Umi - Chương 34 - 35 - 36 - 37

34.

Lễ hội trường được tổ chức trong hai ngày, tôi làm pha chế trong cả hai ngày, Makoto hát suốt hai ngày, và Mizuki cũng đến đủ cả hai ngày nữa. “Nhật ký bằng tranh của Mizuki” thì bị tạm ngừng, mà thật ra là tôi đang cảm thấy bế tắc. Thường thì trong nguyên tắc khi sáng tác của các tác giả, mỗi lần họ bí ý tưởng thì nhân vật mới chuyển đến luôn là một giải pháp hiệu quả, nhưng bởi muốn tôn trọng sự thật về quá khứ của hai đứa nên tôi cứ nghĩ mãi cũng không ra cách nào khác cả nên đành tạm dừng lại. Khổ một nỗi, nếu như tôi tạm dừng thì rất có thể tôi sẽ để nó dở dang mãi mãi mất.

Cuối ngày hội trường thứ hai nhà trường làm tổng kết kết quả bầu chọn gian hàng được yêu thích nhất và trao giải cho lớp xuất sắc nhất. Lớp tôi đương nhiên đoạt giải, giải thưởng là năm ngàn Yên tiền mặt cùng mỗi thành viên trong lớp một phiếu ăn mỳ miễn phí tại tiệm mỳ Iwasaki. Đến buổi tối nhà trường tổ chức đốt lửa trại, đây là cách mà họ dùng để tiêu huỷ nhanh gọn những biển hiệu và những tấm bảng trang trí bằng gỗ mà các lớp dùng cho gian hàng của họ. Ai cũng vui vẻ nán lại hết tối nhưng tôi do quá mệt nên bỏ về ngay sau khi được thấy ngọn lửa bùng lên. Mizuki thì được bố mẹ hộ tống về từ chiều bởi cô ấy không được đi quá lâu nên tôi không cần phải thông báo sự rời đi của mình cho ai cả. Và mặc dù không cố ý nhưng tôi đã để Makoto ở lại trường mà không nói gì cho cậu ấy biết. Nhưng Makoto chắc cũng rõ cách hành động của tôi nên cậu ấy sẽ không mất công chạy đi tìm, hoặc cùng lắm tôi sẽ nhắn cho cậu ấy một cái tin trên đường trở về nhà cho yên tâm.

Do quá mệt nên vừa về đến nhà tôi liền lên thẳng phòng và ngủ, đến khi mở mắt ra đã thấy quá mười hai giờ đêm và tôi thức dậy vì cái bụng trống rỗng của mình. Bố đã rất cẩn thận phần tôi bữa tối trong tủ lạnh để tôi chỉ việc bỏ vào lò vi sóng vài phút chờ nó nóng là có thể ăn được. Sau khi ăn xong đã là gần một giờ sáng, vì ngày hôm sau được nghỉ nên tôi cũng chẳng vội đi ngủ liền tắm rửa, thay đồ sau đó mở máy tính viết cố thêm vài chương sách trong nỗi chán chường khó hiểu.

Rồi tôi nhận ra một số vấn đề mà mình đang gặp phải. Ví dụ như tôi quá lười việc phải suy nghĩ về các vấn đề xảy đến với mình nếu như tôi cảm thấy điều đó xem chừng rắc rối. Thứ hai là chính vì tôi ngại dây dưa đến những vấn đề xung quanh mình mà tôi đang cảm thấy rất buồn chán.

Làm một con người trẻ tuổi thì không nên có cảm giác buồn chán, cũng không nên kêu than rằng mình đang cảm thấy buồn chán. Nhưng điều đó có quan trọng không?

“Không.” Tôi nói ra thành tiếng, tắt máy tính rồi lăn trở về giường trùm chăn nhắm mắt.

35.

Bố phải đi công tác một thời gian, tôi nhận được thông báo vào bữa trưa sáng ngày chủ nhật.

“Bố đi đâu ạ?”

“Đến Việt Nam.” Ông đáp.

“Ở đấy có gì hay không?”

“Bố không biết, nhưng nếu gặp gì hay bố sẽ mang về cho con. Cứ yên tâm là như thế.”

“Vậy thì được rồi.” Tôi gật gù ra chiều yên tâm.

“Ba ngày nữa bố sẽ đi, khoảng năm ngày mới về nên con nhớ trông nhà cẩn thận và đừng để người lạ vào nhà. Nếu được thì qua nhà Mizuki mà ngủ lại.” Ông dặn dò.

“Không đâu, không phải giường đệm của mình thì con không ngủ được. Bố cứ yên tâm đi, con là Umi cơ mà.”

“Được rồi được rồi.” Bố tôi chịu thua. “Mà Umi này.”

“Sao ạ?”

“Cố gắng thi tốt nhé.”

“Vâng ạ.” Tôi nhe răng cười.

Ngày bố lên đường đi công tác cũng là ngày tôi bắt đầu bài thi đại học đợt hai của mình, tôi vẫn là được hết bài dù cũng chẳng rõ là nó có thực sự tốt hay không. Buổi chiều đầu tiên ở nhà một mình tôi cảm thấy trống trải hẳn. Cũng vì chẳng còn ai để mình phải cất công chuẩn bị bữa tối nữa nên tôi ra tiệm mỳ Iwasaki ăn, tôi dùng phiếu ăn miễn phí được phát sau lễ hội văn hoá. Tiếp theo đó tôi đi bộ ra siêu thị định sẽ mua một gói mỳ Spaghetti về nấu. Thành thực mà nói thì tôi ghét Spaghetti vì tôi luôn cảm thấy phát ngấy mỗi lần ăn chúng, tôi cũng ghét Pizza vì tôi ghét phần đế bánh ăn rất khô và khát nước. Càng nghĩ càng không hiểu tại sao mình lại định mua mỳ Spaghetti nên tôi soạn ra một vài thứ trong đầu mà mình có thể sẽ thích mà đỡ mất thời gian nấu nướng. Có lẽ là nấm, tôi sẽ mua thật nhiều nấm về và xào chúng lên ăn nguyên tuần luôn.

Nghĩ là làm, vừa đến siêu thị tôi liền xách giỏ nhựa chạy đi tìm khu thực phẩm, chọn hầu hết các loại nấm chỉ trừ nấm Đông Cô vì giá của nó hơi chát so với số tiền mà bố để lại cho tôi dùng trong một tuần.

“Em định ăn nấm nguyên tuần hay sao? Còn trẻ mà không bổ sung thêm đạm và tinh bột là làm việc không hiệu quả đâu nhé.”

Tôi nghĩ mình đã bắt đầu hiểu sâu hơn về cái mà người ta vẫn gọi là “oan gia”. Đó là những người mà chúng ta không mong nhất nhưng lại thường xuyên vô tình xuất hiện trước mặt chúng ta nhất.

“Em chào thầy.” Tôi lễ phép chào rồi xách giỏ lùi ra chỗ khác.

“Tôi đã gặp cha của em vào buổi sáng ngày thứ hai của lễ hội trường.” Thầy Sakamoto đẩy xe chở đồ của thầy đi theo tôi: “Nếu tôi không nhầm thì ông ấy đã đi công tác từ sáng nay rồi phải không?”

“Vâng ạ.” Tôi đáp, vẫn cố tỏ ra lãnh đạm và khách sáo, thế rồi tôi liếc sang chiếc xe đẩy của thầy Sakamoto và thấy bên trong đầy nhóc thực phẩm ăn liền và đồ hộp chế biến sẵn. Chẳng kiềm được, tôi hỏi: “Thầy ăn những thứ này để sống qua ngày hay sao vậy?”

“Dạo này khá bận rộn nên tôi không có thời gian vào bếp, hơn nữa cũng chẳng phải phục vụ ai nên mình ăn ra sao cũng được.”

Điều này nghe quen thật, tôi thầm nghĩ.

“Nghe này Akiyama về chuyện lần trước…”

Đừng nói về chuyện lần trước. Đừng nói về chuyện lần trước. Tôi thành khẩn lẩm nhẩm như vậy trong đầu khi thấy thầy ấy bắt đầu nói vậy.

“Em sao vậy?” Thầy hỏi khi thấy vẻ mặt có lẽ hơi kỳ quặc của tôi, “Tôi chỉ muốn khen là trà em làm rất ngon thôi.”

“Ồ…” Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn: “Cảm ơn thầy, món đó do bố em dạy làm đấy.”

“Tôi biết chứ. Trước đây khi em còn nhỏ xíu tôi đã từng cùng làm việc chung với cha em, ông ấy cũng từng cho tôi uống loại trà này.”

“Em có nghe bố kể chuyện từng làm việc chung với thầy rồi.” Tôi gật gù.

“Hồi đó tôi đã nghĩ rằng sau này nhất định tôi cũng phải có một đứa con gái như em.” Thầy nói tiếp.

“Hả?”

“Chúng ta đã gặp nhau cách đây nhiều năm rồi Akiyama à, hồi đó tôi mới hai mươi còn em mới chỉ là một đứa nhóc lên năm, ho sù sụ và không chịu nói một lời nào với những ai mà em không biết.”

“Đợi đã.” Tôi hỏi lại: “Tức là thầy đã biết em từ trước rồi sao?”

“Nhưng lần thứ hai gặp lại tôi đã không nhận ra em.” Thầy lắc đầu: “Cho đến khi gặp cha em trong buổi họp phụ huynh hồi kỳ một tôi mới biết em chính là cô nhóc Umi hồi đấy.”

Thầy vừa gọi tôi là Umi, đầu óc tôi trống rỗng.

“Em vẫn y hệt hồi ấy Umi ạ, vẫn chỉ chịu mở lời với những người luôn ở bên cạnh mình.”

“Thầy đang làm em rối trí đấy thầy biết chứ?” Tôi hỏi.

“Không.” Thầy dịu dàng trả lời: “Vì gần đây tôi cũng bị em làm cho rối trí.”

“Đừng gọi em là Umi như thế. Gọi Akiyama như trước đây thầy vẫn gọi đi!” Tôi nói, nửa cáu giận nửa chẳng hiểu mình bị làm sao nên quay lưng bỏ đi. Tôi không chạy nhưng cố bước đi thật nhanh. Chạy thì trông có vẻ kịch tính quá.

“Umi.” Thầy Sakamoto vẫn đuổi theo tôi.

“Đã bảo gọi Akiyama mà!” Tôi quát lại.

“Akiyama Umi. Em bị làm sao vậy?”

Tôi thực sự bắt đầu nghĩ là mình bị lên cơn động kinh. Có lẽ là vì tôi ăn tinh bột quá nhiều chăng? Tại mỳ ở Iwasaki chứa quá nhiều tinh bột?

Tôi đưa hai tay lên ôm mặt: “Kỳ quặc lắm.” Tôi lầm bầm.

“Sao?” Thầy Sakamoto có vẻ không nghe rõ.

“Em nói là kỳ quặc lắm!” Tôi lại nói lớn.

Mọi người ở xung quanh bắt đầu hướng ánh mắt về phía tôi, rất may là tôi không mặc đồng phục vào lúc này.

“Đi thôi nào.” Thầy Sakamoto bỏ lại xe đẩy hàng của mình rồi nắm cổ tay tôi kéo ra khỏi siêu thị. Tôi lại nghĩ lúc này trông chúng tôi giống như một cặp tình nhân đang có một màn cãi vã nho nhỏ vậy. Đáng lẽ tôi nên vùng tay ra thì sẽ giống hơn.

“Giờ thì tại sao em lại có biểu cảm như đang thích thú như thế?”

Cuối cùng thầy cũng buông tôi ra khi hai chúng tôi đi đến công viên cho trẻ em cách siêu thị không xa. Quả thực là trong lúc không ý thức được mình tôi đã phát hiện ra là tôi đang có biểu cảm trên gương mặt với vẻ gì đó rất gần với “vui vẻ” và “thú vị”.

“Em xin lỗi.” Tôi nói.

“Vì điều gì?”

“Vì đã hét lên với thầy ở chỗ đông người.”

“Tại sao em lại làm như thế?”

“Em không biết.”

“Em không biết?”

“Em chỉ cảm thấy bối rối. Em thề rằng mình chưa có biểu hiện như vậy bao giờ.”

“Biển nổi sóng bất ngờ hả?”

“Em xin lỗi.” Tôi nhắc lại lần nữa.

“Giờ thì em làm tôi bỏ qua bữa tối trong siêu thị rồi đấy.” Thầy khoanh tay đứng nhìn tôi.

“Thầy đang chờ đợi một sự đền bù ạ?”

“Vậy em muốn tôi phải làm gì đây?”

“Em không biết, thả cho em về chăng?” Tôi gợi ý.

Thầy Sakamoto nhướn mày, rõ ràng là thầy ấy nhất định chẳng có cái ý định tử tế đơn giản đó.

36.

Ngoái đi ngoái lại phút trước phút sau không hiểu sao tôi đã lại đang đứng trong bếp nhà mình, nhưng lần này không chỉ có mình tôi mà còn có thêm thầy Sakamoto nữa.

“Em gọi Makoto sang nhé?” Tôi lên tiếng.

“Em sợ tôi à?” Thầy bình thản hỏi.

Tôi lại im lặng quay trở về công việc phụ bếp của mình, thầy Sakamoto đang làm katsudon. Cứ một chốc tôi lại thở hắt ra, khó xử thật đấy.

“Bình thường ở nhà em có hay làm cơm không?” Thầy hỏi tôi.

“Thầy thực sự quan tâm đến những vấn đề này sao ạ?” Tôi hỏi ngược lại thầy, tôi cho rằng rõ ràng là thầy chẳng quan tâm lắm.

“Akiyama Umi, với tính cách đó không lẽ em không định sau này kiếm lấy một người chồng sao?”

“Makoto và em đã có thoả thuận là đến năm bốn mươi tuổi nếu cả hai vẫn còn đơn thân thì hai đứa sẽ lấy nhau rồi.”

“Em thích Shibata à?”

“Nghe ghê quá đấy.” Tôi nhăn trán.

Nghe tiếng bếp núc leng keng một hồi, thầy lại nói:

“Em bây giờ đang trở nên nổi tiếng rồi đấy Akiyama ạ, có vài thầy cô dạy Quốc Ngữ trong trường đã đọc truyện mà em viết kể lại với tôi. Em đã bắt đầu là nhà văn từ khi nào vậy?”

“Thầy cũng đọc nó rồi sao?” Tôi tò mò hỏi.

“Ừ, tôi đã đọc. Tôi cũng gửi nó đến một người quen của tôi hiện đang làm giảng viên tại trường đại học Tokyo nữa.”

“Thầy gửi “Nhật ký bằng tranh của Mizuki” cho một người của Todai sao?” Tôi tròn mắt.

“Giáo sư Keiko Shinobu, hiện đang là giảng viên khoa Văn học trường đại học Tokyo. Cô ấy khá thích những gì em viết đấy, có lẽ nó sẽ giúp em có thêm cơ hội được vào đại học.”

“Vào Todai sao? Em ư?” Tôi càng lúc lại càng thấy khó tin.

“Tôi đâu có nói là em vào được Todai.” Thầy cười: “Nhưng nếu nhận được đánh giá tốt từ một người có tiếng nói như cô ấy thì có lẽ sẽ có vài trường gửi học bổng cho em đấy.”

“Em sao?” Tôi nhắc lại lần thứ bao nhiêu không rõ nữa.

“Có vẻ như em không tự tin lắm vào khả năng của mình nhỉ?”

“Ồ không, em biết là em rất giỏi rồi nhưng thầy biết đấy, mới cách đây không lâu em còn chẳng nghĩ đến chuyện tiếp tục học tiếp lên đại học.”

“Vậy cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên đi, em dọn bát đũa ra được rồi đấy.”

Tháng mười một thời tiết chuyển lạnh hẳn nên bàn ăn được sắp xếp trên chiếc bàn sưởi của gia đình. Tôi dọn đồ ăn ra bàn rồi mở ti vi bật kênh thời sự như mọi ngày theo thói quen.

“Em cũng xem thời sự sao?” Thầy hỏi tôi khi ngồi xuống phía bàn đối diện.

“Mỗi tối trong bữa ăn cùng với bố em.” Tôi đáp lời. “Chúc thầy ngon miệng.”

Thầy Sakamoto nấu ăn ngon hơn tôi, nhưng vẫn không bằng bữa tối do bố tôi nấu, tất nhiên. Nhưng thầy ấy vẫn làm tốt hơn tôi. Kể ra nghe thật đáng quan ngại khi một thiếu nữ hay được giao làm bếp dù bất đắc dĩ lại nấu ăn thua cả một người đàn ông độc thân sống bằng đồ hộp. À, “bất đắc dĩ”, dạo này lâu lắm rồi tôi không dùng đến từ “bất đắc dĩ”.

“Trông em lại có vẻ mất tập trung rồi đấy.” Thầy lên tiếng.

“Không có gì đâu.” Tôi nhún vai: “Chỉ là em vừa nghĩ là mình đã lâu lắm rồi không dùng đến từ bất đắc dĩ.”

“Vậy cũng xem như được sống một quãng thời gian dài vui vẻ vô lo rồi còn gì.” Thầy điềm đạm nhận xét.

Tôi đưa mắt lên trên thể hiện hành động đang nhìn lại quá khứ, rõ ràng là không có cái phần “vô lo” ở trong đấy.

“Không có phần vô lo hả?” Thầy lại tỉnh bơ nói.

Tôi chau mày: “Thầy đừng đọc suy nghĩ của em nữa!”

“Đâu có, chỉ tại em có biểu cảm quá thành thật thôi.”

“Chưa từng ai nói với em như vậy cả.”

“Bởi vì họ đâu phải là tôi.”

Có một điều rõ ràng mà tôi buộc phải nhìn nhận đó là thầy Sakamoto đã luôn dành cho tôi một mối quan tâm đặc biệt dù cho tôi không hề muốn thừa nhận điều này. Tôi thì vốn là một đứa con gái hơi cổ hủ, ý tôi là tôi hơi khắt khe với chính mình trong một vài chuyện, một vài thôi. Ví dụ như nếu tôi là một người ngoài và nhìn thấy thầy chủ nhiệm thân thiết với nữ sinh của mình như thế này thì chắc chắn sẽ không thể không cảm thấy chướng mắt và có một vài đánh giá không mấy tốt đẹp. Nhưng vì bản chất trớ trêu của cuộc sống mà tôi lại rơi vào một tình thế khó xử như thế này nên tôi luôn trong tình trạng cưỡng chế ngăn đầu óc suy nghĩ lung tung, lâu dần hình thành một phản xạ mất tập trung do sự đánh lạc hướng quá nhiều của bộ não.

“Cảm ơn vì bữa ăn.” Tôi chắp tay nói sau khi ăn xong rồi bưng bát đũa của mình đứng dậy bỏ vào bồn rửa, một lúc sau thầy Sakamoto cũng dọn vào rồi bắt đầu pha trà trong khi tôi rửa bát đĩa.

“Akiyama, có điện thoại kìa.” Thầy nhắc tôi khi thấy điện thoại rung trên bàn.

“Vâng.” Tôi lau khô tay rồi chạy vội ra bàn nhấc điện thoại lên.

Là Yuu, thật khéo gọi làm sao chứ!

“Em đây.” Tôi bắt máy.

“Chào Umi.” Yuu mở lời, nghe giọng anh có vẻ bồn chồn. “Em có rảnh không? Anh có chuyện cần phải nói.”

“Ồ, cũng không hoàn toàn gọi là rảnh được, thầy chủ nhiệm của em đang ở đây.” Tôi đáp, đoạn liếc mắt nhìn thầy Sakamoto đang rót trà vào hai chiếc trong bộ chén sứ men xanh yêu thích của bố tôi.

“Thầy chủ nhiệm của em? Cái ông thầy hơn em mười tám tuổi đó hả? Nếu anh không nhầm thì bây giờ ở Nhật đang là buổi tối rồi cơ mà?” Yuu hỏi dồn dập làm tôi chẳng biết nên trở lời câu nào trước.

“Mười lăm.” Tôi đính chính về vấn đề tuổi tác, thật may là thầy Sakamoto chẳng thể nào nghe thấy được cuộc nói chuyện của Yuu nên có lẽ cũng chẳng hiểu mười lăm là con số nói về vấn đề gì. “Và đúng, bây giờ ở đây đang là buổi tối.”

“Bố em cũng đang ở đấy chứ?”

“À…” Tôi vì bất ngờ trước câu hỏi của Yuu mà ngập ngừng mất mấy giây: “Có, tất nhiên rồi.”

“Umi, em đang nói dối.” Yuu lắc đầu, tôi hình dung là vậy.

“Em không nói dối!” Tôi đáp.

“Vậy đưa điện thoại cho bố để anh nói chào bác ấy một câu nào.”

“Thôi được rồi, anh thắng, ông ấy không có ở đây. Bố em đi công tác rồi.” Tôi chịu thua anh ấy, tôi biết mình chẳng thể cứ chối quanh mãi được.

“Em làm sao vậy Umi? Em để một người đàn ông vào nhà khi chỉ có một mình sao?”

Tôi đứng dậy khỏi bàn và đi vào bếp để nói chuyện, tôi có cảm giác là mình sắp phải la hét khi nghe thấy Yuu cứ nói chuyện với tôi bằng cái giọng trách móc như thể tôi hết sức ngu ngốc hay gì đó đại loại thế.

“Yuu, chuyện dài lắm và em sẽ giải thích cho anh sau. Em cũng không phải bị dở hơi đâu, em biết ai là người tốt và ai là người xấu. Và em cũng xin lỗi vì để anh lo lắng nhưng anh làm ơn đừng có gằn giọng lên với em như vậy.”

Im lặng một lúc, Yuu lên tiếng: “Anh vừa gằn giọng lên với Umi sao?”

“Thiếu điều rít lên nữa.” Tôi xác nhận.

“Anh xin lỗi…” Tôi nghe tiếng Yuu thở hắt ra, “Umi, anh…”

“Anh bảo với em rằng anh có chuyện cần nói.” Tôi nhắc.

“Anh xin lỗi, anh quên mất rồi.”

“Đó có phải chuyện gì nghiêm trọng không?”

“Không.” Anh nói: “Ý anh là có, nhưng bỏ đi. Anh quên mất rồi.”

Thỉnh thoảng tôi cũng hay quên những điều mình định nói giống như vậy nên tôi không cố gặng hỏi thêm nữa.

“Vậy gọi lại cho em khi nào Yuu nhớ ra nhé?”

“Được rồi, anh sẽ gọi lại. Mà cũng muộn rồi đấy, em tiễn thầy ấy về đi rồi nhớ khoá cửa cẩn thận, kiểm tra van ga và chốt chặt cửa sổ nữa.”

“Em biết rồi mà Yuu.”

“Được rồi.” Và anh cúp máy.

Tôi quẳng điện thoại lên bàn bếp rồi lấy hai tay vuốt lên mặt mình. Tôi chẳng hiểu có chuyện khó khăn gì đang xảy đến với anh ấy nữa, nghe giọng Yuu có vẻ gì đấy rất bồn chồn và bối rối. Tôi chưa từng thấy anh như vậy bao giờ cả, trong tâm trí tôi Yuu lúc nào cũng cười, vui vẻ và thích bông đùa.

“Trông em đang có vẻ căng thẳng đấy.” Thầy nói khi vừa thấy tôi bước vào.

“Nếu em mà có căng thẳng thì nguyên do là tại thầy đấy.” Tôi đáp, nhấc tách trà đặt trước mặt lên nhấp một ngụm, trà đã nguội đi phân nửa.

“Sinh nhật em là vào mùng một đầu năm mới nhỉ?”

“Vừa đón năm mới, vừa đón tuổi mới. Ngày đó sinh nhật chỉ có mỗi Makoto đến dự thôi.”

“Em hay nhắc đến Shibata Makoto quá nhỉ?”

“Cậu ấy là bạn thân nhất của em, là người nhẫn nại với em nhất chỉ sau bố.”

“Hơn một tháng nữa là em đến tuổi trưởng thành rồi.”

Thầy Sakamoto hiếm khi kết thúc câu chuyện bằng một câu nói chệch chủ đề như thế này.

“Vâng, tám rưỡi tối rồi đấy thưa thầy.”

“Được rồi.”

Cuối cùng, thầy ra về sau khi cùng tôi uống thêm một tách trà.

37.

Mãnh liệt, Nồng cháy, Nhiệt huyết, Máu lửa. Tôi liệt kê ra một vài tính từ mà suốt đời mình có lẽ chưa bao giờ dùng đến hay như chính tôi chưa bao giờ đạt đến. Như kiểu nói “Tôi yêu sách” nghe nó vẫn cứ khác một quãng xa với “Tôi có một tình yêu mãnh liệt đầy đam mê đối với sách” vậy.

“Nhật ký bằng tranh của Mizuki” chỉ còn vài chương nữa là kết thúc. Quyển nhật ký mà Mizuki đưa cho tôi kết thúc khi hai chúng tôi vẫn còn thân thiết bên nhau nên tôi định sẽ để cho nó một cái kết mở mang tới cho người đọc những suy nghĩ về hy vọng vươn tới sự sống của Mizuki. Những người đọc “Nhật ký bằng tranh của Mizuki” họ không biết rằng cô bé Mizuki của mười năm sau đó đã từ bỏ hy vọng được sống tiếp và giờ đang cố gắng tận hưởng mỗi ngày mà bản thân còn được tồn tại trên đời này. Tôi lại muốn viết một câu chuyện khác, câu chuyện về những ngày tháng hạnh phúc được tự do làm những gì mình thích của Mizuki. Tối đó tôi thức suốt đêm để hoàn thành những chương truyện cuối cùng, viết một cái kết có màu sắc của tiếng cười và hy vọng và đổi trạng thái của câu chuyện từ “đang sáng tác” sang “đã hoàn thành” rồi gửi thư điện tử thông báo cho cô ấy vào lúc năm giờ sáng.

Tôi ngủ gục được hai tiếng thì tỉnh dậy rồi cuống cuồng chuẩn bị tới trường, cơm hộp không kịp chuẩn bị nên tôi định bụng sẽ đến trường mua bánh mỳ ăn trưa sau. Nhưng bất kể bị cơn buồn ngủ đến chóng mặt hành hạ đến thế nào thì trong lòng cũng không khỏi phấn khởi vì chính tôi đã hoàn thành xong một câu chuyện dài hai trăm năm mươi mốt trang. Đây là lần đầu tiên tôi hoàn thành một truyện dài tới nơi tới chốn, điều đó đối với tôi giống như là việc vừa vượt qua một chướng ngại của chính mình vậy.

Ngày hôm đấy trôi qua rất bình thường, chúng tôi vẫn học và nghỉ và học và ăn trưa như mọi ngày. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến đầu buổi chiều, loa thông báo của trường gọi đích danh tôi triệu tập đến phòng hiệu trưởng khi tôi còn đang trong tiết sinh học.

“Cậu không làm gì quá đáng đấy chứ?” Makoto quay xuống hỏi tôi.

“Tớ thì làm gì quá đáng được?” Tôi vặn lại, “Chắc chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng đâu.” Tôi vỗ vai Makoto rồi xin phép giáo viên bộ môn cho rời khỏi lớp.

Trong suốt ba năm trung học đây có lẽ là lần đầu tiên tôi bước chân đến phòng hiệu trưởng. Tôi cố gắng bước chân thật nhẹ khi đi trên hành lang và mặc dù tôi biết mình chắc chắn không phải bị gọi đến để nghe khiển trách hay kỷ luật gì cả nhưng trong lòng không khỏi có chút hồi hộp lo lắng.

“Em xin phép.” Tôi lễ phép nói khi bước vào bên trong văn phòng, không quên cẩn thận khép nhẹ cánh cửa lại sau lưng.

“Akiyama Umi?” Hiệu trưởng hỏi tôi.

“Dạ vâng ạ.” Tôi gật đầu.

“Em ngồi đây đi.” Thầy bỏ cặp kính xuống rồi chỉ về chiếc ghế đối diện bàn làm việc của mình.

Đợi khi tôi ngồi ngay ngắn trước mặt mình, thầy hiệu trưởng mới bắt đầu mở đầu cuộc nói chuyện:

“Chà, nhìn em thầy không thể nghĩ được tại sao trước đây em chưa bao giờ là một cô học trò nổi trội của trường cả, chưa từng tham gia bất cứ một cuộc thi viết nào do nhà trường tổ chức. Tại sao vậy Akiyama?”

“Em có thể hỏi rằng mình đang gặp phải vấn đề rắc rối gì không ạ?”

“Ồ không, không đâu!” Hiệu trưởng xua tay: “Đối với em tôi chỉ có duy nhất một tin tốt mà tôi vinh dự được thông báo mà thôi. Thầy chủ nhiệm của em, thầy Sakamoto Namiki ấy vừa có một cuộc gặp gỡ đặc biệt và sau tất cả, thầy ấy gửi cho tôi một thông báo quan trọng nhờ tôi nói cho em biết.”

“Tin từ thầy Sakamoto ạ?” Tôi hỏi, có một chút hoang mang.

“Đúng vậy, thầy ấy nói rằng em đã nhận được một cuộc hẹn phỏng vấn của giáo sư Keiko Shinobu của đại học Tokyo, một cơ hội được tuyển thẳng vào đại học cùng một phần học bổng.” Thầy hiệu trưởng hoan hỷ cười thông báo. “Trường chúng ta là một ngôi trường mới thành lập được chưa lâu, em biết đấy. Đây quả thực đối với tôi là một tin hết sức đáng tự hào, lần đầu tiên trong lịch sử trường ta có một học sinh được trường đại học Tokyo trực tiếp mời phỏng vấn xét tuyển như em, Akiyama ạ.”

“Em được xem xét để được nhận học bổng Todai ấy ạ?” Tôi ngây người hỏi lại, hoàn toàn cảm thấy thật khó để mà tin vào những gì mà mình vừa được thông báo.

“Đúng vậy đấy, chúc mừng em Akiyama!”

“Nhưng… đây là thông báo chính thức chứ ạ? Em mới chỉ hoàn thành truyện của mình vào lúc năm giờ sáng nay thôi mà. Thầy Sakamoto còn nói gì thêm không thưa thầy?” Tôi lắp bắp hỏi.

“Mọi thông tin chi tiết và giấy mời phỏng vấn thầy Sakamoto chỉ nói lại rằng em phải liên lạc trực tiếp với thầy ấy, thầy ấy không nói gì hơn với thầy. Nhưng thầy Sakamoto đã nói chắc chắn một điều rằng chuyện em được mời phỏng vấn này không phải một câu chuyện đùa đâu mà là một điều hoàn toàn chắc chắc. Vị giáo sư Keiko Shinobu đó đã đánh giá rất cao về câu chuyện mà em viết. Chà, tối nay nhất định tôi sẽ tìm đọc nó.”

“Em cảm ơn thầy ạ.”

“Không Akiyama ạ, chính thầy mới là người phải cảm ơn em mới phải. Cố gắng giành lấy cơ hội này nhé.”

“Vâng.”

“Chuông cũng vừa reo rồi, ngày hôm nay tôi đặc cách cho em về nhà sớm để nghỉ ngơi đấy. Ồ, do phấn khích quá mà tôi viết sẵn giấy miễn học mấy tiết cuối cho em đây này. Ra ngoài cổng trường thì đưa cho bác bảo vệ xem nhé.”

“Em cảm ơn thầy ạ.” Tôi nhắc lại một lần nữa và đón tờ giấy thầy đưa cho. Trong lòng sướng rơn nghĩ tới việc về nhà gọi điện thông báo cho bố.

Tôi chạy như bay trở về lớp, giờ đang là giờ nghỉ giữa tiết. Lúc tôi về đến lớp mình thì đã thấy Makoto cùng Kanade đứng đợi ngoài cửa.

“Nhìn cậu kìa, tớ đoán là cậu vừa nhận được tin vui hả?” Kanade tươi cười nhìn tôi, tôi không đoán được lý do cô ấy đến đây tìm tôi để làm gì.

“Có chuyện gì đã xảy ra trong phòng hiệu trưởng vậy?” Makoto sốt sắng hỏi.

“Được rồi.” Tôi bịt mặt nói lớn: “Đoán xem ai vừa nhận được lời mời phỏng vấn của Todai nào!”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3