Hai mươi năm sau - Chương 81 - Phần 1

Chương 81

Ba phụ tá của Tổng tư lệnh

Theo như đã thỏa thuận với nhau, sau khi ra khỏi khách sạn "Đại đế Grand-Roi-Charlemagneơ", Arthos và Aramis đi về phía dinh công tước de Bouillon.

Đêm tối mù mịt và mặc dầu đi vào những giờ yên tĩnh và vắng vẻ vẫn tiếp tục vang lên hàng nghìn tiếng động nó khiến một thành phố bị bao vây giật mình tỉnh dậy.

Đi mỗi bước là gặp các lũy chướng ngại, ở mỗi ngách phổ xá là những sợi dây chăng, ở mỗi ngã tư là những toán quân đóng ngoài trời. Những đội tuần tra nhan nhản gặp nhau và trao đổi mật khẩu; những người đưa tin do các chỉ huy khác nhau phải đi như mắc cửi.

Cuối cùng những cuộc đối thoại sôi nổi chỉ rõ sự xao xuyến nhân tâm được trao đổi giữa những dân cư hòa bình đứng ở cửa sổ với những người hiếu chiến hơn họ mang thương tích trên vai hoặc súng cầm tay chạy khắp phố phường.

Đi chưa được trăm bước, Arthos và Aramis bị lính canh ở lũy chướng ngại ngăn giữ lại và hỏi mật khẩu. Các anh nói là đi đến nhà ông de Bouillon để báo cho ông biết một tin tức quan trọng, và người ta đành cho một người gọi là để đưa các anh đi vào dễ dàng, nhưng thực ra là để canh phòng các anh. Người dẫn đường đi trước và hát:

"Cái ông Bouillon hiền lành

Bị bệnh phong thấp nó hành"

Đó là một trong những bài ca mới mẻ nhất, không biết có bao nhiêu đoạn, và mỗi người đều có phần trong đó.

Đi đến gần dinh ông dờ Bouillon họ gặp một tốp ba kỵ sĩ có đủ mọi khẩu lệnh trên đời, vì họ đi chẳng có người dẫn đường và hộ tống, và khi tới các lũy chướng ngại họ chỉ cần trao đổi vài lời với những người canh gác là người ta để cho họ đi qua với tất cả sự tôn kính dành cho chức vị của họ. Trông thấy dáng vẻ họ. Arthos và Aramis dừng lại.

- Ô kìa! - Aramis, nói - Bá tước có nhìn thấy không?

- Có, - Arthos đáp.

- Anh thấy ba kỵ sĩ đó giống ai nhỉ?

- Thế cậu thấy thế nào, Aramis?

- Hình như địch thủ của chúng ta.

- Cậu không lầm đâu. Tôi hoàn toàn nhận ra ông Flamarens.

- Còn tôi nhận ra ông de Châtillon.

- Còn kỵ sĩ mặc áo choàng nâu…

- Đó là giáo chủ.

- Đích thân.

- Quái quỷ nhỉ! - Aramis nói, - Sao họ lại dám đi liều ở gần dinh Bouillon này?

Arthos mỉm cười, nhưng không đáp. Năm phút sau họ gõ cửa nhà ông Bouillon.

Cổng có một lính gác giống như nhà những nhân vật cao cấp; trong sân có cả một cái bốt nhỏ sẵn sàng tuân theo lệnh viên trung úy của hoàng thân de Conti.

Đúng như bài hát nói, công tước de Bouillon bị bệnh phong thấp và nằm liệt giường. Mặc dầu bệnh tình như vậy không cho phép ông cưỡi ngựa từ một tháng nay, nghĩa là từ khi Paris bị bao vây, ông vẫn bảo rằng ông sẵn sàng tiếp đón bá tước de La Fère và hiệp sĩ D’Herblay.

Hai người bạn được dẫn đến giường ông Bouillon. Bệnh nhân nằm ở trong phòng, nhưng quanh mình đầy những trang bị nhà binh nhất. Khắp chỗ chỉ toàn bày và treo gươm kiếm súng ống, áo giáp, và ta dễ dàng thấy rằng khi nào dứt bệnh phong thấp là ông de Bouillon lập tức gây rắc rối ngay cho các kẻ thù của Nghị viện.

Trong khi chờ đợi, ông nói rằng ông rất tiếc mình buộc phải nằm liệt giường.

Trông thấy hai người khách, ông cố nhắc mình dậy và nhăn nhó vì đau, nhưng vẫn reo lên:

- A! Xin chào các ông! Các ông sung sướng thật các ông có thể nhảy ngựa, đi lại, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân. Còn tôi, các ông thấy đấy, tôi bị đóng đinh chặt vào giường, ái chà. Cái bệnh phong thấp quỷ quái này? - Ông lại nhăn nhó. - Cái bệnh phong thấp tệ hại này.

- Thưa Đức ông, - Arthos cất tiếng, - Chúng tôi từ nước Anh về và việc quan tâm đầu tiên của chúng tôi khi tới Paris là đến hỏi thăm sức khỏe của ngài.

- Xin đa tạ các ông, xin đa tạ. - Ông quận công đáp - Sức khỏe tôi kém lắm, như các ông thấy đấy… Cái bệnh phong thấp tội nợ này! A! Các ông từ Anh trở về ư? Tôi vừa nghe tin rằng vua Charles vẫn bình an, phải không?

- Thưa Đức ông, - Aramis đáp, - vua chết rồi.

- Ô hay? - Quận công tỏ vẻ kinh ngạc.

- Bị Nghị viện kết án và chết trên đoạn đầu đài.

- Không thể thế được.

- Và bị hành quyết trước mắt chúng tôi.

- Vậy mà ông Flamarens nói với tôi thế nào?

- Ông Flamarens ư? - Aramis hỏi.

- Phải, ông ta mới ở đây ra.

Arthos mỉm cười và hỏi:

- Cùng với hai người bạn à?

- Phải cùng với hai người bạn. - Quận công đáp và nói thêm với vẻ lo ngại - Họ có gặp các ông không?

- Có chứ, - Arthos đáp, - ở ngoài phố thì phải.

Và anh mỉm cười nhìn Aramis, Aramis cũng nhìn lại anh với vẻ hơi ngạc nhiên.

- Thưa Đức ông, - Arthos nói, - thật ra đang đau ốm như ngài, phải hết lòng hết dạ lắm với lợi ích của Paris, ngài mới vẫn đứng đầu quân đội và sự kiên trì ấy khiến chúng tôi rất cảm phục.

- Các ông ơi phải thế, chứ biết làm thế nào. Các ông cũng là một tấm gương, các ông thật là dũng cảm và tận tụy và chính nhờ các ông mà ông bạn đồng liêu thân mến của tôi, quận công de Beaufort được tự do và có thể là được cứu sống nữa. Phải biết hy sinh cho lợi ích chung chứ! Cho nên các ông thấy đấy, tôi cũng hy sinh; nhưng cũng xin thú nhận rằng tôi kiệt sức rồi; lực bất tòng tâm mà! Cái bệnh phong thấp chết tiệt này nó giết tôi! Và tôi cũng thú thật rằng nếu như triều đình chấp nhận những yêu cầu của tôi, yêu cầu thật chính đáng, bởi vì tôi chỉ yêu cầu một sự bồi thường mà ngài giáo chủ cũ đã hứa khi người ta tước mất thái ấp Sedan của tôi… Phải, tôi thú thật rằng nếu như người ta đền cho tôi những lãnh địa giá trị cũng ngang như thế, nếu như người ta bồi thưởng cái việc tôi không được hưởng thụ cái dinh địa ấy từ khi bị tước đoạt, tức là từ tám năm nay, nếu như tước vị hoàng thân được ban cho người nhà tôi, và nếu ông Tuyren, em tôi, được phục chức chỉ huy, thì tôi sẽ rút lui ngay về đất đai của tôi và để mặc triều đình và nghị viện dàn xếp với nhau tùy họ.

- Thưa Đức ông - Arthos nói, - ngài nói rất chí lý.

- Ông đồng ý như vậy có phải không, bá tước de La Fère?

- Hoàn toàn.

- Thế còn ông hiệp sĩ D’Herblay?

- Nhất trí.

- Thế thì, - quận công nói, - tôi xin bảo đảm với các ông rằng đó là điều tôi sẽ chấp nhận. Lúc này triều đình đang đưa ra những kiến nghị với tôi, và chỉ còn mong tôi chấp nhận. Cho đến giờ phút này tôi vẫn từ chối. Nhưng vì rằng những người như các ông cho rằng như thế thì tôi sai lầm, và nhất là vì cái bệnh phong thấp chết tiệt này nó khiến tôi không thể làm được một chút việc gì cho lợi ích của Paris, cho nên thực tình, tôi muốn nghe lời khuyên của các ông và chấp nhận đề nghị mà ông de Châtillon vừa mới đưa ra với tôi.

- Hoàng thân hãy chấp nhận đi, - Aramis nói, - Hãy chấp nhận.

- Vâng, thực tình tôi cũng tiếc là chiều nay hầu như tôi đã gạt phăng lời đề nghị đó… nhưng ngày mai có hội nghị và ta sẽ xem.

Hai người chào quận công. Ông nói:

- Các ông về đi. Cuộc viễn du hẳn khiến các ông mệt nhọc lắm. Tội nghiệp vua Charles. Nhưng dù sao cũng có đôi phần sai sót của ông ta trong tất cả những chuyện đó. Điều an ủi chúng ta là nước Pháp không có gì phải tự trách mình trong trường hợp này, nó đã làm tất cả những gì có thể làm để cứu ông ta.

- Ồ! Về điều này, - Aramis nói, - Chúng tôi đã được chứng kiến, nhất là ông Mazarin…

- Thấy chưa? Tôi rất hài lòng là các ông đã làm chứng cho ông ấy; thực ra ông giáo chủ có mặt tốt, và nếu ông ấy không phải là người ngoại quốc thì có lẽ người ta cũng sẽ thừa nhận ông ấy. Ờ! Cái bệnh phong thấp quỷ quái này!

Arthos và Aramis đi ra, và tới tiền sảnh rồi mà vẫn nghe thấy những tiếng kêu la của ông de Bouillon; rõ ràng là ông hoàng tội nghiệp ấy đau ghê gớm lắm.

Ra khỏi cổng; Aramis hỏi Arthos:

- Thế nào, anh nghĩ sao?

- Về ai cơ?

- Thì về ông de Bouillon!

- Bạn ơi, tôi nghĩ về ông ta như bài hát của người dẫn đường cho chúng ta ấy, - Arthos đáp và lặp lại:

"Cái ông Bouillon đê hèn,

Bị bệnh phong thấp nó hành"

- Thế cho nên, - Aramis nói, - anh thấy đấy, tôi có hé răng chút nào về mục đích chúng ta đến đâu.

- Và cậu hành động khôn ngoan đến nỗi có thể lại cho hắn bị một cơn đau nữa rồi. Thôi, ta đi đến ông de Beaufort.

Và hai người bạn đi về phía dinh Vendôme. Khi họ đến nơi, chuông điểm mười giờ tối.

Dinh Vendôme được canh phòng không kém và cũng phô ra vẻ mặt hiếu chiến không kém dinh Bouillon. Cũng có lính gác, có quân đứng gát ngoài sân, có súng dựng chụm, có ngựa thắng yên cương sẵn sàng.

Arthos và Aramis đi vào thì hai kỵ sĩ đi ra, họ phải cho ngựa lùi lại một bước để nhường chỗ cho các anh vào.

- A, a! - Aramis nói, - Các ông ơi, rành rành đêm nay là cái đêm gặp gỡ. Thú thật là chúng ta sẽ không may, vì sau khi gặp nhau quá nhiều trong buổi tối nay, đến mai chúng ta sẽ chẳng thể gặp nhau nữa.

Châtillon, vì chính là gã cùng với Flamarens vừa ở nhà quận công de Beaufort ra, đáp lại:

- Ồ, về điều ấy các ông có thể yên tâm vì nếu ban đêm chúng ta không tìm nhau mà vẫn gặp nhau thì ban ngày chúng ta tìm nhau ắt là sẽ gặp nhau.

- Tôi mong như vậy, ông ạ, - Aramis nói.

- Còn tôi thì tôi chắc chắn, - Công tước đáp.

Flamarens và Châtillon tiếp tục đi ra, còn Arthos và Aramis xuống ngựa.

Hai anh vừa mới trao dây cương cho mấy tên hầu và cởi bỏ áo choàng ra, thì một người tiến lại gần dưới ánh sáng mập mờ của một ngọn đèn treo ở giữa sân, nhìn ngó các anh một lát, rồi kêu lên một tiếng kinh ngạc và vừa nhảy xổ vào vòng tay các anh vừa reo:

- Bá tước de La Fère! Hiệp sĩ D’Herblay! Làm thế nào mà các ông lại có mặt ở Paris đây?

- Rochefort! - Hai anh cùng reo lên.

- Vâng, đúng rồi. Như các ông đã biết, chúng tôi từ Vendôme tới đây được bốn năm hôm rồi và đang sửa soạn cho lão Mazarin bận rộn đây. Tôi đoán chắc rằng các ông vẫn là người của bên ta chứ?

- Hơn bao giờ hết!

- Thế còn quận công?

- Ông ấy căm giận chủ giáo lắm. Các ông biết thắng lợi của lão đối với ông quận công thân mến của chúng ta chứ? Lão ta là ông vua thực sự của Paris, lão không thể đi ra ngoài mà không có nguy cơ bị người ta bóp cổ chết.

- A, càng tốt! - Aramis nói. - Nhưng này, hãy cho tôi biết có phải Flamarens và Châtillon vừa ở đây ra không?

- Phải, họ vừa mới yết kiến ông quận công. Chắc hẳn do Mazarin phái đến, nhưng họ đã thấy phải đối mặt với ai rồi, tôi dám chắc như vậy.

- Vừa hay! - Arthos nói. - Nhưng liệu chúng tôi có được vinh dự vào chào điện hạ không?

- Ô kìa! Vào ngay bây giờ ấy chứ! Các ông biết rằng đối với các ông lúc nào Điện hạ cũng có thể gặp được. Hãy đi theo tôi, tôi mong có vinh dự được giới thiệu các ông đấy.

Rochefort đi trước. Tất cả các cửa mở ra trước ông và hai người bạn. Họ thấy ông de Beaufort sắp sửa ngồi vào bàn ăn. Hàng nghìn công việc bận rộn ban chiều đã làm chậm bữa ăn tối của ông đến lúc ấy. Nhưng mặc dầu sự nghiêm trọng của tình hình, vừa mới nghe Rochefort báo tên hai người khách, ông hoàng đang kéo ghế vào sát bàn, ăn vội đứng lên, bước tới hai người bạn và nói:

- A! Xin chào mừng các ông. Các ông ăn cùng với tôi nhé.

- Boisjoli, hãy bảo Noirmont là tôi có hai thực khách. Các ông biết Noimont chứ? Đó là viên đầu bếp của tôi, người kế tục cha Marteau, kẻ làm những cái bánh nước ngon tuyệt mà các ông biết đấy. Boisjoli, bảo bác ấy đưa một chiếc bánh nướng lên, nhưng không phải loại bánh đã từng làm cho La Ramée. Ơn trời, chúng ta không cần đến thang đây, dao găm hay quả lê cay đắng nữa.

- Thưa Đức ông, - Arthos nói, - xin đừng làm phiền bác đầu bếp trứ danh của ngài nữa, chúng tôi biết bác ấy có tài năng phong phú đa dạng lắm. Tối nay, được Điện hạ cho phép, chúng tôi chỉ dám xin hỏi thăm sức khỏe của ngài và nhận mệnh lệnh của ngài thôi.

- Ồ, về sức khỏe của tôi, các ông thấy đấy thật là tuyệt diệu. Một sức khỏe đã chịu đựng năm năm ngục tù kèm theo ông de Chavigny nữa thì có thể làm được mọi việc. Còn về mệnh lệnh cho các ông, thì xin thú thật là tôi rất lúng túng, nhân vì mỗi người đều tự mình ra lệnh cả, nếu tình trạng này tiếp diễn thì cuối cùng, tôi chẳng ra lệnh gì hết.

- Thật thế ư? - Arthos nói, - Tôi tưởng rằng nghị viện trông cậy vào sự đoàn kết của các ngài.

- À phải, sự đoàn kết của chúng tôi! Nghe đẹp đẽ đấy. Với quận công de Bouillon thì còn khả dĩ; ông ta bị bệnh phong thấp và chịu liệt giường, nhưng còn có cách để thông cảm với nhau được. Còn với ông D’Elbeuf và lũ con trai bị thịt của ông ta ấy à… Các ông biết bài vè về quận công d ' Elbeuf chứ!

- Thưa ngài, không ạ.

- Thật ư?

Ông quận công bèn cất tiếng hát:

D’Elbeuf và lũ con

Làm loạn cả Hoàng trường.

Bốn kẻ đi vênh váo

D’Elbeuf và lũ con

Nhưng nếu ra chiến trường

Tìm đâu vẻ mã thượng

D’Elbeuf và lũ con

Nhặng xị cả Hoàng trường.

- Nhưng mà, - Arthos nói, - Đối với ngài chủ giáo, tôi hi vọng không phải như vậy.

- A, vâng? Với ông chủ giáo thì còn tệ hơn nữa. Cầu Chúa hãy tránh cho ông những viên tư giáo bát nháo, nhất là khi họ lại mặc giáp sắt bên trong áo thày tu! Đáng lẽ ở yên trong tòa giám mục của mình để làm các lễ tạ ơn mừng những chiến thắng mà chúng ta bị đánh bại, thì ông có biết ông ta làm gì không?

- Không ạ.

- Ông ta lập một trung đoàn mang tên ông, trung đoàn Coadjuter. Ông ta biến các trung úy và đại úy thành thống chế và các đại tá thành ông vua.

- Vâng, - Aramis nói, - Nhưng đến lúc phải chiến đấu, tôi chắc rằng ông ta sẽ bám trụ ở tòa giám mục.

- Ồ, không phải thế đâu, D’Herblay thân mến ơi, điều ấy ông lầm đấy! Khi cần chiến đấu thì ông ta chiến đấu. Thành thử do cái chết của chú ông đã cho ông cái ghế trong nghị viện, lúc nào ông ta cũng quẩn chân người ta ở nghị viện, ở hội đồng, ở trận mạc. Hoàng thân de Conti thì là tướng trong bức họa thôi, mà bức họa thế nào cơ chứ? Một ông hoàng gù lưng! Ôi, tất cả những điều đó tiến hành rất dở, các ông ạ, rất dở.

Arthos đưa mắt nhìn Aramis và nói:

- Thưa Đức ông, thành thử ra Điện hạ bất bình?

- Bất bình ư, bá tước? Phải nói rằng Điện hạ phẫn nộ. Đến mức - Tôi không nói với người khác mà nói riêng với ông thôi nhé - Nếu như hoàng hậu thừa nhận sai lầm đối với tôi mà gọi bà mẹ tôi đang bị lưu đày trở về, và cho tôi lấy lại chức cái tước vị đô đốc vốn là của cha tôi và người ta đã hứa ban cho tôi khi ông chết, thì tôi sẵn sàng dạy những con chó cho chúng biết sủa rằng ở Pháp còn có những tên ăn cắp lớn hơn ông Mazarin nhiều.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay