Hai mươi năm sau - Chương 81 - Phần 2

Arthos và Aramis không chỉ đưa mắt nhìn nhau, mà còn vừa nhìn nhau vừa mỉm cười. Và dù có không gặp chăng nữa, các anh cũng đoán rằng Châtillon và Flamarens đã qua đây, cho nên các anh không nói nửa lời về sự có mặt của Mazarin ở Paris.

- Thưa Đức ông, - Arthos nói, - thế là chúng tôi thỏa mãn rồi. Đến thăm Điện hạ vào giờ này, chúng tôi không có mục đích nào khác là chứng minh lòng tận tụy của chúng tôi và để thưa với ngài rằng chúng tôi sẵn sàng hầu hạ ngài như những người tôi tớ trung thành nhất.

- Như những người bạn trung thành nhất, các ông ạ, như những người bạn trung thành nhất của tôi! Các ông đã chứng minh như vậy. Và nếu như sau này tôi có hòa giải với triều đình, thì tôi cũng sẽ chứng minh với các ông rằng tôi vẫn là người bạn của các ông, cũng như là bạn của mấy ông kia nữa, tên mấy ông kia là gì nhỉ?

- D’Artagnan và Porthos.

- À, phải rồi, như vậy ông, bá tước de La Fère, và ông hiệp sĩ D’Herblay, các ông hiểu cho rằng bao giờ tôi cũng hết lòng với các ông.

Arthos và Aramis cúi chào và đi ra.

- Arthos thân mến ơi, xin Chúa tha lỗi, tôi chắc rằng anh chỉ bằng lòng đi với tôi chẳng qua là để cho tôi một bài học phải không?

- Khoan đã, bạn thân mến, - Arthos đáp, - Hãy còn thì giờ để chiêm nghiệm khi chúng ta ra khỏi nhà ông chủ giáo.

Và cả hai người đi về khu Cité.

Đến gần cái nôi của Paris, Porthos vàAaramis thấy phố xá ngập lụt và lại phải đi thuyền.

Đã mười một giờ khuya rồi, nhưng ai cũng biết rằng đến nhà ông chủ giáo thì chẳng kể giờ giấc gì. Sự hoạt động ghê gớm của ông, tuỳ theo nhu cầu mà biến đêm thành ngày và ngày thành đêm.

Tòa tổng chủ giáo nhô lên từ lòng nước, và cứ theo số thuyền đậu khắp chung quanh tòa nhà, ta cớ thể ngờ rằng mình không phải ở Paris mà đang ở Venise (1). Thuyền bè đi lại đan nhau khắp mọi ngả, chui sâu vào trong những mé lộ của khu Cité, hoặc đi xa ra phía Binh công xưởng hoặc những con đường Saint-Victo, và cứ bơi như trên một cái hồ lớn. Có những thuyền im lặng và bí hiểm, có những thuyền ồn ào và sáng đèn. Đôi bạn lướt giữa cái thề giới thuyền bè ấy và cập bến.

(1) Thành phố xây dựng trên mắt nước, là một thắng cảnh ở nước Ý.

Tất cả tầng trệt của tòa giám mục bị ngập nước, nhưng có những cầu thang mọi kiểu lắp vào các tường. Tất cả sự biến đổi do ngập lụt là đáng lẽ vào nhà bằng cửa chính thì bây giờ vào bằng cửa sổ.

Cũng bằng cách như vậy, đôi bạn vào gian tiền sảnh của chủ giáo. Ở đây đông đặc những đầy tớ vì có đến một tá các vị công hầu tụ tập ở phòng đợi.

- Trời ơi! - Aramis nói, - Arthos hãy xem kìa! Thế này thì liệu cái lão chủ giáo hợm hĩnh ấy có vui lòng bảo chúng ta chờ đợi không?

Arthos mỉm cười, nói:

- Bạn thân mến ơi, cần phải xét người với tất cả những bất lợi trong tình cảnh của họ. Lúc này thì ngài chủ giáo đang là một trong số bảy tám ông vua Pháp đang ngự trị ở Paris, và ông ta có một triều đình.

- Phải đấy, - Aramis nói, - nhưng chúng ta chẳng phải là cận thần.

- Cho nên chúng ta sẽ đưa tên chúng ta vào và nếu ông ta xem rồi mà không có sự trả lời thích đáng thì, được rồi chúng ta sẽ mặc ông ta với những công việc của nước Pháp và của riêng ông ấy. Bây giờ ta chì cần gọi một tên hầu ra và dúi cho nó một nửa pistol.

