Trên Chuyến Bay Đêm - Chương 08 - Phần 1
Chương 8
Nancy Lenehan hết sức bồn chồn nôn nóng đợi chiếc máy bay màu vàng duyên dáng của Mervyn Lovesey cất cánh.
Ông ta đang căn dặn người đàn ông mặc bộ đồ tuýt những lời cuối cùng, người này có lẽ là đốc công trong xưởng của Mervyn. Nancy nắm được tình hình cộng việc của ông ta, ông đang gặp khó khăn với các công đoàn và đang đứng trước một nguy cơ đình công.
Khi ông ta nói xong, ông quay về phía Nancy, trình bày cho bà rõ tình hình.
– Tôi thuê mười bảy người thợ tiện mà mỗi người là một ông trời con.
– Ông chế tạo cái gì? - Bà hỏi.
– Cánh quạt. - ông đáp rồi chỉ chiếc máy bay. - Chong chóng máy bay, chân vịt tàu thủy, và những thứ đại loại như thế. Tất cả những thứ có độ cong phức tạp. Nhưng công việc chế tạo thì dễ. Mà chỉ con người mới là vấn đề gây khó khăn cho tôi. - Ông ta cười thân mật rồi nói thêm:
– Nhưng chắc bà không quan tâm đến các vấn đề khó khăn của kỹ nghệ.
– Đương nhiên là có, - bà đáp. - Chính tôi cũng điều khiển một nhà máy mà.
Ông ngạc nhiên hỏi:
– Loại nhà máy sản xuất gì?
– Tôi sản xuất một ngày năm ngàn bảy trăm đôi giày.
Ông ta quá đổi kinh ngạc, nhưng vẫn làm ra vẻ mình không thua sút gì bà, vì ông đáp:
– Hoan hô! - Với giọng vừa chế nhạo vừa pha lẫn sự ngưỡng mộ.
Nancy nghĩ công ty của Mervyn nhỏ hơn công ty của bà nhiều.
– Có lẽ tôi nên nói tôi đã sản xuất giày mới đúng, - bà ta nói tiếp, bỗng bà cảm thấy đắng họng khi nói thật chuyện này ra. - Người em trai của tôi định bán công ty sau lưng tôi. Vì thế, - bà nói thêm, vừa đưa mắt buồn bã nhìn chiếc máy bay, - tôi phải đáp chiếc Clipper để về nước gấp.
– Bà sẽ đáp máy bay ấy kịp, - ông nói với giọng đảm bảo. Chiếc Tiger Moth của tôi sẽ đưa chúng ta đến đấy trước một giờ.
Bà hy vọng ông ta không nói ngoa với bà.
Người thợ máy trên máy bay nhảy xuống, nói:
– Tất cả đã chuẩn bị xong, thưa ông Lovesey.
Lovesey nhìn Nancy, rồi nói với người thợ máy:
– Anh kiếm cho bà này một cái mũ cứng. Đội cái mũ bé tí kỳ cục như thế không bay được đâu.
Nancy kinh ngạc khi thầy ông ta trở lại ăn nói khiếm nhã như hồi nãy. Rõ ràng là khi ông ta không có việc gì để làm, ông ta mới nói năng nhã nhặn với bà, nhưng vì công việc cấp bách, nên bà không thèm chấp trách ông ta làm gì. Bà không quen cảnh bị đàn ông chèn ép. Không phải là người có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, nhưng bà cũng đủ sức lôi cuốn đàn ông và có uy quyền để sai khiến họ. Đàn ông thường có thái độ che chở với bà, chứ ít ai vô tâm như cái ông Lovesey này. Tuy nhiên, bà sẽ không phản ứng làm gì. Bà sẵn sàng chịu đựng thái độ cục cằn thô lỗ của ông ta, để có thể đuổi kịp thằng em trai khốn nạn của bà.
Việc làm cho bà ngạc nhiên thật sự, là chuyện hôn nhân của Lovesey. Ông ta đã nói: “Tôi đuổi theo vợ tôi” - Lời thú nhận hết sức thơ ngây, chân thành. Bà nghĩ, thế là vợ ông muốn bỏ ông. Ông ta đẹp trai đấy, nhưng ông cũng ích kỷ và thiếu tình cảm. Cho nên bà thấy hết sức kỳ lạ là tại sao ông ta phải chạy theo vợ.
Ông ta là loại người có vẻ tự cao tự đại, không thể làm một việc như thế được.
Nancy cứ tưởng đáng ra bà đã nghe ông ta nói:
“Mặc xác nó, muốn đi cứ đi”.
Có lẽ bà đã xét đoán sai ông ta rồi.
Bà phân vân tự hỏi không biết vợ ông ta như thế nào? “Chị ta đẹp không”.
Gợi tình không? Ích kỷ và hư hỏng ư? “Một nàng chuột hoảng sợ ư?” Nancy sẽ sớm biết nếu họ đuổi kịp chiếc Clipper.
Người thợ máy mang đến cho bà cái mũ cứng, bà đội lên đầu. Lovesey leo lên máy bay, ông quay đầu lui, nói với anh ta:
– Anh giúp bà ấy một tay được không? - Người thợ máy, còn lịch sự hơn cả chủ, giúp bà mặc áo măng tô vào, anh ta nói:
– Bay trên trời lạnh lắm, dù trời nắng. - Rồi anh giúp bà leo lên máy bay, ngồi ở chỗ ghế sau. Anh ta đưa cái xách tay cho bà, bà nhét vào dưới hai chân.
Khi máy bay bắt đầu nổ máy, bà cảm thấy căng thẳng lo sợ vì bà đã phó thác sinh mạng của mình cho một người hoàn toàn xa lạ.
Rất có thể cái ông Mervyn Lovesey này là một phi công gà mờ, không được huấn luyện đầy đủ và đang lái một chuyến máy bay cà tàng. Thậm chí có thể ông ta là một con buôn chuyên buôn người da trắng, và ông ta đang tính chuyện đem bán bà cho nhà thổ ở bên Thổ Nhĩ Kỳ.
Không, bà quá già rồi, bán chác chi được! Nhưng không phải vì thế mà bà đặt hết tin tưởng vào Lovesey.
Điều bà biết chắc chắn, ông ta là người Anh và có chiếc máy bay.
Nancy đã đi máy bay ba lần rồi, nhưng thường đi trên những chiếc máy bay lớn hơn, có buồng kín đáo. Bà chưa bao giờ đi trên máy bay hai cánh cũ kỹ. Bà có cảm giác bay trong chiếc xe hơi mui trần. Máy bay chạy trên đường băng, tiếng máy gầm rú đinh tai nhức óc gió quất vào mũ cứng của họ ào ào.
Máy bay thương mại mà Nancy đã từng đi, cất cánh rất nhẹ nhàng êm dịu, còn chiếc này thì nhảy vọt lên như một con ngựa đua nhảy rào. Rồi Lovesey đột ngột rẽ cánh khiến cho Nancy phải bám chặt vào chỗ ngồi, bà hoảng hất, sợ té ra ngoài, mặc dù bà đã buộc chặt dây an toàn. Ông ta có bằng lái không? Ông ta cho máy bay trở lại vị trí bằng phẳng, chiếc máy bay phóng nhanh tới trước.
Thao tác ở đây có vẻ dễ hiểu hơn, chứ không ký bí như ở các máy bay thương mại lớn. Bà nhìn cánh máy bay hút gió, nghe tiếng động cơ nổ ầm ầm, và thấy chiếc máy bay lơ lửng trên không, cái chong chóng quay tít trong không khí, gió nâng mấy chiếc cánh rộng bằng vải dầu lên, bà có cảm giác như của người thả diều, kéo mạnh cho gió nâng diều lên. Đi trong máy bay có buồng đóng kín, người ta không có cảm giác như thế.
Thế nhưng, cứ nghĩ đến chuyện chiếc máy bay nhỏ phấn đấu để bay lên được, là bà cảm thấy ruột gan cồn cào khó chịu. Cặp cánh chỉ làm bằng gỗ và vải dầu; cái chong chóng có thể bị kẹt, bị gãy và rơi xuống; gió giúp họ cũng có thể quay lại chống họ; có thể gặp trời sa mù, sấm chớp hay là mưa đá.
Nhưng xem ra những điều bà lo sợ ít có khả năng xảy ra, vì máy bay đang bay cao dưới ánh mặt trời và hướng mũi về phía Ailen. Nancy có cảm giác đang cưỡi trên lưng một con chuồn chuồn vàng khổng lồ. Nghĩ thế bà thấy sợ một chút, nhưng lòng lại ngây ngất, như đang cưỡi ngựa quay trong hội chợ vậy.
Chẳng bao lâu sau, họ rời xa bờ biển nước Anh.
Nancy thấy máy bay hướng về phía Tây, lòng bà rộn rã vui mừng chiến thắng. Chắc là Peter đã lên chiếc Clipper rồi, chắc anh ta đang vui sướng vì đã lừa được bà chị khôn lanh. Nhưng niềm vui của hắn không lâu đâu, bà nghĩ, lòng hả hê. Hắn chưa thắng thế đâu. Thế nào hắn ta cũng sửng sốt khi thấy bà đến Foynes.
Dĩ nhiên là cho dù bà đã đuổi kịp Peter, cuộc chiến đấu vẫn chưa chấm dứt.
Bà về kịp dự họp hội đồng quản trị cũng chưa chắc đã thắng. Điều quan trọng là bà phải thuyết phục cho được cô Tilly và Danny Riley đứng vào phe với bà để biểu quyết.
Bà muốn tố giác hành động đê tiện của Peter cho họ biết, nói cho họ biết rằng anh ta đã lừa dối chị anh và âm mưu chống lại bà; bà muốn nghiền nát anh ta ra, tiêu diệt anh ta đi, bằng cách chứng minh cho họ thấy anh ta là con rắn độc, bà say sưa thưởng thức dự kiến ấy một lát, nhưng ngẫm nghĩ lại, bà thấy làm thế không khôn ngoan chút nào hết. Nếu bà tỏ ra giận dữ, thiếu bình tĩnh, người ta sẽ tin bà chống đối việc bán công ty chỉ vì quyền lợi riêng tư của bà.
Bà phải hết sức bình tĩnh nói cho họ biết viễn ảnh tốt đẹp của công ty, bà phải cư xử sao cho người ta nghĩ rằng mối bất bình của bà với Peter chỉ là vì vấn đề điều hành công ty. Tất cả đều biết bà có thể điều hành, biết cách điều khiển công ty hơn Peter.
Vả lại, bà phải lập luận sao cho hợp tình hợp lý. Bà phải trình bày cho họ thấy rằng lợi tức của họ đều dựa vào lợi tức của công ty Black, mà công ty Black thu nhập kém cỏi là do sự điều hành không ra gì của Peter. Nancy nghĩ rằng việc bán hết các cửa hàng đi không quan trọng, mà việc quan trọng nhất là phải cải tạo lại xí nghiệp theo kế hoạch mà bà đã vạch ra và làm cho xí nghiệp có lợi tức cao.
Còn có một nguyên nhân nữa rất thuận lợi sắp xảy đến cho xí nghiệp là chiến tranh. Chiến tranh rất thuận lợi cho công việc kinh doanh nói chung và nhất là cho các xí nghiệp như xí nghiệp Black, vì xí nghiệp sẽ cung cấp hàng cho quân đội. Có lẽ Hoa Kỳ không tham chiến, nhưng chắc chắn chính phủ sẽ có kế hoạch tích trữ hàng hóa để phòng hờ. Cho nên công ty sẽ gia tăng doanh thu.
Chắc chắn vì thế mà Nat Ridgeway muốn mua lại công ty Black.
Bà suy nghĩ cách để ứng phó với tình thế, suy nghĩ lời lẽ sẽ nói trong khi máy bay bay trên biển Ailen. Bà nói to những điểm chủ yếu mà bà sẽ nói trước hội đồng, bà tin gió sẽ xua lời của bà đi chứ không bay đến tai của Mervyn Lovesey được, vì ông ta ngồi trước bà một mét, lại đội chiếc mũ cứng trùm kín cả hai tai.
Bà miệt mài lo nghĩ đến, cách hành động, đến nỗi bà không để ý đến tiếng máy ngưng nổ lần đầu của máy bay.
“Chiến tranh ở châu Âu chỉ xảy ra trong mười hai tháng thôi là công ty sẽ tăng gấp đôi doanh thu. Nếu Hoa Kỳ tham chiến công ty sẽ còn tăng gấp mấy nữa...”.
Máy bay lại không nổ lần thứ hai. Lần này thì bà để ý thấy và tỉnh mộng.
Động cơ kêu lục ục như khi trong cái ống nước có không khí. Rồi máy nổ lại bình thường, rồi lại thay đổi, tiếng nổ nghe khác trước, hục hặc và yếu đi, Nancy cảm thấy lo lắng.
Bỗng máy bay bắt đầu giảm dần độ cao.
– Có chuyện gì thế? - Nancy ráng sức hét lớn, nhưng ông ta không trả lời.
Hay là ông ta không nghe cũng nên, hay là ông vì bận suy tính quá nên không trả lời.
Tiếng động cơ vẫn thay đổi, tiếng gầm rú bây giờ nghe dữ dội hơn như thể phi công nhấn thêm ga; và chiếc máy bay thôi không mất độ cao nữa.
Nancy muốn thấy mặt của Lovesey, nhưng ông ta vẫn nhìn thẳng tới phía trước bây giờ động cơ, thay đổi tiếng nổ, khi thì ù ù đều đặn, khi thì giật giật vướng víu. Nancy hoảng hồn, bà nhìn tới trước, cố nhìn xem cái chong chóng có gì khác thường không, nhưng bà không thấy có hiện tượng gì khác lạ hết. Và mỗi lần máy ngưng nổ, máy bay lại hạ xuống thấp một chút.
Không thể chịu đựng được sự căng thẳng lâu hơn nữa, bà mở khóa sợi dây an toàn ra, nghiêng người tới trước, vỗ tay lên vai Lovesey. Ông quay đầu về một bên, bà hét bên tai ông:
– Có gì không ổn phải không?
– Tôi không biết. - Ông cũng hét to trả lời.
Bà quá sợ, không hài lòng câu trả lời của ông.
– Máy như thế nào đây? - Bà cứ hỏi tiếp.
– Tôi đoán có một xi lanh bị trục trặc.
– À thế có bao nhiêu xi lanh cả thảy?
– Bốn.
Máy bay thình lình phóng tới, Nancy vội vã ngồi ngay ngắn lại và khóa dây an toàn. Bà biết lái xe, nên bà biết xe hơi chỉ cần một xi lanh hoạt động là xe chạy được. Chiếc Cadillac của bà có trên 12 xi lanh. Máy bay có thể bay với ba xi lanh trong bốn xi lanh được không?
Bây giờ họ xuống thấp đều đều. Nancy nghĩ máy bay có thể bay với ba xi lanh, nhưng không lâu. Họ sẽ bay được bao lâu mới rơi xuống biển? Bà nhìn chân trời, và bà thấy người nhẹ nhõm khi trông thấy bờ biển hiện ra phía trước.
Không thể nín được, bà lại tháo khóa dây an toàn ra, chồm tới hỏi Lovesey:
– Chúng ta có thể đến được bờ biển không?
– Tôi không biết, - ông ta hét lên trả lời.
– Ông chẳng biết quái gì hết! - Bà hét to. Nhưng bà cố giữ bình tĩnh. - Ông nghĩ như thế nào?
– Bà im đi, để tôi tập trung vào công việc!
Bà ngồi lại ngay ngắn. Bà nghĩ thầm, có lẽ mình sắp chết rồi. Bà có suy nghĩ để khỏi hốt hoảng trước một tình thế nguy kịch. May thay là con mình khôn lớn cả rồi. Thế mà chúng cũng đau khổ, nhất là sau khi đã mất bố vì tai nạn xe hơi.
Nhưng chúng lớn cả rồi, mạnh khỏe, và đầy đủ tiền bạc. Chúng sẽ không gặp khó khăn gì hết.
Mình tiếc là không có người tình khác. Chuyện đã qua... Mấy năm rồi nhỉ?
Mười năm! Thảo nào mà mình đã quen với nếp sống như vậy rồi. Mình có thể thành bà nữ tu được rồi. Đáng ra mình phải ngủ với Nat Ridgeway mới đúng.
Anh ta dễ thương đấy chứ, mình tin chắc như thế.
Trước khi đi châu Âu, bà có đi chơi với một ông bồ mới, một hay hai lần gì đó, anh ta là nhân viên kế toán độc thân suýt soát tuổi với bà; nhưng bà không tiếc vì không ngủ với anh ta. Anh ta dễ thương nhưng yếu đuối, như những người đàn ông khác mà bà đã gặp. Họ biết tài năng của bà, họ muốn bà chăm sóc họ. Nhưng bà thì nghĩ: bà muốn người ta chăm sóc đến mình thôi!
Nếu mình thoát nạn, bất cứ giá nào mình cũng phải làm sao cho có ít ra một ông bồ trước khi chết mới được.
Nếu Peter thắng thế, tình hình sẽ rất bi đát. Công ty bố bà để lại sẽ bị bán đứt, sẽ bị sáp nhập vào Tổng công ty dệt may. Bố bà đã chắt chiu suốt đời để gầy dựng công ty, nay bị Peter phá hoại chỉ trong vòng năm năm lười biếng, ích kỷ.
Thỉng thoảng bà vẫn cảm thấy thương nhớ bố bà. Ông là người khôn khéo.
Khi ống gặp chuyện gì khó khăn như khi lâm vào thế bí vào thời đại khủng khoảng hay là gặp chuyện trục trặc nhỏ trong gia đình như con cái học hành bê bết, bố bà luôn luôn tìm ra được giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh và xây dựng.
Ông rất có năng lực về cơ khí, khi lắp ráp máy móc để dùng vào việc sản xuất giày dép, người ta đều đến hỏi ý kiến ông trước khi sử dụng. Nancy hiểu biết sành sõi tiến trình sần xuất giày dép, nhưng bà có tài đánh hơi thị hiếu của người tiêu dùng, cho nên khi bà điều khiển nhà máy, bà đã thu lợi nhuận cho công ty rất nhiều nhờ bà cho công ty Black sản xuất giày dép phụ nữ nhiều hơn giày dép của nam giới. Không như Peter, bà không bị hình ảnh của bố chế ngự bà chỉ cảm thấy thương nhớ ông mà thôi.
Bỗng bà thấy ý nghĩ chết chốc thật kỳ cục và phi thực. Chuyện đang diễn ra trước mắt bà đâu phải giống như vở kịch sắp chấm dứt, màn hạ, chỉ còn lại những diễn viên chính đứng đón nhận lời hoan hô nhiệt liệt của khán giả. Tự nhiên bà bỗng cảm thấy phấn khởi, vì bà tin chắc mình sẽ sống sót.
Máy bay cứ hạ thấp dần, trong khi bờ biển Ailen đến gần rất nhanh. Chẳng mấy chốc, bà thấy đồng ruộng xanh tươi, thấy đầm phá nâu xám-Chính gia đình Black xuất phát từ đây, bà nghĩ, người run run nhè nhẹ.
Bà cảm thấy cái đầu và đôi vai của Menyn Lovese trước mặt bà đang nhúc nhích như thể ông cố sức phấn đấu để đưa máy bay đến bờ an toàn. Rồi bà bỗng đâm ra lo sợ và bắt đầu cầu nguyện. Bà sinh trưởng trong một gia đình theo Thiên Chúa giáo, nhưng từ ngày Sean chết đến giờ, bà không đi lễ nhà thờ. Thật vậy, lần cuối cùng bà đặt chân vào nhà thờ là ngày bà chôn chồng. Bà không biết mình có tin hay không, nhưng bà sẽ cầu nguyện, vì bà nghĩ rằng cầu nguyện thì có mất mát gì đâu mà sợ. Bà đọc kinh lạy Cha, cầu xin Chúa cứu vớt bà để bà có thể sống ít ra cho đến khi Hugh có vợ và ổn định đường gia thất, cho đến khi đã có cháu nội; và bà cầu cho bà được sống để xây dựng chấn chỉnh lại công ty, thu dụng các công nhân nam nữ làm việc tiếp; và để sản xuất giày tốt cho nhân dân lao động dùng, và vì bà muốn sống một ít giây phút hạnh phúc đột nhiên bà tự nhủ, đã từ lâu bà chỉ sống vì công việc.
Bây giờ bà đã thấy rõ ngọn sóng bạc đầu. Dọc theo bờ bể còn hơi lờ mờ đang đến gần, bà đã phân biệt được đâu là đá ngầm cản sóng, đâu là bãi cát, đâu là vách đá cheo leo và đâu là đồng ruộng xanh tươi. Bà rùng mình lo sợ khi tự hỏi, nếu máy bay rơi xuống biển, liệu bà có đủ sức để bơi vào bờ không. Bà bơi giỏi nhưng chỉ giỏi bơi lui bơi tới trong hồ tám thôi, còn khi trong nước biển dậy sóng này là một chuyện khác. Ngoài ra nước biển chắc là lạnh lắm. Từ người ta thường dùng để gọi những ai chết vì lạnh ra sao nữa. Giảm nhiệt. Rồi tờ báo The Boston Globe sẽ loan tin: máy bay chở bà Lenehan rớt xuống biển Ailen, bà chết vì giảm nhiệt. Bà run lên trong chiếc măng tô vải ca sơ mia.
Nhưng dù sao, nếu máy bay rớt, có lẽ bà không có đủ thì giờ để cảm thấy được nhiệt độ của nước biển là bao nhiêu. Bà không rõ vận tốc của máy bay là mấy. Ông Lovesey đã nói với bà tốc độ đường trường của máy bay là vào khoảng 150 cây số giờ nhưng bây giờ họ bay chậm thì chắc đã giảm xuống còn... Sean bị tai nạn xe hơi khi đang ở tốc độ 80 cây số giờ mà ông ta chết liền.