Kỳ tích Chi Lăng - Chương 20 - 25

20 - GIẾNG NƯỚC MẮT

Đã lên thăm ải Bắc nơi tiếp giáp giữa ta và Trung Quốc, ít ai lại không ghé thăm “ Giếng nước mắt”.

“Giếng nước mắt” có gì mà làm xúc động lòng ta đến thế?

Một câu chuyện truyền miệng kể lại như thế này:

Một buổi chiều mùa hạ đốt cháy lòng nỗi đau mất nước, năm 1407 ấy, Nguyễn Trãi vâng mệnh cha “Hữu qui phục quốc thù khốc hà vi dã” – nghĩa là hãy quay trở về đền nợ nước khóc mà làm gì. Bởi hơn ai hết, Nguyễn Phi Khanh hiểu rõ tấm lòng hiếu thảo của con trai mình mãnh liệt đến mức có thể chết để thực hiện kỳ được ý định mang hài cốt của cha từ nước giặc về mai táng ở quê nhà. Chính vì vậy mà ông giả làm dân phu đi khiêng cũi tù để theo hầu cha trên đường bị giải về đất giặc. Là một người sáng suốt. Phi Khanh biết rõ tài năng và đức độ của con trai mình, ông tin rằng Nguyễn Trãi có thể trả thù nhà đền nợ nước được. Có lẽ chính vì vậy mà quyền lực làm cha của Phi Khanh đã buộc được Nguyễn Trãi quay trở về ngay trên mảnh đất Chi Lăng. Còn một lẽ nữa có thể là Phi Khanh biết rằng nếu cứ để Nguyễn Trãi đi theo hầu mình để thực hiện ý định thì có khi cả ba cha con đều bị chém trên đất giặc.

Chọn Chi Lăng làm nơi trao đổi xứ mệnh giải phóng giang san đang đắm chìm trong máu lửa hận thù cho người con trai yếu gầy. Phi Khanh cho đó là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc biết chừng nào.

Vĩnh biệt cha ở Biệt Thự xứ đến căn cứ địa của Hoàng Đại Huề, lòng Nguyễn Trãi vẫn không yên. Điều đầu tiên ông bàn với Hoàng Đại Huề là chỉ cho ông con đường tắt dẫn đến ải Bắc trước khi giặc dẫn cha ông và những người đồng hành qua đó về nước chúng. Để ông nhìn thấy lần cuối cùng người cha thân yêu. Hiểu lòng Nguyễn Trãi nhưng Hoàng Đại Huề, buộc phải trả lời, nếu vậy thì chẳng khác nào dẫn thân vào hang cọp, nộp mình cho giặc. Việc lớn không thành, có tội lớn với trời đất, tổ tông, biết bao giờ mới đền xong?...

- Việc lớn ư? - Nguyễn Trãi trầm ngâm hỏi lại và như để nói với chính lòng mình.

- Việc nhỏ chưa làm được nói chi đến việc lớn? Chưa làm tròn bổn phận hiếu nghĩa với người sinh ra mình thì hiếu nghĩa với dân làm sao được? Không thương cha mình thì làm sao có lòng thương dân? Không thương dân, xả thân vì dân nước thì sao thành việc lớn?...

- Ông có quen ai ở vùng ải Bắc không?

- Có, tôi có người thân làm tù trưởng vùng đó, bề ngoài trá hàng để che mắt địch, bên trong thì vẫn bí mật gửi lương thảo và nghĩa sĩ cho tôi.

- Thế thì được. Tôi đã có cách, ông cứ để tôi đi.

