Kỳ tích Chi Lăng - Chương 33 - 35

33 – ĐỀN HỔ LAI

Ngay cửa làng Cóc, cách đầm lầy Mã Yên chừng mười hai cây số, có một ngôi đền cổ kính, gọi là đền Hổ Lai (nghĩa là hổ sẽ quay lại).

Tương truyền rằng:

Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, giải phóng đất nước, dưới bóng cây si rợp bóng ở cửa làng Cóc, một quán hàng mọc lên, chủ quán hàng nước là một cụ già, tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn vì tuổi tác. Tuy vậy, cụ già vẫn luôn vui vẻ, đôn hậu và độ lượng. Không ai rõ tung tích của bà già chủ quán, song người trong vùng ai cũng đoán rằng: chắc chồng con gia đình cụ bị giặc giết hết, không chịu nổi, phải bỏ quê hương đến đây. Bởi thế, cụ rất quý trẻ nhỏ, có gì cho nấy, dân bản đi làm nương qua quán cụ uống nước cụ không lấy tiền. Người trong vùng quý mến gọi cụ là già quán. Giặc Minh lúc đó bị đánh tả tơi khắp nước. Ở vùng này, chúng cũng phải chui vào hầm cố thủ, dân binh hoạt động mạnh. Dân bản từ rừng sâu kéo về làng bản cũ làm ăn. Rồi viện binh Minh sang. Già quán vẫn ung dung ngồi bán hàng nước tại đó. Đến ngày mười tháng mười năm 1427, ngay từ mờ sáng, già quán đã thổi lửa, ấm nước chưa sôi thì từ phía Bắc, tiếng chiêng, trống hò reo đã vang động cả núi rừng.

- Chúng nó đến! Già quán lẩm bẩm và đánh thức một em bé chừng mười ba mười bốn tuổi dậy. Không biết cậu bé này từ đâu lạc đến, bấy nay được già quán nuôi dưỡng và yêu thương như cháu ruột. Lanh lợi nhưng ít nói, đôi mắt lúc nào cũng sáng, cậu tỉnh dậy như sáo, nhanh nhẹn giúp bà bày hàng. Quân giặc tràn đến thì quán hàng của già quán cũng đã được bày ra sạch sẽ, tinh tươm. Già quá ra tận giữa đường mời tướng sĩ “thiên triều” vào uống nước. Những khuôn mặt đỏ gay vì mệt mỏi sáng lên trước những bát chè sóng sánh bốc khói thơm. Những con ngựa chiến sùi bọt trắng hai mép được nghỉ, hí lên mừng rỡ. Giặc uống nước và bóc bánh ngai ngấu nghiến, bỗng tiểu tướng hét lên một tràng ghê rợn… Bọn lính răm rắp tỏa ra hai bên đường, đứng ngang đầu ngựa, nghiêm trang chờ đợi, gươm tuốt trần. Từ phía Bắc, một đoàn người, ngựa trống chiêng gươm giáo hộ tống một cỗ kiệu lớn đang từ từ đi tới. Già quán không bỏ sót chi tiết nào: Chiếc kiệu sơn son thiếp vàng, đầu kiệu có ba con rồng chồng lên nhau ở mỗi bên trông thật oai phong. Lầu kiệu hình chữ nhật, có bốn cửa tròn buông rèm thêu kim tuyến. Giữa bức rèm, có hai con hổ ngồi chầu, thêu nổi rất công phu. Tất cả các chi tiết đều được chạm trổ rất tinh vi. Khi kiệu đến gần quán nước, hai hàng kỵ binh đứng chào, rồi kiệu từ từ hạ xuống. Từ trong kiệu, một viên tướng mặt đỏ gay vén rèm bước ra. Hắn mặc áo lụa trắng, quần lụa trắng, chân đi hài đỏ, đầu đội mũ đỏ có thêu hai đầu hổ chầu màu vàng đen, tay cầm quyển sách dày (chắc là binh thư). Viên tướng trông thấy mái đầu bạc của già quán, bước tới khẽ nhếch mép cười, mắt tối như cửa hang hổ:

- Bọn giặc cỏ có đông không? Bà lão biết chúng ở đâu thì chỉ đường cho tướng quân, sẽ được trọng thưởng.

Già quán điềm nhiên trả lời:

- Chỉ có vài chục đứa, chạm vào uy phong của tướng quân, vừa rút vừa chạy qua đây, mặt còn sợ xanh như chàm đổ, không biết chúng phiêu dạt về đâu.

Viên tướng quân sảng khoái, cười ha hả.

Già quán nghĩ rằng hắn coi trời không bằng cái dĩa sành đựng dưa.

Viên tướng rút kiếm lệnh, chỉ về ải Chi Lăng, gầm lên:

- Hừ! Lũ giặc cỏ, liệu có đứa nào to gan lớn mật dám núp lại nơi chiến lũy kia chăng? Ta sẽ cho vó ngựa xé tan thây quân bay! Hãy nhìn xem kia là ải Chi Lăng, đất sỉ nhục của tướng sĩ ta ngày xưa đấy nhưng vó ngựa của ta sẽ đóng son trên đất đó ngay bây giờ. Quân bay, hãy nghe đây: Truyền cho đại quân dừng lại nghỉ ngơi lấy sức, còn quân kỵ theo ta qua lấy ải Chi Lăng mở tiệc khao quân rửa nhục cho lịch sử thiên triều trên đất này thuở trước.

Ba quân dạ ran, chiêng trống nổi lên ầm ầm. Các tướng hầu tíu tít mặc áo giáp, đội mũ chiến cho viên tướng. Chiếc áo chiến khoác ngoài hồng bào đỏ rực rỡ có thêu song hổ phù, một con ngựa chiến vằn đen trắng được dắt đến cạnh viên tướng. Già quán đưa mắt cho em bé. Em ra sau quán, lẩn vào rừng biến mất. Viên tướng lên ngựa rút kiếm lệnh ra quân. Đoàn quân hò reo, phi ngựa tràn vào cửa ải.

Già quán nghĩ: Liễu Thăng đấy, đúng là con hổ rồi, tưởng mày có gan nằm trên kiệu vào phá ải, hóa ra cũng sợ chết như ai… Không biết cháu bà có kịp báo tin không nhỉ? Già quán nhìn về cửa ải lo lắng. Đoàn kỵ binh giặc tung vó ngựa, bụi mù đường. Có lẽ chúng đã vào hết trong trận đồ của ta rồi sao mà không thấy động tĩnh gì sất? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy vào trái tim già nua của già quán. Già quán rút ra ba nén hương cắm lên bát hương giữa lều, lầm bầm khấn vái, cầu trời đất phù hộ độ trì cho quân ta đại thắng, rồi bỗng mặt già quán giãn ra, hồng lại, mắt già chớp chớp sáng lên, già ra cửa quán lắng nghe:

- Đúng rồi! – Già quán reo lên. Tiếng quân ta hò reo vang dậy từ của ải vọng lên. Em bé từ trong rừng chạy bổ về nắm chặt hai bàn tay run run của bà, mổ hôi ướt đầy mặt, em vừa thở, vừa cười, hở ra hai hàm răng trắng, mắt sáng rực lên lạ lùng.

- Chúng nó… Chúng nó…

Em nói đứt đoạn thì thở dốc. Già quán ôm chặt em vào lòng, hôn lên vầng trán đẫm mồ hôi của em, giọng âu yếm:

- Cháu bà giỏi quá! Cháu báo thế nào nói lại bà nghe nào!

- Cháu bảo nó mặc áo giáp có hai con hổ châu đầu vào nhau, thanh kiếm có chuôi vàng nạm ngọc xanh cưỡi con ngựa vằn…

- Giỏi, giỏi lắm! Già quán càng siết chặt em bé trong vòng tay run rẩy… Bỗng em bé vùng khỏi tay bà hét lên:

- Ối! Bà ơi! Con hổ quay lại, con hổ quay lại, hổ lại… hổ lại…

Từ phía cửa ải, có người cưỡi ngựa hồng tay ôm đầu, tay gò cương đang phi ngược lại quán hàng.

- Đúng con hổ lại rồi nhưng không phải là con ngựa vằn bà ạ!

- Chạy lên Sao Thượng báo lại ngay – già quán hét lên lạc giọng. Chú bé lại chạy biến vào rừng…

Con ngựa hồng lao đến cửa quán cứ quay tròn, quay tròn, hí lên giận dữ, không chịu đi nữa. Trên lưng ngựa, viên tướng thở hồng hộc, ruột lòi ra, áo giáp thủng lỗ chỗ, đẫm máu, bàn tay viên tướng bưng mặt cố giữ lấy cái đầu chưa rơi xuống. Viên tướng hỏi bà lão, giọng rền rĩ:

- Bà lão ơi! Bà lão giúp tôi, công bà sẽ to hơn thiên tử. Người tài bị chém đầu, liệu có chết không? Có chết không…? Người quân tử…

Già quán quắc mắt, điềm nhiên trả lời:

- Đã là dân đen hay quân tử, hoặc những bậc tài ba, nếu làm việc bất chính hại người, dối thiên hạ, tàn ác, háo danh thì đã chết từ khi mới ra khỏi bụng mẹ kia rồi, phải đâu chờ đến khi bị chém đầu! Còn những ai khi làm việc ích nước thương đời thì đầu đã rơi xuống đất, họ vẫ chẳng bao giờ chết, họ vẫn sống mãi với dân với nước.

Nghe vậy, viên tướng nắm lấy chỏm tóc của mình quẳng đầu vào gốc si già, lăn mình khỏi ngựa, giãy đành đạch trên khoảng đất trũng. Đó là Liễu Thăng.

Vừa lúc đó, Đại Huề cũng phóng ngựa như bay từ Sao Thượng đến đón đầu, ngồi trước ông, trên mình ngựa là em bé của già quán. Đại Huề bế già quán lên ngựa, đưa cương cho chú bé.

Con ngựa hồng thấy Đại Huề, hí lên vui sướng chạy bổ đến bên ông, giụi giụi cái mũi đen bóng ướt vào cánh tay ông. Bấc giác ông kêu lên: ngựa chú Liệu!

Ông vội xách cái đầu Liễu Thăng lên ngựa cùng già quán và em bé phi về cửa ải. Liễu Thăng đã cướp ngựa Hoàng Đại Liệu tháo chạy nhưng làm sao mà thoát được nổi.

***

Về sau, nhân dân ta đã lập đền thờ già quán trên nền quán cũ để ghi nhớ công lao người nghĩa binh cao tuổi, giàu lòng yêu nước. Đó là đền Hổ Lai. Ngay trước cửa đền, chếch về phía nam một chút, dưới miếng đất trũng là hình Liễu Thăng hóa đá. Hắn nằm úp sấp, ruột lòi ra, cái cổ không đầu, trơ trụi.

34 – TỪ ĐỒNG BÀNH ĐẾN BA ĐÀN, QUÁN THANH

Rồng bay, phượng múa Đồng Bành

Ba Đàn quỷ đột Quán Thanh hổ chầu

Câu ca dao trên cứ ngân vang mãi trong tâm hồn người Lạng Sơn qua bao thế hệ mỗi lần nghĩ đến địa thế Chi Lăng.

Đồng Bành có núi Giữa giống như một chiếc bành voi khổng lồ mà các tượng binh nổi tiếng của ta xưa, về đây nhận lệnh rồi “cùng nhau lên bành voi”, phất cờ, vung thương xung trận. Quanh núi Giữa, núi tiếp núi trập trùng như bát úp phía tây tạo nên con rồng bay và phía đông, tạo nên con phượng hoàng đang xòe đuôi, giang cánh múa.

Ba Đàn nằm giữa nhưng dãy núi kế tiếp nhau, tạo thành những khe, dọc sâu thẳm chạy tít lên cao và mất hút trên rừng Đại Ngàn. Những quả núi nằm dài, như những con quỷ dữ dằn, thầm lặng, bí hiểm như trong truyền thuyết quỷ thần: đó là Quán Thanh nằm giữa núi Hàm Quỷ phía bắc và núi Phượng Hoàng phía nam như con Hổ chầu mặt Nguyệt. Cửa chính của Vọng Các Đài là nơi Nguyễn Trãi xưa từng ngồi vỗ gối suốt đêm nghĩ suy những điều tâm huyết để đền nợ nước trả thù nhà.

Đấy là nói về địa thế. Giấu trong địa thế thiên nhiên liên hoàn tạo thành một kỳ quan đó là nội dung của một chiến thuật kì diệu của ông cha ta xưa.

… Vâng mệnh của bộ chỉ huy tối cao nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lựu một vị tướng trẻ giàu mưu kế và dư ý chí chiến đấu của ta có nhiệm vụ vừa đánh nhử địch lọt vào trận đồ mai phục của ta, vừa phải kích động đến cao độ tính kiêu căng, xem thường đối phương của viên nguyên soái An Viễn hầu họ Liễu lừng danh của giặc. Đánh thế nào để nhử mà giặc không nghi, nếu giặc nghi thì lấy nghi mà trị giặc, nghĩa là biết lấy nước mà trị lửa, lấy lửa mà trị lửa. Làm xong việc lớn ấy thì sẽ có lệnh mới.

Với tài thao lược và lòng quả cảm của mình, Lê Lựu đã cùng nghĩa sĩ chiến đấu ngoan cường, chặn lại từng bước tiến đang như thác lũ của mười vạn tinh binh giặc suốt từ Pha Lũy đến Khâu Ôn rồi hội quân ở Khâu Ôn, củng cố lực lượng, dựa vào thành lũy đón giặc tràn đến lại đánh để tiêu hao sinh lực giặc. Giặc tràn vào thành Khâu Ôn, Lê Lựu lại chỉ huy nghĩa sĩ đánh từ Khâu Ôn vào Ai Lưu, lại hội quân củng cố lực lượng kêu gọi tinh thần xả thân vì xã tắc của nghĩa sĩ, giặc ào tới, lại đánh. Thế giặc đang mạnh, chúng tràn vào thành Ai Lưu.

Sầm tối ngày mồng chín tháng mười, sau hai ngày đêm chiến đấu ngoan cường, nghĩa quân ta rút về đến Đồng Bành, chiếc áo giáp của tướng quân Lê Lựu đã thủng lổ chổ bởi những vết gươm đâm thẳng, cả phần chỏm chiếc mũ chiến của ông bay đi lúc nào cũng không rõ, chỏm tóc trên đỉnh đầu cũng bay theo, máu đã khô quánh trên chóp đầu vị tướng quân dũng mãnh. Đúng lúc đó, một con ngựa lệnh từ phương nam, phóng như bay về Đồng Bành, người kỵ binh truyền lệnh nhảy phắt xuống đất, đứng nghiêm trước mặt Lê Lựu – thở hồng hộc – sạp xuống, hai tay dâng lên trước vị tướng trẻ, phong lệnh của bộ chỉ huy tối cao còn thơm mùi nhựa mới gắn.

Xem lệnh xong, Lê Lựu liền nhận được tin thám báo của ta báo về:

Liễu Thăng tuyên cáo với các tướng sĩ của hắn rằng: Sáng mồng mười sẽ chiếm ải Chi Lăng trong nháy mắt.

Sau khi họp mặt chớp nhoáng với các tướng sĩ thân tính, Lê Lựu truyền lệnh hội quân và tuyên bố:

- Nhân danh bộ chỉ huy tối cao, Thần, Ức Trai, ban khen tướng sĩ ta trong hai ngày qua đã đánh giỏi, nay trước khi vào trận mới được mở tiệc khao quân, hãy đốt lửa lên cho nghĩa sĩ dự hội rồng bay phượng múa đất này. Liễu Thăng có giỏi, hãy dẫn xác đến đây mà nạp mạng!... Không giết được soái Liễu, chúng ta thề không nhìn thấy đất, trời non sông gấm vóc này…

Trong khi đó, nhận mật lệnh của Lê Lựu, các nghĩa sĩ coi tù của ta vừa uống rượu vừa giả say để cho một số thám tử của giặc bị ta bắt, thừa cơ trốn thoát. Số thám tử của giặc trà trộn vào dân ta chạy giặc theo đường vừa đánh vừa lui của đạo quân Lê Lựu, mặc dù bị phát giác, nhưng mật lệnh của Lê Lựu chưa cho bắt, để chúng đem tin quân ta hội quân ở Đồng Bành chặn giặc về cho chủ tướng chúng nó.

Nhận được mười tin, giống nhau cả mười, Liễu Thăng đùng đùng nổi giận, rút kiếm lệnh nguyên soái ra, chỉ lên trời và thề rằng:

- Ngày mai không chém đầu được tên tướng nhãi nhép Lê Lựu hèn nhát, khinh mạn và hỗn láo kia, ta không nhìn thấy các ngươi nữa…

Lời thề của Nguyên soái An viễn hầu chưa dứt thì đầu ngài lìa khỏi cổ, lăn trên mình ngựa chiến chiến rơi “bịch” xuống đất Chi Lăng và Lê Lựu đang cùng với Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Lê Vấn, Đại Huề… và các nghĩa sĩ reo hò chúc mừng chiến công của “Quỷ đột Ba Đàn”, những kỵ binh áo đỏ như từ trên trời rơi xuống, phóng như bay vào hàng ngũ quân thù, chém chúng như phạt chuối. Còn nhứng con mãnh hổ Quán Thanh bất thần, như từ dưới đất chui lên thành trăm nghìn con mãnh hổ, vây chặt lấy quân thù mà băm vằm tơi tả. Chính chiến trường là nơi:

Rồng bay phượng múa Đồng Bành

Ba Đàn quỷ đột, Quán Thanh hổ chầu.

35 – ĐỘNG MỒ(1)

(1)Động Mồ: Theo tiếng dân tộc địa phương, động là rừng, mồ là mả, nghĩa là rừng mồ mả. Trước đây, chính xóm Động Mồ xã Quang Lang ngày nay, xác giặc Minh chết chồng đống lên nhau dưới lưỡi gươm của Đại Huề và nghĩa sĩ của ông.

Cuộc tử chiến diễn ra và kết thúc nhanh đến nỗi chính Đại Huề cũng không lường trước được. Ông tra gươm vào vỏ, gò cương quay ngựa, phóng tầm mắt về phương nam, xác người, ngựa, giặc nằm ngổn ngang, chồng đống suốt mấy dặm dài. Trong lòng ông bỗng dâng lên nỗi nhớ Ức Trai đến cồn cào cả ruột. Ông nghĩ:

- Nhận được tin quân ta đã chém lìa đầu viên hổ tướng lừng danh thiên triều này, chắc Bình Định Đại Vương và Ức Trai vui mừng khôn xiết. Bên tai Đại Huề như vẫn còn vang lên tiếng nói thiết tha, da diết và xao động lòng người của Ức Trai thuở ấy… – Trời đất đã sinh ra núi sông hiểm yếu này giúp ta giữ gìn xã tắc, Nguyễn Trãi tiên sinh vẫn còn đó, Huề và các nghĩa sĩ vẫn còn đây, kẻ thù đã phơi thây trên mảnh đất này. Con rắn độc khổng lồ đã bị đánh đòn thứ nhất dập đầu, đang quằn quại. Hỡi phó tướng Lương Minh, hỡi Thôi Tụ đô đốc và cả tên Thượng Thư Lý Khánh nữa, chúng bay còn nắm trong tay hơn tám vạn tinh binh nữa, cứ dẫn xác về đây, đất này đang chờ đón…

Đại Huề truyền lệnh thu quân chuẩn bị cho trận đánh mới.

Trong rừng sâu, nơi ông hội quân sau trận đánh, các nghĩa sĩ tung hô ông, bà con làng bản từ trong hậu cứ khe sâu, hang động kìn kìn đổ từ mọi nẻo đổ về, hô hét vang rừng, vẫy chào ông và các nghĩa sĩ dân binh thân yêu của họ, nào gánh, nào mang, vác ra đủ thứ bánh, thịt rượu để khao quân.

Từ trong đám đông dân bản, Đại Huề nhận ra ngay người vợ hiền đôn hậu của ông, bà đang dẫn đầu các bà, các bá chia bánh và thịt cho các nghĩa sĩ, khuôn mặt tròn, đôi mắt to sáng lúc nào cũng ánh lên những tia sáng bao dung, hiền dịu. Những giọt mồ hôi chảy tràn, lấp lánh trên trán, trên má xuống cằm, chốc chốc bà lại nghiêng mặt, kín đáo gạt nhẹ những giọt mồ hôi trên cằm, qua cánh tay áo chàm xứ sở. Tay bà vẫn thoăn thoắt trao cho các nghĩa sĩ hết dậu(2) bánh này đến dậu khác. Lo cho các nghĩa sĩ xong một lượt, bà bươn tới ông, mặc dù sắp đến ngày ở cữ, bà vẫn đi nhẹ nhàng, nhanh nhẹn và chắc chắn, chiếc khăn chàm trên đầu bay bay, tay phải cầm bánh, tay trái cầm gói thịt nai nướng còn thơm mùi “Kinh sa”(3). Bà nhìn chồng mỉm cười… Cầm trong tay chiếc bánh “Cốc mò”(4) và gói thịt còn ấm nóng của vợ trao cho, lòng Đại Huề bỗng tràn dâng một tình thương da diết, ông lựa lời khuyên vợ:

(2)“Dậu” giống như cái bồ thu nhỏ có hai quai dùng gánh thóc ngô, đỗ hoặc xôi thịt, bánh trái đi đường xa.

(3)“Kinh sa”: Một loại dừng hoang, mọc trên núi đá cao, dùng làm thuốc, đặc biệt là ướp thịt hoặc làm nước chấm thì ngon tuyệt, ăn một lần là nhớ mãi. Loại gừng này không trồng ở nương bãi, đồi núi đất được.

(4)“Cốc mò” là thứ bánh giống như chiếc sừng bò gói bằng nếp cái, nhân lạc, hoặc đỗ, dùng cho người đi đường xa, để được lâu, ăn ngon.

- Nhà sắp ngồi rồi, nên lui sâu vào cứ thôi, việc quân biến hóa bất kỳ, tôi e lúc đó, nhà rút không kịp…

- Ông cứ bình tâm cùng anh em lo việc đại sự, việc bà con chị em tôi là việc nhỏ mọn, có sá gì. Tôi khắc lo được.

Đang lúc ấy có tin cấp báo: Phó tướng Lương Minh, sau cơn hoảng loạn, đã củng cố đội ngũ, khích lệ tướng sĩ, bắt đầu ra quân.

Đại Huề truyền và tự mình bố trận bày binh. Cùng lúc, ông tung thêm thám tử lên mạn bắc nắm tình hình giặc và cử người phi ngựa về nam báo cáo tình hình cho bộ chỉ huy tối cao.

Tuy đã bị một đòn phủ đầu sấm sét nhưng vốn ngông nghênh và ngạo mạn, ỷ thế đông, chúng đẩy vào lưng nhau, từ Ai Lưu tràn xuống như lũ tháng bảy. Vừa chạm chân đến đất Quang Lang, cả một đạo quân khổng lồ khựng lại như dòng thác gặp tảng đá to bẩy hất lên cao những cột nước lớn đổ xuống tung tóe ra tứ phương, ấy là lúc những đội kỵ binh áo đỏ bất thần từ khe dọc, rừng sâu ào ra như cơn lốc, băm nát đội hình địch như ta chặt một khúc rắn, một phát pháo lệnh từ đỉnh núi cao ầm vang, tức thì mặt đất rung chuyển, quân mai phục của ta như có phép lạ, từ dưới đất hiện lên, những đường gươm sáng lóa.

Trận tử chiến giáp lá cà suốt từ nửa buổi sáng đến xế chiều ngày mười hai tháng mười mà cả một đạo quân ngót chục vạn tinh binh chưa qua nổi đất Quang Lang. Đến đây nhiệm vụ đánh, cản bước tiến, tiêu hao sinh lực địch của Đại Huề và nghĩa sĩ của ông đã được hoàn thành xuất sắc. Ông truyền mật lệnh lui quân để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng nay mai quét sạch bọn giặc thù. Đúng lúc đó, ông nhận được tin cấp báo:

- Đội hậu cần cuối cùng của ta chưa kịp rút đã bị một đạo quân tiên phong của địch bao vây ở khu rừng phía tây Làng Chung.

Nghe tin xong, đầu Đại Huề như có lửa đốt, tim ông nhói đau. Trực tiếp chỉ huy các mũi rút lui an toàn, thừa lúc địch đang bàng hoàng, ông dẫn đội cảm tử lao vào phá tan vòng vây giặc.

Bên dưới gốc cây kháo cổ thụ, người vợ hiền của ông đang tựa vào thế thủ, tay phải cầm thanh gươm vung lên, vết thương do kẻ thù chém vào vai trái bà đang chảy máu. Bà nhìn ông, mắt sáng long lanh, nén cơn đau của vết thương, mỉm cười…

Đại Huề xốc vợ lên vai, rút tấm ván nắp hầm độn thổ che sau lưng bà làm lá chắn đề phòng giặc đâm thương từ phía sau, phốc lên mình con chiến mã, chỉ huy đội quân cảm tử lao thẳng vào vòng vây trùng điệp của quân thù đưa đội quân hậu cần gồm những nữ binh thân thiết của ông rút lui an toàn.

- Nhà có đau lắm không?

- Tôi không đau, nhưng mệt, chỉ tiếc là làm bận tâm ông và không giúp thêm ông được đường gươm hiểm lúc này…

Đến đỉnh Đèo Ý, Đại Huề truyền lệnh dừng chân nghỉ sức. Các nghĩa sĩ lao đến đỡ ông xuống ngựa, những vòng dây buộc được tháo ra. Trái tim yêu thương và quả cảm của người vợ hiền yêu quý của ông đã ngừng đập…

Đại Huề nấc lên, mắt hoa, tai như không còn nghe được gì nữa, lòng đau thắt, chân tay tê dại… Vẳng đâu đây còn vang lại tiếng nói cuối cùng của người vợ hiền yêu dấu:

- Tôi không đau, không mệt, chỉ tiếc…

Các nghĩa sĩ cũng nấc lên, họ dìu ông xuống dòng suối, ngâm hai bàn tay khô cứng máu thù xuống nước mát quê hương. Các nghĩa sĩ nam nhẹ nhàng vuốt từng ngón tay đã tê cứng của ông sau một ngày vung gươm chém giặc, rồi gỡ hai thanh kiếm ra khỏi tay ông…

Các nghĩa sĩ gái cũng đang làm việc ấy cho vợ ông, đôi bàn tay dịu dàng của họ đang vuốt mắt cho bà, đặt thanh kiếm nằm bên cạnh bà, đưa bà lên đỉnh đèo cao Pắc Piêng, nơi người liệt nữ quê hương an giấc ngàn năm…

Hơn năm thế kỷ trôi qua, thế mà hôm nay, mỗi lần về tại xóm Động Mồ, vượt đèo Ý lên đỉnh Pắc Piêng cắm nén hương trên miếu thờ bà Đại Huề, chẳng ai không kính cẩn nghiêng mình trước tấm gương chiến đấu sáng ngời ấy và hẳn là lòng sẽ trào dâng niềm tự hào vô hạn…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay