Kỳ tích Chi Lăng - Chương 26 - 29
26 – NÚI TAM ĐĂNG
(thường gọi là Ba Đăng)
Cách Biệt Thự xứ chừng ba trăm thước về phía nam nổi lên một ngọn núi nhỏ xinh xinh giữa cánh đồng màu mỡ dọc theo bờ sông Thương. Trên đỉnh núi, có tượng đá giống như ba ngọn lửa cháy hình trái tim đặt ngược, đó là núi Tam Đăng (còn quen gọi là Ba Đăng), nghĩa là ba ngọn đèn cháy rực.
Một ngày tháng 10 năm 1427, tại quả núi nhỏ vô danh này, diễn ra một trận chiến vô cùng chênh lệch giữa một bên là hàng trăm tên giặc Minh có đầy đủ vũ khí trong tay và một bên là ba nghĩa sĩ dân binh, hai trai một gái. Chàng thứ nhất, to cao có sức khoẻ và tài bắn cung hơn người, mười phát trúng cả mười. Chàng thứ hai, nhỏ hơn, nhanh như sóc, có tài đao kiếm hơn người. Cô gái có mái tóc như suối, da trắng, người nhỏ nhắn hơi gầy nhưng dẻo dang, nảy cung vào đâu trúng đấy. Hai chàng trai có tài có sức đều thầm yêu cô bạn gái quê hương. Ba người đã sát cánh chiến đấu bên nhau suốt từ khi mặt trời cười trên đầu núi phía đông đến lúc mặt trời đi ngủ sau rặng núi phía tây giữa bốn bề kín giặc. Tên hết, kiếm gãy, họ dùng cung và kiếm gãy vừa chiến đấu vừa rút lên núi. Giặc ào lên bắt sống, họ bẩy đá núi hất giặc xuống khe, bẻ cây rừng phang vào đầu chúng cho đến lúc kiệt sức. Trời tối, họ đốt lên ba đống lửa. Trận mưa tên của giặc đổ lên ba ngọn lửa. Giặc dụ hàng, họ đáp lại bằng lời thách thức cao cả của người nghĩa sĩ anh hùng. Giặc liều lĩnh mò lên. Họ giết chúng bằng đá núi, cây rừng, thà chết chứ không hàng giặc, cái chết phải sáng ngời như ba ngọn lửa. Thế giặc mạnh. Đã đến lúc họ phải hành động trước nguy cơ rơi vào tay giặc. Người dân binh gái đã dùng mẩu kiếm còn lại, rạch ngực mình móc trái tim ra dâng cho hai bạn trai. Hai bạn cũng dùng tay móc tim mình ra, chụm lại dâng cao thành ba ngọn lửa. Trước mặt quân thù, ba trái tim ngọn lửa hừng hực căm thù bốc lên cháy bỏng lòng yêu nước sáng ngời khí phách bất khuất của nghĩa sĩ tuyệt vời anh dũng.
27 – LÀNG LÌU
Làng Lìu (nay gọi là xóm Quýt, Quảng Lăng, Chi Lăng) là quê sinh của Hoàng Đại Huề, một thủ lĩnh của đội dân binh Tày – Nùng nổi tiếng, một nhà chỉ huy du kích tài giỏi, người đã cùng nghĩa binh dũng cảm tuyệt vời, mưu trí vô song, trực tiếp tham gia đánh trận đầm lầy Mã Yên nổi tiếng trong cuộc chiến tranh yêu nước, chống Giặc Minh vào thế kỷ 15.
Trong trận Chi Lăng lịch sử này, em ruột ông, hai người con gái yêu quý của ông đã có mặt trong đội ngũ những nghĩa sĩ anh hùng, đánh tan ngay trên quê hương mình đạo quân tiếp viện hùng mạnh gồm hàng chục vạn tên do An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy.
Chuyện kể lại rằng:
Cố Huế, thân sinh của Hoàng Đại Huề, thời còn trẻ là người có thân hình cao lớn, khoẻ mạnh. Anh săn bắn giỏi, cày nương, phát rẫy khoẻ gấp hai người thường. Anh sli giỏi, lượn hay, con gái đẹp từ chín suối mười đèo, từ bản xa, làng cuối, hội chợ mùa xuân rủ nhau từng đoàn về hát với trai bản anh. Nghe anh hát, có chị quên cả đường về. Mười sáu tuổi đi hát bạn, hai mươi tuổi, bốn năm là bốn mùa đi hát với bạn gái mười châu, anh chưa chịu thua ai nên cũng chưa thương ai. Thế mà đùng một cái, trong hội chợ đầu xuân, anh đã phải kinh ngạc trước tài năng ca sli, hát lượn của một cô gái làng bên đang tuổi dậy thì. Nàng lớn lúc nào, chàng không biết, chỉ hôm ấy trái tim chàng mới rung lên như rừng động trước một sắc đẹp mê hồn và giọng nàng còn ngọt hơn cả nước giếng tiên mùa hạ. Cuối mùa lúa chín năm ấy, chàng đón nàng về làm vợ. Hồi đó, bản chàng vẫn còn đang ở cuối suối nước chứ chưa phải là làng Lìu bên đầu sông như bây giờ.
Một đêm, chàng cùng phường săn vào rừng bắn đàn lợn lòi đang phá nương rẫy. Đến mờ sáng, phường săn của chàng đã hạ thủ được bảy chú lợn hung dữ, to kềnh. Anh nói với bạn phường:
- Các bạn khiêng thú về trước, tôi phải qua đèo xem nương Lân Giao có bị thú phá phách gì không!
Chàng đi trong gió sớm lao xao của rừng. Những bông hoa ngủ say nồng trong chòm lá, bây giờ đã thức dậy, gần như cùng một lúc kín đáo đưa hương. Chim chóc thi nhau hát ca, chào đón những tia nắng hồng phía đằng đông chiếu tới.
Vừa đến một tảng đá đất bìa rừng, chàng thấy một đôi phượng hoàng đang thủ thì với nhau khoe bộ cánh rực rỡ màu sắc trong nắng mai.
Chàng rón rén đến sát bên mà cô cậu vẫn không hay. Bàn tay thợ săn ngứa ngáy quá, mà cái bụng không nỡ để bàn tay giương cung, chàng nghĩ: Chả phượng ngon lắm đấy, hơn cả nem công kia, nhưng bụng ta, bụng ta không muốn hại giống chim quý đang độ sinh sôi…
Chàng bước tiếp. Đôi phượng giật mình, vỗ cánh lao vút lên tầng cao. Chúng lượn những vòng tròn rất đẹp rồi hạ cánh thấp dần, thấp dần. Chàng rảo bước xuống núi. Đến chỗ rẽ ngoảnh lại, ơ kìa, đôi phượng lại hạ cánh xuống đúng chỗ đất ấy đang xoay trong, quay tròn như điệu múa khèn người Nùng. Chúng dừng lại, nghiêng cái đầu rất đẹp hướng về phía chàng, gật gật như cám ơn. Chàng trở lại ngắm chim. Chim lại vỗ cánh lên cao. Chàng đi vài chục bước, chim lại đậu xuống đúng tảng đất ấy. Cứ thế, người và chim phượng như chơi trò đuổi bắt với nhau cho đến lúc ông mặt trời đỏ lừ như cái nong đựng lửa, nhô lên trên đồi núi. Chàng vỗ tay vui sướng reo lên:
- Đây rồi, đất tốt bản ta đây rồi, chim quý đậu ở đâu nơi đó phải là đất lành.
Thế là chàng xin bố mẹ dựng nhà đón vợ ra ở đấy. Miếng đất của chim phượng được họ Hoàng(1) tình cờ đến chơi vào buổi sáng nhân việc thăm nương, trở thành làng Lìu từ đó.
(1)Lịch sử Việt Nam, tập 1 Nhà XBKHXH. Tr. 251 có ghi:“Đội dân binh vùng Chi Lăng do Lý Huề chỉ huy lập nhiều chiến công xuất sắc”. Phần lớn nhân dân Chi Lăng đều nói rằng: Ông Huề họ Hoàng chứ không phải họ Lý. Xin cứ đề họ Hoàng ở đây. Mong các nhà nghiên cứu lịch sử giúp đỡ và chỉ giáo.
Một năm sau, người vợ trẻ xinh đẹp của anh sinh con trai đầu lòng. Mẹ trở dạ ba ngày mà cậu bé vẫn chưa chịu ra nhìn ông mặt trời. Đến ngày thứ tư, cậu ra chào đời vào lúc mặt trời đã xuống núi, tiếng khóc vang cả rừng. Cậu khóc ngằn ngặt cho tới hôm sau, lúc ông mặt trời lại về đốt lửa trên đầu núi mới thôi. Cậu bé đó chính là Hoàng Đại Huề. Ba năm sau mẹ Huề sinh một con trai nữa là Hoàng Đại Liệu.
Từ nay, làng Lìu xinh đẹp giữa cảnh núi sông hùng vĩ lại in thêm những dấu chân nhỏ xíu của hai chàng trai họ Hoàng, Đại Huề và Đại Liệu càng lớn lên càng giống bố như đúc, từ vóc người to, khoẻ, chăm làm, săn bắn giỏi đến sli, lượn cũng tài.
Hai anh em mê chuyện lắm. Những đêm đông, bên bếp lửa rự hồng, ngào ngạt mùi ngô nếp non nổ lép bép trên than đỏ, hai cậu có thể ngồi sáng đêm nghe người già kể chuyện về lịch sử quê hương, về những nghĩa sĩ đã làm lên chiến công rực rỡ trên mảnh đất quê mình, từ thời tiền Lê, qua thời Lý đến thời Trần.
Quê hương tựa lưng vào rừng đại ngàn, bát ngát, mặt nhìn ra sông Thương trong mát, soi trong lòng nước, dãy núi đá trập trùng cao tít trời mây… đã nuôi dưỡng và tắm mát tuổi thơ của Huề và Liệu.
Thầy học, kể cả thầy dạy chữ và thầy dạy võ, thầy nào cũng quý mến hai anh em họ Hoàng. Các cậu không những học rất thông minh, lại chăm chỉ, ngoan ngoãn. Học được cái gì, Huề dạy ngay lại được cho các bạn cùng lứa tuổi cái đó.
Mười hai tuổi, Huề đã đứng trước các bạn, đóng giả Trần Hưng Đạo giảng Binh Thư yếu lược, thộc lầu lầu. Đánh trận giả thì bạn nào cũng muốn ở phe Huề bởi bao giờ Huề cầm quân cũng thắng, mặc dù ít quân hơn hay yếu thế hơn. Huề thương bạn và quý bạn lắm. Năm mười sáu tuổi, một hôm Huề cùng các bạn vào rừng lùa trâu về cày nương. Đến ngang đèo, chỗ gấp khúc, bạn đi đầu bỗng kêu thét lên:
- Hổ…
Huề đã thoáng thấy con hổ xám vồ mất bạn rồi. Không hề chần chừ, do dự, Huề rút phắt con dao rừng sắc như nước lao theo. Con hổ bị đuổi sát, hai chân đầy vuốt bỏ mồi, giận giữ quay đầu lại gầm lên vồ xuống Huề. Nhanh như cắt. Huề nghiến răng chém một nhát, đầu con hổ đứt ngang, lăn lóc, miệng há ra đỏ lòm đầy răng nhọn hoắt.
Huề lao đến bế bạn lên. May quá, bạn chỉ bị thương nặng, không chết. Vai cõng bạn, tay xách đầu con hổ xám, Huề gọi các bạn vào khiêng con hổ xám to như con bò tơ về làng.
Các già bản và bố Huề khen:
- Rồi con có thể làm nên!
Từ đó, không có cuộc thi nào Huề không đứng đầu, từ phi ngựa bắn cung đến múa kiếm, ném còn. Huề trở thành niềm tự hào của các bạn trẻ quê hương và sau này là của cả quê hương, làng Lìu.
28 – CON CHIẾN MÃ TRUNG THÀNH
Ngay phía sau núi Quỷ, chúng ta thấy hình một con ngựa đá, đầu vươn cao kiêu hãnh, dáng đang phi nước đại. Đó là con chiến mã trung thành.
Cùng nghĩa sĩ dân binh rút lui vào rừng sâu xây dựng căn cứ chống giặc, chiều mùa hạ, Đại Liệu đi với bạn nghĩa ra suối tắm. Tiếng một con ngựa hí lên nghe đến não lòng.
- Chắc nó bị thương. Sao lại có ngựa bị thương ở đây? Ngựa của mình không có con nào hí yếu ớt như vậy đâu! Liệu nhảy xuống nước, bơi qua suối, sang bên lùm cây có tiếng ngựa hí. Liệu đã đoán không sai. Một con ngựa cái, giống tốt, đang có mang. Nó đứng giụi đầu vào gốc cây thở dốc, bọt sùi trăng hai mép đặc sánh, ngước đôi mắt đã mờ đục nhìn Liệu như cầu khẩn. Một vết chém nằm ngang trên cổ, vết thương còn đỏ lòm máu rỉ nhỏ giọt. Nhìn vết thương trên cổ con ngựa, Liệu thấy đau trong bụng. Anh biết ngay vết thương kia là vết gươm chém của giặc Minh. Một tên láu cá nào muốn cướp con ngựa hồng giống quý đang có mang này. Liệu biết chỉ vùng quê anh mới có giống ngựa này. Người lạ sờ vào thì coi chừng! Có lẽ nó cắn tên giặc định lôi đi nên nó bị chém và đã chạy thoát vào rừng. Anh đi tìm lá thuốc rịt cho ngựa xong, vuốt ve dắt ra bờ suối, lau từng vệt máu cho nó. Các bạn đã kiếm ngay được cho con vật bị thương những nắm lá, cỏ thật ngon. Vết thương con ngựa lành dần. Hai tháng sau, nó sinh một chú ngựa con màu hồng sẫm. Chú ngựa đẹp ra đời trong cảnh hoạn nạn vừa qua của mẹ nó và đúng lúc dân binh đang gặp khó khăn về lương thực. Tuy vậy nó vẫn cứ lớn nhanh như thổi trong sự chăm chút từng li của cả đội và ở đâu có Liệu thì ở đó có chú ngựa hồng. Nó quấn quýt bên người chủ đầy tình thương yêu ấy như mẹ nó, nhất là hôm mẹ nó đi chặn đánh một toán giặc, bị thương rồi chết. Đại Liệu càng quý con ngựa non hơn lúc nào hết. Nó lớn nhanh mà khôn lạ. Nó thuộc từng đường ngang ngõ tắt. Trong rừng sâu, tối như đêm ba mươi, cách xa hàng hai ba chục dặm, chú ngựa vẫn đưa chủ về đúng căn cứ bằng con đường ngắn nhất, không bao giờ lạc. Ngựa con rất thính. Ngay trong đêm tối, nếu bất thần chú dừng lại, hai vó trước cào cào xuống đất khe khẽ, dứt khoát là phía trước có hổ rình hoặc giặc Minh mai phục. Thế là toàn đội lập tức khai triển đội hình, diệt ngay con hổ ác hoặc giáng một đòn bất ngờ vào đối phương.
Có một lần, trong một trận kịch chiến giáp lá cà với toán giặc rất đông, chúng vác giáo xông bừa vào vây quang Đại Liệu. Ông rút cả gươm ra thủ thế. Rồi hai tay hai gươm, ông tế con tuấn mã của mình lao vào đội hình đông đặc của giặc, chém lia lịa. Đầu giặc rụng như trái chín gặp bão, nhưng rồi ông bị một tên giặc lao giáo vào ngực. Ông né ngực tránh mũi giáo và ngã ngựa. Bật dậy, ông bị hai tên khác đã vung gươm bổ xuống… Bất thần, con tuấn mã lao vào hai tên giặc cắn xé cứu chủ. Đại Liệu nhảy phốc lên con tuấn mã, tiếp tục chiến đấu.
Từ đó chú ngựa hồng được các nghĩa sĩ gọi bằng cái tên âu yếm và tin cậy “con tuấn mã trung thành”.
Cuối cùng, đáp lại lòng tin yêu của chủ, trong trận kịch chiến ngày 10 tháng 10 giữa lúc say máu nhất, chủ nó ngã ngựa. Trong cảnh hỗn quân hỗn quan, nó tưởng lầm chủ nó đương ngồi trên mình nó. Chạy được một đoạn, nó phát hiện ra giặc ngồi trên lưng, nó quay tròn cất vó hất giặc xuống cho bằng được. Khi Đại Huề dẫn nó đến vĩnh biệt người chủ thân yêu, chiếc mũi đen bóng ướt của con tuấn mã cứ giụi giụi mãi vào thi hài Đại Liệu. Từ trong đôi mắt tối lại vì đau buồn của nó, ứa ra những giọt nước chầm chậm rơi xuống. Chôn cất chủ nó xong, người ta cho gì nó cũng chẳng ăn. Sau đó, nó hí lên thảm thiết rồi phi thẳng lên núi Quỷ. Cả một đoàn quân, sĩ leo núi tìm mãi đến tối mà không thấy nó đâu cả. Sáng mai ra thấy nó đã chết hoá đá sau núi Quỷ, đầu ngẩng cao kiêu hãnh, mãi mãi hướng về thôn Trung nơi có đền thờ chủ nó.
29 – ĐỀN THÔN TRUNG
Một ngôi đền cổ kính nằm trên một gò đất cao giữa đầm lầy Mã Yên Sơn. Đó là đền thờ người anh hùng phó tướng dân binh Hoàng Đại Liệu, em ruột Hoàng Đại Huề.
Tương truyền rằng Đại Liệu, ngay từ thuở thiếu thời vốn ít nói nhưng giàu lòng thương bạn. Có cái gì ăn, dù ít dù nhiều không bao giờ Liệu không chia đều cho các bạn cùng tuổi. Cái gan của Liệu thật là to. Các bạn lên núi vào rừng hái củi, hái măng… có Liệu là yên trí, chả sợ gì. Có một lần, vào đầu tháng chín, Liệu cùng các bạn vào rừng hái nấm hương. Năm ấy, thuận mưa, nấm hương ra nhiều, thơm lựng cả khu rừng. Cái nải xanh trên vai Liệu căng dần. Bỗng từ phía phải bên kia gốc cây nghiến già, các bạn kêu thét lên có chuyện không lành. Không chần chừ, Liệu quăng nải, rút dao lao về phía bạn đang kêu cứu. Một con trăn đói đang duổi bạn Khứu. Mặt xám ngoét, bạn đang chạy vòng vèo lẩn tránh qua các gốc cây. Mồm há hoác, con trăn lao theo mồi, lưỡi thè ra, mép sùi bọt. Liệu gào lên:
- Cứ chạy như thế, đừng có trèo lên cây, nó…
Liệu chạy bổ đến chém một nhát vào con trăn, đuôi nó rời khỏi thân. Bị chém bất ngờ, trong cơn đau điên dại, nó quay đầu bổ vào Liệu. Liệu chém một nhát nữa vào cổ nó. Con trăn văng ra rồi lại lao đến. Tại sao chém không đứt? Một suy nghĩ cay đắng loé lên trong đầu Liệu. Vội quá, chém bằng sống dao rồi! Liệu chạy, con trăn đuổi theo. Liệu lẩn vào gốc cây to. Cái đầu đen xì của con trăn theo gốc cây trườn đến. Liệu chém một nhát bị trượt, lưỡi dao bập sâu vào thân cây, không bẩy ra được. Bỏ dao, Liệu vác hòn đá ném trúng cổ. Nó oằn lên rồi lại lao vào. Bí quá, Liệu chỉ kịp mở hai tay bóp chặt vào cổ nó. Con vật hung hãn quấn quanh thân Liệu. Người và trăn lăn tròn, tức thở quá, mắt hoa lên, Liệu nảy ra ý nghĩ trong đầu: Cứ bám chặt, buông thả ra là chết, cứ bóp, cứ bóp…
Liệu nghiến chặt hai hàm răng, cũng may con vật chỉ to hơn vòng tay của Liệu một chút, lại bị cụt đuôi, không lùa vào nách Liệu để cù được nữa. Máu ra nhiều con trăn yếu dần. Các bạn đến, thấy Liệu và con trăn đang quấn tròn lấy nhau, mỗi bạn một tay, xúm vào gỡ trăn ra cho đến khi con vật chỉ còn lại khúc cổ đang nhỏ từng giọt máu, ngúng nguẩy trong tay Liệu.
- Vứt nó đi Liệu ơi, vứt nó đi! Các bạn reo lên trong niềm vui chiến thắng. Nhưng Liệu không sao buông ra được, ngón tay không duỗi ra được nữa, quặp chặt mãi vào cổ trăn. Liệu nhờ ác bạn gỡ ra. Vuốt mãi, nắn bóp mãi, mười ngón tay mới dần dần cử động được. Quanh mình Liệu tím bầm từng vòng tròn. Về đến cầu thang, mặt trời đã khuất, cậu nào cũng mệt rũ, đói meo, song vẫn vui như hội, trên vai mỗi cậu vác một khúc trăn còn tươi. Người già khen bọn trẻ giỏi. Bố Liệu mang mật gấu bóp cho con, bảo:
- Làm trai ở núi rừng, cái gan phải to, cái bụng phải sạch. Lấy cái gan mà cứu bạn, lấy trí khôn để vượt nạn thì đáng là con trai bố.
Hai hôm sau, Liệu cùng các bạn lừa trâu lên rừng trong tiếng ca của buổi sáng lộng gió rừng chở đầy mùi hoa thơm.
Đại Liệu đến tuổi trưởng thành, thì nước mất nhà tan, quê hương bị giặc tàn phá, cướp bóc, giết chóc. Anh đã cùng các bạn theo anh trai vào rừng giết giặc trả thù cho làng bản quê mình. Liệu sống với đồng ngũ bằng cả tấm lòng thương yêu nồng thắm. Được suy tôn làm phó tướng, Liệu vẫn ăn theo miếng ăn của bạn nghĩa, cùng ngủ trong đống lá khô, cùng tắm truồng và vật nhau với dân binh bên bờ suối. Ông định làm cái gì là làm bằng được, chết cũng làm. Có một lần, trẻ con trong hang lánh nạn, ốm chết vì đói muối. Mấy lần chặn đánh giặc không cướp được hạt muối nào, Liệu xin đánh thành để lấy muối. Đại Huề chưa cho. Thế là ông rủ hai bạn nữa, trốn anh trai, phi ngựa lên thành Khâu Ôn, buộc ngựa trong rừng, vào thành giặc, giết tên lính gác, vào đến kho bị lộ, ông ở lại chặn giặc cho hai bạn vác muối rút ra. Ông rút sau cùng bị một nhát gươm chém sạt bả vai trái. Tìm được lá thuốc rịt vào vết thương thì trời vừa sáng, ông phi ngựa về căn cứ. Tay phải ép chặt lên vết thương, tay trái ghì cương vẫn cầm chặt tải muối trên lưng ngựa. Về đến căn cứ, vì mất nhiều máu, ông kiệt sức, ngã ngựa ngất xỉu. Sau khi vết thương lành, ông bị Đại Huề phạt rất nặng. Ông chỉ cười rồi lại lao vào luyện quân. Ông hứa sẽ không bao giờ trái lệnh và từ đó, dù như thế nào, ông cũng không phạm luật ba quân nữa.
Hoàng Đại Liệu được bộ chỉ huy nghĩa quân giao nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp chỉ huy một đội kỵ binh tinh nhuệ của dân binh phối hợp với kỵ binh của nghĩa quân chủ lực, chờ sáng có lệnh trên núi Mã Yên, sẽ từ bìa rừng đại ngàn bất thần xô ra té nát đội hình giặc, cùng đại quân giết cho bằng được Liễu Thăng. Sáng sớm ngày mười tháng mười năm 1427, tin mật báo bay về trận địa mai phục như sau:
Bị đội quân đánh dử của ta chọc tức, không chịu được, máu nóng trào lên, Liễu Thăng ra lệnh hạ kiệu. Liễu Thăng truyền cho đại quân dừng lại, tự mình mặc áo giáp cưỡi ngựa vằn, cùng đoàn quân kỵ mở đường hòng tăng thêm sĩ khí cho ba quân. Áo giáp của hắn đằng trước đằng sau đều chạm hổ phù vì vậy dân ta còn gọi Liễu Thăng là con hổ.
Súng lệnh nổ. Đại Liệu dẫn đầu cánh quân kỵ của ông lao vào đoàn quân đen đặc của giặc. Những lưỡi kiếm đỏ máu vung lên bổ xuống liên hồi. Giữa lúc đoàn kỵ mã của ông đang thừa thắng xốc tới, quân reo như sấm động cả một vùng thì Đại Liệu nhác thấy con hổ đang gò cương con ngựa vằn định tháo chạy.
- Nó đây rồi, anh em ơi, giết! Giết!
Đại Liệu hét lên, phi ngựa tới đuổi sát Liễu Thăng. Ông cúi gập người, lia mũi kiếm chặt chân sau con ngựa vằn. Con tuấn mã đang phi mạnh bỗng bị mất vó, ngã lăn. Nhưng cũng nhanh như cắt, Liễu Thăng đứng phắt, vung kiếm lên bổ vào đầu một nghĩa sĩ của ta. Nhanh như gió, Liệu vung kiếm lên bổ trúng đầu con hổ. Không ngờ lưỡi kiếm của ông lại chệch ra ngoài vì lúc đó, một viên tướng hầu cận Liễu Thăng đã đâm trúng sườn ông. Đại Liệu né người vung lưỡi kiếm ngược lại phía sau, hạ thủ viên tiểu tướng giặc. Thừa cơ đó, Liễu Thăng đã chém trúng ngang lưng ông…
Về sau nhân dân đã lập đền thờ ông. Đó là đền Thôn Trung.