Vốn là người yêu nước, trọng nhân tài, bấy lâu nay Đại Huề một lòng kính trọng Nguyễn Trãi, người đã từng đỗ Thái học sinh từ năm hai mươi tuổi, cháu ngoại của quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán, nên Đại Huề đã đích thân cùng một số người thân tín quá nửa đêm hôm ấy đã đưa Nguyễn Trãi lên ải Bắc qua con đường tắt xuyên núi, xuyên rừng mà chỉ có dân binh của Hoàng Đại Huề mới biết. Đại Huề đưa Nguyễn Trãi đến nhà bạn mình trên ải Bắc trước khi giặc tới những một ngày rưỡi. Họ Được tiếp đón nồng hậu tại nhà tù trưởng họ Triệu. Ngay từ đầu, Nguyễn Trãi đã làm cho Đại Huề và bạn ông vừa ngạc nhiên vừa thích thú về cách thức của ông lập mưu lừa giặc để vĩnh biệt cha.

Theo kế của Nguyễn Trãi, lợi dụng thế hợp pháp của người tù trưởng là bạn thân của Đại Huề. Một đại lễ được soạn sẵn để chào mừng chiến công của quan quân “thiên triều” đi chinh phạt về. Thôi thì đủ cả, nào xôi, bánh giầy, gà thiến, lợn quay, nai nướng... Và dàn tế được lập ngay trên đường quan quân dẫn tù về nước.

Tất nhiên là quan quân “thiên triều” sẽ ban khen quan tù trưởng địa phương đã có lòng trung thành với đức vua tối thượng của chúng. Chúng nào ngờ trong đoàn người mang y phục đại lễ dân tộc vùng ải Bắc kia lại có con trai của người tù nguy hiểm trong cũi sắt, người mà mới cách hai ngày, chúng đã ra lệnh lùng bắt khắp vùng rừng núi Chi Lăng mà chẳng được. Người đó dáng ung dung đứng trước dàn tế để vĩnh biệt cha lần cuối cùng ngay trước mũi kẻ thù. Dàn tế này đâu phải lập ra để mừng công quan quân “thiên triều” mà là để tế sống những người trong cũi sắt kia bị sa cơ lâm nạn. Đó cũng là lời thề đối với những người ra đi không bao giờ trở lại nữa, lời thề trung, hiếu với dân nước của những người ở lại, một ngày kia sẽ trả được thù nhà và đền xong nợ nước.

Giặc qua ải Bắc đã lâu rồi mà đám tế vẫn chưa tan. Nguyễn Trãi đã khóc cha suốt đêm hôm ấy trước dàn tế cha và những người bị bắt. Nước mắt khóc thương cha đã chảy như suối trong lòng người dân ải Bắc.

Sau này, khi đã quét sạch giặc thù ra khỏi bờ cõi, để nhớ lại tấm lòng trung hiếu của người anh hùng dân tộc, nhân dân các dân tộc vùng ải Bắc đã đào một cái giếng tại chỗ Nguyễn Trãi đứng tế sống cha, may sao đào trúng mạch, giếng rất trong, nước ngọt, múc đến đâu lại đầy đến đó. Đó là Giếng Nước Mắt.

21 - LÂN DAO (1)

(1) Lân: tiếng địa phương là thung lũng

Đối diện với núi Kỳ Lân phục là một thung lũng rộng chừng vài héc-ta được bao bọc bởi điệp trùng núi đá vôi cao vút và rừng già, ẩn hiện đây đó những hang động có nhiều ý nghĩa về quân sự. Những cây đại thụ quí như lát hoa, nghiến, lý không còn nữa, song dấu vết của nó vẫn còn đây, gốc lát hoa đào lên còn tốt nguyên có thể làm cánh tủ rất đẹp, bền và bóng láng mãi. Thung lũng này xưa là quê hương của thú rừng và chim muông, bây giờ chim thú không còn mấy.

Tương truyền rằng:

Vào một đêm trăng sáng, sao chín rực cả bầu trời, trăng khuya lấp lánh tỏa xuống lá rừng, gió nhẹ lay cành xao động. khuya lắm rồi mà Nguyễn Trãi vẫn chưa ngủ được. Tại căn cứ địa của Hoàng Đại Huề, ông bước đi lặng lẽ giữa cảnh rừng sâu bên cạnh người vệ sĩ thân tín mà Hoàng Đại Huề bấy lâu nay đã cử ra theo hầu ông. Rừng khuya tịch mịch, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng dác của một chú nai con gọi me.

Bỗng từ trong lòng thung lũng vẳng lên một âm thanh rất lạ, không phải là tiếng xẻ gỗ, tiếng xẻ gổ nghe không đanh như thế vả lại còn ai xẻ gỗ vào lúc khuya khoắt thế này nữa? Cũng chẳng phải là tiếng bổ củi, tiếng bổ củi trầm hơn và không rền như vậy.

Lặng lẽ, không nói một lời, Nguyễn Trãi cùng người vệ sĩ đi xuống lòng thung...

Dưới ánh trăng khuya, hàng trăm nghĩa sĩ đang mải miết mài gương, dao, giáo mác. Lòng xúc động sâu sắc, Nguyễn Trãi đến gặp một nhóm nghĩa sĩ trẻ, nhìn rõ những chiếc khăn tang trên đầu họ. Ông hiểu được ngọn lửa nào đã thấp sáng trái tim họ. Vừa mài vũ khí vừa kể chuyện tổ tiên, đất nước cho anh em nghĩa sĩ nghe, mãi đến khi tiếng gà rừng đã gáy sáng và từ trên triền núi vách thung có tiếng cười vang của Đại Huề cất lên chào mời Nguyễn Trãi và các nghĩa sĩ nghỉ tay, họ mới biết là sắp qua đêm. Một số hình ảnh trong “Cáo Bình Ngô” được thai nghén từ đây chăng?

“Gươm mài đá, đá núi phải mòn.

Voi uống nước, nước sông cũng cạn.”

Và biết đâu, thực tế này, chẳng đã là chất liệu làm nên câu thơ sống động của Nguyễn Trãi: “Đem gươm mài, bóng nguyệt với khăn tang”.

Trên đường về căn cứ địa, Hoàng Đại Huề bàn với Nguyễn Trãi đặt tên cho cái lân trong đêm ghi nhớ này.

Nguyễn Trãi vui vẻ đáp:

- Lân Dao! Ông và nghĩ sĩ có bằng lòng không?

- Phải! Lân Dao, Lân Dao, cái tên mang biết bao ý nghĩa.

Sau này, Lân Dao trở thành nơi tập kết và luyện tập chuẩn bị cho trận phục binh nổi tiếng của quân ta vào mùa thu năm 1427, chém đầu nguyên soái An Viễn Hầu, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài đằng đẵng suốt mười năm trời.

22. NÚI MẶT QUỈ

Đối diện với đền Quỷ môn, về phía tây núi Mặt Quỷ. Ở lưng chừng núi cao, trên vách đá dựng đứng hiện ra khuôn Mặt Quỷ mà đứng cách xa vài trăm thước, ta có thể nhìn thấy rõ ràng. Mặt Quỷ có chiều rộng và chiều dài gần ngang nhau theo hình bầu dục. Chiều ngang chừng ba thước, chiều dọc xấp xỉ như vậy. Hai mắt Quỷ to như hai miệng thúng cái sâu thẳm, mồm rộng, tạo thành cửa một cái hang sâu đen ngòm trông rất dễ sợ, hai cái mũi to bằng hai cái bát điếu.

Khi tướng giặc Liễu Thăng nằm trên kiệu sơn son thiếp vàng qua cửa ải, hắn vén rèm thêu kim tuyến phía tây cỗ kiệu lên, rút kiếm lệnh chỉ lên Mặt Quỷ, thề rằng:

- Không phải cỏ dược phương Nam, bình xong đất này, ta không trông thấy mặt ngươi nữa! Các tướng xem kìa, lời ta là ý trời, Mặt Quỷ đã méo lại, quỉ đang khóc cho số phận diệt vong của giặc Lam Sơn đó!

Chưa dứt lời thì từ Mặt Quỉ phát ra tiếng cười vang như sấm động, tiếng cười vang dậy cả đất trời, rung chuyển cả núi rừng. Liễu Thăng khiếp đảm kêu lên trước khi đầu rời khỏi cổ:

- Trời! Quỷ Trời! Ta chết mất... – Quỷ có khóc đâu. Quỷ cười đó chứ, hay vì “Bình Lữ tướng quân” kinh hoàng trước tiếng reo hò của ba quân Lam sơn mai phục tứ phía như có phép lạ bất thần ào ra kết thúc cuộc đời của một viên tướng xâm lược vấy máu người Việt?

23 - ĐỀN CẤM

Bước vào năm Đinh Mùi, tin chiến thắng đồn dập theo ngựa trạm từ Thanh Hóa đến Đông Đô tới tấp bay qua sông, vượt qua suối, băng lên đèo, vươn lên núi tràn về cứ địa Chi Lăng khiến gió rừng, nhạc suối hát mãi không thôi.

Vương Thông ngoài mặt xin cầu hòa nhưng tâm can lại gửi theo những bóng đen thám tử lẻn lút về nước xin “thiên tử cứu tinh” Tuyên Đức Viện binh nhằm lật ngược thế cờ bóp chết “giặc Lam Sơn” làm gương cho kẻ nào chống lại “thiên triều”.

Lê Lợi và quan Thừa Chỉ đã biết rõ ruột gan quan Thông binh.

Chiều cuối thu, gió lạnh heo may xào xạc rừng cây, lân lũng. Từ cửa ải, ba con ngựa chiến tung vó bụi mù, tạo thành cơn lốc xoáy, bay về phía bắc. Đến đầu cầu phía nam Mỏ Chảo – chiếc cầu gỗ bắc qua thượng nguồn sông Thương thuộc địa phận Quang Lang. Ôn Châu, ba kỵ sĩ dừng ngựa, nhảy phắt xuống, buộc ngựa vào gốc đa, xem xét kỹ chiếc cầu, lội cả xuống dòng sông đo nước, đo chiều cao giữa mặt nước và con cầu, sờ nắn từng chiếc trụ cầu bằng gỗ nghiến, gỗ trò chỉ, gỗ lim cắm sâu xuống dòng sông đầy sỏi đá. Họ làm gì đó rất lâu, đến lúc lên bờ còn nhìn lại con cầu và dòng nước một lần nữa, quần áo ướt sũng nhưng vẻ mặt thì đầy mãn nguyện.

Một vệ sĩ trẻ măng, gương mặt tròn, mắt sáng, da ngăm đen nhanh nhẹn đên bên con tuấn mã lông màu hồng, lấy ra từ trong bọc bằng da thuộc trên mình ngựa, một bộ quần áo kỵ binh màu đỏ thắm.

- Xin tướng quân thay y phục.

- Thư đã, ta còn chưa hoàn tất công việc.

Nói xong, vị tướng chừng bốn mươi tuổi đưa tay ngăn người vệ sĩ trẻ vừa đưa bộ quần áo đến, rồi nhanh nhẹn rẽ nước lội ngang dọc dưới gầm cầu lần nữa. Ông xem xét từng thanh dầm, lội ngược dòng theo phía đông con cầu, lại lội xuống tít phía nam, hai vệ sĩ lội theo, chẳng biết nghe ông nói gì, cả ba bỗng cười vang, át cả tiếng nước chảy ầm ào đang vỗ vào bờ đá.

Họ lên bờ. Người vệ sĩ trẻ thứ hai, dáng cao, to, chắc nịch, nước da trắng hồng như con gái đang tuổi dậy thì, đôi mắt tròn, đen láng ướt, nụ cười tươi tắn nở trên môi, nói bằng tiếng Kinh chưa sõi:

- Thưa tướng quân, làm gì ạ?

Vị tướng quân cười vang, ôm chặt lấy vệ sĩ có nước da trắng hồng như con gái ấy, lắc mạnh và nói to:

- Lên ngựa, ta đi tìm Cấm Địa.

Họ không kịp thay quần áo đã ướt sũng nước, vội vã phóng ngựa vượt qua sông sang bờ phía tây điệp trùng núi đá. Người và ngựa men theo con đường mòn bên triền núi, lộn lại phía nam, chừng nửa dặm, đến một thung lũng nhỏ, nằm giữa hai sườn núi đá cao dựng đứng như trường thành. Dọc triền núi đá phía nam, một dòng suối trong vắt đang tuôn trào, vỗ vào những tảng đá chắn ngang giữa dòng, tạo nên một bản nhạc ì ầm giữa núi rừng trầm mặc, thâm nghiêm. Ba tướng sĩ ngược dòng, chừng bốn trăm thước, đến một cửa hang lớn, nước từ trong hang đang cuộn chảy. Bên cạnh hang, về phía bắc là nơi tiếp giáp lưng chừng giữa hai quả núi đá, tạo thành một con đèo, dốc ngược lên cao. Lên đến lưng đèo, vị tướng reo lên:

- Ôi, hoa ngọc lan nở ở đâu sao mà thơm quá, lại còn nhiều hương, hoa lạ nữa nè! Quả là ở rừng, hoa đâu chỉ nở giữa mùa xuân.

- Thưa tướng quân, đúng thế, ở châu này, hoa nở bốn mùa.

- Thế đèo này gọi là gì?

- Thưa, đèo Rộ.

- Đèo Rộ! Các cụ nhà ta ở đây đặt tên hay lắm, đèo Rộ có nghĩa là đèo có hoa nở rộ bốn mùa. Nghĩa sĩ ta sẽ làm cho đèo Rộ này giàu thêm ý nghĩa. Ta sẽ lập nên những chiến công nở rộ giữa mảnh đất thiêng này của ông cha. Vượt qua đèo Rộ, là Lũng Ngàn. Từ Lũng Ngàn, ba người trèo lên đỉnh ngọn núi đá cao ngất, bỗng người vệ sĩ da ngăm đen kêu lên thích thú:

- Quần áo khô, cong rồi, chỉ có lưng áo còn ướt thôi.

Phải! Gió heo may lưng đèo đã thổi khô quần áo sũng nước sông Thương của họ từ lúc nào mà chẳng ai để ý. Nhưng vượt đèo, trèo núi, mồ hôi lại dầm ướt lưng áo họ.

Từ trên đỉnh núi đá cao chọc trời này, 60 người nhìn bao quát được cả một vùng rộng lớn xa hàng chục dặm,tuốt từ Mai Sao đến tận Ngõ Thề. Nhìn chiếc cầu bắc qua sông Thương như nằm ở dưới chân mình, vị tướng vui vẻ truyền lệnh cho vệ sĩ:

- Ghi nhớ nhé: Lấy ngọn núi này làm đài báo hiệu, đêm dùng lửa, ngày dùng khói, khi những tên giặc cuối cùng qua cầu thì báo về hành dinh trung tâm. Báo xong nổi hiệu cho nghĩa sĩ cảm tử phá cầu, khóa hậu. Dưới chân đèo Rộ là Cấm Địa có quân khóa hậu của ta mai phục ở đó. Đội quân chặn viện mai phục ở Lũng Ngàn. Quân tiên phong men theo núi đá phía tây bờ sông, sáng phía bắc chiếm lĩnh trận địa. Các vệ sĩ tỏ tường chưa?

- Bẩm tướng quân, tỏ tường cả rồi ạ! – Người vệ sĩ da ngăm đen, nhanh nhẹn đáp lời.

- Hai vệ sĩ còn có thêm mưu lược gì chăng?

- Xin thưa tướng quân, thế còn trạm liên lạc giữa bên này với tướng quân Đại Huề mai phục bên Động Mồ thì sao ạ? – Người vệ sĩ có nước da trắng hồng rụt rè thưa, mắt mở to, trong sáng, mặt đỏ lựng lấm tấm mồ hôi.

- À, khá lắm! Nhà người nhớ dai đấy. Việc ấy giao cho nhà ngươi đảm nhiệm. Ta sẽ chọn thêm người. Nhà ngươi ở ngay bên cạnh ta, dưới khu Cấm Địa kia... Thôi, ta đi nào, xuống Cấm Địa xem xét kỹ lưỡng lại lần nữa...

Ít ngày sau, trận chiến đấu quyết liệt diễn ra đúng như dư kiến của vị tướng trên điểm Cấm Địa này.

Hàng vạn tinh binh tiên phong của nguyên soái lừng danh An viễn hầu Liễu Thăng vừa lọt qua cầu mỏ Chảo thì những làn khói ám hiệu màu xanh lơ, thơm ngát của gỗ hoàng đàn Chi Lăng nổi tiếng từ đỉnh núi đá cao bay lên, báo cho hành dinh trung tâm biết chính xác đến từng khắc. Lại hai làn khói thơm nữa bốc lên... Toàn bộ tướng soái và binh sĩ giặc đã lọt vào trận đồ mai phục. Pháo lệnh rền vang. Một bộ phận tướng sĩ giặc chạy tháo thân trở lại, định vượt qua cầu chạy trốn. Cầu đã gãy. Chúng định vượt sông. Bất thần, những nghĩa sĩ của ta như có phép lạ, nhất tề từ dưới đất vung lên những đoạn đao sáng lòa. Chúng định ào vào rừng núi phía đông đề lẩn trốn, kỵ binh áo đỏ của Đại Huề như một cơn bão ào ra, hắt chúng giạt sang triền vách đá cao sừng sững. Chúng không có cánh để bay qua núi cao, dọc triền núi chỉ còn có một chỗ thoát thân: Cấm Địa.

Chúng bị dồn vào thung lũng nhỏ đó như đàn tôm lao vào hom đó. Thây giặc chồng lên nhau trên Cấm Địa. Chúng vẫn tràn vào với hy vọng cuối cùng là vượt qua đèo Rộ, lần lên núi cao, vào rừng sâu mong thoát chết. Đất: không thể chui xuống được. Trời: không thể bay lên. Chỉ còn một con đường giành cho bọn xâm lược: Vĩnh viễn nằm lại trên mảnh Cấm Địa này.

Trong cuộc chiến đấu đó, vị tướng hôm nào cùng hai vệ sĩ đã đặt chân tới đèo Rộ này đã tả xung hữu đột, hạ thủ hàng trăm tên giặc. Vị tướng bị trọng thương, vệ sĩ đã đặt ông lên bệ đá cao giữa Cấm Địa, xung quanh đầy xác giặc để phục thuốc gấp cho ông.

Mặc dù vết thương rất nặng, ông đã cố gắng gượng dậy nghe các vệ sĩ trình báo lại kết quả trận đánh không một tên giặc nào sống sót thoát khỏi Cấm Địa. Ông mỉm cười rồi nhắm mắt. Vị tướng đó là Nguyễn Khuyết.

Để ghi nhớ chiến công của ông, đồng bào các dân tộc địa phương đã dựng đền thờ, đó là Đền Cấm.

Đền cấm được xây dựng dưới chân đèo Rộ. Đền có kiến trúc rất đẹp: Hành lang chạy bốn xung quanh, đủ cả tiền tế, hậu cung với nhiều bức chạm công phu, có bàn cờ Tiên, có dòng suối bao quanh chảy rì rầm suốt ngày đêm.

Đền Cấm đã được xếp hạng là di tích lịch sử quan trọng của xứ Lạng.

Tiếc thay những năm đánh Mỹ, “Người bạn láng giềng” sang giúp ta xây dựng nhà máy sửa chữa đầu máy toa xe, trong khi đào hang xuyên qua núi đá đã phá hỏng mất Đền Cấm.

24 - THÀNH PHỦ TRÀNG KHÁNH

Ngay của ngõ phía bắc ải Chi Lăng, bên bờ tây sông Thương, nơi dòng sông uốn khúc tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ, có thác cao và vực sâu là trảng đất khá rộng mà Lê Lựu nhử Liễu Thăng suốt từ Pha Lũy, qua Ải Lưu... về đến đây, sắp đến giờ tận số của tên nguyên soái giặc thì tình thế diễn ra khá phức tạp. Trước cửa ải, các mưu sĩ của Liễu Thăng đã nghi ngờ nên hết lòng khuyên giải chủ tướng chớ nên khinh suất... Đoán biết được ý đồ của giặc, kích vào đúng huyệt kiêu ngạo của Liễu Thăng, Lê Lựu dựa vào thành phủ Tràng Khánh tiến đánh chặn hắn ngay trước cửa ngõ cửa ải Chi Lăng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt từ đầu xã Quang Lang đến Thành Phủ Tràng Khánh, nhất là quanh thành. Lê Lựu quyết cản phá kỳ được bước tiến quân vũ bão của Liễu Thăng, giữ vững thành phủ này. Liễu Thăng cũng quyết lấy bằng được đầu Lê Lựu, viên tướng Đại Việt vừa đánh vừa chạy này để thị uy ngay trước cửa ngõ của ải Chi Lăng. Đúng vào thời điểm quyết liệt nhất thì Lê Lưu bị thương máu loang trên mình ngựa, nhưng ông vẫn nghiến răng, xông vào Liễu Thăng đánh một hiệp nữa, rồi mới chịu quay ngựa ra lệnh cho nghĩa sĩ tháo lui vượt qua cửa ài. Bực tức vì chưa lấy được đầu Lê Lựu, Liễu Thăng gầm lên thúc quân đuổi theo, tràn qua cửa ải và lọt vào trận đồ bát quái của ta, cuối cùng là rơi đầu ở phủ Tràng Khánh.

25 – THÀNH CỔ CHI LĂNG

Ngay sát chân núi Hàm Quỷ, chạy dọc từ Tây sang Đông qua Hà Bắc, là một thành luỹ khá kiên cố.

Đó là thành cổ Chi Lăng. Thành án ngữ con đường từ phía bắc tràn xuống, bảo vệ toàn bộ khu dinh luỹ phòng thủ dài từ chân núi Hàm Quỷ đến mãi thành Xương Giang. Thành được xây dựng từ thời Lê Hoàn. Chính Lê Hoàn đã cho quân mai phục ở đây và trong trận đánh Tống nổi tiếng năm 981, ông đã chém đầu tướng giặc Hầu Nhân Bảo ngay dưới chân thành cổ.

Về sau, Trần Lựu, một tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn đã tiếp tục cho xây đắp hoàn chỉnh hệ thống phòng ngự nổi tiếng này bằng đá, gạch. Nguyên vật liệu xây dựng thành cổ chất cao như núi. Sách sử của Ngô Thời Sĩ nói rằng: “Chi Lăng có thành bằng gạch. Ở cửa nam của thành có bia đá ghi năm chữ “ Hoàng tráng nhị thập đội” (Đội hoàng tráng thứ 20)”. Năm 1427, Lê Lợi – Nguyễn Trãi cũng chọn thành cổ làm nơi mai phục và đã đánh một trận thắng lớn bên thành cổ, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến anh dũng, lâu dài mười năm trời.

Tướng Trần Lựu đã từng trấn ải Pha Luỹ. Giặc chiếm luỹ, Trần Lựu được lệnh rút về ải Truy. Giặc tràn đến ải Truy, Lựu nhận được lệnh của Lưu Nhân Chú và Lê Sát tiếp tục rút về ải Lưu, Liễu Thăng thừa thắng tràn qua ải Lưu. Trần Lựu được lệnh rút về thành cổ, Lưu Nhân Chú và Lê Sát tiếp tục sai Trần Lựu ra nghênh chiến rồi giả vờ thua chạy. Gặp lại Lựu ở thành cổ, cũng như những lần trước, Liễu Thăng chẳng ngần ngại gì mà không thúc quân đuổi theo “tiểu tướng Trần Lựu bại trận”. Thế là Liễu Thăng trúng kế. Lưu Nhân Chú và Lê Sát phát lệnh. Quân mai phục tứ phía tràn ra kín đường, kín núi, chém đầu Liễu Thăng, kết thúc trận đánh thần kỳ bên chân thành cổ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay