Kỳ tích Chi Lăng - Chương 07 - 10

7 – ĐỘI HOÀNG TRÁNG

Nhằm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc chống lại mọi kẻ thù xâm lược trong bất cứ tình huống nào, vào thời nhà Lý, việc tổ chức, huấn luyện những đội quân dự bị đã đạt tới một trình độ rất cao. Thanh niên từ 18 đến 20 tuổi gọi là hoàng nam. Từ 21 đến 60 tuổi gọi là đại hoàng nam.

Riêng ở miền núi phía Bắc, nơi mặt đối mặt với kẻ thù truyền kiếp, việc tổ chức, huấn luyện, tuyển chọn hoàng nam vào các đội hoàng tráng được đặc biệt coi trọng như một kỳ công và là điều thiêng liêng trong cuộc sống mỗi con người, gia đình, dòng họ và quê hương.

Các cụ kể lại rằng:

Cứ mỗi lần có một tiểu hoàng nam cất tiếng khóc chào đời là trống, chiêng nổi lên báo mừng ngân vang truyền từ bản này qua làng nọ. Niềm vui theo trống hiệu mừng náo động cả một châu. Các hoàng tráng, hoàng nam – đại hoàng nam quanh vùng mang gà, rượu, gạo, nếp… vượt đèo, lội suối băng rừng đến ăn mừng, và đón nhận một hoàng nam tương lai. Sau lễ ăn mừng, tiểu hoàng nam được các đại hoàng nam, hoàng nam cử ra một hoàng tráng để đỡ đầu. Từ giờ phút đó, ngoài việc chăm sóc, giáo dưỡng của gia đình, họ hàng, tiểu hoàng nam còn được chăm lo bởi cả một gia đình lớn, gia đình quân nhân dự bị của quê hương. Các tiểu hoàng nam của ta chưa đến tuổi học chữ đã biết tập cầm gươm, bắn cung, dùng nỏ. Tuổi thơ của mỗi người dân vùng núi cao, rừng rậm, bước xuống cầu thang là có thể bất ngờ gặp thú dữ nên phải biết cầm gươm, dùng cung, bắn nỏ để bảo vệ mình. Và khi có kẻ đến đốt nhà, phá nương, cướp của, cướp nước thì biết bảo vệ mỗi ngọn suối trong, mỗi dòng nước ngọt, mỗi khu rừng, mỗi ngọn núi quê hương.

Sau hàng chục năm trời khổ luyện trong sự dạy dỗ công phu của người đỡ đầu và của cả bản làng thân yêu, vào cái tuổi mười bảy “bẻ gãy sừng trâu”, các tiểu hoàng nam náo nức luyện tập cả ngày đêm để khẳng định tài trí của mình trong mùa thi tuyển chọn những đội viên hoàng tráng vinh quang. Trái tim của các hoàng tráng cũng rung lên trong mùa thi này vì nó chứng tỏ tài năng đào luyện của các võ sư trước sự thành đạt của học trò mình.

Hội thi tuyển chọn hoàng tráng mỗi năm mở một lần cho tất cả những tiểu hoàng nam mười bảy tuổi, bắt đầu từ ngày mười lăm tháng chín ta, kết thúc vào mười lăm tháng chạp. Võ đài được dựng lên uy nghi lộng lẫy bằng cây, lá hoa rừng. Quanh võ đài có đài vật, đài đấu kiếm, đài múa gươm, đài phóng lao, trường bắn cung, trường phóng ngựa qua hào bắn cung, phóng lao, múa gươm trên mình ngựa…

Nội dung hội thi rất phong phú. Quan trường thi đều là những võ sư nổi tiếng được tiến cử từ dưới lên.

Cuộc thi kéo dài suốt chín mươi ngày đêm có lý do của nó. Hội thi được sửa soạn rộn ràng, sôi nổi từ trong mỗi gia đình. Các bà mẹ, các chị, tấp nập chuẩn bị nấu rượu ngon bày biện những món ăn bằng đặc sản nổi tiếng của quê mình, chờ đợi ngày hội kết thúc để đón mời con em, cháu chắt mình. Đặc biệt là các cô gái thì lo chuẩn bị những chiếc khăn đẹp nhất, những bộ quần áo sang nhất do chính tay mình dệt ra vải, cắt thêu thùa để tặng người yêu sau mùa thi.