- A! Đúng rồi, - Aramis kêu lên, - mình có lầm không nhỉ… đúng không…, đúng đấy… này ông mãnh Bazin lại đây!

Lúc ấy Bazin oai vệ trong bộ y phục nhà thờ đang đi qua phòng đợi, chợt quay lại, cau mày nhìn xem kẻ nào hỗn xược gọi mình như vậy. Nhưng vừa mới nhận ra Aramis, thì con cọp bỗng trở thành con cừu và tiến lại hai nhà quý tộc mà nói:

- Ô kia! Ông hiệp sĩ đấy à! Ông bà tước đấy à! Chúng tôi đang lo lắng về các ông thì cả hai ông đã về đây rồi! Ôi, gặp lại hai ông, tôi mừng quá.

- Tốt lắm, tốt lắm, thầy Bazin ạ, - Aramis nói, - thôi chúc tụng thế đủ rồi. Chúng tôi muốn đến thăm ngài chủ giáo; chúng tôi vội lắm và cần gặp ngay bây giờ.

- Thế nào? - Bazin nói, - Ngay bây giờ ư? Những vị công hầu như các ông không phải để người ta bắt ngồi chờ. Song lẽ trong lúc này chủ giáo đang hội đàm bí mật với ông de Bruy nào đó.

- De Bruy? - Cả Arthos và Aramis cũng kêu lên.

- Vâng, tôi đã trình báo ông ta đến và tôi nhớ rất rõ tên ông ta.

- Ông quen biết ông ta ư? - Bazin lại nói. - Vì ông ta trùm áo choàng kín mít, đến nỗi tôi cố nhìn cũng chẳng nom thấy một góc nhỏ nào trên mặt cả. Nhưng tôi sẽ vào trình rằng các ông tới, và lần này sẽ có may mắn hơn.

- Vô ích! - Aramis nói. - Chúng ta lại không gặp ông chủ giáo tối nay nữa, phải không Arthos?

- Tùy anh thôi.

- Ông ta có những việc quá quan trọng cần thương lượng với cái ông de Bruy ấy.

- Thưa các ông, - Bazin nói, - sau đấy tôi có phải trình lại rằng các ông đã tới tòa giám mục không?

- Không, chẳng cần đâu, - Aramis nói, - ta đi thôi, Arthos.

Và hai người bạn rẽ đám đầy tớ, đi ra khỏi tòa giám mục.

Bazin theo sau và chứng mình tầm quan trọng của các ông chủ mình bằng những cái vái chào lia lịa.

Khi xuống thuyền rồi, Arthos hỏi Aramis:

- Này cậu ơi, cậu đã bắt đầu thấy chưa, rằng chứng mình sẽ chơi xỏ tất cả các vị kia nếu chúng mình bắt giữ Mazarin?

- Arthos ơi, - Aramis nói, - anh là hiện thân của sự khôn ngoan đấy.

Điều đập mạnh nhất vào hai người bạn là những biến cố ghê gớm xảy ra ở nước Anh và các anh tưởng như chúng bắt tất cả châu Âu phải quan tâm thì chẳng có gì là quan trọng đối với triều đình Pháp.

Thật vậy, ngoài một người vợ góa tội nghiệp và một đứa con mồ côi khóc lóc ở một xó cung Louvre thì chẳng ai tỏ ra biết rằng đã có một ông vua Charles I tồn tại và ông vua ấy vừa mới chết trên đoạn đầu đài.

Đôi bạn hẹn gặp lại nhau vào mười giờ sáng hôm sau. Khi đến cổng khách sạn thì đêm đã khuya lắm, nhưng Aramis còn có vài việc thăm viếng quan trọng phải làm và đã để Arthos về một mình.

Sáu giờ sáng hôm sau Arthos cũng đã đi ra ngoài và đến mười giờ họ lại gặp nhau.

- Thế nào, có tin tức gì không? - Arthos hỏi.

- Chẳng có gì hết. Chẳng ai trông thấy D’Artagnan ở đâu, và Porthos cũng chưa xuất hiện. Thế còn anh?

- Cũng chẳng có tin gì cả.

- Kì lạ nhỉ?

- Thật vậy, - Arthos nói, - Sự chậm trễ này là không bình thường.

- Các cậu ấy đi theo đường ngắn nhất, cho nên đáng lẽ phải về trước chúng mình chứ?

- Chưa kể, - Arthos nói, - chúng ta đều biết rằng D’Artagnan rất khẩn trương trong mọi công việc, không bao giờ để mất thì giờ, nhất là lại biết rằng chúng ta chờ đợi… Cậu ta tính về đây ngày mồng năm.

- Mà hôm nay đã mồng chín. Tối nay là quá hạn rồi.

- Cậu định thế nào? - Arthos hỏi, - Nếu tối nay vẫn chưa có tin tức gì về các bạn?

- Chúa ơi! Chúng ta phải đi tìm.

- Được. - Arthos nói.

- Nhưng còn Raoul? - Aramis hỏi.

Một bóng mây thoáng qua trán Arthos. Anh nói:

- Tôi cũng rất lo cho nó. Nó nhận một bức thư của hoàng thân de Condé và tới gặp ngài ở Saint-Clou, thế mà vẫn chưa trở về.

- Anh không gặp bà de Chevreuse à?

- Bà ta không có nhà. Còn cậu, tôi chắc thế nào cậu chẳng tạt qua bà de Longueville?

- Có đấy. - Aramis đáp.

- Thế nào?

- Bà ta cũng không có nhà, nhưng ít ra cũng để lại địa chỉ mới.

- Ở đâu thế?

- Thử đoán xem, tôi cá bạc nghìn đấy.

- Tôi chắc rằng đêm qua cậu chia tay tôi và đến nhà bà ấy. Thế thì cậu bảo tôi làm sao mà đoán được cái bà xinh đẹp nhất và hoạt động nhất trong đám nữ Fronde ấy ở đâu lúc nửa đêm.

- Bạn thân mến ơi, bà ta ở Tòa thị sảnh.

- Sao, ở Tòa thị sảnh à? Thì ra bà ta được cử làm thị trưởng Paris ư?

- Không; bà ta làm quyền hoàng hậu Paris, và do không dám vừa thoạt đầu đã đến ngự ở Hoàng cung hoặc cung điện Tuleries, bà ta đóng ở Tòa thị sảnh, tại đây bà ta sẽ cho ngài quận công thân mến ấy một đứa con thừa kế trai hoặc gái.

- Aramis, thế mà cậu đã không cho tôi biết tình hình này, - Arthos trách.

- Ơ thật à? Thế thì tôi quên đấy. Xin lỗi nhé!

- Từ giờ đến chiều tối chúng ta làm gì nào? - Arthos hỏi, - Hình như ta quá rỗi rãi.

- Anh quên rồi ư, chúng ta có việc ấn định sẵn rồi mà.

- Về phía Charenton à, mẹ kiếp!

- Theo lời hẹn của hắn, tôi hi vọng gặp tại đấy một gã Châtillon nào đó mà tôi căm ghét từ lâu.

- Tại sao thế? - Arthos hỏi.

- Tại vì hắn là em ruột lão Coligny nào đó.

- À phải rồi, tôi quên mất. Cái lão đã tấp tểnh làm đối thủ của cậu. Hắn đã bị trừng phạt một cách tàn nhẫn vì cái tội mạo muội ấy.

- Bạn thân mến ơi, kể ra như thế cũng đủ lắm cho cậu rồi.

- Vâng, nhưng biết làm thế nào. Điều đó chưa đủ với tôi. Tôi là người thù dai; đó là cái điểm duy nhất khiến tôi bám vào Nhà thờ. Sau đó, Arthos ơi, mong anh hiểu rằng anh không hề bị buộc phải đi theo tôi.

- Thôi đi nào - Arthos nói - Cậu đùa đấy à?

- Bạn thân mến ơi, nếu anh quyết định đi với tôi thì không chậm trễ nữa. Trống đã đánh, tôi đã gặp các cỗ đại bác, đã trông thấy các nhà tư sản thị dân dàn trận trên quảng trường Tòa thị sảnh; chắc chắn sắp có đánh nhau ở phía Charenton như hôm qua công tước de Châtillon đã nói.

- Tôi ngỡ là, - Arthos nói, - những cuộc đàm phán đêm qua có làm thay đổi chút nảo những khuynh hướng hiếu chiến.

- Phải, chắc thế, nhưng không phải vì vậy mà người ta không đánh nhau, dù là để ngụy trang cho những cuộc đàm phán.

