Trên Chuyến Bay Đêm - Chương 07 - Phần 2
Harry nắm tay nắm vặn thử cánh cửa khóa kỹ.
Quay lại, anh rảo bước theo lối đi qua các buồng, đưa mắt nhìn hành khách ngồi trong đó.
Người đàn ông ăn mặc lịch sự, áo quần cắt may theo kiểu Pháp, chắc là ông Nam tước Gabon. Ngồi bên cạnh ông ta là một người có vẻ bị dao động mạnh, đi giày chân trần không mang vớ. Thật kỳ dị. Có lẽ đây là giáo sư Hartman. Ông ta mặc bộ đồ cũ rích trông thật dị hợm, và có vẻ đói khát.
Harry nhận ra Lulu Bell, nhưng anh rất ngạc nhiên khi thấy cô ta như người đã đến tuổi bốn mươi. Anh cứ tưởng cô ta còn trẻ như các nhân vật cô đóng trong phim, nghĩa là khoảng mười chín tuổi. Cô ta mang đồ nữ trang hiện đại, rất sang, không chê vào đâu được: đôi hoa tai có hình chữ nhật, vòng đeo tay to tướng và ghim cài áo bằng đá thạch anh, có lẽ mua ở nhà hàng Boucheron.
Anh gặp lại cái bà tóc vàng mà anh đã để ý trong phòng khách của khách sạn South Westeru. Bà ta không còn đội mũ nữa. Cặp mắt xanh và da trong sáng. Bà vừa cười vừa nghe người đàn ông nói chuyện rõ ràng bà ta yêu ông này rồi, mặc dù ông ta không đẹp trai. Nhưng Harry nhớ ra là phụ nữ thường yêu đàn ông làm cho họ vui cười.
Còn cái bà có nước da nhăn nheo mang chiếc mề đay kim cương do Fabergé làm, có lẽ là công chúa Lavinia. Bà ta tỏ vẻ ghê tởm như một bà Công tước bị lạc vào chuồng heo.
Buồng lớn nhất nơi họ lên tàu hồi nãy còn trống trải, nhưng bây giờ Harry thấy phòng này đã biến thành phòng khách. Trong phòng đã có bốn hay năm người đang ngồi, có cả cái ông to con ngồi trước mặt Harry.
Mấy người đàn ông đang chơi bài, bỗng anh nghĩ nếu có một tay đánh bạc chuyên nghiệp, chắc thế nào anh ta cũng kiếm được bộn tiền trong thời gian đi máy bay như thế này.
Anh về lại chỗ ngồi, người phục vụ mang whisky đến cho anh. Harry gợi chuyện:
– Máy bay còn trống đến một nửa.
– Không đâu, chúng tôi đã hết chỗ rồi. – Nicky lắc đầu, đáp Harry nhìn quanh.
– Trong buồng này còn trống đến bốn chỗ kia mà, và trong các buồng khác cũng thế.
– Thực ra thì buồng này có đến mười chỗ ngồi khi bay ban ngày. Nhưng khi ngủ thì chỉ có sáu chỗ. Sau khi ăn tối xong, ông sẽ thấy chúng tôi chuẩn bị giường ngủ như thế nào. Trong lúc chờ đợi, quí vị cứ hưởng cảnh rộng rãi cho thoải mái.
Harry uống whisky từng hớp nhỏ. Anh tiếp viên rất lễ phép và năng nổ, nhưng không khúm núm như những người phục vụ trong các khách sạn ở Luân Đôn. Harry phân vân không biết người Mỹ đều xử thế như vậy hết hay sao. Anh mong sao như thế. Vì cứ mỗi lần vào các nơi vui chơi của xã hội thượng lưu ở Luôn Đôn là anh thấy hơi nản, tại đây giới phục vụ thường xun xoe khúm núm khi anh đưa ngón tay lên gọi họ.
Anh thấy đã đến lúc thắt chặt thêm tình thân ái với Margaret Oxenford, cô ta vừa nhấm nháp sâm banh vừa lật xem một tờ tạp chí. Anh tán tỉnh hàng chục cô gái trạc tuổi cô ta cũng vào những lúc như thế này. Anh liền xổ cái giọng điệu tán tỉnh cố hữu của anh ra:
– Cô ở Luân Đôn phải không?
– Chúng tôi có ngôi nhà ở Quảng trường Eaton, nhưng chúng tôi thường về nông thôn nghỉ ngơi, - cô đáp. - Đất đai của chúng tôi nằm ở vùng Berkshire.
Bố tôi còn có một ngôi nhà đi săn ở Tô Cách Lan nữa. - Cô nói bằng một giọng dửng dưng như thể câu hỏi của anh là một gánh nặng, cô muốn trả lời cho xong để dẹp bỏ gánh nặng ấy đi.
– Cô đi săn đuổi thú chứ gì? - Harry hỏi. Đây là lối đặt câu hỏi xưa cũ. Hầu hết những người giàu có đều đi săn đuổi thú và họ thích nói đến chuyện này.
– Không hẳn, - cô đáp. - Chúng tôi bắn nhiều hơn.
– Cô mà bắn à? - Anh ngạc nhiên hỏi. Săn bắn không được các bà thích như săn đuổi.
– Khi người ta cho phép.
– Tôi đoán chắc có nhiều người hâm mộ cô lắm.
Cô quay qua anh, hỏi nhỏ.
– Tại sao anh hỏi tôi những câu ngốc nghếch như thế?
Harry bối rối, không biết trả lời sao. Anh đã hỏi hàng chục cô gái khác những câu hỏi như thế này mà chẳng ai phản ứng như thế hết. Anh hỏi:
– Cô thấy những câu hỏi như thế ngốc nghếch à?
– Vì anh sẽ châm biếm khi biết tôi ở đâu và tôi có đi săn không.
– Nhưng người trong xã hội thượng lưu thường nói với nhau như thế mà.
– Anh không phải là người trong xã hội thượng lưu, - cô trả lời một cách thẳng thừng.
– Đúng rồi! - Anh thốt lên bằng cái giọng tự nhiên của mình. - Cô nói năng rất thẳng thắn!
Cô cười nói:
– Thế hay hơn.
– Tôi bối rối quá không giả giọng được.
– Tốt. Tôi chịu đựng được giọng Mỹ của anh, nếu anh hứa với tôi là đừng nói chuyện mưa nắng bâng quơ với tôi nữa.
– Cám ơn người đẹp, - anh đáp, lấy lại phong thái của Harry Vandenpost.
Không phải dễ dàng tán tỉnh cô gái, anh nghĩ. Đây là một cô gái có ý chí.
Nhưng như thế càng làm cho cô hấp dẫn hơn.
Cô nói tiếp:
– Anh đóng vai này giỏi đấy. Nếu không biết anh, thì không đời nào tôi đoán ra đấy là giọng anh giả. Tôi nghĩ đây là phần chính trong Modus Operandi của anh.
Harry thường bực mình khi nghe ai nói tiếng La tinh. Anh lầu bầu đáp:
– Có lẽ thế. - nhưng anh chẳng hiểu cô muốn nói cái gì hết. Anh phải thay đổi đề tài nói chuyện mới được. Anh phân vân không biết làm sao gây được cảm tình với cô. Rõ ràng là anh không thể tán tỉnh cô như cách anh đã tán tỉnh nhiều cô gái khác. Có lẽ cô ta là loại gái có tài thông linh học, có tà thuật, có thuật chiêu hồn.
– Cô có tin vào ma quỷ không? - Anh hỏi.
Câu hỏi làm cho anh nhận câu trả lời còn gay gắt hơn:
– Anh cho tôi là ai thế? Và tại sao anh đổi đề tài?
Với bất cứ một cô gái nào khác, thế nào anh cũng biến chuyện này thành một trò đùa, nhưng không biết sao, Margaret lại gây cho anh một ấn tượng mạnh như thế này. Anh đáp:
– Vì tôi không biết tiếng La tinh.
– Anh nói cái quái gì thế?
– Tôi không hiểu những từ như Modus Operandi.
Bỗng cô có vẻ ngạc nhiên, tức tối, rồi mặt cô tươi tỉnh trở lại, cô lập lại thành ngữ Modus Operandi.
– Tôi không được học hành nhiều, nên không hiểu những chữ như thế, - anh nói.
Câu nói của anh đã tác động đến cô một cách thật bất ngờ. Cô đỏ mặt ra vẻ xấu hổ, rồi ấp úng nói:
– Tôi rất buồn. Tôi nói năng có vẻ cục cằn thô lỗ.
Anh kinh ngạc khi thấy thái độ thay đổi của cô.
Các cô gái thường thích phô trương kiến thức học vấn của mình. Trải lại Margaret không như thế, anh sung sướng thấy cô có tư cách hơn phần đông các cô đồng giai cấp. Anh nhìn cô cười, rồi nói:
– Không sao, bỏ đi.
Rồi cô nói thêm khiến cho anh càng ngạc nhiên hơn nữa:
– Tôi biết nói ra anh sẽ ngạc nhiên, nhưng trên thực tế là tôi không được học hành gì hết.
– Con nhà giàu mà không được học hành à? - Anh hỏi, vẻ nghi ngờ, không tin lời cô nói.
Cô gật đầu.
– Chúng tôi không đi học ở trường.
Harry bàng hoàng. Ở Luân Đôn, một người thợ biết tự trọng, cũng cảm thấy xấu hổ nếu họ không cho con cái đến trường; họ sẽ bị mọi người nhìn với ánh mắt khinh khi như bị cảnh sát đến soát nhà hay bị nhân viên tòa án đến trực xuất ra khỏi nhà. Và khi đứa bé không có giày để đi học thì mẹ chúng rất mất mặt.
– Nhưng trẻ con phải đến trường, đấy là luật mà!– Harry cãi lại.
– Chúng tôi học với những bà gia sư ngu ngốc.
– Vì thế mà tôi không thể vào đại học được. Tôi chẳng có văn bằng gì hết - Cô có vẻ buồn. - Tôi nghĩ nếu được vào đại học, chắc tôi sung sướng lắm.
– Thật khó tin cho nổi. Tôi cứ nghĩ là những người giàu, có thể làm bất cứ gì họ muốn.
– Với bố tôi thì không thế.
– Còn cậu bé thì sao? - Harry hỏi vừa hết cằm chỉ Percy.
– Ồ, nó thì đương nhiên được đi học, nó học ở Eton, - cô đáp, giọng hằn học.
– Đối với con trai thì khác.
Harry ngẫm nghĩ, rồi anh thận trọng hỏi cô:
– Như thế có nghĩa là cô không bằng lòng bố cô về một số vấn đề... như chính trị chẳng hạn?
– Đúng thế, - cô đáp, giọng tức tối. - Tôi theo chủ nghĩa xã hội.
Harry nghĩ, có lẽ đây là chìa khóa cho anh dùng để mở cánh cửa đến gần cô hơn. Anh tuyên bố.
– Tôi là đảng viên đảng Cộng sản. - Quả đúng thế. Anh gia nhập đảng năm mười sáu tuổi và chỉ ba tuần sau là anh từ bỏ đảng. Anh đợi phản ứng của cô trước khi quyết định sẽ nói gì tiếp Cô liền nóng nảy hỏi:
– Tại sao anh từ bỏ đảng.
Sự thực là vì những buổi hội họp chính trị làm cho Harry hết sức ngột ngạt, nhưng có lẽ anh không nên nói ra cho cô biết điều này thì hay hơn. Nên anh chỉ đáp:
– Thật khó nói lắm.
Nói thế, nhưng anh đoán rằng chuyện này không dễ gì giấu cô được. Quả vậy, cô khăng khăng nói tiếp:
– Hẳn là anh phải biết lý do tại sao anh từ bỏ đảng chứ?
– Tôi nghĩ là vì đảng có vẻ giáo điều quá.
Cô cười khi anh nói thế.
– Tôi hiểu anh muốn nói gì rồi.
– Ngoài ra, tôi nhận thấy họ chủ trương xóa bỏ giàu nghèo, trả lại cho thợ thuyền sự giàu có mà họ đã làm ra.
– Tại sao anh lại hơn họ?
– Này nhé, tôi lấy tiền bạc ở khu giàu có Mayfair, mang về cho khu lao động Battersea.
– Anh muốn nói anh chỉ ăn trộm của những người giàu thôi?
– Ăn trộm của người nghèo thì có gì? Họ làm gì có tiền bạc mà ăn trộm?
Nghe nói, cô lại cười.
– Nhưng anh không cho biết những thứ anh có một cách phi pháp, như Robin Rừng Rú chứ?
Anh suy nghĩ để xem phải nói gì với cô. Nếu anh cứ nói đại rằng anh ăn trộm của người giàu để cho người nghèo thì liệu cô có tin không. Nếu cô không tin thì cô cũng có thể ngây ngô - nhưng, anh tin chắc cô không ngây ngô về điểm này. Anh nhún vai, đáp:
– Tôi không phải là người đi làm công tác từ thiện. Nhưng sự thực là thỉnh thoảng tôi có giúp đỡ nhiều người.
– Thế thì tuyệt quá rồi, - cô nói. Mắt cô long lanh, sáng ngời, trông cô thật đẹp. - Tôi tin trong xã hội có những người như anh, nhưng tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi được gặp anh và nói chuyện với anh.
Đừng quá tin, cô em ơi, Harry nhủ thầm. Anh hết sức đề phòng những phụ nữ tỏ ra quá có cảm tình với anh, vì khi họ khám phá anh chỉ là kẻ tầm thường, họ sẽ hết sức đau đớn. Cho nên anh trả lời với vẻ bối rối thật sự. – Tôi không có gì đặc biệt hết. Tôi chỉ là người xuất thân từ một thế giới mà cô chưa bao giờ thấy thôi.
Cô nhìn anh, ánh mắt có vẻ như nói với anh rằng cô vẫn xem anh là một người đặc biệt.
Như thế là đủ rồi, anh nghĩ. Đã đến lúc thay đổi đề tài
– Cô làm cho tôi bối rối, - anh nói, cảm thấy hổ thẹn.
– Xin lỗi anh, - cô vội vàng trả lời. Cô suy nghĩ một lát rồi hỏi anh:
– Tại sao anh sang Mỹ?
– Để chạy trốn cô Rebecca Maugham Flint.
Cô phá ra cười:
– Không, nói nghiêm túc đi.
Anh nghĩ, khi cô đã quyết bắt cho được cái gì, cô sẽ giống như một con chó săn: cô không thả con mồi, vì thế cô rất nguy hiểm. Anh đành trả lời:
– Tôi phải đi để khỏi vào tù.
– Sang bên ấy anh sẽ làm gì?
– Tôi định sẽ xin gia nhập vào ngành không quân Canada. Tôi thích học lái máy bay.
– Thế thì hay biết mấy!
– Còn cô. Tại sao cô đi Mỹ?
– Chúng tôi chạy trốn, - cô đáp với giọng đau khổ.
– Cô muốn nói gì thế?
– Nói cho anh hay, bố tôi là người theo phát xít.
Harry gật đầu.
– Tôi có đọc bài viết về ông trên báo.
– Thế đấy ông xem bọn Quốc xã là tuyệt vời, cho nên ông không muốn chiến đấu chống lại chúng. Vả lại, nếu ông còn ở tại nước Anh, ông sẽ bị chính quyền bỏ tù.
– Vậy là gia đình cô sẽ sang sống ở Mỹ.
– Gia đình mẹ tôi gốc ở Connecticut.
– Gia đình cô sẽ ở lại bên ấy bao lâu?
– Ít ra cha mẹ tôi cũng ở đấy cho đến hết chiến tranh. Có lẽ họ không trở về nữa.
– Nhưng cô, cô không muốn qua bên ấy phải không?
– Đương nhiên là không, - cô hăng hái đáp. – Tôi muốn ở lại để chiến đấu.
Chủ nghĩa phát xít là chủ nghĩa rất khủng khiếp. Cuộc chiến tranh này rất quan trọng và tôi muốn đóng góp công sức của mình vào. - Cô nói đến chiến tranh ở Tây Ban Nha, nhưng Harry chỉ nghe mang máng thôi. Một ý nghĩ rất kỳ lạ vừa nảy ra trong óc anh, ý nghĩ hết sức hấp dẫn đến nỗi tim anh đập thình thịch, và anh phải gắng hết sức mới giữ cho được vẻ mặt bình thường.
Khi chạy trốn chiến tranh, không đời nào người ta để của cải quí giá lại ở nhà.
Ý nghĩ chỉ đơn giản như thế. Người nông dân khi chạy trốn quân xâm lược, họ lùa theo trâu bò súc vật.
Những người dân Do thái chạy trốn bọn quốc xã, họ mang theo vàng bạc, khâu trong lai áo măng tô. Sau năm 1917, những nhà quí tộc Nga như Công chúa Lavinia này đã trốn chạy sang châu Âu, họ ôm khư khư vào lòng những quả trứng vàng và đá quí của Fabergé.
Ngài Oxenford chắc đã tính đến chuyện không bao giờ trở về nữa. Ngoài ra, chính phủ đã ra sắc lệnh kiểm soát việc đổi ngoại tệ, để cấm những người Anh giàu có chuyển hết tiền bạc ra nước ngoài. Gia đình Oxenford biết họ sẽ không bao giờ lấy lại được những gì họ để lại tại quê nhà. Chắc chắn là họ mang theo của cải quí giá.
Mang theo cả gia sản trong hành lý thì có phần nguy hiểm, dĩ nhiên. Nhưng làm thế nào để bớt nguy hiểm hơn. Gởi qua đường bưu điện à? Gởi theo đường bưu cục đặc biệt à? Để ở nhà cho chính quyền căm ghét họ tìm cách trưng thu à, hay để cho đội quân xâm lăng cướp bóc, hay thậm chí cho ủy ban cách mạng “giải phóng” sau khi chiến tranh chấm dứt không. Gia đình Oxenford chắc chắn đã mang theo nữ trang. Nhất là họ phải mang theo bộ đồ trang sức Delhi... Nghĩ đến chuyện này, anh thấy nghèn nghẹn khó thở.
Bộ trang sức Delhi là bộ nữ trang danh tiếng nhất của phu nhân Oxenford.
Nó gồm cả các thứ bằng hồng ngọc và kim cương gắn trên vàng, một chiếc vòng cổ, đôi hoa tai và một cái vòng đeo tay rất hài hòa nhau. Hồng ngọc lấy từ Miến Điện, loại ngọc rết hiếm và hết sức khổng lồ. Chúng được Tướng Robert Clive mang vào Anh từ thế kỷ 18, ông tướng này có bí danh là Clive Ấn Độ, và số ngọc này đã được những người thợ kim hoàn của Hoàng gia chế tác thành đồ trang sức.
Người ta nói bộ trang sức Delhi này có giá đến một phần tư triệu bảng Anh, một số tiền quá nhiều, một người cả đời tiêu không hết.
Và chắc chắn số tiền ấy hiện đang ở trên máy bay.
Không có tay đạo chích chuyên nghiệp nào lại dám ra tay trên tàu thủy hay trên máy bay, vì số nghi can sẽ hết sức dễ tìm. Hơn nữa, Harry đang đội lốt một người Mỹ, đi với hộ chiếu giả, chạy trốn tòa án và đang ngồi trước mặt một cảnh sát. Họa điên mới đi lấy bộ trang sức này. Chỉ nghĩ đến chuyện này thôi, anh đã run cả người rồi.
Thế nhưng biết bao giờ mới có lại được một trường hợp như thế này. Bỗng nhiên anh cần có những thứ nữ trang ấy như người chết đuối cần không khí.
Dĩ nhiên anh không thể bán bộ trang sức ấy với số tiền 250 ngàn bảng Anh.
Nhưng anh có thể kiếm được số tiền bằng một phần mười số này, nghĩa là quãng hơn 100 ngàn đô la.
Với số tiền như thế này thôi, đủ cho anh dư sức sống bình an cho đến ngày cuối đời.
Nghĩ đến chuyện có nhiều tiền khiến anh chảy nước miếng. Harry đã thấy bộ nữ trang này trên ảnh rồi. Những viên đá quí trên chiếc vòng cổ hết sức hài hòa; những viên kim cương làm nổi bật những viên hồng ngọc như nước mắt trên má của hài nhi; còn những viên đá quí nhỏ hơn, ở đôi hoa tai và ở chiếc vòng đeo tay, có tỷ lệ rất tương xứng, đẹp mắt. Tất cả các thứ này đeo trên người đẹp thì không có gì đẹp hơn. Harry nghĩ chắc sẽ không có dịp nào anh được ở gần kiệt tác này nữa. Không bao giờ có dịp nữa.
Anh phải xoáy bộ trang sức này mới được.
Nguy hiểm thì nhiều - nhưng anh thường gặp may.
– Tôi nghĩ anh không nghe tôi nói thì phải, - Margaret nói.
Harry bỗng nhận ra anh không chú ý nghe cô nói gì hết. Anh cười, đáp:
– Xin cô thứ lỗi. Một câu nói của cô đã làm cho tôi mơ mộng.
– Tôi biết, - cô đáp. - Cứ nhìn vẻ mặt của anh, tôi biết anh mơ đến người anh yêu.