Cromwell.

- Vua sẽ được giải thoát ở tòa án, - Arthos nói, chính sự im lặng của những người theo ông chỉ rõ một âm mưu.

D’Artagnan nhún vai.

- Nhưng mà, - Aramis nói, - nếu họ dám kết án vua của họ, thì họ sẽ kết án lưu đầy hoặc tù là cùng.

D’Artagnan huýt sáo với vẻ ngờ vực.

- Rồi sẽ biết, - Arthos nói, - vì chúng ta sẽ đến xem phiên tòa, tôi đoán chừng như vậy.

- Ông chẳng phải đợi lâu đâu, - Chủ quán nói, - vì ngày mai bắt đầu xứ án rồi!

- Ái chà! - Arthos nói, - Thế là thủ tục tố tụng được làm xong trước khi vua bị bắt hay sao?

- Chắc hẳn là thế, - D’Artagnan đáp, - người ta đã bắt đầu làm hôm vua bị mua bán.

- Các cậu biết đấy, - Aramis nói, - Chính ông bạn Mordaunt của chúng ta đã làm cuộc mua bán, nếu không thì ít ra cũng làm những việc mở đầu cho vụ đó.

- Các cậu nhớ rằng, - D’Artagnan nói, - Tôi sẽ giết ông Mordaunt ở bất cứ nơi nào ông ta rơi vào trong tầm tay tôi.

- Hừ! Một tên khốn nạn như vậy? - Arthos kêu.

- Nhưng chính vì hắn là một tên khốn nạn mà tôi giết nó. - D’Artagnan đáp.

- Anh bạn thân mến ơi, tôi đã chiều ý anh khá nhiều rồi, nên anh cũng phải rộng lượng với tôi chứ. Vả chăng lần này, dù có vừa lòng anh hay không, tôi cũng tuyên bố với anh rằng cái tên Mordaunt ấy sẽ bị giết vì tay tôi mà thôi.

- Và tôi nữa, - Porthos nói.

- Và tôi nữa, - Aramis nói.

- Sự nhất trí thật xúc động! - D’Artagnan reo lên, - Và nó rất thích hợp với những người tư sản hẳn hoi như chúng ta. Ta hãy đi dạo quanh thành phố nào. Ngay Mordaunt cách bốn bước cũng không thể nhận ra chúng ta trong sương mù như thế này. Ta hãy đi uống một chút sương mù xem sao.

- Phải đấy, - Porthos nói, - thay rượu bia mà.

Và bốn người bạn đi ra, để như người ta thường nói, thở hít không khí của xứ sở.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3