Hai mươi năm sau - Chương 94
Chương 94
Thế nào mà với một cây bút và lời dọa nạt, người ta làm nhanh hơn, tốt hơn là đối với một thanh gươm hoặc lòng tận tụy
D’Artagnan hiểu biết thần thoại. Anh biết rằng cơ hội chỉ có một chỏm tóc mà nắm lấy nó thì người ta mới bắt được cơ hội và anh không phải loại người để cho cơ hội chạy qua mà không tóm nó lại bằng chỏm tóc. Anh bèn tổ chức một hệ thống giao thông nhanh chóng và chắc chắn bằng cách gửi trước những ngựa thay thế đến Chantilly, để anh có thể đi tới Paris trong khoảng năm sáu tiếng đồng hồ. Nhưng trước khi đi, anh ngẫm nghĩ rằng đối với một chàng trai có trí xảo và kinh nghiệm, thì nếu dấn bước tới cái bấp bênh và để cái chắc chắn lại phía sau mình thì thật là một tư thế kỳ cục.
Cho nên lúc lên ngựa để thực hiện cái sứ mệnh nguy hiểm của mình, anh tự nhủ thầm.
Arthos là một nhân vật tiểu thuyết điển hình về lòng hào hiệp và độ lượng. Porthos là một bản chất tuyệt diệu nhưng rất dễ bị tác động. Aramis là một bộ mặt tượng hình, nghĩa là luôn luôn khó hiểu.
Ba cái phần tử ấy sẽ gây ra điều gì nếu ta không có ở đây để liên kết chúng lại với nhau?… Sự giải thoát cho giáo chủ chăng? Giải thoát giáo chủ là sự đổ vỡ tan tành những kỳ vọng của chúng ta, mà những kỳ vọng của chúng ta cho đến nay là phần thưởng duy nhất của hai mươi năm lập những kỳ công mà so với chúng thì những kỳ công của Hecquyn chỉ là những công trình của đám người chim chích.
Anh tìm đến Aramis và nói:
- Hiệp sĩ D’Herblay thân mến ơi, anh là phái La Fronde hiện thân. Vậy anh hãy coi chừng Arthos, anh ấy không muốn làm những việc thuộc về cá nhân, ngay cả những công việc riêng tư của mình nữa. Nhất là hãy coi chừng Porthos, vì để làm vừa lòng bá tước mà anh ta coi như thần thánh ở dưới trần này, anh ta sẽ giúp Arthos giải thoát cho Mazarin, nếu Mazarin chỉ cần khóc lóc hoặc làm ra bộ hiệp khách.
Aramis mỉm một nụ cười vừa ranh mãnh vừa quả. Anh nói.
- Đừng sợ gì cả: tôi đặt ra những điều kiện. Tôi không làm cho tôi mà làm cho những người khác. Cái tham vọng nhỏ bé của tôi cũng phải thành đạt có lợi cho kẻ có quyền được hưởng chứ?
- Tốt, - D’Artagnan nghĩ, - Về mặt đó ta yên tâm.
Anh bắt tay Aramis và đến gặp Porthos:
- Bạn thân mến ơi, - anh nói. - cậu đã cùng với tôi đổ bao nhiêu công sức ra để xây dựng cơ đồ của mình. Cho nên vào lúc chúng ta sắp sửa thu hoạch thành quả của công việc của mình, sẽ là một sự mắc lỡm kỳ cục đối với cậu nếu để cho Aramis lấn át mình. Aramis là một người tinh ranh, nhưng ta nói riêng với nhau thôi, sự tinh ranh ấy không phải lúc nào cũng không mang tính ích kỉ đâu. Hoặc chớ để Arthos lấn át, anh ấy là người cao thượng và vô tư, nhưng cũng là người chán đời, chẳng còn mong muốn gì cho riêng mình, nhưng không hiểu rằng người khác có những ao ước. Cậu sẽ nói thế nào nếu Arthos hoặc Aramis đề nghị cậu để Mazarin đi?
- Tôi sẽ nói rằng chúng tôi quá cực nhọc đề bắt lão ta, nên không thể thả lão ra như vậy được.
- Hoan hô Porthos! Và cậu nói đúng đấy. Vì rằng thả lão ra là cậu buông thả luôn cả cái tước hiệu Nam tước của mình. Ấy là chưa kể ra khỏi đây Mazarin sẽ treo cổ cậu.
- Được! Cậu cho là thế à?
- Tôi chắc chắn như vậy.
- Thể thì tôi thà giết chết lão hơn là để cho lão thoát.
- Có lẽ cậu nói đúng. Cậu biết rằng khi chúng ta làm những công việc của mình thì không phải là cốt làm những việc của những người Fronde, họ hiểu những vấn đề chính trị không giống như chúng ta là những người lính cựu đâu.
- Bạn thân mến ơi, - Porthos nói. - Đừng sợ. Qua cửa sổ tôi nhìn cậu lên ngựa và dõi theo cậu cho đến lúc khuất, rồi tôi sẽ vào ngồi ở cái cửa kính trông sang phòng giáo chủ. Tại đấy, tôi sẽ nhìn thấy hết, và chỉ cần thấy một cử chỉ khả nghi thôi là tôi sẽ tiêu diệt.
- Hoan hô! - D’Artagnan nghĩ bụng. - Về mặt ấy, ta tin rằng giáo chủ sẽ bị canh gác cẩn thận.
Và anh bắt tay vị lãnh chúa Pierrefonds, rồi đến tìm Arthos. Anh nói:
- Arthos thân mến ơi, tôi đi đây. Tôi chỉ có một điẽu nói với anh thôi. Anh biết rõ Anne D’Autriche rồi đấy. Điều bảo đảm duy nhất cho tính mạng của tôi là sự giam giữ Mazarin; nếu các anh thả hắn ra là tôi chết đấy.
- D’Artagnan thân mến ơi, - Arthos nói, - chỉ cần một duyên cớ ấy thôi cũng để tôi làm cái nghề gác ngục. Tôi xin hứa là cậu để giáo chủ ở đâu thì cậu sẽ tìm thấy lại ông ta ở đấy.
D’Artagnan thầm nghĩ:
"Điều ấy làm ta yên tâm hơn tất cả mọi chữ ký của vua, chúa. Bây giờ, đã có lời hứa của Arthos rồi, ta có thể ra đi."
Thực sự, D’Artagnan ra đi một mạch không có hộ tống nào khác ngoài thanh gươm và tờ thông hành đơn giản của Mazarin để đến chỗ Hoàng hậu.
Sau khi rời Pierrefonds sáu tiếng đồng hồ, anh tới Saint-Germain.
Việc Mazarin mất tích vẫn chưa ai biết. Chỉ riêng Anne D’Autriche biết tin và giấu giếm đi nỗi lo ngại của mình với cả những người thân. Người ta đã tìm thấy ở trong phòng D’Artagnan và Porthos hai tên lính bị trói và bịt miệng. Người ta cứu cho chúng ngay, nhưng chúng chẳng biết nói gì hơn ngoài điều chúng biết, nghĩa là chúng đã bị tóm, bị trói và bị lột quần áo như thế nào.
Nhưng còn sau khi D’Artagnan và Porthos đã ra ngoài bằng lối chúng vào, tình hình ra sao thì chúng cũng mù tịt như mọi người khác ở trong lâu đài.
Chỉ có Bernouin là có biết hơn những người khác chút ít.
Chuông điểm nửa đêm rồi mà không thấy chủ mình trở về, hắn bèn đi vào khu vườn cam xem. Cửa đầu tiên bị chặn bằng các đồ đạc đã gây cho hắn đôi điều nghi ngờ, nhưng hắn không nói cho ai biết và kiên nhẫn dọn đường đi qua đống lộn xộn ấy. Rồi khi đến hành lang hắn thấy các cánh cửa đều mở tung. Cửa phòng Arthos và cửa đi ra vườn cũng mở. Ra vườn thì dễ nhận ra những dấu chân trên tuyết nối nhau ra đến tận bức tường. Sang bên kia tường lại vẫn thấy những dấu chân ấy, rồi vết chân ngựa giẫm tại chỗ, rồi dấu tích của cả một toán kỵ binh đi xa về phía D’Enghien.
Từ lúc ấy hắn không còn nghi ngờ gì nữa rằng ông giáo chủ đã bị ba người tù bắt cóc mang đi, và hẳn vội chạy về Saint-Germain để báo cho hoàng hậu về sự mất tích ấy.
Anne D’Autriche dặn Bernouin phải giữ kín việc đó và hắn nghiêm chính tuân theo. Tuy nhiên bà có nói cho ngài Hoàng thân Condé biết và ông ta đã lập tức tung ra năm sáu trăm kỵ binh với mệnh lệnh sục sạo tất cả những vùng xung quanh và dẫn về Saint-Germain mọi toán người dời Rueil đi ra bất cứ hướng nào.
Do D’Artagnan không đi thành toán mà đi một mình lại đi tới Saint-Germain, cho nên chẳng ai chú ý tới anh và chuyến đi của anh chẳng bị trở ngại gì.
Khi vào đến sân của tòa lâu đài cổ, người đầu tiên trông thấy vị sứ giả lại chính là Bernouin, hắn ta đang đứng một mình ở ngưỡng của chờ đợi tin tức của ông chủ mất tích.
Nhìn thấy D’Artagnan cưỡi ngựa nghễu nghện đi vào trong sân danh dự, Bernouin dụi mắt ngỡ mình trông lầm. Nhưng D’Artagnan gật đầu chào thân thiện, xuống ngựa và ném dây cương vào tay một tên hầu đi ngang qua. Anh mỉm cười tiến đến chỗ Bernouin.
Giống như một kẻ đang mơ một cơn ác mộng vừa ngủ vừa nói, hắn kêu lên:
- Ông D’Artagnan! Ông D’Artagnan!
- Tôi đây, ông Bernouin ạ!
- Thế ông đến đây làm gì?
- Mang đến đây tin tức của ngài Mazarin, mà tin tức mới nhất cơ đấy!
- Thế ngài ấy ra sao rồi?
- Vẫn khỏe như ông và tôi.
- Không có chuyện gì tai hại xảy đến với ngài chứ?
- Tuyệt đối không. Ngài chỉ cảm thấy cần phải làm một chuyến đi ra khỏi Ile de France và đã yêu cầu bá tước de La Fère, ông Du Vallon và tôi cùng đi. Là tôi tớ của ngài, chúng tôi chẳng thể nào từ chối một yêu cầu như vậy. Chúng tôi ra đi tối hôm qua và chúng tôi đây rồi.
- Các ông đây rồi?
- Các hạ có chuyện cần nói với Hoàng hậu, một chuyện riêng tư và bí mật, một sứ mệnh chỉ có thể ủy thác cho một người chắc chắn, cho nên ngài đã phải tôi về Saint-Germain. Vậy thì, ông Bernouin thân mến ơi, nếu ông muốn làm một điều gì đó vui lòng chủ của ông, thì hãy trình báo với Hoàng thượng rằng tôi đến và đến vì mục đích gì.
Dù anh nói nghiêm chỉnh hay là nói bông đùa, thì trong tình huống hiện giờ, rành rành chỉ có D’Artagnan là người duy nhất có thể gỡ mối băn khoăn lo lắng cho Anne D’Autriche, cho nên Bernouin chẳng gây khó khăn gì và vào trình với Hoàng hậu cái chức đại sứ kỳ quặc kia và như hắn đã dự đoán, Hoàng hậu ra lệnh đưa D’Artagnan vào ngay.
D’Artagnan tiến lại phía nữ chúa của mình với tất cả biểu hiện của niềm cung kính sâu xa nhất.
Đến cách Hoàng hậu ba bước, anh quỳ một chân xuống và trình bức thư.
Như chúng tôi đã nói, đó là một bức thư đơn giản, nửa là thư giới thiệu nửa là thư ủy nhiệm. Hoàng hậu đọc, nhận thấy đúng là chữ của giáo chủ, mặc dầu chữ viết hơi run. Do bức thư không kể gì chuyện đã xảy ra, bà hỏi anh những chi tiết.
D’Artagnan kể lại với cái vẻ chất phác và giản dị mà anh rất khéo biểu lộ trong một số trường hợp. …
Càng nghe kể Hoàng hậu càng nhìn anh với nỗi kinh ngạc tăng dần. Bà không hiểu sao một người dám âm mưu làm một việc ghê gớm như vậy và nhất là hắn ta lại cả gan kể nó ra với một bà hoàng đầy quyền uy và hầu như nghĩa vụ là phải trừng phạt hắn.
D’Artagnan kể chuyện xong, Hoàng hậu tức đỏ mặt kêu lên:
- Ông dám thú nhận tội ác của ông và kể lại cho tôi nghe việc phản bội của ông à?
- Xin Lệnh bà xá lỗi, nhưng hình như tôi đã diễn đạt tồi hoặc Hoàng thượng hiểu sai tôi, chứ trong chuyện này không hề có tội ác hoặc phản bội. Ngài Mazarin bắt giam ông duy Vallon và tôi, bởi vì chúng tôi không thể ngờ rằng ngài phải chúng tôi sang nước Anh cốt chỉ để yên lặng xem người ta chém đầu vua Charles đệ nhất, anh rể của cựu vương đã khuất là chồng Lệnh bà, vua Charles là chồng của bà Henriette em chồng Lệnh bà và hiện là khách của Lệnh bà, và chúng tôi đã làm hết sức mình để cứu tính mạng của ông vua tuẫn tiết. Cho nên chúng tôi tin chắc rằng trong chuyện này có điều gì lầm lẫn mà chúng tôi là nạn nhân, và một sự biện giải giữa chúng tôi với Các hạ là cần thiết. Muốn cuộc biện giải có kết quả, nọ phải tiến hành một cách lặng lẽ, xa những kẻ quấy nhiễu. Vì vậy chúng tôi đã đưa ngài giáo chủ đến lâu dài của một bạn tôi, và ở đó chúng tôi biện giải với nhau. Thế đấy, thưa Lệnh bà, điều chúng tôi dự đoán đã đến, đúng là có sự nhầm lẫn. Ngài Mazarin đã tưởng rằng chúng tôi phục vụ tướng Cromwell, chứ không phục vụ vua Charles vì như vậy sẽ là một điều hổ nhục từ chúng tôi lan sang ngài, và từ ngài sang Hoàng thượng, một điều hèn nhát có thể làm hoen ố đến tận nguồn gốc vương vị của quý hoàng tử vẻ vang. Do chúng tôi đã nêu ra chứng cớ trái ngược lại, và chứng cớ ấy chúng tôi sẵn sàng trình bày với đích thân Hoàng thượng bằng cách kêu với bà quả phụ tôn nghiêm đang than khóc trong vùng Louvre mà lòng đại độ cao quý của Hoàng thượng đã dung nạp. Chứng cớ ấy đã hoàn toàn thỏa mãn ngài giáo chủ đến mức để chứng tỏ sự hài lòng ấy, ngài đã phái tôi đến đây như Hoàng thượng thấy đấy để thưa với Lệnh bà về những điều sửa chữa cần thiết đối với những người quý tộc đã bị đánh giá sai và ngược đãi một cách sai lầm.
- Tôi đã nghe và khâm phục ông đấy, - Anne D’Autriche nói. - Kể ra, tôi chưa thấy một sự trâng tráo thái quá đến như vậy.
- Ấy, thưa Hoàng thượng, - D’Artagnan nói, - Đến lượt Lệnh bà lại lầm lẫn về ý đồ của chúng tôi như ngài Mazarin đã mắc.
- Chính ông đang sai lầm đấy, - Hoàng hậu nói,
- Và tôi sai lầm rất ít đến nỗi trong mươi phút nữa ông sẽ bị bắt giữ và trong một giờ nữa, tôi sẽ dẫn đầu quân đội của tôi đi giải thoát cho tể tướng của tôi.
- Tôi chắc rằng, - D’Artagnan đáp, - Hoàng thượng sẽ không khi nào phạm điều khinh suất như thế đâu. Trước hết vì việc làm ấy không những là vô ích và nó sẽ đẫn đến những hậu quả thật nghiêm trọng. Trước khi được giải thoát, ngài giáo chủ sẽ chết, và Đức ông, rất tin tưởng sự thật của điều mà tôi nói với ngài, đến nỗi trái lại, ngài đã van tôi là nếu thấy Hoàng thượng ở trong những trạng thái như thế này thì tôi phải làm mọi điều có thể để Lệnh bà thay đổi chủ trương.
- Thế thì tôi đành bằng lòng với việc cho bắt giữ ông vậy.
- Tôi không mong gì hơn, thưa Lệnh bà, vì rằng trường hợp bắi giữ tôi cũng được tiên liệu như trường hợp giải thoát ngài giáo chủ. Nếu ngày mai tới giờ đã định mà tôi chưa trở về thì ngày kia, ngài giáo chủ sẽ được đưa tới Paris.
- Này ông, người ta thấy rõ ràng, do địa vị của ông, ông sống xa mọi người và mọi sự, vì nếu không thì ông đã biết rằng ngài giáo chủ đã năm sáu lần về Paris kể từ khi chúng tôi rời khỏi đó, và ngài đã gặp các ông de Beaufort, de Bouillon, D’Elbeuf, ông chủ giáo và chẳng một ông nào có ý định bắt giữ ngài.
- Xin lỗi Lệnh bà, tôi biết tất cả những điều đó. Cho nên bạn bè tôi sẽ chẳng đưa ngài Mazarin đến chỗ các vị ấy đâu. Các vị ấy làm chiến tranh là vì lợi ích của chính họ, và nếu ban cho họ cái mà họ yêu cầu thì ngài giáo chủ sẽ mua được rất lợi. Trái lại các bạn của tôi sẽ dẫn ngài Mazarin đến Nghị viện mà chắc chắn người tà có thể mua lẻ, còn bản thân ngài Mazarin thì chẳng khá giàu để có thể mua cả mớ.
Với cái nhìn khinh thị ở một người đàn bà và trở thành khủng khiếp ở một nữ hoàng, Anne D’Autriche nói:
- Tôi ngỡ rằng ông dọa nạt người mẹ Đức vua của ông.
- Thưa Lệnh bà, - D’Artagnan nói: - Tôi dọa nạt bởi vì người ta cưỡng bách tôi làm thế. Tôi lớn lên bởi vì tôi cần phải đứng ở tầm cao của các sự kiện và con người. Nhưng xin Lệnh bà hãy tin một điều cũng đúng như có một trái tim đang đập vì Lệnh bà trong lồng ngực này, hãy tin rằng Lệnh bà là một thần tượng vĩnh hằng của cuộc đời chúng tôi mà Lệnh bà biết đấy, lạy Chúa, chúng tôi đã đem mạo hiểm hàng chục lần vì Hoàng thượng. Nào, thưa Lệnh bà, phải chăng Lệnh bà sẽ không đoái thương những bầy tôi của mình từ hai chục năm trời nay sống vất vưởng trong bóng tối, dù trong một tiếng thở dải cũng không thể lọt ra một điều bí mật thiêng liêng và trân trọng mà họ đã có vinh dự được chia sẻ với Lệnh bả. Xin Lệnh bà hãy nhìn tôi kẻ đang nói với Lệnh bà đây, kẻ mà Lệnh bà cáo buộc là lớn tiếng và buông giọng dọa nạt. Tôi là cái thá gì kia chứ? Một sĩ quan khốn khổ không có tài sản, không có nơi nương tựa, không có tương lai, nếu như con mắt nữ hoàng của tôi mà tôi tìm kiếm khá lâu rồi, không nhòm ngó đến tôi một lát. Xin hãy nhìn bá tước de La Fère, một điển hình của lòng cao thượng, một đóa hoa của tinh thần nghĩa hiệp. Ông ta đã vào phe chống lại Hoàng hậu, không, đúng ra là chống lại tể tướng, và tôi tin là ông ta chẳng có đòi hỏi gì hết. Cuối cùng, xin hãy xem ông Du Vallon, tấm lòng trung thành ấy, cánh tay sắt thép ấy ông ta đợi chờ từ hai mươi năm nay từ miệng Lệnh bà một tiếng thôi có thể bằng tấm huy hiệu khiến ông ta trở thành cái mà ông ta rất xứng đáng về tinh thần và tài năng. Cuối cùng xin hãy xem đám dân chúng kia, họ quan trọng đối với một nữ hoàng lắm chứ, đám dân chúng ấy yêu quý Lệnh bà, tuy nhiên họ đau khổ. Lệnh bà yêu quý họ, tuy nhiên họ đói rách, họ không đòi hỏi gì hơn là cầu phúc cho Lệnh bà, tuy nhiên họ… không, tôi nói nhầm, không bao giờ dân chúng oán trách Lệnh bà. Vậy thì xin Lệnh bà nói một lời và mọi việc xong xuôi, hòa bình thay thế chiến tranh niềm vui thay thế nước mắt, hạnh phúc thay thế thảm hoạ.
Với vẻ ngạc nhiên. Anne D’Autriche ngắm nhìn gương mặt võ thượng của D’Artagnan, trên đó có thể đọc được một biểu hiện xúc động lạ lùng.
- Sao ông không nói ra tất cả điều đó trước khi hành động? - bà hỏi.
- Thưa Lệnh bà, vì cốt để chứng minh với Hoàng thượng một điều mà Người còn nghi ngờ, hình như vậy. Ấy là chúng tôi hãy còn một giá trị nào đó, và người ta có coi trọng chúng tôi chừng nào thì cũng là đúng đắn thôi.
- Thế cái giá trị ấy. - Anne D’Autriche hỏi - Tôi xem chừng nó chẳng lùi bước trước cái gì cả, có phải không?
D’Artagnan đáp:
- Trong quá khứ nó đã không lùi bước trước bất cứ cái gì, tại sao trong tương lai nó lại không như vậy?
- Trong trường hợp bị từ chối, và do đó trong trường hợp chiến đấu, liệu cái giá trị ấy có đi đến bắt cóc cả tôi ngay giữa triều đìth để nộp tôi cho La Fronde, như ông định nộp tể tướng của tôi không?
D’Artagnan đáp với vẻ hợm mình kiểu Gascon mà ở anh chỉ là sự chất phác:
- Thưa Lệnh bà, chúng tôi không bao giờ nghĩ đến điều ấy, nhưng nếu giữa bốn người chúng tôi đã quyết định, thì chắc chắn là chúng tôi sẽ làm.
- Ta cần biết điều ấy, - Anne D’Autriche lẩm bẩm, - Đó là những con người thép.
- Chao ôi! Thưa Lệnh bà, - D’Artagnan nói, - điều này chứng tỏ với tôi rằng chỉ đến hôm nay Hoàng thượng mới có một ý nghĩ đứng đắn về chúng tôi.
- Được, - Anne nói, - nhưng nếu cuối cùng tôi đã có được ý nghĩ ấy.
- Thì Hoàng thượng sẽ thừa nhận sự công bằng cho chúng tôi. Thừa nhận cho chúng tôi, Lệnh bà sẽ không còn đối đãi với chúng tôi như những kẻ tầm thường. Lệnh bà sẽ thấy ở tôi một vị đại sứ xứng đáng với những lợi ích cao cả mà ông ta đã được giao phó để thảo luận với Lệnh bà.
- Bản hiệp ước đâu?