- Tội nghiệp cho những con người kia? - Arthos nói, - Họ đi ra chỗ chết để người ta trả lại đất Sedan cho ông Bouillon, để người ta ban quyền tập chức đô đốc cho ông de Beaufort, và để ngài chủ giáo được phong làm giáo chủ.

- Này, này, Arthos thân mến ơi, - Aramis nói, - hãy thú nhận rằng anh chẳng tỏ ra hiền triết đến thế đâu, nếu như Raoul của anh không phải có mặt ở trong những vụ lộn xộn ấy?

- Có lẽ cậu nói đúng đấy, Aramis ạ.

- Vậy thì chúng ta hãy đến chỗ nào có đánh nhau, đó là một cách chắc chắn để tìm gặp D’Artagnan, Porthos và cả Raoul nữa.

- Chao ôi! - Arthos nói.

- Này anh bạn thân mến ơi, - Aramis nói, - hãy nghe tôi, giờ đây chúng ta đang ở Pháp thì phải bỏ cái thói quen luôn luôn thở vắn than dài ấy đi. Đúng là! Thời thế thế, thế thời phải thế! Arthos, anh chẳng phải người kiếm cung nữa sao và anh làm như người tu hành ấy. Xem kìa, những nhà tư sản bảnh bao đang đi qua; trông ra dáng nhà binh đấy chứ!

- Họ đi từ phố Con Cừu ra.

- Trống trận đi trước, như những binh lính thực thụ. Này nhìn xem cái thằng cha kia, nó khệnh khạng, ưỡn ngực ra!

- Hừ! - Grimaud thốt lên.

- Cái gì? - Arthos hỏi.

- Planchet, ông ạ…

- Hôm qua trung úy, hôm nay đại úy. - Aramis nói, - Ngày mai chắc là đại tá, trong tám ngày nữa không chừng nó lên thống chế Pháp quốc.

- Ta hãy hỏi thăm tin tức nó xem sao, - Arthos nói.

Đôi bạn đến chỗ Planchet. Anh ta hãnh diện hơn bao giờ hết vì được biết đến trong khi đang thừa hành chức vụ của mình, chiếu cố giải thích cho hai nhà quý tộc rằng anh được lệnh đóng ở Hoàng trường với hai trăm người tạo thành đội hậu vệ của quân đội Paris, và khi cần sẽ tiến về phía Charenton.

Do đi cùng một hướng, Arthos và Aramis hộ tống Planchet đến tận vị trí của anh ta.

Planchet cho vận động khá nhanh nhẹn người của mình trên Hoàng trường và bố trí họ đằng sau một dãy dài những dân tư sản đứng ở phố và cửa ô Saint-Antoine, trong khi chờ đợi hiệu lệnh chiến đấu.

- Ngày hôm nay sẽ nóng bỏng đây, - Planchet nói với giọng hiếu chiến.

- Hẳn là thế, - Aramis nói, - nhưng từ đây đến chỗ quân thù còn xa.

- Người ta sẽ rút ngắn khoảng cách lại, ông ạ, - một viên khu trưởng nói.

Aramis chào, rồi quay lại bảo Arthos:

- Tôi chẳng thiết ở lại Hoàng trường với tất cả lũ người này. Hay là chúng ta tiến lên phía trước; ta sẽ thấy rõ mọi sự hơn.

- Với lại ông de Châtillon sẽ chẳng đi tìm cậu ở Hoàng trường đâu, có phải không? Nào, ta đi lên phía trước.

- Thế về phía anh chẳng có vài lời cần nói với ông Flamarens hay sao?

- Bạn ơi, tôi đã có một quyết định là chỉ rút kiếm ra khi vô cùng bất đắc dĩ.

- Từ bao giờ vậy?

- Từ khi tôi rút dao găm.

- A, được lắm? Lại một kỉ niệm về ông Mordaunt.

- Này, bạn thân mến ơi, anh chỉ có nước ăn năn hối hận vì đã giết chết cái thằng ấy.

Với nụ cười buồn bã chỉ anh mới có, Arthos đặt một ngón tay lên miệng mà nói:

- Suỵt! Đừng nói đến Mordaunt nữa, kẻo mang họa đấy.

Rồi Arthos nhằm hướng Charenton mà phóng, đi theo cửa ô, rồi thung lũng Fêcamp đen đặc những thị dân vũ trang.

Aramis đi theo sau anh nửa thân ngựa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3