Kỳ tích Chi Lăng - Chương 36 - 41
36- LIỄU THĂNG THẠCH
Các cụ kể lại rằng:
Hôm mồng mười tháng mười, sau khi các nghĩa sĩ lấy thủ cấp của Liễu Thăng đem về làng Liu làm lễ mừng chiến thắng, trời đang u ám bỗng sáng bừng lên. Một bộ phận nghĩa quân được chỉ huy chiến dịch Chi Lăng cử ra làm lễ an táng cho tên nguyên soái giặc đã bỏ mình trên mảnh đất thiêng liêng này cùng với những chiến binh đã tử trận của hắn.
Quan tài của Liễu Thăng được đóng bằng gỗ trò chỉ, một thứ gỗ quý của vùng Chi Lăng. Khi liệm, nghĩa quân đẽ để hắn nằm úp sấp theo tư thế lúc lìa đời, huyệt được đào ngay chính nơi hắn tắt thở, ở bên cạnh hòn đá, giữa thửa ruộng của làng Cóc, mộ hắn được đắp điếm tử tế.
Đêm hôm ấy, trời tháng mười sâu thẳm, xanh cao lồng lộng, sao lung linh lấp lánh, không một gợn mây.
Bỗng từ phương bắc, phía chân trời, một đám mây đen đùn lên, trăng, sao tháng mười phút chốc bị mờ đi, bầu trời chao đảo như đang say rượu… Lửa hiệu từ Khâu Ôn báo về cho biết, bọn giặc phía sau đã củng cố xong đội ngũ, sau phút kinh hoàng thì biết tin thống soái cùng với cả đạo quân tinh nhuệ tiên phong bị tiêu diệt – đang liều chết mò mẫm tiến lên, bởi quay về cũng bị tội chém. Vào lúc đó, giữa bầu trời đen kịt, một tia chớp xanh lè xé ngang làng Cóc, một tiếng sét inh tai đánh tan ngôi mộ mới của tên tướng bại trận. Mưa ào ào trút xuống gấp gáp, và cũng tạnh rất nhanh. Bầu trời đêm làng Cóc sau cơn mưa bất ngờ trở lại xanh trong thăm thẳm, sao chín lựng, trăng dát vàng từ thung lũng đến triền núi cao vốn đã sừng sững uy nghiêm, giữa bầu trời đêm nay như càng thêm uy nghiêm sừng sững.
Bỗng có những tiếng reo hò nổi lên như tiếng hò vang chiến thắng của nghĩa quân trong trận đấu sáng nay. Đó là tiếng reo hò của nghĩa quân đầu tiên đã phát hiện ra hòn đá nơi Liễu Thăng trút hơi thở cuối cùng, sau tiếng sét kỳ lạ trước đó đã biến thành hình một người khổng lồ cụt đầu, nằm úp sấp, chân tay như còn đang run rẩy, ruột lòng thòng, từ bụng bên phía tay còn sổ dài xuống tận gót chân. Đó là Liễu Thăng thạch.
Liễu Thăng thạch nằm đó suốt mấy trăm năm nay như biểu tượng của chiến công oai hùng của nhân dân ta.
Rất tiếc rằng thời ta đánh Mỹ, “những người bạn lớn” của ta, trong một đêm tháng mười năm 1967, đã phá tan Liễu Thăng thạch bằng bộc phá với lý do: “Đặt pháo bắn giặc Mỹ xâm lược nước Việt Nam anh em”.
Nhưng với những kiến thức quân sự sơ đẳng thôi cũng chẳng có ai đặt sở chỉ huy trung đoàn pháo giữa một cánh đồng trống rỗng để hứng bom của đối phương, trong khi địa hình liền đó là đồi núi trập trùng vô tận rất lợi thế.
Bởi vậy, chỉ ngay sau cái đêm bỏ ra vài yến thuốc nổ với khá nhiều công sức phá tan Liễu Thăng thạch, ông “bạn lớn” đã chuyển sở chỉ huy trung đoàn pháo đến nơi khác ngay.
37 - QUỶ MÔN QUAN
Từ Biện Thự Xứ là trung tâm của các kỳ tích Chi Lăng, theo đường quốc lộ 1A đi ngược lên phía Bắc, qua đoạn đường dài 2 km rợp bóng xanh sum suê của lá cành phượng vĩ, ta sẽ đến một dải đất hẹp. Chia đôi dải đất hẹp này là dòng sông Thương xanh trong, chảy giữa hai triền núi đá. Giữa đường nhựa 1A và dòng sông, còn lại một mẩu thành hình thang dài 20 thước, mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng đặc biệt, đó là Quỷ môn quan.
Hình như thiên nhiên đã cố ý tạo nên cửa ải lịch sử này. Hai rặng núi đá từ Đông Bắc và Tây Bắc chạy về đến đây đều khép lại như hai nan cái của chiếc quạt giấy chạy về điểm tựa. Và cũng từ Quỷ môn quan này, hai rặng núi như hai cánh tay khổng lồ giang rộng ra ôm cả một vùng đất nước đến mãi sông Cầu.
Nếu đứng từ phía Bắc nhìn về phía Quỷ môn quan quả là mút của một chiếc hom giỏ khổng lồ nơi địa đầu tổ quốc. Địa thế ở đây hiểm trở vô cùng, hai bên là vách đá cao thẳng đứng. Rừng cây trùng điệp. Ở giữa là dòng sông, mùa thu nước trong xanh chảy êm đềm vuốt ve hai bờ đá lởm chởm hình thù kỳ lạ, gợi cho ta biết bao những hình ảnh kỳ vĩ ngày xưa. Từ giữa dòng sông sâu, nổi lên những cồn đá màu xanh thẫm, nhấp nhô trên sóng nước. Có thể gọi đây là hình ảnh thu nhỏ của vịnh Hạ Long.
Mời các bạn trèo lên mặt chiến lũy. Nắm đất thiêng liêng này đã được nhiều khách tham quan trong và ngoài nước, phát biểu với một sự trân trọng đặc biệt. Lần này xin chuyển đến các bạn, suy nghĩ của đồng chí S. Lô-vắc-xốc, nhà dân tộc học nổi tiếng của Tiệp Khắc, nhân dịp đồng chí đến thăm Quỷ môn quan:
- Có lẽ đây là một chiến lũy hình thang độc nhất trên thế giới. Nó thể hiện đầu óc thông minh và tài trí quân sự tuyệt vời của một dân tộc luôn luôn phải chống trả với những đội quân xâm lược mạnh hơn mình gấp trăm lần trong quá trình lâu dài giữ nước và dựng nước.
Xin bàn thêm với các bạn điểm này. Thông thường các dân tộc trên thế giới xây thành lũy để bảo vệ tổ quốc thì mặt ngoài của thành lũy bao giờ cũng xây thẳng đứng để cản bước quân địch, nhưng thành lũy của ta ở đây có hai mặt trong ngoài như nhau. Tiến cũng được, thoái cũng được. Nó là con dao hai lưỡi. Phải là một dân tộc cao tay lắm thì mới sử dụng nổi con dao hai lưỡi này. Lịch sử bốn ngàn năm giữ nước và dựng nước đã chứng minh hùng hồn tài trí quân sự tuyệt vời của dân tộc ta.
Dân tộc ta luôn phải đứng trước những đội quân xâm lược khổng lồ mạnh hơn mình gấp bội (đời Trần, ta có 6 triệu dân đánh bại nhà Nguyên một trăm triệu dân). Chiến lũy hình thang này cũng thể hiện một phần tư tưởng chiến lược chống ngoại xâm nổi tiếng của ta: Lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, mà vẫn thắng, lại thắng rất vẻ vang.
Khi quân địch ào ạt tiến công vào thì bằng những chiến lũy kỳ diệu ấy ta chặn đứng quân thù, từng bước chia cắt và tiêu hao sinh lực địch. Ta lùi từng bước, để bảo toàn lực lượng và để dử địch vào những trận kịch chiến mà ta đã định trước.Trong khi đó, ta gài lại một lực lượng quan trọng xung quanh chiến lũy. Lực lượng này chủ yếu là dân binh người các dân tộc địa phương. Khi địch lọt vào sâu đất nước ta thì các chiến lũy ở các cửa ải trở thành một chiếc khóa, khóa chặt sau lưng chúng lại. Qua nhiều triều đại, nhiều tên tướng giỏi, con cưng của “thiêng triều” ở các thời kỳ khác nhau đã bỏ xác tại Quỷ môn quan này. Ở đây chỉ xin đơn cử chuyện bại trận của tên tướng Quách Quỳ mà thôi:
Sau khi vượt qua Quỷ môn quan với một giá máu khá đắt, chỉ ba tháng sau, hắn đã cùng quân sĩ chạy tháo thân về nước. Lúc chạy qua Quỷ môn quan, chúng khiếp đảm đến nỗi tướng sĩ giẫm đạp lên nhau, cố sống cố chết chạy qua cửa tử, mặc dù Quách Quỳ đã sai đốt hương tế thần núi, quỳ trên mình ngựa nhìn một đám tướng sĩ xéo lên nhau mà chạy, ngửa cổ gạt nước mắt than:
- Đi mười, về không được một. Cửa quỷ này là đất của trời.
Có lẽ Quách Quỳ nói thật lòng, bới vì đi cả người lẫn ngựa 31 vạn có dư mà trở về vẻn vẹn 3 ngàn bốn trăm linh không, không hơn không kém.
Vì vậy, sau đó cha ông ta đã dựng bia để ca ngợi chiến công của các chiến sĩ dân binh người địa phương và cảnh cáo những đội quân xâm lược khác. Bia dựng ngay giữa Quỷ môn quan với hàng chữ: “Quỷ môn quan, Quỷ môn quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. (nghĩa là Cửa Quỷ môn, Cửa Quỷ môn, 10 người đi, 1 người về)
33 – VỌNG TIỀN TIÊU – VỌNG CÁC ĐÀI
Ải Chi Lăng là một chiến lũy hình thang nối liền đông tây giữa núi Hàm Quỷ và núi Mặt Qủy. Hình như thiên nhiên đã cố ý tạo cho mảnh đất này một địa thế hiểm yếu hiếm thấy. Dãy núi đá trùng điệp đang chạy dài theo hướng tây bắc – đông nam đến đúng hẻm Mặt Quỷ lại đâm ngang ra một hòn núi đá cao vút, dựng đứng sừng sững, tạo nên bức tường thành Chi Lăng nổi tiếng. Trên lưng chừng tường thành bằng đá khổng lồ này, thiên nhiên lại tạo ra một hang động có hai cửa – cửa đông bắc và cửa tây nam giống như một cái “lầu vọng nguyệt” có giá trị đặc biệt về mặt quân sự. Đó là vọng tiền tiêu.
Ở vọng tiền têu này, từ người lính đến viên quan trấn ải đều có thể phát hiện được địch từ xa qua vòm cửa đông bắc xuống tây nam bao quát toàn bộ trận đồ Chi Lăng. Ở vị trí này một nghĩa quân trấn ải của ta có thể tiêu diệt được vài ba trăm địch bằng nhiều thứ vũ khí kể cả máy bắn đá, cung nỏ… nhưng địch thì hoàn toàn bất lực. Bởi vì, khi tiếp cận được đến vị trí có thể tiêu diệt được người lính trấn ải của ta thì địch đã về chầu diêm vương rồi. Đến một thời điểm nào đó, với số đông áp đảo tầng tầng lớp lớp tràn lên được mặt thành, leo lên Vọng tiền tiêu để trả thù thì ôi thôi, đối phương không có cánh mà đã bay mất rồi. Biết đối phương đã biến mất qua cửa phía tay nam lẫn vào giữa trùng trùng điệp điệp núi cao và hang động thì biết bao nhiêu quân mà truy đuổi theo cho vừa. Mà địa thế thiên la địa võng này thì dày đặc khắp nơi. Qua được một dải đất, địch phải lát thây lính lên mà đi cho đến khi một số quân tưởng như vô tận của “thiên triều” vơi đi một nửa, tướng sĩ còn đang bàng hoàng trong cảnh tiến thoái lưỡng nan thì bất thần tướng sĩ Đại Việt như có phép lạ, tự đội đất chui lên, từ trên trời rơi xuống đánh cho một đòn chí tử, kẻ sống sót nhờ đầu hàng, được cấp thuyền xe, lương thảo về đến đất tổ mà còn “ngực đập, chân run”. Nếu nói đến chiến tranh hiện đại thì Vọng tiền tiêu này còn có giá trị diệt địch rất lớn. bao nhiêu tấn bom dội xuống cũng chẳng ăn nhầm gì. Địch vác được B40 –B41 đến đây thì chưa kịp nhắm bắn đã bị tiêu diệt.
Ở đây từng có truyền thuyết như sau: Chính ở Vọng tiền tiêu này đây, trên năm thế kỷ trước, Nguyễn Trãi cùng Hoàng Đại Huề và các dân binh trung thành của ông, ngày ngày bí mật từ trong rừng sâu ra đây, ngồi nghiên cứu kế diệt giặc giữ dân giữ đất mà những trận đánh xuất quỷ nhập thần của nghĩa binh người dân tộc do Hoàng Đại Huề chỉ huy còn vang dội mãi đến bây giờ. Chẳng biết vì sao, mỗi lần Nguyễn Trãi muốn ra Vọng tiền tiêu thì ông và Đại Huề nói với nghĩa quân bảo vệ là: Ra Vọng Các Đài. Từ thời tiền Lê vẫn gọi là Vọng Tiền Tiêu, giờ thêm tên gọi mới. Vọng Các Đài chỉ là một. Nhiều người cho rằng bài thơ “Vọng Các Đài” là do Nguyễn Trãi viết ra song chưa có sở cứ khẳng định chắc chắn được, bởi triều Lê mà Nguyễn Trãi là một trong những người có công đầu dựng nên nó, đã chu di ba họ của ông vì lòng ghen ghét, do đó toàn bộ những sáng tác vô giá của ông đều bị chúng ra lệnh đốt sạch. Dù sao chúng tôi cũng xin mạnh dạn chép ra đây để cùng tham khảo.
Vọng Các Đài
Vọng Các Đài, Vọng Các Đài
Lầu cao hiểm yếu, một không hai
Trời cho để giữ gìn non nước
Một địch trăm nghìn, thỏa sức trai.
39 – LÒ GẠCH CỔ
Đó đây ở Chi Lăng, ven đồi, núi còn để lại dấu vết của những lò gạch cổ. Loại nhỏ, mỗi lần được vài trăm viên. Vách núi, sườn đồi và những mô đất cao được dùng làm điểm tựa cho hàng loạt những lò gạch ấy.
Chuyện kể lại rằng:
Lúc chưa đánh giặc, nghĩa quân của ta ngoài việc luyện tập võ nghệ, cung kiếm… còn một công việc khác cũng sôi nổi và hào hứng không kém. Đó là, tất cả mọi người lính đều than gia thi nung gạch. Nghĩa quân của ta, từ khắp mọi miền tụ hội về đây giữ nước đã mang theo biết bao tài năng thủ công của mọi miền về mảnh đất này.
Những người giỏi nghề nung gạch nhất được chọn làm ban giám khảo. Trường thi được dựng lên uy nghi như đài chấm thi luyện võ. Sau lễ tế thổ thần thì cuộc thi bắt đầu. Tất cả người lính đều tự lo lấy từ khâu đánh gạch mộc, đào lò, đến khi mang sản phẩn về trường thi dự giải.
Ai đạt được mấy yêu cầu sau thì giật giải:
- Sản phẩm làm ra trong thời gian ngắn nhất.
- Chất lượng gạch đạt tỷ lệ cao nhất.
- Gạch ra lò có màu sắc và hình khối đẹp nhất.
- Gạch chịu được sức nén cao nhất.
Ngũ nào, tổ nào có nhiều người chiếm giải nhất được ban giám khảo tặng giải đặc biệt cho toàn đơn vị.
Những người đoạt giải được đồng đội đặc biệt quý trọng, suy tôn như người anh cả. Tan giặc, trừ những người bỏ mình vì nước, những người đoạt giải còn lại, cùng những người đồng ngũ được phép trở về thăm quê hương những người bạn chiến đấu đã hy sinh và có quyền huy động các chức dịch và nhân dân trong làng bản đun gạch xây dựng nhà cửa khang trang cho bố mẹ, vợ con những người đã khuất. Sau đó họ được chính quyền xây dựng nhà cửa cho mình và được phong chức sắc trông coi việc xây dựng các công trình của nhân dân làng xã.
40 – THÀNH BẦU
Nhất vui Bầu Quán, Chi Lăng
Nhì vui Tô Thị, Đồng Đăng, Kỳ Lừa
Câu ca dẫn ta về với trung tâm của mảnh đất Chi Lăng xưa, của những ngày Hội Quân náo nức, tưng bừng trước đây. Đấu Đong Quân là niềm tự hào và vinh dự của các nghĩa sĩ cùng nhau một lần tạo thành đồng ngũ, sinh tử có nhau trong chiến đấu chống quân thù. Sức mạnh, ý chí và tài kiến trúc các công trình quân sự của họ diệu kì đến nỗi chỉ sau một đêm, từ các vạch kẻ của đấu Đong Quân hôm qua, như có phép lạ, sáng nay đã thành những chiến lũy hình tròn như quả bầu xứ Lạng mà khi moi ruột phơi khô, có hể dùng để làm đàn then, một nhạc khí quen thuộc của nhân dân xứ Lạng. Từ trong lòng Thành Bầu là đường hầm ngầm bí mật thông với hang động trên núi đá điệp trùng chạy dọc bên bờ tây sông Thương. Thành Bầu tạo nên những quả đấm thép trên chiến ải cản phá và tiêu hao sinh lực giặc lúc ban đầu đang như thác lũ tràn qua. Nếu chúng chiếm được Thành Bầu nhờ ỷ thế quân đông thì, ôi thôi, chúng không có cánh mà bay hết. Khi chúng như con rắn bị đập trúng đầu, nhưng chưa chết hẳn, định quay đầu lại, đến Thành Bầu này thì chúng kinh hoàng nhận ra chính những địch thủ biến mất hôm nào, nay đã lại từ trong Thành Bầu tung ra những làn mưa tên độc, rồi đoản đao mã tấu, kiếm và thương sáng lóa chém lên đầu chúng. Cùng lúc, trên vách đá thâm nghiêm, ào ào những đạn đá, xối xả như mưa dội lên đầu chúng.
Tên nào còn sống sót thoát khỏi những Thành Bầu kỳ diệu nơi đây, chắc suốt đời cứ mỗi lần đềm xuống, nhắm mắt lại đã thấy những tử thần hình tròn như quả lửa đổ ập xuống đầu mà hét lên, rú lên trong hoảng loạn.
Tan giặc, các cụ ở khắp các bản làng gần xa, chọn những người con gái khỏe đẹp và giỏi việc nhất thay mặt dân bản, đem những đặc sản ngon nhất, quý nhất của quê hương mình kìn kìn đổ về Thành Bầu như trảy hội đưa đến trận tay những người chiến thắng chúc mừng họ. Nghĩa binh sau khi quét sạch giặc thù, theo phong tục đẹp vui và hào hùng, vào rừng chặt cây dựng thành hàng loạt những quán nhỏ, xinh, mái tròn, vách bằng cây trúc quay tròn bao quanh Thành Bầu, để đón tiếp những người con gái từ khắp mọi bản làng về chúc mừng chiến công của họ. Hội mừng công tưng bừng trong ánh lửa trại sáng đêm và tiếng đàn Then, tiếng hát Then, tiếng hát lượn, sli, rộn ràng.
Có lẽ từ những thành lũy quả Bầu và Đồn Thú mà nghĩa quân thông minh và dũng cảm đã tạo nên những vũ công thần kỳ làm cơ sở chắp cánh cho những chuyện huyền thoại về những nàng tiên trong đêm gánh đất về xây Thành Bầu…
Quán Bầu còn đó, Làng Đôn còn đây. Cứ mỗi bận xuân về, tối 30 tết, con cháu thường ngồi quay quần cùng các cụ quanh mâm cỗ đón xuân giữa Quán Bầu và làng Đồn, lòng tràn ngập niềm vui đi ngược thời gian sống lại những ngày hội mừng công thắng giặc thuở xưa.
Chương 41 – THÀNH KHO
Bao giờ Ngàn Hống hết cây(1)
Vực Bơi hết nước, kho này hết lương
(1)Ngàn Hống: Rừng đại ngàn chạy suốt từ Chi Lăng đến Hà Bắc. Cũng có người đọc: “Bao giờ Thái Hoa hết cây – Vực Bơi hết nước kho này hết lương” (Núi Thái Hoa gần đây là một phần của rừng Đại Ngàn).
Hai câu ca dao trên đã ngân vang từ bao đời, nay lại được dùng để ca ngợi sự giàu có của quê hương Việt Bắc qua hình ảnh Thành Kho.
Chưa biết chắc chắn Thành Kho được xây dựng từ đời nào, năm nào, chỉ có một điều chắc chắn là hệ thống kho tàng khổng lồ này, đời nối đời, nhân dân các dân tộc miền Bắc và Đông Bắc tổ quốc với lòng yêu nước nồng nàn, đã chở của về kho từ lon gạo nương trắng ngần thơm phức, đến mũi tên thanh gươm… tất cả đủ nuôi sống một đạo binh để chiến đấu lâu dài, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.
Lịch sử của dân tộc ta đã ghi lại chiến công chói lọi của những dân binh và những người lính trấn ải, con em yêu quý thuộc đủ thành phần các dân tộc nơi biên thùy đất nước.
Kho được xây dựng bên bờ Vực Bơi, liền với Biện Thự Xứ.
Chu vi kho chừng bốn cây số. Khu vực ngoài của kho được bao bọc bằng thành lũy hết sức kiên cố, gọi là Thành Kho. Thành Kho cao chừng mươi mét. Thân Thành Kho không rõ rộng chừng bao nhiêu mét nhưng trên mặt Thành, xe song mã của quan coi kho có thể phi nước đại, nghĩa là rộng chừng 4 đến 5m.
Hai bên Thành Kho, được xây dựng bằng mười ba loại gạch khác nhau. Loại nhẹ nhất cũng phải 3kg6, loại nặng nhất là 36kg8. Càng xây lên cao, gạch càng nhỏ dần. Giữa hai lớp gạch ấy là một lớp đất dày pha cát sỏi. Mặt Thành được lát bằng một lớp đá quí. Với thành lũy được xây dựng kiên cố như vậy nên trong suốt một quá trình lịch sử lâu dài, Thành Kho đã trở thành một chiến lũy vững như thép có thể ngăn chặn một cách có hiệu quả, bước tiến ào ạt của giặt trong những ngày đầu giữ nước.
Có lẽ vì thế, cả khu vực kho tàng đều được nhân dân gọi chung bằng hai tiếng “Thành Kho”. Thành Kho vừa là niềm tin, tự hào, kiêu hãnh về tài năng kiến trúc quân sự tự vệ của nhân dân và binh lính các dân tộc, vừa là niềm tự hào về những chiến công trên Thành Kho, khi cản giặc và khi giết giặc.
Trong Thành Kho, hàng trăm nhà kho cũng được xây dựng hết sức kiên cố. Với mười ba loại gạch trên, tường kho được xây dựng sâu trong lòng đất chừng 2 đến 2,5m. Tầng dưới tạo thành một hầm ngầm bí mật, hết sức kiên cố. Hệ thống hầm kho này thông suốt nhau, đến Thành Kho và có lối thoát lên núi để vừa bảo vệ được của cải khi bình, vừa chống giặc khi biến. Khi biến, toàn quân và toàn dân sẽ chuyển lương thực và vũ khí trong kho theo đường ngầm bí mật phân tán hết vào núi rừng. Cả một hệ thống kho tàng sau khi chuyển hết của cải, lại trở thành pháo đài chống giặc.
Nếu thế giặc mạnh tràn qua Thành Kho, và tới kho, thì cũng chỉ là những nhà kho trống rỗng, không một bóng người, “họ” đã biến mất.
Cả một hệ thống nhà kho được xây dựng giống nhau kẻ lạ vào như mù mắt. Nhờ vậy, ta đã bắt được khá nhiều kẻ gian lọt vào dò xét ban đêm mà sáng ra chưa tìm được lối thoát thân.
Các cụ kể lại rằng: Cách đây vài chục năm, Thành Kho đã hư hỏng rồi, thế mà hươu, nai đêm mò xuống ăn cỏ, trời sáng không tìm được lối ra để về rừng, cứ quanh quẩn trong kho cho đến khi bị ăn đạn, “nhảy” vào “chảo mỡ”.
Di tích còn lại của Thành Kho cho đến bây giờ còn làm cho chúng ta bồi hồi, xúc động trước công trình xây dựng khổng lồ và rất đặc biệt của ông cha xưa. Những viên gạch nằm sâu trong lòng đất đã hàng chục thế kỷmà vẫn còn đỏ au, kêu coong coong khi dùng đá gõ vào. Những viên gạch quí giá đó đã và đang được bao quanh bằng những căn nhà ngói đỏ xinh xinh của làng xóm Chi Lăng.
Rải rác đó đây, ta còn thấy dấu vết của những lò gạch nhỏ từ 5 đến 20 viên, loại gạch xây kho.
Có lẽ xưa kia, ông cha ta đã tập trung hàng vạn người lại. Mỗi người lo một lò nhỏ, góp gió thành bão, để xây nên công trình khổng lồ đó.