Các võ sĩ dự thi vượt qua vòng sơ khảo cũng không đến nỗi căng lắm vì mục tiêu hầu hết là tĩnh, tỷ như bắn cung mười phát trúng hồng tâm cả mười chẳng có gì đáng nói, vì một mũi tên chệch ra vòng chín cũng là điều xấu hổ đối với họ. Phóng ngựa nước đại vung gươm chém đúng vào khúc cây chuối cắm trên đầu cọc dọc hai bên đường, như chém đầu giặc đứng ngây ngô chờ chết thì đã có gì đáng ngợi khen. Phi ngựa vượt hào, phóng lao trúng giữa miếng da thú căng trên giá gỗ bất động như con thú đã chết nào phải đã là những vũ công hiển hách đối với họ đâu.

Đến vòng chung khảo thì coi chừng. Chỉ trong chớp mắt thôi, thiếu bình tĩnh một khắc, thiếu thông minh và dũng cảm một tí, tính toán sai lầm một li thì cả mười năm công phu rèn luyện có thể thành công cốc như chơi, bởi vì các mục tiêu hầu hết là di động. Chỉ riêng thi bắn cung nỏ thôi, đã thật là khó. Các thí sinh cùng quan giám khảo tỏa ra nằm mai phục trong những nương lúa đã hoe vàng nặng hạt, uốn câu từ khi mặt trời chưa mọc. Đến khi đã râm ran tiếng chim chào đón mặt trời, các tiểu hoàng nam phải lặng lẽ lên dây cung, chờ đợi. Từng đàn, từng đàn chim sà xuống khắp các nương lúa ríu ran tranh nhau những hạt lúa vàng trên đầu gié mà không hay biết gì về cái chết đang gieo xuống đầu chúng. Từ trong vòm cây lá ngụy trang kín đáo, bất thần quan giám khảo trường thi bật dậy, phát lệnh:

- Bắn!

Đàn chim kinh động bay tán loạn lên trời cao, những mũi tên thẳng căng như kẻ chỉ đồng loạt vút theo xuyên qua mình chim như có phép lạ, dính chặt vào nhau quay tròn, rơi lộp độp như mưa giông xuống ruộng nương, đồi bãi. Có mũi tên xuyên táo hai ba con chim. Nhưng làm sao biết được ai bắn trúng mục tiêu di động là chim đang bay, hơn nữa còn biết được đúng số chim ăn cắp thóc bị trúng tên?

Xin ai chớ vội lo cho hội đồng giám khảo. Số mũi tên phát cho mỗi thí sinh đều có khắc họ tên vào cánh, vào đuôi mũi tên.

Thi bắn cung, không phải một lần mà nhiều lần, từ khi lúa vàng đầu cho đến lúc mảnh nương cuối cùng được thu hoạch xong. Trong thời kỳ này còn xen kẽ thi khéo tay, thi khỏe sức, dai sức qua lao động cụ thể: gặt lúa, bó lúa, gánh lúa, đập lúa, cày nương. Với nội dung đó, mỗi thí sinh được giao một diện tích và chất lượng nương lúa như nhau, đường dài và đến võ đài như nhau. Vậy là toàn bộ công việc từ đầu đến kết thúc, mỗi thí sinh không những cần có sức khỏe mà đòi hỏi phải có đầu óc tổ chức cao, khéo léo, giỏi điều hành công việc. Riêng phần cày nương, tiểu hoàng nam bước vào năm mười bảy, được tự đẽo lấy cày cho mình và chấm điểm trước, được chọn một con trâu hai răng do chính mình chăn dắt nuôi dưỡng, luyện cày trước ngày thi chín tháng mười lăm ngày. Tiếp đến là thi hái cây rào bản, rào vườn. Quãng đường vào rừng hái cây dài như nhau, đoạn rào bằng nhau, làm sao để rào được nhanh nhất, cây rào tốt, hàng rào đẹp nhất, vững chãi nhất, công việc đòi hỏi nhiều tài hoa, tháo vát.

Sôi động hơn cả là vào những ngày cuối cùng của cuộc thi ngồi trên tuấn mã đang phi nước đại đuổi mục tiêu di động trên địa hình núi rừng phức tạp và bất ngờ.

Đối tượng phải chiến thắng là những chú khỉ ranh ma kéo nhau từng đàn từng lũ xuống bẻ trộm ngô ở bìa rừng. Chúng rất tinh khôn và cảnh giác. Những chú khỉ trinh sát làm nhiệm vụ canh gác thật là ranh mãnh, chỉ một tiếng động nhỏ, hơi nghi ngờ, là thà nhịn đói đi tìm quả rừng chứ chẳng bao giờ chịu gọi nhau xuống lấy trộm ngô cả. Vì vậy, việc ngụy trang, mai phục của thí sinh là vô cùng khó khăn, phải rất bí mật. Đúng lúc bầy khỉ đang mắt trước mắt sau theo dõi mọi động tĩnh vừa dỏng tai nghe ngóng tín hiệu của khỉ canh gác vòng ngoài, vòng trong báo cho biết, vừa mải miết bẻ bắp gài đầy vào chiếc dây rừng buộc ngang lưng thì:

- Bắn!

Theo bản năng tự vệ khi có động, cả đàn khỉ biến ngay vào rừng như cơn gió, nhưng những làn tên lại còn nhanh hơn, vút theo chúng, cắm vào lưng làm chúng rú lên và thí sinh buông dây cung xong là trút ngay ngụy trang, ào lên như lốc, nếu chậm một bước chân thôi thì mục tiêu đã biến mất, mặc dầu có nhiều con bị tử thương, vì trong rừng không có loài vật nào làm công việc “tải thương” tuyệt vời như loài khỉ. Trong nháy mắt để mất mục tiêu là mất luôn cả kết quả dự thi vì mũi tên có khắc họ tên của thí sinh cũng biến theo.

Còn một môn thi nữa đó là phóng lao giết sơn dương, dã thú trong rừng sâu và trên núi đá cao giữa ban ngày. Trong môn thi này, chỉ cần thiếu kiên cường một chút, thì ngọn lao không thể nào xuyên từ hông lên đầu con vật được mà có khi trượt ra ngoài. Và tất nhiên như thế là bị đánh hỏng. Còn thi phóng lao giết dã thú như hổ, báo, gấu, thì được tổ chức vào ban đêm. Phải thật dũng cảm, phải có tay kiếm, đường lao tuyệt vời mới mong giành được điểm cao trong môn thi cuối cùng này.

Điểm của tất cả các môn thi được cộng lại, rồi đúng sáng ngày mười lăm tháng chạp, có đủ bà con dân bản xa gần về dự lễ, hội đồng giám khảo công bố danh sách những người con ưu tú của quê hương được trúng tuyển vào đội hoàng tráng vinh quang. Từ giờ phút ấy, họ là niềm tự hào của quê hương. Người ta tung hô chúc mừng những người trúng tuyển. Hội mừng kéo dài suốt đêm; lượm, sli, ví, đối, đủ mọi hoạt động vui chơi tưng bừng. Những món ăn ngon nhất, những lời nói tốt đẹp nhất của quê hương được dành cho những người trúng tuyển. Tên tuổi họ được ghi vào thế phả của dòng tộc, bản làng.

Những ai không trúng tuyển vào đội hoàng tráng thì ở các đội hoàng Nam. Đó là khi bình yên. Khi nước có biến thì các đội hoàng tráng trở thành nỗi kinh hoàng, khiếp đảm đối với mọi kẻ thù xâm lược. Đội hoàng tráng cũng đều lập công to. Nhiều bia đá còn ghi rõ những chiến công huy hoàng của họ. Ở Chi Lăng hiện còn bia đá về một trong những đội hoàng tráng đó.

“Hoàng tráng nhị thập đội”

(Đội hoàng tráng thứ hai mươi)

8 – BẢO ĐÀI SƠN

Bảo Đài Sơn cao vời như một bức tường thành, nằm ở phía đông trận đồ Chi Lăng, đối diện và chạy song song với dãy núi đá phía tây, suốt từ Chi Lăng về Hà Bắc.

Lúc sinh thời, Thân Cảnh Phúc rất thích chơi cá vàng nuôi trong bể có hòn non bộ. Ông có đôi bàn tay nhà võ nhưng lại vô cùng khéo léo khi nặn tượng người tiều phu, nhà sư, miếu mạo, đình chùa. Ông đã tự chế men sứ và nung các tượng nhỏ xíu do mình nặn ra và gắn lên hòn non bộ trong bể cá vàng. Những lúc rảnh việc, nghĩa quân thường quay quần bên ông chiêm ngưỡng cảnh núi non bộ và nghe ông kể chuyện nuôi cá quý, làm cảnh trong nhà. Ông có biệt tài là chỉ cần một nghĩa quân đến Khun Phang mang về cho ông một tảng đất sét trắng, trong một hai ngày sau là ông đã đắp xong một sa bàn trên vuông đất phẳng có đủ bên ta bên giặc, có kỵ binh, tượng binh, chiến sĩ, đồn lũy, thành hào… trông như thật, rõ ràng là hình ảnh một chiến trường được thu nhỏ lại khá tỉ mỉ. Qua mô hình này, ông giảng binh thư và kế hoạch tác chiến cho tướng sĩ. Chỉ cần nghe ông giảng một lần trên thực địa sinh động này là các tướng sĩ đã thuộc lòng trận đánh, kể cả những người không biết chữ.

Sau khi lần lượt chiếm được các chiến ải phòng thủ phía Bắc, Quách Quỳ dẫn đại quân ào ạt tràn xuống phòng tuyến sông Cầu, nhưng không sao vượt qua được phòng tuyến kì lạ của Lý Thường Kiệt. Trong khi đó, nghĩa quân của Thân Cảnh Phúc lại cứ nhè vào chỗ sơ hở sau lưng đại quân “thiên triều” mà tỉa, mà xé rồi biến mất. Quách Quỳ đã ra lệnh cho một lực lượng lớn ở phía sau, trong mười ngày, bằng mọi giá phải làm cỏ cho được tất cả dân binh Đại Việt trong vùng chúng đã chiếm được.

Thân Cảnh Phúc đang dồn tất cả tâm trí vào việc tìm ra cho được nước cờ phá tung thế bao vây của giặc thì một tin sét đánh ập đến.

Có kẻ đã từng cùng ông theo Lý tướng công sang phá thành Ung Châu, từng có công trong những ngày đầu chống giặc, nay bị truy quét và mua chuộc đã đầu hàng giặc.

Một đêm, trong rừng sâu, vừa ngả lưng trên tấm da hổ đầu nóng ran vì nước cờ phá vòng vây của giặc. Thân Cảnh Phúc thấy một cụ già tóc bạc, da mồi, tay phải chống gậy trúc, tay trái bê một hòn núi ngọc tuyệt đẹp tỏa sáng long lanh, trong ánh sáng ấy hiện lên cánh rừng già có quân sĩ thân thiết của ông đang thúc ngựa vung gươm lao vào quân thù. Lại nữa kìa, nghĩa sĩ hậu cần của ông đang rót mật ong vào các ống mai chia cho các Ngũ, có cả thịt thú nướng béo ngậy, củ mài trắng ngần đang bốc khói, rồi trái cây rừng… Các nghĩa sĩ nuôi quân có gì vui mà cười nói râm ran đến thế? Ông già đang tươi cười bước lại phía mình. Thân Cảnh Phúc vội vã đứng dậy đón lão trượng, chưa kịp cất lời chào thì lão đã đon đả:

- Xin kính chào phò mã tướng công! Thưa, có điều gì hệ trọng mà tướng công tỏ vẻ trầm tư làm vậy?

- Thưa lão trượng, tôi đang bị giặc vây bủa khắp nơi, chưa tìm ra cách phá thế cờ của giặc. Nếu lão trượng có kế gì hay, chỉ giáo giùm, xin đa tạ! Kìa, lão trượng có trái núi gì mà xem ra kỳ ảo làm vậy?

- Xin thưa, lão chẳng có kế gì hay, nhưng có chút quà mọn mang biếu phò mã tướng công đây: Hòn non bộ này là Bảo Đài Sơn, Bảo Đài Sơn!

- Ôi, quý hóa quá! Đánh giặc xong tôi xin đền ơn lão trượng. Tôi sẽ đặt Bảo Đài Sơn vào bể cá vàng, cho người tới rước lão trượng về ăn mừng đại thắng.

Bỗng nhiên một tên bán nước ló ra, nhe răng cười khanh khách, vung gươm bổ xuống đầu lão trượng. Cảnh Phúc giận dữ hét lên, rút gươm chém lìa tay gươm của hắn. Hắn rú lên như con thú bị thương. Cảnh Phúc sai vệ sĩ trói hắn lại chờ xét xử sau. Nhìn trước, nhìn sau ngơ ngác không thấy lão trượng đâu nữa cả, ông cất tiếng gọi to:

- Lão trượng! Lão trượng! Tỉnh dậy, ông mới biết mình mơ.

Ông kể lại cho các tướng sĩ rõ giấc mơ kỳ lạ của mình và truyền lệnh:

- Rừng núi quê hương sẽ nuôi ta, chở che ta đánh giặc. Nội nhật đêm nay, ta phải liên lạc được với tất cả sĩ tốt của ta ở những nơi đang bị vây hãm, bí mật rút về rừng đại ngàn, về Bảo Đài Sơn. Tất cả về Bảo Đài Sơn để nhận lệnh ta phá thế vây ép của giặc.

Sau khi tập trung được lực lượng, củng cố được cứ địa, từ Bảo Đài Sơn, kỵ binh cùng bộ binh của ta dưới sự chỉ huy của Thân Cảnh Phúc, đã phá tan vòng vây và mưu đồ của giặc, hòng tiêu diệt dân binh ta trong vùng chúng chiếm đóng.

9 – HÒN ĐÁ MỔ LỢN

Tập kích sang đất Tống phá tan tành các cơ sở kho tàng vũ khí, lương thảo mà giặc chuẩn bị công phu cho cuộc tiến công ăn cướp đất nước ta, quân ta trở về. Theo tiếng gọi cứu nước của Lý tướng quân, các nghĩa sĩ từ khắp các bản làng hẻo lánh xa xôi kéo về Chi Lăng đầu quân trùng trùng điệp điệp. Dân ở các vùng gần xa gánh gạo, khiêng lợn đến khao quân, người đi như nước chảy. Hiếm có hội nào mà niềm vui lại tràn đầy hào khí như hội khao quân và hội đầu quân.

Niềm vui, nào phải đợi đến lúc mở tiệc khao quân mới có, niềm vui bắt đầu từ lúc các nghĩa sĩ hậu cần mài dao mổ lợn. Ấy là lúc những cô gái quê hương, ăn mặc đẹp như ngày hội, mở nắp các hũ rượu ngon nấu bằng nếp hương do chính tay các cô, các mẹ làm ra và gánh đến nuôi quân, hứng tiết lợn vào hũ rượu, những con lợn béo, do chính tay các chị chăm nom nuôi nấng, cũng lại do vai mình gánh về đây góp phần vào quĩ nuôi quân.

Khi những miếng gan tươi được cắt thành miếng mỏng, đặt vào những chiếc bát đàn (gốm tráng men đời Lý), các cô gái Tày, Nùng, Dao… rót rượu còn tươi màu huyết lợn, nâng hai tay mời các nghĩa sĩ hậu cần với lời chúc mừng:

Vừa nuôi tướng sĩ giỏi.

Vừa lập công to.

Quanh những hòn đá mổ lợn, khi vang lên những tiếng cười râm ran, vút lên những lời ca sli, lượn… ngọt ngào, ấy là mở đầu niềm vui bữa tiệc khao quân và mãn cuộc vui, dân bản ra về sau khi họ đã làm tròn nghĩa vụ quê hương.

Những tên thám tử của giặc, len lỏi trong khe dọc và rừng sâu, mon men bò ra bìa rừng như con báo kiếm mồi, đến ven bờ sông, áp sát tai vào nơi đang mổ lợn, nghe ngóng…

Mặt trời đã khuất sau dãy núi đá phía Tây, các khe sâu đã ngả sang màu lam thẫm, lấp lóa trong sương chiều, rừng đã chìm dần trong cảnh trời chập choạng, chỉ còn con sông Thương là rõ nét qua mặt nước hắt lên ánh bạc.

Các cô gái quê hương cùng các hỏa đầu quân khiêng thịt và quảy các hũ rượu pha tiết về bếp lửa làm việc tối khao quân, người về cuối cùng là lực sĩ người Nùng họ Triệu, vì bận ở lại múc nước, rửa sạch hòn đá mổ lợn quen thuộc để gà gáy sáng mai lại khiêng lợn ra đây làm phận sự lặng lẽ của mình.

Đúng lúc đó, từ trong bìa rừng, bốn bóng đen bất thần từ bụi cây leo rậm rạp lao ra, vung kiếm xô vào vây chặt lấy anh. Chỉ còn một con dao mổ lợn trong tay, anh vung lên chống trả lại những đường kiếm hiểm. Tiếng gươm, dao chát chúa tóe lửa, nghe lạnh cả gáy. Một đường kiếm lướt nhanh qua đầu, cắt đôi con dao của chàng nghĩa sĩ họ Triệu, khiến anh lảo đảo. Anh chỉ còn chờ lưỡi kiếm thù trong chớp mắt bổ xuống đầu anh… Nhưng không, chúng không giết anh. Một thằng nói gằn trong cuống họng:

- Hàng đi!

A! Chúng bay định bắt sống tao hả? Một ý nghĩ lóe lên trong đầu chàng trai họ Triệu. Người anh nóng bừng bừng. Anh vờ giơ tay hàng trước ánh mắt đắc thắng của kẻ thù rồi nhanh và mạnh như con hổ đực, anh ngồi thụp xuống, bằng sức mạnh phi thường của mình, anh nâng bổng hòn đá mổ lợn lên cao và hét lên!

- Hàng này!

Cả hòn đá tảng ụp xuống đầu hai tên giặc, một thằng bẹp gí, một thằng chuồi ra, nhưng không kịp nữa, hòn đá đã chẹn cứng hai đùi, anh lao đến cướp kiếm tên giặc, vung lên, tung người nhảy đến hai tên thám tử khác, chúng kinh hoàng bỏ chạy vào rừng. Anh chém với theo một thằng chặt được một cánh tay hắn…

Cuộc chiến đấu bất ngờ, không cân sức, diễn ra nhanh đến nỗi, sau tiếng thét của lực sĩ họ Triệu, bạn đồng ngũ kéo đến thì mọi chuyện đã kết thúc, họ công kênh anh lên, tung hô anh, chúc mừng chiến công của người lính hậu cần mà hòn đá mổ lợn thân quen của anh lại hóa thành một thứ vũ khí lợi hại. Và từ đó về sau, tiệc rượu chúc mừng bên hòn đá mổ lợn đối với nghĩa sĩ hậu cần đã trở thành truyền thống tốt đẹp, đầy tinh thần thượng võ.

10 – NÚI QUỶ

Đứng từ Quỷ Môn Quan nhìn sang phía đông, tầm mắt vượt qua một khoảng trống chừng hai trăm mét ta bắt gặp một dãy núi đá sừng sững chăng trước mặt.

Dãy núi nằm dài từ bắc xuống nam, có bảy ngọn liên tiếp giống như một con rồng chầu trên tranh khắc gỗ ở đỉnh chùa cổ kính. Ở lưng chừng ngọn núi thứ nhất, từ bắc xuống, nhô ra một cái đầu con quỷ bằng đá, hình thù giống như con quỷ trong những bức tranh thờ nơi miếu mạo. Không biết đích xác con quỷ ấy có từ bao giờ nhưng theo người già kể lại thì như sau:

Rặng núi Quỷ ngày xưa cũng bình thường như những rặng núi khác. Trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Tống lần thứ nhất (981) có mười bảy người lính trấn ải, là con em các dân tộc ít người ở địa phương được các bô lão tuyển chọn và do đích thân Lê Hoàn cử họ trấn giữ Quỷ Môn Quan. Trong đêm ông ngự ở hang Thái Đức, mười bảy người lính trấn ải ở núi Quỷ đã gieo kinh hoàng cho quân xâm lược Tống khi chúng ào ạt tấn công cửa ải này. Trong một trận chiến đấu vô cùng chênh lệch ở thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh giữ nước, mười bảy chiến sĩ trấn ải ở núi Quỷ đã bằng những mũi tên lợi hại của mình bắn ngã hàng trăm tên địch. Ý đồ của địch đánh lướt qua các ải để tiến nhanh về Thăng Long bị chặn đứng ở Quỷ Môn Quan. Hầu Nhân Bảo uất quá, sai hàng ngàn lính bao vây quả núi, quyết tiêu diệt những người lính trấn ải này. Một cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt xảy ra: đá, tên độc đã làm cho quân địch chết, lớp lớp chồng lên nhau. Cuối cùng, vì giặc đông nên chúng đã chiếm được quả núi. Bảy chiến sĩ xung phong ở lại chặn địch cho mười bạn chiến đấu rút vào rừng sâu và đã hy sinh oanh liệt ngay tại cửa hang Thái Đức.

Quân giặc uất quá, chặt đầu bảy người lính trấn ải cắm lên cọc làm thành một hàng dài rồi xẻo mũi, cắt tai nhắm rượu.

Đêm ấy trời đổ mưa lớn, sấm bão dữ dội. Sáng hôm sau, nhân dân địa phương thấy ở trên rặng núi nổi lên bảy ngọn cao vút, ở ngọn núi phía Bắc nhô ra đầu một con quỷ đá.

Người già bảo rằng: Bảy ngọn núi ấy do các nàng tiên trong đêm mưa bão đã gánh đất đắp mộ cho 7 người lính trấn ải đã hy sinh vì đất nước. Các nàng tiên đã sai con quỷ ra nằm gác cho bảy chiến sĩ vô danh yên giấc ngàn thu. Nhưng con quỉ thiêng ấy lại không có lỗ mũi.

Mãi đến mùa xuân năm 1076, sau chiến thắng vang dội của cuộc tiến công tự vệ bốn mươi hai ngày, Lý Thường Kiệt về Thăng Long nghỉ ngơi, chưa được một ngày lại phóng ngựa lên đường đi kinh lý phương Bắc để củng cố các cửa ải và về xây dựng phòng tuyến sông Cầu nổi tiếng để bảo vệ đất nước.

Trên đường đi kinh lý, đến đâu, ông cũng được nhân dân đón tiếp nồng hậu và sẵn sàng cùng ông quên mình vì sự nghiệp giữ gìn nền độc lập của dân tộc. Chim muông, cỏ cây, hoa lá cũng hát mừng, chào đón vị anh hùng dân tộc. Kỳ lạ thay, khi ông vừa đến cửa Quỷ môn, dừng ngựa nhảy xuống đất, bỏ mũ, nghiêng mình bên núi Quỷ, tưởng nhớ những người lính trên ải đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất thì bỗng dưng trời tối sập lại, mây đen từ phương Bắc tràn về phủ kín núi rừng, chim chóc đang hót bỗng ngừng bặt. Nhìn lên đầu quỷ, trong đám mây đen dày đặc, từ đôi mắt con quỷ, phóng ra hai luồng hào quang sáng rực. Tự nhiên Lý Thường Kiệt thấy mũi mình ngạt thở. Ông bất giác kêu lên: “A, cái mũi!”. Ông đặt mũi tên lên và giương cung, ngắm đầu con quỷ và nói với các tướng sĩ tùy tùng đang kinh ngạc vây quanh:

“Nếu con Quỷ thiêng này tượng trưng cho tinh thần bất diệt của những người lính trấn ải nơi biên thùy đã quả cảm ngã xuống vì sự sống còn của dân, của nước thì không những cần có đôi mắt sáng để nhìn thấu tim gan của giặc mà còn có cả cái mũi tinh nhạy để phát hiện mùi hắc ám của chúng cách xa hàng vạn dặm”.

Dứt lời, ông bật dây cung. Mũi tên vàng lao vút xuyên đúng mũi con quỷ. Trời bỗng bừng sáng. Chim chóc lại hót tưng bừng, hoa rừng lại ngào ngạt đưa hương.

Dấu vết của chiếc tên vàng khai thông cho mũi con quỉ còn lại mãi đến tận bây giờ, đến xem núi Quỷ, không ai là không ngạc nhiên trước chiếc lỗ mũi kỳ lạ đó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay